Books are the compasses and telescopes and sextants and charts which other men have prepared to help us navigate the dangerous seas of human life.

Jesse Lee Bennett

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Ngô Tín
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1151 / 3
Cập nhật: 2016-02-22 20:56:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15: Niềm Vui Đến Từ Lâm Hạnh Hoa
gày tám tháng Năm là một ngày bình thường, sau bảy ngày nghỉ đô thị trở lại với tiết tấu vốn có của nó. Chín giờ sáng, Triệu Ngư lái xe đến nhà xuất bản. Đây là nhà xuất bản quy mô không lớn nhưng hiệu quả kinh doanh khá tốt. Lý Tiến, giám đốc nhà xuất bản là người nổi danh trong làng xuất bản, anh rất nhạy bén trong lĩnh vực kinh doanh, có quan hệ rộng rãi với bạn hàng, còn đối nội thì nghiêm khắc, luôn tỏ rõ uy quyền, nói một là một, hai là hai. Dưới quyền anh có một đội ngũ cán bộ có khả năng làm việc độc lập, Triệu Ngư là một trong số đó, đã trụ vững trong nhà xuất bản suốt mười năm nay. Điều Lý Tiến cảm thấy ân hận là Triệu Ngư trước sau chỉ muốn làm một cán bộ cấp phòng, không có ý định phấn đấu vào ê kíp lãnh đạo. Lý Tiến đã thử thăm dò, thuyết phục, gây ảnh hưởng cho Triệu Ngư nhưng rốt cuộc vẫn là con số không. Triệu Ngư có cách nghĩ và lối sống riêng của mình, điều đó Lý Tiến thấy rất rõ. Mặc dầu Lý Tiến bận rộn trăm công ngàn việc, phải xử lý không biết bao nhiêu công việc trong ngày nhưng chắc chắn sẽ có một ngày anh cảm thấy nhàn rỗi. Người đàn ông đắm mình trong sự nghiệp, say sưa với những thành tích và quyền uy sẽ phải đối mặt với một mối hiểm nguy. Nói theo cách của Triệu Ngư thì trong sự thành công ẩn chứa một cái gì đó thật nguy hiểm. Bận rộn vẫn chỉ là sự biến tướng của hư không. Người bận rộn thường bị hư không đánh bại, hiện tượng này rất phổ biến ở Trung Quốc ngày nay. Vì thế điều quan trọng là phải biết quan sát cuộc sống, biết tu dưỡng nội tâm. Nhưng, những cái mà từ tu dưỡng đề cập đến lại quá nhiều. Với những người giàu có thì cái gọi là nâng cao chất lượng cuộc sống phải là chất lượng con người. Nếu xa rời tiền đề này mọi cái gọi là chất lượng cuộc sống đều phải xem xét lại, đều phải đánh dấu hỏi.
Triệu Ngư không bao giờ tự vỗ ngực khoe khoang mình là anh hùng trong cuộc sống đương đại nhưng quả thật anh đã dành được sự kính trọng của một số bạn bè, đồng nghiệp và người thân. Việc đọc nhiều, suy nghĩ nhiều đã mở rộng tầm mắt của anh, biết nhìn xa trông rộng. Anh luôn trau dồi lối sống mẫu mực: luôn thực sự cầu thị trong công việc, không bao giờ vụ lợi về thành tích. Anh nhận thức sâu sắc rằng bản thân cuộc sống không bao giờ là kết quả, chỉ khi chết đi mới là kết quả duy nhất. Anh luôn cầu mong tiến bộ, chỉ mong cái hữu hạn của cá nhân được phát huy tới mức tối đa. Trầm tĩnh, ôn hòa, không khoe khoang, không ồn ào. Lý Tiến từ chỗ không hiểu đến chỗ nhận thức ra vấn đề: thì ra cuộc sống là muôn hình vạn trạng... Lý Tiến đã sử dụng cây đàn cũ gảy khúc tì bà, tình yêu giữa anh và Tề Hồng bắt nguồn từ tiếng đàn tì bà này. Lý Minh, cô con gái chưa đầy tuổi là nguồn vui vô tận của anh. Dù bận đến đâu, anh cũng dành thời gian để đọc, anh đã mua nhiều tạp chí để đọc và đặt chúng vào đúng vị trí cần có của chúng. Là giám đốc nhà xuất bản, anh bắt đầu chú ý đến những cuốn sách hay, năng đi tham quan những nơi danh lam thắng cảnh, kết giao với nhiều bạn bè ở bên ngoài...
Những chuyện về Lý Tiến không nhiều, mà chính Triệu Ngư mới là người nhiều chuyện.
Ngày tám tháng Năm là một ngày bình thường thậm chí rất bình thường đối với Triệu Ngư. Tuy nhiên cũng có một số việc anh không hề hay biết. Ví dụ việc Tôn Khánh Hải về Thành Đô, việc Thương Nữ gặp Tôn Khánh Hải chẳng hạn. Ngoài ra anh còn không biết có một bức thư gửi từ Nga Mi Sơn đến, vẫn nằm trong phòng làm việc chờ đợi anh, và chính bức thư này đã biến một ngày bình thường trở thành một ngày không bình thường.
Triệu Ngư vừa lái xe đến cơ quan, chưa kịp dừng xe đã có điện thoại gọi, đó là điện thoại của Trịnh thợ may. Người đàn bà ở thị trấn Cầu Khê chỉ cười trong máy, không xưng danh họ tên, chị ta muốn để Triệu Ngư đoán xem mình là ai. Triệu Ngư cười nói chị là Lương Ngọc Cầm phải không? Trịnh thợ may nói: Anh giỏi thật đấy, đoán ra ngay. Triệu Ngư hỏi còn chị Trịnh thợ may gần đây ra sao? Trịnh thợ may nói: Anh chỉ quan tâm đến Trịnh thợ may thôi, sao không hỏi thăm Lương Ngọc Cầm em lấy một câu. Triệu Ngư cười hỏi chị Lương Ngọc Cầm ơi, cửa hàng cá mè của chị hồi này làm ăn ra sao? Trịnh thợ may nói làm ăn rất tốt anh ạ. À này tại sao anh lại bảo cửa hàng cá mè là của em? Triệu Ngư nói: - Tôi nhầm rồi, tôi bị lẫn lộn giữa chị và Trịnh thợ may.
Hai người nói chuyện hồi lâu, Trịnh thợ may nói cho Triệu Ngư biết công việc mở cửa hàng ở Thành Đô tiến triển rất tốt, chị đã thuê một ngôi nhà ở đầu đường trong tiểu khu Ngọc Lâm, giá thuê nhà phải chăng, phố xá rất đông đúc. Gần đây chị thường xuyên phải đến Thành Đô, mong rằng nếu có thời gian Triệu Ngư đến đó góp thêm ý kiến cho chị. Triệu Ngư nhận lời ngay. Anh hỏi về tình hình Lương Ngọc Cầm, Trịnh thợ may nói Lương Ngọc Cầm làm việc rất chăm chỉ, tháo vát, rất có duyên với khách hàng. Sự có mặt của Lương Ngọc Cầm đã giúp cho cửa hàng lẩu cá mè làm ăn tốt hơn, Trịnh thợ may định tăng lương cho Lương Ngọc Cầm...
Triệu Ngư rất phấn khởi. Trung tuần tháng Tư, chuyến đi về Cầu Khê của Triệu Ngư thế mà được việc, đã giải tỏa được nỗi lo lắng cho bạn học cũ là Vương Đông. Lương Ngọc Cầm đã đoạn tuyệt với sự lười biếng và tư tưởng đứng núi này trông núi nọ. Bây giờ chị bận tíu tít suốt cả ngày. Còn Trịnh thợ may lại sắp tiến quân ra Thành Đô, chị sống rất vô tư, yêu đời, chỉ còn thiếu tình yêu...
Khi bước lên cầu thang, Triệu Ngư đã suy nghĩ về những chuyện này. Phòng làm việc của anh ở tầng sáu, nhưng anh không đi cầu thang máy. Sức khỏe của anh có thể lên đến tầng mười mà không hề mệt mỏi. Trời sinh ra đôi chân thì phải dùng nó để đi chứ. Trong thời buổi ngày nay, ai cũng muốn làm việc thật nhanh, phải theo kịp tiết tấu khẩn trương, theo kịp thời đại. Nhất thiết phải đi cầu thang máy, trước và sau lúc ăn cơm phải rửa tay, quần áo lót phải thay hàng ngày, ăn dưa hấu bằng tăm... Đúng là tay chẳng ra tay, chân chẳng ra chân, đại não giống như một cái máy tính, tim không đập, máu không nóng, vẻ mặt lạnh tanh, nụ cười giả dối, chỗ nào cũng toàn là cấp trên và cấp dưới...
Triệu Ngư cười. Đi bộ lên cầu thang không hề có cấp trên và cấp dưới, tất cả đều như nhau. Leo lên đến tầng bốn, anh dừng lại châm thuốc hút. Cầu thang không một bóng người, vắng tanh vắng ngắt. Bỗng xuất hiện một người từ tầng dưới đi lên, vỗ mạnh vào vai anh. Ô, thì ra là Triệu Yến. Triệu Yến có mái tóc rất đẹp, chị mặc quần bò, áo sơ mi cộc tay, đi giày thể thao trắng. Triệu Yến nói:
- Chào anh, hút thuốc ở đây là ô nhiễm không khí đấy.
- Sao hôm nay cô diện thế, chắc lại gặp ai phải không? - Triệu Ngư hỏi. - Nghe đâu chị Hà Tiểu Na có giới thiệu cho cô một bạn trai phải không?
- Hà Tiểu Na? - Triệu Yến hỏi.
- Chúng ta vẫn thường gọi là chị Hà, nhưng lão Tào lại gọi chị là Hà Tiểu Na.
- Lão Tào hết hơi rồi, hiện nay dư luận đều kịch liệt phản đối việc lão định lấy Hà Tiểu Na. Hễ lão đụng vào ai y như rằng người đó sẽ bị xui xẻo, thế có bực không chứ.
- Lão Tào làm như vậy là không đúng, tình yêu phải xuất phát từ lòng tự nguyện. Thôi thử nói về bạn trai của cô xem nào.
- Chưa thể gọi là bạn trai được, mới gặp nhau có một lần, tối mai sẽ gặp nhau lần thứ hai, anh có thể đi cùng em được không?
- Tôi đi cùng làm gì? - Triệu Ngư nói.
- Anh có đi không nào? - Triệu Yến hỏi.
- Không. - Triệu Ngư đáp.
- Nếu anh không đi thì không phải là anh trai em nữa.
- Té ra tôi là anh trai của cô à? - Triệu Ngư nói.
Triệu Yến ghé sát vào tai Triệu Ngư nói nhỏ:
- Kiếp này anh là anh trai, kiếp sau sẽ là bạn trai của em.
Cô gái mặt đỏ bừng. Cô làm việc ở tầng năm, phòng máy vi tính ở tầng năm. Cô là em gái kết nghĩa của Lý Tiến. Vì là hàng xóm của Triệu Ngư, nên cô thường xuyên đến gõ cửa nhà anh. Đôi khi đứng trước Triệu Ngư, mặt cô đỏ bừng, rồi bỏ chạy. Thực ra cô không sợ đỏ mặt vì năm ngoái hai người đã ngồi lì ở nhà cô suốt mấy tiếng đồng hồ, rồi bỗng ôm chầm lấy nhau. Sự việc diễn ra nhanh quá, khiến cả hai đều lúng túng. Hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè, lẽ ra cả ba yếu tố đó sẽ làm cho tình bạn trở nên thân thiết hơn, bây giờ chúng đã biến mất cả rồi. Hai người ôm nhau như hai khúc gỗ, người đàn ông vẫn là đàn ông, còn người đàn bà thì mặt nóng bừng bừng, tim đập thình thịch...
Xem ra tình hữu nghị cũng có lắm cái phức tạp, muốn phát triển tình hữu nghị, trước hết phải là tình yêu. Sau sự việc trên, hai người lại trở lại bình thường, vẫn là hàng xóm của nhau, hàng ngày vẫn gặp nhau. Khi người đàn ông vắng mặt, người đàn bà tỏ ra buồn rầu. Tuy nhiên cô vẫn không tránh khỏi đỏ mặt, nhưng mỗi khi đỏ mặt cô lại tránh đi nơi khác, đôi chân dẻo dai của tuổi trẻ... Rất có thể sau này gặp những trường hợp như vậy cô cũng quen dần.
Triệu Yến đi lên phòng máy vi tính ở tầng năm, còn Triệu Ngư lên phòng làm việc ở tầng sáu. Hai người cùng họ khác tên bước vào phòng làm việc riêng của mình.
Triệu Ngư lấy chìa khóa mở cửa phòng. Đã bảy ngày không đi làm, mặt bàn đầy bụi bặm. Anh lấy một xô nước và chiếc giẻ, lau sạch cả năm chiếc bàn. Một lão đồng chí đưa đến một tập thư. Các đồng sự lục tục kéo đến, tiếng nói cười râm ran. Bàn làm việc của Triệu Ngư hơi to, kê sát ngay cửa sổ. Trên bàn có hai máy điện thoại và một máy vi tính. Triệu Ngư tuy là cán bộ cấp phòng, nhưng được bố trí phòng làm việc khác hẳn với các đồng nghiệp cùng cấp.
Chín giờ rưỡi Triệu Ngư bắt tay vào việc giải quyết các công văn giấy tờ. Đúng lúc đó Lý Tiến gọi điện, thế là Triệu Ngư phải đến ngay phòng giám đốc. Rất nhiều việc ở cơ quan, Lý Tiến thường gọi Triệu Ngư lên để trao đổi và lắng nghe ý kiến của anh. Hai phó giám đốc và bí thư đảng ủy cơ quan cũng thường làm như vậy. Triệu Ngư là người có năng lực, lại có tấm lòng tốt, chỉ biết chuyên tâm làm việc, không hề sinh sự với ai bao giờ, nên mọi người đều không cần thiết phải đề phòng anh.
Mười giờ, Lý Tiến triệu tập cuộc họp các trưởng phòng. Như thường lệ, sau khi các bộ phận báo cáo tình hình, thủ trưởng đơn vị phát biểu, kết luận, bí thư và các phó giám đốc bổ sung ý kiến. Phong cách nói chuyện của Lý Tiến rất đỉnh đạc, rõ ràng, thực tế còn bí thư lại hay nói vòng vo, hay đi vào các chi tiết vụn vặt. Tấm khẩu hiệu cũ treo trên tường có tám chữ: "Đoàn kết, khẩn trương, nghiêm túc, linh hoạt". Triệu Ngư từng nhận xét tám chữ này phản ánh rất chính xác tâm tư tình cảm của cán bộ nhân viên cơ quan. Lý Tiến rất tán thành nhận xét đó của Triệu Ngư.
Gần mười một giờ cuộc họp mới kết thúc, Triệu Ngư trở lại bàn làm việc của mình, anh phải giải quyết hàng loạt các công văn giấy tờ kể cả các bưu kiện. Công việc hàng ngày của anh đều bắt đầu bằng những công văn giấy tờ này. Vừa bóc ba bức thư ra xem, đã lại nhận bốn cú điện thoại liên tiếp... Mười một giờ, các đồng nghiệp lục tục xuống nhà ăn, Triệu Ngư vươn vai, châm thuốc hút. Anh đã gọi điện cho Thương Nữ nói rằng trưa không về nhà. Anh ngước mắt nhìn làn khói thuốc bay lên không trung. Các bạn đồng nghiệp đều đã xuống nhà ăn ở tầng dưới. Riêng anh do thói quen vẫn nán lại để bóc tiếp mấy bức thư ra xem. Có một bức thư, phong bì màu trắng rất đẹp. Anh cầm bức thư lên xem, sắc mặt anh thay đổi hẳn, dòng chữ Hán viết trên phong bì làm mắt anh sáng lên.
Bức thư gửi từ Nga Mi Sơn đến, trên phong bì có đề rõ địa chỉ gửi:
Văn phòng công ty du lịch tỉnh thường trú tại Nga Mi Sơn.
Lâm Hạnh Hoa.
Triệu Ngư ngắm nghía bức thư, không nỡ bóc ra.
Những bức thư như thế này không nên bóc tùy tiện, anh lấy kéo cắt ở đầu phong bì. Trong thư có một bức ảnh, có lẽ ảnh đã chụp từ lâu rồi, kèm theo một lá thư viết bằng giấy mỏng. Triệu Ngư mở ra đọc. Bức thư chỉ vẻn vẹn bốn chữ: Không thể nào quên...
Triệu Ngư ngồi ngây người. Người đàn ông được ví như khúc gỗ đã lộ rõ nguyên hình tính cách của mình. Ngoài hành lang tiếng nói cười rộn rã, nhưng dường như Triệu Ngư chẳng nghe thấy gì hết. Khúc gỗ cũng chỉ là cách nói để chỉ phong cách biểu lộ tình cảm của một con người.
Không thể nào quên...
Ngay một câu thăm hỏi cũng chẳng có, chỉ có tên của hai người là Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa, tổng cộng trong thư chỉ có vẻn vẹn chín chữ. Không thể nào quên, một câu ngắn gọn hàm chứa nhiều ý súc tích. Câu nói đơn giản trở nên phức tạp, vừa hàm súc, vừa mông lung. Xem ra người viết cố ý giấu mọi xúc động nội tâm của mình.
Ngoài mấy chữ ngắn gọn ấy là những dấu hỏi, dấu chấm... Triệu Ngư không cần suy nghĩ thêm cũng rõ ý của người viết. Người đàn ông được ví như khúc gỗ chẳng còn thiết ăn uống gì nữa, anh quên cả hàm nghĩa của từ "ăn": Ăn... Ăn mang ý nghĩa gì? Người Mi Sơn thường có câu nói hình ảnh: Chỉ nhìn cũng đủ no rồi.
Một khi tâm hồn thanh thản sẽ cảm thấy no. Lúc này trong lòng Triệu Ngư vô cùng phấn chấn nên chẳng biết đói là gì.
Bức ảnh nhỏ chụp cảnh mấy thửa ruộng, một nhà vệ sinh, phía sau nhà vệ sinh là làng mạc. Trên con đường nhỏ là chiếc xe khách đã dừng lại để hành khách xuống xe đi vệ sinh. Ảnh được chụp từ phía sau lưng nên rất tiện lợi cho mọi người. Tiện lợi ở đây được hiểu theo nghĩa: đi tiểu tiện lợi. Nhưng tiền đề của tiện lợi lại là bất tiện cho những ai có thói quen bừa bãi. Tiện lợi ở chỗ nam giới không nhìn thấy chỗ đi tiểu của nữ giới và ngược lại nữ giới không nhìn thấy chỗ đi tiểu của nam giới. Nơi này được gọi là nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh có ngăn cách rõ ràng giữa bên nam và bên nữ. Ý nghĩa của từ không nhìn thấy ở đây là: Không nhìn thấy tận mắt như cởi quần, vén quần cho đến khi mặc lại quần chỉnh tề. Việc ăn mặc chỉnh tề lúc đi vào và lúc bước ra khỏi nhà vệ sinh là hợp tình hợp lý, ai cũng thừa nhận. Đây chính là sự khác biệt giữa người và động vật. Căn cứ vào tiêu chí đánh giá này, mọi người đều có quyền bình đẳng, đều là những con người cần đi vệ sinh. Song trong điều bình thường ấy đã xuất hiện những động tác lố bịch. Giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đám đông, có người đã thản nhiên tụt quần hoặc kéo khóa quần. Cử chỉ ấy được mọi người nhìn nhận theo một nghĩa khác. rất có thể trong quần lót của anh ta còn đọng vô khối những giọt nước tiểu. Người có hành động thô lỗ ấy chính là một ông trung niên có cái bụng phệ, tướng mạo có vẻ quan cách. Bên cạnh ông ta là một người có thân hình gầy gò, bụng lép kẹp có lẽ là thư ký riêng của ông ta thì phải. Cử chỉ xun xoe, khép nép của người gầy gò trước ông bụng phệ khiến ai nấy đều rất khó chịu.
Phía sau bức ảnh có ghi dòng chữ: Chụp ngày 15-4-2001.
Ngày mười lăm tháng Tư, Triệu Ngư nghĩ: Tức là hai mốt ngày trước. Thực ra chẳng cần viết chữ làm gì, vì cái ngày đó nó đã đứng riêng biệt ngoài phạm vi thời gian, nó sẽ mãi mãi là trước rồi.
Triệu Ngư xuống tầng dưới ăn cơm. Dù sao cũng vẫn phải ăn, hơn nữa anh cũng cần phải vận động đi lại một chút: Đặc trưng của sự xúc động tinh thần là phải đi lại. Anh ăn hai bát cơm và một suất thịt kho. Nhà ăn phục vụ cho cả mấy cơ quan khác, cán bộ cơ quan anh đều ngồi quây quần quanh mấy chiếc bàn tròn. Triệu Yến gắp một miếng cá mời Triệu Ngư ăn rồi gắp một miếng thịt của Triệu Ngư bỏ vào bát mình. Cơm xong các bạn đồng nghiệp xúm vào chơi tú lơ khơ, còn anh thì trở về phòng làm việc. Lý Tiến lại gọi anh sang tán gẫu. Hai người ngồi trên sa lông. Buổi chiều anh trở lại làm việc bình thường. Triệu Ngư nhận được điện thoại của Tưởng Vận, chị chỉ nói ngắn gọn vài câu dường như chị có chuyện muốn trao đổi nhưng sợ trong phòng làm việc có nhiều người, nên lại thôi. Thương Nữ cũng gọi điện đến nói rằng Đinh Ninh mời chị đến xem tranh. Sau khi tan tầm anh mới rảnh rỗi, anh rút thuốc lá hút. Anh không phải đến trường đón con trai, vì Triệu Cao hàng ngày vẫn đi xe buýt về nhà.
Anh lại giở bức thư của Lâm Hạnh Hoa ra đọc lại một lần nữa.
Trên bì thư có ghi địa chỉ rõ ràng, anh định viết thư trả lời. Thực ra anh đã có ý định này ngay từ lúc nhận được bức thư nhưng lại chợt nảy ra một ý nghĩ khác. Trong thư, Lâm Hạnh Hoa không cho biết số điện thoại nhưng anh cho rằng việc tra ra số điện thoại cũng chẳng khó khăn gì. Anh nghĩ: liệu chiều nay Lâm Hạnh Hoa có ngồi ở văn phòng để chờ điện thoại của anh không. Chị sẽ chăm chú vào chiếc máy điện thoại, đôi mắt chị sẽ sáng lên, cái mũi dọc dừa sẽ... Chị sẽ đoán thể nào cũng có điện thoại. Còn nếu chị định gọi điện thoại cho anh thì đã gọi từ lâu rồi chứ việc gì phải đợi đến hôm nay. Việc gì đến tất sẽ phải đến, hôm nay gởi thư, ngày mai sẽ gọi điện thoại.
Triệu Ngư nhìn đồng hồ, đã năm giờ mười lăm phút. Liệu giờ này Lâm Hạnh Hoa có còn ở văn phòng không? Anh nhìn chiếc điện thoại trên bàn, cảm thấy tinh thần mình rất phấn chấn. Suốt cả chiều nay mặc dù vẫn làm việc bình thường, nhưng nội tâm anh như đang có cái gì hết sức rạo rực. Nếu có người quan sát kỹ chắc sẽ nhận ra sự yên lặng khác thường của anh hôm nay. Anh vốn là người trầm tính, cho dù gấp bất cứ việc gì cũng vẫn luôn có thái độ bình tĩnh. Nhìn vẻ mặt đờ đẫn của anh liệu có ai biết được rằng nội tâm anh đang sôi sục như thế nào không? Sự hưng phấn cô đơn... hưng phấn bao giờ cũng là cô đơn, cũng như phiền muộn, phiền muộn cũng là cô đơn. Hai thái cực của tinh thần, cô đơn thường thể hiện rõ nét nhất.
Triệu Ngư định cầm bút viết. Cô ấy hiện đang làm gì nhỉ? Có cầm bút viết không?
Gọi điện để được nghe giọng nói của cô ấy. Điện thoại, điện tử nhắn tin... Triệu Ngư không loại trừ bất cứ hình thức nào. Nhắn tin cũng rất có ý nghĩa, nói chuyện với nhau trên mạng cũng rất thú vị, vấn đề là ở chỗ rất có thể những hình thức đó sẽ trở thành một bữa ăn nhanh. Người Mỹ đã phát minh ra thứ văn hóa ăn nhanh và ý nghĩa của từ "ăn nhanh" là cố gắng sao cho thời gian thức ăn ngừng lại trong mồm càng ngắn càng tốt. Nhanh... nhanh có ý nghĩa gì? Phải chăng đó là loại giá trị thượng đế ban cho? Nhai nhanh, nuốt vội có đem lại cho ta cảm giác thưởng thức mùi vị không? Nếu mất đi cảm giác thưởng thức cái ngon, cái ngọt thì nhanh sẽ trở thành ngu xuẩn. Tốc độ ngu xuẩn, tiết kiệm thời gian, nếu cái gì cũng đòi hỏi phải thật nhanh sẽ càng ngu xuẩn hơn. Có một danh nhân từng nói: tiết tấu sinh hoạt hiện đại chính là tiết tấu tích tụ của nhiều thứ ngu xuẩn.
Hãy thong thả, thong thả đã, đừng vội đưa tay vào máy điện thoại. Hiện bạn đang ở trong trạng thái hưng phấn, đừng để nước trong cốc tràn ra. Ồ, tinh thần quả là thứ quý giá, hãy cố giữ lấy nó. Con người chứ không phải thứ gì khác, con người chính là tình cảm đấy. Cuộc sống là như vậy, sốt ruột là chuẩn bị đón nhận niềm vui. Niềm vui do Lâm Hạnh Hoa đem đến, cô ấy đã gửi một bức thư, chỉ nói một câu ngắn gọn để bày tỏ tình cảm của mình: "Không thể nào quên...". Câu nói có ý gợi lại quãng thời gian đã qua, không rõ ràng là ám chỉ cả tương lai. Phải chăng lối sống đã biến dạng? Hay con người có tư tưởng bảo thủ? Nếu bảo thủ tất sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Trên đời này có nhiều lối sống khác nhau, đó không phải là giáo điều, ngược lại nó đả phá giáo điều, buộc giáo điều phải lộ rõ nguyên hình. Lối sống đặt con người vào đúng vị trí của mình, còn lối sống giáo điều, phát triển là một loại giáo điều, tăng nhanh tiết tấu sinh hoạt cũng là một loại giáo điều, sự chậm trễ cực đoan đến mức không sử dụng hết thời gian cũng là một loại giáo điều.
Khi tư tưởng tình cảm đã bão hòa bao giờ dòng suy nghĩ cũng sẽ kéo dài triền miên, sự hấp dẫn của người đàn bà đẹp sẽ dẫn đường cho chúng ta đi tới, không biết ai đó đã nói như vậy, Triệu Ngư quên mất rồi, nhưng qua đó anh rút ra được một kết luận: Tình yêu có sự tự thân vận động. Trong buổi chiều khác thường hôm ấy, anh không chỉ nghĩ về Lâm Hạnh Hoa, mà còn nghĩ nhiều chuyện khác.
Triệu Ngư viết thư trả lời. Bức thư sẽ đi trên đường khoảng ba ngày thì tới tay Lâm Hạnh Hoa. Anh cũng chỉ viết vài câu ngắn gọn: Chiếc áo nhung cổ bẻ...
Ánh nắng tháng Tư rọi chiếu trên khuôn mặt Triệu Ngư. Chiếc xe đường trường lắc lư, đồng ruộng bao la, đêm nhà quê tối như mực...
Triệu Ngư lái xe về nhà mà cứ tưởng như đang đi trên con đường gồ ghề của miền Cầu Khê.
Đến số nhà 77 phố Cát Thắng, thấy lão Tào đang cười híp mắt. Vừa dừng xe, Triệu Ngư đã nhìn thấy Hà Tiểu Na đi chiếc xe đạp máy vội vã qua cổng. Đã có lần Triệu Ngư nói rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với lão Tào. Nhưng lúc này tâm tư của anh buộc phải nghĩ tới lão Tào hoặc Hà Tiểu Na. Anh đi lên gác, không thấy con trai ở nhà.
Thằng bé đi đâu nhỉ? Sáu giờ rưỡi rồi, nó phải về rồi chứ.
Triệu Ngư gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm và được biết đã tan học từ lúc năm giờ chiều. Chính giáo viên chủ nhiệm đã đưa nó lên xe buýt. Triệu Ngư hơi hốt hoảng, đang đợi vợ gọi điện về, bỗng nhiên một tiếng hét to ở phía sau:
- Bố! - Thằng bé nhảy chồm ra ôm chầm lấy bố.
- Đã có cơm rồi đấy, hai bố con sang ăn đi. - Triệu Yến đứng ở ngoài cửa nói.
Hai nhà kề liền nhau, chỉ cần vài bước chân là sang đến nơi ngay. Triệu Yến làm vài món ăn và mua một chai rượu. Triệu Cao đặt cặp sách trên chiếc bàn tròn ở phòng khách.
- Cám ơn, cám ơn cô nhiều. - Triệu Ngư nói.
- Nguyên câu đó của anh cũng đủ để phạt anh một chén rượu rồi. Triệu Yến nói.
- Tôi xin chấp nhận hình phạt. Nói xong anh uống một hơi cạn chén rượu. - Triệu Ngư cười nói.
- Phạt thêm anh một miếng sườn xào chua ngọt. - Triệu Yến nói.
Triệu Yến gắp thức ăn cho hai bố con Triệu Ngư, chị gắp cho Triệu Cao một chiếc đùi gà rán, Triệu Ngư một chiếc, còn chị ăn miếng cánh. Triệu Ngư nhai xương rau ráu, cậu con trai cũng bắt chước bố, tay dính đầy mỡ. Triệu Yến tủm tỉm cười, đứng dậy lấy khăn giấy đưa cho hai bố con.
Mùa Xuân năm ngoái, cũng tại nơi này...
Triệu Yến không cần suy nghĩ nhiều cũng nhớ ra ngay. Cuộc sống là như vậy, hàng ngày chị vẫn thường sang nhà Triệu Ngư ăn cơm, cũng chỉ vài bước chân là tới. Triệu Cao thường gọi chị là chị, vì chỉ có chị là người hay chơi trò bịt mắt bắt dê với nó.
- Ồ, cả ba người đều họ Triệu. - Triệu Cao bỗng thốt lên. - Lạ thật, tại sao ba người đều họ Triệu. Lớp của em có hơn sáu mươi bạn nhưng chỉ có hai bạn họ Triệu.
- Người phương Bắc mang họ Triệu rất nhiều. Có lẽ tổ tiên chúng ta là người phương Bắc thì phải. - Triệu Yến nói.
- Có phải tổ tiên ta là Triệu Tử Long không? Cụ Triệu Tử Long có cái côn sắt. - Triệu Cao nói.
- Lâm Sung cũng có côn sắt. - Triệu Ngư nói.
- Giá mà cụ Triệu Tử Long đánh nhau với ông Lâm Sung thì hay biết mấy. - Triệu Cao nói.
Nói xong nó đặt đũa xuống mâm bảo con ăn no rồi, bụng con tròn như cái trống đây này.
- Về nhà làm bài đi, con chỉ được xem phim hoạt hình một lúc thôi đấy nhé.
- Con làm bài ở đây cũng được, con phải làm một bài văn, phòng đọc sách cũng có bàn ngồi viết mà.
Ở trường đại học, Triệu Yến học khoa kế toán, ngoại ngữ của chị là Pháp văn. Chị đọc khá nhiều sách. Hàng năm vào ngày sinh nhật hoặc ngày lễ tình yêu, bạn bè cùng trang lứa thường kéo đến đây tụ tập. Có một chàng trai đã nói đùa một câu: Thiên hạ đại loạn, ai cũng có thể ôm ai. Nói xong cậu ta định ôm chầm lấy Triệu Yến, đã bị Triệu Yến cho một cái bạt tai thật mạnh. Thế là đại loạn đã gặp phép đại trị, mọi người đều câm như hến, còn chàng trai bị tát thì mặt mũi ỉu xìu... Triệu Yến cảm thấy trong số những bạn trai cùng trang lứa chẳng có ai đáng để chị nói đến chuyện yêu đương.
Triệu Cao bước vào phòng đọc sách của Triệu Yến chưa được bao lâu đã ngoái cổ nhìn ra, nó thấy hai người lớn cùng họ Triệu vẫn ngồi ở phòng ăn. Chắc họ đang tâm sự, nó nghĩ. Nhưng cô giáo ngữ văn đã từng giảng cho nó nghe: Tâm sự khác với nói chuyện...
Tuy mới đầu mùa Hè, nhưng Triệu Yến đã mặc quần soóc, áo sơ mi cộc tay. Tuy cô không thể sánh bằng Thương Nữ và Tề Hồng nhưng vẫn là một cô gái đẹp. Khi còn học ở đại học, cô cũng có một bạn trai được bạn bè mệnh danh là: "Mãnh tướng tóc ngắn số ba". Sau khi tốt nghiệp, mỗi đứa đi một phương. Cô thường than thở với Triệu Ngư rằng: Thời buổi này không phải là lúc nói đến tình yêu. Triệu Ngư thường khuyên cô nên mở rộng quan hệ bạn bè, hãy mở mắt to mà nhìn, sẽ có được tình yêu ở đơn vị công tác, Triệu Yến được mệnh danh là người "kén cá chọn canh", thích những người có chức vụ cao, hoặc thương nhân giàu. Do thường quan hệ với những người có địa vị cao như Lý Tiến, Triệu Ngư, Tôn Kiện Quân, nên bị mang tiếng là kén cá chọn canh cũng phải.
Uống xong cốc rượu, Triệu Yến xới cơm cho Triệu Ngư. Triệu Ngư ngồi ăn không nói gì vì sợ nói ra lại bị Triệu Yến phạt. Năm ngoái chị đã từng nói:
- Tôi rất vui... - Đúng thế, cô vui, Triệu Ngư cũng vui nhưng đằng sau cái vui ấy là cả một khoảng trống...
- Anh bạn trai của cô thế nào rồi, cô có ưng ý không? - Triệu Ngư hỏi.
- Chưa đi đến đâu cả, hôm qua mới gặp nhau lần đầu. Anh ấy là kỹ sư xây dựng. - Triệu Yến nói.
- Là cán bộ kỹ thuật à?
- Anh ấy chơi đàn piano rất hay. Tối qua ở nhà hàng, anh ấy còn tham gia biểu diễn.
- Một cán bộ kỹ thuật rất lãng mạn. Cậu ấy bao nhiêu tuổi rồi? - Triệu Ngư hỏi.
- Ba mươi tuổi.
- Lại một người kén cá chọn canh nữa.
- Đúng thế, điều kiện nhà anh ấy rất tốt. Người Thành Đô, bối cảnh gia đình trong sạch, nếu tối qua anh ấy không chơi đàn piano thì ấn tượng của em về anh ấy sẽ càng tốt hơn. - Triệu Yến nói.
- Không nên cầu toàn quá. Người ta thích cô nên mới phô trương tài năng trước mặt cô. - Triệu Ngư nói.
- Tối mai anh cứ nói thẳng cho anh ấy biết, em ủy nhiệm toàn quyền cho anh đấy.
- Làm như thế sao tiện?
- Chẳng có gì bất tiện cả, coi như anh là quân sư của em, thế thôi.
Triệu Ngư nói, một công trình tình yêu vĩ đại.
Triệu Yến nói anh có thể viết một bản nhận xét, đánh giá, rồi phôtô thành ba bản, giao cho em một bản, anh Lý Tiến một bản, còn một bản đưa cho Thương Nữ và Tề Hồng đọc...
- Sau đó sẽ làm gì? - Triệu Ngư hỏi.
- Sau đó anh sẽ là ông mối của em. - Triệu Yến nói.
- Đã có người làm mối rồi còn gì?
- Đúng thế, đó là chị Hà Tiểu Na, nhưng không thể gọi chị ấy là bà mối được, chị ấy chỉ cung cấp số điện thoại của em cho đối phương thôi.
- Cô đừng tin tưởng tuyệt đối vào tôi, việc này phải dựa vào trí tuệ của tập thể.
Triệu Yến cười nói: - Ta họp chi bộ vậy...
- Nếu không thì phải dựa vào trực giác. - Triệu Ngư nói.
- Không thể dựa vào trực giác được đâu, phải họp thôi.
- Hội gặp mặt, hội điện thoại, hội phân tổ thảo luận. Tối nay chúng ta sẽ tổ chức cuộc họp thông báo cho mọi người biết. - Triệu Ngư nói.
Triệu Yến tủm tỉm cười, cô nghĩ bụng: Triệu Ngư khéo nói thật. Hai người đứng dậy vào phòng khách bật ti vi xem thời sự Triệu Ngư ngồi hút thuốc, Triệu Yến đem gạt tàn để bên cạnh anh rồi vào bếp dọn dẹp. Làm xong đâu đấy, cô gọt hoa quả. Triệu Ngư ngồi xem ti vi, bỗng lại chợt nhớ: Chiếc áo nhung cổ bẻ...
Đúng mười giờ, Triệu Ngư đánh xe đi đón vợ. Dừng xe dưới sân nhà Đinh Ninh. Anh ngước nhìn lên tòa nhà cao ba mươi tầng. Giá nhà thuê ở đây năm nay rất cao. Đã có lần anh bàn với Thương Nữ nên thuê nhà ở đây nhưng Thương Nữ không đồng ý, bảo rằng nhà ở phố Cát Thắng cũng tốt chứ sao, việc gì phải chuyển đi nơi khác? Càng lên cao tầm nhìn càng rộng, nhưng khổ nỗi giá thuê cao quá...
Triệu Ngư ngước mắt nhìn tòa nhà cao tầng nhưng bụng lại nghĩ về cái sân thượng. Trời sao vằng vặc, đột nhiên có một ngôi sao băng phá vỡ màn đêm. Một ngôi sao từ từ di chuyển trên bầu trời từ hướng nam lên hướng bắc... Anh có cảm giác như mình đang ngồi bên cánh đồng tận hưởng làn gió mát của đồng quê Có người mở cửa đi về phía anh, nhưng trời tối quá, anh không nhìn thấy. Lâm Hạnh Hoa.
Hai người đàn bà từ tầng cao bước xuống, đó là Thương Nữ và Đinh Ninh. Đinh Ninh dắt tay Thương Nữ.
- Sao anh không lên nhà chơi, tôi và chị nhà ngồi tán dóc mãi. - Cô họa sĩ nói.
- Nếu tôi lên sẽ là người thừa. - Triệu Ngư nói.
- Sao lại là người thừa. Ồ, hai người thật đẹp đôi quá. - Đinh Ninh nói.
Đinh Ninh dừng lại ở cửa, Triệu Ngư cho xe nổ máy.
Về đến nhà, con trai đã ngủ say, Thương Nữ cúi xuống hôn vào đôi má bụ bẫm của nó. Chị hỏi Triệu Ngư buổi tối ăn gì, Triệu Ngư bảo ăn bên nhà Triệu Yến, thịt gà rán, sườn xào chua ngọt... Thương Nữ hỏi:
- Chắc ngon hơn ăn ở nhà chứ. Anh lại uống rượu à?
- Anh uống có hai cốc thôi. - Triệu Ngư nói.
- Sợ không phải hai cốc. - Thương Nữ nói.
- Chỉ đúng hai cốc... - Triệu Ngư nói.
Triệu Ngư xách tạ tay ra hành lang tập vài phút, Thương Nữ đi tưới hoa. Sau đó hai người đi tắm. Triệu Ngư xát xà phòng cho vợ, tay anh xoa xoa trên đầu vú, bụng, đùi, tay Thương Nữ. Như thường lệ, họ vừa xoa vừa nói chuyện. Tắm xong, Thương Nữ cứ mình trần như nhộng leo lên giường, đây cũng là thói quen lâu năm của chị, đức ông chồng ngủ đến nửa đêm mà vẫn chưa quên thân hình nõn nà của chị. Hai người quần thảo nhau một trận rồi lăn ra ngủ, nhưng ba giờ sáng tỉnh giấc, lại tiếp tục...
Hai người nằm nói chuyện: Từ chuyện con trai làm bài đến chuyện người yêu của Triệu Yến, chuyện tranh của Đinh Ninh... Lúc vợ không tập trung tư tưởng cũng là lúc chồng có tâm trạng giống hệt. Sau đó, họ tắt đèn đi ngủ, theo quán tính, họ lại ôm ghì lấy nhau, lại ân ái. Việc người đàn bà trần truồng đi ngủ tất nhiên sẽ kích thích dục vọng của người đàn ông, nhưng không thể đêm nào cũng "chiến đấu" được, làm như thế có khác gì...
Độ nửa giờ sau, hai người đều trở mình, Triệu Ngư hỏi: - Em chưa ngủ à?
- Anh cũng chưa ngủ à?... - Thương Nữ cũng hỏi.
Thương Nữ dậy đi vệ sinh.
Đêm hôm đó hai vợ chồng gần như ân ái suốt đêm. Dị mộng đồng sàng. Cặp vợ chồng do tạo hóa sắp đặt này người thì để tâm tưởng vào việc lên giường với một người khác, người lại để tâm tưởng vào một chuyến đi Bắc Kinh trong mùa Thu tới...
Say Sắc Say Sắc - Lưu Tiểu Xuyên Say Sắc