Having your book turned into a movie is like seeing your oxen turned into bouillon cubes.

John LeCarre

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 25
Cập nhật: 2015-07-18 12:58:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bữa Tiệc Thịt Cầy Vui Vẻ
ân dà Trí đọc hết mười sáu quyển bộ truyện Tây Du và những bộ truyện trên kệ của ông Cụ cũng là lúc Trí đã lên lớp ba trường làng.
Một hôm trong nhà ông Nội có tiệc. Nhà có đám tiệc luôn. Không có lý do thì đặt ra lý do. Kỳ này lý do là con chó Vàng sủa bậy. Chỉ có thế là thành tiệc. Nhà ông Nội có hai người quan trọng nhất: Tía Trí và chú Năm. Tía là “Thủ tướng” còn chú Năm là “Bộ trưởng bộ Nội vụ kiêm Kinh tế”. Chú Năm nói với tía: “Con chó Vàng nó sanh tật anh à! Hôm qua em đi tới nhà ba mà nó sủa!” Tía Trí đồng ý ngay nhưng còn đề nghị mời thêm vài ông Hội tề ra nhậu cho vui.
Chú Năm bao nấu nướng còn tía thì lo việc ngoại giao và cho người mua gia vị ở trong chợ. Chú Năm là đầu bếp chuyên môn món thịt chó, nhưng muốn nấu ngon phải có đủ gia vị cho chú. Ít nhất trên hai mươi thứ chớ không phải ít. Ngũ vị hương, tương chao, củ hành tàu, bún tàu, đậu phọng, đậu xanh, rượu ấp-xanh, củ nghệ (loại thoa gà nòi)… Đó là những thứ ở nhà không có sẵn. Phải đi chợ mua cho đủ. Đem về nếu món nào bị chú “bất” (chê) thì phải mua lại cho đúng. Quan trọng nhất là con chó Vàng. Nếu không bắt được nó thì bất thành tiệc. Nhà có một bầy chó mười mấy con. Mỗi lần đi vườn săn chồn săn chuột chỉ cần ba, bốn chú. Còn ra đồng thì ném một cục đất, xuỵt một tiếng là cả bầy ào ra như “quân sở đánh quân Tê”, như Địch Thanh tấn công Thợn Thợn quốc.
Điểm lại số quân, chú Năm mới thấy con Vàng vừa mới sanh tật (xấu) nên lên án tử hình. Kể ra cái tật sủa bậy đó cũng chưa đáng tội cho lắm, nhưng vì nó béo tốt mà lại hơi lười, bớt hăng càn bờ lướt bụi như đồng loại, chứ còn tật xấu thì con Vện hay ăn vụng, con Luốc cắn chết hai con mèo con, tội nặng hơn bội phần, nhưng vẫn không bị xử. Pháp luật bao giờ cũng cong queo mà.
Chú Năm gọi đám quân “chạy hiệu” tới và đọc cái thiệu làm thịt… cầy.
Đứa nào xấu xấu xắt sả nạo dừa
Đứa nào bảnh trai, cạo lông thui chó
Đứa nào núp núp ló ló,
Bắt đi mua rượu chợ xa.
Dưới quyền của chú Năm, đạo quân chạy hiệu hoạt động tở mở. Trí hỏi chú Năm:
- Bữa nay chú tính làm mấy món chú Năm?
- Thì cũng mấy món đó thôi. Mầy thích món nào?
- Món nào cháu cũng thích hết. Nhưng thích nhất là cạp cái “xương mông bà La Sát”. Rồi kế đó là gặm “xương sườn ông Bao Công”.
- Cái thằng! Mây nói gì lạ vậy mậy?
Trí cười và giải thích:
- “Xương Mông bà La Sát” là cái đòn dông xương sống từ nửa lưng xuống cái đuôi. Chú vẫn thường làm món đãi khách đó mà!
- Ừ, nhưng sao mầy đặt tên nghe lạ tai quá, làm tao không biết là món gì!
- Tại cháu mới đọc truyện trên ông Cụ thấy Tôn Hành Giả chui vô bụng bà La Sát mượn cái quạt Ba Tiêu để quạt tắt Hoả Diệm Sơn mở đường cho Tam Tạng đi thỉnh kinh thì chắc là bà La Sát phải chết.
- Cái thằng! Bà La Sát là yêu tinh, thịt bả ăn tanh lắm, sao mày không đặt tên nào ngon ngon hơn. Thí dụ như xương mông bà Võ Hậu vậy đó.
Trí nói:
- Cháu chưa đọc tới truyện Võ Hậu nên không biết.
- Còn sao lại xươne sườn ông Bao Công?
- Dạ ông Bao Công ngày đêm ngồi xử án “Quách Hoè ly miêu hoán chúa” cho nên chắc xương sườn của ổng ốm không có mỡ, chỉ toàn thịt nạc cạp ngon
lắm.
Chú Năm cười:
- Nhưng mầy nên nhớ là Bao Công già cúp bình thiếc, thịt dai nhách nhai không có đứt đâu. Kế hai món đó mầy thích món gì?
- Dạ cháu thích món quay chảo thịt đùi với nước dừa xiêm. Hít hà! quay chín xong xắt ra lát mỏng, mỗi lát đều có da, mỡ, nạc và tí sụm nhai vừa ngọt vừa béo.
Chú Năm nói:
- Béo là nhờ mỡ của nó và nhờ đậu phọng. Mày phải đâm đậu phọng (không được đâm nhuyễn) và rắc lên thịt, thì mới trúng điệu “quay chảo thịt cầy”. Kế đó là món gì?
- Dạ ăn thịt quay chảo xong cháu chĩa tới dồi.
Chú Năm lác đầu:
- Dồi, học trò ăn dồi sẽ học không thuộc bài. Càng ăn dồi càng tối dạ đó nghe mầy tụi!
- Tại sao ăn dồi chó mà tối dạ hả chú?
Chú Năm cười hì hì:
- Mầy có nghe học trò ăn giò gà bị run tay không? Ăn dồi chó còn nặng hơn giò gà. Vì dồi chó làm bằng ruột cùng chó. Mày không nehe người ta chửi: “Đồ ăn ruột cùng chó” hay sao? Tức là ngu lắm. Ruột chó thum thủm ăn vô mất trí khôn con ơi!
Trí cãi lại:
- Dồi chó đâu phải chỉ làm bằng ruột chó mà thôi. Còn nhiều thứ nữa chớ chú! Nào là gan phổi bầm nhuyễn trộn với thịt nạc, mỡ heo dồn vô!
- Ừ phải, nhưng mà khúc dồi vẫn còn mùi thum thủm! Dồi chó là mồi của mấy ông nhậu chớ không phải đồ ăn cơm mày hiểu chưa? Giò gà cũng vậy. Mấy ổng không muốn con nít chĩa hết, cho nên mấy ổng nói vậy để cản đũa tụi bây. Tao nhắc cho tụi bây nếu được ngồi chung mâm với người lớn thì đừng có rớ tới cái xương mông bà La Sát hoặc mấy miếng dồi nghe chưa. Xương mông của bà La Sát thì gỡ ra một miếng bằng con cờ phải làm một ly đầy, còn dồi xắt mỏng ra, mỗi lát phải đưa hai ly. Quý nhất trong con chó là hai món đó. Ai biết điều thì nên nhường cho mấy ông nhậu.
Trí vốn đã từng nếm nhiều lần các món của chú Năm nấu, nên ra vẻ thành thạo.
- Còn đùm lá cách nữa chi chú Năm!
Chú Năm lại cười:
- Cái thằng này rành dữ he. Nay mai mầy làm đệ tử “đạo Cầy” của tao được đó. Đùm là món cũng quí như dồi, nhưng nó thuộc về đồ mềm để dành cho các cụ hăng rết.
- Hăng rết là sao hả chú?
- Hăng rết là hết răng đó, nghĩa là mấy ông già không còn răng nhưng vẫn ham vui. Đùm để dành cho các cụ. Món đặc biệt này có hai loại, một loại cuốn lá cách nhỏ bằng ngón tay vừa miếng lủm, một loại to bằng cái dĩa gói bằng lá bạc hà, ràng bằng lá sả xếp vô trả hon hấp cho chín rồi vớt ra để trên dĩa bàn rưới nước cốt dừa lên, kỉnh cho các cụ. Các cụ gắp một miếng đùm gói lá cách, hoặc lấy muổng xúc để trong chén, lua vô miệng trệu trạo rồi nuốt chớ đâu có nhai được. Nếu gặp dồi dai, các cụ phải nuốt trộng hay sao?
Trí nghe chú Năm nói, nuốt nước miếng ừng ực. Thấy vậy chú Năm tiếp:
- Để lát nữa tao lấy cho mày ít miếng đùm ăn thử nghe!
Trí lại hỏi tới:
- Sau món đùm tới món gì chú Năm?
- Sau đùm tới chả chìa, tức là ba sườn chó đó mậy! Nhưng tuỳ thợ nấu mà làm ra món này món nọ. Có thể quay chảo. Khi chín thì sườn ló ra cho con nít cầm cạp, ăn với cơm nếp. Mau no lắm! No rồi là hết đòi món gì khác mày hiểu chưa? Nếu không quay chảo thì muối sả để trong mộc liễu bữa sau đem nướng trên than gáo dừa. Mày nướng trong bếp, người đi ngoài đường cách ba cây số còn nghe mùi thơm đói bụng nghe mậy. Mày muốn ăn sườn ló hay sườn muối sả, thì tao để dành cho?
Trí vừa hít thở vừa nói:
- Món nào cũng muốn ăn hết.
- Nếu vậy thì mày làm một cục hon giằn bụng trước khi ngồi lên mâm, chớ để bụng trống, ai ăn cho lại mày!
Hai chú cháu cùng cười. Chú Năm nói:
- Tự nãy giờ mình mới ăn thịt chó tưởng tượng thôi! Chớ trả nước cạo lông chưa sôi còn con Vàng thì đang nằm kia cà. Nãy giờ mình bàn, hổng chừng nó nghe hết rồi. Nó trốn mất thì khách tới không biết lấy gì mà đãi. Con Vàng khôn lắm. Mấy con kia thì chỉ cần ném cục cơm nhử là bắt được thôi. Mày nhớ không lần đó tao hở kẽ ván ra bỏ cái xương đầu cá trê là nhào vô sàn táp lấy, tao thò tay xuống nắm giò lôi lên và khép kẽ ván lại, rồi thiến cái một. Nó chỉ la oẳng oẳng thôi chớ cắn tao đâu có được?
Trí hỏi:
- Bây giờ con Vàng, mình tính sao chú?
- Mầy phải kêu nó lại, làm bộ như thương nó dữ lắm…!
- Thôi, cháu không muốn lừa nó chú à!
- Tao mần nhiều cầy rồi, có cô hồn, chó thấy tao đi tới đâu là sủa rân tới đó. Tao đâu có lại gần nó được. Mầy cứ cho nó ăn rồi vỗ vỗ lưng nó, bất thần tao xách cái bao bố tới, mày ôm nó bỏ vô, tao túm miệng lại rồi đem ra vũng trấn nước.
Trí ngẫm nghĩ một chút rồi cực chẳng đã phải ưng chịu, nhưng còn méo mặt:
- Gạt nó, coi kỳ quá chú à! Nó chết xuống dưới nó còn oán cháu cho coi!
- Cho nó oán, tao “cúng” nó cặp dừa khô là hết oán!
Kế hoạch được thực hiện y như lời chú Nãm vẽ ra. Chú buộc miệng bao lại và đem ra mé mương ném xuống nước rồi lấy cây sào chống ghe nhận chiếc bao ngập. Con chó vùng vẫy một lúc, nước sôi ục ục, rồi êm rơ.
Chú Năm ngó ngoái lại sau bảo đám quân chạy hiệu:
- Đút củi thêm cho nước sôi lên để đem cạo lông, bây! Đứa nào ra gốc rơm rút sẵn một mớ đặng thui. Mau mau lên, khách tới rồi cà!
Chẳng ngờ khi quay lại thì thấy con Vàng đã leo qua bờ bên kia. Chú rút cây sào lên định đập nó, nhưng cây sào ngắn, không vói tới. Con chó chạy vô vườn trầu rồi lẩn mất tăm.
Chú Năm hơi rối trí bèn tâu rằng con Vàng đã sửa tánh nết sủa bậy, vậy nên tử hình con khác. Chú chỉ định con Luốc chết thay. "Ở trên" đồng ý liền. Đám chạy hiệu đã hoàn thành công tác. Dừa khô đã nạo và vắt nước cốt, nước dão xong, sả đã xắt để ướp thịt hon, đã bằm nhuyễn để làm nước mắm thấm, rau cỏ đã cắt rửa sạch, rượu đã mua về, nghệ đang mài, ngũ vị hương ngào thơm nực cả bếp! Tất cả đã sẵn sàng chỉ còn chờ ra thịt là lửa trên bếp cháy tưng bừng. Mấy ông khách nhậu lai rai với củ kiệu tôm khô vài ly là có thịt quay chảo dọn lên. Và bắt đầu từ đó tiệc kéo dài tới cái xương mông bà La Sát kết thúc.
Nhưng… con Vàng đã vọt mất, còn con Luốc thì từ sáng tới giờ đi biệt tăm. Chú Năm bèn ra lệnh:
- Bắt con gà giò luộc xé phay làm kế hoãn binh!
Khách tới thì thịt gà cũng vừa dọn lên. Các vị ngồi vào đưa cay nhẹ nhàng, nhưng cũng có vài vị để dành bụng ăn thịt chó. Ông Hương Quản và ông Hương Bộ vốn quen với chú Năm, nên ra áo đi xuống nhà bếp. Chú Năm chạy lên chào thân mật và rủ hai ông ra sân sau coi ao cá nuôi. Ông Quản người to lớn dềnh dàng, mặc áo lá để lộ hai cánh tay lực sĩ còn ông Hương Bộ thì nhỏ thó mặc đồ bà ba trắng mang guốc vông, chỉ đứng cao quá vai ông Quản.
Ông Quản hăng hái nói:
-Trời mưa cầy trấng, trời nắng cầy vàng, mưa nắng làng nhàng, trắng vàng quất hết! Tao biết bầy chó nhà này đông lắm, đủ sắc lông vậy chú Nãm nó định xử trảm con nào?
- Dạ! Con Vàng.
Ông Quản cười hố hố:
- Vậy thì phải điệu “Đạo Cầy” rồi. Nhớ làm đừng có bỏ hai cặp vựng nghe!
- Dạ đâu có bỏ ông Quản.
- Cặp vựng thui cho đều, gọt lóng cho sạch rồi bắc nồi cháo đậu xanh lên, bỏ vào nấu cho nở toè loe ra don xuống… Cháo thì húp còn vựng thì cạp. Ai say, làm một vài chén tỉnh lại liền. Hì hì! Mấy người theo “Đạo” kinh niên như tôi mới biết. Món đó gọi là giải nghễ.
- Dạ tôi biết rồi ông Quản. Còn món gì ác xiêm lai nữa không, xin ông Quản chỉ luôn cho đủ bộ.
Ông Quản ngoắc chú Năm lại gần và rỉ tai một hồi chú Năm tỏ vẻ khoái chí cười vang.
Ông Quản tiếp:
- Mấy ông “cúp” rồi mà còn ham vui, một ông hai bà thì thích món này lắm! Hồi xưa, Trụ Vương thích thịt cầy còn hơn khô lân chả phụng là vì món “patê gân” này đó!
Chú Năm nói:
- Vậy để lát nữa tôi “bào chế” món này kính dâng lên hoàng thượng nghen ông Quản!
- Dâng thì dâng, nhưng phải cho tui biết trước để tui…
-… để ông Quản tránh hả?
- Bậy nà! để tui… gắp cho mạnh đũa chớ!
Hai người cười hô hố. Ông Quản bảo chú Năm:
- Coi chừng ông Hương Bộ ổng hay, ổng lấy mất nghề mình!
Ông Bộ nói:
- Tui có một bà chớ phải hai bà như ông vậy sao mà cần cái món đó.
Chú Năm hỏi ông Quản:
- Ông Quản có đặt tên cho nó là món gì không? Có tên mới dễ nhớ!
Ông Quản ngẫm nghĩ một giây rồi nói:
- Cái đó cũng tuỳ người. Riêng tôi thì tôi gọi nó là món Nhị Long Hoàn.
- Tại sao vậy ông Quản?
- Xe thuốc Ông Tiên tối bán ở chợ mình đến quảng cáo thần dược là Cửu Long Hoàn, Tam tinh Hải cẩu bổ thận hoàn v.v… Một viên Cửu Long Hoàn bằng mười thang thuốc bổ. Cửu Long Hoàn là Chín cái trứng rồng phải không? Còn đây chỉ có hai trứng thôi, nên tôi tạm gọi nó là Nhị Long Hoàn hoặc nếu ông nào muốn cho rõ hơn thì gọi nó là Địa cẩu thay vì hải cẩu hoàn, chú Năm nó thấy tên nào có ý nghĩa hơn?
Chú Năm nói:
- Dạ, tôi thấy tên Nhị Long Hoàn hay hơn vì hai trứng hai bên còn có con rồng nằm ở giữa.
Ông Hương Bộ nói:
- Hay ta có thể gọi nó là món Dã Hạc Giang Nam của vua Càn Long thường ngự vậy. Món này dùng con gà làm con hạc và để dưới bụng nó mười mấy cái trứng. Vừa ăn thịt vừa ăn trứng…
Cả ba cùng cười vui vẻ. Ông Quản ngó mặt trời rồi hỏi chú Năm:
- Con “hạc” nằm ở đâu, mình vô đề sớm sớm đi để rồi còn gầy thêm sòng khác.
Chú Năm thuật lại cái màn trấn nước hụt con Vàng và đòi đem con Luốc thế mạng.
Ông Quản lắc đầu:
- Không nên! Không nên. Loài chó khôn lắm. Hễ đã tuyên bố tử hình con nào thì phải hành quyết con nấy Nó nghe rồi, dù minh “tha Tào”, nó cũng hờn, nó không trung thành với chú nữa. Huống chi chú đã trấn nước nó rồi. Nếu tha nó, nó sẽ “nói” lại với mấy con kia bầy chó sẽ mất hiệu nghiệm như xưa.
Ông Quản nghiêm sắc mặt hỏi:
- Chú tuyên bố bắt con Luốc thế mạng phái không?
- Dạ!
- Nó có nghe không?
- Dạ không rõ. Nhưng mà hiện giờ nó không có ở nhà.
- Dù nó ở đâu nó cũng nghe hết. Như vậy con Vàng lẫn con Luốc đều hết xài rồi, nuôi tốn cơm vô ích.
Ông Hương Bộ cười:
- Ông Quản muốn làm hai con một lúc đó chú Năm. Ổng tính nhậu nhị long hoàn tại đây rồi bỏ túi một cặp đem về nhà đó.
Ông Quản cười hềnh hệch:
- Đem về tui chia cho ông một “viên”, được không?
Bỗng Trí kêu lên:
- Con Vàng nó nằm dưới đít khuôn bếp kìa chú Nãm!
- Uả, nó lỏn về hồi nào vậy?
Ông Quản nói ngay:
- Hồi nãy bị trấn nước suýt chết, nó đã biết mưu kế của chủ nhà rồi, bây giờ không xài cái mửng đó được đâu mà phải dùng kế của Khổng Minh cho phục Huê Dung Đạo.
Chú Nãm nói:
- Xin giao quyền quân sư cho ông Quản đó!
- Đóng tất cả các cửa và bít hết các lỗ trống lại, chỉ chừa một lối thoát cho nó thôi. Nhưng phải làm nhè nhẹ, nếu nó nghe nó trốn mất!
Chú Năm cho thi hành kế hoạch của ông Quản và lấy làm đắc chí:
- Ông Quản thiệt là người mưu lược.
Ông Quản cười vang:
- Xưa Khổng Minh cho Quan Công phục Huê Dung đạo để đón kẻ thù. Tào Tháo cắt râu liệng mão chạy lấy thân vào cái ngõ hẹp này.
- Nhưng mà Tào Tháo vẫn thoát chết! - Ông Hương Bộ cãi lại.
- Tào ta thoát chết là vì Quan Công tha Tào chớ có phải vì kế Khổng Minh không cao đâu! - Ông Quản nói thêm: - Phen này để tôi làm Quan Công cho!
Nói rồi ông đi lục lạo tìm được cái cong ghe (bộ phận bằng gỗ kết liền những tấm be ghe) cầm ra đứng ở bên lỗ chó. Ông giơ lên bảo:
- Nó ra đây, tôi phang cho một “búa” là hết có đường trốn nữa.
Ông Hương Bộ cũng đi tìm được một cái đai cuốc cán ngắn rồi vo quần xán áo ra đứng đối diện với ông Quản. Chú Năm nói:
- Huê Dung Đạo có hai ông đại tướng chận đường, ông này sẩy còn ông kia, Tào Tháo phen này là hết kiếp.
Ông Quản bảo chú Năm:
- Chú vô chọc cho nó chạy ra đi!
Chú Năm xách cọng củi dừa dài khom xuống. Trong ánh sáng lờ mờ dưới khuôn bếp chú thấy con Vàng nằm khoanh, chung quanh nó một vũng nước chảy lan trên gạch. Cặp mắt nó ươn ướt như muốn khóc. Chú thọc cây vào, nói nho nhỏ. Chính chú cũng thấy tội nghiệp con Vàng. Nếu nó không về thì thôi, chú sẽ không đi tìm.
- Ra đi con, ra đi con!
- Mau lên! - Từ bên ngoài ông Quản hét vọnq vào.
- Ra đi mày! - Chú Năm thọt mạnh và tránh qua một bên. Bụng lầm thầm khấn - Vái cho mấy ổng đập hụt.
Con Vàng vọt ra và biến đi. Chú Năm chưa kịp nhìn theo thì bên ngoài có tiếng kêu:
- Ôi trời ơi!
Chú Nãm tông cửa chạy ra thì thấy ông Hương Bộ năm chỏng gọng còn ông Quản thì quăng cái cong ghe, khom xuống đỡ ông Bộ lên. Ông Bộ bám vào vai ông Quản và rên rỉ:
- Anh đập bể cái bánh chè của tôi rồi! Hừ hừ!
- Tại con chó nó lủi vô chân anh!
Ông Quản rinh ông Bộ lên nhà trên để nằm trên ván gõ bên chái nhà. Ông Cả nghe tiếng la thì chạy ra hỏi việc gì! Chú Năm thưa rằng: Ông Bộ trợt té.
Nhung ông Cả thấy ông Bộ nằm rên hừ hừ, tay ôm đầu gối thì hỏi ông Quản, ông Quản thưa thiệt cớ sự. Ông Cả bảo Trí lấy xe đạp chạy vô tiệm rước thầy Son ra liền tức khắc.
Thầy Son không biết việc gì nhưng nghe lệnh ông Cả thì tức tốc ra ngay. Ông khám qua và nói:
- Trầy da sơ sơ, không có pể xương. Chung quanh chỉ pằm chút thôi. Xương ông Pộ già nên cứng như sắt.
Thầy Son sống ở đây đã lâu cưới vợ Việt Nam nên quen với phong tục lẫn thủy thổ bèn bảo:
- Muốn cho mau lành nội thương thì lấy cây chuối cau non quết với một con gà ác hoặc con bồ câu ra ràng đem lấy vải mùng bó vô bảy ngày là hết đau nhức và đi lại như thường. Rủi bị gãy tay bó cũng liền xương lại.
Ông Quản hỏi:
- Còn cái vụ kia lược không ông thầy?
Ông thầy hiểu ngay, cười vui vẻ:
- Lược! Lược mà! Không có sao hết!
Rồi ông từ giã ra về. Ông cả trả tiền công, ông thầy không nhận.
- Há cái lỳ, ông Cả với uý ông hội tì có chút việc, có đáng gì, mai mốt uý ông giúp lại chúng tôi còn diều hơn mà!
Nói xong chào rồi phóng xe đi. Không ai ngờ rằng ông thầy Chệt sốt sắng như vậy. Ông còn đưa cho Trí môt gói táo tàu bảo ngâm rượu đãi khách.
Con Vàng chết hụt lần thứ hai chạy mất tăm không trở về chui vô đít bếp nữa. Ông Quản cứ làu bàu:
- Con Vàng quả là mạng Tào.
Chú Năm nói:
- Thua keo này bày keo khác ông Quản! Có lẽ khai dao không coi giờ nên mới trớt lớt hết như vậy. Bây giờ bỏ qua vụ cầy bắt qua vụ vịt.
Ông Quản nói:
- Vụ gì thì vụ miễn sao cái bánh chè của ông Bộ còn nguyên thì thôi. Nếu bị sứt mẻ ống “quì hai gối chống hai tay” làm lễ “vái bà” không như ý, bà phiền lắm.
Chú Năm nói:
- Ông Quản lên cầm khách dùm tôi đi, chút xíu có mồi dọn lên liền.
Chú Năm liền bảo đám quân chạy hiệu:
- Con vịt cồ nhà này sống dai nhách, nay cũng đến tuối rồi, cho nó về chầu trời làm phước.
Rồi chú ra lệnh:
- Thằng Trí đứng ở mé ao cá nuôi kia, thủ sẵn một khúc tầm vông!
- Củi dừa được không chú Nãm?
- Không được, củi dừa bở rệu, đập nó không chết. Vịt xiêm cồ mạnh lắm chớ không phải như vịt ta.
Trí lại hỏi:
- Cháu chụp nó được không chú Năm?
- Không được đâu! Cỡ mày nó tha bay mất luôn không biết đâu mà tìm.
Rồi chú cho giàn trận hẳn hoi. Đứa thủ sào dài, đứa cầm sào có vòng như vòng bắt heo. Trả nước sôi để cạo lông chó còn kia, trụng mấy con vịt cũng dư chán. Những món gia vị, chuẩn bị cho thịt chó có thừa, chỉ thiếu mấy củ gừng. Ông Quản đến nói với chú Năm:
- Ông Bộ đi được rồi. Không chết chóc gì đâu. Mần con vịt xiêm cồ cho tôi xin cái mật.
- Con vịt này sống bằng tuổi ông Bành Tổ đó ông Quản. Vịt mái xóm này, nó bao sân hết ráo.
- Vậy tốt chớ sao. Vịt càng già cái mật càng tốt. Anh suôi tôi cặp mắt hơi yếu. Chú cho tôi xin về nhỏ con mắt chắc sáng lại. Lâu nay chạy thuốc cũng nhiều nhung đám mây cứ giăng ngang mặt trời.
- Dạ, tôi sẽ để dành cho ông Quản cái mật và “nhị long hoàn” của vịt cồ cũng nên thuốc lắm!
Nói rồi chú Năm vô nhà xúc lúa kẹ ra trộn với chuối cây quết nhuyễn đem ra sân trút vào chiếc vịm bể. Đây là món riêng cho họ hàng nhà vịt, nhưng vừa trông thấy, đám gà cũng bu tới tranh nhau kêu chí choé. Thực khách gồm cả nam phụ lão ấu vịt gà không [hiếu mặt nào.
Trí vác cây quơ lia đuổi lũ gà để giành phần cho vịt là mục tiêu đang nhắm. Bầy vịt ta lông trắng như tuyết chân, mỏ vàng nghệ đang nằm im bên kia bờ ao thấy bên này nhộn nhạo quanh vịm lúa thì bừng tỉnh, vội vã rủ nhau nhào xuống nước bơi nhanh qua “đại dương”, nhảy lên bờ chạy tới chen vào xỉa mỏ rỉa lia lia. Chỉ có mấy mụ vịt xiêm mẹ sề thì tỏ vẻ bất cần đời. Không phải các mụ bình tĩnh trước cái ăn mà vì tấm thân nặng nề khó di chuyển như tàu dầu của các mụ. Đến mé bờ, các mụ ì ạch leo lên bằng những cặp chân bè bè với bộ móng sắc, quào đất cát đường trên bờ ao, làm cỏ mẹp xuống không ngóc lên được. Các mụ đường bệ tiến đến vịm luá làm đàn gà phải vẹt ra hai bên nhường chỗ. Duy có đám vịt ta ỷ họ hàng nên không chịu tránh ra. Đi ết-coọc các mụ là ông đại tướng kỳ-lô xiêm cồ mặc giáp sắt, đầu đội “kim khôi” cẩn hạt cườm đỏ bầm như những trái mồng tơi chín. Ông đại tướng oai vệ đi sau cùng dường như để bảo đảm an ninh cho các bà.
Anh gà trống lông vàng như lửa cháy đứng trên đầu hàng rào, tự cho mình là vua sân sau, nhìn địch thủ với cặp mắt gờm gờm, nhưng biết sức mình không làm gì nổi nên chỉ cất tiếng gáy như để trấn an các mụ gà mái rằng “ta vẫn còn đây để bảo vệ các mụ.” Anh chàng nghiêng mặt nhìn ông đại tướng xiêm cồ khoác giáp sắt lừ lừ tiến vào vương quốc của mình như một cổ xe tăng đồ sộ không gì ngăn lại được thì ái ngại. Mặc dù có đôi đoản kiêm thép và tiếng hét làm mất vía nhân gian, nhưng gà ta cũng không háo chiến lúc này vì thừa hiểu rằng khi lâm trận, ông đại tướng xiêm cồ không cần dụng miếng “đà đao” của Quan Công hay miếng “hồi mã tam thương” của La Thành, ông ta chỉ nhử cho đối phương đến gần mé mương rồi dìm xuống nước. Chính gà ta đã bị một lần nên tởn luôn.Trong lúc ông đại tướng điềm nhiên mục hạ vô nhân thì ông nào có biết người ta đang bủa vây chung quanh để sẵn sàng hạ ông. Ông vịt cồ đang lẹp kẹp lê chân thì bị giật té ngang. Ông Cồ dùng hai cánh to lớn đập lia xuống đất để gượng đứng dậy nhưng chân ông bị mắc vòng, lôi sềnh sệch trên sân rồi hai ba người nhào tới đè lên lưng ông.
Trí buông gậy chạy tới nắm cổ ông. Nhưng! chẳng may cái vòng đứt tiện. Hai chân ông cồ quào trúng đối thủ làm họ hoảng kinh buông ra. Và ông cồ quay đầu chạy vọt xuống ao là nơi ông sở trường các môn lặn hụp. Vài ba đứa lao theo chụp bắt ông cồ, nhưng vô ích. Ông cồ coi như pha. Chi mất mấy cái lông đuôi.
Đám mệnh phụ tình nhân mới cũ của ông đại tướng thấy vậy bèn tỏ sự bất bình một cách đài các bàng những tiêng “kháp kháp” chỉ đủ làm vui tai đám địch thủ của ông cồ. Các mụ xoay quanh ông cồ kề mỏ vào như bảo: “Anh đừng sợ, có chúng em bao bọc làm hàng rào bảo vệ anh đây.” Chú Năm quan sát trận địa thấy thế cờ quân bình thì vác cây sào lúc nãy chạy tới cáng cổ ông cồ. Cồ ta bị tấn công bất ngờ bèn đập cánh văng toé nước như bão tố nhưng phải bơi theo hướng điều động của ngọn sào, vô đến bờ. Một người lớn thọc tay xuống nắm cổ ông cồ lôi tuột lên bờ. Một đứa đã hờm sẵn dây trói ngay. Thế là danh tướng, trong một phút sa cơ trở thành bại tướng.
Chú Năm bảo:
- Cắt cổ ngay, kẻo nó chạy vuột lần nữa!
Chú vừa nói dưt tiếng thì thằng nhỏ bị ông cồ quào buông ra, ông cồ vẫn bương chạy bằng hai chân bị trói với sự hỗ trợ của cập cánh đập mãnh liệt làm cát bụi tung lên mịt trời như một cuộc phi sa tẩu thạch giữa các tiên và đạo sĩ. Trong lúc các tiên đồng đứng dụi mắt thì đạo sĩ cồ thừa cơ đã lăn tuột xuống ao. Nhưng lần này cồ không tin ở sự bảo vệ của các mệnh phụ nữa mà cồ ta bơi dọc theo mương vườn leo bờ qua mương ranh và phóng luôn ra xẻo bần nơi chú cắc kè bông vừa dứt tiếng kêu “rủi may” buổi trưa sau cuộc vượt thoát.
Chú Năm hò đám quân hiệu vác gậy đuổi theo. Sẵn chiếc xuồng ai đậu dưới bến chú Năm nhảy xuống, kêu mấy đứa nhỏ thọc gậy vào đám ô rô tìm đạo sĩ cồ. Có lẽ cồ ta thấy cái xẻo này quá nhỏ, nếu ở đây sẽ bị vây bắt dễ dàng nên cồ ta phăng phăng rẽ nước bơi một mạch theo đường xẻo. Chẳng dè lại ra đến sông. Trời ơi! vịt ra đến sông thì chẳng khác cọp về rừng! Không làm sao bắt được nó nữa. Tuy vậy nhưng chú Năm vẫn phóng xuồng theo!
Đã từng bơi trong mương ao trong xẻo quen lặn hụp dưới nước, nhưng ra đến sông, Trí vẫn sợ, vì sức lớn và vì dáng vẻ hung tợn của nó. Dòng sông chảy mạnh, những giề rau mát (lục bình) trôi hàng đàn, cản mũi khiến xuồng ghe thì không tài nào bương tới được. Chú xiêm cồ không biết đường đi nhưng thoát đươc ra sông nó cứ bơi vượt tới trước dường như không cần biết sẽ đến đâu.
Chú Năm quậy mái dầm vun vút bên này bên kia hông xuồng nhưng không đuổi kịp. Trí ngồi trước mũi rạp người xuống hai tay quào nước và vén rau mát cho trống mũi xuồng. Ban đầu, con cồ chỉ cách xa mũi xuồng có vài sải nước, bây giờ đã xa vài tầm, và xuồng càng đuổi, nó càng xa.
Chú Nãm lắc đầu:
- Chắc phải về bắt vịt ta thế mạng nó quá Trí!
Trí làm thinh, hai tay quào nước cầm chừng. Bỗng ngang qua một đám lá rậm, có tiếng kêu:
- Ê Trí!
Trí quay nhìn. Thì ra thằng Tư Cồ. Nó học xong lớp nhì (Préparatoire) thì ớ nhà luôn. Trí hỏi:
- Mầy làm gì ở đây Cồ?
- Nhà tao ở đây chớ làm gì! À… mà tao đang câu cá chạch lấu. Còn mầy đi đâu đây?
- Tao… ơ ơ đuổi bắt con vịt - Trí trỏ tới trước - Nó kia kìa.
Trí chưa kịp kêu thằng Tư giúp đỡ thì nó đã hỏi:
- Vịt ở đâu vậy?
- Có khách bắt về ăn thịt… Bắt hụt nó chạy ra xẻo bần.
Thằng Tư Cồ cười hắc hắc:
- Tại mầy không thử tiếng “rủi, may” của con cắc kè… Thôi được, để đó tao bắt cho.
Nó ngó con vịt rồi nói:
- Tao có giàn rớ kia. Nhưnq chụp nó sẽ giãy, rách lưới hết. Để tao chài nó cho! Mầy bơi xuồng ghé lại giàn rớ kia cà.
Nói xong thằng Tư Cồ chuyền bập lá lên bờ. Trí ghé xuồng lại giàn rớ thì Tư Cồ ôm miệng chài bước xuống mũi xuồng, bảo:
- Mầy nói với ổng (chú Năm) bơi theo đi!
Chú Năm bơi rút theo con vịt, chỉ trong chớp mắt, Tư Cồ đã vãi chài chụp được con vịt và lôi nó gọn lên xuồng.
Trí và chú Năm gỡ ra, bứt dây cóc kèn trói lại bơi về xẻo bần. Ở đây lũ quân hiệu đang đứng chờ. Cả bọn áp lại đứa lôi cánh, đứa kéo cổ con vịt đem về nhà. Chú Năm nói:
- Phen này đừng cho nó xẩy nữa! - Rồi chú lấy dao vừa liếc vào đít vịm, vừa ra lệnh hẳn hoi: - Thằng Trí đạp hai cái cánh kia cà! Tao đạp hai cái chân. Tuy bi trói nhưng nó vẫn còn khoẻ lắm!
Miệng nói tay chú nắm mỏ con vịt ngửa cổ nó ra nhổ lông dọn chỗ lưỡi dao đưa cho ngót.
Lưỡi dao yếm đã cứa cổ không biết bao nhiêu gà vịt bây giờ lại ban ân huệ cho con cồ. Chú Năm khứa nhát đầu mới đứt một làn cạn trên da. Máu rươm rướm. Chú cứa nhát thứ hai, nhát thứ ba. Con vịt trân mình vặn vẹo định thoát thân nên máu trào ra ướt cả vết cắt. Một tia vọt thẳng lên mặt chú Năm làm chú nhắm mắt lại không còn thấy gì nữa. Chú liền bước qua một bên, bất đồ đạp lên đầu củi dừa đang chụm trả nước. Khúc củi dừa bật lên làm thủng đít trả, nước chảy tràn lan. Lửa tắt, tro bốc khói mịt mù. Trí nóng chân rút tránh chỗ khác.
Khi khói tan lửa tắt và chú Năm lau sạch máu thì con cồ đang bơi dưới ao cá nuôi. Trên sân vạch một đường máu dài như chân rít. Con cồ bơi thẳng qua bờ bên kia leo lên phóng thẳng vô bụi tre gai.
Chú Năm, Trí và bọn chạy hiệu đứng ngơ ngác nhìn theo, không kịp ngăn bắt kẻ liều mình vượt chết.
Trí lấy chiếc muỗng dừa chạy vô xúc đầy gạo lức đem ra bụi tre nhử:
- Ra ăn nè cồ. ra ăn đây con!
Trí thò tay qua chà gai cố nám lấy cái đuôi con cồ, nhưng vừa đụng thì nó càng rướn vô sâu hơn, không tài nào lôi ra được.
Chú Năm đành ra lệnh:
- Bắt cặp vịt ta thế mạng.
- Chắc nó chưa tới số chú Năm à! - Trí ngao ngán nói.
Các mụ mệnh phụ vịt xiêm nãy giờ vẫn xoay tròn trên mặt ao kêu cà kháp cà khớp, tỏ vẻ bất bình cực độ trước tai nạn của tình quân. Bây giờ thấy tình quân thoát nạn thì dụm mỏ lại bàn tán hồi lâu. Rồi lần lượt từng mụ leo lên bờ nằm rỉa lông dưới ánh nắng chiều, bình lặng như không có chuyện gì xảy ra.
Chú Năm ngó mặt trời rồi bảo:
- Bắt cặp vịt để thế mạng! Nhưng vịt đẻ đâu có nhị long hoàn! Chú nghĩ và đổi ý kiến ngay. - Bắt con gà trống Tàu kia cà tụi bây! Đừng bắt lộn gà thiến nghe!
Bọn con nít không hiểu tại sao chú Năm cho mần con gà cồ…
Quê Nội Quê Ngoại Quê Nội Quê Ngoại - Xuân Vũ Quê Nội Quê Ngoại