There is always, always, always something to be thankful for.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Ngô Tín
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1151 / 3
Cập nhật: 2016-02-22 20:56:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14: Tôn Khánh Hải Và Các Bạn Gái
gày lễ Mồng một tháng Năm kết thúc, ngày mồng tám tháng Năm các đơn vị ở Dung Thành bắt đầu làm việc trở lại, các điểm vui chơi tạm thời lắng xuống. Người nhiều việc trở nên bận rộn, trên đường xe ôtô nối đuôi nhau, xe đạp lại càng nhiều, khách bộ hành len lỏi giữa các dòng xe như xe chỉ luồn kim, ai nấy đều hối hả. So sánh tương quan giữa ôtô và xe đạp rõ ràng là một cuộc chiến lâu dài, sức mạnh của hai bên ngày càng tăng, khí thế hừng hực. Ôtô muốn mở ra cục diện nhất thống thiên hạ. Thật khó tưởng tượng mười năm hoặc hai mươi năm sau cục diện sẽ ra sao. Xe công số lượng còn ít nhưng xe tư thì hừng hực khí thế, lớp nghèo thành thị chỉ có tăng không giảm trở thành một thế lực dời non lấp biển, ai cũng muốn tranh giành địa bàn cho mình. Các luật lệ giao thông lần lượt ra đời đại để là nghiêng về lập trường bảo vệ mô, thiết kế đường đã dành nhiều không gian cho ôtô, ôtô tha hồ mà nhả khói trên đường. Phía sau những quy định bình tĩnh và "khách quan" đó là sự tưởng tượng của các quan chức chính phủ về một thành phố tương lai. Hết kế hoạch này đến kế hoạch khác, thôi thì đủ cả, tha hồ mà phô trương.
Cảnh tượng bận rộn của Dung Thành sau ngày nghỉ thật là khủng khiếp, người giàu bận, người nghèo cũng bận, người bận vì kế sinh nhai, người bận vì muốn mở rộng túi tiền. Bên cạnh đó lại có nhiều người nhàn rỗi, suốt ngày ra vào quán trà, ăn chơi xả láng, đi các siêu thị hoặc ngủ đến tận trưa vẫn không buồn dậy. Trong đó có một số người được gọi là nhà nghệ thuật cũng tỏ ra bận rộn theo tiết tấu riêng của mình. Họ là dạng khác biệt trong đời sống đô thị, mọi việc đều do họ chủ trương.
Tại khách sạn ven sông Phủ Nam có một nữ họa sĩ tên là Đinh Ninh. Hẳn các độc giả vẫn còn nhớ cái tên này trong tác phẩm Hơi thở ấm áp. Chị là nghiên cứu sinh của Viện Mỹ thuật trung ương, chuyên vẽ tranh sơn dầu, đã có một số tác phẩm được triển lãm ở Paris, New York và Bắc Kinh. Ở trong nước, chị là nhân vật có danh tiếng, các kỳ triển lãm chị đều có mặt. Ngoài ra, các tác phẩm của chị vừa đẹp, vừa có đường nét độc đáo nên ở tỉnh nào cũng có đại lý bán tranh của chị. Những bức tranh tinh tế về đề tài phụ nữ đô thị, cảnh sắc ở đồng quê rất được độc giả mến mộ. Ai cũng muốn mua tranh của chị để treo. Chị mới bước vào đại học Mỹ thuật được hai năm đã có tranh bán. Việc chị được độc giả ưa thích quá sớm không phải là một việc tốt vì nó sẽ kiềm chế không gian tưởng tượng của chị. Một. số nhà bình luận nổi tiếng đã chỉ ra cho chị thấy rõ điều này, chị đã thử cải tiến nhưng không kết quả lắm. Chị sống thoải mái, thậm chí có thể gọi là rất, rất thoải mái. Mỗi năm chị ở Thành Đô sáu tháng, thời gian còn lại, chị đi chu du khắp thiên hạ. Chồng chị cũng là người đàn ông thích bay nhảy nay đây mai đó, hôm qua đã rời khỏi Thành Đô.
Hôm nay Đinh Ninh dậy rất sớm, đúng bảy giờ đã bước vào phòng vẽ. Chị đang vẽ một bức tranh sơn dầu có tên là Các bạn gái với bạn gái, hai người đàn bà vừa đi qua một thương trường thì gặp ba người đàn bà khác đi tới. Họ nhìn nhau, có người còn ngoái cổ lại nhìn thương trường: Những ngôi nhà đồ sộ, cao vút, những tủ kính sang trọng, phố phường nhộn nhịp, những người đàn bà ăn vận đúng mốt thời trang... Một bức tranh tả thực giàu chất thơ mộng, màu sắc phong phú. Trong bức tranh này, người và cảnh đều được bố cục hài hòa. Thông thường một tác phẩm hội họa bao giờ cũng được đưa đi triển lãm để được nghe người xem và các nhà phê bình đánh giá. Bức tranh Các bạn gái với bạn gái sắp sửa hoàn thành, Đinh Ninh vừa ăn táo vừa ngắm nhìn tác phẩm của mình. Sáng sớm là thời điểm ngắm tranh thích hợp nhất. Chị thích vẽ vào buổi tối, sáng sớm ngắm lại, buổi chiều đi dạo chơi bằng xe đạp hoặc đi bộ. Đôi khi chị cũng tham gia họp mặt với các bạn bè. Chị mặc bộ váy ngắn màu xanh nước biển. Người phụ nữ mà chị vẽ trong tranh chính là nguyên mẫu về bản thân chị, hoàn toàn không có hàm ý gì khác, vì chị là người yêu màu xanh. Năm nay chị hai mươi bảy tuổi, chị không có ý định sinh con trước năm ba mươi tuổi, chị định sau ba mươi tuổi mới tính đến chuyện con cái. Chồng chị trước đây đã có một đời vợ, một bé gái, nhưng nó rất ít chung sống với bố nó.
Đinh Ninh có khuôn mặt trái xoan, cái mũi xinh xắn, xung quanh trang điểm vài tàn nhang nhỏ. Ban ngày chị thường lười biếng, nhưng ban đêm lại tỉnh táo, hết vẽ lại đến tán dóc, nói chuyện tình yêu... Chị có nhiều bạn, phần lớn là bạn gái làm việc ở các ngành nghề khác nhau, trong đó có cả một số người vì tham ô bị đuổi việc. Điều này rất có lợi cho sự nghiệp nghệ thuật của chị. Những người đàn bà có quyền thế, các nhà thơ, các cán bộ của hội liên hiệp phụ nữ ở Thành Đô đều là bạn của chị. Chị lắng nghe ý kiến bàn luận của họ nhưng không có nghĩa là chị tán thành. Chị có cách nghĩ riêng của mình. Mấy người bạn gái thân nhất đều là những gương mặt sắc nước nghiêng thành, hoa khôi nổi tiếng. Chị thường rủ họ đến khách sạn uống trà. Phòng trà rộng khoảng hai trăm mét vuông ở tầng hai mươi bảy của khách sạn, ngay cạnh phòng vẽ của chị. Nhìn lên là bầu trời trong xanh hoặc trăng sao vằng vặc, nhìn xuống là dòng sông Phủ Nam và khu đô thị phồn hoa. Chị thường xuyên gọi điện vào buổi chiều, còn buổi tối, sau mười giờ chị tắt máy.
Mùa Xuân năm ngoái, khi tham gia triển lãm ở khách sạn Tây Tạng, chị đã gặp Thương Nữ. Chị đã từng gặp nhiều người đẹp nhưng khi gặp Thương Nữ chị vẫn không tránh khỏi ngạc nhiên: Người đẹp càng dễ làm người ta liên tưởng đến thời đại, nhưng ở Thương Nữ, chị có cảm giác như đang sống trong những năm 80 hoặc những năm 70. Đinh Ninh đề nghị được vẽ một bức tranh về Thương Nữ, Thương Nữ vui vẻ nhận lời. Vào cuối tuần một ngày tháng Ba chị mời Thương Nữ đến phòng vẽ của mình. Hai người nói chuyện với nhau rất lâu, sau đó cùng đi ăn cơm. Đinh Ninh ngày càng thích thú, nửa đùa, nửa thật mời Thương Nữ ngủ lại với mình một đêm, Thương Nữ chỉ cười và lắc đầu. Hai người nói chuyện hồi lâu, Thương Nữ tỏ ý muốn ra về. Thế là đề tài tự nhiên chuyển sang thành chuyện gia đình. Thương Nữ giới thiệu sơ qua về tình hình gia đình mình, Đinh Ninh ngồi nghe luôn gật đầu. Thực ra, khi mới gặp Thương Nữ, Đinh Ninh đã nghĩ ngay đến người đàn ông bên cạnh Thương Nữ. Chị có nhạy cảm nghề nghiệp về người đàn ông này. Chị rất tò mò muốn biết nhiều về Triệu Ngư. Lần thứ hai Thương Nữ gặp chị, có Triệu Ngư đi cùng. Chồng Đinh Ninh cũng có nhà, bốn người ngồi uống trà với nhau. Sau đó chồng Đinh Ninh có việc phải đi, khi trở về vẫn thấy ba người ngồi uống trà trong phòng vẽ. Một lúc sau, vợ chồng Triệu Ngư ra về, Đinh Ninh tiễn họ xuống nhà và đi với họ thêm một đoạn đường bên bờ sông Phủ Nam. Ngày hôm sau Đinh Ninh gọi điện cho Thương Nữ, nói rằng không biết nên hình dung như thế nào về Triệu Ngư mới đúng. Chị ví Triệu Ngư như một loại trà, một loại Thiết Quan âm, càng uống càng có hương vị. Thương Nữ cười bảo:
- Thường ngày Triệu Ngư rất thích uống trà, nhất là loại trà Thiết Quan âm.
Bước vào mùa Thu, Đinh Ninh bắt đầu vẽ Thương Nữ, chị vẽ thong thả, không vội vàng. Vẽ một Thương Nữ đẹp như hoa như ngọc đòi hỏi phải có thời gian. Chị đồng thời cũng vẽ các bức tranh khác, như bức tranh Các bạn gái với bạn gái chẳng hạn.
Ăn hết nửa quả táo, Đinh Ninh lại đưa bút vẽ vài nét trên bức tranh. Chị tập trung cao độ vào nét vẽ của mình. Chị lùi lại mấy bước, lại ăn một miếng táo. Thoáng một cái, hai tiếng đồng hồ đã trôi qua. Chị nhìn đồng hồ. Thông thường lúc vẽ, chị không quan tâm đến thời gian, nhưng hôm nay chị phải đón tiếp một vị khách đặc biệt. Đúng mười giờ khách đến.
Chị định vẽ đến chín giờ ba mươi phút, nhưng mới chỉ chín giờ đã không thể nào vẽ tiếp được nữa. Tâm tư tình cảm không còn tập trung, dường như có một sợi dây nào đó đã nối liền giữa bức tranh với phòng khách. Chị đặt bút vẽ xuống bàn, đi xuống bếp, uống một hụm nước rồi sửa lại mái tóc, trang điểm phấn son, thay áo lót mới. Chị dọn dẹp phòng ngủ, trang trí hoa... mọi việc xong xuôi thì vừa vặn chín giờ ba mươi phút. Người đến thăm vốn là một người rất chuẩn mực về thời gian, anh đã lên đường đang tiến vào cầu thang máy... Người đàn bà mặc váy ngắn màu xanh nước biển nở nụ cười tươi trở về phòng vẽ tiếp tục ăn táo và ngắm nhìn những bức tranh. Hai bức tranh, một bức tranh là Các bạn gái với bạn gái, còn bức kia là Thương Nữ.
Đinh Ninh chau mày nhìn khuôn mặt Thương Nữ trong tranh, rồi lấy tấm vải phủ lên.
Có tiếng chuông, Đinh Ninh vội chạy ra cửa.
Người đàn ông bước vào phòng, complê, cravát đàng hoàng, tay ôm một bó hoa tươi. Người đàn bà nhìn vào mắt anh ta nói:
- Cám ơn. Anh dùng trà hay cà phê?
Người đàn ông nói: - Thế nào cũng được.
Câu nói khiến người đàn bà mặt mày rạng rỡ. Anh ta nói thế nào cũng được cũng có nghĩa là mọi việc đều có thể. Họ quen nhau ít nhất đã vài năm, nhưng chưa bao giờ anh ta có hành động tùy tiện với chị. Nếu anh ta có hành động đó thì họ đã chẳng phải là bạn bè theo một ý nghĩa chung chung từ lâu rồi.
Người đàn ông ngồi xuống ghế hút thuốc.
Người đàn bà pha trà, gọt trái cây. Ánh sáng le lói chiếu qua khung cửa sổ. Màu sắc giữa các phòng được bài trí hài hòa, giữa màu xanh, màu vàng lại điểm xuyết thêm màu đỏ. Người đàn ông ngồi suy nghĩ, còn người đàn bà ngồi gọt hoa quả.
Người đàn ông mới từ Paris về, anh ở Bắc Kinh được hai ngày. Anh tên là Tôn Khánh Hải, anh trai kết nghĩa của Thương Nữ, bạn thân của Đinh Ninh.
Tôn Khánh Hải tuổi chưa đến bốn mươi, dáng vẻ bề ngoài cũng xấp xỉ. Có lẽ khi năm mươi tuổi, anh cũng vẫn giữ được dáng dấp như hiện nay: khuôn mặt, nước da và tinh thần vẫn ổn định. Có lẽ đến năm sáu mươi tuổi, anh cũng không có gì thay đổi nhiều lắm. Anh có đôi mắt vừa sinh động vừa hiền hòa. Những ngày phải bôn ba vất vả trước đây đã kết thúc. Anh đã từng có thời gian buôn bán tranh sơn dầu ở một thành phố biển của Nhật Bản. Trong những năm tháng đó anh vừa là người bán tranh, vừa mua tranh, vừa kiêm họa sĩ. Anh có một văn phòng làm việc tại Bắc Kinh. Hàng năm anh sống ở Paris độ khoảng vài tháng, anh đã nhập quốc tịch Pháp. Ở Paris anh tham gia giảng dạy tại một trường học đêm, anh chuyên dạy về tiếng Trung Quốc và nghệ thuật phương Đông cho người Pháp, người Đức người Angiêri và người Mỹ. Anh nói tiếng Pháp thạo hơn tiếng Anh. Anh có một ngôi nhà nhỏ ở khu La tinh nổi tiếng. Các bạn bè trong nước và nước ngoài đều gọi anh là giáo sư, vì thế anh phải để râu. Mấy năm gần đây, hình tượng của anh ngày càng gần gũi với một nhà nghệ thuật, tuy nhiên nửa năm anh mới vẽ xong một bức tranh. Là người buôn tranh, anh bôn ba khắp nơi, Paris đã tạo cho anh một vị thế và bối cảnh tốt. Việc thu nhập nhiều hay ít với anh không quan trọng, kiếm được bao nhiêu, tiêu hết bấy nhiêu. Anh đã có một đời vợ, nhưng hiện nay anh sống độc thân. Có lẽ phải mười năm nữa anh mới tính đến chuyện xây dựng gia đình một lần nữa, anh sẽ xây dựng với một người đàn bà khoảng dưới ba mươi tuổi và sinh với cô ta một đứa con.
Tôn Khánh Hải làm quen với Đinh Ninh ở Bắc Kinh. Đinh Ninh thích phong độ của Tôn Khánh Hải. Chị tôn trọng thái độ của Tôn Khánh Hải, trong nhiều năm, chị chưa thấy Tôn Khánh Hải nói điều gì thừa. Họ gặp nhau ở các thành phố khác, trong các khách sạn, tuy phòng liền phòng nhưng chưa hề lên giường cùng nhau bao giờ. Năm ngoái khi Tôn Khánh Hải về Thành Đô cũng là lúc chồng Đinh Ninh đi công tác vắng, Đinh Ninh đã bố trí cho Tôn Khánh Hải một phòng ngủ. Ban ngày họ đi chơi cùng nhau, chiều tối về nhà họ ngồi uống cà phê trò chuyện, rồi Tôn Khánh Hải ngủ một mạch đến sáng. Đêm xúc động tình cảm giữa bạn bè bên ly cà phê nóng đã tan đi như bong bóng xà phòng. Nữ họa sĩ ngồi vẽ tranh thâu đêm.
Tôn Khánh Hải có thiện cảm với Đinh Ninh xuất phát từ nguyên nhân đồng hương, ở Bắc Kinh hoặc ở các thành phố phía Nam anh đều thích nghe giọng nói Thành Đô của chị. Anh đã giúp chị khá nhiều kể cả việc tổ chức triển lãm ở Paris. Anh đưa cho Đinh Ninh một chùm chìa khóa căn phòng của mình ở Bắc Kinh. Đinh Ninh thấp thỏm chờ đợi, khi chị ở Bắc Kinh, Tôn Khánh Hải cũng có mặt ở đó. Thực ra, điều kiện rất dễ dàng, chỉ cần họ bố trí một lịch trình là xong. Thời gian của họ có thể trùng khớp nhau. Mỗi năm có thể bố trí dăm bữa nửa tháng như hình với bóng bên nhau nếu họ muốn. Việc đó đối với nhà nghệ thuật có khó gì đâu. Song có điều giữa Đinh Ninh và Tôn Khánh Hải dường như còn thiếu động tác châm lửa. Tôn Khánh Hải đã có bạn gái ở Bắc Kinh, anh không thể thiếu bạn gái, nhưng khi về Tứ Xuyên, anh chỉ đi một mình. Anh đến một mình, đi một mình, từ thành phố này đến thành phố khác. Đinh Ninh rất thích cái phong cách đó của Tôn Khánh Hải.
Hai người ngồi uống trà, nói chuyện với nhau về tình hình gần đây. Tôn Khánh Hải xa Thành Đô từ năm mười tám tuổi. Ở Thành Đô còn có bố anh và người em trai. Bố anh trước đây là sĩ quan quân đội, cậu em trai hiện vẫn đang tại ngũ.
- Tôi muốn xem phòng tranh của bạn. - Tôn Khánh Hải nói.
- Năm nay tôi vẽ ít lắm. Ăn tết xong tôi có đi Tây Tạng rồi đi Sơn Đông, Quảng Châu. - Đinh Ninh nói.
- Như vậy là bạn dành toàn bộ thời gian cho vẽ.
- Còn anh thì sao? Có vẽ không?
- Tôi có vẽ một bức tranh lớn khổ 150 x 180 cm.
- Anh vẽ về đề tài gì?
- Về đề tài Hồng vệ binh. Tôi vẽ một nam, một nữ Hồng vệ binh đang nghênh ngang đi trên đường phố, lấy khung cảnh năm 1969 hoặc 1970 gì đó. Không có gì đặc biệt cả, Hồng vệ binh cũng chỉ là những người bình thường của những năm tháng đó.
- Anh đã là Hồng vệ binh bao giờ chưa? - Đinh Ninh hỏi.
- Tôi đã từng là Hồng tiểu binh, quen rất nhiều Hồng vệ binh, họ chỉ hơn tôi độ một hai tuổi. Ở Paris, tôi đã được xem một cuốn phim tư liệu nói về cuộc Đại cách mạng văn hóa, bỗng tôi có linh cảm, Hồng vệ binh là sản vật của phong trào chính trị, tôi chỉ muốn vẽ những ấn tượng thời niên thiếu của mình về họ mà thôi. Trong ấn tượng chắc chắn sẽ có cái chân thực, cái chân thực cá thể, chân thực lịch sử.
- Như vậy là lần thứ hai anh vẽ về Hồng vệ binh.
- Lần thứ ba. Lần thứ nhất tôi vẽ một bức tranh về Nhật Bản. Hồi đó Trương Thừa Trí đang ở Nhật Bản, anh ấy có viết một cuốn sách về Hồng vệ binh. Anh ấy có quan điểm riêng của mình, cho rằng thời kỳ đầu của phong trào Hồng vệ binh là rất tốt. Một số bạn tôi ở Pháp rất thích những tác phẩm về đề tài Hồng vệ binh.
- Anh có tâm lý hoài cổ phải không? Anh liên tưởng đến cuộc cách mạng tháng 5-1968 của họ phải không?
- Không chỉ đơn thuần là hoài cổ. Người Pháp họ luôn có suy nghĩ phải làm thay đổi lối sống căng thẳng, kể cả lối sống của người cộng sản.
- Như vậy là chủ nghĩa tư bản muốn kết thúc vai trò lịch sử của người cộng sản phải không? - Đinh Ninh nói.
- Không phải thế đâu. Trong phong trào toàn cầu hóa về kinh tế nơi nào chả có những hạn chế, kể cả nước Mỹ. Cứ nhìn vào một số thành phố thì biết, theo tôi chẳng có thứ chủ nghĩa nào dám tuyên bố rằng mình đã kết thúc lịch sử. Ngay cả các nhà tư bản cũng vậy, sự tưởng tượng về đời sống thế giới của họ cũng rất khác nhau.
- Anh cũng quan tâm đến chính trị gớm nhỉ? - Đinh Ninh cười nói.
- Không thể gọi là quan tâm đến chính trị được. Các nhà nghệ thuật đều quan tâm đến con người, mà con người và chính trị thì lại có mối quan hệ chằng chịt với nhau.
- Có nghĩa là anh đã phát hiện ra mối quan hệ này.
- Đúng vậy. Trong bức tranh của bạn cũng có chính trị đấy, ví dụ bạn vẽ về đề tài phụ nữ chẳng hạn.
Đinh Ninh cười nói: - Tranh của tôi chưa có khả năng chứa đựng những ý nghĩa sâu xa đó đâu. Quyền bình đẳng và sinh hoạt của phụ nữ, tôi chỉ thể hiện được một chút ít thôi. Tôi không muốn một thứ chủ nghĩa nào hết. Mời anh vào phòng tranh của tôi xem, may quá tôi đang vẽ một bức tranh, nhỏ hơn bức tranh Hồng vệ binh của anh một chút.
Hai người bước vào phòng tranh, Tôn Khánh Hải xem rất kỹ. Anh cho rằng bức tranh Các bạn gái với bạn gái là một đề tài hay. Anh ngắm nhìn suốt mấy phút không chớp mắt, không nói một lời, Đinh Ninh thấy lòng mình không yên. Người cùng nghề xem tranh, chỉ nhìn qua là biết. Có người xem tranh Trung Quốc nói rằng chỉ cần liếc nhìn vài giây cũng có thể thấy được những ưu điểm của tác phẩm. Còn xem tranh sơn dầu thì chỉ cần hai, ba phút. Nhưng Tôn Khánh Hải đã xem đến mười phút. Anh không chú ý đến bức tranh đã phủ vải lên trên. Tôn Khánh Hải gật đầu:
- Bạn vẽ đẹp lắm. Bức tranh này bạn không nên vẽ vội.
Đinh Ninh thở phào nhẹ nhõm, vừa rồi chị toát cả mồ hôi trán. Tôn Khánh Hải là người trong nghề rồi, một mình anh đóng mấy vai liền, con mắt nghệ thuật của anh hơn hẳn người khác. Đinh Ninh vui như mở cờ trong bụng, chỉ muốn kiễng chân lên hôn Tôn Khánh Hải một cái.
Phòng tranh to rộng, ánh sáng mặt trời le lói, trên tường treo các tác phẩm do bạn bè tặng họa sĩ. Bức tranh sơn dầu do Tôn Khánh Hải tặng được treo ở chính giữa mặc dầu đó chỉ là một bức tranh bình thường. Tôn Khánh Hải ngồi xuống ghế, Đinh Ninh đi ra phòng khách.
Phòng khách được kéo rèm kín mít, từ chỗ sáng sủa trở nên tối om. Hai tấm rèm lớn tạo nên một bức tranh người trừu tượng, có âm, có dương. Ánh nắng bên ngoài cửa sổ, hình người giống như phim ảo đăng. Vị trí của sa lông cũng phù hợp với điều kiện ngồi thổ lộ tâm tình. Đinh Ninh tay cầm cốc nước đi đi lại lại trông chẳng khác gì một tố nữ trong tranh. Chiếc váy màu xanh nước biển càng khiến chị trở nên dễ thương hơn. Chị có thân hình cân đối, hai cánh tay thon thả, riêng bộ ngực hơi lép một tí phải độn bằng hai miếng mút, đó là khiếm khuyết duy nhất trong con người chị. Chị đến trước mặt Tôn Khánh Hải và nhìn anh. Một cái gì đó đang thai nghén. Buổi trưa họ ăn cơm với nhau, Đinh Ninh gọi điện cho nhà ăn ở tầng dưới đưa cơm rượu lên. Họ có đủ thời gian. Phải mất nhiều năm họ mới có được những giờ phút như hôm nay. Tâm hồn và thể xác dường như đã hội tụ đủ yếu tố cần thiết. Đinh Ninh cao 1 m 64, Tôn Khánh Hải cao 1 m 74. Đinh Ninh có khuôn mặt trái xoan, Tôn Khánh Hải có khuôn mặt hồng hào, có lẽ anh sống ở nước ngoài quá lâu nên có dáng dấp giống người ngoại quốc hơn. Đinh Ninh trẻ trung nhiệt tình, Tôn Khánh Hải in đậm dấu vết cửa một người bôn ba từng trải. Nhìn bề ngoài hai người giống như một đôi nam nữ bình thường. Không có ai quấy rầy họ, căn phòng lớn đã có đủ các điều kiện cần thiết. Tôn Khánh Hải đến đây vào lúc mười giờ, có lẽ mười giờ sáng mai anh mới rời khỏi đây cũng nên. Mấy ngày nay họ luôn như hình với bóng bên nhau, thành phố là thành phố của họ, ban đêm là ban đêm của họ.
Hai người ngồi trên đi văng, giữ một khoảng cách nhất định, Tôn Khánh Hải gác một chân lên. Giọng nói nhỏ nhẹ, thời cơ sắp đến rồi, mọi khoảng cách sắp bị xóa đi. Căn phòng rộng lớn của nhà nghệ thuật sắp sửa trở thành giường cưới.
- Trưa nay anh muốn ăn gì? - Đinh Ninh hỏi.
- Tùy bạn. - Tôn Khánh Hải nói.
- Tùy có nghĩa là ăn gì cũng được phải không? ăn các món ăn Pháp nhé? - Đinh Ninh cười nói.
- Nên ăn các món ăn Ý. - Tôn Khánh Hải cười bảo.
- Những thành phố nào của châu âu anh chưa được đi? - Đinh Ninh nói.
- Chỉ còn vài thành phố chưa đi thôi. Roma cũng đã đến ba lần, Athène cũng đã đi một lần. Có thể cuối năm nay sẽ đến các thành phố khác của Hy Lạp.
- Roma và Hy Lạp là thánh địa của các nhà nghệ thuật.
- Đồng thời cũng là thánh địa của các nhà tư tưởng.
- Đó cũng là thánh địa của những cặp bạn tình. - Đinh Ninh nói. Tôn Khánh Hải gật đầu.
- Nhà ăn ở tầng một cũng phục vụ những món ăn Pháp. Nhưng họ nấu không ngon lắm. - Đinh Ninh nói.
- Khi nào bạn sang Pháp, tôi sẽ mời bạn ăn những món ăn Pháp chính thống.
- Chúng ta sẽ leo lên đỉnh tháp Eiffel, vừa ăn vừa ngắm cảnh Paris tráng lệ. Thường ngày anh thích ăn cơm Âu hay cơm Á?
- Tôi thích ăn cơm Tứ Xuyên, đôi khi tự mình làm lấy một nồi lẩu. Có lần tôi đã làm sốt cá chua ngọt nhưng cho nhiều đường quá, thế mà các bạn Pháp vẫn khen lấy khen để, họ rất thích ăn đồ ngọt. - Tôn Khánh Hải nói.
- Nếu anh thích ăn các món Tứ Xuyên, thì chúng ta sẽ đến quán ăn ở đường Nhân Dân. Các món ăn ở đó ngon lắm. - Đinh Ninh nói.
- Tôi đã đến ăn ở đó rồi, để vài hôm nữa ta sẽ mời thêm một số bạn cùng đi, đừng đi hôm nay. - Tôn Khánh Hải nói.
- Vậy hôm nay anh thích ăn gì?
- Tôi thích ăn đậu kho. - Tôn Khánh Hải cười bảo.
- Anh có thích ăn kiến rang không?
- Thứ này tôi ăn rồi. - Tôn Khánh Hải nói.
- Thôi để tôi gọi một món khác vậy.
- Bạn định gọi món gì? Tôn Khánh Hải hỏi.
- Cứ đợi họ đem lên sẽ biết, có thể nhiều món anh chưa biết đâu - Đinh Ninh nói.
- Tôi gốc gác là người Thành Đô, thế mà bạn lại định bịp tôi à? Tôn Khánh Hải cười nói.
- Thế mới hay chứ, tôi sẽ gọi thêm một chai rượu lơ mơ.
- Có nghĩa là loại rượu uống vào sẽ bị lơ mơ?
- Rồi sau đó sẽ nhảy múa theo kiểu rắn bò.
Nói đến đây hình như Đinh Ninh không còn kiềm chế được mình nữa. Họ sẽ ăn cơm với nhau sau đó Đinh Ninh đi tắm... Tôn Khánh Hải ngồi gác chân trên đi văng, anh không thể hiện tình cảm gì khác thường. Phòng khách treo một chiếc đồng hồ cổ trên bàn nước đặt một lọ hoa tươi. Người đàn bà đứng bên cửa sổ dường như đang đợi anh đi tới. Phòng khách rộng thênh thang, hai người vẫn yên lặng, giữa phòng ngủ này và phòng ngủ kia... dường như đôi nam nữ đang muốn chung tay tạo nên một bức tranh mà khởi đầu là từ "khoảng cách": người đàn bà muốn kéo dài khoảng cách, còn người đàn ông lại muốn co hẹp khoảng cách, giữa họ có một không gian mang tính đàn hồi. Chị định hiến thân cho anh, điều đó tuy không nói ra nhưng anh đã biết. Ăn cơm hay không có thành vấn đề gì đâu. Trật tự giữa ăn và sắc đẹp có thể đảo lộn.
Tôn Khánh Hải nhận được điện thoại của một người bạn ở Thành Đô, người này cũng quen Đinh Ninh, anh ta mời họ đi ăn cơm trưa. Tôn Khánh Hải không tiện từ chối mặc dầu anh đang ở nhà Đinh Ninh. Hai người xuống nhà, Đinh Ninh lái chiếc xe màu xanh của mình từ nhà xe ra, Tôn Khánh Hải không có biểu hiện gì khác trên khuôn mặt. Xe đến một nhà hàng ở phía nam thành phố, nhân viên phục vụ hướng dẫn họ lên tầng hai. Cùng ăn với họ còn có hai người nữa, một người làm nghề buôn bán tranh, còn người kia là bạn gái của Tôn Khánh Hải. Ăn xong, họ đi đến một cửa hàng tranh tư nhân. Mấy người trong giới họa sĩ cũng kéo đến, họ rủ nhau đi uống trà. Ánh nắng bên ngoài chói chang, xuyên qua khung cửa sổ, rọi chiếu trên khuôn mặt các nhà nghệ thuật ăn mặc khác thường. Lại có thêm hai cô gái mặc quần soóc rất mốt đến góp mặt, họ là học sinh của học viện mỹ thuật, đến đây để mong kiếm được ít tiền và có dịp hòa nhập cùng các thầy cô đáng kính. Đương nhiên Tôn Khánh Hải là nhân vật trung tâm, có điều anh hơi ít nói. Những người mời anh phải xếp hàng theo thứ tự. Buổi chiều, anh và Đinh Ninh cáo từ ra về, trở về căn hộ của Đinh Ninh. Lúc lên cầu thang máy, hai người đưa mắt nhìn nhau.
Đinh Ninh ăn lẩu vã cả mồ hôi, vừa bước chân vào cửa chị đã xông thẳng vào nhà tắm. Tôn Khánh Hải xem tranh ở phòng tranh, anh phát hiện bức tranh Thương Nữ bị phủ kín. Đinh Ninh che người bằng chiếc khăn tắm đứng ở cửa phòng tranh nhưng Tôn Khánh Hải không quay đầu lại. Đinh Ninh bước vào phòng ngủ, mặc chiếc váy mới.
Khi Đinh Ninh bước vào phòng tranh, Tôn Khánh Hải mới quay đầu lại. Không khí đã thay đổi. Anh hỏi:
- Thương Nữ đã được xem bức tranh này chưa?
Đinh Ninh lắc đầu. Chị chú ý đến cách phát âm của Tôn Khánh Hải. Khi tình cảm người đàn ông bị kích động, họ thường phát âm kiểu này, và người đàn bà thì mắt sáng lên. Nhưng mắt Đinh Ninh rất ảm đạm. Đinh Ninh nói:
- Tôi định hai hôm nữa sẽ mời chị ấy đến xem bức tranh này.
- Thử gọi điện cho cô ấy xem sao. - Tôn Khánh Hải nói.
- Gọi ngay bây giờ à? - Đinh Ninh nói.
- Đừng cho cô ấy biết tôi đang có mặt ở đây nhé! - Tôn Khánh Hải gật đầu.
- Tôn Khánh Hải muốn đem đến cho Thương Nữ một tin vui bất ngờ. - Đinh Ninh cười.
Người đàn ông gặp người đàn bà trong trái tim mình, niềm hưng phấn muốn được ân ái cùng người đẹp bùng phát dữ dội trong tâm hồn. Chỉ thiếu một chút nữa là Tôn Khánh Hải đã "nổi lửa" với Đinh Ninh. Tối qua, anh đã gọi điện nói cho Đinh Ninh biết mười giờ sáng nay anh sẽ đến. Không ngờ kế hoạch đó của mình không phù hợp với sự chờ đợi của một người đàn bà.
Đinh Ninh gọi điện cho Thương Nữ, tiếng Thương Nữ reo vui trong máy:
- Năm giờ chiều tan tầm sẽ đến ngay.
- Cô ấy đến đấy, có cần tôi tránh mặt không? - Đinh Ninh hỏi Tôn Khánh Hải.
- Bạn tránh mặt cô ấy làm gì, cô ấy là em gái kết nghĩa với tôi đấy - Tôn Khánh Hải đáp.
- Hai người chỉ là họ hàng xa với nhau thôi?
- Dù họ hàng xa cũng vẫn là họ hàng. - Tôn Khánh Hải cười nói.
- Bức tranh năm ngoái anh vẽ cho cô ấy, cô ấy đã đem về nhà chưa?
- Đem về rồi, cô ấy nói đã treo trên tường phòng khách. - Tôn Khánh Hải nói.
- Tôi còn nhớ bức tranh đó được lồng bằng khung gỗ hồng sắc rất nặng. Tôi đoán chắc Triệu Ngư treo nó lên.
- Có lẽ thế. Triệu Ngư là con người rất tế nhị.
- Là một người tốt bụng thì đúng hơn.
- Các bạn đã quen nhau rồi à?
- Anh ấy và Thương Nữ đã đến đây một lần. Anh ấy trầm tính, hơi giống anh một chút. Anh thì có kiến thức rộng, còn anh ấy thì tư duy nhạy bén, sống cởi mở. - Tôn Khánh Hải ồ lên một tiếng rồi lại tiếp tục xem tranh. Đinh Ninh nói tiếp: - Anh và Triệu Ngư còn có một điểm chung nữa là rất nhã nhặn với mọi người. Có lẽ những người đàn ông chân chính, xuất sắc, có sức mạnh đều như vậy.
Tôn Khánh Hải xem rất tỉ mỉ từng bức tranh.
- Anh không thích nghe những lời tôi nói à? - Đinh Ninh cười nói.
- Tôi vẫn đang nghe đây, bạn nói tiếp đi. - Tôn Khánh Hải nói.
- Thôi không nói nữa. Tôi đã phạm sai lầm, lẽ ra không nên ca ngợi một người đàn ông khác trước mặt một người đàn ông mới phải. - Đinh Ninh nói.
- Có phải bạn muốn phê bình tôi không? - Tôn Khánh Hải cười nói.
- Anh là ai nhỉ, tôi đâu dám phê bình anh. Anh đến chơi là tôi vui lắm rồi. - Đinh Ninh nói.
Tôn Khánh Hải vỗ vai Đinh Ninh. Đinh Ninh cười nói:
- Sao lại vỗ vai tôi?
- Chẳng lẽ không được hay sao? - Tôn Khánh Hải nói.
- Không được.
- Không được vỗ vai, nhưng ôm nhau thì được. - Tôn Khánh Hải nói.
Hai người đứng dậy ôm ghì lấy nhau trông chẳng khác gì hai người nước ngoài. Người Đinh Ninh run run, chị đi vào phòng ngủ. Khi bước ra, chị đã thay bộ quần áo khác. Chị gọi điện xuống nhà ăn đặt cơm chiều. Chị vén các rèm cửa sổ ở phòng khách để cho ánh sáng ùa vào. Chị không nói nên lời cái gì đã làm chị mất vui hoặc vui. Nếu chị làm ra vẻ vui thì đâu còn là Đinh Ninh nữa. Thương Nữ là bạn chị nhưng lại là một người đàn bà khác, là người đàn bà có nhan sắc hơn chị, người đã từng trăng hoa với Tôn Khánh Hải. Có trời mà biết hồi nhỏ họ đã quan hệ với nhau như thế nào. Năm ngoái, khi triển lãm tranh sơn dầu ở khách sạn Tây Tạng, Tôn Khánh Hải đã dắt Thương Nữ vào phòng ngủ của mình, chính Đinh Ninh đã được tận mắt chứng kiến. Kế đó là bức tranh lớn của Tôn Khánh Hải sáng tác tặng Thương Nữ, qua đó chị đã hiểu hết mọi ẩn ý trong tranh. Mặt tranh không vẽ hình người, chỉ vẽ căn phòng cũ kỹ, một cây cam, cây thiên thu, bức tường vây, ánh nắng mùa Hạ... Chỉ từng ấy thôi cũng đủ để Đinh Ninh hình dung ra hai người con trai và con gái, hơi thở của họ trong không khí vẫn còn đọng lại trên từng lá cây cam.
Đinh Ninh nghĩ: Chắc giữa họ không có chuyện gì, vì dẫu sao họ cũng là họ hàng với nhau. Họ xa hay gần cũng là họ hàng. Lúc còn nhỏ không hiểu biết thì chớ, nay đã lớn rồi, Thương Nữ đã ba mươi ba tuổi, Tôn Khánh Hải cũng đã gần bốn mươi, họ phải biết hổ thẹn với lương tâm, có quan niệm đạo đức của người bình thường mới đúng chứ... Đinh Ninh tự an ủi mình, bỗng tự nhiên buột miệng nói ra một từ: loạn luân. Thực ra Đinh Ninh cũng hiểu không nên dùng từ đó vì nó quá nặng. Nhưng không hiểu sao chị lại sử dụng từ đó, nói một cách khác từ đó đã tự động xuất hiện. Cái từ có sức mạnh tiềm ẩn trong dòng máu của mỗi con người đã giúp chị đối phó được trong giờ phút khó khăn. Chị cũng là đàn bà, vốn mến mộ Tôn Khánh Hải từ lâu, luôn có tình cảm tốt đẹp với anh, nhưng bây giờ chị lại rơi vào tình thế khó xử.
Đinh Ninh nghĩ: Dù chưa đến mức loạn luân, nhưng ít ra hành động của họ cũng có liên quan đến từ này.
Thế là đã rõ, nếu cho Đinh Ninh bỏ phiếu, thì chị sẽ coi hành động này của họ là hành động không chính đáng và tất nhiên chị sẽ bỏ phiếu phản đối.
Đinh Ninh đi đi lại lại trong phòng hồi lâu. Căn phòng lớn rộng hơn hai trăm mét, được trang trí bằng nhiều màu sắc khác nhau. Tôn Khánh Hải cũng bần thần cả người, không biết nên xử lý thế nào.
Đúng năm giờ mười lăm phút, Thương Nữ đến.
Thương Nữ ngồi trên xe taxi gọi điện cho Triệu Ngư nói rằng chị đến xem tranh ở nhà Đinh Ninh, có lẽ tối mới về. Triệu Ngư nói:
- Em cứ đi, để anh ở nhà trông con cũng được. Nhớ đừng về muộn quá đấy.
- Chín giờ tối em sẽ về. - Thương Nữ nói.
- Mười giờ cũng được, Đinh Ninh quý em lắm đấy. - Triệu Ngư nói.
- Mười giờ anh đánh xe đến đón em nhé. - Thương Nữ nói.
- Tuân lệnh. - Triệu Ngư nói.
- Anh đang làm gì thế? - Thương Nữ lại hỏi.
- Anh đang ở nhà làm nghề trông con và đợi vợ về. - Triệu Ngư nói.
- Anh ngoan gớm nhỉ.
- Em có cấm anh ra phố không? - Triệu Ngư cười nói.
- Nếu đi phố là không ngoan đâu. - Thương Nữ nói.
- Còn cấm anh những gì nữa?
- Cấm anh xem ti vi.
Lúc Thương Nữ tắt máy, xe đã chạy đến bờ sông, ở đó có một khách sạn năm sao thuộc loại sang trọng nhất nhì Thành Đô. Nửa năm trước, Tôn Khánh Hải về ở khách sạn này với một người bạn Pháp, anh mời Thương Nữ đến uống trà. Thương Nữ đã đến đó suốt hai tiếng đồng hồ nhưng chị không nói chuyện này cho chồng biết. Ngày hôm sau Tôn Khánh Hải ra sân bay về Bắc Kinh, anh đã gọi điện cho Thương Nữ, Thương Nữ rất cảm động. Anh trai kết nghĩa luôn phải bôn ba nơi đất khách quê người. Ngay từ thời thiếu nữ Thương Nữ đã có cảm giác như vậy. Khi Tôn Khánh Hải thi đỗ vào đại học, lúc sắp ra đi, anh đã tặng cho Thương Nữ một chiếc nhẫn bạc. Chị đeo chiếc nhẫn này mãi đến khi tốt nghiệp cấp hai. Do sơ ý, chiếc nhẫn bị gãy, chị khóc mãi...
Thoáng một cái xe đã chạy qua khách sạn Hào Hoa, thoáng một cái, anh trai kết nghĩa đã biến mất tăm. Đinh Ninh... Thương Nữ nghĩ. Chị rất thích những nết tàn hương trên khuôn mặt Đinh Ninh. Hai chị em đã có dịp nói chuyện với nhau rất lâu. Đinh Ninh nắm tay chị, muốn truyền đến chị mối tình hữu nghị qua làn da mịn màng. Đã có lần Đinh Ninh định giữ chị ở lại qua đêm, nhưng chị từ chối.
Khi hai người đàn bà gặp nhau, họ thường có thói quen tay nắm tay. Thương Nữ theo Đinh Ninh vào phòng tranh. Vừa bước vào Thương Nữ đã nhìn thấy ngay hình ảnh của mình: chị mặc chiếc áo gió màu trắng đang chăm chú nhìn người yêu đến. Có cảnh đường phố đô thị, phía xa là cảnh đồng quê. Trên đầu là trời mây vần vũ hình thành sự tương phản với dáng vẻ bề ngoài của chị và dường như có sự mách bảo gì đó trong nội tâm chị. Đó là ấn tượng khi lần đầu tiên gặp Đinh Ninh. Hồi đó Tôn Khánh Hải đã giới thiệu chị làm quen với Đinh Ninh và nhận chị là em gái kết nghĩa. Sau khi vẽ xong bức tranh, Đinh Ninh mới nhận ra rằng, trong bức tranh này có cả hình ảnh của Tôn Khánh Hải.
Thương Nữ rất thích bức tranh này, thích một Thương Nữ trong tranh, Đinh Ninh vẽ chị rất có hồn. Về sau Triệu Ngư đã nói với chị rằng bức tranh giá trị này là cả tấm lòng của Đinh Ninh tặng cho em đấy. Về hình ảnh Tôn Khánh Hải, nếu Đinh Ninh chỉ nhắc đến một câu là Thương Nữ sẽ hiểu ra ngay, nhưng Đinh Ninh không đề cập tới. Bức tranh này không liên quan gì đến Tôn Khánh Hải. Hai người đàn bà vừa bước vào đến cửa phòng tranh thì Tôn Khánh Hải đã nép mình đứng bên cánh cửa. Đinh Ninh liếc nhìn thấy đôi mắt anh lộ rõ niềm vui.
- Hôm nay mình còn mời một người nữa đến. - Đinh Ninh nói.
- Bạn của chị à? - Thương Nữ hỏi.
- Bạn của chúng ta. - Đinh Ninh nói.
- Là ai vậy? - Thương Nữ hỏi.
Thương Nữ không ngờ đó là Tôn Khánh Hải, chỉ nghĩ rằng có thể là Tôn Kiện Quân. Năm ngoái bốn người đã cùng ăn cơm ở khách sạn Tây Tạng.
- Là anh trai kết nghĩa của bạn đấy. - Đinh Ninh nói.
- Anh Khánh Hải à, anh ấy về bao giờ? - Thương Nữ nói.
Tôn Khánh Hải đứng ngay sau lưng Thương Nữ nói:
- Về tối hôm qua.
Thương Nữ giật mình, nhưng chỉ một thoáng đã vui ngay.
Đinh Ninh thấy hai người vui mừng, mặt chị bỗng đỏ bừng.
Anh trai kết nghĩa ôm chầm lấy em gái áp sát má vào mặt em gái. Tiếp đến là Đinh Ninh, anh cũng ôm Đinh Ninh và hôn vào má trái. Thế là trong một lúc anh đã ôm cả hai người đàn bà. Đương nhiên giữa hai người đàn bà có sự khác nhau, ngực Đinh Ninh có hai tấm đệm mút.
Đinh Ninh vào bếp, nói là đi pha cà phê.
- Gần đây em có khỏe không? - Tôn Khánh Hải hỏi.
- Em vẫn khỏe, còn anh thì sao? - Thương Nữ nói.
- Anh vẫn thế, vẫn bôn ba khắp nơi. Triệu Ngư thì sao? - Tôn Khánh Hải nói.
- Anh ấy vẫn khỏe. Lần này anh về sẽ ở lại vài ngày chứ? - Thương Nữ nói.
- Anh ở lại khoảng một tuần. - Tôn Khánh Hải nói. - Ngày mai sẽ có hai anh bạn ở Bắc Kinh đến đây. Đợi khi nào họ ra về, hai gia đình ta sẽ họp mặt. Bố mẹ em có khỏe không?
Thương Nữ nói bố mẹ em rất khỏe, các cụ vẫn luôn nhắc đến anh. Tôn Khánh Hải nói anh cũng luôn nhớ em và các cụ.
Mặt Thương Nữ đỏ bừng, chị quay người ngắm tranh. Ánh nắng hoàng hôn lướt qua trên khuôn mặt chị. Chị mặc quần bò, áo sơ mi dài tay che lấp cả cánh tay nõn nà của chị. Bộ ngực phập phồng dưới lớp áo màu xanh nhạt... Tôn Khánh Hải ngắm nhìn chị. Đã lâu rồi, Tôn Khánh Hải vẫn có thói quen như vậy, anh nhìn chính diện, nhìn hai bên và nhìn sau lưng bóng hình Thương Nữ. Năm mười ba tuổi nhà Thương Nữ dọn đi nơi khác để lại vườn không nhà trống, Tôn Khánh Hải luôn lục tìm trong ý nghĩ bóng hình của Thương Nữ. Tháng Chín năm đó anh cũng ra đi, Thương Nữ đứng ngẩn ngơ trên gác nhìn theo bóng hình anh.
Thương Nữ bước đến bên cửa sổ, ngắm nhìn xuống cảnh đường phố. Tôn Khánh Hải lặng lẽ đến bên Thương Nữ, không nói năng gì. Bên cạnh là mấy chiếc ghế màu trắng.
Lại giống hệt như năm ngoái, trong căn phòng ở khách sạn Tây Tạng. Dường như cảnh tượng hỗn loạn lại sắp tái hiện. Hồi đó Thương Nữ ăn rất nhiều món khô, trong khi nhiệt độ trong phòng lên rất cao. Tôn Khánh Hải đã ôm hôn chị, họ không còn là anh em kết nghĩa nữa. Những chuyện riêng tư của đàn ông và đàn bà như vậy chẳng ai dám hé răng nói ra. Hai người quần thảo nhau trên tấm thảm chán rồi, lại đưa nhau lên giường... Đúng lúc đó, Tôn Kiện Quân đã có mặt kịp thời, anh gõ cửa...
Tôn Khánh Hải cũng ngắm nhìn quang cảnh đường phố.
Nếu Thương Nữ quay đầu lại thì rất có thể sẽ va vào mặt Tôn Khánh Hải. Và nếu hoàn cảnh cho phép, biết đâu họ lại chẳng ôm hôn nhau như ở khách sạn năm nào.
Tôn Khánh Hải đã vượt qua ngàn dặm về đây. Trong giấc ngủ, anh luôn mơ về người đẹp...
Đinh Ninh đem cà phê lên, Đinh Ninh chính là Tôn Kiện Quân hôm nay. Ba người ngồi bên cửa sổ. Nhìn ra ngoài là tầng lầu cao đồ sộ, mặt trời đã ngả về tây. Gió hiu hiu thổi... Tôn Khánh Hải nói về chuyến đi châu Phi của mình, hành trình đi qua sa mạc Sahara, cảnh nghèo khổ của người dân châu Phi. Hai người đàn bà nhìn anh, mắt không chớp, say sưa nghe anh kể chuyện. Họ có mối quan hệ khác nhau với anh, có hoàn cảnh khác nhau. Đương nhiên ký ức của Thương Nữ có nhiều hình ảnh sâu đậm, còn ký ức của Đinh Ninh thì đơn giản. Nói đúng hơn, tình cảm của Đinh Ninh là trong sạch, dễ dàng thể hiện vai trò của một phụ nữ chân chính, còn Thương Nữ thì đó chỉ là những hành động lén lút...
Người phục vụ bưng cơm lên, rượu bia đã thay thế chỗ của cà phê. Cả ba người đều nâng cốc, Tôn Khánh Hải vẻ mặt vẫn như thường, không có gì tỏ ra xúc động. Hai người đàn bà vừa ăn vừa trò chuyện, còn anh thì hút thuốc. Lúc này anh có đôi chút giống Triệu Ngư, nhưng vào một lúc khác, anh lại khiến người ta nghĩ tới Tôn Kiện Quân. Anh là sự kết hợp giữa hai người đàn ông kia, bởi thế có đầy đủ lý do để nói rằng phụ nữ rất mê anh. Người phục vụ lại xuất hiện, đặt các món ăn vào bàn, rồi lặng lẽ lui ra. Người phục vụ chẳng nói chẳng rằng, làm việc như một người máy. Màn đêm buông xuống, Tôn Khánh Hải biến thành cái bóng đen. Ánh đèn đường và ánh sao đã làm người phụ nữ trở nên sinh động hơn. Đây chính là thời điểm để người đàn ông và người đàn bà dễ thể hiện ý riêng của mình nhất.
Ăn xong họ rời sang phòng khách tiếp tục uống cà phê, Thương Nữ uống nước sôi để nguội. Mười giờ tối chị phải ra về. Đêm thuộc về đức ông chồng đồng thời cũng là của chị. Buổi trưa chị ở lại công ty với mấy bạn đồng nghiệp. Suốt cả ngày chị không gặp mặt chồng. Nhớ nhung... nhớ nhung là thứ tình cảm tốt đẹp cuộc sống cứ tiếp tục trôi đi như vậy, nhớ hết cái này đến cái kia, nhớ những người thân yêu... Lúc này chị đang ngồi ghếch chân lên sa lông, uống nước sôi để nguội. Ngồi cạnh chị là Đinh Ninh, ngồi cạnh Đinh Ninh là Tôn Khánh Hải. Hễ cứ ngước mắt nhìn là lại thấy anh trai kết nghĩa... thật chẳng chân thực chút nào, dường như anh trai kết nghĩa nên ở một nơi khác thì đúng hơn. Đinh Ninh bật ti vi vừa ngồi xem vừa tán gẫu. Đinh Ninh hoạt bát hơn hẳn, có lẽ cà phê đã kích thích thần kinh chị. Rượu ngon lại thêm cà phê... Thương Nữ đã bị cuốn hút vào câu chuyện, vừa ngẩng đầu lên lại bắt gặp cặp mắt Tôn Khánh Hải. Chị rất ngạc nhiên về sự cảm động của mình trước câu chuyện đơn giản: Tại sao bên cạnh mình luôn có hình ảnh của anh trai, chị không thể không nhìn anh.
Đúng chín giờ, Đinh Ninh bước ra khỏi phòng, chị nói là về nhà thăm bố mẹ.
Cũng đúng lúc đó câu chuyện trong phim kết thúc, một câu chuyện tình yêu li kỳ...
- Anh đã xem bức tranh Đinh Ninh vẽ về em rồi. - Tôn Khánh Hải nói.
- Thế thì tốt quá - Thương Nữ nói.
Hai người bước vào phòng tranh, Tôn Khánh Hải ngắm nhìn Thương Nữ trong tranh và Thương Nữ ngoài đời. Anh nói:
- Đinh Ninh vẽ bức tranh này khá công phu.
- Chị ấy vẽ suốt mấy tháng đấy. - Thương Nữ nói.
- Chỉ khi nào có cảm xúc cô ấy mới vẽ. Đây không phải là vẽ một nhân vật bình thường, cô ấy rất có cảm tình với em đấy. - Tôn Khánh Hải nói.
- Em với chị ấy... Ồ không biết nên nói thế nào cho đúng nhỉ, hễ cứ gặp nhau là vui như hội.
- Ồ, hễ cứ gặp nhau là vui như hội... Thế là em gặp người tình rồi.
- Anh trai, sao anh lại nói thế. - Thương Nữ mặt đỏ bừng.
Tôn Khánh Hải nói Đinh Ninh vẽ rất nhiều tranh về đề tài phụ nữ, nhưng anh dám cả quyết rằng đây là bức tranh cô ấy vẽ công phu nhất. Có thể đem đi triển lãm được đấy.
- Đem em trưng bày ở phòng triển lãm à? - Thương Nữ nói.
- Anh cũng muốn vẽ một bức tranh về em. - Tôn Khánh Hải cười nói.
- Anh đã vẽ rồi còn gì.
- Em định nói về bức tranh anh vẽ năm 1983 phải không?
Thương Nữ gật đầu.
- Bức tranh đó anh cũng phải vẽ tới nửa năm nhưng rất tiếc trong tranh không vẽ người. - Tôn Khánh Hải nói.
Thương Nữ bảo không vẽ người càng tốt chứ sao. Tôn Khánh Hải liếc nhìn chị. Hai người im lặng không nói gì nữa. Cái đáng sợ chính là sự im lặng.
Thương Nữ giở một quyển họa báo ra xem. Năm ngoái ở khách sạn Tây Tạng, chị cũng giở tập album của Tôn Khánh Hải ra xem, toàn là ảnh chụp ở Thành Đô, biết bao nhiêu kỷ niệm xưa gợi nhớ. Sau đó... tập album rơi xuống sàn.
Tôn Khánh Hải đến bên Thương Nữ đưa tay chỉ chỉ trỏ trỏ. Đây là tác phẩm của mấy họa sĩ mà anh quen biết. Tôn Khánh Hải giới thiệu hết bức tranh này đến bức tranh khác, cố giữ vẻ bình tĩnh. Thương Nữ chăm chú lắng nghe. Ngôn ngữ vốn là tiếng nói và hơi thở, tiếng nói là những từ ngữ có sức hấp dẫn và lan tỏa rất nhanh. Còn hơi thở làm cho mấy sợi tóc của Thương Nữ tung bay, trông chị càng trở nên duyên dáng.
Giọng nói, hơi thở giống như một liều thuốc kích thích.
Một khúc dạo dầu trước khi hỗn loạn. Ký ức đã hiện về, căn phòng buổi gặp gỡ đầu tiên, phòng tranh hiện hữu trước mặt. Cuốn họa báo trên tay Thương Nữ dường như muốn rơi khỏi tay. Lúc Tôn Khánh Hải nói, anh ghé sát vào tai Thương Nữ. Tai là bộ phận nhạy cảm của con người.
Họ đã từng hôn nhau.
Dần dần chẳng còn nghe thấy tiếng nói của Tôn Khánh Hải nữa. Dường như Tôn Khánh Hải chỉ đợi Thương Nữ ngẩng đầu lên là ôm hôn ngay.
Thời khắc đó bị kéo dài. Không gian yên lặng, chỉ còn nghe thấy tiếng tim đập. Tư thế đứng của Thương Nữ dường như đang chờ đợi.
Thương Nữ bước đến trước cửa sổ nhìn xuống đường phố. Chị chẳng nhìn thấy gì hết. Đức ông chồng... chị bỗng liên tưởng tới.
Tôn Khánh Hải cũng tiến lại gần cửa sổ, chẳng lẽ anh lại định ôm Thương Nữ từ phía sau lưng hay sao? Thương Nữ hơi hồi hộp. Tôn Khánh Hải đã đến sau lưng chị, chẳng nói chẳng rằng. Đừng... Thương Nữ nghĩ. Thực ra chị cũng không cần phải nghĩ, chỉ cần ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cửa là xong. Chị cảm nhận được cả hơi thở nóng hổi của người đàn ông ở phía sau lưng mình.
Tôn Khánh Hải vẫn đứng yên. Có lẽ hai tay vừa định dang ra thì lại rụt lại.
Đinh Ninh đã về. tiếng chìa khóa mở cửa nghe rõ mồn một.
Hai người đưa mắt nhìn nhau, Tôn Khánh Hải nói:
- Có điều kiện em lên Bắc Kinh chơi, mùa Thu này, anh sẽ ở Bắc Kinh.
Thương Nữ gật đầu. Đinh Ninh bước vào phòng tranh. Nữ họa sĩ cười bảo:
- Hai anh em kết nghĩa thân mật quá nhỉ.
Thương Nữ tủm tỉm cười, cái cười gượng gạo.
Đúng lúc đó Triệu Ngư gọi điện bảo rằng xe đã đến. Thương Nữ cáo từ ra về. Tôn Khánh Hải nói bảo chú ấy đợi một lúc được không?
Đinh Ninh tiễn Thương Nữ xuống cầu thang máy, chị bắt tay Triệu Ngư, nói chuyện tào lao vài câu. Khi quay trở về phòng tranh chị chợt nghĩ: Tại sao hai người đàn ông lại không gặp nhau...
Tôn Khánh Hải đang dùng bút máy vẽ một bức tranh tốc họa: Ba người ngồi bên cửa sổ, vẻ mặt và tư thế ngồi khác nhau. Hai người phụ nữ người ngồi thẳng, người ngồi nghiêng, còn người đàn ông thì ngồi quay lưng lại.
Có điện thoại gọi Đinh Ninh, đức ông chồng gọi từ Ninh Ba về. Nghe xong, chị đặt máy xuống và tắt máy di động. Đêm nay chắc sẽ không có ai quấy rầy chị nữa. Thương Nữ đã ra về nhưng hình ảnh vẫn còn để lại.
Tôn Khánh Hải cầm bốn tờ phác thảo ra khỏi phòng, anh lại vẽ thêm một cái về Đinh Ninh. Vừa vẽ xong, Đinh Ninh cầm lấy xem, chị cười nhạt. Chị cầm bút vẽ một bức tranh về Tôn Khánh Hải, chị vẽ rất chậm, phải hết nửa giờ mới xong.
Đã mười một giờ rồi.
Đinh Ninh mời Tôn Khánh Hải trở lại phòng khách. Căn phòng rộng rãi, thoáng mát, đẹp đẽ, đối diện với chiếc giường đôi là bức tranh sơn dầu nhỏ do chính Tôn Khánh Hải vẽ.
- Muộn rồi, anh nghỉ đi một chút. - Đinh Ninh nói.
Tôn Khánh Hải hỏi còn bạn thì sao?
- Tôi còn phải làm việc. Uống nhiều cà phê quá. - Đinh Ninh đáp.
- Tôi cũng uống nhiều. - Tôn Khánh Hải nói.
- Thế thì tính sao bây giờ? Hay anh cũng vẽ đi. - Đinh Ninh nói.
- Chúng ta đi dạo một chút được không? - Tôn Khánh Hải nói.
- Được thôi - Đinh Ninh nói.
Hai người xuống nhà đi theo ven sông Phủ Nam rồi bước lên cầu, mỗi người mua một que kem. Đối diện với cầu là một dãy phố ăn uống, khói tỏa lên nghi ngút. Đèn điện sắc màu rực rỡ trông rất vui mắt. Sinh hoạt ban đêm ở Thành Đô cũng rất nhộn nhịp nhưng không giống ở Paris. Ở Paris người ta thường gặp nhan nhản các mĩ nữ vào quán cà phê. Còn ở Thành Đô thì các mĩ nữ thường ở nhà hoặc vào các khách sạn, quán bar, phòng trà phòng khiêu vũ.
Khi quay về đã là một giờ đêm. Đinh Ninh nói tôi phải tiếp tục làm việc. Còn Tôn Khánh Hải cũng không đi ngủ, anh bật ti vi xem.
Khoảng một tiếng sau, anh tắt ti vi, quay đầu nhìn sang thấy Đinh Ninh đang đứng ở cửa phòng tranh.
Anh tiến gần đến Đinh Ninh, Đinh Ninh cũng đến gần lại anh. Chỉ trong chớp nhoáng, họ đã cởi hết quần áo...
Say Sắc Say Sắc - Lưu Tiểu Xuyên Say Sắc