To choose a good book, look in an inquisitor’s prohibited list.

John Aikin

 
 
 
 
 
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 39 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8438 / 128
Cập nhật: 2015-08-03 13:20:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
uối cùng tôi và Tú khỉ cũng lê lết về đến Hà Nội sau trận lũ kinh hoàng đó. Mất ba ngày vạ vật ăn chực nằm chờ ở nhà ông Văn trong lúc người ta sửa chữa những cung đường bị sạt do trận lũ gây ra. Đó là những ngày dài mệt mỏi, chán nản, bi quan, chúng tôi hầu như không nói với nhau câu nào. Ông Văn thi thoảng tìm cách động viên hai thằng tôi, nhưng chúng tôi luôn đáp lại bằng những câu khách sáo kiểu như: “không sao không sao đâu bố, của đi thay người là mừng rồi, không sao đâu mà, cái xe được hãng bảo hiểm đền bù mà…”
Nhưng đôi lúc tôi thấy Tú khỉ ngồi thẫn thờ bên bờ sông, nhìn vô định vào dòng nước đục ngầu chảy xiết đó, hỏi gì cũng ừ hữ. Đã có lúc tôi từng nghĩ thằng này quen ném tiền qua cửa sổ, nhưng có lẽ tôi đã nhầm. Một kẻ lăn lộn kiếm tiền như nó hẳn luôn coi trọng giá trị đồng tiền, đằng này trong phút chốc nó bỗng dưng mất toi chiếc xe bạc tỉ, thử hỏi sao không choáng váng?
Với tôi thì hầu như luôn luôn ở trong tình thế mọi chuyện chẳng thể tồi tệ hơn được nữa, nên tôi thờ ơ với mọi biến cố đời mình. Tôi đã nghỉ trễ mấy ngày phép, nghĩ đến cái lúc trở lại văn phòng công ty, đối diện với tay trưởng phòng và núi công việc buồn tẻ ở đó, tôi phát ốm cả người.
Tôi nghĩ đến khuôn mặt rầu rĩ lạnh nhạt của vợ chào đón ở nhà, với những cuộc cãi vã, những câu nói cộc lốc trống không thiếu chủ ngữ, hoặc có thể chỉ là sự im lặng nặng nề. Những bữa cơm nguội ngắt, bầu không khí gượng gạo, và vẻ mặt đầy tự kỷ của thằng bé con nữa. Nghĩ đến tất cả những điều đó, tôi thở dài hắt ra một hơi và chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Cuộc đời, thật là chán quá đi!
Thế rồi cũng đến lúc phải quay về, người ta đã sửa xong đường, Tú khỉ tháo cái đồng hồ mà nó gọi là đồng hồ thủy quân lục chiến ra mang gạ gẫm khắp chợ cóc xóm huyện, nhưng chả ma nào thèm mua, dù chỉ với cái giá rẻ mạt. Theo lời nó, đây là một cái đồng hồ rất đắt tiền, đa tác dụng, đo được đủ thứ áp suất, độ cao, nhiệt độ, độ ẩm, kiêm la bàn… v v…
Ông Văn thấy thế bèn đưa cho tôi ít tiền mua vé xe khách và ăn uống để quay về. Tú khỉ đưa cho ông ấy chiếc đồng hồ, nhưng ông ấy nổi cáu: “Tao lấy cái đồng hồ của mày để làm mắm à thằng ranh con?”
- Thì bố cứ giữ lấy, để con còn có cớ quay lại đây dịp nào đấy chứ? – Tú khỉ chống chế yếu ớt, vừa nói vừa cười gượng gạo. Chưa bao giờ nó lại phải ngửa tay xin xỏ vay mượn dúm tiền lẻ như thế này, hẳn là nó cảm thấy rất tệ.
- À thế ra nếu không để lại cái đồng hồ thì chúng mày không thèm quay lại đây chứ gì?
- Có chứ bố – Tú khỉ gãi tai - Chắc chắn bọn con sẽ quay lại bắt con cá thần, chắc chắn đấy… phải không hả Cuội? – Nó quay sang nhìn tôi dò hỏi. Tôi đành gật đầu chiếu lệ, chứ tôi không chắc rằng tôi có muốn quay lại cái chỗ chết tiệt này nữa hay không, nếu không muốn nói thẳng ra là có dí súng vào đầu có lẽ cũng không khiến tôi trở lại nơi này nữa. Mọi chuyện đã kết thúc, game over, sẽ không có lần thứ hai tôi tham gia những trò phiêu lưu của Tú khỉ, không bao giờ…
- Thôi được rồi, được rồi, cất cái đồng hồ đi – ông Văn xua tay nói – chúng mày quay lại đây lúc nào cũng được, năm sau, hay là năm sau nữa, tùy, chừng nào tao còn sống thì cứ coi như đây là nhà, con Vân thì chúng mày cứ coi nó như là em gái, được chưa? Thôi mau về đi, còn công việc làm ăn, còn gia đình, trăm thứ bận bịu ấy chứ, khi nào rảnh lên đây chơi với tao là được rồi, đừng có ham cá mú làm gì cho mệt, tao đã bảo rồi, dính vào nó là đen lắm!
- Nhưng con vẫn còn cay lắm, chưa tóm được nó con chưa thể quên vụ này – Tú khỉ hậm hực.
- Thôi thôi mau về đi kẻo lỡ xe! – Ông Văn xua tay như đuổi hai thằng tôi ra khỏi nhà.
Để mặc họ đôi co với nhau, tôi đi ra khoảng sân nhỏ trước cửa nhà tìm cô con gái, cô ta đang cơm nước trong bếp. Tôi đứng ở cửa hắng giọng. Thoáng thấy tôi, cô ta ngẩng đầu lên nhìn rồi lại cắm cúi nấu nướng, tay cầm que củi cời cời bếp lửa, vầng trán lấm tấm mồ hôi, xinh đẹp tuyệt trần. Trong thoáng chốc, tôi thấy trái tim mình run rẩy, trĩu nặng, và tôi phải kìm nén một hơi thở dài nhè nhẹ.
- Bọn anh về đây, chào Vân nhé! – Tôi nói.
- Vâng, các anh đi may mắn! – Cô ta lí nhí.
- Bọn anh sẽ quay lại khi nào rảnh rỗi – Tôi bỗng buột miệng nói dối.
- Vâng.
- Anh rất muốn quay lại sớm, nhưng chưa biết khi nào… - Tôi lại tiếp tục nói dối, như thể đó là điều tôi muốn thật sự vậy.
- Vâng.
- Bọn anh rất quý mến gia đình ta, bố em rất tốt, em cũng thế, rất cảm ơn bố con em… anh không biết phải nói sao nữa…
- Không cần phải nói, em hiểu mà! – Cô ta bỗng ngẩng lên nhìn tôi, mắt loang loáng ánh lửa, và ươn ướt, không rõ tôi có bị quáng gà hay không nữa, nhưng có lẽ là có, đôi mắt cô ta có lửa.
- Tạm biệt em! Bọn anh sẽ sớm quay lại! – Tôi nuốt nước bọt khan, nói một cách khó khăn mấy từ đó, lí nhí, như thể nó cứ bị mắc ở cổ họng vậy. Tôi quay bước ra sân đi về phía Tú khỉ và ông Văn đang chờ. Tú khỉ ông ổng chào vọng vào bếp tạm biệt cô em kết nghĩa, có vẻ nó đã lấy lại phong thái tự tin và vui vẻ.
Chúng tôi leo lên chiếc xe ôm Minsk chờ sẵn, kẹp ba ra phố huyện bắt xe khách. Tú khỉ ngồi giữa, tôi ngồi sau. Trước khi xa khuất, tôi ngoái lại, thoáng thấy ông Văn đứng ở cổng vẫy tay, cô con gái nép phía sau nhìn theo chúng tôi. Tôi cố giơ tay lên vẫy chào lại, có lẽ tôi sẽ không gặp lại họ. Vĩnh biệt!
- Lưu luyến cô em gái xinh đẹp quá hả? - Tú khỉ nói, không thèm ngoái lại nó cũng biết tôi đang giơ tay vẫy.
- Lưu luyến cái đếch gì, tao sẽ không bao giờ quay lại chỗ này, chắc chắn là thế.
- Tốt thôi, lần sau quay lại tao sẽ chén con em gái mày.
- A, thằng đểu!
- Làm thằng đểu còn hơn là thằng ngu, mỡ đến miệng còn đéo biết đường mà đớp, phải tay anh thì xong từ lâu rồi em ạ.
- Mày xôi thịt bỏ mẹ, hay ho gì chứ, đúng là cái loại trẻ không tha già không thương.
- Mày đúng là thằng ngu, chả hiểu gì về điện, mày không đè gái ra hiếp, nó hận mày cả đời đấy em ạ.
- Vâng, em biết những thằng hiếp dâm phụ nữ thường có trí thông minh khá cao mà anh.
- Ha ha, tốt thôi, mày chê thì để anh, không phải nói nhiều – Tú khỉ cười ha hả.
- Được rồi, ngậm mồm lại, thằng ôn vật! – Tôi cáu - Văng cả nước bọt vào mặt tao rồi đây này!
Từ đó đến lúc lên xe khách, cho đến lúc về Hà Nội, tôi hầu như không nói với Tú khỉ câu nào, bởi tôi chỉ thấy trĩu nặng trong lòng, còn chán nản hơn cả lúc bắt đầu chuyến đi. Phần tệ nhất của câu chuyện bây giờ mới bắt đầu.
Khu chung cư cũ nát xập xệ, cầu thang tối om, tôi nặng nhọc leo từng bước, thi thoảng lại đá phải một cái kim tiêm bọn nghiện vứt bừa bãi. Tôi đã sắp sẵn một câu chuyện cụt lủn trong đầu để kể, nếu vợ tôi tra hỏi, nhưng tôi đoán là chuyện đó phải vài ngày sau. Còn bây giờ có lẽ cô ta sẽ lầm lì xưng xỉa cái mặt không thèm nói năng gì hết. Tôi bỗng ước gì cái cầu thang này dài vô tận, và tôi cứ leo mãi, leo mãi, không bao giờ về đến nhà hết, cứ leo mãi cho đến già nua, rồi chết đi. Như thế kể cũng hay đấy nhỉ, chết trên đường về nhà. Hừ, người ta gọi là chết như trong phim!
Nhưng đời thì không như trong phim, cuối cùng tôi lê lết hết những bậc thang và dừng lại trước cánh cửa căn hộ 502, nhà tôi, nghe như keo dán 502 ấy nhỉ? Đúng rồi, đây là nhà tôi, nhưng nó khóa ngoài im ỉm. Đã 6 giờ chiều, nhẽ ra giờ này vợ con tôi phải ở nhà. Tôi linh cảm chuyện tồi tệ đang chờ đón mình sau cánh cửa kia, nhưng tôi chưa nghĩ ra nó tệ đến đâu. Chiếc chìa khóa cửa đã bị mất trong trận lũ, tôi thò tay vào qua cái lỗ trên cửa, mò mẫm sợi dây treo chìa khóa dự phòng giấu trong hốc tủ giày dép kê gần đó, mãi rồi cũng thấy.
Bước vào nhà, mùi khen khét ngột ngạt là lạ, có vẻ như cả tuần nay không ai ra vào. Tôi bật đèn lên, thấy nhà cửa bừa bãi, nhưng trống trải, chỗ góc bàn học thằng bé con nhẵn nhụi chả thấy sách vở và đồ chơi nó đâu. Tôi mở tủ, trong đó chỉ còn vài bộ quần áo cũ của vợ, giày dép cũng biến mất. Chắc cô ả lại giận dỗi dắt con bỏ về nhà bố mẹ rồi đây, tôi nghĩ bụng.
Đói và mệt, tôi chả buồn gọi điện cho cô ta nữa, tôi bật bình nước nóng, lấy bộ quần áo tắm rửa qua loa. Tủ lạnh trống rỗng, đã rút phích điện. Lục mãi tìm được gói mì tôm sắp hết hạn sử dụng, tôi đun nước úp mì nuốt tạm, định bụng sau đấy ngủ một giấc dài, mọi chuyện tính sau.
Trong lúc đang cố nuốt những sợi mì tôm hôi rình, tôi mới để ý thấy một tờ giấy trên mặt bàn ăn, chặn cái gạt tàn. Hóa ra đó là một lá thư ngắn gọn: “Hai mẹ con tôi hết chịu nổi anh rồi, anh về ly dị giải quyết dứt điểm cho xong, thủ tục cũng đơn giản nhanh chóng thôi, tôi đã tìm hiểu rồi”
Dù sao, sau đó tôi cũng đã nuốt hết bát mì.
Quá mệt mỏi với chuyến xe khách nêm chật cứng người, mệt mỏi cả tinh thần và thể xác, nên đêm đó tôi ngủ mê mệt. Tôi mơ thấy cô con gái ông Văn đang tắm, vẫn cơ thể tuyệt ngần ấy, khỏa thân hoàn toàn, khêu gợi, khiến tôi ngây dại. Bỗng đâu xuất hiện con cá thần, cái con quái vật gớm ghiếc ấy, nó lại nổi lên giữa vụng nước xoáy, nó rẽ sóng phi vào bờ ngoạm ngang người cô gái, tôi sợ chết khiếp, muốn hét lên mà không thể hét nổi. Thế rồi Tú khỉ đột nhiên xuất hiện, nó lao ra cầm con dao nhọn đâm liên tiếp vào đầu con cá, lôi cô gái ra khỏi cái mồm lởm chởm răng đó.
Còn tôi thì cứ đứng đó nhìn, như một thằng hèn, ngu ngốc. Tú khỉ bế cô ta đi ngang qua trước mặt tôi, nó dứ con dao vào mặt tôi như dọa dẫm, sau đó tiếp tục bế cô ta đi mất. Đôi mắt cô ta nhìn tôi, vẫn đôi mắt có lửa ấy, nhuốm vẻ buồn bã và trách móc. Mặc dù trong giấc mơ, nhưng tôi vẫn cảm thấy ghen tuông, căm ghét thằng Tú khỉ vô cùng, tôi hầu như chắc chắn nó sẽ chiếm đoạt cô gái ấy ngay sau đó, dường như nó có quyền làm như thế sau khi đã cứu cô ta, và cô ta có vẻ cũng ưng chịu. Tôi cũng căm ghét chính bản thân, vì sự hèn nhát của mình. Tôi bật khóc, và tỉnh giấc. Đúng là tôi đã khóc, vì nước mắt vẫn còn ướt ở khóe mắt, chảy xuống 2 bên thái dương. Một giấc mơ tồi tệ hết chỗ nói!
Lúc đó gần về sáng. Tôi ra đi văng nằm, châm một điếu thuốc, không sao ngủ lại được. Qua ô cửa kính, bầu trời đêm nhợt nhạt, nhấp nháy những ngôi sao xanh lạnh lẽo xa xôi. Tôi lại ước gì có thể ngủ lại được, và không bao giờ tỉnh dậy nữa. Cuộc đời tôi đúng là cuộc đời bỏ đi, ngay đến cả một giấc mơ tử tế cũng không có nốt.
Tôi cứ nằm đó nhìn bầu trời sáng dần ngoài ô cửa sổ, trời lạnh, rất lạnh, nhưng tôi mở cửa sổ mặc kệ cho gió lạnh lùa vào nhà. Tôi chờ đến lúc trời sáng hẳn để đi ra phố ăn một bát phở tử tế, rồi lê xác lên công ty. Chuyện nó phải thế, chẳng thể trốn đi đâu được, tôi sẽ phải nghe những lời khiển trách, những lời khó nghe, bực bội, những ánh mắt khó chịu…
Nhưng tôi cũng đã nhầm, họ chẳng trách móc gì tôi hết, họ chỉ đơn giản đưa cho tôi lá đơn xin thôi việc. Tốt nhất cậu nên ký vào lá đơn này, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng, họ nói. Tôi hầu như ký ngay lập tức, chẳng đắn đo gì, tôi đã quá chán nản và buông xuôi mọi thứ, kệ mọi chuyện đến đâu thì đến, tôi đếch cần gì nữa.
Tôi qua phòng tài chính kế toán ký tá nốt giấy tờ, lĩnh nốt vài đồng lương còm rồi quay về góc bàn làm việc thu dọn mấy thứ lặt vặt cá nhân, lạnh nhạt chào tạm biệt vài người đồng nghiệp cùng công ty. Họ an ủi tôi cũng khá lạnh nhạt, cho phải phép. Cho đến lúc này, tôi đã quên hầu hết tên họ, và cũng chẳng nhớ nổi khuôn mặt họ như thế nào nữa.
Trong khi tôi đang thu dọn đồ đạc, chuông điện thoại bàn reo, Tú khỉ gọi điện, nó hẹn tôi ra quán cà phê quen thuộc gần đó. Tôi hỏi có chuyện gì nó không chịu nói, bảo cứ ra cà phê đã. Tôi nhanh chóng thu dọn nốt sách vở tài liệu, vài bức ảnh, và rời khỏi văn phòng công ty. Vĩnh biệt! Tôi cũng sẽ không bao giờ trở lại nơi này nữa, nơi mà tôi đã tự chôn mình trong nhiều năm, chỉ chuốc lấy phiền muộn, thất bại.
Khi tôi đến quán cà phê thấy Tú khỉ đã ngồi đấy chờ sẵn từ lúc nào, nó đang săm soi gì đó trên cái laptop mang theo. Thấy tôi, nó có vẻ hào hứng và bồn chồn. Tôi sực nhớ giấc mơ đêm qua, cảm thấy quặn lên một cơn đau bụng, máu nóng dồn lên đầu, tôi chỉ muốn hắt một chậu nước rửa bát vào cái mặt nó lúc này. Tôi gọi một cốc cà phê đen đá đậm đặc và tu một hơi gần cạn.
- Tao uống hai cốc liền rồi đấy – Tú khỉ hí hửng nói.
- Thế có chuyện gì vậy? – Tôi lạnh nhạt hỏi.
- Mày nên tự xem đi thì hơn – Nó xoay cái laptop sang cho tôi xem, trên đó hiển thị một tấm ảnh loằng ngoằng nhiều đường nét và các con số.
- Có vẻ nó giống như một cái bản đồ – Tôi nói.
- Nó chính là cái bản đồ – Tú khỉ nói – Nhìn có quen không?
- Chả quen, có gì thì nói nhanh khỏi vòng vo mất thời gian.
- Mày không nhận ra à, đây chính là chỗ tao với mày câu cá chứ còn gì, chỗ này khúc quanh dòng sông, chỗ này thác nước, còn chỗ này chính là nhà ông Văn…
- Rồi sao? – Tôi sốt ruột ngắt lời nó – Ảnh vệ tinh Wikimap với Google Map nhìn có phải rõ hơn không, cái này nhìn loằng ngoằng chả ra làm sao cả.
- Thì cái nền bản đồ vẫn là nó đấy, nhưng hơi khác một chút, mày đã bao giờ nghe nói đến hộp đen ô tô chưa?
- Có nghe qua, rồi sao?
- Trên xe tao có lắp hộp đen, định vị GPS – Tú khỉ trịnh trọng tuyên bố.
- À, vậy là chuyện về cái xe hả? – Tôi bĩu môi.
- Mày cứ từ từ, chưa hết đâu em ạ, để nghe anh nói đã chứ. Đm, chưa gì đã làm anh mất hứng – Tú khỉ cau có chửi thề.
- Được rồi, thế tóm lại là tìm thấy cái xe hả? – Tôi xuống thang, nghĩ đến cái xe tiền tỉ của nó. Bảo hiểm có lẽ không chi trả cho những vụ việc kiểu này, nhất là khi mà chẳng có ai xác nhận cho sự mất tích của chiếc xe.
- Tất nhiên là tìm thấy – Tú khỉ đắc thắng nói – Nó trôi đi chừng dăm cây số rồi dừng lại, mắc kẹt đâu đấy đáy sông, hoặc dạt vào bờ, ngay sát biên giới.
- Mày định quay lại trục vớt? – Tôi hỏi.
- Tất nhiên.
- Bao giờ?
- Khoảng 1 tuần nữa, tao còn phải thu xếp chuyện làm ăn, đang rối bung bét hết cả.
- Chúc may mắn, thằng điên, tao sẽ không quay lại chỗ đấy đâu.
- Lần này tao cũng đéo cần mày đi cùng, nói thế cho nhanh, nhưng có chuyện này lạ lắm. Mày nói là con cá thần nuốt cái mề gà của tao phải không?
- Ừ, sao? Thế bây giờ mày vẫn đéo tin à?
- Tao thì vẫn đéo tin, nhưng mà có chuyện này rất kỳ quặc. Để tao nói cho nghe, cái xe của tao, ngay cả chìa khóa của nó cũng có chức năng định vị GPS. Mày nhìn cái đường đỏ đỏ này nhá – Tú khỉ chỉ vào màn hình laptop – Đường đỏ là hành trình của cái xe. Đấy, lịch trình được nhà cung cấp ghi lại hết, tọa độ và thời gian, đủ cả, ngày giờ tao với mày xuất phát, cho đến lúc bị lũ cuốn, còn đây là hành trình trôi theo dòng lũ của nó, trong vòng có nửa tiếng đồng hồ nó đã bị cuốn đến chỗ này và mắc kẹt ở đó suốt từ hôm ấy đến nay.
- Rồi sao? – Tôi sốt ruột ngắt lời.
- Rồi sao à, còn đây là đường màu xanh, là hành trình của cái chìa khóa, bọn sản xuất cái xe này nó định vị GPS cả chìa khóa, mã hóa lằng nhằng và theo dõi bằng hệ thống phần mềm, thông qua vệ tinh, để chống ăn cắp xe, mỗi khách hàng mua xe đều có thể truy cập qua mạng internet để theo dõi tình trạng xe của mình. Mày nhìn xem nhá, hành trình cái chìa khóa cho đến lúc mày kêu nó bị con cá nuốt, về cơ bản là vẫn trùng với màu đỏ, nghĩa là như hình với bóng, đúng không nào – Tú khỉ click chuột vào bản đồ, chỉ chỏ lung tung và tiếp tục nói, nước bọt văng cả vào màn hình – Đây là chỗ cái chìa khóa chia tay cái xe này, theo dõi hành trình của nó nhá, 30 phút sau nó xuôi dòng khoảng hơn 1 cây số. Nào, xem tiếp này, nó nằm yên đó tầm 45 phút, sau đó lại xuôi tiếp hơn 1 cây số trong 30 phút nữa. Tiếp theo, mẹ kiếp, nó bơi ngược dòng quay lại đúng cái chỗ ban đầu trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Đấy chính là phần kỳ quặc.
Chưa hết, những ngày sau nó liên tục di chuyển xuôi ngược, lần xuôi dòng xa nhất là sang tận Lào, lần ngược dòng xa nhất là chân thác Pa Háng cách điểm câu đấy chừng hơn cây số, nhưng có lúc tự dưng nó biến mất, có thể do nó lặn quá sâu, mất sóng…
- Ừ hay nhỉ! – Tôi mỉa mai – Cái chìa khóa hiện đại thật, ngoài định vị GPS nó còn biết bơi nữa nhỉ?
- Tiên sư thằng thù dai này, lại còn đá đểu tao nữa, ừ thì giờ tao tin đúng là nó nuốt cái mề gà của tao. Tao sẽ quay lại tóm sống nó, mổ phanh bụng nó ra, lấy lại những gì đã mất…
- Kệ mày, tao chả quan tâm – Tôi hờ hững ngáp.
Tú khỉ chưng hửng ra mặt, nó gập laptop lại, đốt thuốc, và bắt đầu gọi cốc cà phê thứ ba. Thằng này tuyên bố nó có thể uống được cả chục cốc cà phê đặc một ngày, tôi thì không tin chuyện đó, chỉ cần hai cốc cà phê là tôi đã nôn nao hết cả ruột gan, tim loạn nhịp.
Tôi cũng đốt thuốc nhâm nhi nốt chỗ cà phê, lơ đãng nhìn ra ngoài bầu trời ảm đạm, lạnh lẽo, nó tỏa thứ ánh sáng nhợt nhạt xuống dòng người lếch thếch đang trôi đi trên phố.
- Có chuyện gì à? – Tú khỉ dò hỏi – Con vợ mày nó làm ầm ĩ lên à?
- Không, chả có gì mà ầm ĩ cả – Tôi đáp – Nó bỏ đi rồi.
- Mang cả thằng bé con đi à?
- Tất nhiên.
- Căng nhỉ, thế còn công việc thì sao?
- Công việc à? – Tôi cười khẩy chỉ vào đống đồ đạc tài liệu để trên ghế bên cạnh – Đấy, chúng nó vừa đuổi việc tao rồi, giờ tao chính thức ra đường.
- Cũng đến lúc rồi, lương lậu thế thì nghỉ từ lâu rồi mới phải.
- Ừ, nghỉ thì nghỉ, sao phải xoắn, nhỉ?
- Rồi đâu khắc có đó, rồi sẽ ổn cả thôi – Tú khỉ vỗ vỗ vai tôi.
Tôi ừ hữ cho xong, nhưng tôi không biết mọi chuyện rồi sẽ như thế nào. Nói thì dễ, chứ khó mà tôi có thể ổn thỏa cho được. Trong túi tôi chỉ còn ít tiền lương họ vừa thanh toán. Có lẽ tôi sẽ phải vay Tú khỉ một khoản tiền để trang trải nợ nần, các loại hóa đơn điện, nước, điện thoại, v v…
Tôi chưa biết sẽ làm gì trong những ngày tới, mọi thứ đang rối tung, mờ mịt, xám xịt. Đầu óc tôi trống rỗng, bất cần, và sẵn sàng buông xuôi, sẵn sàng ký vào mọi loại giấy tờ, dù đó là lá đơn ly dị hay lá đơn xin thôi việc. Nếu có lá đơn xin vào tù, chắc tôi cũng sẽ ký nốt. Tôi chỉ muốn được rảnh nợ, chạy trốn, và không muốn một ai tìm ra mình.
- Đêm qua tao có một giấc mơ mày ạ – Tú khỉ nói.
- Thế à? – Tôi đáp, cay đắng nhớ lại cơn ác mộng của mình.
- Tao mơ thấy con cá đấy – Tú khỉ nói, chính là con cá đấy, mặc dù chưa từng nhìn thấy nó, nhưng tao chắc chắn là nó, con cá thần ấy.
- Ừ – Tôi ậm ừ cho xong, mắt vẫn nhìn ra dòng người trôi trên phố.
- Tao còn mơ thấy em Vân nữa – Tú khỉ tiếp tục nói – Em ấy… hí hí… em ấy đang tắm tiên bên bờ sông nữa nhá…
- Ừ…
- Ổ ôi hàng họ em ấy ngon thôi rồi, hí hí…
- Hừ, em ấy ngon thì ai cũng thấy cả – Tôi cười khẩy.
- Ờ để tao kể tiếp cho nghe, em ấy đang tắm thì con cá phi vào định ăn thịt, mày thì đứng đực mặt ra nhìn, nên tao xông ra cứu em nó…
- Hả? – Tôi há hốc miệng quay phắt lại nhìn nó – Sao lại thế được?
- Sao lại không? – Tú khỉ nhăn nhở – Mày lúc đéo nào chả nhát chết? À không, trừ những lúc mày quá ngu, ngu đến nỗi quên cả sợ chết, như cái hôm bơi xuồng ra vực nước ấy…
- Không thể như vậy được! – Tôi nói – Mày cứu em ấy như thế nào?
- Thì tao rút dao bơi ra đâm chết con cá rồi bế em ấy lên bờ, ổ ôi da thịt em ấy cứ gọi là… hí hí, nghĩ lại vẫn thấy sướng tê dại…
- Không thể như thế được! – Tôi kêu lên – Rồi sao nữa?
- Sao lại không chứ? Kể ra thì hơi phũ với mày thật, nhưng tao mơ đưa em ấy vào rừng rồi thịt em ấy ngay tại chỗ, ổ ôi em ấy ngọt thịt thôi rồi, hí hí…
- Thế còn tao thì sao? – Tôi hỏi, giọng run run, toàn bộ gai ốc trong người nổi lên từ lúc nào.
- Mày ấy à? – Tú khỉ bĩu môi - Mày sợ chết khiếp đứng một góc, sau đấy mày lại có vẻ còn định giở trò ghen tuông nữa.
Tôi bỗng thấy choáng váng đầu óc, xây xẩm mặt mày. Một nỗi sợ hãi như làn sóng lan truyền trong người, chạy từ chân lên đến đỉnh đầu, da gà nổi khắp người, tóc gáy dựng ngược. Tôi phải nói cho thằng Tú khỉ biết, rằng chúng tôi đã cùng mơ một giấc mơ giống hệt nhau. Điều này là rất quái đản, vô cùng kỳ lạ, không bình thường chút nào. Bây giờ, vấn đề là tôi phải nói làm sao cho nó hiểu và tin rằng tôi cũng đã có một giấc mơ y hệt như thế? Nói chính xác phải là tôi đã có một cơn ác mộng tồi tệ, nhưng lại giống y hệt như giấc mơ ngọt ngào của nó. Chỉ có một điều có thể lý giải cho sự trùng hợp kỳ lạ này, nhưng tôi không dám tin vào điều đó, thậm chí mới chỉ nghĩ đến thôi tôi đã nổi hết cả gai ốc.
Tôi là một kẻ vô thần, chưa từng tin vào ma quỷ thánh thần, nhưng hình như tôi bắt đầu buộc phải tin rằng con cá này, con quái vật này, nó là một con vật không bình thường, dường như bằng cách nào đó nó có thể tác động đến tinh thần, suy nghĩ của tôi và Tú khỉ, chia rẽ chúng tôi, ngay cả trong những giấc mơ. Nếu vậy, nó chính là ma quỷ.
- Tú khỉ này, nghe cho rõ tao nói này, mày đã quên hoặc cố tình không kể nốt một chi tiết quan trọng trong giấc mơ của mày, phải không? – Tôi bảo nó – Mày đã quên kể rằng khi bế em Vân đi ngang qua, mày còn dí dao vào mặt dọa tao? Đúng không nào?
- Hả?
Lần này đến lượt Tú khỉ há hốc mồm kinh ngạc nhìn tôi, mãi không nói nên lời.
- Làm sao, làm sao mày biết được chuyện đấy? – Cuối cùng nó ấp úng.
- Vì đêm qua tao cũng mơ y hệt như mày, y hệt! – Tôi đáp.
Săn Cá Thần Săn Cá Thần - Đặng Thiều Quang Săn Cá Thần