There is a great deal of difference between an eager man who wants to read a book and a tired man who wants a book to read.

G.K. Chesterton

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Ngô Tín
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1151 / 3
Cập nhật: 2016-02-22 20:56:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Nam Tử
ắp đến ngày Mồng một tháng Năm, đường phố Dung Thành tưng bừng không khí ngày lễ lớn, các cửa hiệu đều được sửa sang, tăng thêm nguồn hàng chuẩn bị cho đợt mua bán kéo dài cả tuần lễ. Nhân ngày lễ, Tôn Kiện Quân mời Lý Tiến và Triệu Ngư đến nhà chơi. Năm giờ chiều, hai chiếc xe đi đến công viên Tà Xuyên, trên xe của Lý Tiến có cả Triệu Yến, cô đã được Thương Nữ hẹn trước đến chơi mạt chược. Tôn Kiện Quân xuống nhà đón khách, anh mặc bộ complê màu nâu, tay dắt cậu con trai Tôn Ân chưa đầy năm tuổi. Tôn Ân rất giống mẹ là Nam Tử, nét mặt khôi ngô, da trắng trẻo, ít nói, dường như thiếu hoạt bát. Con trai Thương Nữ là Triệu Cao vừa gặp bạn đã nói: Trông cậu chẳng giống con trai chút nào. Tôn Ân cười khành khạch, Triệu Cao liền sờ lên mũi nó. Tôn Kiện Quân chỉ vào Thương Nữ nói với con trai: Con chào cô đi. Thằng bé chạy lại sà vào lòng Thương Nữ, trông nó giống như một con búp bê xinh đẹp.
Lý Tiến nói: Lại đây bác bế một chút xem nào.
Thương Nữ cười bảo: Anh ở nhà bế mãi rồi vẫn chưa đủ hay sao? - Năm ngoái Tề Hồng sinh một bé gái, lấy họ của bố mẹ đặt tên cho con là Lý Tề, tên thường gọi là Tề Tề. Bé gái rất nhanh nhẹn hoạt bát, mỗi khi đi làm về, Lý Tiến đều bế nó suốt. Điều anh chưa mãn nguyện lắm là đời vợ trước cũng sinh cho anh một bé gái. Giá mà có thêm một thằng cu thì thật tuyệt. Tề Hồng là con gái độc nhất, bố mẹ chị ở Hàng Châu cũng mong chị sinh một bé trai. Nhưng chính sách hiện nay không cho phép, nên cán bộ cơ quan sinh hai con là điều khó thực hiện. Có điều Tề Hồng còn trẻ, sau này sẽ tính thêm cũng chưa muộn.
Khi làm mẹ, Tề Hồng hơi béo ra, da đỏ hây hây, thừa sữa nuôi con, Tề Tề bú không hết, Lý Tiến phải bú bớt cho con, sợ bỏ đi lãng phí. Bí mật ấy Tề Hồng chỉ nói với Thương Nữ, Thương Nữ nói: Lúc đầu Triệu Ngư cũng...
Hai người đàn bà còn thủ thỉ với nhau cả chuyện chăn gối, tất nhiên là những chuyện tâm sự kín đáo, không thể cho người khác biết được. Khi lên gác, Thương Nữ khoác tay Tề Hồng, còn Triệu Yến thì dắt Triệu Cao, phía sau ba người đàn bà là ba người đàn ông, không kể hai đứa trẻ con. Nam Tử đang đứng ở cửa đón khách, chị mặc chiếc váy hoa. Khi đến gần, Triệu Yến quan sát rất tỉ mỉ rồi nói với Triệu Ngư: Cái váy đẹp quá.
Nói về mặc váy, giữa Triệu Yến và Triệu Ngư có một câu chuyện nhỏ, mà người bên cạnh không bao giờ hiểu được. Trước ngày mặc váy họ thân nhau như hai anh em ruột, sau khi mặc váy người đàn ông mới thực sự nhận ra rằng trước mặt mình là người đàn bà. Sau đó, mỗi lần gặp cả hai đều tìm cách lảng tránh nhau, chỉ mỗi khi tình cờ như hôm nay, họ mới lại giáp mặt nhau và nhớ đến chuyện mặc váy.
Nam Tử làm khá nhiều món ăn, trong đó có món cá sốt chồng chị thích ăn, món đậu xào lòng, món thịt gà luộc Triệu Ngư và Lý Tiến thích ăn, ngoài ra còn nhiều món khác trong đó có món gan rán Thương Nữ rất thích ăn. Thương Nữ khen:
- Gan rán ngon quá, rất thơm.
- Để hôm nào đến nhà cô, tôi sẽ ăn thử các món cô làm xem sao. - Tôn Kiện Quân nói.
- Tôi sẽ đãi anh món lẩu cá mè, món này Triệu Ngư mới học được cách làm ở Cầu Khê đấy. - Thương Nữ nói.
- Tôi không cần biết cách làm như thế nào, chỉ cần chính tay cô làm thôi. - Tôn Kiện Quân nói.
Nam Tử đứng ở cửa bếp nghe hai người nói chuyện. Chồng chị và Thương Nữ đều thao thao bất tuyệt, món ăn ngon, chuyện càng rôm rả. Nam Tử mỉm cười, chị vẫn đứng ở cửa bếp để giúp đỡ chồng. Tôn Kiện Quân nói:
- Nam Tử, em lên mở chai và rót rượu đi. - Nam Tử bước lên nhà thấy chồng hỏi Thương Nữ: - Có cần cho thêm một ít hành hoa không?...
Cả mấy người ngồi quanh bàn ăn, họ không uống nhiều rượu, chỉ một chai là đủ. Lý Tiến là người lớn tuổi hơn, lại là lãnh đạo nên Tôn Kiện Quân mời anh nâng cốc trước. Triệu Yến cũng uống, mới chỉ một cốc, mặt cô đã đỏ bừng, Thương Nữ mời cô thêm một cốc cô từ chối nhưng Tôn Kiện Quân đứng dậy ép cô phải uống cốc thứ hai. Tề Hồng không uống rượu, chị uống sữa chua, sữa sẽ giúp cho da chị mịn màng hơn. Chị dồn sự chú ý của mình vào hai thằng bé, biết đâu một ngày nào đó chị lại chả mang theo hai đứa trẻ một trai một gái về Hàng Châu, bố mẹ chị sẽ sung sướng biết nhường nào. Nam Tử lại xuống bếp làm thêm món canh cá. Triệu Ngư buông đũa chờ Nam Tử lên.
- Không phải đợi, cứ ăn đi. Món gan phải ăn lúc nóng, Thương Nữ, sao cô không ăn đi... - Tôn Kiện Quân nói.
Khi nhắc đến Nam Tử, Triệu Ngư đã nhảy từ Nam Tử này sang Nam Tử khác: Nam Tử trong Luận ngữ mà Khổng Tử đã nói đến. Triệu Ngư nói với Tôn Kiện Quân:
- Nếu lấy Nam Tử làm đề tài để viết một cái gì đó có lẽ sẽ rất có ý nghĩa.
- Tôi đang có cái ý ấy, - Tôn Kiện Quân cười, - hàng ngày nhắc đến tên vợ mình, bỗng một hôm thấy hai chữ đó thân thương quá, nghĩ kỹ mới nhớ ra đó là tên trong Luận ngữ. Tôi lập tức tìm sách đọc lại, kể cả cuốn Gia phả nhà Khổng Tử của Tư Mã Thiên.
- Hình như chưa có ai viết về đề tài này thì phải. - Triệu Ngư nói.
- Người ta có ý né tránh vì đó là bậc hiền triết. - Lý Tiến nói.
- Việc gì phải né tránh, miễn là đừng động đến cái cần né tránh, chứ có gì đâu. - Triệu Ngư nói.
- Khổng Tử đã dạy rồi, Thánh nhân còn phải né tránh thì làm sao hậu sinh lại không né tránh? - Tôn Kiện Quân nói.
- Đọc Luận ngữ tôi có cảm giác vấn đề sắc hơn hai nghìn năm trước đã rất cận kề, việc Thánh nhân lảng tránh chỉ là sự làm chậm lại quá trình mà thôi. Khổng Tử nói về sắc đẹp, về quan hệ giới tính chỉ ở góc độ cá nhân của ông thôi, việc coi sắc và đức là một chính là đã xã hội hóa vấn đề rồi. Trong một cuốn Luận ngữ mà mấy lần nhắc tới giới tính cho thấy Khổng Tử muốn né tránh nhưng không né tránh nổi. - Triệu Ngư nói.
- Có lẽ ông còn nói đến các câu khác nhưng đã bị các đệ tử lược bỏ đi. - Lý Tiến nói.
- Rất có thể lắm. Các đệ tử đã lược bỏ bớt đi một ít, về sau người khác lại tiếp tục bỏ bớt, cho đến khi cả dân tộc đều nói về sắc đẹp thì việc né tránh dường như không còn nữa. - Tôn Kiện Quân nói.
- Sau đời Đường, ngay cả giới Phật giáo cũng đã phá lệ. - Lý Tiến nói.
- Đến đời Tống còn khủng khiếp hơn, dường như cách nhìn cũ đều không còn nữa. - Tôn Kiện Quân nói.
- Thảo nào trong phong trào Ngũ Tứ, người ta đả đảo đạo Khổng. Sau đại cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông phê phán Lâm Bưu, phê phán Khổng Tử cũng có lý. - Lý Tiến nói.
- Mao Trạch Đông đã trích dẫn lời của Lỗ Tấn để chỉ ra những cái độc hại trong văn hóa của Trung Quốc. - Triệu Ngư nói. - Tôi nghĩ rằng nếu hồi đó Khổng phu tử không phản đối sắc đẹp và giới tính để cho nó thâm nhập vào tư tưởng triết học thì có lẽ tình hình sẽ khác đi. Khổng Tử đã quá cường điệu về sự cân bằng xã hội, đề cao quá mức vấn đề đạo đức, kìm hãm ham muốn cá nhân, và nhiều quy ước hà khắc quá. Phương hướng tư duy của ông là một dạng phản động, bất kể đó là sự phản động sâu sắc. Khổng Tử là bậc hiền triết nhưng không phải là nhà triết học. Kể từ sau Lão Tử, Trung Quốc chưa có một nhà triết học nào theo đúng nghĩa của nó. Giáo sư Trần Gia ương ở Đại học Bắc Kinh đã khẳng định như vậy. Triết học là của phương Tây, còn trước mắt, chúng ta mới chỉ là anh học trò nhỏ.
- Suy nghĩ của người Trung Quốc còn bị xã hội ràng buộc quá nhiều hơn nữa hiểu biết không sâu, không đầy đủ. - Tôn Kiện Quân nói.
- Chẳng những không có khả năng nhìn xa trông rộng mà còn không nhìn rõ cả tầm ngắn. Đó chính là hiện tượng bị che khuất bởi hai tầng. - Triệu Ngư nói.
- Vấn đề thật nghiêm trọng. - Lý Tiến nói.
- Nam nữ thụ thụ bất thân, phá lệ một chút cũng không được, điều đó chứng tỏ sức mạnh của sắc to lớn đến chừng nào. Khổng Tử rất ngại tiếp xúc với đàn bà, kể cả vợ mình, đại khái không ai chịu nổi với những nguyên tắc sống của ông. Ông rất định kiến với phụ nữ, từ định kiến sinh ra oán trách, về điểm này có thể khẳng định được. - Triệu Ngư nói.
- Chẳng những không được quan hệ, mà nhìn nhiều cũng là phạm quy, là thiếu lịch sự. - Tôn Kiện Quân nói.
- Những quy định của Khổng Tử đáng sợ thật. Tất cả những người có mặt hôm nay đều phạm tội cả. Khổng Tử đã nâng những điều thể nghiệm đau khổ của mình thành những điều cấm kỵ là lẽ phải rồi cột lên đầu người khác. - Triệu Ngư cười bảo.
- Anh nói có lý lắm. - Triệu Ngư gật đầu nói.
- Khó khăn lắm tôi mới chen vào được một câu đây, xin cảm ơn sự khen ngợi của các anh. - Triệu Yến mặt đỏ gay nói.
- Vậy cậu giải thích như thế nào về tình hình hiện nay? - Lý Tiến nói với Triệu Ngư.
- Đây cũng là một kết quả của việc sống thiếu chuẩn mực. - Triệu Ngư nói. Do đặt sai vị trí nên đã từ cực đoan này nhảy sang cực đoan khác. Hơn nữa, dù đã xuất hiện những tư tưởng có sức mạnh, cũng không thể truyền bá cho mọi người được, ý đồ của giới thương nhân ngày nay là muốn thâu tóm tất cả. Họ muốn biến ý chí con người thành một khuôn mẫu sống nhiều màu sắc đến từng chi tiết của ham muốn, còn các nhà chính trị lại muốn lợi dụng chúng, hai sức mạnh đó hợp lại với nhau thành một dòng chảy chủ đạo, vì thế tư tưởng và nghệ thuật chỉ có thể mon men vận động ở bên ngoài. Gần đây các học giả phương Tây đã đề ra khẩu hiệu là phải đi sâu vào cốt lõi của vấn đề phải tạo nên sự đối lập mạnh mẽ giữa chính trị và thương mại. Đối lập không phải là mặt phản diện, mà là sự kiềm tỏa lẫn nhau giữa thế lực này với thế lực kia. Có điều khi thực hiện lại gặp muôn vàn khó khăn. Ở Trung Quốc lại càng không thể được ngay cả khẩu hiệu cũng không có.
- Triệu Ngư có thể lên bục giảng rồi đấy. - Tôn Kiện Quân cười bảo.
- Anh Triệu Ngư có thể đào tạo nghiên cứu sinh được rồi đấy, em tình nguyện ghi tên đầu tiên. - Triệu Yến nói.
- Hàng ngàn diễn đàn không bằng một trang báo hôm nay. Cái diễn đàn do Khổng Tử xây dựng đã truyền bá được hơn hai nghìn năm rồi, nhưng cho tới nay có còn linh nghiệm nữa đâu. - Triệu Ngư nói.
- Nói gì thì nói, các nước Tây Âu vẫn là đại bản doanh của tư tưởng. Tư tưởng xuất phát từ châu âu, rồi lan truyền sang các nước lớn như Mỹ, Nga... - Tôn Kiện Quân nói.
- Có lẽ chúng ta đã đi quá xa rồi, trong khi đó tư tưởng vẫn giậm chân tại chỗ. Tư tưởng ở ngay bên chúng ta mà chúng ta không nhìn thấy, chúng ta đã lạc hậu hàng trăm năm rồi. Năm ngoái có một ông thầy thuộc phái trừu tượng của Pháp đến thăm Bắc Kinh, mấy vị giáo sư của Viện Mỹ thuật trung ương đi tháp tùng ông ta, xem ông ta vẽ, nhưng chẳng hiểu gì cả. Tranh trừu tượng ở phương Tây đã có lịch sử hàng hai trăm năm rồi, còn ở Trung Quốc mới chỉ có từ hai mươi, đến ba mươi năm nay. - Triệu Ngư nói.
- Vấn đề nghiêm trọng thật, xem ra lĩnh vực nào cũng thế cả, triết học, khoa học, nghệ thuật, thể chế chính trị... đều tồn tại vấn đề. - Lý Tiến nói.
- Những vấn đề Triệu Ngư nêu lên, có nói ba ngày ba đêm cũng chẳng hết. Mời các vị ăn đi. - Tôn Kiện Quân cười bảo.
- Thôi ta ăn thôi. - Lý Tiến nói.
- Sao chưa thấy Nam Tử lên? - Triệu Ngư nói.
- Cô ấy đang làm cá, cá tươi nấu canh ngon lắm. - Tôn Kiện Quân nói.
- Sao anh không nói sớm để em giúp chị một tay. - Thương Nữ nói.
- Chắc cũng sắp xong rồi. Mời các vị uống rượu đi. - Tôn Kiện Quân nói.
- Anh đúng là người theo chủ nghĩa đàn ông. - Thương Nữ nói.
- Thì tôi cũng đã xuống bếp làm mấy món ăn rồi còn gì! Thế món gan rán này không hợp với khẩu vị của cô à? Tất nhiên tôi không bằng Triệu Ngư, nhưng bảo tôi theo chủ nghĩa đàn ông thì oan cho tôi quá. - Tôn Kiện Quân cười bảo.
- Cũng có gia trưởng một chút. - Tề Hồng nói.
- Sao nói về Nam Tử mà lại dội cả lên đầu tôi. Hôm nay tôi là chủ mà các vị chả nể mặt chút nào, sao các vị không phê bình Nam Tử. - Tôn Kiện Quân cười nói.
- Không có Nam Tử thì làm gì có món canh cá? Không có Nam Tử thì chúng ta cũng không thể nói về Khổng Tử được. - Lý Tiến cười bảo.
- Anh đến Cầu Khê thăm bạn, mà tư tưởng lại hướng về thời Xuân Thu chiến quốc, đề cập đến cả nhân vật Nam Tử của đức Khổng Tử, xin hỏi vì sao? - Triệu Yến nhìn Triệu Ngư nói.
- Câu hỏi hay lắm. Thương Nữ, cô có thấy không, đức ông chồng cô nói tràng giang đại hải, làm chúng tôi mê hồn, bỏ qua hết cả những vấn đề mang tính thực tế. - Lý Tiến nói.
Câu hỏi của Triệu Yến làm cho Triệu Ngư nhớ lại những kỷ niệm trong chuyến đi. Ba chữ Lâm Hạnh Hoa dường như đang hiện hữu tại bàn ăn, anh thanh minh không có gì đặc biệt trong chuyến đi này, tôi có thói quen hay suy nghĩ viển vông. Thương Nữ nói: - Đúng, anh ấy hay suy nghĩ lung tung, từ cổ chí kim, từ đông sang tây...
- Vấn đề chính là ở chỗ hay suy nghĩ lung tung đấy. Những người Triệu Ngư sùng bái đều có vấn đề cả đấy. Thương Nữ, cô cần đề cao cảnh giác. - Tôn Kiện Quân ngắt lời.
- Chưa biết chừng trên đường đi Triệu Ngư đã gặp một người nào đó, tim đập mạnh, hồi hộp quá nên mới chuyển sang chuyện Nam Tử. - Tôn Kiện Quân nói.
- Anh đã bắt đầu viết tiểu thuyết rồi đấy. - Triệu Ngư cười bảo.
- Vừa rồi bảo anh là chủ nghĩa đàn ông, anh đã khéo chuyển hướng sang Triệu Ngư... - Thương Nữ nói.
Mọi người đều cười. Nam Tử bưng canh cá lên, hỏi mọi người nói chuyện gì mà vui thế. Triệu Yến nói:
- Đang nói chuyện về chị đấy.
- Tôi có chuyện gì đáng nói đâu? - Nam Tử cười bảo.
Mọi người lại cười rộ, Nam Tử chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Thương Nữ kéo Nam Tử ngồi xuống cạnh mình. Nam Tử vừa ngồi xuống lại đứng lên ngay nói:
- Tôi xin mời mọi người một ly rượu.
- Chị cứ ngồi ăn đi đã, lát nữa sẽ rót rượu. - Thương Nữ nói.
- Không sao, tôi không đói. - Nam Tử nói.
Tôn Kiện Quân định nói nhưng lại thôi, ý anh muốn Nam Tử rót rượu cho mọi người. Lý Tiến nói:
- Cô Nam Tử, tôi xin kính cô một ly. Các món ăn thịnh soạn hôm nay đều là công lao của cô. Tôi xin cạn chén trước, còn cô thì tùy ý.
- Tôi cũng làm mấy món ăn thế mà đã bị lãnh đạo xổ toẹt hết cả công lao. - Tôn Kiện Quân nói.
- Không đâu, món nào cũng ngon cả. - Thương Nữ nói.
- Thế là đèn trời vẫn soi sáng, Thương Nữ, xin cảm ơn câu nói của cô, dù thế nào tôi cũng xin cạn chén với cô. - Tôn Kiện Quân đứng dậy nói.
Rượu đã tam tuần, Triệu Ngư bỗng đề cập đến vấn đề lão Tào. Đây là vấn đề nghiêm túc, không khí trở nên sôi nổi. Tôn Kiện Quân không hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, Triệu Yến liền giải thích tường tận cho anh nghe. Còn Tề Hồng với tư cách là vợ giám đốc nhà xuất bản nên không tiện nói. Thương Nữ rất thông cảm với lão Tào, chị nói, lão Tào làm việc tốt đấy chứ. Triệu Ngư cũng bảo:
- Lão làm bảo vệ bao nhiêu năm nay, bây giờ cho thôi việc đúng là một cú sốc lớn.
- Loại người như lão Tào sống cô độc rất dễ bị xúc động. Chỉ cần lão làm việc tốt, còn việc có sai sót một chút về mặt sinh hoạt cũng chẳng sao. - Tôn Kiện Quân nói.
Khi nói Tôn Kiện Quân đưa mắt nhìn Thương Nữ. Dù bất cứ trường hợp nào, anh cũng tôn trọng ý kiến của Thương Nữ. Nếu Thương Nữ sai, thì anh cũng sai. Nhưng sai cũng không quan trọng, cái chính là anh cần nhất trí với ý kiến của Thương Nữ. Ngày dài đêm thâu, đương nhiên Thương Nữ sẽ hiểu ra. Đó chính là cách Ngu Công chuyển núi, ngày ngày đào bới không ngừng, làm cho thượng đế cũng phải xúc động. Thượng đế của Tôn Kiện Quân không phải ai khác, mà chính là Thương Nữ.
Tôn Kiện Quân nhìn Thương Nữ, Thương Nữ cũng nhìn anh. Nhưng khi anh đang nói Thương Nữ nhìn anh đó là lẽ thường tình. Không thể coi đây là tín hiệu đưa mắt tống tình. Người đưa mắt tống tình phải là Tôn Kiện Quân, anh luôn nhìn chằm chằm vào khuôn mặt Thương Nữ. Những năm trước đây anh sống ít buông thả hơn, nhưng kể từ năm ngoái khi đi lễ ở đền Tam Tô với Thương Nữ, cánh cửa tâm hồn anh đã rộng mở, đã tìm thấy con đường tuần tự nhi tiến. Chỉ trong hai mươi giây xúc động con tim, anh đã bước đầu đặt được nền móng. Con đường anh tìm thấy dù chỉ là con đường nhỏ, còn lắm thác ghềnh, chưa phải trời quang mây tạnh, vẫn phải lần mò đi trong đêm tối nhưng rõ ràng nó sẽ đưa anh đến với Thương Nữ. Đó là điều anh khẳng định. Anh nhìn Thương Nữ lúc này cũng có nghĩa là anh đang đi: Anh lại lên đường. Anh đang muốn rút ngắn khoảng cách. Thương Nữ không lùi có nghĩa là sự tiến lên của anh có kết quả, đi một bước là được một bước. Thương Nữ nhìn anh, anh coi đó là sự cổ vũ. Người khác cũng nhìn anh nhưng rõ ràng hoàn toàn khác với cái nhìn của Thương Nữ. Tôn Kiện Quân nâng cốc, lòng tràn ngập niềm vui...
Trên bàn ăn còn có một cặp mắt khác theo dõi sự khác thường của Tôn Kiện Quân. Chị gắp thức ăn vào bát, mặt hơi ửng hồng. Chị được mệnh danh là người phụ nữ hạnh phúc sống giản dị. Khách trong bữa ăn không ai để ý đến sự theo dõi của chị.
Triệu Ngư đang gắp cá cho hai đứa trẻ, anh liếc nhìn Nam Tử. Trái lại, Thương Nữ đang suy nghĩ về chuyện lão Tào bảo vệ đang muốn nghe ý kiến của Lý Tiến. Lý Tiến nói:
- Nếu lão Tào không đòi ly dị vợ, sự việc sẽ rất đơn giản, lão vẫn sẽ làm bảo vệ chẳng cần thay ai cả.
- Chưa chắc bác Tào đã bỏ vợ được đâu, hai người con của chị Hà Tiểu Na canh chừng bác ấy như canh chừng kẻ trộm. - Triệu Yến nói.
- Ông Tào vốn là kẻ trộm, kẻ trộm có hạng là đằng khác. - Tôn Kiện Quân nói.
- Tại sao tôi lại quyên khuấy đi cái tên Hà Tiểu Na nhỉ? - Thương Nữ nói.
- Em chỉ nhớ chị Hà thôi nên quên mất cái tên Tiểu Na. - Triệu Ngư nói.
- Cách xưng hô tuy là chuyện nhỏ nhưng trong đó lại có học vấn đấy. - Tôn Kiện Quân nói. - Ví dụ chúng tôi gọi cô là Thương Nữ, nhưng ở công ty Điện tín người ta: gọi cô là Chủ nhiệm Thương.
- Cái tên Chủ nhiệm Thương nghe chối tai quá, dù có gọi là Cục trưởng Thương hay Bộ trưởng Thương cũng không hay bằng cái tên Thương Nữ. - Lý Tiến bảo.
- Gọi theo thói quen thôi mà, cách xưng hô thế nào mà chả được - Tề Hồng nói.
- Tên gọi và cá tính con người có liên quan đến nhau. - Triệu Ngư nói.
- Tôi cũng nghĩ như vậy. - Tôn Kiện Quân nói.
- Lạ thật, vừa rồi cậu chẳng gọi Chủ nhiệm Thương là gì. - Lý Tiến nói.
- Tôi không gọi là Chủ nhiệm Thương, làm gì có chuyện phân tích rạch ròi như vậy? Nếu gọi Chủ nhiệm Thương không hay thì ta cứ gọi là Thương Nữ. - Tôn Kiện Quân nói.
- Cậu biện luận giỏi đấy, thật không hổ danh nhà báo lớn. - Lý Tiến cười nói.
- Đang nói chuyện về lão Tào bỗng lại chuyển sang bình luận về cái tên của tôi là thế nào? - Thương Nữ cười, nói.
- Tôi cũng bị rơi vào trường hợp như cô. Vừa rồi nói về Nam Tử cũng chụp cho tôi cái mũ theo chủ nghĩa đàn ông. - Tôn Kiện Quân nói.
- Thế mà gọi là chụp mũ à? - Lý Tiến nói.
- Không phải thì thôi có sao đâu. Chúng ta hãy nghe xem Nam Tử có ý kiến ra sao. - Thương Nữ nói.
- Cô Thương Nữ ơi, tôi cứ tưởng cô và tôi đều cùng một cảnh ngộ... - Tôn Kiện Quân cười, thở dài.
Mọi người đều đổ dồn con mắt về Nam Tử đợi chị phát biểu xem chị đánh giá thế nào về lời nói và việc làm hàng ngày của Tôn Kiện Quân. Kể từ lúc ngồi vào bàn ăn, Nam Tử chẳng nói năng gì, cứ như không có chị ngồi ở đó. Nhưng đột nhiên lại yêu cầu chị phát biểu làm cho đức ông chồng bị cụt hứng. Chị tần ngần, mặt đỏ bừng. Chị nói:
- Tôn Kiện Quân, anh ấy... đối xử với tôi rất tốt, tôi nói thật đấy.
- Cô đã thấy chưa? Lãnh đạo đã có kết luận, tôi có thể bỏ cái mũ rồi chứ? - Tôn Kiện Quân cười, nói với Thương Nữ.
- Tôi cảm thấy chị Nam Tử chưa nói thật lòng. - Thương Nữ nói.
- Tôi cũng thấy thế. Chị Nam Tử, chị cứ nói thật, chúng tôi sẽ đứng về phía chị. - Lý Tiến nói.
- Thế này thì tôi trở thành Hoàng Thế Nhân mất rồi, cuộc gặp mặt hôm nay trở thành hội nghị đấu tố tôi rồi. - Tôn Kiện Quân nói.
Mọi người đều cười. Triệu Cao đã được xem phim Bạch Mao Nữ, nó cười khanh khách. Tôn Ân cũng cười khì khì để lộ hàm răng đều đặn trắng muốt. Nam Tử cũng cười, một nét thoáng cười cốt sao khách vui vẻ là được còn chị có cười hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Cười xong, mọi người lại chuyển sang đề tài lão Tào. Triệu Yến nói:
- Lão Tào có tâm, Hà Tiểu Na có ý nhưng một số người thiếu công bằng cho rằng họ không xứng đôi, một người như Hà Tiểu Na ai lại đi lấy một ông bảo vệ...
- Đúng là bệnh thành kiến. - Thương Nữ nói.
- Trong thời gian chồng ốm, chị Hà Tiểu Na đã vất vả nhiều rồi. Chị ấy không muốn làm người hầu hạ nữa, lão Tào rất phù hợp với chị ấy. - Triệu Ngư nói.
- Họ thường xuyên gặp nhau nên lâu ngày nảy sinh tình cảm. - Triệu Yến nói.
- Ông già ấy trông cũng khỏe khoắn, tinh thần cũng tốt. - Tôn Kiện Quân nói.
- Vào một buổi tối, khi tôi về nhà thấy hai bóng người đi vào đơn nguyên bảy, họ đi nhanh như vận động viên chạy một trăm mét. - Triệu Yến cười, nói.
- Cô có khuếch đại hay không đấy? - Thương Nữ cười, nói.
- Không khuếch đại đâu, nếu ở địa vị tôi thì cũng phải đi nhanh như vậy. - Tôn Kiện Quân nói.
Tôn Kiện Quân nhìn Thương Nữ có ý muốn nói: Tốc độ lão Tào đến với Tiểu Na nhanh như người chạy một trăm mét. Thương Nữ không hưởng ứng câu nói đó nhưng trong bụng cũng nghĩ như vậy. Kể ra nếu chồng chị không ngồi ở đây thì chị đã tranh luận với Tôn Kiện Quân về nội dung chạy một trăm mét có phải là khuếch đại không. Có lẽ sẽ thảo luận khá lâu, sẽ nảy sinh nhiều ý khác... Mắt Tôn Kiện Quân đã trở nên có hồn, anh nhìn chằm chằm vào đôi đũa trên tay Thương Nữ. Anh giận mình không thể biến thành đôi đũa. Ai có thể hiểu được đôi mắt của anh đang muốn nói gì? Liệu Thương Nữ có hiểu không? Liệu có ai nữa chỉ chăm chú nhìn vào đôi đũa và đôi tay như anh lúc này không? Chẳng có ai cả, ngoài anh. Anh là người hưởng lạc độc nhất vô nhị trong bữa ăn hôm nay, anh vui đến mức say đắm. Nhưng thực ra, anh đã quên mất một đôi mắt, không để ý đến một người.
- Công bằng mà nói giữa lão Tào và Hà Tiểu Na ai cũng có thế mạnh và điểm yếu riêng của mình. Thế mạnh đã va phải điểm yếu, đồng thời lại có thể bù đắp được cho điểm yếu của đối phương. - Triệu Ngư nói.
- Anh đúng là có tầm nhìn hơn em nhiều, khả năng bao quát cũng khá đấy. Em chịu thua rồi, sau này sẽ còn phải học tập anh nhiều - Triệu Yến cười, nói.
- Anh chị là hàng xóm của nhau, gõ cửa nhà thầy lúc nào chẳng được, ra cửa này, vào cửa kia có gì đâu, chắc lúc đầu cô bỏ quên ông hàng xóm phải không? - Tôn Kiện Quân nói.
- Làm gì có chuyện ấy, ngày nào chả gặp nhau. - Triệu Yến nói.
- Cô gặp một ông thầy giỏi rồi đấy. - Tôn Kiện Quân nói.
- Thầy với trò cái gì, bất quá tôi hơn cô ấy vài tuổi. - Triệu Ngư nói.
- Đặc điểm của ông thầy này là chứa trong bụng đầy những học vấn nhưng lại rất khiêm tốn. - Tôn Kiện Quân cười bảo.
- Tôi vừa nghe anh Lý Tiến nói về Triệu Ngư và Triệu Yến, cứ tưởng hai người là anh em ruột. - Tề Hồng nói.
- Họ còn thân hơn cả anh em ruột đấy chị ạ. - Thương Nữ nói.
- Còn hơn anh em ruột nhiều, anh em kiêm thầy và trò. Thế thầy có gõ cửa nhà trò bao giờ không? - Tôn Kiện Quân nói.
- Gõ chứ, sao lại không? Thầy giáo đến kiểm tra bài làm của học sinh mà. - Triệu Yến cười, nói.
- Thế học sinh mời thầy ăn gì? - Tôn Kiện Quân nói.
- Mời thầy ăn kem. - Triệu Yến tủm tỉm cười. Cô vừa nói vừa nhìn Triệu Ngư. Mùa hè năm ngoái, họ đã đóng cửa lại ăn kem nhưng kem lại rơi xuống sàn. Triệu Ngư thì nhìn mớ tóc dài của cô, còn cô thì kinh ngạc nhìn lông chân Triệu Ngư... Triệu Cao gào lên: - Con muốn ăn kem.
- Nhà mình có kem không? - Tôn Kiện Quân hỏi Nam Tử.
- Để em xuống nhà mua. - Nam Tử nói.
- Chị không phải mua đâu, Triệu Cao nó đùa đấy. Không phải mùa hè, làm gì có kem. - Thương Nữ nói.
- Sắp đến tháng Năm rồi, mùa Đông cũng vẫn có người ăn kem đấy. - Tôn Kiện Quân nói.
- Con ăn kem. - Triệu Cao lại gào lên.
Tôn Ân cũng nũng nịu đòi ăn. Nam Tử đứng dậy, Triệu Ngư nói với con trai:
- Con trai lớn rồi, muốn ăn gì ra phố mà mua lấy. Con dắt em Tôn Ân cùng đi, mỗi đứa chỉ ăn một cái thôi, mua xong về ngay nhé!
Được bố đồng ý, Triệu Cao dắt ngay Tôn Ân xuống nhà. Nam Tử lại ngồi xuống. Triệu Yến đang thao thao bất tuyệt, mặt đỏ ửng, cô nói:
- Câu chuyện hôm nay hơi lạ một chút, rõ ràng là đang nói về lão Tào mà lại ngoặt sang chuyện khác. Ai chủ mưu đấy?
- Tôi đấy. Tôi chẳng thích gì cả nên phải lái sang chuyện khác cho vui. Không ngờ lái hết chuyện này sang chuyện khác, cuối cùng lại rơi đúng vào đầu mình. - Tôn Kiện Quân.
- Chúng tớ đến nhà cậu họp để phê bình cậu đấy, - Lý Tiến nói, - để nghe Nam Tử tố cáo cậu đấy, không ngờ Nam Tử lại bênh vực cậu chẳng khác gì Bạch Mao Nữ biện hộ cho Hoàng Thế Nhân. Vấn đề là ở chỗ nào nhỉ? Lý Tiến nhìn Thương Nữ, Thương Nữ lắc đầu ra hiệu không biết, chị nói:
- Là lãnh đạo, chắc anh phải biết chứ.
- Tôi cũng tối dạ lắm, đề nghị lãnh đạo chỉ giáo cho. - Tôn Kiện Quân nói.
Mọi người đều nhìn Lý Tiến, anh uống một hớp rượu rồi chậm rãi nói:
- Sở dĩ Hỷ Nhi không dám phản kháng Hoàng Thế Nhân là vì không có Đại Xuân đứng ở sau lưng.
Mọi người cười rộ, Nam Tử đỏ cả mặt.
Tuy Lý Tiến nói đùa nhưng cũng có lý do của nó. Nam Tử là người duy nhất trong bữa ăn không nói gì, chị là người bị động, người nữ chủ nhân thiếu hẳn tư thế làm chủ. Còn Lý Tiến vẫn cái tác phong quen thuộc của người lãnh đạo, luôn quan sát tình hình. Ông chủ thì với bộ complê màu nâu, phong độ đĩnh đạc nói:
- Hỷ Nhi luôn được Đại Xuân hỗ trợ, hay thật. Đại Xuân tham gia Bát lộ quân, có súng cắm cờ hồng trên đồn điền nhà họ Dương.
Câu nói cứ như một bài thơ, Thương Nữ nghe thấy sướng tai, chị bưng miệng cười.
- Tôi xin hỏi anh. Nếu thật sự có một Đại Xuân xuất hiện thì anh sẽ tính sao? - Triệu Ngư ngẩng đầu lên nói với Tôn Kiện Quân.
- Thì Hoàng Thế Nhân sẽ chịu bó tay. - Tôn Kiện Quân cười, trả lời. Ngừng một lát, anh nói tiếp: - Nếu quả thật có Đại Xuân xuất hiện thì Tôn Kiện Quân tôi sẽ muốn họp suốt theo kiểu này.
Triệu Ngư ngồi yên. Không khí tạm lắng xuống, một sự im lặng mơ hồ. Tề Hồng nói:
- Càng nói càng như thật. Vừa rồi chẳng qua Lý Tiến chỉ nói đùa, nhưng ai là Hoàng Thế Nhân, ai là Bạch Mao Nữ đây? Tán gẫu một chút cho vui thôi mà, ví dụ như lão Tào chẳng hạn.
- Nhắc đến lão Tào, tôi thấy ngoại hình của lão hơi giống Dương Bạch Lao. - Triệu Yến nói.
- Hơi giống thật, chỉ có cái đầu bé hơn thôi. - Tề Hồng nói.
- Dương Bạch Lao thù sâu, khổ cực nhiều, còn lão Tào thì khác hẳn, sinh ra tại nước Trung Quốc cũ nhưng sống dưới chế độ cờ đỏ - Lý Tiến nói.
- Cũng vẫn có chỗ giống nhau, một người thì chứa đáy hận thù, một người thì chứa đầy hoóc-môn. - Triệu Ngư nói. Thương Nữ lườm chồng. Triệu Ngư nói tiếp: - Dương Bạch Lao khổ cực suốt đời lúc nào cũng chỉ là một nghèo, hai khó. Còn lão Tào thì tích lũy, quyết tâm trở thành người thành phố. Vừa rồi Tôn Kiện Quân nói chí phải, loại người như lão Tào bắn đạn lên trời nhiều quá đấy.
- Loại người ấy càng nực cười hơn chúng ta nhiều. - Tôn Kiện Quân nói.
- Bây giờ hết kịch rồi, chúng ta nghỉ giải lao một chút. - Lý Tiến nói.
- Lão Tào đang án binh bất động. - Triệu Yến nói.
Tôn Kiện Quân tiếp lời: - Nhưng khi đã động thì sẽ rung chuyển cả núi rừng.
Tôn Kiện Quân uống một hớp rượu, rồi lại nhìn Thương Nữ. Năm ngoái, khi ở đền Tam Tô, anh đã tìm Thương Nữ, nếu gặp thì có lẽ cũng trời rung đất chuyển...
Nam Tử ngồi xuống, sau đó đi vào bếp. Ăn cơm xong, mọi người quay ra đánh mạt chược. Tôn Kiện Quân xoa tay nói với Thương Nữ:
- Hôm nay đến địa bàn của tôi, tôi nhất định phải thắng cô.
- Anh nhất định phải thắng thì tôi cũng đành phải chịu thôi, vì đây là địa bàn của anh. - Thương Nữ nói.
- Tôi không cần thắng ai cả chỉ cần thắng một mình cô thôi. - Tôn Kiện Quân lại bảo.
- Cũng đành vậy, để xem ai thắng ai. - Thương Nữ cười.
- Tôi khẳng định là sẽ thắng, phải thắng cô một lần thật đích đáng. - Tôn Kiện Quân cũng cười nói tiếp.
Tôn Kiện Quân nói liên tiếp mấy chữ thắng, anh liên tưởng đến những nốt nhạc. Khi nói đến câu cuối cùng, tay anh bỗng va vào tay Thương Nữ, cả hai đều như bị điện giật. Lúc đó Thương Nữ chỉ thoáng nghĩ, nhưng sau này mới nghĩ ra. Cùng ngồi đánh mạt chược còn có Lý Tiến và Triệu Ngư. Tề Hồng thì giúp đỡ Nam Tử dọn dẹp, xong việc hai người ra phòng khách ngồi chơi, xem ti vi. Triệu Ngư cứ ngó nghiêng hết chỗ này đến chỗ khác, lúc thì nhìn ti vi, lúc thì nhìn vào bàn mạt chược.
Đêm hôm đó, họ chơi mạt chược mãi đến tận một giờ sáng. Cả bốn người thắng thua không nhiều, Thương Nữ và Tôn Kiện Quân coi như hòa, Tôn Kiện Quân chỉ thắng chị một ít nhưng cũng coi như đã thắng Thương Nữ.
Say Sắc Say Sắc - Lưu Tiểu Xuyên Say Sắc