I find television to be very educating. Every time somebody turns on the set, I go in the other room and read a book.

Groucho Marx

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Ngô Tín
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1151 / 3
Cập nhật: 2016-02-22 20:56:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Điểm Tối
hiều ngày mồng một tháng Năm, Nam Tử ở nhà một mình. Tôn Kiện Quân bước ra khỏi nhà nói rằng đến nhà xuất bản có việc. Anh không phải trực đêm, buổi chiều đến cơ quan chủ yếu chỉ để sửa bài. Cậu con trai Tôn Ân thì ông bà nội đã đón về nhà chơi rồi. Theo kế hoạch Nam Tử sẽ về quê thăm gia đình vài ngày. Ông cụ thân sinh ra chị là giáo viên ở làng đã mấy lần gọi điện hỏi có kế hoạch gì trong ngày nghỉ hay không. Tôn Kiện Quân nói trong thời gian nghỉ lễ anh bận sửa bài nhưng có thể dành ra một ngày để đánh xe đưa Nam Tử về. Nam Tử không để chổng đưa về vì đường xa và khó đi, đi tàu hỏa tiện hơn. Tôn Kiện Quân mua vé giường nằm cho chị và dặn đi đường phải cẩn thận; anh đưa chị một nghìn đồng về biếu bố mẹ để các cụ chi dùng trong ngày lễ. Sự chăm lo chu đáo của chồng làm Nam Tử rất cảm động. Chuyến xe lửa khởi hành từ sáng sớm, hôm sau đến huyện lỵ vào buổi chiều, từ huyện lỵ đi ôtô tiếp khoảng hai tiếng đồng hồ là về đến nhà. Tôn Kiện Quân đã về quê hai lần bằng ôtô, lần đầu khi mới cưới nhau, lần thứ hai vào cuối năm ngoái, cả nhà ba người cùng đi.
Nam Tử giặt quần áo, lau sàn, dọn dẹp nhà cửa. Trước khi đi, chị phải thu xếp nhà cửa cho thật gọn gàng. Sàn nhà lát bằng gỗ đánh véc ni màu hồng thẫm, chị lau rất cẩn thận. Thông thường mỗi tuần lau một lần, nếu có khách thì sau khi khách ra về, Chị lại lau qua phòng khách. Giặt quần áo nhẹ nhàng hơn, lau sàn vất vả hơn. Nam Tử lần lượt lau từ phòng này sang phòng khác. Sàn nhà sáng bóng như gương có thể nhìn rõ bóng hình chị, mớ tóc dài xõa xuống, chị đưa tay hất nhẹ về sau, lau mệt, ngồi nghỉ ngay trên sàn.
Nam Tử ngắm nghía, phòng khách rộng khoảng bốn mươi mét, phòng ngủ ba mươi mét. Đây là nhà của chị. Mấy năm trước chị là bảo mẫu của cái gia đình này, bây giờ chị là chủ. Nữ chủ nhân cũ đã dọn đến một nhà ở đầu phố. Vì thế, suốt một thời gian dài, chị vẫn cảm thấy hơi là lạ: Tại sao lại thế nhỉ? Ai gây nên nông nỗi này, có phải Tôn Kiện Quân, chồng chị gây nên không? Có lẽ do cả hai chăng? Số phận đã đun đẩy chị đến gia đình này, Tôn Kiện Quân đã làm thay đổi cuộc đời chị. Khi còn làm bảo mẫu, chị không bao giờ dám hé răng, vì nếu sự việc vỡ lở sẽ rất phiền cho chị. Mắt chỉ dám nhìn xuống chân mình, nếu nhìn xa hơn, ngắm nghía căn phòng hay bức tường cũng có nghĩa là "lạy ông tôi ở bụi này". Chị không hài lòng lắm với công việc dọn dẹp của mình nhưng nếu người bảo mẫu cứ thường xuyên ra vào các phòng tất bà chủ sẽ để ý, chỉ một cử chỉ tế nhị ấy thôi mà đến nay Nam Tử vẫn chưa nghĩ ra. Càng nghĩ càng thấy lạ... Từ một thân phận yếu hèn, chị đã trở thành thân phận khác, cứ như từ mặt đất bay lên mây xanh trong khi mình chưa đủ lực. Có một bàn tay đã nâng chị lên và giúp chị đứng vững. Đó là bàn tay của phu quân. Có được bàn tay như vậy chị không cần phải nghĩ gì nữa.
Nam Tử kết hôn đã được sáu năm, chị vốn là một cô gái nhà quê ăn mặc theo mốt thành thị hôm nay. Vài ba năm đầu, chồng chị chọn mua cho chị, Tôn Kiện Quân là ông vua có hạng về lựa chọn quần áo, anh rất chú ý đến việc trang điểm cho vợ mình. Quần áo thường là màu tối, không lòe loẹt. Chị mặc loại quần áo này vừa làm nổi thể hình lẫn dung nhan trông rất bắt mắt. Nam Tử giống như một thiên tiểu thuyết do ông chồng bố cục trên giấy, chủ đề do anh quyết định, tình tiết do anh triển khai, kết cục do anh hư cấu. Nam Tử là cuốn tiểu thuyết dài khoảng ba vạn chữ, một vạn chữ nói về năm đầu tiên sau khi kết hôn. Tôn Kiện Quân đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết với chị, trí tưởng tượng đã quá mệt mỏi, việc đưa chị đi phố ngày càng ít hơn, việc lựa chọn quần áo cho chị cũng thưa dần, trong khi đó, mỗi lần đi phố, Nam Tử chi tiêu cũng ngày càng ít hơn. Ký ức về nhà quê của chị còn sâu sắc lắm. Một nghìn đồng đối với nhà quê là một khoản tiền lớn, chị thấy xót xa lắm. Song, có điều chồng chị đã thiết kế ắt hẳn đã tính kỹ rồi, nhưng chị vẫn chỉ mua những mặt hàng giá rẻ có gắn nhãn mác giả của loại đắt tiền, chồng chị vô tâm cứ tưởng là hàng chính phẩm, khen lấy khen để. Mặc quần áo màu sáng là ước muốn của chị, là tiến thêm một bước, cốt lõi của chị vẫn là một cô gái nhà quê, cho nên những màu sắc tự nhiên gần như là bản năng của chị. Điều đáng tiếc là dù màu sẫm hay màu sáng ông chồng cũng chỉ liếc qua. Việc khen chỉ là khách sáo. Tôn Kiện Quân cũng rất khách sáo với Thương Nữ, nhưng hai sự khách sáo ấy khác hẳn nhau, theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Khách sáo với vợ là sự nhượng bộ, còn khách sáo với Thương Nữ là biến cách tiến công, là sự tích lũy để chờ thời cơ tiến công.
Nam Tử mặc chiếc quần hoa vải cotton ngồi trên sàn nhà, la
o động mệt mỏi, mặt chị đỏ ửng, bên cạnh là tấm giẻ lau và xô nước. Lau xong năm phòng phải cần đến chín xô nước. Kể từ ngày về đây, chị đã lau khoảng gần một trăm lần. Con số đó không ai biết. Chỉ khi nào chồng ra khỏi nhà, chị mới lau, khi chồng về sàn đã sạch như lau như li. Lao động là bổn phận của chị. Chồng chị rất bận, anh bận làm việc, sáng tác, bận các công việc khác nữa. Người chồng có được một gia đình ấm cúng thì người vợ cũng thấy hả hê. Một khi sự dễ chịu đã trở thành thường nhật thì sự hả hê cũng dần dần mất đi. Đúng là thời gian có thể bào mòn tất cả.
Thời tiết tháng Năm hơi nóng, mồ hôi đã làm mớ tóc dài của chị dính chặt vào cổ, Nam Tử lấy tạp dề lau mồ hôi rồi lại tiếp tục lau sàn. Nhìn bóng hình in xuống sàn nhà, quả thật chị còn rất trẻ. Rất nhiều phụ nữ trong thời đại ngày nay, tuy chỉ mới 25 tuổi nhưng trông đã già, tâm hồn đã đầy rẫy những nếp nhăn, tuy miệng cười tươi nhưng bụng đầy toan tính trái ngược hẳn với tuổi thanh xuân, trên thực tế họ đã bước vào hoàng hôn, khoảng cách giữa họ với chiếc quan tài không còn xa lắm. Còn sự trẻ trung của Nam Tử thì chứng cứ rành rành, chị đã 25 tuổi nhưng vẫn sống như ở tuổi mười sáu, mười chín. Ký ức thời thiếu nữ, sự nghèo khổ và niềm vui sướng là những món ăn nuôi dưỡng chị. Tôn Kiện Quân đúng là ân nhân của chị, giúp chị thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Chị đã vứt bỏ sự nghèo khổ, giữ lại niềm vui sướng, chôn chặt trong lòng những chuyện dĩ vãng. Cậu con trai Tôn Ân ngày càng khôn lớn. Trong chị hiện chỉ có hai điều: một là niềm vui của người phụ nữ, hai là niềm tự hào được làm mẹ.
Nhưng...
Nam Tử lau đến gian phòng cuối cùng, phòng sách của chồng. Bên ngoài phòng sách là một sân thượng lớn được vây quanh bằng một lớp kính mờ. Ở đó có một chiếc ghế da, Tôn Kiện Quân vẫn thường ngồi đọc sách hoặc ngắm trời đất. Bên cạnh bao giờ cũng có một cốc nước trà do Nam Tử pha. Nói chung chị ít vào phòng sách của chồng, không ngồi lên ghế da của chồng. Đôi khi Tôn Kiện Quân ngồi trong phòng sách gọi điện thoại, cười thoải mái, còn chị vẫn ngồi ở phòng khách xem ti vi. Vậy phòng sách có gì làm chị phải xa lánh? Chị cũng không rõ. Chỉ biết rằng năm đó tại phòng sách này đã xảy ra một trận chiến đấu, Tiểu Đào đã xé vụn tấm ảnh của Thương Nữ, tát Tôn Kiện Quân một cái.
Tôn Kiện Quân là người ôn hòa, đối xử với phụ nữ lại càng ôn hòa hơn. Lần đầu tiên và cũng là trường hợp ngoại lệ, khi bị Tiểu Đào tát, anh đã chỉ tay vào mặt Tiểu Đào. Có lẽ với Nam Tử sẽ không có chuyện đó xảy ra. Kết hôn đã mấy năm rồi, bàn tay ấy đã từng vuốt ve chị không biết bao nhiêu lần, chị biết lắm chứ. Mùa Hè năm ngoái, Nam Tử ngửi thấy mùi nước hoa trong phòng sách, cả ở ngoài sân thượng nữa. Chị mới ra khỏi nhà vài tiếng đồng hồ, vậy mùi nước hoa ở đâu ra? Sàn nhà sạch bóng sao lại có nhiều vết chân đến thế? Và ngoài sân thượng kia...
Có một số chuyện Nam Tử muốn để cho nó qua đi, chẳng nên nghĩ ngợi làm gì. Dường như trong phòng sách có điều gì bí mật thì phải. Đôi khi chồng vừa về đến nhà gọi vội một cú điện thoại rồi lại đi ngay, đi đâu cũng không nói cho chị biết, chỉ vuốt nhẹ lên má chị một cái rồi vội vàng đi ngay. Đối với chồng, gia đình là nơi anh có thể bỏ đi bất cứ lúc nào, còn chị thì cứ quanh quẩn ở nhà suốt ngày này qua tháng khác theo yêu cầu của chồng. Đã sáu năm rồi. Nếu tính cả thời gian còn làm bảo mẫu thì vừa tròn bảy năm. Từ bảo mẫu trở thành người yêu, từ yêu đến chăn gối cùng nhau, cuộc sống của Nam Tử đã đi theo một trình tự cố định. Một cảm giác hoàn toàn yên tâm, không còn phải lo cơm ăn áo mặc nữa. Chị về thăm bố mẹ, giúp đỡ bố mẹ và họ hàng thân thích. Không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng Nam Tử đang có cuộc sống rất hạnh phúc. Chồng chị vừa là ân nhân vừa là bạn đời, hạnh phúc giống như một sợi dây thừng cột chặt lấy chị. Chị đã không ra khỏi nhà lâu lắm rồi. Chồng ra khỏi nhà làm những việc gì, chị đều không biết. Hạnh phúc đã che lấp tầm nhìn của chị. Chị là con gái một gia đình nghèo nên phải sống theo sự sắp đặt của người khác...
Nhưng kể từ năm ngoái, cuộc sống lại có thêm một rào cản mới, hạnh phúc bắt đầu lung lay, cái vỏ ngoài rắn chắc bắt đầu rơi rụng. Tôn Kiện Quân ngày càng bay nhảy nhiều hơn, Nam Tử ngày càng rơi vào tình cảnh chết cứng, quan hệ trở nên hờ hững. Việc gì cũng phải có giới hạn của nó, tức nước ắt phải vỡ bờ. Hạnh phúc rõ ràng đã có sự nghi ngờ, điểm tối trở nên sáng, cái lô cốt vững chắc do chồng thiết kế đã bị thời gian mài mòn để lộ ra một phòng tuyến...
Nam Tử lau nhà xong, mồ hôi ướt đẫm cả áo trong. Đã bốn giờ chiều, chị làm lụng suốt ba tiếng đồng hồ. Đến năm giờ, chị nổi lửa làm cơm, nếu Tôn Kiện Quân không về phải gọi điện báo trước lúc năm giờ, từ trước vẫn như thế, Nam Tử đã quen nếp rồi. Đã quá bốn giờ rưỡi, Nam Tử cứ quanh quẩn bên máy điện thoại.
Hôm nay anh ấy lại sai hẹn rồi.
Nam Tử ra khỏi phòng sách, chị đã nghĩ đến một số chuyện, nói cách khác không phải là nghĩ nữa mà cái vỏ ngoài của hạnh phúc đã bị lung lay thật rồi, một số cảnh tượng hiện lên trong sâu thẳm ký ức của chị, ví dụ như mùi nước hoa vào mùa hè năm ngoái chẳng hạn. Chị ngắm nhìn phòng sách bằng con mắt khác xưa kể cả tủ sách, chiếc bàn làm việc, máy vi tính... dường như có cái gì đó đang che khuất mắt chị. Hôm qua nhà làm cơm mời khách, chồng chị cứ dán mắt vào Thương Nữ, hai người nói chuyện với nhau say sưa lắm, chị cứ phải cúi gằm mặt xuống, lẽ ra chị nên ngẩng mặt lên mới phải.
Nam Tử cởi quần áo đi vào nhà tắm, bộ ngực căng tròn rung rinh như sóng biển phập phồng. Phòng rộng thênh thang nhưng chẳng có ai ở nhà, chị thoải mái đi lại tự nhiên, đôi chim bồ câu nhún nhảy như muốn bay ra khỏi lồng ngực.
Hồi ở nhà quê chị đi chân đất ra đồng, suốt ba tháng không đi giày. Tháng Năm, chị xắn quần móng lợn vào rừng hái củi, ra đồng cấy lúa. Chị là cô gái nhà quê đẹp người, tốt nết, đã quen với việc chân lấm tay bùn. Chị là bông hoa đẹp đã từng làm cho các chàng trai ở làng bên say như điếu đổ, ai cũng muốn làm chồng chị. Mẹ chị có bệnh, bố đi dạy học, còn chị vừa đi học, vừa đi làm. Chị đã thi đỗ vào trường trung học trọng điểm của huyện, học được một học kỳ thì phải nghỉ học. Đó là vào cuối mùa Đông, sắp sang mùa Xuân, mẹ chị nằm trên giường bệnh ho khù khụ, nước mắt giàn giụa, còn bố chị thì sang nhà hàng xóm uống rượu say khướt, giậm chân đấm ngực thình thịch... cũng may năm đó nhà chị không có ai chết, thế là hạnh phúc lắm rồi. Cả nhà thoát chết. Nam Tử lau khô nước mắt, chẳng nói chẳng rằng, vác cuốc đi luôn. Mùa Xuân đã đến, nước suối mát mẻ, hoa rừng nở rộ. Ánh nắng le lói chiếu xuống cánh đồng một màu vàng nhạt. Nhà nông có cái khổ nhưng cũng có cái sướng, các thiếu nữ làm việc dưới bầu trời trong xanh vui nhiều hơn là buồn. Bệnh của mẹ chị ngày càng thuyên giảm, bố chị không uống rượu nữa, anh trai chị đã có việc làm. Nhưng bốn nhân khẩu trong nhà vẫn sống đạm bạc, nghèo khổ.
Vào vụ thu hoạch năm đó, có một chàng trai cầm liềm sáng loáng bước vào ruộng lúa nhà chị. Anh ta tên là Ninh Cường, bạn học cấp hai của Nam Tử, người làng Ninh Câu, nhà cũng nghèo như gia cảnh nhà chị. Anh không dám gặp bố Nam Tử. Chàng trai nghèo yêu cô gái nhà nghèo xem ra khó thành công. Song đôi trai gái vẫn sát cánh bên nhau gặt lúa, họ lao động rất hăng say. Anh trai biết chuyện liền lấp liếm cho em gái nói rằng mình thuê anh ta gặt, chỉ ăn một bữa cơm, tiền công vài ba đồng, không đáng gì. Ông bố bán tín bán nghi: thợ gặt gì mà trẻ thế này? Có điều ở nhà quê rất nhiều người nghèo, nên chuyện đó cũng không lấy gì làm lạ. Đến vụ thu hoạch năm sau, chàng trai lại đến, trông lớn hẳn lên, ra dáng một thanh niên thực thụ. Bố Nam Tử hỏi, mặt anh ta đỏ bừng. Nhưng cũng may là cái liềm trong tay anh tỏ ra rất thành thạo trong công việc gặt hái. Qua được cửa ải ông bố, chàng trai rất xúc động, anh làm một mạch đến tận chiều. Mộng mơ say đắm dưới ánh nắng mặt trời, tay liềm đưa nhanh, tiếng kêu sột soạt. Khi mặt trời đã khuất núi, bà mẹ Nam Tử đem cơm ra đồng, anh chàng ăn như hổ báo... cũng may là mọi người xung quanh không ai để ý. Ăn xong, họ nghỉ ngơi, các chàng trai, cô gái ngả mình trên các thảm cỏ, bầu trời im lặng để lứa đôi thì thầm... Trời sập tối, chàng trai vội ra về. Nam Tử đứng ngây người nhìn theo...
... Nam Tử nhắm nghiền mắt, mở vòi hoa sen. Dòng nước nóng từ từ lan tỏa xuống mặt, xuống cổ, xuống ngực, xuống lưng... chị vẫn để ý đến tiếng điện thoại. Chuông điện thoại có thể vẫn nghe rõ dù tường chắn, hơi nước mịt mù. Chị còn nhớ cũng vào đúng lúc như thế này năm ngoái, tiếng chuông điện thoại đã quấy nhiễu thần kinh chị, chồng không về, chị nấu cơm cho ai? Con trai Tôn Ân còn nhỏ, nó có ăn uống gì nhiều đâu, tội nghiệp thằng bé, có lẽ sự yếu đuối của mẹ đã lây sang nó... Nếu chồng về muộn thì cũng phải gọi điện báo cho chị biết chứ. Chị ngồi chờ chồng, suy nghĩ mung lung, chị thấy như bàn tay dịu hiền của chồng đang vuốt ve cơ thể của người khác, những nghi kỵ ngày càng tăng, nhất là từ bốn rưỡi đến năm giờ chiều. Trong nửa tiếng đồng hồ đó, Tôn Kiện Quân không hề để ý, anh gọi điện thoại về, Nam Tử nghe xong càng lo sợ.
Hôm nay là ngày lễ Mồng một tháng Năm, ngày đầu tiên trong đợt nghỉ một tuần lễ. Ngày mai Nam Tử về quê.
Nam Tử lấy khăn lau người, vừa lau vừa bước ra khỏi nhà tắm. Chuông điện thoại vẫn chưa lên tiếng. Kim đồng hồ ở phòng khách đã sắp chỉ vào con số năm. Chị nhẹ nhàng bước vào phòng, phấp phỏng chờ đợi... chị xuống bếp nhìn qua, mở tủ lạnh rồi lại đóng lại. Chị vẫn vắt trên vai chiếc khăn tắm. Đây là bí mật của chị, khi không có ai ở nhà, tắm xong chị không quen mặc quần áo ngay. Không mặc quần áo, chị thấy thoải mái hơn nhiều. Thời tiết tháng Năm, lúa đã chín vàng. Anh trai chị một mình đảm nhận toàn bộ công việc, giầu giãi nắng sương, mong sẽ có ngày thoát khỏi cảnh nghèo. Chị dâu đã sinh một đứa con trai bụ bẩm. Bố chị đã được lên lương, thầy giáo ở trường dân lập mấy chục năm nay đã có chính sách mới. Về quê cái từ này đã gợi lại cho chị những kỷ niệm về đồng ruộng và hoa rừng nở rộ.
Trong phòng ngủ có một tấm gương to hình bầu dục, Nam Tử đến đứng trước gương, bỏ khăn tắm ra để lộ hoàn toàn thân hình thon thả, kiều diễm, đôi mắt dễ thương... Đô thị đã tiếp nhận thân hình như chị. Lúc đầu, Tôn Kiện Quân mê chị vì hai điều: một là chị thật thà, chất phác, hai là chị nghèo khổ. Người đàn bà sinh ra ở đô thị chẳng khác gì một loại thực vật khó đối phó, đặt họ ở ngoài vòng hôn nhân là dễ giải quyết nhất, còn đặt trong vòng hôn nhân thì phải là mẫu người như Nam Tử. Tôn Kiện Quân đã đem lại hạnh phúc cho chị, coi đó là động lực thúc đẩy của mình, còn Nam Tử là viên đá nhỏ trong lòng bàn tay anh giống như một đóa hoa tươi thắm dành riêng cho anh, dù có tàn lụi thì hương thơm cũng tỏa khắp nhà, không mất đi đâu. Chọn Nam Tử làm vợ, Tôn Kiện Quân tính chỉ cần có chị từ lúc 20 tuổi đến lúc chị sáu mươi tuổi, vì khi đó anh cũng đã già rồi...
Đứng trước gương, Nam Tử mỉm cười, đôi môi khép lại dường như muốn nói chữ không. Ai dám bảo rằng chị không dám nói chữ không? Sự bướng bỉnh đã ăn sâu vào máu thịt của những cô gái nhà quê, người đô thị muốn cải tạo triệt để cái bản tính ấy trong chị xem ra là một việc rất khó. Chị ngắm nhìn mình trong gương không phải là để đánh giá một điều gì viển vông: từ núm vú đến bộ ngực căng tròn, đôi chân thon thả, dáng người cân đối... chị muốn đánh giá tính hiệu quả của chúng trong đời sống đô thị. Sinh mệnh là vô giá, tuyệt đối không thể trở thành vật hóa, lượng hóa hoặc bị xơ cứng. Chị nắm giữ toàn bộ ký ức sinh tồn và mật mã di truyền, sống mãi với tương lai...
Nam Tử lại mỉm cười, khẽ cất tiếng hát, rồi nhặt khăn tắm đem vào buồng tắm. Chị mặc quần nhưng lại để quên xu chiêng ở giường, lại phải chạy ra lấy. Đã năm giờ, chồng sắp về rồi. Ngày mai chị sẽ về quê nghỉ nhân ngày Mồng một tháng Năm, gặp những người thân của mình. Chị đi chân đất xuống bếp, bàn chân hơi lạnh vì nền bếp lát bằng đá hoa cương. Cái lạnh khơi dậy trong ký ức chị con suối quê hương đang róc rách chảy. Tháng Bảy là mùa mưa lũ, nước dâng lên, con suối trở thành dòng sông nhỏ rộng chừng vài mét, chị có thể bơi qua được. Lòng suối toàn những đá, bơi đến giữa dòng, chị có thể đứng trên những tảng đá đó được. Vào tháng Năm, nước suối trong mát, những người nông dân sau một ngày gặt hái trên đồng có thể ra suối rửa mặt, trai gái vờn nước mãi không biết chán...
Năm Nam Tử xa nhà, Ninh Cường lén lút đến gặp chị. Chị trách Ninh Cường trễ nải việc thi cử, Ninh Cường chỉ cười trừ. Thực ra, giữa việc học hành và tình yêu, anh đều có quyết tâm. Bên sườn núi có một thửa ruộng, hai người vừa leo lên núi thì một cơn mưa ập đến, họ đành phải trú vào chiếc chòi canh lúa tuềnh toàng. Nước mưa chảy theo mái tranh xuống kêu tí tách như những lời thì thầm tâm sự. Chàng trai lúng túng chẳng biết nói gì, cứ ngồi như bụt mọc nhìn trời mưa. Nam Tử nói với chàng trai, có thể sau vụ mùa này em sẽ ra thành phố làm thuê, một người quen của bố em đang liên hệ giúp. Chàng trai vẫn chẳng nói gì, chỉ vặt một ngọn cỏ đưa vào mồm nhai. Trời đã tạnh mặt trời đã lóe lên, họ vội vàng tay liềm xuống ruộng gặt lúa. Nước chảy róc rách dưới chân núi, con suối đang biến thành dòng sông nhỏ, giữa lòng suối nước đã ngập đến lưng người, trong cảnh hoàng hôn, chàng trai chỉ mặc một chiếc quần xà lỏn, Nam Tử cũng quần xắn cao đến gối. Chị mặc chiếc áo hoa rách, ngụp mặt xuống suối rửa mặt, gội đầu. Nước trong xanh in hình chị dưới nước, chị còn thấy cả bóng chàng trai trẻ bên cạnh bóng mình. Đã ba năm họ ngầm yêu nhau nhưng chưa một lần đụng vào người nhau. Thường bao giờ họ cũng đứng cách xa nhau vài mét, bốn con mắt nhìn nhau sáng như những ngôi sao đêm. Nước suối tháng Năm vẫn còn hơi lạnh, họ đứng chôn chân dưới suối hồi lâu rồi mới lên bờ. Ai cũng thấy người phát run, đó là kết quả của nóng lạnh gặp nhau. Tối hôm đó chàng trai không về nhà, ở lại chòi canh lúa cho đến sáng, Nam Tử đem cho anh mấy quả trứng gà luộc. Khi ông mặt trời xuất hiện, chàng trai mới ra về.
Tháng Bảy năm đó, Ninh Cường thi trượt đại học, anh ghi nguyện vọng cao quá. Anh quyết định bổ túc một năm để thi vào đại học sư phạm. Câu nói của giáo viên chủ nhiệm lớp làm anh ứa nước mắt: Con nhà nghèo không thể mạo hiểm được! Tháng Chín, Nam Tử nhắn tin: hai ngày nữa cô sẽ ra Thành Đô. Chiều hôm sau, Ninh Cường hẹn gặp Nam Tử ở chòi canh lúa. Vừa gặp nhau, nước mắt chàng trai đã đầm đìa, Nam Tử cũng khóc. Đôi trai gái con nhà nghèo nước mắt giàn giụa, họ áp mặt vào nhau, tâm trạng hết sức đau khổ. Bỗng nhiên Nam Tử cởi phăng áo ra, đôi vú căng phồng như kêu gọi chàng trai, bàn tay quen cầm liềm vội chụp lấy nhưng rồi lại buông ra ngay...
Nam Tử lau rửa vú, chị cảm thấy vú hơi nhức và căng hơn ngày thường. Nước máy chảy đều đều làm chị bật nhớ ra một cái tên: Ninh Cường. Cách đây đã bảy, tám năm rồi, mà cái tên ấy vẫn còn nguyên sức mạnh. Buổi tối năm ấy Nam Tử tự nguyện hiến dâng cái quý giá nhất của đời mình cho chàng trai, chị yêu chàng tha thiết. Hai người quấn quýt bên nhau đến tận đêm khuya, nhưng chàng trai... Năm sau chàng trai thi đỗ vào một trường đại học sư phạm ở tỉnh khác thì cũng là lúc Nam Tử đã trở thành bảo mẫu của nhà Tôn Kiện Quân, từ đó hai bên mất liên lạc với nhau. Đến khi Ninh Cường dò được tin tức của Nam Tử ở Thành Đô thì chị đã lấy chồng rồi, chồng chị là một phóng viên, cư xử rất tốt với chị, rất hào phóng với gia đình chị. Ninh Cường đau đớn trong lòng, chẳng biết giãi bày cùng ai, chỉ còn biết vùi đầu vào việc dùi mài kinh sử. Khi tốt nghiệp, anh được phân về làm giáo viên ở trường huyện quê nhà. Anh không giao du với các bạn gái, chỉ hăng say trong các hoạt động ngoại khóa như chơi bóng đá, bóng rổ cho khuây khỏa nỗi lòng, anh kết thân với một bạn học tốt nghiệp khóa sau, vác máy ảnh đi khắp đó đây chụp các cảnh gặt hái trên đồng. Qua những bức ảnh đó, anh tìm lại hình ảnh của mình. Một hôm, vào buổi chiều Thu, anh ra đứng bên chiếc chòi canh lúa rất lâu, bị cô em gái họ của Nam Tử phát hiện. Mùa xuân năm ngoái, khi Nam Tử về quê thăm bố mẹ, các bạn học cũ tổ chức gặp mặt, một bạn nam nói cho chị biết: Ninh Cường cũng biết tin chị về quê, biết cả chồng chị cũng về nhưng bạn ấy nhất quyết không chịu đến gặp...
Vú của Nam Tử vừa căng, vừa đau, ngực cũng thấy hơi đau. Hai chữ Ninh Cường xuất hiện thật khó mà quên được. Thực ra chị chưa bao giờ quên, mà chỉ là chôn chặt trong đáy lòng. Con người đó lẽ ra phải là... Nam Tử nghĩ như vậy. Chị bỏ thịt vào nồi, món thịt mà chồng chị rất thích ăn. Chị thái củ cải, chuẩn bị làm thêm món xào, rồi rang thêm một ít lạc. Đôi khi chồng chị cũng thích uống rượu nhắm với lạc rang, ăn xong ngồi hút thuốc, uống nước chè. Chị đã chuẩn bị đâu vào đấy cả rồi, chị phát hiện mình đi chân đất vội chạy lên nhà đi giày. Chồng chị đã nhiều lần phê bình, bảo phải giữ chân cho ấm. Chồng nói bao giờ cũng có lý vì anh là chồng, anh tên là Tôn Kiện Quân... Nam Tử mỉm cười. Đồng hồ ở phòng khách đã chỉ vào con số năm giờ mười lăm phút, Nam Tử ra đứng ở ban công nhìn xuống. Việc trông ngóng chồng hoặc con trai về là công việc hàng ngày chị vẫn làm. Chị luôn có mặt ở nhà, chỉ khi nào chồng không đi làm hoặc con trai không đi nhà trẻ thì vợ chồng con cái mới đánh xe đi chơi. Chồng chị thường đi qua công viên, tay xách cặp da màu đen, mặt cúi xuống nhìn đường, đó là cảnh tượng chị bắt gặp hàng ngày, là cảnh tượng làm chị xúc động nhất. Nếu chồng tự lái xe về nhà chị sẽ nhìn thấy anh bước ra khỏi xe, làm những động tác quen thuộc. Giá chồng về vào lúc này thì hay biết mấy, nhưng anh... Nam Tử thoáng nghĩ, mắt vẫn đăm đăm nhìn xuống nhà chỉ thấy anh chàng bảo vệ đi đi lại lại dưới cổng. Tiếng chuông điện thoại trong phòng khách vang lên, chị chau mày.
Nồi thịt đã nấu xong, Nam Tử lẩm bẩm, chị nhấc máy nghe. Đầu bên kia không có tiếng trả lời. Nam Tử hỏi:
- Anh không về à?
Đối phương vẫn không trả lời. Nam Tử suy nghĩ một lát rồi cười bảo:
- Anh định chơi trò bịt mắt bắt dê hay sao đấy, có phải anh đang ở tầng trệt rồi không?
Nam Tử tưởng tượng chồng đang đùa mình vì đã từng có tiền lệ như thế rồi. Có lẽ Tôn Kiện Quân đã về, anh lấy chìa khóa khẽ mở cửa và gọi điện cho chị, rồi bất thần từ phía sau ôm choàng lấy chị... chị cầm ống nghe nhưng vẫn bị anh đột kích bất ngờ làm chị giật mình...
Đó chỉ là sự tưởng tượng của Nam Tử, sau lưng chị chẳng có ai cả. Từ ngày dọn về đây đã có lần nào chồng chị đùa như vậy đâu, tình cảm đã nhạt dần rồi. Ngôi nhà mới đẹp đẽ, các phòng rộng rãi khang trang đang đối lập với tâm hồn trống rỗng.
Nam Tử quay đầu lại chỉ thấy căn phòng vắng vẻ: sự vắng vẻ đáng sợ như đang sống dưới địa ngục.
- Ai đấy? - Nam Tử hỏi trong điện thoại.
Đối phương vẫn im lặng nhưng có tiếng thở phì phò. Lạ thật. Nam Tử cảnh giác: Chắc không phải anh ấy, không phải người chồng vừa xuất hiện trong tâm trí mình.
Không phải, Nam Tử nghĩ như vậy, chắc chắn là không phải. Nam Tử cứ đinh ninh trong bụng ý nghĩ không thể nhưng đằng sau cái không thể lại rất có thể là một cuộc tụ họp nào đó. Chỉ nghe tiếng thở phì phò trong máy, chị đoán chắc đó là một người đàn ông. Làm gì mà căng thẳng thế? Nam Tử nảy ra phán đoán thứ hai, đối phương căng thẳng làm mình cũng hồi hộp.
- Ai đấy? - Nam Tử hỏi. - Nếu không nói, tôi sẽ cúp máy.
- Đừng.
Đối phương vừa lên tiếng, chị đã biết đó là ai.
Nam Tử cầm ống nghe mà toát cả mồ hôi.
Năm giờ rưỡi thì Tôn Kiện Quân về, cùng ăn cơm với người vợ trẻ. Ngày Mồng một tháng Năm là ngày lễ, không về nhà thì bất tiện quá. Phan Đình gọi điện mời anh ăn cơm tối, anh nói để ngày mai, trưa mai anh sẽ mời Phan Đình đi ăn cá sinh thái ở nhà hàng, cá sinh thái là dạng như thế nào, anh không nói, chỉ nói là rất hợp khẩu vị. Phan Đình rất thích ăn cá. Tôn Kiện Quân thuộc lòng sở thích của Phan Đình, kể cả sở thích lên giường. Phan Đình là cô gái có tính cách mạnh mẽ, đôi khi còn chủ động hẹn anh. Một người tính cách mạnh mẽ, một người có tính ghẹo nguyệt trêu hoa, hai tính cách đó gặp nhau càng làm tăng thêm hứng thú chơi bời... Năm ngoái khi đi xem hoa đào ở Long Tuyền về, họ đã từng hôn nhau ở phòng khách nhà Phan Đình. Lần hôn nhau thứ hai là vào mùa hè, coi như lần chính thức mở đầu câu chuyện tình giữa họ. Hôn nhau, rồi các động tác tiếp theo cần có đã xảy ra. Có điều, các động tác thông thường xảy ra khi ăn nhiều hơn, còn lên giường với nhau thì ít hơn. Đây có phải là tình yêu không? Trong đầu Tôn Kiện Quân không hề có từ này, ngay cả lúc cuồng dục với Phan Đình, anh cũng không bao giờ nghĩ đến. Hai người có thiện cảm với nhau, có chung một ham muốn, thế là đủ rồi: những điều muốn nói người kia đều thích nghe, những động tác muốn làm người kia đều ưng thuận. Hà tất phải chết đi sống lại làm gì. Trừ khi có sự chết đi sống lại khác. Trong hai cách chết đi sống lại ấy, Tôn Kiện Quân chọn một và né tránh một. Anh lựa chọn thứ mà Phan Đình cũng lựa chọn, tóm lại là hai ý nghĩ trùng hợp nhau. Cùng đi ăn uống cũng thích, muốn làm gì tiếp theo cũng được. Tiết tấu tình yêu do hai người định đoạt, trăng thanh gió mát hai người cùng tận hưởng.
Tôn Kiện Quân về nhà trong tâm trạng vui sướng, nhìn cặp mắt vợ, lại thấy vui hơn. Niềm vui ấy từ đâu mà có, không cần nói Tôn Kiện Quân đã rõ: ngày lễ anh có mặt ở nhà, vợ anh vui lắm. Nam Tử đặt lên bàn nồi thịt kho, một cốc rượu, một đĩa lạc rang và mấy món ăn hôm qua chưa ăn hết. Tôn Kiện Quân nhấp một hớp rượu, lạc rang vừa thơm vừa giòn, lại thêm mùi vị hấp dẫn của nồi thịt... cuộc sống như thế này thì còn gì bằng, tất cả đều hội đủ.
Tôn Kiện Quân lại uống thêm một hớp rượu. Giữa cái đã biết hết và cái chưa biết hết đều đan xen trong lòng anh. Nhưng anh khác những người đàn ông khác, hay nói đúng hơn anh vừa là người theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng, vừa là người theo chủ nghĩa thực dụng, anh du đãng giữa hai thứ đó. Du đãng nhiều nên anh đã nhận ra một điều: cái gì mình hướng tới thì nên đặt nó vào trạng thái mơ hồ, không nên vội vã biến cái mơ hồ thành cái rõ nét. Dục vọng tràn lan trên đường phố, đầy rẫy trong chúng sinh, trong đó có anh, nhưng chỉ riêng anh là không vội vàng. Anh thưởng thức cuộc sống như một người sành rượu có hạng. Trong cuộc sống chỗ nào chẳng có nếp nhăn, người ta thường vội vã mở nó ra, cái quý giá chẳng thấy đâu, chỉ thấy toàn nếp nhăn. Anh thích nhất câu nói của người Mi Sơn: Ăn ít mới thấy ngon. Ý nghĩa câu nói ăn ít ngon hơn là ở chỗ: Ăn nhiều cái ngon mới thấy cực ngon. Song nguồn gốc của nó vẫn là ăn ít ngon hơn. Ở Trung Quốc ngày nay ngày càng hiếm những người biết ăn ít ngon hơn. Cái từ tham ăn đã đủ để nói lên cuộc sống hiện tại của nhiều người, đặc biệt là cuộc sống đô thị. Các thành phố nhỏ cũng vậy, như ở Mi Sơn, quê của Triệu Ngư chẳng hạn, quán rượu, quán bia mọc lên nhan nhản. Đối với họ, chỉ cần mở những nếp nhăn ra là xong, chẳng cần biết nếp tẻ là gì, chẳng lẽ để thời gian trôi đi một cách vô vị hay sao. Tôn Kiện Quân bỗng bật cười. Nam Tử lại rót thêm cho anh một cốc rượu, chị không hiểu chồng mình cười cái gì. Chồng đã về, chắc tâm hồn chồng đang vui. Hai vợ chồng chạm cốc, cùng chúc nhau ngày lễ vui vẻ. Niềm vui của Nam Tử là có chồng ở bên, còn niềm vui của chồng thì lại do nguyên nhân khác. Nam Tử không hỏi chồng, có một số việc thấy không cần thiết thì cho qua. Ai cũng có một khoảng tối, có điều sự khác nhau giữa chúng chỉ là lớn hay nhỏ mà thôi. Điểm tối của Nam Tử mới được khai phá gần đây, nguồn gốc sâu xa là từ cú điện thoại đột ngột gọi đến.
Có điều không khí gia đình đầm ấm nên chị chẳng nghi ngờ gì. Điểm tối là ở trong bóng tối, còn không khí hòa thuận thì lại ở chỗ sáng, giữa chúng có giao điểm nhưng nước giếng không hề xâm phạm đến nước sông. Điểm tối tuy tối kỵ với không khí đầm ấm nhưng thiếu nó cũng không được. Nhà có hai vợ chồng, thêm một đứa con là ba, đây là ý đồ của Tôn Kiện Quân từ sáu năm về trước. Anh đã tạo dựng nên gia đình này, mua căn hộ này và có quyền khai phá điểm tối, tuy nhiên anh không bao giờ kể công. Song trong nhà lúc nào cũng tồn tại một quyền lực ngầm, một thứ quyền lực mà anh chưa hề dùng tới. Mãi đến năm ngoái anh mới bắt đầu vận dụng: anh cùng Thương Nữ đi lễ đền Tam Tô, rồi cùng ăn, cùng ngủ và cùng làm những việc như đã làm với Phan Đình... tất cả đều rất thuận lợi. Anh là người đàn ông biết sống chừng mực mà trong thời đại ngày nay, chừng mực cũng có nghĩa là tinh thần trách nhiệm. Ngày mai vợ về quê rồi, anh về nhà ăn cơm tối, ở bên chị vài tiếng đồng hồ. Anh thấy chị rất vui, phấn khởi ra mặt. Vợ đẹp con khôn, ngôi nhà lý tưởng...
Buổi chiều không khí mát dịu, anh ý thức đầy đủ rằng không quá đà, luôn đúng mức mới là Tôn Kiện Quân. Nghệ thuật sống là ở chỗ đó...
Nam Tử đi xuống bếp, chị mặc chiếc váy đầm hoa, khuôn mặt hồng hào trông chẳng khác gì người thiếu phụ trong tranh vẽ của họa sĩ Nga hồi thế kỷ mười chín. Mạnh khỏe, đẹp gái, trẻ trung, hấp dẫn... Tôn Kiện Quân thốt lên những lời khen ngợi vợ mình. Rất hiếm thấy đức ông chồng nào khen ngợi vợ mình như vậy. Nếu bạn coi cuộc sống là nghệ thuật thì cuộc sống mới ban tặng cho bạn những cảnh đẹp. Ngày mai chị phải đi một lộ trình mấy trăm cây số, sẽ ở lại quê dăm ba ngày, tháng Năm, hoa đỏ rực, cỏ xanh rờn, chị sẽ mặc quần bò, váy màu đỏ hoặc màu xanh. Chị đi thăm bà con, họ hàng, đi từ nhà nọ đến nhà kia. Chị là niềm kiêu hãnh của nhà quê. Các chị em ở nhà quê sẽ hỏi chị hết chuyện này đến chuyện khác, các chàng trai sẽ thở ngắn than dài...
Nam Tử bưng lên một đĩa thức ăn và hai bát cơm. Tôn Kiện Quân vẫn còn một nửa cốc rượu, anh ăn hết hạt lạc này đến hạt lạc khác. Lạc bố Nam Tử gửi ở quê ra hơi ít không đủ cho Tôn Kiện Quân ăn. Nam Tử nói:
- Lần này về quê, em sẽ mang nhiều hơn một chút để biếu chị Thương Nữ, Tề Hồng và Triệu Yến.
Nam Tử nhắc đến tên Thương Nữ rất vô tư. Hôm qua cái tên này đã làm chị cảm thấy khó chịu, hôm nay đã có chút thay đổi. Hơn nữa, Thương Nữ cũng rất tốt với chị. Những chuyện trước đây giữa chồng chị và Thương Nữ chị đã được Tiểu Đào kể cho nghe nhưng chị cũng chẳng để tâm.
- Măng tre ở quê em ngon lắm, nếu tiện, em đem ra một ít, chỉ sợ đi tàu xe phiền toái thôi. - Tôn Kiện Quân nói.
- Em mang được, có phải chuyển xe đâu mà sợ. - Nam Tử nói.
- Khi nào em về đến Thành Đô, anh sẽ đưa xe ra đón.
- Nếu anh bận không ra được, em sẽ thuê xe về nhà.
- Chẳng có gì đâu, anh sẽ ra được. - Tôn Kiện Quân nói.
- Ngộ nhỡ anh đang chơi mạt chược, đi thì lại khuyết một chân. - Nam Tử nói.
- Thì bảo họ đợi một lát, có sao đâu. Xe cả đi lẫn về chỉ khoảng nửa tiếng chứ mấy.
- Không cần đâu anh ạ, thuê xe cũng chỉ mất hơn chục đồng thôi.
- Không phải là vấn đề tiền, em đi vắng suốt mấy ngày, chẳng lẽ anh là chồng không ra đón em được hay sao? Tiện đường anh đón luôn con về, mấy ngày mẹ con không gặp nhau, anh sợ nó nhớ lắm đấy.
- Nó xa em mấy ngày có sao đâu, con ngoan lắm đấy. - Nam Tử cười bảo.
- Tục ngữ có câu mẹ nào con ấy mà. - Tôn Kiện Quân cũng cười, bảo.
- Thế em cũng ngoan à? - Nam Tử hỏi.
- Trẻ con ngoan theo cách của trẻ con, người lớn ngoan theo cách của người lớn. - Tôn Kiện Quân nói.
- Em không phải là người lớn, em là vợ anh, năm nay em đã hai mươi sáu tuổi rồi.
- Năm nay anh tròn ba mươi tám tuổi. - Tôn Kiện Quân nói.
Anh đưa tay vuốt ve đôi má ửng hồng của vợ. Tình cảm giữa hai người vô cùng thắm thiết. Nam Tử dọn mâm bát, còn Tôn Kiện Quân châm thuốc hút. Năm nay Tôn Kiện Quân ba mươi tám tuổi, khi vợ anh ba mươi tám tuổi thì anh sẽ tròn năm mươi tuổi. Liệu lúc năm mươi tuổi sẽ thế nào nhỉ? Có thể dự đoán trước năm mươi tuổi vẫn khỏe mạnh, năm mươi tuổi còn quá trẻ so với tuổi.
Say Sắc Say Sắc - Lưu Tiểu Xuyên Say Sắc