To love is to admire with the heart:

to admire is to love with the mind.

Theophile Gautier

 
 
 
 
 
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 51
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2714 / 81
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 22 - Hai Mươi Năm Tình Cũ
ẫn trong điện Uy-viễn.
Thủ-Huy hỏi Tăng Khoa:
- Tăng tướng quân! Tại sao tướng quân chưa cho quân tiến vào Hoàng-thành?
- Trình Thái-úy, khi tiểu tướng xua quân vào, thì Thái-sư Tô Hiến-Thành ra ngăn lại. Người ban một chỉ dụ của hoàng-thượng, bắt tiểu tướng phải trao binh quyền cho Mạc Hiển-Tích rồi vào bệ kiến. Tiểu tướng trả lời rằng, quân luật bản triều rất nghiêm, muốn tiểu tướng bàn giao thì phải có sự hiện diện của Thái-úy. Tô Thái-sư lệnh cho Mạc Hiển-Tích dàn quân, sẵn sàng chống lại, nếu tiểu tướng cho quân tiến vào Hoàng-thành. Tuy nhiên tiểu tướng đã cho bao vây Hoàng-thành bằng kị binh, thị vệ, và cấm quân.
Thủ-Huy hài lòng về người em kết nghĩa tinh, minh, mẫn, cán, và trung thành:
- Hiện trong Hoàng-thành, Hiển-Tích có bao nhiêu binh sĩ?
- Hiệu binh Sơn-Nam có bốn sư, thì tiểu tướng đã giải giới hai sư. Còn hai sư, khoảng hai nghìn rưởi người. Tiểu tướng đành chờ Thái-úy về quyết định, nên đánh vào hay không? Bởi nếu tiến quân vào, hai bên giao tranh, khó mà bảo toàn được sư an nguy của Hoàng-thượng, Hoàng-hậu, các phi tần, công chúa.
Thủ-Huy hỏi Nghĩa-Thành vương:
- Xin hoàng-thúc ban chỉ!
Nghĩa-Thành vương hỏi Kiến-Ninh vương:
- Cháu nghĩ sao?
- Cứ như Tăng phu nhân cho biết, thì anh Long-Xưởng của cháu lành ít dữ nhiều. Cái khó là không biết phụ hoàng, mẫu hậu các cung ra sao? Nếu như việc dàn quân là ý của phụ hoàng, thì ta không thể xua quân vào. Tăng Khoa hỏi:
- Không biết việc công chúa Đoan-Nghi với hai tỷ tỷ Phương-Lan, Kim-Ngân nhập Hoàng-thành hiện ra sao?
Thủ-Huy đang trì nghi, chưa quyết, thì thân binh báo:
- Có ngự-y Trần-thị Phương-Thanh xin cầu kiến.
Thủ-Huy vội đứng lên ra đón vào.
Lễ nghi tất.
Thủ-Huy hỏi:
- Thưa phu nhân. Phu nhân đã có mặt tại cung Tuyên-phi. Phu nhân đã khám nghiệm các tử thi, phu nhân có nhận xét gì?
Phương-Thanh trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Vừa nhìn sáu thái giám bị giết, tôi thấy rõ họ bị đánh bằng chưởng lực Hoa-sơn. Người đánh phải có nội công cao thâm hơn sư phụ của tôi. Bởi mỗi chiêu đánh ra khiến nạn nhân không bị vỡ đầu, thì cũng bị dập ngực, hoặc gẫy đôi người ra. Còn hai cung nữ thì bị giết bằng võ công Đông-A.
Thủ-Huy kinh hãi:
- Phu nhân nói sao? Họ bị chết vì võ công Đông-A ư?
- Đúng vậy. Một người chết vì chỉ lực, dường như là chiêu Phong-xuyên hoa lạc. Một người chết vì Bức-mạch chưởng, dường như là chiêu Đông-hải lưu phong.
Kiến-Ninh vương hỏi lại:
- Phu nhân có chắc thế không?
Phương-Thanh thản nhiên:
- Vương gia ơi! Trong thiên hạ này chỉ có võ công nội lực của phái Hoa-sơn là khi đánh trúng đối thủ, mới khiến cho đối thủ như bị đá đập vào người, thịt xương dập nát ra mà thôi. Tử thi sáu thái giám đều bị dập thịt, gẫy xương cả.
Thủ-Huy gật đầu:
- Phu nhân luận đúng. Còn thương tích hai cung nga?
- Gốc của võ công Đông-A do Thiền-công rồi biến đổi đi. Tuy vậy căn bản vẫn không mất. Trong thế gian này, duy Đông-A chỉ là khi đánh trúng người, mới khiến cho người đó cảm thấy cực kỳ sảng khoái mà chết. Cung nữ bị trúng chỉ nằm chết, mà mặt rất tươi, môi còn nở nụ cười. Còn một cung nữ nữa bị giết bằng chiêu Đông-hải lưu phong, dùng nội công Bức-mạch, bao nhiêu mạch máu vỡ ra mà chết.
Thủ-Huy gật đầu khâm phục. Công hỏi:
- Còn Tuyên-phi với hai cung nữ bị thương thì do võ công môn phái nào?
- Cả ba người chỉ bị thương nhẹ, mặt sưng, chân tay bầm mà thôi. Kết lại có hai cao thủ hiện diện. Một cao thủ Hoa-sơn, công lực cực kỳ cao thâm, người này giết sáu thái giám. Một cao thủ bậc trung phái Đông-A, người này giết hai cung nữ. Thế nhưng Tuyên-phi với Thạc-hòa Anh-văn phu nhân lại khai là mình Thái-tử đã ra tay. Nếu bảo rằng Thái-tử giết hai cung nữ thì tin được, vì người cũng luyện võ công Đông-A, công lực hung thủ ngang ngang với Thái-tử. Còn hung thủ giết sáu thái giám, thì chỉ... thì chỉ sư bá Tự-Hấp mới có công lực, chưởng lực Hoa-sơn đến trình độ đó mà thôi.
Tăng Khoa cãi:
- Thưa đại phu, sư bá Tự-Hấp là một đại tôn sư võ học, người đâu có ra tay giết bọn thái giám không biết võ công?
- Quân hầu đừng nghĩ lầm. Tôi chỉ ví von thế thôi, chứ tôi đâu có kết luận rằng sư bá Tự-Hấp làm việc đó? Một điều tôi kinh ngạc nữa nhưng không nói ra là, sáu thái giám hai cung nữ bị giết đều là người của Đông-cung.
Vú Loan giật bắn người lên:
- Đại phu nói sao? Họ là người Đông-cung ư?
- Đúng vậy, bởi khi tuyển thái giám cung nữ cho Đông-cung, chính tôi đã khám bệnh họ. Tôi nhớ cả tên họ nữa kia.
Thủ-Huy đứng dậy:
- Như vậy là Tuyên-phi phục sẵn người hại Thái-tử. Sau khi hại Thái-tử với vương phi, Như-Như, chúng ra tay giết sáu thái giám, hai cung nữ tùy tòng, rồi đổ cho Thái-tử.
Kiến-Ninh vương đập bàn nói với Nghĩa-Thành vương:
- Thưa chú, cháu không chịu được nữa rồi. Cháu quyết xua quân vào Hoàng-thành giết chết hai con ác phụ Triệu Mai-Hương với Vương Thụy-Hương rồi muốn ra sao thì ra.
Thủ-Huy nắm tay ông anh vợ!
- Hãy bình tĩnh. Nếu chọn đường lối xua quân, thì dễ quá rồi. Ngặt vì ném chuột sợ vỡ đồ. Ta phải tìm cách nào để giải cứu phụ hoàng, mẫu hậu với các phi cho an toàn đã.
Nghĩ ra một huyện Thủ-Huy hỏi Tăng Khoa:
- Tăng tướng quân. Tướng quân có biết con thuyền của bọn Hoa-sơn hiện đậu ở đâu không?
- Khi tiểu tướng đem quân về giải tỏa Thăng-long, nghe mẫu thân thuật chuyện, lập tức tiểu tướng cho phong tỏa con thuyền này với phủ Tể-tướng liền. Không thấy Vương Cương-Trung trong thuyền. Bọn thủ hạ của y gồm một trăm tám mươi người chỉ còn hiện diện chín mươi người. Còn trong phủ Tể-tướng thì không thấy Vân-Đài Trịnh Nam-Phương đâu cả.
Thủ-Huy tuyệt không ngờ người em sữa của Long-Xưởng lại minh mẫn đến vậy. Công nói mấy câu khen ngợi rồi gõ tay lên án thư:
- Tôi xin giải đoán như thế này: Tuyên -phi đã năn nỉ xin phụ hoàng ân xá cho bọn gian tế Tống. Sau khi Vương Cương-Trung cùng thủ hạ được thả ra thì y biết ta đang điều quân Bắc tiến. Nếu như y trở về Tống giữa lúc ta tiến quân tới Trường-sa, thì bọn mặt dơi, tai chuột trong Khu-mật viện Tống sẽ đổ hết tội lên đầu y, để che dấu cái thất bại của chúng. Chúng sẽ xin giết cả nhà Vương. Vì vậy Vương đánh một ván bài liều. Y bí mật nhập cung gặp con gái là Tuyên-phi với vợ là vú Mai thiết kế. Tuyên-phi bịa ra chuyện long thể phụ hoàng bất an, để dụ Thái-tử nhập cung. Rồi không biết bằng cách nào chúng hại được Thái-tử, vương phi, Như-Như. Sau đó chính Vương Cương-Trung dùng võ công Hoa-sơn giết sáu thái giám. Còn Tuyên-phi dùng võ công Đông-A giết hai cung nữ. Rồi Tuyên-phi với hai cung nữ tự làm bị thương, và cáo gian, đổ hết lỗi cho Thái-tử.
Nghĩa-Thành vương bàn:
- Như vậy trắng đen đã rõ rệt. Tôi sợ giờ này Vương Cương-Trung với hơn trăm thủ hạ đều hiện diện trong Hoàng-thành. Hoàng-thượng bị chúng kiềm chế, bắt ban chỉ giết chư vương, công chúa, phò mã. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc đánh tràn vào, cứu giá mà thôi.
Thủ-Huy quyết định:
- Chỉ có đường lối đó. Nếu chẳng may phụ hoàng băng hà, thì đất nước vẫn là đất nước Đại-Việt. Còn như để phụ hoàng bị chúng khống chế, thì có thể mất nước.
Công hỏi Tăng Quốc:
- Mình hiện có bao nhiêu thị vệ, cấm quân?
- Thưa Thái-úy thị vệ có một lữ, năm trăm người. Cấm-quân có hai lữ, một nghìn người. Tổng cộng một nghìn rưởi.
- Quân số của hai sư trong Hoàng-thành khoảng năm nghìn người. Muốn đánh chớp nhoáng để tránh thiệt hại phải cần một lực lượng gấp năm. Vậy cần đưa về ba hiệu binh. Oû đây ta đã có hiệu Ngự-long, Phù-Đổng, vậy chỉ cần đem hiệu Quảng-thánh ở Bắc-ngạn sang nữa là đủ. Khi đánh ta phải phân rõ nhiệm vụ. Thiên-tử binh tràn vào giết giặc. Nếu chúng ẩn trong các cung, các điện, thì hai đội võ sĩ Côi-sơn, Long-biên tiến vào giết chúng.
Chư tướng đều đồng ý.
Thủ-Huy trao lệnh bài cho Tăng Khoa:
- Ta đặt hai hiệu Quảng-thánh, Quảng-vũ đưới quyền của tướng quân. Hãy bao vây Hoàng-thành, nghiên cứu kế hoạch đánh sao cho thực mau, thực gọn, tránh thiệt hại.
Tăng Khoa rời điện Uy-viễn ra ngoài, thì thân binh vào báo:
- Có sứ giả tới.
- Sứ là ai vậy?
- Thưa là Đặc-tiến Thái-bảo, Càn-nguyên điện đại học sĩ Phí Công-Tín.
Thủ-huy vội ra đón.
Nguyên Phí Công-Tín xuất thân là quan văn, rồi sang cầm binh quyền, ông từng đánh Đông dẹp Bắc, lập được khá nhiều công lao. Mười năm trước ông lĩnh Binh-bộ thượng thư. Cách đây bốn năm, vì tuổi cao, thích an phận, hơn nữa xuất thân là nho gia, ông chủ trương quy phục Tống. Vì vậy, Thái-tử Long-Xưởng tâu xin nhà vua thăng ông lên hàm Thái-bảo, giao Binh-bộ cho Nghĩa-Thành vương. Oâng cũng như đám nho thần thủ cựu, cứ cho rằng bọn Long-Xưởng, Thủ-Huy là đám con nít, thì việc tổ chức binh bị không thể bằng ông. Bây giờ ông nhận chỉ dụ của nhà vua đi sứ. Từ Hoàng-thành tới điện Uy-viễn, ông thấy binh sĩ hiệu Ngự-long, Phù-Đổng hùng tráng, uy nghiêm, trên đời ông chưa từng nghe, từng thấy. Bất giác trong lòng ông nảy ra một niềm khâm phục.
Lễ nghi tất.
Phí Công-Tín lên tiếng:
- Hoàng-thượng có chỉ dụ. Xin chư vương với Thái-úy tiếp chỉ.
Nghĩa-Thành vương hô lớn:
- Tất cả quỳ xuống.
Phí Công-Tín cầm trục giấy đọc:
Thừa-thiên khải vận Đại-Việt
hoàng đế chiếu rằng:
Trẫm thất đức, sinh ra đứa con Long-Xưởng, y làm truyện nghịch thiên, bạo địa, bất trung, bất hiếu, trẫm truyền bắt giam. Trẫm giáng xuống làm Bảo-Quốc vương.
Nay niên kỷ trẫm đã cao, không thể một ngày không có trừ quân. Trẫm có bẩy con trai, duy con út là Long-Trát, khôi ngô, mới sinh ra, đã có khí tượng đế vương, có thể nối ngôi trẫm. Vậy trẫm phong làm Thái-tử. Trẫm chỉ định Lý Kính-Tu làm Kinh-diên quan, để dạy. Lại cử Tô Hiến-Thành lĩnh chức Thái-úy phụ-chính, bình-chương quân quốc trong-sự. Này Hiến-Thành, Kính-Tu, các người hãy noi gương Chu-Công, Gia-cát Vũ-hầu, mà gắng sức phò ấu chúa, làm lên sự nghiệp hiển hách.
Thiên-cảm Chí-bảo nguyên niên, tháng 9 ngày Giáp Ngọ.
Khâm thử.
Đọc chiếu xong, Phí Công-Tín hỏi Thủ-Huy:
- Hoàng-thượng được tin phò mã đem quân về Thăng-long. Người ban chỉ sai lão phu ra hỏi phò mã rằng tại sao, nước đang vô sự, Thăng-long không trộm cướp mà phò mã lại đem quân về là ý gì?
Thủ-Huy chỉ các thân vương:
- Thái-phó Ngô Lý-Tín mang chiếu chỉ lên Bắc-cương truyền cho chúng tôi phải về phục mệnh. Chúng tôi tuân chỉ mà về. Trên đường về, tôi được tin hiệu binh Sơn-Nam tiến vào Thăng-long, có ý bất thiện. Tôi là tướng cầm binh quyền toàn quốc, tôi phải điều quân về để bảo giá.
Kiến-Tĩnh vương tiếp lời Thủ-Huy:
- Thưa Thái-bảo, xưa nay các hiệu binh địa phương được dùng để bắt trộm, bắt cướp. Còn trong Hoàng-thành, chỉ có thị vệ được vào. Thế mà nay trong Hoàng-thành lại có đến hai sư binh địa phương. Quan tổng-lĩnh thị vệ yêu cầu cho thị vệ vào, thì Thái-sư Tô Hiến-Thành cản trở. Như vậy là loạn rồi. Cô gia thân làm tổng-lĩnh Thiên-tử binh, cô gia nhờ Thái-bảo về nói với Tô Thái-sư, phải cho quân Sơn-Nam rời khỏi Hoàng-thành ngay trong vòng một giờ. Bằng không thì trước hết cô gia đem toàn gia nhà Tô Thái-sư ra xử tử tận số, rồi đánh vào.
Thủ-Huy đứng dậy, tỏ ý tiễn khách. Phí Công-Tín rời điện Uy-viễn lên ngựa. Ngựa vừa cất bước, thì ông nhăn mặt ôm lấy đầu, rồi ngã lăn xuống đất. Tăng Khoa lách mình một cái đã đến cạnh ông, đỡ ông vào trong.
Thủ-Huy dẫn ngự y Trần-thị Phương-Thanh vào xem bệnh Phí. Thoáng nhìn gương mặt Phí, bà đã đuổi tất cả mọi người ra ngoài. Trong phòng chỉ còn mình Thủ-Huy với Nghĩa-Thanh vương mà thôi. Bà cầm mạch ông rồi mỉm cười nói với Thủ-Huy:
- Thưa Thái-úy, xin Thái-úy ghé tai vào miệng Thái-bảo. Người có truyện muốn nói với Thái-úy.
Khi Phí Công-Tín ngã ngựa, Thủ-Huy đã nghi ngờ rồi. Vì Phí tuy là quan văn, nhưng một đời ngồi trên mình ngựa, thì sao có thể ngã ngựa dễ dàng như vậy? Bây giờ nghe ngự y Phương-Thanh nói, công biết Phí giả ngã ngựa để được nói chuyện riêng với công. Công ngồi sát lại bên Phí.
Phí nói sẽ:
- Thái-tử bị đánh thuốc mê cùng với vương phi Trang-Hòa, quận chúa Như-Như, hiện bị giam ở phía sau cung Giai-phi. Hoàng-hậu, Thần-phi, bị cô lập ở cung Chiêu-Linh. Tuyên-phi cùng với mẹ là Triệu Mai-Hương, cha là Vương Cương-Trung, thêm Giai-phi Chế-bì La-bút, phu nhân Tể-tướng là Trịnh Nam-Phương đã đem hơn trăm võ sĩ Tống vào cung Long-Thụy khống chế hoàng-thượng. Còn đệ tử của Cương-Trung là Mạc Hiển-Tích thì chỉ huy hai sư Sơn-Nam, trấn đóng, bao vây các cung. Tuy vậy bên trong cũng có sự bất đồng ý kiến. Thái-sư Tô Hiến-Thành, Tể-tướng Đỗ An-Di thì cho rằng đã phế Thái-tử Long-Xưởng, bỏ tiến quân lên Bắc là xong rồi. Chủ trương này Tuyên-phi, Giai-phi, phu nhân Tể-tướng đều đồng ý. Nhưng Cương-Trung với vợ, lại muốn giết cho được Nghĩa-Thành, Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh vương, công chúa Đoan-Nghi với phò mã Thủ-Huy để tuyệt hậu hoạn. Binh Sơn-Nam tuy dưới quyền Mạc Hiển-Tích, nhưng hai sư trưởng thấy bọn võ sĩ Tống khống chế hoàng-cung, thì bất mãn ra mặt. Không biết lúc nào sẽ xẩy ra cuộc giao tranh. Bọn Cương-Trung đe dọa các đại thần rằng người của chúng tiềm ẩn trong tất cả các phủ, bộ. Nếu như người nào không theo chúng thì chúng sẽ giết cả nhà. Vậy lão phu báo cho Thái-úy biết để còn liệu mà dùng binh. Ngay trong phủ của lão phu cũng có ba tên.
Thủ-Huy nói thầm vào tai Phí:
- Tôi sai võ sĩ Côi-sơn đưa ngài về. Ngài chỉ mặt bọn võ sĩ Tống tiềm ẩn trong phủ ngài, võ sĩ sẽ giết chúng ngay.
Thủ-Huy gọi Tăng Quốc, công nói lớn:
- Phí Thái-bảo bị chóng mặt, lại ngã ngựa, không thể vào Hoàng-thành chầu hầu Hoàng-thượng. Vậy Tăng tướng quân khẩn sai võ sĩ Côi-sơn đưa ngài về tư dinh nghỉ ngơi.
Phí Công-Tín giả vờ run run đừng dậy, theo Tăng Quốc ra ngoài.
Tuy trong lòng nóng như lửa đốt, mà Thủ-Huy vẫn cố giữ bình tĩnh chờ hiệu binh Quảng-thánh, Quảng-vũ, vượt sông tiến về Thăng-long. Xế Ngọ, thì Tăng Khoa vào báo: Hai hiệu binh độ giang đã hoàn tất. Hoàng-thành được vây kín như thành đồng vách sắt. Binh Sơn-Nam sớn xác lo sợ.
Ghi chú của thuật giả:
Sự kiện này, ĐVSKTT chép như sau:
Giáp-Ngọ(1174). Thiên-cảm Chí-bảo nguyên niên, Tống Thuần-Hy nguyên niên...
Mùa Thu tháng 9, Thái-tử Long-Xưởng có tội, bắt giam, phế làm thứ dân. Trước đó Long-Xưởng thông dâm với sủng phi, vua không nỡ bắt tội chết, nên mới có chỉ này. Một hôm vua gọi Tể-tướng đến dụ rằng: Thái-tử là gốc lớn của xã tắc. Long-Xưởng đã làm điều vô đạo. Trẫm muốn cho Long-Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng y còn nhỏ quá, sợ không đương nổi. Nếu đợi lớn, thì trẫm đã tuổi già, suy yếu, biết làm thế nào? Bấy giờ có nội nhân ẵm Long-Trát ra, thấy vua đội mũ, khóc đòi đội. Vua chưa kịp tháo mũ đưa cho, thì càng khóc lớn. Vua bèn lấy mũ đội cho, Long-Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, ý lập Long-Trát làm Thái-tử đã định.
VSL chép tương tự.
Giáp-Ngọ (DL.1174) Thiên-cảm Chí-bảo nguyên niên, tháng giêng, cải nguyên.
...
Giáng Thái-tử Long-Xưởng xuống làm Bảo-Quốc vương, lập Long-Trát làm Thái-tử.
Long-Xưởng tính hiếu sắc. Những cung nhân được vua sủng ái, đều tư thông. Nhà vua ghét Xưởng về tội vô lễ này. Nguyên phi Từ-thị được vua sủng ái. Hoàng-hậu xui Long-Xưởng tư tình, để nhà vua nghi ngờ, ý muốn tạo cho Từ-thị không được vua gọi nữa. Từ-thị nhân đó tâu hết với nhà vua. Vua giận lắm mới phế Xưởng.
Một hôm vua thiết triều, nhũ mẫu bồng Cao-tông theo. Cao-tông khóc không ngừng. Vua lấy mũ đội cho, thì nín. Vua lấy làm lạ nói: « Đứa trẻ này tất hoàn thành đại nghiệp của ta đây ». Tháng 11 lập làm Thái-tử, giángXưởng xuống tước vương.
Trần-tộc vạn thế ngọc phả, của chi bốn, thuộc giòng dõi Chiêu-quốc vương Trần Ích-Tắc, để tại nhà từ ở thị xã Lãnh-thủy, huyện Chiêu-dương, tỉnh Hồ-Nam, Trung-quốc; phần chép về Ninh-tổ hoàng đế Trần Lý. Nguyên văn đoạn này như sau:
Vua có bẩy hoàng tử.
Hoàng trưởng tử Long-Xưởng do Chiêu-Linh hoàng hậu sinh vào niên hiệu Đại-Định thứ 12 (DL.1151, Tân-Mùi). Được phong tước Hiển-Trung vương, lập làm Thái-tử. Niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo nguyên nhiên (DL.1174, Giáp-Ngọ) bị giáng xuống làm Bảo-Quốc vương. Niên hiệu Trinh-Phù thứ sáu (DL.1181, Tân-Sửu) làm phản, bị hạ ngục, rồi bị Đỗ An-Di giết cả nhà, thọ 31 tuổi.
Hoàng-tử thứ nhì Long-Minh do Thần-phi Bùi Chiêu-Dương sinh vào niên hiệu Đại-Định thứ 11 (DL. 1152, Nhâm-Thân). Tước phong Kiểm-hiệu Thái-sư, Thượng-trụ quốc, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Trung-vũ quân tiết độ sứ, lĩnh đại đô-đốc, Kiến-Ninh vương. Bị giết niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo thứ nhì (DL.1175.). Thọ 24 tuổi.
Hoàng-tử thứ ba Long-Đức, cũng do Bùi Thần-phi sinh niên hiệu Đại-Định thứ 12 (DL.1153, Quý-Dậu) ra. Chức tước phong như sau: Dao-thụ Thái-bảo, Khu-mật viện sứ, Thượng-thư tả bộc xạ, Phụ-quốc thượng tướng quân, Long-thành tiết độ sứ, Kiến-An vương. Bị giết niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo thứ nhì (1175), thọ 23 tuổi.
Hoàng-tử thứ tư Long-Hòa do Quý-phi Hoàng Ngân-Hoa sinh niên hiệu Đại-Định thứ 11 (DL.1152, Nhâm-Thân). Chức tước phong như sau: Đặc tiến Thiếu-sư, Khu-mật viện sứ, Thượng-thư tả thừa, Trấn-Nam tiết độ sứ, Thượng-thư lệnh, Tả kim ngô thượng tướng, Tổng-lĩnh Thiên-tử binh, Kiến-Tĩnh vương. Bị giết niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo thứ nhì (1175) thọ 24 tuổi.
Hoàng-tử thứ năm Long-Ích, do Đức-phi Đỗ Kim-Hằng sinh niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 5 (DL.1167, Đinh-Hợi).Chức tước phong như sau: Dao-thụ Thái-phó, trấn Nam tiết độ sứ, Thượng-thư tả thừa, Kiến-Khang vương. Hoăng niên hiệu Kiến-gia thứ 2 (DL.1212 Nhâm-Thân), thọ 46 tuổi.
Hoàng-tử thứ sáu Long-Trát, do Thục-phi Đỗ Thụy-Châu sinh niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 11 (DL.1172, Nhâm-Thìn), tháng 5, ngày 25, niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo nguyên niên được lập làm Thái-tử. Năm thứ nhì được truyền ngôi. Băng niên hiệu Trị-bình Long-ứng thứ 6 (DL.1210, Canh-Ngọ), ngày 28 tháng 10, thọ 38 tuổi.
Hoàng-tử thứ bảy Long-Tường do Hiền-phi Lê Mỹ-Nga, sinh vào niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 12 (DL.1174, Giáp-Ngọ). Chức tước phong như sau: Thái-sư Thương-trụ quốc, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Thượng-thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc, tước Kiến-Bình vương. Niên hiệu Kiến-Trung thứ nhì đời đức Thái-tông nhà ta (tức Trần Cảnh), tháng tám, ngày rằm, vương cùng gia thuộc hơn 6 ngàn người bôn xuất.
Hồi đó Lý Long-Tường dẫn tông tộc rời Đại-Việt ra đi. Trần triều không biết đi đâu. Nay tôi được biết vương với hạm đội bị bão dạt vào Đài-loan. Nghỉ ít lâu, hạm đội của vương lại tiếp tục lên đường rồi dạt vào Cao-ly. Duy một người con của vương tên Lý Đăng-Hiền cùng gia thuộc hơn hai trăm người ở lại Đài-loan. Vương là khai tổ của giòng họ Lý tại Đại-hàn, thế tử Long-Hiền là khai tổ của giòng họ Lý tại Đài-loan hiện nay? Sự kiện này tôi sẽ thuật ở những hồi sau, bộ Anh-hùng Đông-A này. Tôi đã bỏ công sang Bắc cũng như Nam-Hàn, tìm các chi, hậu duệ của Kiến-Bình vương Lý Long-Tường, khảo gia phả của họ. Phần chi tiết tuy có sự khác biệt, nhưng đại lược vẫn giống nhau. Tổng-thống Lý Thừa-Vãn của Đại-hàn là hậu duệ đời thứ 25 của Kiến-Bình vương Long-Tường. Còn tổng thống Lý Đăng-Huy của Đài-loan có phải là hậu duệ của thế tử Lý Đăng-Hiền hay không, thì tôi không dám quyết, bởi Lý là giòng họ chiếm đa số ở Trung-quốc.
Cả ba sử liệu cùng chép rất mơ hồ về việc vua Anh-tông phế Long-Xưởng lập Long-Trát. Nhà vua có tới bẩy hoàng tử. Nếu sự thực Long-Xưởng phạm tội, phế xuống, sao không lập các con đã trưởng thành, tài trí xuất chúng, đang cầm đại quyền như Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh vương? Hoặc cùng quá, thì lập Kiến-Khang vương Long-Ích, năm ấy đã chín tuổi? Mà phải lập Long-Trát mới có 26 tháng làm Thái tử, rồi phải cử Tô Hiến-Thành làm phụ chính? Chỉ độc giả Anh hùng Đông-A mới biết sự thực mà thôi.
Trời bắt đầu ngả về chiều, Thủ-Huy ra sân viện Uy-viễn nhìn những áng mây Thu vàng úa theo gió heo may, trôi lang thang trên nền trời. Công nghĩ thầm:
- Không biết giờ này nghĩa huynh Long-Xưởng ra sao? Phụ hoàng ra sao? Mẫu hậu ra sao? Thần-phi ra sao? Đoan-Nghi ở đâu?
Chợt có tiếng quát tháo, tiếng vũ khí chạm nhau từ phía Hoàng-thành vọng lại. Rồi có tên thân binh báo:
- Trình Thái-úy, trong Hoàng-thành có cuộc giao tranh, nhưng không biết ai đánh với ai.
Thủ-Huy vội lên ngựa, vọt tới cửa Nam, thì Tăng Khoa đã có mặt ở đó từ bao giờ. Tăng Khoa báo:
- Trình Thái-úy! Bọn võ sĩ Tống đang giao tranh với binh Sơn-Nam.
Thủ-Huy quyết định mau chóng:
- Dùng loa gọi vào báo cho binh Sơn-Nam biết, ta trợ giúp họ diệt bọn Tống. Dùng kị binh bao vây bên ngoài. Dùng Thiên-tử binh tràn vào Hoàng-thành thanh toán giặc. Còn những tên ẩn vào trong các cung, điện thì dùng thị vệ, cấm quân, võ sĩ Côi-sơn, Long-biên thanh toán.
Tăng Khoa truyền lệnh rất mau. Trong khoảnh khắc, kị binh dùng loa gọi vào trong Hoàng-thành:
« Cùng chư binh tướng hiệu binh Sơn-Nam!
Bọn Tống đang phạm giá Hoàng-thượng cùng chư vị đại thần. Các người là binh, là tướng. Các người ăn cơm, mặc áo của triều đình. Các người hãy can đảm dùng sức cứu giá. Thiên-tử binh, thị vệ, cấm quân, võ sĩ Long-biên, Côi-sơn sẽ vào cùng ra sức giết giặc. Ta, phò mã, Thái-úy phụ-quốc Trần Thủ-Huy đích thân chỉ huy trận chiến này. Các người hãy mở cửa thành cho mau».
Loa vừa dứt, thì bốn cửa thành mở toang. Hai đội võ sĩ Long-biên, Côi-sơn vọt vào như những mũi tên. Thị-vệ, Cấm-quân Thiên-tử binh theo sau. Không đầy một khắc, thì đã thanh toán hết bọn võ sĩ Tống, chiếm các cung, các điện dễ dàng.
Thủ-Huy, dẫn chư vương tiến vào Hoàng-thành.
Tăng Khoa báo cáo:
- Giết bốn mươi lăm võ sĩ Tống. Tất cả các cung, các điện đều vô sự. Mười tám binh Sơn-Nam tuẫn quốc. Chỉ còn có cung Long-hoa là chưa chiếm được mà thôi. Hiện võ sĩ đã vây kín bên ngoài.
- Hoàng-hậu, với các phi đâu?
Có tiếng nói đầm ấm ngay bên cạnh:
- Phò-mã, người hay thực. Ta với hoàng-hậu vẫn bình an. Thần-phi Bùi Chiêu-Dương (sinh mẫu công chúa Đoan-Nghi,) chỉ tay về phía trước. Thủ-Huy nhìn theo, thì thấy Hoàng-hậu trong võ phục, lưng đeo bảo kiếm đang tiến tới. Hậu nói:
- Bọn Tô Hiến-Thành nói rằng phụ hoàng có chỉ dụ bắt chúng ta đâu ở yên đấy. Bên ngoài thì dùng binh Sơn-Nam bao vây, nên chúng ta phải chịu phép. Bây giờ binh Sơn-Nam mở vòng vây, chúng ta mới được ra.
Thủ-Huy tường trình sơ lược tình hình lên hoàng-hậu. Hoàng-hậu quyết định:
- Con cứ đánh vào cung Long-hoa, giết hết bọn Tống. Dù phụ hoàng, dù anh Long-Xưởng có tuẫn quốc, thì ta còn Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh. Dù họ Lý có tuyệt tử tuyệt tôn, thì đất nước này vẫn còn.
Tăng Khoa báo:
- Thái-úy! Hiện Hoàng-thượng, cùng chư đại thần đều bị khống chế ở Long-hoa đường. Xin Thái-úy quyết định.
Thủ-Huy chưa kịp ban lệnh, thì một cung nữ chạy ra cung tay:
- Hoàng thượng ban chỉ mời chư vương, phò mã vào triều kiến.
Kiến-Ninh vương đưa ý kiến rất mau:
- Dù bọn Tống có đông đến đâu, ta há sợ sao? Nhị ca, chúng ta vào thôi.
Nghĩa-Thành vương đi trước, tiếp theo là ba vương Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh, rồi tới Thủ-Huy.
Bên trong, Thiên-cảm Chí-bảo hoàng đế ngồi trên chiếc sập. Phía sau là Vương Cương-Trung, Mạc Hiển-Tích, cùng khoanh tay đứng hầu. Bên trái ngài có hai người ngồi: Thục-phi Đỗ Thụy-Châu bế Thái-tử Long-Trát, cạnh đó là Giai-phi Chế-bì La-bút. Bên phải là các đại thần cùng đứng thõng tay. Tại các cửa Long-hoa đường, bọn võ sĩ Tống tay thủ võ khí trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Nghĩa-Thành vương hô lớn:
- Bọn thần giáp trụ trên người, không hành đại lễ được, xin bệ hạ xá tội.
Nhà vua chỉ ghế:
- Ngự đệ cùng các vương nhi an tọa.
Thình lình có tiếng nói trầm, nhưng rất lớn:
- Khoan!
Năm lưỡi đoản kiếm bay tới cắm vào năm cái ghế, mà bọn Nghĩa-Thành vương định ngồi. Rồi một nam, một nữ bịt mặt, cùng xuất hiện, phía sau còn có một đôi nam nữ tuổi khoảng trên hai chục theo hầu; nữ mặc quần đen, áo xanh, nam mặc quần áo trắng. Cả bốn người đều có con chim ưng lông mầu nâu đậu trên vai.
Vương Cương-Trung hỏi:
- Phải chăng bốn vị là Côi-sơn song ưng?
Thiếu nữ áo xanh trả lời:
- Chính thị!
Người đàn bà bịt mặt hừ một tiếng rồi nói:
- Hoa-sơn là danh môn chính phái. Ngày xưa tổ Trần Đoàn nức tiếng thiên hạ về đạo đức, mà nay sao đồ tử đồ tôn lại đốn mạt đến thế này? Chưa đánh nhau, đã dùng thuốc độc hại người, thì rõ ràng là tự biết mình hèn kém rồi.
Giọng nói của bà ngọt như cam thảo, dường như của một thiếu nữ mười tám đôi mươi. Bà chỉ vào năm cái ghế nói với Thủ-Huy:
- Năm cái ghế là năm tên quỷ Vô-Thường, nếu các người ngồi xuống, thì sẽ trúng độc, chân tay tê liệt. Bấy giờ người ta muốn băm vằm, muốn mổ thế nào thì làm.
- Các người là Côi-sơn song ưng hẳn?
Giai-phi Chế-bì La-bút hỏi:
- Các người có biết đây là đâu không? Dù các người có võ công cao đến thế nào chăng nữa, thì các người cũng là con dân Đại-Việt. Thế mà các người thấy thiên-tử lại không hành đại lễ!
Chỉ thấy thấp thoáng bóng xanh, rồi bốp, bốp. Giai-phi bị thiếu nữ áo xanh tát hai cái. Nàng mắng:
- Cho mi hai cái tát, để mi không được vô phép với chúng ta. Chúng ta là ai thì cũng không đến cái con Hàn Dũ-Linh được tra hỏi. Mi tưởng bọn bị thịt Hoa-sơn phong cho mi chưởng quản ngọn núi Mao-Nữ là võ công mi giỏi ư? Hay mi tưởng mi là Giai-phi rồi lên mặt dạy đời ư?
Nàng chỉ vào người đàn bà bịt mặt:
- Ta chưa hỏi tội cái gã Thiên-Tộ kia, sao chưa quỳ gối trước lão nhân gia là may rồi. Ta ra lệnh: Mi im cái mõm lại, bằng không ta lấy tính mệnh mi ngay.
Giọng nói của nàng cực kỳ uy nghiêm.
Mọi người thấy chiêu số của thiếu nữ áo xanh rất bình thường, có điều nàng ra tay nhanh quá, nên Hàn Dũ-Linh không tránh kịp mà thôi. Tất cả các cao thủ hiện diện đều tự hỏi:
- Nếu như vừa rồi, thiếu nữ áo xanh tát mình, thì mình cũng không tránh kịp.
Mạc Hiển-Tích rút kiếm ra, chỉ vào mặt bốn người mới tới:
- Hoàng-thượng ban chỉ cho bốn vị vương gia với phò mã an tọa, các người ở đâu xen vào rồi nói láo là ghế có thuốc độc. Tại sao các người lại bất kính với Thiên-tử như vậy?
Thiếu-nữ áo xanh rút kiếm lao tới trước sập nhà vua, tay nàng như dài ra, kiếm phớt qua đầu Hiển-Tích. Hiển-Tích gạt ngang kiếm đỡ. Nhưng y đỡ vào quãng không. Cườm tay y bị đau điếng, rồi tê liệt, kiếm rơi xuống nền cung kiêu lên tiếng choang. Tay trái Hiển tích ôm tay phải lùi lại, máu chảy ròng ròng. Y bị thiếu nữ áo xanh đâm trúng huyệt Thần-môn.
Mặt y tái mét.
Thái-sư Tô Hiến-Thanh chỉ năm cái ghế:
- Hoàng thượng ban chị cho chư vương an tọa. Hà cớ các vị bảo đó là con quỷ Vô-Thường?
Thấp thoáng, một cái, thiếu niên áo trắng lách mình nhanh không thể tưởng tượng được, tay y đã túm cổ một tên võ sĩ Tống đặt xuống một trong năm cái ghế. Tên võ sĩ Tống kinh hãi, vội vọt người lên cao rồi tà tà đáp xuống. Nhưng khi y đáp xuống thì té đến ạch một cái, nằm thẳng cẳng, mặt tím bầm, máu từ thất khiếu ( 2 mắt, 2 tai, hai mũi, và miệng ) ri rỉ chảy ra, rồi nằm bất động. Dường như y đã chết.
Thủ-Huy nhìn Nghĩa-Thành vương, tất cả đều bở vía. Giá như vừa rồi, không có bốn người này tung kiếm cản, thì cả năm người đã chết rồi.
Thiếu-nữ áo xanh xê dịch thân mình, nàng đã túm áo Tô Hiến-Thành:
- Ta sẽ cho người ngồi trên cái ghế này để nếm mùi.
Hiến-Thành run lẩy bẩy. Người đàn ông bịt mặt ra lệnh:
- Linh-Linh, hãy tha cho Tô Thái-sư. Vụ bôi phấn độc lên ghế là do Tuyên-phi Thụy-Hương mật làm. Y không biết.
Thiếu-nữ áo xanh buông Tô Hiến-Thành xuống.
Thủ-Huy hướng Vương Cương-Trung nói:
- Người đường đường là một đại cao thủ phái Hoa-sơn, xuất thân tiến sĩ, hàm tới Thái-bảo, tước tới công, mà sao lại có hành vi hèn hạ như vậy? Các người hèn hạ, biết không thể đánh với Đại-Việt, quay ra lừa bịp mấy thiếu nữ, dùng thân xác họ làm trò mua vui cho đàn ông, để mưu chiếm nước ta. Việc làm bị vỡ lở, thay vì người tự tử, để giữ cái cao ngạo của kẻ sĩ thì người lại núp bóng mấy người phụ nữ, rồi vào đây mưu đồ bất chính. Bây giờ tất cả bọn gian tế, do người cho tiềm ẩn vào làm gia nhân các đại thần đều bị bắt. Bên ngoài, giáp sĩ của ta bao vây kín như thành đồng vách sắt. Dù người có cánh cũng không thoát khỏi. Người hãy đầu hàng đi thôi.
Vương Cương-Trung rút kiếm kề vào cổ nhà vua, rồi chỉ ra tám cái cửa cung Long-hoa:
- Hừ! Người bao vây ta ư? Nhưng trong điện này ta có hơn trăm võ sĩ. Các người có tài thì cứ đánh vào đi. Chúng ta có chết, thì cũng có gã Thiên-Tộ này cùng chết. Nhà vua run run:
- Vương Thái-bảo! Lúc nào trẫm cũng nghe lời Thái-bảo, mà sao Thái-bảo lại kề kiếm vào cổ trẫm?
- Vậy thì dễ quá! Xin quốc-vương ban chỉ cho bọn Côi-sơn phải rời khỏi đây.
Nhà vua còn đang ngần ngừ thì Cương-Trung khẽ đẩy mũi kiếm một cái. Nhà vua nhăn mặt kêu đau, rồi xua tay:
- Côi-sơn song ưng! Các vị mau rời khỏi đây, rồi trẫm sẽ ban cho nghìn lượng vàng.
Thình lình một cung nga xẹt tới, tay rút kiếm đâm sau lưng Vương Cương-Trung. Thân-pháp nàng nhanh không thể tưởng tượng được. Cương-Trung kinh hãi vội, xoay kiếm về sau đỡ kiếm của người kia. Hai kiếm chạm nhau tóe lửa. Cương-Trung mượn thế tung mình nhảy lên cao.
Thủ-Huy nhận ra cung nữ đó là công chúa Đoan-Nghi thì mừng vô hạn.
Tuy Cương-Trung tránh rất nhanh, nhưng Đoan-Nghi cũng nhảy theo. Cương-Trung rơi xuống thềm, thì mũi kiếm của Đoan-Nghi thủy chung vẫn truy kích như bóng với hình. Quá kinh hãi, y hét lên be be, lăn mình đi ba vòng, rồi tung người dậy. Nhưng mũi kiếm lại chỉ vào ngực y.
Một cung nữ quát lên:
- Đánh trộm người ư?
Y thị cầm cái ghế phang vào lưng Đoan-Nghi. Đoan-Nghi phải thu kiếm về gạt cái ghế. Nhờ vậy Cương-Trung được an toàn. Chân đứng trung bình tấn, lưng khòm khòm, tay thủ kiếm, y run run nói một mình:
- Mê-linh kiếm pháp.
Đoan-Nghi nhìn lại xem cung nữ tấn công mình là ai? Thì hóa ra vú Mai. Tình cảm của Đoan-Nghi với vú Mai vẫn chưa hết. Nàng kinh ngạc:
- U...U...U.. Tại sao u lại đánh con?
Nói dứt nàng chợt nhớ ra rằng vú là Công-Chúa tiên tử Triệu Mai-Hương của phái Hoa-sơn, là vợ của Cương-Trung, tức thị vệ Từ-Nam, dĩ nhiên bà phải cứu y.
Mặc Đoan-Nghi nói, vú Mai không trả lời, bà rút kiếm tấn công Đoan-Nghi bằng những chiêu hiểm độc nhất, giống như lối đánh cả hai cùng chết. Đoan-Nghi nhận ra kiếm pháp của vú là kiếm pháp Hoa-sơn. Tình nghĩa mẹ sữa nồng nàn suốt bao nhiêu năm, khiến Đoan-Nghi chỉ biết lùi, biết đỡ, mà không dám đánh trả.
Trong khi Đoan-Nghi truy kích Cương-Trung, thì Thủ-Huy tung mình đến dùng một thế Ưng-trảo, định chụp nhàø vua, rồi vọt ra khỏi cái sập. Giai-phi Chế-bì La-bút quát lên một tiếng, mụ phát chưởng đánh thẳng vào người Thủ-Huy. Thủ-Huy vội biến trảo thành chưởng đỡ. Bình một tiếng, công bật tung về sau. Công cảm thấy cánh tay ê ẩm. Bất giác công bật lên tiếng khen:
- Thực không hổ danh là Mao-Nữ tiên tử phái Hoa-sơn.
Giai-phi Chế-bì La-bút biết rằng nếu không khống chế nhà vua, thì khó thoát khỏi cái chết hôm nay. Phi trút kiếm định dí vào cổ ngài, thì chỉ thấy hoa mắt một cái, cung nữ đứng sau lưng Tuyên-phi Thụy-Hương đã tung ra một vật tròn to bằng quả bưởi. Vật đó mở ra, xòe thành cái chài, chụp phi vào trong. Phi dùng kiếm gạt chài, thì các viên chì trên chài đã đánh vào huyệt Khúc-trì, Đại-trùy, toàn thân phi bị tê liệt.
Thủ-Huy nhận ra cung nữ bắt sống Chế-bì La-bút là bà chị dâu Phương-Lan của mình, thì mừng chi siết kể.
Nhờ vú Mai cản trở Đoan-Nghi, mà Cương-Trung rảnh tay, y đánh liền ba chiêu thực thần tốc vào người Phương-Lan để cứu Giai-phi. Phương-Lan vung tay lên, cái chài cuộn tròn Giai-phi đưa ra đỡ kiếm của y, khiến y phải thu kiếm nhảy lùi lại. Phương-Lan quẳng Giai-phi trước Thủ-Huy.
Biết nguy hiểm, Cương-Trung lại dí kiếm vào cổ nhà vua như cũ:
- Tất cả ngừng tay, bằng không ta nhả kình lực.
Nói dứt y áp kiếm vào cổ nhà vua mạnh hơn. Nhà vua đau quá, quýnh lên:
- Các người mau ngừng tay!
Mọi người đành tuân chỉ, thu chiêu, lùi lại. Duy Đoan-Nghi với vú Mai là vẫn chiết chiêu.
Ưng-sơn nam hiệp cất giọng trầm trầm nói với Vương Cương-Trung:
- Vương Thái-bảo, ta có món quà ban cho người.
Nói dứt ông đưa mắt cho thiếu niên theo hầu. Thiếu niên tung vào người y một cái túi lớn. Cương-Trung lia kiếm xỉa vào cái túi. Cái túi bị rách, có năm sáu vật rơi lốp bốp xuống nền điện. Cương-Trung nhìn lại, thì là đầu của chính thê, thứ thiếp, và ba đứa con của y.
Y hét lên:
- Đồ hèn hạ!
Quá căm hận, quên cả khống chế nhà vua, Cương-Trung tung người, xả kiếm vào người thiếu niên, kình lực rít lên vo vo. Hai người thi diễn cuộc đấu.
Hoàng-hậu cũng đã vào trong cung. Bà rút kiếm đứng sau nhà vua, cùng Phương-Lan hộ giá.
Tất cả những hỗn loạn đó đang diễn ra, Tăng Khoa đứng ngoài cung Long-thụy thấy rất rõ. Hầu hú lên một tiếng, đám võ sĩ Côi-sơn, Long-biên xông ngay vào tấn công bọn võ sĩ Tống.
Cung Long-hoa rối loạn cả lên. Nhưng thực lạ lùng, tự nhiên đám võ sĩ Tống bị sùi bọt mép, rồi ngã lộp bộp xuống mê man. Võ-sĩ Côi-sơn chỉ việc trói lại. Trong khoảnh khắc, đám võ sĩ Tống bị bắt trọn vẹn.
Vương-Cương-Trung với thiếu niên vẫn chiết chiêu đến một mất một còn.
Hơn mười người từ ngoài vào trong cung. Người đi đầu là Long-Xưởng, thứ đến vương phi Bùi Trang-Hòa, Lý Kính-Tu, Ngô Lý-Tín, Phí Công-Tín, Như- Như, Kim-Ngân.
Kiến-Ninh vương nhớ tới vụ bàn với Thủ-Huy giết sạch bọn quan lại ù lỳ, phản phúc, rồi Nghĩa-Thành vương phản đối, và đề nghị hỏi ý kiến Long-Xưởng. Vương đến bên anh, nhắc lại việc ấy.
Nghe em thuật, Long-Xưởng nghĩ thầm:
- Lần này phụ hoàng, mẫu hậu, với ta cùng bị bọn Tống hại suýt nguy đến tính mạng; phải nhờ đến Thủ-Huy cứu viện. Công này quá lớn! Sự việc yên, uy tín bọn Đông-A với Thủ-Huy lên đến cực điểm. Chắc phải phong vương cho y là điều ta không muốn. Sau này muốn trừ y cực khó. Bây giờ bọn văn thần chống ta như cá nằm trên thớt. Ta phải nhân chúng đang sợ hãi mà phủ dụ chúng, thì chúng sẽ quy phục ta. Ta sẽ dùng chúng để chống bọn Thủ-Huy, Tăng Quốc, Tăng Khoa, Đào Duy, Như-Yên, Như-Như...
Nghĩ vậy Long-Xưởng vội xua tay:
- Em nóng nảy quá như vậy thì e hỏng đại sự. Em ơi! Bọn văn quan sở dĩ có thái độ đó là lỗi ở trong nhà mình mà ra. Từ Chiêu-Hiếu hoàng thái hậu cho tới Cảm-Thánh hoàng thái hậu đã ngu dốt, mà lại học đòi theo Linh-Nhân hoàng thái hậu, rồi lộng quyền. Các quan như ngọn cỏ, gió chiều nào theo chiều đó, một là lo bảo vệ địa vị, hai là sợ mất mạng. Sau vụ này, thì ta sẽ đưa vài tên đầu sỏ ra xử, giết thực thảm khốc, là từ nay không tên nào dám ho he nữa. Ta làm theo Khổng-tử: Sát nhát nhân, vạn nhân cụ (giết một người khiến vạn người sợ).
Thấy vú Mai cứ tấn công, mà Đoan-Nghi chỉ chống đỡ, Kim-Ngân cười lên một tiếng, rồi nàng phát hai chỉ hướng hai người. Choang, choang, kiếm của Đoan-Nghi, vú Mai cùng rời khỏi tay, bay lên cắm vào nóc cung. Chuôi còn rung động không dứt. Kim-Ngân lạng mình sang phải, nàng tung ra cái chài, chụp vú Mai. Vú Mai nhảy vọt lên cao tránh, Kim-Ngân chuyển tay một cái. Chài hướng lên trên, chụp vú Mai nằm gọn bên trong.
Ưng-sơn nam hiệp lạng mình đến chụp cái chài, gỡ vú Mai ra ngoài. Ông nói với Kim-Ngân:
- Con bé! Đây là người mà ta cực kỳ sủng ái. Tuy nàng có tội với Đại-Việt, nhưng ta xin con bé tha cho nàng.
Kim-Ngân ngước mắt nhìn lên trần nhà mỉm cười. Nàng lễ phép:
- Dạ! Khi Ưng-sơn tuyên án ai có tội thì không bao giờ sai. Ngược lại, khi bảo ai vô tội thì chắc cũng thế...
Ưng-sơn nam hiệp bồng vú lên, rồi nói bằng giọng cực kỳ ôn nhu:
- Em! Thì ra em đấy ư? Từ ngày ấy đến giờ, anh vẫn tìm em, chờ em. Anh không nhìn đến một người đàn bà nào khác. Anh là Người đòi nợ đây.
Đòi nợ là một thuật ngữ đặc biệt, mà trên thế gian này chỉ có thư sinh tình quân của Mai-Hương với nàng mới biết ý nghĩa mà thôi. Câu chuyện cực kỳ lãng mạn, tuy hơn hai mươi năm qua, mà Mai-Hương vẫn còn nhớ:
« Bấy giờ Mai-Hương tuổi đã mười sáu, nức danh cầm ca đế đô Thăng-long. Nào thân-vương, nào đại thần, nào danh dĩ, nào võ học danh gia cầu hôn. Nhưng nàng đều từ chối. Một ngày, có thư sinh làm một bài ca xin cầu kiến với nàng. Bài ca như sau:
Hoa đào rực nở ngày Xuân,
Má hồng tiên nữ giáng trần phải chăng?
Tây-Thi, Phi-Yến sao bằng?(1)
Phải người thanh khí lẽ hằng đó sao?
Giai nhân nan tái đắc,(2)
Một thoáng nhìn đã biết bạn tri âm.
Kẻ đa tình, ngày nhớ, đêm mong,
Trăm năm nữa cũng vẫn ghi tâm khắc cốtù.
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.(3)
Nhớ xưa kia họ Chử, không khố, dưới lau,
Gặp công chúa, cùng nhau thành giai ngẫu.(4)
Công hầu khanh tướng gì chăng nữa,
Cũng không không bằng kẻ sĩ biết yêu.
Nghe chăng? Hiểu được ít nhiều!
Ghi chú của thuật giả:
(1)Tây-Thi. Nhân vật huyền sử người nước Việt, Phạm Lãi dùng kế dâng cho vua Ngô là Phù-Sai. Phù-Sai say mê, chiều theo tất cả những đòi hỏi của nàng, làm cho Ngô suy yếu, rồi bị Việt-vương Câu-Tiễn đánh bại, mà mất nước.
Phi-Yến, họ Triệu, là một phi tần của vua Hán, nổi tiếng xinh đẹp, làm nghiêng ngửa giang sơn nhà Hán.
(2) Người đẹp khó mà gặp được hai lần.
(3) Thơ cổ: Người đẹp xưa nay cũng như những tướng giỏi, khó để nhân gian thấy tóc bạc. Ý chỉ chết non.
(4) Hai câu này lấy tích trong huyền sử Việt: Hai cha con họ Chử nghèo đến độ chỉ có một cái khố. Khi ai ra ngoài thì mang vào người. Một ngày kia Chử phụ sắp qua đời mới dặn con rằng: Bố chết rồi thì con đừng chôn khố theo bố, hãy giữ mà mặc. Nhưng khi bố chết rồi thì Chử đồng tử vẫn chôn khố theo bố. Đồng tử thường đánh cá ven sông. Một hôm đang đánh cá, thì thấy thuyền rồng đi qua. Chử đồng tử sợ quá, bới cát phủ lấy thân mình cạnh bụi lau. Thuyền đó là thuyền của công chúa Tiên-Dung. Khi thuyền qua chỗ Chử đồng tử ẩn, thì công chúa ra lệnh cho cung nga theo hầu quây màn cho mình tắm. Khi công chúa tắm, cát trôi đi, lộ thân thể Chử đồng tử. Hai người lấy nhau.
Mai-Hương cảm động tiếp thư sinh. Nàng hát bài ca đó, trong khi thư sinh miệng thổi tiêu, chân đạp phách hòa theo. Thế rồi Mai-Hương yêu gã thư sinh trắng tay. Nhưng họ chỉ có tình yêu trong sạch.
Một lần phải đi xa, thư sinh cầm tay nàng mà nói:
- Anh không có vàng, cũng chẳng có ngọc, nhưng anh có tình yêu dài hơn sông, rộng hơn biển, mà được em đáp lại. Nay đi xa, nhưng anh vẫn tin rằng nàng chỉ có anh.
Mai-Hương đùa rằng:
- Anh có biết em tuổi gà không? Con gà này, anh không giữ thì nó bay mất.
Câu nói đó đưa thư sinh về thực tế: Yêu nhau không chưa đủ. Phải có một cái gì? Thế là thư sinh ôm lấy nàng trả lời:
- Em cho anh, thì anh xin nhận.
Nàng khất:
- Hoa đã nở trong vườn của anh, thì nhụy đào trước sau gì cũng thuộc về anh. Hôm nay hoa đào rực nở. Xin cho em khất ngày khác.
Thư sinh cầm tay nàng:
- Ừ! Anh cho em nợ, hai ba ngày sau không còn đào hoa nữa thì phải trả nợ nghe.
Ba ngày sau, nàng hết kinh, hai người trao thân cho nhau. Từ đấy mỗi khi muốn gần nhau, thư sinh lại nói: Hôm nay anh đòi nợ đây... »
Bây giờ nghe Ưng-sơn nam hiệp nhắc lại tín hiệu kia, vú Mai rùng mình, lên tiếng bằng giọng cực kỳ thân thiết:
- Anh! Thì ra anh là Côi-sơn nam hiệp đấy à? Suốt hai chục năm qua, lúc nào em cũng tưởng nhớ đến anh.
Bà chỉ vào Côi-sơn nữ hiệp:
- Anh bảo chỉ nhớ em, có em, sao lại còn...
Nam hiệp ghé môi vào tai nàng nói thầm một câu. Nàng rùng mình chắp tay vái Ưng-sơn nữ hiệp. Nữ hiệp gật đầu, mỉm cười, tỏ ý vui mừng.
Vào thời Lý, trai gái còn trẻ, dù là vợ chồng, mà dắt tay nhau đi ngoài đường, cũng là sự hiếm hoi. Bây giờ giữa cảnh nghiêm trang cực kỳ, nào vua, nào hoàng hậu, nào văn võ bá quan, mà Côi-sơn nam hiệp công khai bế Mai-Hương, lại nói với nhau bằng những lời tha thiết lãng mạn, khiến người người cùng lắc đầu. Điều này thực không lạ, vì Mai-Hương từng là ca kỹ, nàng từng nghe, từng thấy người ta âu yếm nhau giữa chỗ đông rất thường. Còn Ưng-sơn nam hiệp, thì là người coi trời bằng vung, huống chi vua, quan!
Vương Cương-Trung đang chiết chiêu với thiếu niên, thấy Côi-sơn nam hiệp bồng vú Mai, hai người âu yếm nhau cực kỳ thân thiết, thì quát lên:
- Không được đụng vào người vợ ta.
Y bỏ thiếu niên, xả kiếm vào người Ưng-sơn nam hiệp. Nhưng thiếu niên không cho y rảnh tay, chàng đánh liền ba chiêu, khiến y phải thu kiếm về đỡ.
Nghĩa-Hòa vương hỏi Thủ-Huy:
- Này cháu, ta thấy công lực Cương-Trung thực không tầm thường, mà sao y không thắng nổi thiếu niên?
- Thúc phụ không nhìn ra cũng phải. Cương-Trung dùng toàn võ công Hoa-sơn, trong khi thiếu niên xử dụng một pho võ công khắc chế với võ công Hoa-sơn.
Tuyên-phi Thụy-Hương thấy nào Giai-phi, nào mẹ mình, vào Vân-đài Trịnh Nam-Phương, nào bọn võ sĩ Tống đều bị bắt, thì đại cuộc hỏng rồi. Nàng bồng Long-Trát đứng trước mặt nhà vua, rồi vận nội lực quát lên:
- Tất cả ngừng tay!
Vương Cương-Trung, thiếu niên cùng thu chiêu, lùi lại.
Thụy-Hương chỉ Long-Trát:
- Bệ hạ! Đây có phải là giọt máu của bệ hạ không?
- Đúng vậy!
Nàng lại hỏi Lý Kính-Tu:
- Lý Thái-phó! Chiếu chỉ đã định rõ Thái-phó là thầy của thái-tử Long-Trát, có đúng vậy không?
- Tâu phi, đúng thế!
Nàng hỏi Tô Hiến-Thành:
- Tô Thái-sư, chiếu chỉ cử Thái-sư phụ chính cho Thái-tử Long-Trát. Thái-sư đã tuân chỉ, phải không?
- Quả như phi dạy!
Nàng chỉ vào Long-Xưởng:
- Chư vị thân vương! Chư vị đại thần! Trước đây Thuần-hy hoàng đế được tin tên nghịch tử Long-Xưởng, kết phe, kết đảng với bọn du thủ, du thực, rồi chuyên quyền. Vì vậy người sai Vương Thái-bảo đem một số võ sĩ, mật sang Đại-Việt để tìm cách tru diệt đứa nghịch thần, tặc tử. Hôm rồi, y còn cả gan đem bọn gian, cùng cung nga, thái giám vào cung, toan làm chuyện cực kỳ vô phép với tôi. Chính y ra tay sát hại sáu thái giám, hai cung nga hầu cận tôi. May đâu, nhờ Vương Thái-bảo ra tay, mới bắt được y, cùng gian đảng giam lại. Hoàng thượng cả giận, truất phế y khỏi ngôi vị Thái-tử, rồi phong Long-Trát vào ngôi trừ quân.
Nàng chỉ vào bọn Nghĩa-Thành, Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh vương, với Thủ-Huy, Đoan-Nghi:
- Không ngờ, phe đảng của y được tin này, cất binh làm phản, tiến chiếm Kinh-thành, rồi vào đây phạm giá. Các vị đại thần, nếu như bọn Long-Xưởng còn không rời khỏi đây, không rút quân khỏi Hoàng-thành, Kinh-thành thì Hoàng-thượng, Thái-tử với tôi đành chết, để khỏi bị y làm nhục.
Nghe Thụy-Hương nói, mọi người đều ứa gan. Lý Kính-Tu dù sao cũng là nhà nho. Ông cung tay:
- Tuyên-phi! Tuyên-phi nói vậy thì thực là quá. Không hề có vụ Thuần-hy hoàng đế sai Vương Cương-Trung sang giúp hoàng-thượng, mà trái lại, y sang Đại-Việt với mưu đồ cướp nước.
Phí Công-Tín cũng nói:
- Rõ ràng Tống triều sai Vương Cương-Trung sang chỉ huy Vân-Đài Trịnh-Nam-Phương, Công-Chúa Triệu Mai-Hương, Mao-Nữ Hàn Dũ-Linh, với đệ tử là Vương Thúy-Thúy, Nhạc Bảo-Bảo và Tuyên-phi...khuynh đảo triều đình Đại-Việt. Vừa rồi, chính Tuyên-phi bỏ thuốc mê vào nước uống làm Thái-tử, vương phi cùng Lễ-nghi học sĩ mê man, rồi vu oan cho Thái-tử.
Tô Hiến-Thanh chỉ năm cái ghế:
- Phi ơi! Ai đã bôi thuốc mỡ vào năm cái ghế này, mưu giết tứ vị vương gia cùng phò mã? Thần nghĩ, chính là phi chứ không phải ai khác.
Nghe Thụy-Hương nói, Kim-Ngân nghĩ thầm: Người này được trời cho cái nhan sắc hiếm có. Ngặt vì cả đời cha, mẹ, đều sống đời sống giả dối, lừa gạt đã quen, rồi hai người dạy con bằng những gì mình có. Hóa cho nên cái cô Thụy-Hương này coi việc xảo quyệt là sự bình thường. Đối với loại người này, thì chỉ có việc dùng sức mạnh, hoặc dùng ngôn từ thô tục mới trị được. Nghĩ vậy nàng bước ra, tay chỉ vào mặt Thụy-Hương:
- Người thực là đứa mày chai, mặt đá; đúng như tục ngữ Việt nói, cái đĩ già mồm, cái trộm già miệng.
Thụy-Hương hỏi:
- Người là ai?
Kim-Ngân phóng nhãn quan quét trên người Thụy-Hương một lượt rồi trả lời:
- Ta họ Trần, tên Kim-Ngân. Ta nhắc cho mi biết, ta không phải là phi tần, cung nga, phu nhân gì gì cả. Ta là con dân Đại-Việt đến đây để giết bọn cướp nước. Nếu như mi nói một câu vô lễ với ta, thì ta không giết mi đâu, mà chỉ rạch cái mặt mi năm bẩy nhát kiếm, cắt mũi mi, cho mi thành con quỷ xấu kinh khủng.
Chỉ thấy thấp thoáng một cái, ai cũng nhìn rõ Kim-Ngân lạng mình, tay chấm vào nghiên mực, rồi bôi lên mặt Thụy-Hương. Hai má Thụy-Hương đều bị quệt năm vệt dài. Động tác, tới, lui chấm mực của Kim-Ngân, ai cũng thấy rõ, có điều nàng ra tay cực thần tốc, nên Thụy-Hương tránh không kịp.
Kim-Ngân nói:
- Ta sẽ thuật tất cả tội trạng của mi. Tội nào đúng, thì mi phải gật đầu. Tội nào sai, mi có quyền cãi. Nhưng ta nói trước, nếu tội đúng mà mi còn ngoa ngôn, xảo ngữ cãi một câu, thì ta rạch trên mặt mi một kiếm. Mi cãi hai câu thì ta rạch hai kiếm. Mi hiểu không?
Thụy-Hương run lẩy bẩy. Nàng đã nghe Thủ-Huy nói nhiều về cô em gái cương cường này. Nào võ công cao siêu nhất trong ba anh em. Nào nàng cực ghét bọn xảo trá. Nào nàng định sau này sẽ kế tục sự nghiệp của Ưng-sơn song hiệp, Mộc-tồn vọng thê hòa-thượng. Nên nàng được Ưng-sơn song hiệp gọi là Tiểu Ưng-sơn.Nay nghe nàng đứng ra kết tội mình, bất giác phi lạnh gáy.
Kim-Ngân khoan thai thuật lại tất cả những gì Khu-mật viện Tống, cùng phái Hoa-sơn đã làm, trong mưu đồ xâm chiếm Đại-Việt, như gửi người sang làm tế tác trải ba thế hệt. Mỗi thế hệ gồm những người nào. Tất cả những việc đó, phái Đông-A đều khám phá ra hết: Thế hệ một là Thiên-Hư đạo nhân đã chết. Thế hệ nhì là Vương Cương-Trung tức Lạc-Nhạn, Vân-Đài là Trịnh Nam-Phương, vợ Đỗ An-Di, Công-Chúa là Triệu Mai-Hương tức vú Mai, Mao-Nữ Hàn Dũ-Linh là Giai-phi Chếù-bì La-bút. Tuy Cương-Trung đã có vú Mai làm vợ, nhưng y còn về Trung-nguyên cưới thêm hai vợ nữa, dấu ở Gia-lâm. Vừa rồi, Song-ưng đã giết hai vợ với ba con của y...Chính ông nội nàng sai Thủ-Lý dẫn bốn người em về Thăng-long bắt Vương Thúy-Thúy, Nhạc Bảo-Bảo phải xuất đầu lộ diện. Đại hiệp Tự-Hấp bắt sống Vương Cương-Trung với 180 gian tế. Cuối cùng Cương-Trung được con gái là Thụy-Hương xin nhà vua ân xá cùng chư đệ tử. Cương-Trung sợï về Tống sẽ bị giết cả nhà nên một liều ba bẩy cũng liều, y nhập cung xui vợ với con gái hãm hại Long-Xưởng, rồi sự việc diễn ra như hiện nay...
Mỗi lần thuật hết một vụ, Kim-Ngân lại hỏi Thụy-Hương:
- Có đúng thế không?
Thụy-Hương lại gật đầu.
Nhà vua nhìn Thụy-Hương hỏi:
- Tuyên-phi! Việc đã như vậy, thì phi còn muốn nói gì nữa bây giờ? Nước có luật, dù trẫm có sủng ái phi đến đâu, thì cũng không thể ân xá cho phi.
Thụy-Hương nghĩ rất nhanh:
- Bao nhiêu công trình của Khu-mât viện Tống, của phái Hoa-sơn đều tan nát cả rồi. Dù ta có năn nỉ nhà vua, nhà vua có tha cho, thì Côi-sơn song ưng cũng giết hết. Khi ta biết không tránh khỏi cái chết, thì ta phải hy sinh. Chỉ có sự hy sinh của ta, mới cứu được bố, mẹ, các sư thúc, sư bá. Nhưng ta không thể chết dễ dàng. Ta phải làm cho triều đình Đại-Việt đảo lộn, chúa tôi, cha con nghi ngờ nhau.
Nghĩ vậy nàng bật lên tiếng khóc nức nở:
- Bệ hạ! Thiếp là đứa con gái bất hạnh nhất trần gian. Dù thiếp phạm tội gì chăng nữa, thì thời gian qua, thiếp cũng đã hầu hạ bệ hạ, mà không một phi tần nào hơn được!
Nàng nói với Thủ-Huy bằng ngôn từ bình dân:
- Anh Thủ-Huy ơi! Anh có biết nỗi đau khổ cùng cực của em không? Con người ta sinh ra, dù thánh hiền, dù vua chúa, cũng đều có cha mẹ, được hưởng cái tình nhân luân, yêu thương của cha mẹ. Còn em! Em có cha, mà không bao giờ biết cha là ai. Hàng ngày cha con gặp nhau, mà cha không nhận con gái. Con gái thấy cha, mà không biết kẻ sinh thành. Em sinh ra được ba ngày thì phải xa mẹ, để mẹ đi làm vú em. Anh có thâm cảm cái đau khổ đó không? Này nhé! Cha em thân là đại cao thủ phái Hoa-sơn, lại xuất thân tiến sĩ, thế mà phải trốn chui, trốn lủi ở bên Đại-Việt. Có con thì không dám nhận. Tiền của dư thừa, mà bắt vợ đi làm nô bộc cho người, bắt vợ xa con. Em sống trong cái đau khổ không cha, không mẹ từ khi lọt lòng.
Nàng bưng mặt khóc hu hu:
- Khi mẹ với em nhập Đông-cung, thì cha ngồi trong bóng tối, ép buộc mẹ. Mẹ thì theo lệnh cha, ép buộc em phải dùng sắc đẹp chinh phục anh, chỉ với mục đích trộm bí lục võ công Đông-A. Nhưng em yêu anh thực thắm thiết, thực chân thành. Thất bại, mẹ bắt em bỏ anh, chinh phục Thái-tử Long-Xưởng, để sau này lên làm Hoàng-hậu. Lại thất bại nữa. Người lại bắt em phải chinh phục Hoàng-thượng! Em thành công.
Nàng quay lại tìm mẹ, thì thấy bà đang ngồi đựa đầu vào vai Ưng-sơn nam hiệp. Nàng nói với mẹ:
- Mẹ! Mẹ là người có nhan sắc, lại thông minh, tài hoa. Nhưng chẳng may mẹ bị rơi vào tay bọn gian ác, chúng thu nhận mẹ làm đệ tử Hoa-sơn, rồi ban cho cái hàm chưởng quản ngọn núi Công-chúa. Mà thực ra, chúng hèn hạ, dùng võ công, binh lực đánh Đại-Việt không được, chúng dùng sắc đẹp của mẹ để chiếm nước người. Chúng bắt mẹ phải làm ca kỹ, để rồi có thể làm tỳ thiếp người. Hỡi ơi!
Nàng hỏi Cương-Trung:
- Phụ thân! Phụ thân hy sinh mình, hy sinh vợ. Hy sinh con. Phụ thân đã được những gì? Bất quá cũng ngày hai bữa cơm! À, phụ thân được chức tước ư? Nó chỉ là mảnh giấy vô tri, không nói lên cái gì cả. Phụ thân ơi! Liệu công trạng của phụ thân có bằng Nhạc Phi không? Giả như bây giờ, người Việt có rộng lượng ân xá cho mình về Tống, thì chắc hẳn bọn hủ nho sẽ đem những cái quái quỷ gì là nhục mệnh quân vương ra kết tội. Liệu phụ thân có thoát khỏi bị chặt đầu, thây phơi cho quạ rỉa, cho ruồi bâu không? Mẹ với con có thoát khỏi đem làm vật giải trí cho binh sĩ lúc xa nhà không?
Mặt Vương Cương-Trung tái như gà cắt tiết. Y không nói lên lời. Y hừ một tiếng.
Thụy-Hương lại nói với nhà vua:
- Bệ hạ! Ngay hôm đầu tới cung Long-thụy, thiếp đã tâu rằng thiếp từng có người tình là Trần Thủ-Huy! Thiếp là tỳ thiếp của Thái-tử Long-Xưởng. Nhưng bệ hạ vẫn bắt thiếp phải dâng hiến cho bệ hạ. Bây giờ sự đã như thế này thiếp xin bệ bạ ban cho một đặc ân.
- Khanh cứ tâu.
- Tội thiếp quá nhiều, không mong gì được ân xá. Nhưng bộ Hình-thư có khoản Bát-nghị. Xin bệ hạ ân xá cho song thân thiếp, cho những người của phái Hoa-sơn được trở về cố quốc. Còn thiếp, thì thiếp xin chịu tội.
Nhà vua hỏi Hình-bộ thượng thư Trần Trung-Tá:
- Lới cầu khẩn của Tuyên-phi, khanh xem có thể chiều theo được không?
Trước kia Trần Trung-Tá hùa theo phe Tô Hiến-Thành, cúi đầu xu nịnh Tuyên-phi, để có thế mạnh mà giữ vững địa vị. Từ hôm có cuộc nổi loạn, y ẩn trốn trong tư dinh. Bây giờ thấy Long-Xưởng thắng thế, y quay một vòng đổi hẳn thái độ. Được nhà vua hỏi ý kiến. Y tâu:
- Theo Bát-nghị thì Tuyên-phi, Vương Cương-Trung với vợ là Triệu Mai-Hương nằm trong khoản Nghị-thân. Nhưng Bát-nghị lại không tha tội phản nghịch. Thần xin bệ hạ chiếu luật ban cho phi được lĩnh tội xử giảo (thắt cổ). Còn Vương Cương-Trung với Triệu Mai-Hương thì phải tội lăng trì (xẻo thịt).
Thụy-Hương nghe Trần Trung-Tá tâu, nàng nhìn y bằng nửa con mắt, rồi cười:
- À! Thì luật là như vậy đó. Tình đời như thế đó.
Nàng trao Long-Trát cho Thục-phi Đỗ Thụy-Châu:
- Đây! Con của chị đây! Giọt máu của Thiên-cảm Chí-bảo hoàng đế đây. Chị hãy bế lấy đi.
Nàng chỉ các đại thần chủ hòa:
- Các ngươi chỉ là một lũ ăn hại. Khi ta đắc thế thì các người hùa theo. Còn bây giờ, ta thất thế thì các người quay đi. Các người hùa theo ta làm hại Thái-tử Long-Xưởng, chỉ với mục đích lập lên một ấu quân, để các người ngồi yên hưởng thụ, để các người chuyên quyền! Kể từ khi đức Thánh-tông băng, cho đến nay, toàn là ấu quân nối ngôi. Bây giờ, mới có một trừ quân lớn tuổi, các người tìm đủ cách chống đối. Hèn hạ! Ăn hại!
Nàng đưa mắt nhìn Long-Xưởng:
- Nhưng việc đã lỡ rồi, chiếu chỉ ban ra, các trấn, phủ, huyện, xã, thôn đều nhận được. Giờ này, loa của các xã, mõ của các làng đều rêu rao rằng Long-Xưởng là đứa nghịch tử, tham dâm, giết thái giám, cung nga vô tội; nhất là toan làm nhục sủng phi của phụ hoàng... Thì liệu sau này y có lên nối ngôi vua được không?
Nàng hỏi nhà vua:
- Thiếp xin bệ hạ ban cho môt lời: Bây giờ Long-Xưởng là Thái-tử hay Long-Trát?
Q9- Anh Hùng Đông-a Dựng Cờ Bình Mông Q9- Anh Hùng Đông-a Dựng Cờ Bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ