Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 51
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2714 / 81
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 36 - Trên Đường Tầm Cừu
ạo sư cùng đám đệ tử cũng run lật bật. Ông ta nói:
- Con quỷ này... thành yêu tinh rồi... Tài phép của...bần đạo không trấn nổi... nó.
Nói rồi ông quẳng cờ phép, gươm lệnh bỏ chạy. Đám để tử cũng bỏ chạy theo. Đám dân chúng tới xem bắt tà dắt díu nhau rùng rùng ra khỏi căn nhà quỷ ám.
Dù sao Đặng Vũ cũng là một thuyền trưởng. Y chỉ vào ngôi nhà chính của y, nói với bọn thủy thủ:
- Con quỷ này dữ quá. Chúng ta có chạy cũng không thoát. Chi bằng chúng ta cứ ngồi đây. Nếu nó hiện ra, thì ta cùng bao vây lấy nó. Liệu nó có địch nổi chúng ta hay không?
Bọn thủy thủ theo Đặng Vũ vào nhà, rồi đóng cửa lại. Bỗng binh một tiếng, cửa sổ mở tung ra, tiếp theo, hai con chó bay vào rơi xuống nền nhà, chân tay dẫy loạn xạ. Máu từ miệng chúng chảy ra lênh láng. Bọn Đặng Vũ ngồi nhìn nhau, chân tay run rẩy. Lát sau, hai con chó hết dẫy. Đặng chạy lại xem xét, chúng đã chết rồi.
Đặng Vũ nói cứng:
- Con quỷ này ngán anh em chúng ta. Bằng không chúng đã hiện ra.
Đám thủy thủ nghe Đặng Vũ nói, chúng tự tin phần nào. Mệt mỏi, sợ hãi, bọn thủy thủ ngồi bệt xuống nền nhà dựa lưng vào nhau mà ngủ.
Có tiếng rên rỉ vọng vào:
- Ta...Ta... Chỉ hỏi tội tên Đặng Vũ thôi! Những ai..vô can... hãy đi chỗ khác... bằng không ta nhát... chết.
Đám thủy thủ nghe quỷ gào, chúng an tâm nằm ngủ. Chúng vừa lim dim thì lại binh binh hai tiếng, cánh cửa lớn bật tung, một thân hình bay vào nằm thẳng cẳng không động đậy. Tất cả mọi người đều la hoảng vì thân hình đó chính là đạo sư Thiên-Sơn, chủ tế bắt tà.
Đám thủy thủ không còn tuân lệnh cấp trên nữa. Chúng vùng dậy cùng nhau bỏ chạy. Trong nhà chỉ còn hai người vợ, ba đứa con với ba tỳ nữ.
Vợ Đặng Vũ run run nói với chồng:
- Ông ơi! Con quỷ ba đầu là hồn oan Thái-tử Long-Xưởng. Khi ngài tại thế thì chúng ta còn nhỏ. Chúng ta không có gì đắc tội với ngài, thì việc gì phải sợ. Ngài có hiện ra, bất quá để điều tra một vài việc. Tội ai làm nấy chịu, ta cứ khai hết... là yên chuyện.
Có tiếng não bạt từ sân vọng vào. Đặng Vũ quỳ gối chắp tay:
- Trăm lậy Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh hoàng đế. Xin hoàng đế bệ hạ cho gia đình thần được bình yên. Bệ hạ cần ban chỉ gì, thần xin tuân theo.
Y khấn vừa dứt, thì một bóng trắng, ba đầu từ từ vào nhà y. Đám trẻ con tỳ nữ cùng rú lên, rồi ngất xỉu. Thấp thoáng một cái con quỷ ba đầu đã vỗ lên cổ Đặng Vũ với hai người vợ. Cả ba ngã ngồi xuống, chân tay tê liệt. Con qủy ba đầu ngồi chễm chệ lên chiếc án thư.
Thủ-Độ giả tiếng đàn bà eo éo:
- Công chúa Đoan-Nghi chết oan, hồn ngưởi xuống âm phủ kiện với Diêm-vương. Diêm-vương nhờ ta về điều tra. Vậy ta hỏi câu nào, mi phải khai thực, bằng không ta bắt hồn mi với vợ con ngay.
- Thần...Thần... Xin khai thực.
- Mi với Vũ Khải nhận lệnh từ ai để theo sứ đoàn đi Liêu-Đông?
- Hồi ấy, thủy đội của thần có nhiệm vụ tuần phòng ở cửa biển Thần-phù, thuộc trấn Thanh-hóa; thì được lệnh đích thân mang một chiến thuyền lớn, cùng thủy thủ về Thăng-long, theo sứ đoàn Vũ Khải. Lệnh này của Khu-mật viện, do Tuyên-vũ sứ Thanh-hóa chuyển giao. Khi về tới Thăng-long, thần mới biết rằng phải chuẩn bị lương thực, nước ngọt đi Liêu-Đông. Song không biết đi làm gì. Dọc đường, thần nghe sứ đoàn nói chuyện, mới biết là đi đón công chúa Đoan-Nghi với phò mã Trần Thủ-Huy.
- Mi có nghe bọn Vũ Khải bàn nhau gì khác không? Y có ra lệnh gì đặc biệt cho mi không?
- Lúc đi thì không! Nhưng trên đường về khi thuyền sắp vào lãnh hải Đại-Việt, thì Vũ Khải đưa ra một chỉ dụ của Hoàng-thượng. Trong chỉ dụ nói vắn tắt rằng « Khi thuyền qua Đồn-sơn, lúc đêm xuống sẽ có một thuyền đánh cá kè vào, phải để cho họ kè ». Quả nhiên sau sự ấy điễn ra đúng như thế. Khi thuyền đánh cá kè vào, thì có ba người mà Vũ Khải gọi là ba vị đại nhân họ Mao.
Thủ-Độ cười gằn:
- Một là mi nói láo, hai là mi không biết. Ba đứa đó tên là Mao Thiên, Mao Địa, Mao Nhân.
- Dạ! Quả như thế. Anh em họ Mao nói chuyện với Vũ Khải một lúc, rồi chiếc thuyền đánh cá tách rời chiến thuyền đi vào trong đêm. Khi thuyền sắp vào cửa sông Hồng thì Vũ Khải lại ra lệnh: Phải ghìm sao cho thuyền về tới Thăng-long vào sau giờ Thân. Thần phải tuân theo. Rồi thuyền tới Thăng-long, rồi công chúa bị hại thế nào thần không biết. Sự thể chỉ có thế.
Nghe Đặng Vũ khai, Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Sự việc quả như thầy Phạm Kính-Ân bàn.
Tuy vậy nó giả bộ khà khà mấy tiếng rồi chỉ vào đứa con trai Đặng Vũ đang ngồi run rẩy trong góc nhà:
- Mi nói láo! Ta phải hớp hồn đứa con mi trước thì mi mới chịu khai thực.
Nói dứt, miệng nó khà khà, tay nó vuốt lên mặt đứa trẻ, sự thực nó điểm vào huyệt Hạ-quan. Đứa trẻ mê man, mắt trợn ngược. Vợ Đặng Vũ kinh hoảng khóc rống lên:
- Con ơi là con. Con chết oan chết uổng thế này ư? Anh ơi! Có gì khai thực đi! Bằng không có nhà mình chết hết.
Đặng Vũ run run:
- Sau khi công chúa hoăng, thì Thái-úy Đàm Thì-Phụng ban lệnh thăng thần lên chức Đô-thống, chỉ huy thủy đội Thăng-long. Cứ như lời công chúa lúc lâm chung, cũng như Khu-mật viện điều tra, thì công chúa bị cướp giết chết. Thần không biết gì.
Biết tên Đặng Vũ khai thực, Thủ-Độ làm bộ múa tay trên mặt đứa con y, rồi quát:
- Hoàn hồn!
Tay nó quệt vào huyệt Đản-trung đứa trẻ. Đứa trẻ được giải huyệt, nó òa lên khóc. Thủ-Độ ra lệnh:
- Ngày mai, có ai hỏi, thì mi phải khai rằng hồn ta hiện về điều tra sát nhân đã giết chết Bảo-Quốc đại vương. Nếu như mi nói những gì ta hỏi, ta sẽ bắt hồn cả nhà mi. Nhớ không?
Vợ chồng Đặng Vũ cùng líu ríu:
- Xin tuân chỉ bệ hạ.
Thấp thoáng một cái, Thủ-Độ đã rời khỏi nhà Đặng Vũ.
Hôm sau, Thủ-Độ lại gọi bọn Khả-hãn Tây-hồ, ra lệnh cho chúng, bắt chúng kể chuyện cho bọn ăn mày thống thuộc nghe; để chúng đi khắp hang cùng ngõ hẻm kể lại với dân chúng rằng: Con quỷ ba đầu hiện lên nhát chết đạo sư Thiên-sơn, một phù thủy cao nhất Thăng-long, gữa lúc ông cùng đang cùng đệ tử trấn tà tại nhà đội trưởng thủy đội Thăng-long ở Nghi-tàm. Dân chúng Thăng-long lại tụ năm túm ba mà bàn tán.
Làm quỷ tại nhà Đặng Vũ không tìm ra được tý ánh sáng nào. Thủ-Độ quyết định đi Hồng-châu, điều tra Vũ Khải. Trưa hôm đó nó thuê xe đi Hồng-châu. Buổi chiều, thì xe tới nơi. Nó lang thang tìm bọn ăn mày để hỏi tin tức. Bọn ăn mày cho nó biết: Dinh Kinh-lược An-phủ sứ Hồng-châu tọa lạc cạnh bờ sông. Thủ-Độ theo dấu bọn ăn mày chỉ, tìm đến dinh An-phủ sứ. Nó quan sát địa thế, rồi kiếm một nhà hàng ăn uống. Đợi trời tối hẳn, nó vọt mình qua hàng rào phía sau, ẩn vào bụi hoa, phóng mắt nhìn. Trong dinh vắng lặng. Có hai khu còn ánh sáng chiếu ra, đó là khu chánh và khu nhà bếp. Nó lấy bộ đồ làm quỷ ra đeo vào. Vẫn không có tiếng động. Yên tâm, nó di chuyển thực nhanh tới khu nhà ngang. Một võ sĩ cầm đao canh gác đang đi đi, lại lại. Thủ-Độ tới sau lưng, mà y không biết. Nó hừ hừ lên mấy tiếng. Tên võ sĩ quay lại, thấy con quỷ ba đầu, hồn vía lên mây. Y khuỵu xuống, hàm răng đánh vào nhau lộp cộp. Thủ-Độ chĩa tay điểm huyệt y, rồi dọa:
- Ta bắt hồn mi mi về Âm-phủ điều tra đây. Mi có biết ta là ai không?
- Dạ...dạ... biết. Ngài là Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh đế.
- Được, ta tha cho mi? Tên Vũ Khải có nhà không?
- Không.
- Y đi đâu?
- Hồi chiều có lệnh của Thái-úy Đàm Thì-Phụng gọi An-phủ sứ về Thăng-long họp khẩn để đối phó với ông... ông... quỷ ba đầu.
- Vợ y ở đâu?
- Ở phòng thứ nhất, thuộc dẫy nhà ngang.
Thủ-Độ điểm huyệt y, rồi dựng y vào tường. Người nhìn từ xa, tưởng y đang dựa cột.
Thủ-Độ đến dẫy nhà ngang, nó đẩy cửa sổ phòng có ánh sáng chiếu ra, rồi buông mình vào. Đây là một phòng ngủ trang trí cực kỳ sa hoa. Trong phòng không có người. Nó khép cửa sổ lại, nghĩ thầm:
- Cô vợ Mỹ-Hồng của Lưu Khải chắc sang phòng bên cạnh. Ta cứ ngồi đây. Lát nữa y thị về, thấy ta, sẽ chết khiếp.
Nó ngồi lên giường trong tư thế Kiết-già. Không phải chờ lâu, có tiếng dép lẹp kẹp, rồi cửa phòng bật mở. Một thiếu phụ tuổi khoảng hai mươi lăm, nhan sắc tuyệt thế, trong y phục lụa mầu mỡ gà bước vào. Thiếu phụ chưa nhìn thấy Thủ-Độ. Nàng khép cửa, cài then. Vừa quay lại, thấy Thủ-Độ, nàng há hốc miệng ra. Chân tay run lật bật. Thủ-Độ nhoài người một cái, nó đã điểm huyệt nàng, rồi đẩy ngồi vào cái ghế.
Nó hỏi:
- Người có biết ta là ai không?
- Biết. Ngài là Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh hoàng đế. Xin bệ hạ tha cho tiểu tỳ.
- Công-chúa Đoan-Nghi bị ám hại, Diêm-vương nhờ ta về đây điều xem thủ phạm là ai. Nếu người khai thực thì thôi. Bằng có đôi điều dối trá, ta sẽ hớp hồn người ngay.
- Xin bệ hạ cứ hỏi.
- Mi có biết chồng mi nhận lệnh từ ai mà dám ám hại công chúa Đoan-Nghi?
- Từ Thái-úy Đàm Thì-Phụng, cha đẻ của Hoàng-hậu.
- Bùi Thái-phi, nhà vua âm thầm ban chỉ cho chồng mi đi đón công chúa. Tại sao Đàm Thì-Phụng biết?
- Hoàng thượng bàn với Bùi thái phi rằng, nay quyền về tay họ Đàm. Trong cung thì Đàm hoàng hậu lũng đoạn. Bên ngoài thì Đàm Dĩ-Mông giữ quyền văn, Đàm Thì-Phụng giữ binh quyền. Như vậy e tương lai lại có những vụ Đỗ Anh-Vũ, Đỗ An-Di tái diễn. Vả từ ngày công chúa với phò mã ra đi, đất nước không kỷ cương. Nhân tâm ly tán. Võ lâm chống triều đình. Vậy nên âm thầm sai người đi Mông-cổ thỉnh phò mã với công chúa về để chấn chỉnh lại. Hoàng-thượng gọi phu quân tôi, ban chỉ dụ mật đi đón công chúa, phò mã. Không ngờ vụ này Hoàng-hậu biết. Người báo cho phụ thân là Thái-úy Đàm Thì-Phụng. Thái-úy khẩn cấp họp với Thái-sư Đàm Dĩ-Mông. Cả hai cùng đi tới quyết định rằng tìm cách ám toán công chúa với phò mã khi chưa về đến Đại-Việt.
- Phò mã với công chúa ẩn tại Mông-cổ làm thế nào Hoàng-thượng biết?
- Tống biết. Họ báo cho Nam-thiên huyền quân biết. Chính đạo cô khuyên nhà vua đi mời công chúa với phò mã về để chia bớt quyền hành của họ Đàm.
- Mi nói láo rồi, đạo cô chính là Tuyên-phi thời vua Anh-tông, người là mẹ đẻ ra nhà vua. Người vốn thù hận công chúa với phò mã. Người cũng biết khi công chúa với phò mã cầm quyền thì không lợi cho Tống. Đời nào người muốn phò mã công chúa về?
- Không phải như vậy. Trước kia, mà phò mã với công chúa cầm quyền thì mới nguy cho Tống. Bây giờ khi phò mã công chúa về, đã bị họ Đàm chia quyền. Trong cung thì Đạo-cô phụ chính. Vả bây giờ Đại-Việt yếu quá rồi, phò mã công chúa không thể đem quân đánh vào lưng Tống nữa, mà chỉ có thể kiến thiết lại đất nước mà thôi. Theo ý triều Tống, thì giữa việc phò mã công chúa về Đại-Việt với việc hai vị giúp Mông-cổ, thì sao cho phò mã công chúa rời Mông-cổ lợi hơn.
- Vũ Khải nhận mật chỉ của nhà vua. Tại sao y lại ám toán công chúa!
- Oan uổng! Oan uổng! Chồng tiểu tỳ không hề ám toán công chúa. Vụ nay hoàn toàn do Thái-úy Đàm Thì-Phụng với Tống cùng ra tay.
- Chi tiết thế nào?
- Chồng tiểu tỳ sắp lên đường thì Thái-úy xuống thuyền đưa ra một mật chỉ:
"Khi thuyền về đến lãnh hải Đại-Việt, đang đêm sẽ có một thuyền đánh cá kè vào. Phải giữ bí mật không cho phò mã công chúa biết. Thuyền đánh cá sẽ đem mật chỉ tới".
Quả nhiên khi thuyền về tới lãnh hải, đang đêm có thuyền đánh cá kè vào. Người mang mật chỉ tới là anh em họ Mao.
- Ta biết rồi chúng có tên Mao Thiên, Mao Địa, Mao Nhân. Chúng là con ma đầu Mao Khiêm. Mật chỉ ra sao?
- Mật chỉ rằng: Phải ghìm sao cho thuyền về tới Thăng-long vào sau giờ Thân. Sau đó công chúa bị ám hại là việc ngoài sư tưởng tượng của chồng tiểu tỳ. Chồng tiểu tỳ vô tội.
- Vô tội! Hừ! Thế mật chỉ đâu?
- Sau khi công chúa bị hại rồi, thì Thái-úy mới gọi chồng tiểu tỳ nói rằng: Vụ công chúa bị cướp giết chết, phái Đông-A cũng như triều đình đều quy cho mi có trách nhiệm. Vậy tốt hơn hết, hãy hủy hai cái mật chỉ kia đi. Chồng tiểu tỳ đem mật chỉ ra hủy trước mặt Thái-úy. Theo như chồng tiểu tỳ biết, thì mật chỉ này kiềm ấn đàng hoàng. Vậy có thể mật chỉ do Thái-úy làm rồi Hoàng-hậu lấy trộm ấn kiềm vào. Còn chữ ký thì Thái-úy nhái theo chữ ký của Hoàng-thượng.
- Tại sao trong trang của Vũ Khải lại chứa ba anh em họ Mao?
- Theo Thái-úy thì cái vụ quỷ ba đầu là do một cao thủ giả danh. Cao thủ này đang đi điều tra về cái chết của công chúa. Vì vậy người bố trí ba anh em họ Mao tại trang của chồng tiểu tỳ để sẵn sàng đối phó.
- Mi bảo ta là quỷ hay là người?
- Nếu bàn tay lạnh thì là quỷ. Còn nóng thì là người.
Thủ-Độ vận âm kình, rồi áp bàn tay vào má Mỹ-Hồng. Mỹ-Hồng thấy bàn tay Thủ-Độ lạnh kinh khủng. Nàng run lên bần bật:
- Quả...Quả...là quỷ.
Thủ-Độ vận âm kình dồn vào người Mỹ-Hồng lát sau lạnh quá, nàng ngất đi nó mới buông ra.
Trên đường từ Hồng-châu về Thăng-long, lòng Thủ-Độ cực kỳ cao hứng, vì nó đã truy tầm ra thủ phạm sát hại mẹ nó. Thủ phạm bao gồm họ Đàm, mà ba người cầm đầu là Đàm hoàng hậu, Đàm Dĩ-Mông, Đàm Thì-Phụng cùng bọn Tống. Nó nghĩ:
- Bây giờ ta phải làm gì? Một là ta giết cả nhà Đàm Thì-Phụng, Đàm Dĩ-Mông, giết luôn cả Đàm hoàng hậu. Hai là ta bắt chước cha ta xưa, giả danh Côi-sơn song-ưng, dán cáo tri với quốc dân, để triều đình xử tội y. Ba là ta về Thiên-trường cáo với ông bà nội ta để người trả thù. Ừ, tội gì ta phải giả danh ai? Ta nhân danh quỷ ba đầu giết chúng cũng được.
Thủ-Độ trở về cung Ngọc-lan vào buổi chiều để nghe ngóng tin tức. Lát sau nó thấy bọn võ tướng cao cấp nhất lục tục kéo vào: Thái-sư Đàm Dĩ-Mông, Thái-úy Đàm Thì-Phụng, Tả-kim-ngô thượng tướng quân Phạm Du, Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn, An-phủ sứ Kinh-Bắc Nguyễn Nộn, Vũ-kỵ thượng tướng quân Phạm Bỉnh-Di, quản Khu-mật viện Quách Bốc.
Nó nghĩ thầm:
- Chắc đạo cô Nam-thiên họp về việc mình quậy Đông-cung, phủ Thái-sư, nhà Đặng Vũ, dinh An-phủ sứ đây. Phòng ngủ của ta cạnh điện thờ thánh của đạo cô. Ta chỉ việc áp tai vào vách là biết ngay chúng họp về vấn đề gì.
Nó về phòng áp tai vào vách nghe. Tiếng đạo cô Nam-thiên:
- Tứ mấy chục năm nay, các võ phái quá thịnh, nên họ coi thường triều đình. Để giảm bớt thế lực của chúng, triều đình đã cấm các gia, các phái không được thu nhận đệ tử. Chỉ năm trường của Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng mới được thu đệ tử dạy võ. Thế nhưng chúng vẫn âm thầm thu nhận môn sinh, rồi truyền thụ. Tuy vậy ảnh hưởng các võ phái đã giảm rất nhiều.
Có tiếng Đàm Thỉ-Phụng:
- Tấu Tiên-nương, có một điều nan giải là: Hiện các tướng trong quân đều là người các võ phái. Bọn này hầu như tuân lệnh môn phái hơn là tuân lệnh triều đình. Nếu muốn cách chức hết bọn này, thì lấy ai chỉ huy?
Tiếng Nam-thiên:
- Thái-úy đừng lo, tôi đã huẩn bị trước rồi. Cách đây mấy năm, tôi lệnh cho Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng ở trường dạy võ.Mà võ công này là vỏ công Hoa-sơn của tôi. Tôi là Công-chúa tiên tử của Hoa-sơn. Bây giờ triều đình ban chỉ mở khoa thi võ, dĩ nhiên chỉ có môn sinh của Ngũ-hổ dự thi. Những tân khoa này sẽ được bổ nhiệm thay thế đám võ tướng kia, thì cái nọc môn phái không còn nữa. Cứ tình trạng ấy, chỉ vài chục năm nữa, thì caca gia, các phái sẽ tàn lụi, chỉ có võ công Hoa-sơn dương danh mà thôi.
Tiếng Đàm Dĩ-Mông:
- Tâu Tiên-tử, để bịt miệng bọn võ phái, triều đình nên cử Kiến-khang, Kiến-bình vương cùng Phùng Tá-Chu là đệ tử phái Đông-A làm giám khảo. Như vậy nếu ai dị nghị, thì phái Đông-A lĩnh hết.
Nghe đến đây Thủ-Độ không thấy họ bàn tán gì nữa nó bước ra khỏi cung.
Cung nữ Thụy-Nga thấy nó thì cau mặt lại:
- Ta đã bảo, hồi này cung Ngọc-lan có nhiều khách. Vậy mi hãy tránh đi chỗ khác. Thế mà mi lại vác cái bản mặt khật khùng về đây. Lát nữa Thiên-sứ đại nhân với sứ đoàn giá lâm cung này, mà họ thấy cái bản mặt mi thì còn ra thể thống gì nữa. Mi có cút đi không?
Thủ-Độ làm bộ nhăn mặt, méo miệng rồi ra ngoài thành Thăng-long. Về đến Tây-hồ Thủy-xá, bọn mười tám Khả-hãn đang ngồi chờ nó. Nó sai mười tên Tiểu-hãn gác quanh Thủy-xá rồi họp bọn Khả-hãn. Nó lên tiếng:
- Dường như có sự gì ghê gớm lắm thì phải, cho nên trên gương mặt các em mới trầm tư thế kia.
Khả-hãn Nhất-Hào nói:
- Bọn sứ thần Tống sang kỳ này có rất nhiều điều bất lợi cho Đại-Việt ta.
- Bất lợi thế nảo?
- Tống triều gửi sứ sang Đại-Việt kì này để yêu sách vàng ngọc cống cho Kim. Triều đình đã xuất hết châu báu trong kho, mà cũng không đủ. Thái-sư Đàm Dĩ-Mông hiến kế: Gửi sứ đi các trấn lấy về. Hiện vàng, ngọc, châu báu đều để ở cung Triều-dương là nơi sứ đoàn ở.
Thủ-Độ nghiến răng:
- Nhục quốc thể.
Khả-hãn Tam-Anh tiếp:
- Dân ta đang đói vì thiếu gạo, mà bọn họ Đàm sai chở sang Tống mười triệu thùng gạo.(Thùng tương đương với ngày nay 10kg). Gạo đã đang chuyển xuống thuyền.
Khả-hãn Ngũ-Hào hỏi:
- Anh nghĩ sao? Chúng ta có nên tìm cách cướp lại số gạo đó phát cho dân nghèo không?
- Ta không đủ khả năng. Bây giờ chỉ có cách ép nhà vua, hoặc tên Đàm Dĩ-Mông chối rằng Đại-Việt mất mùa, không thể chở gạo sang Tống. Vạn nhất, việc này không xong thì chúng ta làm loạn.
- Làm loạn?
- Ta khích dân nghèo sống gần các kho gạo cướp gạo ấy, còn hơn làm ngoan dân mà chết đói.
Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Cái vụ sách nhiễu vàng ngọc này có thể là triều đình Tống thực. Cũng có thể là tên sứ thần mưu với Đàm Dĩ-Mông. Vàng ngọc này là của trăm họ Đại-Việt. Ta không thể để bọn Tống mang đi. Ta phải lấy lại. Ta phải đến cung Triều-dương trộm hết những gì chúng vơ vét. Trộm là hành động cực kì xấu xa. Nhưng hành động đó chỉ xấu khi ta dùng của lấy trộm dùng cho mình. Còn như ta...Trước đây ta đã trộm vàng bất nghĩa của Đàm hậu, biến thành vàng có nghĩa, nuôi bọn Tây-hồ thập bát anh hào. Bây giờ ta phải trộm để nuôi hết bọn trẻ con ăn mày. Ta không xấu hổ, mà còn hãnh diện nữa! Ta nghe trước đây, các sứ đoàn Tống sang Đại-Việt chỉ ở lại năm ba ngày là qúa. Sao kỳ này chúng ở lại đến hơn tháng? Lợi dụng đêm nay bọn sứ đoàn vào cung Ngọc-lan, ta làm một mẻ.
Nghĩ vậy nó hỏi:
- Trong các em, em nào là Khả-hãn vùng hồ Thủy-quân (Nay là hồ Hoàn-kiếm).
Tam Anh dơ tay:
- Khu đó do em với Tam-Hào!
- Tình hình cung Triều-dương ra sao?
- Có sứ Tầu sang cư ngụ trong đó hơn tháng rồi. Ngày nào không Thái-sư Đàm Dĩ-Mông thì Thái-úy Đàm Thì-Phụng cũng tới gặp chánh sứ Triệu Doãn-Chi.
- Cung Triều-dương ở đâu?
- Từ đây tới cũng hơi xa. Cung nằm tại phường Yên-tập, thuộc huyện Thọ-xương, cạnh chùa Quán-sứ.
Thủ-Độ à lên một tiếng:
- Chùa Quán-sứ thì anh biết rồi. Chùa thờ Minh-Không bồ tát phải không?
- Vâng!
Tam-Anh cầm bút vẽ chi tiết từng phòng một. Nó còn biết cả mấy cái lỗ chó chui ở hàng rào xung quanh cung nữa.
Thủ-Độ ra lệnh:
- Bây giờ hai em mặc quần áo rách, cùng mấy Tiểu-hãn khu hồ Thủy-quân, ngồi trước cung Triều-dương. Khi thấy bọn sứ đoàn ra đi, thì chạy về báo cho anh.
Tam-Anh cười khì:
- Lúc nào bọn em cũng mặc quần áo rách mà. Để em ra chợ rủ thêm mấy đứa học trò của em nữa cùng đi cho vui.
Vào khoảng hết canh một, thì một Tiểu-hãn trở về báo cho Thủ-Độ biết: Sứ đoàn đã lên ngựa, vào Hoàng-thành hết.
- Quân canh phòng có đông không?
- Sứ đoàn có mười lăm mã phu, với hơn trăm thị-vệ Tống canh phòng. Nhưng khi bọn quan quyền trong sứ đoàn đi rồi, thì chúng kéo nhau ra phố chơi hết. Trong cung chỉ còn hai thị vệ. Một tên gác cổng trước, một tên gác cổng sau.
Thủ-Độ truyền lệnh cho nó:
- Bảo Khả-hãn Ngũ-Anh với đám ăn mày lui thôi.
Nó âm thầm lấy hai quả bầu, cùng mặt nạ rồi hướng cung Triều-dương, dùng khinh công phóng tới. Đúng như Ngũ-Anh nói, cạnh cung Triều-dương là chùa Quán-sứ. Nó tung mình vào sân chùa, mặc quần áo trắng, đeo mặt nạ, buộc hai cái đầu giả vào lưng, rồi vọt mình qua hàng rào vào trong cung Triều-dương.
Thình lình có tiếng người cười nói ồn ào, rồi có hai kiệu phu khiêng cái kiệu vào trong sân. Đi kèm kiệu là Nguyễn Dư với tên thái giám Đỗ Quảng. Kiệu hạ xuống, Nguyễn Dư hướng vào trong kiệu:
- Phan tiểu thư! Xin tiểu thư xuống kiệu cho.
Một thiếu nữ từ trong kiệu bước ra. Trong ánh sáng lờ mờ, Thủ-Độ cũng nhận ra nàng khoảng mười sáu, mười bẩy tuổi, nhan sắc cực kì diễm lệ, có phần sắc sảo hơn Phạm Thùy-Dương. Thiếu nữ hỏi Đỗ Quảng:
- Đỗ công công! Công công nói rằng có chỉ dụ của Hoàng-hậu đón tôi vào yết kiến người. Hoàng-hậu ở trong cung An-toàn, tại Hoàng-thành. Sao công công lại đưa tôi tới cung Triều-dương là nơi sứ đoàn Tống ở?
Đỗ Quảng chỉ vào căn phòng của viên phó sứ:
- Tiểu thư hãy vào trong đó. Hoàng-hậu giá lâm tức thời.
Tên thị vệ Tống lấy chìa khóa mở cửa phòng viên phó sứ. Trong phòng đèn nến sáng trưng. Nguyễn Dư chỉ vào trong:
- Mời tiểu thư!
Thiếu nữ hiên ngang vào phòng. Nàng phóng con mắt nhìn một lượt, rồi hỏi Nguyễn Dư:
- Công tử! Đây là phòng ngủ của một người đàn ông. Tôi là một khuê các tiểu thư. Tôi không thể ngồi lại.
Nói rồi nàng lùi ra sân. Đỗ Quảng, Nguyễn Dư với tên thị vệ Tống bao vây nàng vào giữa. Tên thị vệ nói tiếng Việt:
- Cái lày không phải chồ Hoàng-hậu lớ. Cái lày nị chồ phó sứ lại nhân mà.
Thiếu nữ hỏi Đỗ Quảng:
- Y nói có đúng không?
Nguyễn Dư cười, y nói bằng giọng cực kì đểu dả:
- Chẳng nói dấu gì tiểu thư. Tôi mời tiểu thư đến đây để ngủ với phó sứ đại nhân ít đêm. Chỉ cần tiểu thư ngoan ngoãn, thì tiến trình tương lai của phụ thân tiểu thư sẽ mở rộng không biết bao nhiêu mà kể. Tiểu thư thử nghĩ xem, phụ thân của tiểu thư lĩnh chức đô thống, chỉ huy đoàn võ sĩ Côi-sơn suốt mấy năm qua, mà cũng vẫn không được thăng lên một bậc, hay một trật nào. Nếu nay tiểu thư chịu khó hầu hạ ngài phó sứ mấy ngày. Chỉ mấy ngày thôi, có mòn đi tí nào đâu, mà phụ quý, tử vinh!
Thiếu nữ vung tay tát Nguyễn Dư một cái. Nguyễn Dư lạng người tránh, nhưng tay thiếu nữ như con cá trạch, nàng lách một cái, đã trúng mặt Dư. Bốp. Dư bị nảy đom đóm mắt.
Nhìn chiêu thức của thiếu nữ Thủ-Độ nhận ra nàng xử dụng võ công Đông-A. Quá khứ hiện lên trong tâm: Thủ-Độ thường nghe bố mẹ nói rằng, hai sư đệ thân tín là Trần Tử-Kim được Thủ-Huy trao cho chức thống lĩnh đoàn võ sĩ Long-biên. Phan Lân được trao cho thống lĩnh đoàn võ sĩ Côi-sơn. Bây giờ nghe Nguyễn Dư nói thiếu nữ họ Phan, cha thống lĩnh đoàn võ sĩ Côi-sơn, nàng còn xử dụng võ công Đông-A...Thì có thể nàng là con của sư thúc Phan Lân. Nó nghĩ thầm:
- Ta phải cứu nàng như cứu Phan Thùy-Dương.
Nguyễn Dư bị tát y nổi cáu:
- Con tiện tì vô lễ.
Y ra một Long-trảo chụp vào ngực thiếu nữ, cử chỉ cực khả ố. Thiếu nữ trầm người tránh khỏi, rồi quét chân một cái Nguyễn Dư bị trúng cước, lảo đảo suýt ngã. Bị bất ngờ Nguyễn Dư xấu hổ, không nhân nhượng nữa, y rút kiếm tấn công nàng. Thiếu nữ cũng ra chiêu phản công. Nhìn trận đấu, Thủ-Độ kinh ngạc:
- Cứ như hôm đấu với tên này ở quán Bích-động, bản lĩnh y cao thâm hơn ta không làm bao. Trong thời gian mấy năm, ta ra sức luyện tập để trả thù. Không ngờ tên này được đạo cô hết lòng truyền thụ, nên võ công y đến trình độ mà ta không ngờ tới.
Tuy võ công Nguyễn Dư cao thâm, nhưng bản lĩnh thiếu nữ vẫn trội hơn y một bậc. Thái-giám Đỗ Quảng đứng ngoài, thấy vậy thì rút kiếm nhảy vào trợ chiến. Bản lĩnh thiếu nữ tuy cao, nhưng tay không phải đấu với hai người. Không đầy hai chục chiêu nàng tỏ ra luống cuống. Thình lình nàng đánh liền ba chưởng như vũ bão, Đỗ Quảng, Nguyễn Dư tránh dạt ra. Nàng tung mình chạy. Nhưng chưa ra khỏi cổng, nãng vấp phải viên đá ngã lộn đi. Đỗ Quảng, Nguyễn Dư cùng điểm huyệt nàng rồi bồng nàng vào phòng viên phó sứ đặt lên giường.
Nguyễn Dư nói với tên thị vệ:
- Đại nhân. Đối với con sư tử cái này thì điểm huyệt e không ổn. Ta phải trói y thị lại.
Tên thị vệ lấy hai cái dây lưng của viên phó sứ treo trên tường trói thiếu nữ lại. Đỗ Quảng dặn viên thị vệ:
- Đây là món quà quý nhất Thăng-long Hoàng-hậu truyền tặng cho phó sứ đại nhân. Người mong phó sứ đại nhân giữ mà hưởng. Nếu ngài thấy tốt, thì cứ mang về Trung-nguyên.
Tên thị vệ khép cửa lại rồi tiễn Nguyễn Dư ra về. Còn y, lại cầm đao ngồi trên chiếc bệ ở cổng, tiếp tục nhiệm vụ canh gác.
Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Thì ra cái vụ dâng gái cho Tống là do Hoàng-hậu chủ trương. Bây giờ, ta phải lấy hết vàng ngọc của bọn sứ đoàn...rồi cứu thiếu nữ một thể.
Nó vào trong cung. Không gặp ai. Nó lên phòng dành cho chánh sứ. Cửa phòng khóa rất chắc. Nó vận âm kình rồi phóng một chiêu vào ổ khóa. Cánh cửa chỗ ổ khóa bị vỡ liền. Nó đẩy cửa. Trong phòng có ngọn đèn dầu leo loét, ba cái tráp bằng gỗ trắc, bọc bạc đặt chồng lên nhau. Nó lại phóng một chiêu âm chưởng. Chỗ khóa tráp bị vỡ ra. Trong tráp chỉ có thư tín, sách vở, cùng đồ dùng văn phòng tứ bảo. Tiếp tục nó phóng âm chưởng vào hai cái còn lại, trong cũng không có vàng ngọc gì cả. Thất vọng nó nhìn quanh, trong góc phòng có chiếc hòm (rương) khá lớn, nó đẩy thử, thấy chỉ hơi di chuyển. Nó lại phóng âm chưởng, rồi mở ra. Mắt nó lóa lên, vì trong hòm đầy ngọc, vàng, bạc. Nó nhắc thử thấy không nặng lắm. Nó vác cả chiếc hòm lên vai.
Ra khỏi cửa, nó nghĩ:
- Đây là phòng của tên chánh sứ. Bây giờ ta sang phòng tên phó sứ cứu thiếu nữ.
Thấy phòng tên phó sứ không khóa, nó đẩy thử. Cánh cửa mở ra. Thiếu nữ vừa trông thấy nó, nàng rú lên. Nó vội điểm vào huyệt Á-môn của nàng. Chân tay nàng run bần bật. Nó nói sẽ vào tai:
- Trẫm là Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh hoàng đế đây. Người phải im lặng. Trẫm sẽ cứu người thoát khỏi cái tai nạn này.
Trong phòng có một cái hòm lớn với hai cái tráp. Nó mở cái hòm, trong toàn y phục. Nó lại mở cái tráp. Trong tráp có một số vàng ngọc. Nó đem tất cả đổ vào trong cái hòm của viên chánh sứ.
Nó nói với thiếu nữ:
- Ta cứu nàng ra khỏi đây.
Thiếu nữ gật đầu. Nó cởi trói, rồi vác cái hòm với nàng lên vai. Thiếu nữ đã bớt sợ. Nhưng chân tay vẫn còn run. Một vai vác thiếu nữ, một vai vác cái hòm, Thủ-Độ ra khỏi cung Triều-dương. Vì hòm nặng quá, lại thêm thiếu nữ, Thủ-Độ không thể nhảy qua hàng rào, nó vọt mình ra cổng sau. Tên thị vệ gác cổng từng nghe nói về con quỷ ba đầu, bây giờ thấy hình dáng Thủ-Độ, y kinh hoàng hét lên bằng tiếng Trung-quốc:
- Quỷ! Quỷ ba đầu.
Rồi vung đao chém Thủ-Độ. Thủ-Độ tung thiếu nữ lên cao, tay phóng một chưởng, thanh đao của y vuột khỏi tay bay lên không. Nó bắt lấy đao, dùng cán điểm vào huyệt Đản-trung của y. Tên thị vệ mê man, ngã lăn xuống đất. Vừa lúc đó thiếu nữ rơi xuống. Nó vác nàng lên vai, vọt mình khỏi cung.
Thủ-Độ vừa ra khỏi cung Triều-dương, thì một bóng đen đáp nhẹ nhàng trước mặt nó như chim. Có tiếng nói:
- Mi là ai mà giả ma, giả quỷ, nhát người? Hôm nay mi bị ta khám phá ra tung tích rồi.
Bóng đen xuất một chiêu kiếm xả vào người Thủ-Độ. Nhận ra đó là một chiêu Hoa-sơn kiếm rất tinh diệu. Thủ-Độ ném cái hòm xuống bụi cây bên đường, tung thiếu nữ xuống bụi cỏ, rồi vọt mình lên cao tránh khỏi. Bóng đen phi thân theo, chĩa kiếm lên cao định chặt chân nó. Nó vội xả xuống một chưởng, đẩy thanh kếm sang một bên. Có tiếng ai đó:
- Công lực cao thâm lắm!
Người khen không phải là bóng đen. Giọng nữ còn trẻ, rất quen thuộc. Trong nhất thời Thủ-Độ không nhận ra tiếng ai.
Bóng đen lại tung vào người Thủ-Độ liền mười chiêu kiếm. Để dấu thân phận, Thủ-Độ dùng Hoa-sơn chưởng pháp chống lại. Tuy công lực cao thâm, nhưng đây là lần đầu tiên xử dụng, nên Thủ-Độ chỉ tránh né.
Có tiếng ai đó nhắc:
- Hoa-sơn chưởng là chưởng dương cương, mà dùng nội công âm nhu thì không có uy lực.
Thủ-Độ tỉnh ngộ, nó vận toàn dương kình. Chỉ năm chiêu thanh kiếm trên tay người kia bị văng lên không. Nó bắt lấy kiếm, phóng tới điểm huyệt y. Bấy giờ nó mới nhận ra bóng đen là Đoàn Thượng, một trong Gia-thụy ngũ anh. Nó cầm thanh kiếm của y ném vào trong cung Triều-dương. Khi nó quay lại, tìm người nhắc nhở trợ giúp nó, thì không thấy đâu. Nó vác cái hòm, với thiếu nữ vào sau chùa Quán-sứ, ném mặt nạ, hai cái đầu giả vào trong, rồi trở về Tây-hồ thủy-xá.
Vào trong phòng, đóng cửa lại, nó đặt thiếu nữ lên giường, định mở hòm ra kiểm kê xem trong đó có những gì. Chợt thấy trên nóc hòm, ai đó đã dán một mảnh giấy, nét chữ giống nét chữ trên mảnh giấy của người mượn xôi, chim sẻ hôm trước.
« Vàng ngọc này là vàng ngọc của Đại-Việt. Không thể xử dụng vào việc riêng tư. Bằng không thì chẳng hóa ra quân trộm cắp vặt ư? ».
Nó nghĩ thầm:
- Trước sau ta làm sáu vụ, thì bốn bị cao nhân theo dõi. Cao nhân lấy chim sẻ với xôi và cao nhân hôm nay là một. Còn cặp cao nhân ta gặp ở Văn-miếu, cao nhân đem Thùy-Dương từ đền thờ vua Trưng về Tây-hồ thủy-trang là ai? Họ là ba nhóm người khác nhau, hay cùng là một? Biết đâu cái hôm ta làm ma tại nhà Đặng Vũ với dinh An-phủ sứ Hồng-châu không bị theo dõi?
Nó giải huyệt cho thiếu nữ, rồi hỏi:
- Cô nương! Phải chăng cô nương là con của đô thống Phan Lân?
Biết Thủ-Độ không phải là quỷ ba đầu, thiếu nữ hết sợ:
- Đúng vậy! Tiểu huynh đệ, cảm ơn người đã cứu ta. Ta tên là Phan Mỹ-Vân, sao người biết tên cha ta?
Thủ-Độ tủm tỉm cười không trả lời.
Thiếu nữ càng truy:
- Bấy lâu nay Thăng-long muốn nổ tung ra vì chuyện con quỷ ba đầu hiện hình, hóa phép hành hiệp cứu người. Ai cũng phục, ví con quỷ này có hành vi như Côi-sơn song ưng. Ta cũng tin là thực. Ban nãy thấy người, ta sợ thiếu điều chết khiếp. Nào ngờ người là một thiếu niên. Tiểu huynh đệ, tuổi người còn trẻ, mà công lực lại cao thâm khôn lường. Ta thấy người xử dụng võ công Hoa-sơn, nhưng căn bản lại là võ công Đông-A nhà ta. Vậy sư phụ của người là ai?
- Tôi không có sư phụ. Tôi học võ với bố mẹ tôi. Bố tôi là người có thân phận to lớn. Nhưng tôi sớm phải xa người từ nhỏ. Còn mẹ tôi ư? Người thuộc phái Mê-linh. Mẹ tôi bị người ta phục kích, dùng loạn tên bắn chết. Bố mẹ tôi thường nhắc đến sư đệ của người, mà người rất sủng ái tên là Phan Lân. Không ngờ hôm nay chúng ta là con lại có dịp gặp nhau.
- Vậy thì chúng ta là người cùng nhà! Nếu phụ thân tôi là sư đệ của song thân huynh đệ, thì huynh đệ lớn vai hơn tôi. Tôi phải gọi là sư huynh. Thế song thân của tiểu sư huynh đại danh là gì?
- Vì một lẽ riêng, tôi phải dấu thân phận, để truy lùng tung tích kẻ giết mẹ tôi, nên tôi không thể nói tên hai thân ra được.
Nói rồi nó nói lơ mơ:
- Mẹ nó là người trong hoàng tộc, bị người ta dùng loạn tên bắn chết. Nhà vua đem nó vào Hoàng-thành nuôi... Còn đoạn sau nó thuật hết sự thực.
Mỹ-Vân vái Thủ-Độ ba vái:
- Tiểu muội xin tham kiến sư huynh.
Thủ-Độ đáp lễ:
- Bây giờ ta đưa sư muội về nhà.
Mỹ-Vân cảm động:
- Cảm ơn tiểu sư huynh đã cứu muội ra. Tuy nhiên việc bắt muội dâng cho tên phó sứ là chủ trương của Hoàng-hậu, muội không thể về nhà được nữa.
- Vậy thì muội có thể ở lại đây với chúng ta.
- Chúng ta là những ai?
- Ta là một, với mười tám đứa đều là ăn mày, ta đem về nuôi dạy.
- Mười chín đứa chứ sao là mười tám?
- Không, chỉ có mười tám thôi.
- Vậy tiểu sư huynh không kể con bé Mỹ-Vân này à?
- Ừ nhỉ!
Mỹ-Vân nhìn cái hòm đựng châu báu, nàng hỏi:
- Tiểu sư huynh. Từ hôm sư huynh làm quỷ đến giờ, từ vua cho tới các quan đều tin rằng đó là hồn oan Thái-tử Long-Xưởng. Tuy vậy có nhiều võ lâm cao thủ không tin. Ho ra sức truy lùng. Coi chừng họ khám phá ra tung tích sư huynh đấy.
- Có! Có nhiều người biết hành tung của ta.
Rồi nó thuật lại bốn lần làm quỷ đều bị cao nhân khám phá ra. Mỹ-Vân nheo mắt mỉm cười, dưới ánh sáng ngọn đèn, nàng đẹp thực huyền ảo:
- Để muội luận xem có đúng không nghe. Cao nhân lấy xôi, chim sẻ trên lưng sư huynh với cao nhân dán giấy trên hòm châu báu này là hai người còn trẻ. Ban nãy, muội nghe cao nhân này nhắc sư huynh, mách sư huynh cách thắng tên Đoàn Thượng là giọng nữ, còn rất trẻ. Khi họ đi, muội nghe rõ bước chân một nam, một nữ. Xét kỹ trong võ lâm, những người còn trẻ mà võ công cao đến trình độ này không nhiều. Ta cứ thư thả sẽ tìm ra. Còn hai cao nhân dẫn dụ sư huynh ra Văn-miếu thì muội biết là ai rồi.
-???
- Họ là hai trong Lĩnh-Nam bát tiên!
- Nghĩa là?
- Trong hai chục năm qua, khắp vùng Quảng-Đông, Quảng-Tây, Hồ-Nam bên Trung-quốc; trên đất Đại-Việt, Chiêm thành, có vị bốn nam tử cùng với bốn phu nhân nức danh trong việc ban ân đức cho dân chúng. Bốn cặp này lại nhân từ vô bờ bến. Dân chúng gọi tám vị là Lĩnh-Nam bát tiên.
- Có phải là Hồng-lĩnh ngũ đại phu với phu nhân là Vỵ-xuyên ngũ tiên không?
- Không! Mười vị này, tuy năm bà hành hiệp giúp đời, năm ông ra tay cứu nhân độ thế, nhưng so với tám vị kia thì ân đức các vị trải ra chỉ bằng hạt cát so với trái núi.
- Chà! Sư muội cho ta biết được không?
- Người thứ nhất là sư bá Trần Lý với phu nhân Tô Phương-Lan. Sư bá Trần Lý là con trai trưởng của chưởng môn phái Đông-A Trần Tự-Hấp.
- À! Ta đã nghe nói nhiều.
- Ngay từ nhỏ, sư bá với vợ đã tụ tập các thiếu niên ngang tuổi phá hoang làm ruộng, cấp cho dân nghèo phiêu bạt không tấc đất cắm dùi. Cho đến nay, khắp một giải Thiên-trường, hầu hết dân chúng đều do ân đức của người mà trở thành khá giả. Dân chúng tôn sư bá làm Thần-nông sứ.
Gì chứ việc này, Thủ-Độ thường nghe bố mẹ nó nhắc đến hoài.
- Thế còn vị thứ nhì.
- Vị thứ nhì là sư bá Trần Thủ-huy, em ruột sư bá Trần Lý.
- Ấy à!
- Sao, sư huynh có nghe biết đệ nhị sư bá à!
- Tôi có nghe song không biết sự thực ra sao?
- Sư bá là phò mã của vua Anh-tông, kết hôn với công chúa Đoan-Nghi. Thời gian người cầm quyền, trong làm cho nước giầu, dân mạnh. Ngoài làm cho Chiêm mến, Tống sợ, phải công nhận quốc danh của ta. Hiện giờ sư bá đang săn thú ở Mông-cổ.
- Thế còn người thứ ba?
- Người thứ ba chính là người đã dẫn dụ sư huynh ra Văn-miếu. Người họ Tô tên Trung-Từ, là anh vợ của bác Lý.
Thủ-Độ từng nghe bố mẹ nói về Tô Trung-Từ với Nhạc Bảo-Bảo. Nó suýt xoa:
- Hôm gặp ông bà, tôi cứ hỏi rằng sao trên thế gian lại có người đẹp đến thế. Thì ra bà là Bảo-Bảo, giai nhân Hàng-châu.
- Sư huynh đã biết tiếng Tô sư bá rồi à?
- Biết chứ, người được dân chúng tôn là Khai-hoang sứ.
- Đúng vậy! Gần đây sư bá đi khắp đất nước, nơi nào người cũng quy tụ dân nghèo, giúp họ khai hoang, vì vậy ân đức của người rất rộng.
- Còn vị thứ tư?
- Vị thứ tư là sư bá Phùng Tá-Chu với phu nhân là sư bá Kim-Ngân.
- Có phải hai vị được tôn làm Hải-hà sứ không? Hiện hai vị ở đâu?
- Phùng sư bá hiện là Tổng-trấn Bắc-cương. Phùng sư bá là người chế ra các loại thuyền lớn, có thể ra khơi đánh cá.Nhờ sư bá, mà dân đánh cá sống sung túc, no đủ.
Thủ-Độ trở về thực tại:
- Như vậy, chỉ còn người đàn bà đem Thùy-Vân từ đền thờ vua Trưng về đây là chúng ta chưa biết là ai mà thôi.
Mỹ-Vân chỉ cái hòm châu báu:
- Sư huynh định cất ở đâu? Dùng vào việc gì?
Thủ-Độ đáp không suy nghĩ:
- Hiện giờ vua thì hôn ám, chỉ biết xây dựng cung điện cho cao rộng, quanh năm suốt tháng sống với cung nga. Dân chúng quá đói khổ, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Tôi định dùng số vàng bạc này làm hai việc. Một lập những trang khắp Đại-Việt, tụ tập bọn thiếu niên ăn mày lại, dậy dỗ cho chúng thành người. Hai là, ta thu dụng các thiếu niên còn trẻ, dạy văn, luyện võ cho họ, rồi tổ chức thành những đội bảo vệ làng xã.
Mỹ-Vân mở to mắt nhìn Thủ-Độ:
- Chí sư huynh lớn quá. Liệu ta có làm nổi không?
- Vua Đinh Tiên-hoàng chỉ là đứa trẻ mồ côi chăn trâu. Tổ Trần Tự-Viễn của phái Đông-A xuất thân là một chú thợ săn. Linh-Nhân hoàng thái hậu là một cô gái quê. Thế mà các vị ấy làm lên những chuyện kinh thiên động địa. Tại sao ta không theo gương các ngài? Dù ta không tạo được huân nghiệp to lớn, thì cũng không hổ là con cháu các ngài.
- Sư huynh! Triều đình nghe tin cung Triều-dương bị quỷ ba đầu cướp châu báu; muội e, nhà vua sẽ sai thị vệ đi xét từng nhà. Ta nên cất số vàng bạc này đi chỗ khác.
- Bây giờ ta nên cất ở đâu?
Mỹ-Vân dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai Thủ-Độ:
- Hành động của sư huynh bị người ta theo dõi. Những người này là người tốt thì không sao. Còn như họ là người của triều đình, của Tống, thì cái gì sẽ xẩy ra? Họ ở trong bóng tối, sư huynh ở ngoài sáng, làm sao mà đề phòng? Số vàng ngọc này vốn của Đại-Việt. Nếu sư huynh để ở đây, lỡ ra quan quân tới khám thì đầu sư huynh với bọn Thập-bát Tây-hồ khó mà bảo toàn. Biết đâu, người theo dõi sư huynh không lấy trộm? Muội khuyên sư huynh nên làm như vậy... như vậy...
Thủ-Độ tỉnh ngộ. Nó vác hòm châu báu ra phía sau chuồng ngựa, lấy móng, cùng Mỹ-Vân đào lỗ chôn xuống, rồi trở về phòng. Nó chỉ cho Mỹ-Vân nằm trên giường, còn nó thì nằm dài trên cái phản. Hai người tắt đèn đi ngủ. Nằm khoảng hai chục tiếng đập tim, nó ngồi bên cửa sổ cùng Mỹ-Vân phóng mắt qua kẽ cửa quan sát. Không phải chờ lâu, có hai bóng đen từ trên cây khế buông mình xuống, lại chỗ nó chôn hòm châu báu quan sát qua loa, rồi bỏ đi.
Chỉ chờ có thế, Mỹ-Vân với nó ngồi dậy, nhìn nhau mỉm cười. Nó khen:
- Mưu kế sư muội thâm thực.
Nó lấy cái hòm quần áo của mình, cùng Mỹ-Vân bỏ vào trong mươi viên gạch, rồi đào cái hòm châu báu lên, bỏ cái hòm chứa gạch xuống. Nó vác cái hòm châu báu vào nhà, rồi mở ra cùng Mỹ-Vân kiểm điểm. Số vàng là 200 thoi, còn lại không biết bao nhiêu bích ngọc, hồng ngọc, kim cương. Lại có cả năm cái hộp bằng bạc trong đựng sâm Cao-ly. Mỹ-Vân thắc mắc:
- Tiểu sư huynh! Tất cả vàng, cũng như ngọc đều đựng trong hộp bạc, bên ngoài khắc biểu hiệu của Đại-Việt là hình con rồng cuộn khúc, cạnh con chim âu đang bay. Những vàng ngọc này chắc là của công khố Đại-Việt. Vậy tại sao lại có năm hộp bạc đựng sâm, ba hộp vàng đựng ngọc, trên khắc hình mặt trời với con chim ưng? Sâm, ngọc này ở đâu, mà tên sứ Tống có?
Câu hỏi của Mỹ-Vân làm Thủ-Độ giật bắn người lên. Nó trả lời trong khi tay run run:
- Hình chim ưng bay ngang mặt trời là biểu hiệu của Thành-cát Tư-hãn.
- Thành-cát Tư-hãn là ai?
- Là vua nước Mông-cổ.
- Nước Mông-cổ ở đâu?
- Ở phía Bắc Trung-quốc. Dân ta chỉ biết có Tống. Triều đình phải cúi đầu chịu nhục trước Tống. Trong khi đó Tống phải xưng thần tiến cống Kim. Mà Kim thì sợ Mông-cổ như sợ cọp.
Mỹ-Vân thấy sắc thái kỳ dị của Thủ-Độ, nàng nghĩ thầm:
- Vị tiểu sư huynh này, dọc ngang coi trời bằng vung. Thế sao khi nói tới Mông-cổ lại run run cảm động? Ta phải hỏi cho rõ mới được.
Nàng chỉ vào mấy hộp sâm, ngọc hỏi Thủ-Độ:
- Sư huynh! Tại sao sư huynh thấy mấy hộp này lại súc động quá đáng?
- Tại vì, nó là những món mà Thành-cát Tư-hãn tặng cho song thân huynh. Khi mẫu thân huynh bị sát hại, thì những món này bị người ta lấy mất. Tại sao bây giờ nó lại ở đây? Ai đã đem những vật này dâng cho Tống? Mấy năm nay, huynh khổ công truy lùng sát nhân đã ám toán mẫu thân huynh, mà không ra tung tích. Bây giờ đã có ánh sáng rồi đây. Cái kẻ đã dâng ngọc, sâm cho Tống là chính phạm trong vụ này.
Thủ-Độ mở mấy hộp ngọc ra. Nó thấy thiếu hai món quan trọng. Món thứ nhất là viên hồng ngọc lớn bằng quả trứng gà. Đó là viên ngọc mà Mông-cổ tịch thu được trong trận đánh kinh đô Khắc-liệt. Thành-cát Tư-hãn sai khắc hình con chim ưng, biểu hiệu của phái Đông-A lên trên, tặng cho Thủ-Huy. Món thứ nhì là một chuỗi ngọc kim cương 360 hạt, mà Đại-hãn Diệt-xích-ngột dùng để chuộc mạng y với vợ con. Thành-cát Tư-hãn tặng cho Đoan-Nghi, ngay sau trận đầu Thủ-Huy Đoan-Nghi cứu ông.
- Em có thể giúp sư huynh tìm ra thủ phạm hại bá mẫu!
- Nói thử!
- Chúng ta mạo hiểm tìm cách bắt tên chánh sứ, dùng cực hình tra khảo, thì y khai ra những thứ này, ai đã trao cho y!
- Liệu ta có làm được việc này không?
- Tại sao không? Tên phó sứ là một võ lâm cao thủ. Còn chánh sứ chỉ là tên quan văn trói gà không chặt... Nếu không bắt được chánh phó sứ, thì ta bắt một trong bốn tên bồi sứ cũng đủ.
- Bồi sứ là gì vậy?
- Là người nắm tất cả những cơ mật trong sứ đoàn, làm quân sư cho chánh sứ. Nhưng... nghe đâu võ công bốn tên bồi sứ cao thâm lắm thì phải.
Mỹ-Vân hỏi:
- Bây giờ ta phải cất đám vàng bạc này ở đâu?
Thủ-Độ chợt nhớ một câu trong binh pháp Kinh-Nam vương: "Phàm chỗ kín thì ai cũng chú ý. Phàm chỗ hở thì ít ai để ý. Phàm cái chỗ dễ chết, ta có thể tìm được đất sống. Phàm chỗ ai cũng tưởng sẽ sống, lại dễ bị chết". Nó lấy ra mười nén vàng, bỏ vào cái túi, rồi nói:
- Sư muội thấy không! Ta sống giữa nanh vuốt hùm, sói là Đông-cung, cung Ngọc-lan, lại yên lành. Bây giờ nếu ta dấu đám châu báu tại đây, e có ngày bị lộ. Cái nơi mà ít ai để ý, người người đi lại, thì không ai ngờ tới. Cái nơi đó là khu vườn sau chùa Chân-giáo.
- Thế còn mười nén vàng này?
- Hôm trước ông bà Hải-hà-sứ Tô Trung-Từ vỗ vai, rồi hì sư huynh, dụ sư huynh ra Văn-miếu để tìm căn cước. Bây giờ ta làm ngược lại với ông bà. Ta không hì ông bà, mà đường đường chính chính tìm đến ông bà, để ông bà biết ta không trẻ con như ông bà tưởng.
- Nghĩa là?!?!?!
- Ông bà ấy biết huynh qua ông bà Phòng-Phong, dĩ nhiên ông bà ấy biết chỗ ở cũng như việc làm của ta. Ta đường đường, chính chính sai bọn Anh-Hào đem vàng đến con thuyền của ông bà ấy trên bến Bắc-ngạn, trao số vàng cho ông bà ấy, xin ông bà ấy đứng ra quy tụ bọn thiếu niên nghèo khó ở Kinh-Bắc, đem về nuôi dạy.
- Hay!
Mỹ-Vân mang cái móng. Thủ-Độ vác hòm bỏ lên chiếc xe ngựa, lấy cỏ đậy lại, rồi hướng chùa Chân-giáo. Hai người âm thầm lẻn vào sau chùa, đào hố chôn ngay cạnh hàng rào, rồi ra về.
Trở về nhà, Mỹ-Vân cười:
- Ai đó! Bất kể chính hay tà, theo dõi chúng ta. Thấy chúng ta chôn bảo vật sau nhà, nếu họ đào cái hòm lên mang đi, khi mở ra, chỉ thấy gạch, ắt sẽ nghĩ rằng: À cái thằng nhỏ láu cá. Cũng có thể họ cho rằng chúng ta bị một kẻ thứ ba nhanh tay hơn lấy đi. Họ bị chậm chân. Có một điều tế nhị, nhưng rất quan trọng...
-???
- Việc muội tuân chỉ dụ vào cung chầu hầu Hoàng-hậu, bị đưa đến cung Triều-dương, rồi mất tích, ắt quan quân sẽ phải lùng kiếm khắp nơi. Phụ thân muội với đoàn võ sĩ Côi-sơn đâu có chịu ngồi yên? Có lẽ phải báo cho phụ thân muội biết rằng muội vẫn bình an.
- Huynh nghĩ không nên báo vội. Cứ để sư thúc kiện Hoàng-hậu đòi người. Cứ để cho sư thẩm khóc lóc đòi con. Cứ để đoàn võ sĩ Côi-sơn tìm sư muội. Như vậy triều đình mới không nghi ngờ sư thúc. Sau hơn tháng, ta âm thầm báo với sư thúc, rằng sư muội hiện sống bình an tại một nơi.
- Cũng được, kể ra để cho bố mẹ muội lo sợ cho con gái trong hơn tháng, e phạm tội bất hiếu. Đành vậy...Vụ tên Đoàn Thượng bị sư huynh đánh bại, y sẽ cáo với triều đình rằng con quỷ ba đầu là người. Vậy từ nay, ta không thể giả làm quỷ được nữa.
- Ngày mai huynh sẽ giới thiệu muội vơí bọn Thập-bát Tây-hồ. Sư muội sẽ thay huynh luyện văn, dạy võ cho chúng.
Chợt Mỹ-Vân ái chà một tiếng. Thủ-Độ hỏi:
- Gì vậy?
- Muội ở đây, tuy khuất khúc, nhưng trước sau gì cũng bị lộ. Vậy sư huynh để muội giả trai cho tiện. Tên sư huynh là Độ vậy muội sẽ dùng tên là Tuyền. Độ là vượt qua, Tuyền là suối.
- Phải đấy.
Sáng hôm sau, Thủ-Độ gọi Tây-hồ thập bát anh-hào tập trung ở phòng học. Nó giới thiệu Mỹ-Vân là sư muội của nó tên Thanh-Tuyền. Thanh-Tuyền giả trai, vì lý do riêng. Từ nay Thanh-Tuyền sẽ dạy văn, luyện võ cho bọn Thập-bát Tây-hồ. Cả bọn thấy Mỹ-Vân đẹp trai, linh lợi, thì mừng lắm.
Nhờ Mỹ-Vân luyện võ hàng ngày, mà bản lĩnh bọn Thập-bát Tây-hồ tiến rất mau. Mỹ-Vân bàn:
- Hiện triều đình đang mở khoa thi tuyển võ, ai trúng tuyển sẽ được bổ làm võ tướng. Tại sao sư huynh không cho Cửu-hào ứng thí? Anh thù hận triều Lý, muốn diệt họ Lý, thì cần phải có quân trong tay. Nếu như Cửu-hào trúng tuyển, được bổ làm võ tướng cầm quân. Bề ngoài chúng là người của triều đình, nhưng bề trong chúng là ngưới của anh. Một ngày kia anh khởi sự, thì anh đã có chín đại tướng với chín đạo quân trong tay.
Thủ-Độ tỉnh ngộ:
- Sư huynh nghe lời muội. Phải đấy, tuy nhiên phải luyện văn cùng giảng binh pháp cho chúng, khi ứng thí mới có thể trúng tuyển.
Tháng sau,Thủ-Độ cùng Mỹ-Vân gọi Ngũ-Anh, Ngũ-Hào vào phòng riêng, chỉ cái túi mười nén vàng, rồi hỏi:
- Khu vực của hai em là bến Bắc-ngạn. Vậy hai em có biết nơi neo con thuyền của Hải-hà sứ không?
Hai đứa lắc đầu.
Thủ-Độ nhăn mặt:
- Dở quá! Ta đã bảo, trong khu vực trách nhiệm của các em, có thêm một con chó, một con mèo, các em cũng phải biết. Thế mà con thuyền của một cặp vợ chồng danh nhân neo ở đó từ mấy tháng nay, mà các em không biết. Sổ toẹt.
Hai đứa gãi tai:
- Xin anh cho em biết con thuyền đó hình dạng ra sao, thì bọn em mới tìm ra chứ?
Mỹ-Vân cười:
- Con thuyền đó kéo hai lá cờ. Lá thứ nhất mầu xanh, trên có hình con chim ưng vỗ cánh. Đó là biểu hiệu của phái Đông-A. Lá thứ nhì, vẽ hình một nông dân dắt trâu, vác cầy. Đó là biểu hiệu của Khai-hoang sứ.
Ngũ-Hào bật cười:
- Em biết rồi. Con thuyền đó đến đậu trên bến Tương-Dung, bên cạnh con thuyền của người đẹp mà Đại-hãn bảo rằng đó là thuyền của người thân. Con thuyền ấy đến bến vào ngày mùng bẩy tháng tư, giờ Mùi. Trên thuyền có một cặp nam nữ, trung niên. Nam thì to lớn như Hộ-pháp, mỗi lời nói ra đều làm cho người nghe cười. Nữ thì đẹp tuyệt thế, bà rất nghiêm nghị.
Ngũ-Anh xen vào:
- Ông ấy sợ vợ quá sợ cọp. Mỗi khi ông tía lia, bà lên tiếng, là ông im ngay. Tùy tùng của ông bà có mười cặp đệ tử. Họ đều là vợ chồng. Cái đặc biệt của những người trên con thuyền này là họ: Họ mang thực phẩm theo như gà, vịt, lợn chứ không mua ở chợ. Còn tôm cá, thì họ quăng lưới bắt lấy. Họ chỉ mua rau đậu thôi.
Thế rồi Ngũ-Anh, Ngũ-Hào trình bầy hoạt động của những người trên con thuyền, không thiếu chi tiết nào.
Thủ-Độ lấy môt thoi vàng, nó vận công vào hai bàn tay, rồi ấn lên, vết tay của nó in hằn rất sâu. Trong khi đó Mỹ-Vân thuật hành trạng của Tô Trung-Từ, Nhạc Bảo-Bảo cho hai trẻ nghe. Nàng viết một bức thư trao tay Ngũ-Anh, rồi chỉ gói vàng:
- Hai em đem gói này, đường đường chính chính tới con thuyền xin yết kiến, rồi trao tận tay ông bà. Hai em nói như thế...như thế...
Nó lại gọi Cửu-Anh, Cửu-Hào, đưa ra hai hộp sâm Cao-ly:
- Hai em đến chùa Chân-giáo yết kiến thầy Chân-Minh, thay ta dâng hộp sâm này lên thầy. Rồi lại đến Hồng-lĩnh đệ nhị y viện trao hộp sâm cho y sư Vũ Phòng-Phong. Nhớ phải nói như thế...như thế.
Chiều hôm đó, Ngũ-Anh, Ngũ-Hào trở về. Chúng tường thuật vụ đi sứ cho Thủ-Độ, Mỹ-Vân nghe.
"Hai trẻ sai bọn ăn mày rình quanh con thuyền Hải-hà sứ suốt buổi sáng. Đến giờ Tỵ thì ông bà Tô Trung-Từ về. Chúng báo cho Ngũ-Anh, Ngũ-Hào. Hai trẻ tuy xuất thân ăn mày, hèn hạ. Nhưng thời gian hơn năm qua, nó được học văn, luyện võ, lại đươc Thủ-Độ truyền cái hào khí của Tây-hồ thất-kiệt, Long-biên ngũ-hùng, hồi thơ ấu từng đi ăn mày, rồi sau trở thành đại tướng.
Hai trẻ mặc y phục rách rưới như ăn mày. Tới đầu cầu, Ngũ-Anh gọi một thiếu niên ngồi gác:
- Chúng tôi là hai trẻ ăn mày ở Thăng-long, vâng lệnh người lớn, tới cầu kiến với Hải-hà sứ và phu nhân.
Ngay từ hôm đầu tới Thăng-long. Hai mươi đệ tử của Tô Trung-Từ từng gặp mặt Ngũ-Anh, Ngũ-Hào nhiều lần. Họ thấy chúng tập họp ăn mày lại, khi thì kể chuyện anh hùng Đại-Việt, khi thì chúng phân phối thực phẩm. Gã đệ tử thấy hai đứa, họ cho rằng chúng là một thứ trùm du côn, bắt bọn ăn mày tuân phục. Sau mấy ngày họ thấy không phải, vì bọn ăn mày rất kính trọng chúng. Hôm nay thấy chúng tới với phong thái người lớn, nêu đích danh sư phụ, xin cầu kiến. Gã đệ tử không dám coi thường, y vào trong khoang thuyền báo với Tô Trung-Từ, Nhạc Bảo-Bảo:
- Trình sư phụ, sư mẫu, có hai đứa trẻ ăn mày, nói là vâng lệnh bề trên xin cầu kiến.
- Để chúng ta ra đón khách.
Trung-Từ Bảo-Bảo ra khỏi khoang thuyền. Ông bà chắp tay:
- Xin mời nhị vị!
Phân ngôi chủ khách, trà nước bầy ra, Bảo-Bảo chắp tay:
- Chẳng hay hai vị đây xưng hô thế nào?
- Cháu là Ngũ-Anh, còn sư huynh đây là Ngũ-Hào. Chúng cháu là ăn mày, không có họ tên.
Trung-Từ cười rộn ràng:
- Anh hùng đâu quản xuất thân. Xưa kia, Chử Đồng-tử nghèo đến cái khố không có, mà làm rạng danh triều Hồng-bàng. Gần đây, Tây-hồ thất kiệt, Long-biên ngũ hùng đều xuất thân ăn mày, mà nay khắp nước thờ kính.
- Đa tạ Hải-hà sứ. Bề trên của anh em chúng cháu sai chúng cháu chuyển đến tiên sinh gói này, mong tiên sinh thu nhận.
Nói rồi Ngũ-Anh trao cái túi cho Trung-Từ. Trung-Từ mở ra, bên trong có 20 thoi vàng. Kinh ngạc, ông hỏi:
- Bề trên của hai vị là ai?
- Bề trên của anh em chúng cháu đã viết tên trên một thoi vàng rồi.
Bảo-Bảo cầm một thoi vàng lên, trên thoi vàng in rõ mười đầu ngón tay. Bà nói với chồng:
- Cứ như vết bàn tay in vào đây thì người này còn nhỏ tuổi. Tay trái hằn sâu vào, thì y vận âm kình. Tay phải hằn rộng ra, thì y vận dương kình. Trên đời chỉ y...chỉ y...y còn nhỏ tuổi mới luyện đến mức này mà thôi.
Trung-Từ cầm thỏi vàng, tần ngần:
- Dám hỏi vàng này ở đâu, mà bề trên hai vị có?
- Thưa vàng của Đại-Việt, bị người Tầu cướp đi. Chủ nhân chúng cháu đoạt lại, nhờ nhị vị trao trả cho dân Việt, mà đám thiếu niên cùng khổ vùng Kinh-bắc là đại diện.
Nói rồi Ngũ-Hào trình ra một bao thư. Trung-Từ mở ra xem. Trong có tấm bản đồ khu Gia-lâm. Tại vùng đất hoang, khoanh bằng son. Ông nói với vợ:
- Em xem ơi! Hôm trước ta muốn khai hoang khu đất này, rồi quy tụ dân phiêu bạt về, giúp họ cầy cấy. Em ước tính phải có năm thoi vàng. Một thoi chúng ta cũng không có, huống hồ năm? Nay y trao cho ta hai chục thoi, nhờ ta làm cái công việc quy tụ đám thiếu niên cùng khổ, thì thực là cầu mà không được.
Ông bà cùng chắp tay:
- Nhị vị về nói với bề trên rằng chúng tôi sẽ làm hết sức mình ».
Nghe Ngũ-Anh, Ngũ-Hào trình bầy, Thủ-Độ cực kỳ cao hứng:
- Mẹ ta chết ấm ức! Ta bị đời khinh khi, muốn đánh thì đánh, muốn chửi thì chửi, muốn sai gì thì sai. Chúng còn đái lên đầu ta, rồi đứa con gái của tên Đàm Thì-Phụng, từng hầu hạ cha mẹ ta... Mà y thị còn muốn thiến ta thành thái giám hèn hạ hầu y thị cả đời. Hôm nay ta làm được việc này, ít ra là vinh danh cha mẹ ta.
Còn Khả-hãn Cửu-Anh, Cửu-Hào trở về thuật:
" Hai trẻ đến chùa Chân-giáo, xin yết kiến sư Chân-Minh. Bà làm công quả ở chùa tưởng chúng là ăn mày, nói với chúng:
- Các cháu muốn ăn oản, ăn chuối thì bà cho cháu, không cần gặp thầy.
- Chúng cháu muốn gặp thầy để cúng dàng, chứ không phải xin ăn.
Hai trẻ gặp sư Chân-Minh, chúng đảnh lễ, xin được hầu chuyện. Sư Chân-Minh sai đóng cửa lại rồi hỏi:
- Phải chăng hai con do người trên sai đến?
- Bạch sư phụ vâng. Người trên của chúng con sai chúng con kính cẩn dâng lên thầy, gọi là chút lễ bạc.
Hai trẻ trao hộp sâm cho sư. Sư cầm lấy rồi tủm tỉm cười:
- Người ăn ở có hậu như thế này, thì vạn thế còn lưu danh. Hai con về nói với người trên rằng: Đối với kẻ thù ác độc đến đâu cũng nên dùng chữ từ của đức Thế-tôn.
Hai trẻ lại đến Hồng-lĩnh đệ nhị y viện. Học trò thấy hai đứa ăn mày thì hỏi:
- Hai cháu muốn xin ăn phải không?
- Không?
- Thế hai cháu bị bệnh gì?
- Dạ, cũng không!
- Thế hai cháu cần gì?
- Hai cháu nhờ y sư trị bệnh cho người khác?
- Người khác đâu? Bị gì?
- Chúng cháu không biết tên, dĩ nhiên không biết họ bị bệnh gì.
- Các cháu nói gì mà bí hiểm như kinh Kim-cương không bằng.
- Người trên của cháu, kiếm được mấy vị thuốc cực trân quý, muốn dâng y sư, nhờ tay tiên y sư trị cho người bệnh. Vì vậy chúng cháu không biết tên bệnh nhân cũng như chứng bệnh.
Thấy ngôn từ hai trẻ có hơi khác thường, người học trò vội báo với y sư Phòng-Phong.
Tuy Phòng-Phong mới tới Tây-hồ thủy-xá một lần, nhưng ông cũng nhớ mặt Cửu-Anh, Cửu-Hào.
- Thế nào? Bề trên các cháu cho ta cái gì đây?
Hai trẻ trao hộp sâm cho Phòng-Phong. Phòng-Phong mở ra, bất giác ông trợn tròn mắt ra rồi hỏi:
- Y...Y kiếm đâu ra những thứ trân quý như thế này?
- Chúng cháu cũng không biết nữa.
Phòng-Phong lên tiếng gọi vợ:
- Bà nó ơi!
- Gì vậy.
- Bà xem này!
Cách đây mười lăm năm, Bạch-Hạc theo Thủ-Huy đi sứ Mông-cổ, Thiết Mộc Chân đem mấy cân Thái-tử sâm ra tạ ơn y sư Phạm Tử-Tuệ đã cứu các tướng của ông bị trúng độc. Thủ-Huy mang ba cân sâm về dâng lên vua Anh-tông. Nhà vua ban một cân cho Thủ-Huy, để trị bệnh. Nhờ sâm đó mà Thủ-Huy thoát chết. Triều đình Đại-Việt gửi một cân biếu ông nội Thủ-Huy là Trần Tự-Kinh. Bây giờ Bạch-Hạc thấy cũng thứ Thái-tử sâm, cũng hộp bạc khắc hình chim ưng. Bà rùng mình hỏi:
- Sâm này từ Mông-cổ, sao y...y lại có?
Hai trẻ trả lời bằng cái lắc đầu".
Năm ấy, trong nước bị mất mùa, sang tháng hai, dân chúng chết đói khắp nơi. Trên toàn quốc, từ hang cùng, ngõ hẻm cho tới vùng rừng núi, chỗ nào cũng có ăn mày. Người người nằm gối đầu lên nhau mà chết. Đội quân của bọn Khả-hãn mỗi lúc một đông. Dân chúng lũ lượt kéo nhau về các trang ấp thuộc quyền của Trần Lý, Tô Trung-Từ để xin cứu đói. Bọn Khả-hãn thuật cho Thủ-Độ nghe, chỗ nào dân chúng cũng ca tụng công đức của bác Lý nhà nó. Họ đều nói: Phải chi công chúa Đoan-Nghi, phò mã Thủ-Huy trở về cầm quyền, thì dân đâu đến nỗi đói khổ thế này?
Nghe chuyện ông cha, hùng khí trong tâm nổi dậy. Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Bố-mẹ, chú bác ta đã làm lên những công nghiệp lớn. Ân đức như mưa, trải khắp nơi. Ta là con, là cháu, ta học kinh nghiệm của người đi trước, ta cũng phải làm được một cái gì. Ông, bác, cô, chú, cậu ta lấy chủ đạo mà dựng nghiệp bằng cách quy dân lập ấp, bảo vệ dân không bị cường hào ác bá không bị trộm cướp. Tại sao ta không mở rộïng chủ đạo ấy ra? Bây giờ trong lúc dân chúng đói khổ, trẻ mồ côi lê lết, không nhà, không cửa...Ta hãy dùng bóng ma ba đầu, lấy của bất nghĩa làm phương tiện giúp dân. Ta hãy xóa bỏ cái ranh giới nhỏ hẹp Thăng-long, gửi bọn Tây-hồ thập bát anh hào đi khắp nơi, quy tụ bọn ăn mày, người cùng khổ lại tổ chức cuộc sống no đủ cho họ.
Chiều hôm đó, sau khi bọn Thập-bát Tây-hồ ra các chợ kiểm soát đệ tử trở về. Chúng hớn hở kể cho Thủ-Độ, Mỹ-Vân cái tin con quỷ ba đầu hiện lên trong cung Triều-dương lấy hết vàng bạc, châu báu mang đi... làm rung động thành Thăng-long. Nhưng lần này con quỷ đánh rơi thanh kiếm trong sân cung. Thiên-sứ đại nhân tâu quả quyết: quỷ chỉ nhát người chứ không lấy vàng bạc. Ngài giải đoán rằng con quỷ ba đầu quả có thực. Còn vụ trộm vàng ngọc của sứ đoàn thì có kẻ mạo danh con quỷ để ăn trộm. Trên thanh kiếm có khắc dấu hiệu môn phái, thế hệ của kẻ trộm. Mặc dù quan Tổng-lĩnh thị vệ xin được nhận thanh kiếm, rồi căn cứ vào đó truy lùng thủ phạm. Thiên-sứ đại nhân không chịu trao kiếm, ngài lấy lý: Thị vệ Đại-Việt không làm tròn nhiệm vụ, thì có trao tang vật cho cũng vô ích.
Nghe dư luận, Mỹ-Vân bàn:
- Trên thanh kiếm của bọn Gia-thụy ngũ anh đều có khắc hình năm ngọn núi, biểu hiệu của phái Hoa-sơn. Dưới năm ngọn núi lại khắc chữ chỉ rõ chủ của thanh kiếm thuộc thế hệ thứ mấy. Huynh vô tình ném thanh kiếm của tên Đoàn Thượng vào trong sân cung Triều-dương, đã làm cho sứ đoàn với bọn Hoa-sơn nghi ngờ nhau. Bây giờ giữa bọn chúng đang có ngọn lửa âm ỷ cháy. Tội gì mình không đổ thêm dầu vào cho lửa bốc cao lên?
- Theo ý sư muội, ta nên làm gì?
- Thế này! Sư huynh đã biết xử dụng võ công Hoa-sơn. Sư huynh lại làm quỷ ba đầu đột nhập tư dinh bọn ngoại thích, bọn tham quan... cướp vàng bạc. Dĩ nhiên trong khi cướp, đai ca dùng võ công Hoa-sơn. Như vậy, kinh thành lại náo động rằng, con quỷ ba đầu không phải là hồn oan Thái-tử Long-Xưởng, mà là một bọn cướp. Triều đình sẽ chĩa mũi dùi vào bọn đồ tử, đồ tôn của Nam-thiên tiên tử...
Vốn thông minh, Thủ-Độ hiểu ngay:
- Sau đó ta lại làm quỷ ba đầu, đột nhập dinh của Đoàn Văn nhát vợ, con, gia thuộc y rồi kể tội y đã sai con trai, cùng gia tướng mạo danh ta, ăn trộm châu báu của sứ đoàn Tống. Rồi ta trừng phạt bằng cách giết mấy tên thủ hạ của y. Nhưng ngay bây giờ, ta hãy lo chuyện dầu sôi lửa bỏng là chuyện dân chết đói đã.
Mỹ-Vân bàn:
- Sau vụ sứ đoàn Tống bị con quỷ ba đầu lấy hết vàng bạc, ai cũng tin rằng không hề có con quỷ. Là người. Là cao nhân hành hiệp như Ưng-sơn song hiệp, Mộc-tồn vông thê hòa thượng, như Côi-sơn song ưng. Vậy đại ca thử vào cung Ngọc-lan dò xét tình hình xem sao?
- Ừ phải đấy.
Thủ-độ vào cung Ngọc-Lan. Vừa thấy nó, Thụy-Nga đã ra lệnh:
- Mi về đấy à? Mấy hôm nay mi có lên cơn điên không?
- Không!
- Tiên tử đang muốn tìm mi đấy!
- Tìm làm gì?
- Ta không biết. Mi hãy chuẩn bị để đêm rằm tháng tám dự tết Trung-thu. Tết Trung-thu năm nay, còn có cuộc tranh chức võ trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa của võ lâm. Mi cũng biết võ, Tiên-tử bắt mi phải ứng thí đó.
- Tôi mà cũng được dự thi à?
- Dĩ nhiên! Luật lệ ban ra rằng, sau khi tuyển trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa rồi, mà ai không phục, thì có quyền lên đài thách đấu.
- Thế giám khảo là ai?
- Gồm năm người. Hoàng-thượng thân ngồi ghế chánh chủ khảo. Có hai phó chủ khảo là Kiến-khang vương, Kiến-bình vương. Ngoài ra còn hai giám khảo nữa Đại Đô-đốc Phùng Tá-Chu, Hổ-uy thượng tướng quân lĩnh Kinh-Bắc tiết độ sứ Quách Bốc.
- Thế tại sao Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn, Phạm Bỉnh-Di lại không được cử làm giám khảo?
- Vì ba người ấy có con dự thi nên phải hồi tỵ.
- À thì ra thế.
- Thôi mi vào gặp Nam-thiên huyền-quân đi.
Thủ-Độ vừa bước vào Tam-thanh điện, chưa kịp hành lễ, thì đạo cô đã chỉ cái bồ đoàn:
- Người ngồi đó đi.
Đạo cô ngắm nhìn Thủ-Độ từ đầu đến chân rồi nói một mình:
- Giống quá! Giống quá. Đẹp hơn bố nhiều. Này Trần Thủ-Độ.
Thủ-Độ biết rõ Đạo-cô nguyên là Tuyên-phi Thụy-Hương thời vua Anh-tông. Trước khi được phong Tuyên-phi, đạo cô là người tình ba năm của bố nó. Khi bố nó kết hôn với mẹ nó, thì Thụy-Hương trở thành người tình của Thái-tử Long-Xưởng, với hy vọng sau trở thành hoàng hậu, để trả thù bố nó. Song Long-Xưởng không lấp được cái uất hận của Thụy-Hương. Thụy-Hương tìm cách bắt vua Anh-tông. Thành công! Được phong Tuyên-phi, rồi làm tan nát triều Lý. Nghe đạo cô nói giống quá! Giống quá, Thủ-Độ hiểu rằng hồi hoa tình mới nở giữa bà với bố nó. Bố nó đang tuổi mười bẩy.
Bây giờ Thủ-Độ đã ở tuổi mười lăm, mười sáu, nhưng nó vì nó luyện nội công âm dương nhiều, nên cơ thể to lớn bằng một thiếu niên mười bẩy mười tám. Cha con mường tượng giống nhau.
Thủ-Độ làm bộ ngơ ngác:
- Tiên tử nói sao?
Mắt đạo cô không rời Thủ-Độ:
- Mi họ Trần, tên Thủ-Độ. Cha mi là Trần Thủ-Huy. Mẹ mi là công chúa Đoan-Nghi. Mi quên rồi sao?
- Không phải. Hoàng hậu bảo đệ tử là cháu xa của người. Đệ tử họ Đàm, tên Độ. Đệ tử không phải họ Trần. Đệ tử thuộc ngoại thích của bản triều.
Nhìn Thủ-Độ, bao nhiêu kỷ niệm với Thủ-Huy hai mươi năm trước sống dậy: Yêu thương, nhớ nhung, hận thù. Trong lòng Thụy-Hương nảy ra một dục vọng:
- Ta sinh ra phải sống trong giả dối. Đời ta trải qua Thủ-Huy, Long-Xưởng, Anh-tông, Mạc Hiển-Tích. Từ ngày ta trở về Đại-Việt, giả làm đạo cô, song thực tế ta là Thái-hậu. Ta còn muốn gì hơn? Ăn ư? Ta muốn ăn gì cũng có. Mặc ư? Ta muốn mặc gì cũng được. Chỉ còn vấn đề phòng the mà thôi. Bây giờ tuổi ta ngày càng lớn, ta không hưởng đi, thì sau này sẽ hối tiếc.
Quay lại nhìn Thủ-Độ:
- Ta trả thù Thủ-Huy như vậy cũng đủ rồi. Cái chí đòi lại cố thổ của y tan ra mây khói. Y thành người vong quốc, lưu lạc trên đất Mông-cổ. Ta những định đánh lừa y với Đoan-Nghi về, tìm cách đánh thuốc mê bắt Đoan-Nghi, trói bỏ vào gầm dường. Sau đó ta với y tình tự trên dường cho y thị đau khổ. Tiếc rằng y thị vừa về đến nơi thì bị ám toán. Ta trút mối hận vào đầu đứa con của y thị. Ta biến con y thành đứa trẻ điên điên, khùng khùng; làm tôi đòi hèn hạ, ăn mày khắp kinh thành. Nhưng...thằng nhỏ này giống bố quá. Bây giờ nó trở thành một thiếu niên anh tuấn. Tại sao ta không dùng nó thay Thủ-Huy? Đã có biết bao nhiêu gã đàn ông là người tình của cả mẹ lẫn con gái. Ta cũng đã là người tình của cha con Long-Xưởng. Tại sao bây giờ ta không thể trở thành người tình của cha con Thủ-Huy?
Nghĩ vậy Thụy-Hương đổi thái độ:
- Này Đàm Độ! Người cũng học võ, vậy ngày rằm này người phải lên đài tỷ đấu. Biết đâu người không trúng tuyển tiến sĩ?
- Bản sự đệ tử không đủ, e lên đài sẽ mất mạng!
- Năm trước mi đã thắng Thái-tử Long-Sảm. Mi quên rồi sao?
- Thắng Thái-tử Long-Sảm? Đệ tử có đấu võ bao giờ đâu? Hôm ấy đệ tử đánh bừa, may mà trúng.
- Thôi, người đi tắm, rồi lên đây ăn cơm với ta.
Thủ-Độ kinh ngạc đến ngớ người ra. Vì từ ngày đến cung Ngọc-lan, trước mặt mọi người thì đạo cô gọi nó là thằng ngẫn ngờ, thằng khùng, thằng điên. Còn khi chỉ có hai người thì gọi nó là thằng chó đẻ, thằng lộn giống. Hồi đầu, nó ngạc nhiên, vì một đạo cô, sư phụ của nhà vua, của hoàng hậu, của tất cả các đại thần, mà lại có ngôn từ tục tằn thô lỗ như vậy. Sau khi Long-Sảm khai ra đạo cô là Tuyên-phi Vương Thụy-Hương thời vua Anh-tông, thì nó không ngạc nhiên nữa; vì trước kia, bà từng là người tình của bố nó. Bà căm hận bố nó bỏ bà, kết hôn với mẹ nó. Bây giờ thình lình bà đổi thái độ, trong lòng nó nghĩ:
- Trước kia bà trao cho cung nga Thụy-Nga theo dõi ta. Không lẽ bố ta trở về Đại-Việt, đang đi tìm ta, nên bà muốn giữ ta bên cạnh để gài bẫy hại bố ta?
Tắm rửa, thay y phục xong, Thủ-Độ lên Tam-thanh điện, đạo cô cũng đã thay y phục. Bà mặc quần trắng, áo tím, bằng lụa Nghi-tàm. Bà ôm lấy đầu nó ép vào ngực. Không tự chủ được, nó để bà ôm, mùi nước hoa Ngọc-lan thoang thoảng từ người bà tỏa ra.
Thủ-Độ tuy chưa trưởng thành, nhưng cơ thể nảy nở. Với cái tuổi của nó, thân xác bắt đầu phát triển. Thời bấy giờ, nếu nó là con vua, cháu chúa thì đã được cưới cho nhiều phi tần, cơ thiếp. Vì mồ côi cha mẹ, bị khinh khi, phải phiêu bạt...nó sống ở đầu đường xó chợ, lại gần gũi với bọn ăn mày, nên nó đã hiểu tinh tường chuyện tình ái. Tuy vậy nó chưa từng biết cái mùi Vu-sơn là gì. Bị đạo cô, tuy đáng tuổi mẹ nó thực, nhưng là một giai nhân tuyệt sắc, trong y phục mỏng sát da... ôm sát vào người. Bị kích thích cùng độ, người nó quay cuồng, trời đất đảo lộn, môi nó khô.
Đạo-cô hôn lên môi nó. Nó gần như lịm đi trong cái cảm giác thần tiên.
Hôn chán, Thụy-Hương cùng ngồi ăn với Thủ-Độ. Trong bữa ăn, Thụy-Hương luôn gắp thức ăn bỏ cho nó. Đầu óc nó hoang mang, không hiểu nổi hành động quá thân ái của đạo cô.
Ăn xong, Thụy-Hương ra lệnh cho cung nga dọn bát đĩa:
- Ta dạy đứa bé này mấy thức nội công. Tuyệt đối người không cho ai vào đây.
Nói dứt bà đứng dậy đóng cửa, cài then lại, nắm tay nó:
- Cháu hãy theo ta vào đây. Ta bảo gì, cháu cứ làm theo ta. Từ nay cháu sẽ sống sung sướng cạnh ta. Dù vua, dù hoàng hậu cũng không được được đụng chạm đến cháu.
Thụy-Hương lại ôm cứng Thủ-Độ, hôn khắp người nó. Bị kích thích, người Thủ-Độ nóng bừng lên. Thụy-Hương với nó lăn lên trên cái giường. Chợt Thủ-Độ nhớ lại lới bố nó thường dạy đệ tử:
" Con người ta, thân thiết với nhau như thầy trò, cha con, anh em, có thể ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, mặc chung quần áo... Không thể chung một người đàn bà".
Nó nghĩ thầm:
- Bà Đạo-cô này từng là người tình của bố ta. Bà là kẻ thù làm cho Đại-Việt tan nát. Chính bà xui nhà vua đẩy cha mẹ ta khỏi Đại-Việt. Bà cũng dự vào việc ám hại mẹ ta. Bây giờ bà định dùng ta như một con vật để thỏa mãn dâm tính ư?
Nó muốn đẩy bà ta ra, mà không có sức. Chợt có tiếng ai đó dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai nó:
"Vận khí vào qui đầu, đưa ngược lên huyệt Trung-cực, dẫn khí theo Dương-kiêu mạch, chuyển sang Đốc-mạch ở huyệt Đại-trùy. Tản khí ra khắp da".
Vốn cực kỳ thông minh, chỉ nghe qua, Thủ-Độ cũng biết đây là một thức tản công, không nguy hiểm gì. Nó vận khi tức thời. Người nó đang nóng bừng, căng thẳng như cái bong bóng, được thay thế bằng cảm giác mát mẻ, khoan khoái.
Ghi chú của thuật giả:
Thức Khí-công mà Thủ-Độ đã dùng để thoát nạn, tên là Tiêu-sơn hóa tinh pháp. Thức này nay còn lưu truyền. Chúng tôi đã cho thử nghiệm lại, đạt kết quả tốt, đem giảng dạy tại ARMA và viện Pháp-Á. Công dụng chính là giảm cơn thèm muốn của tình dục. Các nhà tu mà luyện được thì không còn sợ con lợn lòng biểu tình làm phá giới thể. Xin xem phụ lục trong quyển 2, Anh-hùng Đông-A dựng cờ bình Mông.
Thụy-Hương ôm Thủ-Độ, những tưởng khai mạc đời con trai của nó, thì tự nhiên cái ấy của nó trở thành mềm xèo. Kinh ngạc. Thụy-Hương cho rằng nó sợ quá nên chân khí bị thoát ra ngoài. Kinh nghiệm phòng the của bà mẹ xuất thân là kỹ nữ truyền thụ, lại trải qua trước sau gần chục đàn ông, Thụy-Hương thừa kinh nghiệm để đưa Thủ-Độ vào mê lộ. Nàng vuốt ve vào huyệt Quan-nguyên, Thận-du của Thủ-Độ. Người nó lại nóng bừng.
Giữa lúc đó có tiếng tên thái giám hầu cận hô lớn:
- Hoàng thượng cầu kiến Tiên-tử.
Thụy-Hương vội buông Thủ-Độ ra, bảo nó:
- Người cứ đứng hầu bên cạnh ta.
Rồi lên tiếng:
- Thỉnh Hoàng-thượng vào.
Nhà vua bước vào hành đại lễ:
- Thần nhi ra mắt mẫu hậu.
Thủ-Độ giả khùng, nên nó mở mắt thao láo nhìn nhà vua, không hành lễ. Nhà vua cũng không bắt lỗi nó.
- Có điều gì khẩn cấp không sắc diện Hoàng-nhi lại hoảng hốt vậy?
- Tâu mẫu hậu, vẫn chuyện con quỷ ba đầu.
- Ta đã nói rằng không hề có ma quỷ gì cả, đây là một cao thủ võ lâm hý lộng quỷ thần mà thôi. Hôm trước ta đã ban chỉ cho Khu-mật viện cùng bọn Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng Phạm Bỉnh-Di, Quách Bốc, Đoàn Văn, Nguyễn Nộn, Nguyễn Du phải tìm cho ra chiêu thức, nội công của tên này, thì mới biết căn của nó. Biết căn thì trị đâu có khó?
- Khu-mật viện tâu rằng, khi xưa Ưng-sơn song hiệp, Mộc-tồn hòa thượng, Côi-sơn song ưng từng tung hoành khắp Hoa-Việt, đương thời không ai tìm ra. Phải đợi đến cuối đời các vị ấy tự xuất hiện mới biết tông tích. Con quỷ ba đầu này hành tung còn kỳ bí hơn, thì sao mà tìm căn cho được?
Thụy-Hương cau mặt:
- Trong mấy vụ lớn y gây ra, chẳng lẽ y không xử dụng võ công?
- Trước sau nó gây ra sáu vụ khác nhau. Vụ đầu tiên tại cung An-toàn, không rõ lý do. Không làm chết ai. Thần nhi nhờ Kiến-bình vương thẩm vấn tên thị vệ bị nhát, thì người cho biết dường như y dùng một chiêu trong Hoa-sơn quyền pháp chính tông. Vụ thứ nhì tại Đông-cung, mục đích gì không rõ, mà Sảm nhi, Thẩm nhi cũng như bọn Thiện-nhân, Thái-giám, cung nga đều không dám khai, vì khi hiện hồn nó đe dọa, ai tiết lộ ra nó sẽ bắt hồn. Thần nhi sai Đô-thống Phan Lân điều tra võ công mà con quỷ dùng để khống chế bọn Gia-thụy ngũ-anh, thì Lân nhận ra đó là những chiêu Hoa-sơn quyền pháp. Vụ thứ ba nó quậy phá phủ Thái-sư, đem con gái Kinh-diên quan Phạm Kính-Ân trả về nhà. Trong vụ này y không xử dụng võ công nên không rõ. Vụ thứ tư, y quậy nhà tên đội trưởng hải đội Thăng-long, điều tra về cái chết của công chúa Đoan-Nghi, rồi nhát chết đạo sư Thiên-Sơn. Vụ này y cũng không xử dụng võ công nốt. Sang vụ thứ năm, y quậy dinh An-phủ kinh lược sứ Hồng-châu, cũng vẫn điều tra việc công chúa Đoan-Nghi bị ám hại. Nó nhát chết vợ Vũ Khải là Mỹ-Hồng. Tên thị vệ bị y khống chế thuật lại chiêu thức y dùng, thì cũng vẫn là võ công Hoa-sơn.
- Điều tra về cái chết của Đoan-Nghi thì chỉ có phái Đông-A, mà trong khắp Đại-Việt duy phái này biết xử dụng võ công Hoa-sơn mà thôi. Thế thì con quỷ là người phái Đông-A. Có gì mà không hiểu. Ta cũng đang muốn biết kẻ nào sát hại công chúa Đoan-Nghi. Cứ để cho phái Đông-A điều tra dùm. Hà!
- Tâu mẫu hậu, Khu-mật viện cũng tâu như thế. Song Kiến-khang vương bác. Vì những chiêu mà con quỷ ba đầu xử dụng thuộc bộ chưởng trấn môn của phái Hoa-sơn, mà chỉ một mình mẫu hậu với các đệ tử của mẫu hậu biết. Thần nhi nghi một trong bọn Lĩnh-Nam ngũ hổ hay Gia-thụy ngũ anh làm việc này, nên ra lệnh cho Khu-mật viện theo dõi. Manh mối đã tìm ra.
- Y là ai?
- Thần nhi chưa chắc cho lắm. Căn cứ vào vụ mới đây nó gây ra là đột nhập cung Triều-dương, lấy hết vàng, ngọc, bảo vật trong phòng chánh phó sứ, rồi bắt con gái đô thống Phan Lân là Phan Mỹ-Vân đem đi mất. Chiêu thức mà y dùng để khống chế tên thị vệ cũng lại là Hoa-sơn. Hôm sau, phó sứ Lâm Hoài Đức tìm ra thanh kiếm của con quỷ đánh rơi trong sân cung Triều-dương. Nhìn ký hiệu khắc trên chuôi kiếm, Lâm cho biết con quỷ thuộc phái Hoa-sơn, dưới quyền quản nhiệm của ngọn núi Công-chúa.
- Ta là Mao-nữ tiên tử, chưởng quản ngọn núi này, thì tất cả đệ tử Mao-nữ Hoa-sơn ta phải biết. Kiếm có khắc rõ thế hệ. Y thuộc thế hệ thứ mấy?
- Thứ hai mươi.
- Thế hệ thứ hai mươi thì chỉ có Gia-thụy ngũ anh. Y là đứa nào?
- Khu-mật viện điều tra, thì biết thanh kiếm đó của Đoàn Thượng. Khi hỏi cung, Thượng khai rằng, y được lệnh của cha, phục ngoài cung Triều-dương để rình bắt con quỷ. Y đã giao chiến với con quỷ. Võ công con quỷ rất cao. Nó bắt thanh kiếm của y, rồi ném vào trong sân cung. Kiến-khang, Kiến-bình vương cho rằng tất cả những vụ hý lộng quỷ thần đều do cha con Đoàn Văn gây ra.
- Chúng gây ra với mục đích gì?
- Theo như Đàm hậu, thì bọn Ngũ-hổ Lĩnh-nam ỷ là đệ tử của mẫu hậu. Sau cuộc thi võ ngày rằm tháng tám này, bọn Đoàn Thượng, Nguyễn Dư, Phạm Bỉnh-Du sẽ được trao binh quyền. Thanh thế của chúng càng mạnh thêm. Ngũ-hổ Lĩnh-Nam muốn hắt Thái-sư Đàm Dĩ-Mông, Thái-úy Đàm Thì-Phụng ra ngoài...mà không đủ sức. Nên chúng cố tình gây trấn động vụ án công chúa Đoan-Nghi, để phái Đông-A chĩa mũi dùi vào họ Đàm. Thần nhi định bắt giam cha con Đoàn Văn, ngặt vì Văn cũng như Thượng đều là đệ tử của mẫu hậu. Thần nhi phải tâu lên để mẫu hậu định liệu.
- Ta không tin cha con họ Đoàn dám làm chuyện ấy. Ta nghĩ có lẽ bọn nào đó bốc lửa bỏ bàn tay họ Đoàn mà thôi. Có thể họ Đàm đã làm vụ này.
Thụy-Hương suy nghĩ một lúc rồi ghé miệng vào tai nhà vua:
- Muốn giảm bớt thế lực họ Đàm, tại sao ta không dĩ độc trị độc.
- Thần nhi không hiểu ý mẫu hậu.
- Trước đây, vì ta âm thầm từ Tống trở về Đại-Việt, mà phải nhờ họ Đàm che dấu thân thế, để mẫu tử mới trùng phùng. Ta cũng dùng họ Đàm để diệt vây cánh của Đỗ An-Di, Đỗ Thụy-Châu, Mạc Hiển-Tích. Không ngờ, bọn Đàm Dĩ-Mông, Đàm Thì-Phụng lại muốn khuynh đảo triều đình. Hừ! Thụy-Hương này đâu phải là con đàn bà ngu như Cảm-Thánh? Như Thụy-Châu? Ta âm thầm đào tạo Lĩnh-Nam ngữ hổ tướng, rồi trao binh quyền cho chúng. Bây giờ ta lại đào tạo Gia-thụy ngũ-anh. Sau ngày rằm tháng tám này, ta sẽ cho bọn này nắm thêm các chức vụ then chốt. Rồi ta dùng bọn võ tướng xuất thân phái Đông-A để diệt bọn họ Đàm. Bọn Đông-A, bọn họ Đàm như trai cò, ta làm ngư ông hưởng lợi. Bấy giờ trong triều chỉ còn người của ta.
- À, thần nhi hiểu rồi. Việc công chúa Đoan-Nghi bị hại, phái Đông-A chưa biết. Trong triều hiện có Kiến-khang, Kiến-bình vương, Tiên-yên quốc công Phùng Tá-Chu, Đô-thống Phan Lân đều là đệ tử phái Đông-A. Sau ngày rằm tháng tám, thần nhi mời hai vương vào cung, báo cho biết nội vụ, trao cho hai vương truy lùng thủ phạm cùng tìm tung tích con quỷ ba đầu. Nếu hai vương có hỏi tại sao công chúa hoăng đã mấy năm, mà bây giờ mới công bố, thì thần-nhi cứ nói rằng triều đình dấu kín để điều tra.
Nhà vua nhìn Thủ-Độ:
- Thằng bé này đã khỏi bệnh chưa?
- Dường như đã hết điên. Trong đêm Trung-thu thi võ võ, ta sẽ cho nó ứng thí; rồi phong nó làm trưởng toán thị vệ cung Ngọc-lan này.
Nhà vua tuyên chỉ cho Thủ-Độ:
- Ta có việc cần mật tấu với mẫu hậu. Cho người lui.
Rời khỏi Tam-thanh đường Thủ-Độ trở về phòng ngủ. Nó nghĩ thầm:
- Mỹ-Vân hay thực. Bây giờ ta đã biết rõ kẻ thù giết mẹ ta là họ Đàm. Trong ba người đầy quyền lực họ Đàm là Dĩ-Mông, Thì-Phụng, Hoàng-hậu thì ai chủ trương? Tại sao chúng giết mẹ ta? Ta lại biết nhà vua nghi ngờ bọn Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng và ba đứa con nó trong Gia-thụy ngũ-anh. Không ai nghi ngờ gì bọn ăn mày với ta cả. Tốt lắm!
Sáng hôm sau Thủ-Độ lại giả lên cơn động kinh, rồi trốn khỏi Hoàng-thành, trở về Tây-hồ thủy-xá. Trên đường đi, nó thấy dân chúng chết đói nằm dọc dường không biết bao nhiêu mà kể.
Hồi mới về nước, quá đau khổ vì mẹ bị ám hại, Thủ-Độ dồn hết tâm tư vào việc truy tầm thủ phạm. Sau khi bị bọn Gia-thụy ngũ anh làm nhục, đánh đập, thì Thủ-Độ lại chú tâm làm sao diệt hết họ Lý, giết cả nhà bọn chúng để trả thù. Bây giờ trước cảnh dân chúng đói khát, ăn mày đầy dẫy khắp nơi. Trẻ con mồ côi lê lết, không chỗ nào mà không có. Nó cho rằng việc tầm cừu, trả thù không phải một ngày, hay một tháng mà xong. Trong khi việc cứu những người cùng khổ, như chữa cháy phải làm ngay. Một lần nữa, Thủ-Độ đổi thái độ. Nó để hết tâm chí vào việc này.
Nó nghĩ:
- Ta phải phân bọn Khả-hãn Tây-hồ đi khắp nơi, để quy tụ người nghèo, trẻ mồ côi, sao cho các nơi cũng giống như Thăng-long. Việc làm này không phải một huyện, một trấn, mà trên toàn quốc. Khi xưa vua Trưng hội các anh hùng ở hồ Động-đình, tế cáo Quốc-tổ rồi khởi nghĩa. Bây giờ ta cũng đem bọn Tây-hồ anh hào đi Phong-châu, lễ vua Hùng, rồi trước anh linh Quốc-tổ, Quốc-mẫu ta mới phân chúng đi khắp nơi.
Q9- Anh Hùng Đông-a Dựng Cờ Bình Mông Q9- Anh Hùng Đông-a Dựng Cờ Bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ