Love is always within. When you try to dramatize your love, you lose the depth of the love.

Charan Singh

 
 
 
 
 
Tác giả: Kim Hài
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1023 / 6
Cập nhật: 2015-12-15 07:59:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
han hân hoan cầm hai cái nơm cùng với thằng Lời bương bả ra chỗ hẹn. Nắng buổi trưa nóng rát. Mặt đất dưới chân bốc hơi cát nóng. Hai chị em dẫm chân lên những bụi cỏ mịn mà đi. Con đường mòn vắng lặng, chỉ có vài tiếng khứu hót đứt quãng. Thỉnh thoảng, thằng Lời chui vào mấy căn nhà đổ làm Nhan đứng lại hò hét một hồi mới thấy nó xuất hiện ở đằng sau miệng cười rộ. Nhan nóng lòng đến nơi hẹn dù biết giờ nầy quá sớm để đặt nơm chờ cá. Một nỗi nôn nao không lời, không thể diễn tả cứ âm ỉ trong lòng Nhan dù Nhan không muốn thế. Dù sao Nhan cũng là con gái, phải thong thả một chút. Nhưng không, sự trống vắng khi thiếu Nghi làm Nhan buồn bã. Nàng chỉ mong được ở bên Nghi suốt ngày và giờ giấc không còn quan trọng đối với Nhan nữa.
- Bây giờ tới phiên chị đi như chạy đó phải không?
Thằng Lời rền rỉ đằng sau. Nó bận theo dõi đôi chim cu đen đang rỉa mồi cho nhau. Nó tiếc giá như có một chiếc ná bây giờ thì đỡ biết bao. Chút nữa ăn thịt chim nướng với cơm gạo sấy của anh Nghi chắc là ngon lắm.
- Nắng muốn chết mà mầy còn đứng đó mà phơi đầu ra vậy còn nói nữa. Lẹ lên. Xách bớt một cái nơm coi nà.
Gần tới con lạch. Qua kẽ lá Nhan đã nhìn thấy giòng nước đục trôi lừ đừ. Hơi nước xông lên mát rượi. Gió thoang thoảng, và cây cối dày hơn tạo bóng mát nhẹ nhàng. Hai chị em Nhan đi dọc theo con lạch trổ ngược lên phía núi. Ðường đi hai bên toàn loại cỏ trinh nữ với những đóa hoa tím nhạt và những cánh lá khép mở e ấp. Vừa ngó mông lung sang bên kia trại lính, Nhan vừa nói với Lời:
- Ðố mầy, bây giờ anh Nghi đã tới chưa. Mà tới một mình hay tới với ai.
Nhan không cho Lời biết chuyện có Thượng sĩ Giản đi với Nghi nên thằng Lời quả quyết:
- Chị hỏi lảng nhách, ảnh đi một mình chớ bộ ảnh kéo cả tiểu đoàn tới hay sao?
Nhan cười:
- Vậy mà tao nói với mầy là ảnh đi với một người nữa đó.
Thằng Lời kênh mặt:
- Ảnh đi một mình. Chị cá không?
Nhan nói khích:
- Tao sợ mầy hổng dám cá chớ.
- Em mà hổng dám cá. Em cũng tâm lý lắm chớ chị tưởng bở hả.
- Ðược rồi, cá thì cá.
Thằng Lời đưa tay ra dấu:
- Một hộp bánh trái cây nghe.
Nhan lườm em:
- Cha sang dữ há. Rủi thua thì sao?
- Thua thì chị được chớ. Nhưng sức mấy mà thua. Ðể chị coi.
Con đường dài nuốt mau theo câu chuyện của hai chị em. Nơi hẹn là bóng mát của một cây da khá lớn ở ngay cạnh bờ lạch. Bóng mát tỏa xuống che màu đục của giòng nước róc rách chảy qua kẽ mấy tảng đá màu vàng xám rong rêu. Nghi vẫn chưa tới. Nhan thất vọng đặt cái nơm xuống và gieo mình nặng nề lên nền cỏ ấm. Thằng Lời ngã mình bên cạnh, đầu gối lên một rễ cây lồi khỏi mặt đất, cong vòng hấp háy nhìn trời. Một đám mây che nắng làm cả khoảng trời mát lại. Nhan lẩm bẩm:
- Cái anh này chuyên môn trễ.
Thằng Lời lên tiếng:
- Tại chị ra sớm chớ bộ. Ðể coi, chút nữa, ảnh ra ngay bây giờ.
Nhan cũng thầm công nhận lời em là đúng. Nhưng nàng vẫn nghe lòng giận giận làm sao ấy. Ðể quên đi giờ phút chờ đợi nôn nao, Nhan lúi húi sửa lại mấy chỗ nơm sắp bị bung ra.
- Chị Nhan à. Rồi em cũng đi lính cho coi. Ðược không chị?
Nhan nhếch mép cười nửa miệng:
- Ðược chớ sao không được.
- Em nói thiệt đó, thấy anh Nghi đi em ham ghê. Thiệt là vui. Em có chơi ở trại ảnh mấy ngày, mấy anh bạn anh Nghi đờn hát nghe vui ghê.
Nhan nghe giọng thằng Lời có vẻ tha thiết quá nên quay lại nhìn em dò xét. Thằng Lời vẫn nói, mắt xa xăm. Và Nhan nhận thấy em mình đã lớn, lớn thật rồi.
- Ở đây buồn quá chị Nhan à. Mấy ảnh nói làm trai phải lập thân, em mà ở đây chắc chỉ biết bắt cá với lại bắn chim.
Nhan chợt thấy lo. Nàng hỏi lại thằng Lời một lần nữa:
- Mầy không giỡn hả Lời? Mời bây lớn mà lính tráng gì? Còn tía nữa, bộ mầy tưởng tía để cho mầy đi à? Còn lâu.
- Chắc tía phải cho em đi chớ.
Nhan thảng thốt kêu lên:
- Rồi mầy tính bỏ tía với tao ở đây hả? Thôi đi,đừng bày đặt nữa Lời ơi. Mầy bị mấy ảnh giỡn đó. Mầy hỏi anh Nghi coi, đi lính cực lắm chớ đâu phải chơi. Đừng tưởng như ở nhà. Khổ lắm. Với lại cũng gần yên rồi.
Thằng Lời cười cười:
- Gần yên rồi càng khỏe ru. Em đi vài tháng yên thì về nhà thăm chị, thăm tía, thăm bà con cô bác.
Nhan nạt em:
- Đừng nói tầm phào. Nhiều chuyện lộn xộn quá, tía nghe được tía buồn lắm.
Thằng Lời nín thinh không nói năng gì nữa. Nhan cũng lặng thinh loáy hoáy mấy cọng cỏ dưới chân. Bây giờ nắng đã chiếu xiên và mây trên trời càng nhiều hơn, ngồn ngộn như đám bông nỏn. Trăng đã lặn, đến giờ cá đã đi ăn. Vậy mà Nghi vẫn chưa tới. Nhan nóng ruột đứng lên lại ngồi xuống. Thằng Lời cũng nóng ruột không kém. Nó lầm bầm hoài trong miệng.
- Cái anh nầy lạ thiệt. Giờ nầy mà hổng ra thì cá kiết gì.
Nhan bực mình đến muốn khóc. Nhiều giả thiết được đưa ra. Hay là Nghi bị phạt. Nhưng nếu bị phạt, ít ra cũng có người đến nói cho Nhan biết chớ. Thằng Lời đã đem hai cái nơm xuống lạch. Nước sủi bọt đục ngàu. Xa xa, cá đớp bong bóng nghe rõ.
Đặt nơm xong hai chị em lại lên bờ ngồi chờ nữa.
Thời gian đi dần dần. Nắng đã bớt bỏng rát, gió nổi lên rào rạt hơn. Nhan đã bắt đầu ứa nước mắt vì lo, vì băn khoăn mà cũng vì tức nữa.
- Hay để em tới đồn ảnh xem thử sao, chị Nhan nghe. Em quen mà, hổng sao đâu.
Nhan lắc đầu:
- Thôi đi, thế nào rồi ảnh cũng tới mà, còn không thì ảnh cũng nhờ anh em bạn tới nói giùm. Cứ ngồi đây chờ cũng được. Chắc ảnh chỉ trễ một chút thôi.
- Lâu rồi đó chị. Cái điệu nầy ai mà mong ăn cơm gạo sấy với thịt hộp của ảnh. Mà cả cái hộp bánh cá với chị cũng đi đời luôn.
Nhan không nói gì thêm. Càng nói càng nôn nóng. Càng nói càng lo chớ ích gì. Nhan chỉ ước tự mình mọc cánh bay thẳng đến nơi Nghi đang ở xem thử chuyện gì đã xảy ra. Hay là Nghi đã quên mình? Nghĩ tới đây Nhan bỗng thấy đau nhói ở ngực. Một mũi kim nào châm buốt tim Nhan. Lần đầu tiên trong đời Nhan biết thế nào là thất vọng, là đau khổ. Một nỗi đau thâm trầm, sâu sắc lạ thường, khác hẳn ngày mẹ chết, khác hẳn những ngày sống cô đơn quay quắt giữa khu làng hoang vắng.
Ngồi một chỗ không chịu được, Nhan đứng lên đi đi lại lại trong khi thằng Lời sửa soạn dòm chừng mấy cái nơm đã đặt. Mặt trời đã xế chiều. Nhan không còn hy vọng gì nữa. Thằng Lời uể oải hỏi chị sửa soạn về hay chưa. Nhan nhìn lần cuối về phía con đường nhỏ ẩn hai hàng cây thấp. Không có một bóng người. Nàng gật đầu, mím môi để khỏi bật khóc.
- Ðể nơm lại, sáng mai ra lấy chị Nhan nghe.
- Ừa.
Hai chị em lủi thủi ra về. Không ai nói với ai một tiếng nào. Thỉnh thoảng vài tiếng chim lẻ bạn kêu chiều rời rạc. Ðường về sao xa quá xa. Cây lá xào xạc thầm thì dưới chân. Tại sao Nghi không đến? Tại sao Nghi không đến? Ðợt khói màu từ bên kia bờ lạch uốn éo trườn lên rồi tản mát. Nhan nghe cay cay ở mắt, cổ họng nghẹn ngào.
- Ai như anh Nghi đó chị Nhan.
Tiếng thằng Lời kêu như đợt gió cuốn bao nỗi suy tư của Nhan. Bầu trời buổi chiều như sáng lên. Nhan không nói được thành tiếng.
- Ðúng anh Nghi rồi, cái điệu này chắc ảnh bị phạt. Ðể em ra kêu ảnh không thôi ảnh không thấy.
Thằng Lời vừa nói vừa vạch đám cây ra tận mé lạch:
- Anh Nghi, anh Nghi.
Nghi đang chạy lúp xúp, ngẩng đầu thấy Lời vội mừng rỡ:
- Chị Nhan đâu? Nhan đâu?
Nhan muốn chạy nhưng nhấc mình lên không nổi. Xen với cơn vui, nàng nghe có chút giận hờn và tủi thân vì phải chờ đợi khổ sở suốt một buổi chiều. Bây giờ ngày sắp hết. Còn nói chuyện gì được nữa.
Nghi đã lội qua lạch. Chàng không buồn vắt hai ống quần sủng nước khi thấy Nhan đứng yên lặng lẽ sau bụi câu sim dại.
- Nhan, Nhan, Nhan giận anh hả?
Cơn giận cũng cuốn bay theo tiếng kêu âu yếm. Nhan ngước mắt nhìn Nghi. Hai giọt nước mắt trào ra.
Nghi đến kế bên Nhan, giọng thảnh thốt:
- Bộ, bộ em biết rồi hả?
Nhan nói, giọng còn vướng chút hờn dỗi.
- Anh hẹn rồi để chị em tui chờ suốt buổi chiều.
- À.
Nghi thở dài, gương mặt buồn buồn.
- Bị anh… Mà thôi, mình không có nhiều thì giờ. Em ra ngồi tạm ở đầu kia rồi anh nói chuyện cho nghe.
Nhan dậm chân:
- Anh không thấy tối hù rồi sao? Còn về nấu cơm cho tía nữa chớ.
- Ðể Lời về trước nấu đỡ đi.
Nghi quay lại nói với Lời, nhờ nó về nhà nấu khoai. Nhan dặn em lượng khoai rồi chờ cho Lời chạy khuất sau khúc quanh, Nhan mới yên tâm, quay sang hỏi Nghi.
- Chuyện gì vậy anh? Anh bị phạt hả?
- Không.
Chỉ trả lời có một tiếng rồi thôi. Nghi quay đi. Gương mặt chàng, ánh mắt chàng làm Nhan lo sợ. Linh tính như báo trước một việc không hay.
- Chuyện gì nói cho Nhan nghe đi anh Nghi.
Nghi quay lại. Nhan như lặng người, nín thở khi môi Nghi mấp máp. Nhưng rồi thôi, Nghi không nói mà nắm chặt tay Nhan. Bàn tay lạnh ngắt. Nhan nghe rõ tay anh tuông mồ hôi nhớp nháp.
- Nghi…
Nghi đứng dậy, rồi lại ngồi xuống. Bỗng dưng Nghi ôm chặt lấy mặt Nhan, ghì chặt rồi nói thật nhanh.
- Anh được lệnh sáng mai đi sớm. Cấm trại suốt ngày nay. Nhờ thượng sĩ Giản, anh trốn ra báo tin cho em rõ.
Không phải đó là một câu nói. Cũng không phải là Nghi nói với Nhan. Không phải vậy. Câu nói đó có nghĩa gì? Ngày mai đoàn quân không còn ở đây nữa. Ngày mai, Nghi không còn ở gần Nhan nữa. Thật vậy chăng. Có đúng vậy chăng. Chắc Nhan nghe lầm. Không thể thế được. Nhan hỏi lại trong vô thức.
- Mai anh đi rồi.
Nghi gật đầu. Chàng ôm hai tay Nhan đặt lên ngực. Hai bàn tay lạnh ngắt. Gương mặt Nhan tái xanh, đôi mắt thất thần. Nghi lo quá, chàng kêu lên:
- Nhan, Nhan, anh đây mà Nhan.
Và đó là sự thật. Ngày mai, Nhan mất hết. Nhan nhìn Nghi, nàng đã nhìn thấy Nghi lờ mờ nhòe nhoẹt. Nước mắt trào ra. Nhan khóc thành tiếng.
- Thôi đi Nhan, đừng khóc nữa. Anh cũng khổ lắm. Biết rồi có ngày cũng thế này mà tránh không khỏi. Mình còn có chút thì giờ bên nhau. Nhan nói gì với anh đi.
Nhan còn biết nói gì hơn nữa. Nước mắt cứ ứa ra. Ngực nghẹn ngào. Chưa có nỗi thất vọng nào lớn lao. Chưa có sự mất mát nào bằng.
- Nghi ơi, thật không anh?
- Anh sẽ viết thư về cho Nhan mà.
Nhan lắc đầu chua xót. Thư từ. Ðột nhiên Nhan nghĩ đến chị Nhỉ. Nhan biết mình sắp là chị Nhỉ từ ngày mai.
- Kể cũng sắp yên rồi Nhan à. Yên yên anh xin phép nghỉ thường niên trở lại đây nói với tía xin em… Thế nào anh cũng trở lại đây mà. Anh hứa chắc như vậy. Tin anh đi, bớt buồn mà gắng chờ anh…
Những lời hứa hẹn của Nghi như ngọn sóng triều tấp vào bãi rồi lại rút trở ra. Sau bao tháng ngày sống mòn mỏi, cô đơn trong ngôi làng hoang tàn này, Nhan đã bớt đi những tin tưởng. Nàng lắc đầu nói như nói một mình:
- Ðâu có ai đi mà trở lại đâu. Rồi ai cũng đi mất. Không có ai trở lại hết mà.
- Yên là người ta về, em đừng lo.
- Nhưng bao giờ thì yên?
Nghi nghẹn lời. Chàng thật tình không dám hứa chắc một cái gì hết. Gặp Nhan rồi yêu Nhan, Nghi như quên đời lính rày đây mai đó của mình? Chàng cứ ru ngủ mình bằng ý tưởng sẽ ở lại nơi đây cho tới ngày hòa bình đến. Khi ấy đâu còn lo nữa. Bây giờ, thực tế phủ phàng nầy. Nghi trách mình sao lại gieo chi đau khổ cho cô gái trong trắng thơ ngây nầy.
- Anh Nghi à. Anh đi rồi có quên em không? Ðừng quên em nghe anh! Em cũng nghe anh rán chờ khi nào yên. Tía em cũng chờ vậy. Chờ bà con cô bác về làng. Bây giờ em không chờ ai nữa ngoài chờ anh. Hứa với em cho em vui đi anh Nghi, dù anh không trở về đây như chồng chị Nhỉ.
- Không, anh nhất định có dịp là trở lại mà. Ðừng có lo lắng quá rồi đổ đau ra đó Nhan. Nghe anh không?
Nhan gật đầu. Nước mắt ứa ra. Trời đã chạn vạn tối. Bên kia bờ lạch tiếng súng lẻ tẻ nghe buồn lòng. Nghi dìu Nhan đứng dậy:
- Ðể anh đưa Nhan về. Tối rồi, anh phải vào trại mới kịp sửa soạn, điểm danh nữa.
Nhan thảng thốt bíu lấy tay Nghi. Bước chân đi run rẩy trên nền đất ấm. Bóng cây sẫm lại nhòe nhoẹt đường đi. Nhan bíu chặt tay Nghi. Hai người bước đi không nói thêm một lời nào. Nhan bước từng bước nhỏ, thật nhỏ cho dài đường gần nhau. Nàng ước sao, đường dài mãi, dài mãi và câu chuyện vừa qua chỉ là giấc chiêm bao. Một bàn tay của Nghi êm ái quấn quít tóc Nhan. Mùi áo lính nồng thơm như mùi cỏ dại, Nhan dựa mặt vào vai Nghi và biết rằng từ đây không bao giờ Nhan quên được mùi áo Nghi của buổi chiều sầu khổ nhất trong đời.
° ° °
Suốt đêm hôm ấy, Nhan không chợp mắt được phút nào. Nàng nằm lắng tai nghe tiếng gió rì rào, tiếng chim kêu đem, tiếng côn trùng thống thiết ngoài vườn.
Qua kẽ phên, những ngôi sao lấp lánh trên nền trời màu sữa loảng. Hình như những vì sao xa cũng kêu nức nở như lòng Nhan nức nở. Nước mắt tràn ướt cả cánh tay gối đầu. Nhan chờ những đóm sáng hỏa châu quen thuộc, những đợt khói màu cất cao trong gió, nhưng Nhan không thấy gì cả. Chỉ có đêm yên lặng muôn đời như những ngày hoang vắng. Cái xôn xao của những ngày đoàn quân đến trú đóng chỉ như là một giấc chiêm bao.
Nhan cựa mình. Bên kia giường, tiếng ngày của cha nàng vang lên rè đục. Hơi thở bà Tư khò khè như đứt hơi. Ðêm nay, đó là những âm thanh xa lạ, Nhan chờ một tiếng động khác, những bước chân đi trong màu áo xanh ngắt như cây rừng.
Nhan tưởng tượng đến Nghi đang sửa soạn ba lô, đồ đạc. Không biết Nghi đã đi chưa và có nhớ đến Nhan không. Bỗng nhiên, Nhan bật ngồi dậy. Nàng quay quắt muốn được nhìn thấy Nghi lần sau cùng. Nhan mở nhẹ cánh cửa sau, lao mình chạy ra phía bờ lạch.
Ðêm âm u và những căn nhà hoang tàn trông có vẻ bí mật rợn người. Nhan chùn bước. Nàng rợn người muốn quay về. Nhưng trong gió, Nhan nghe có tiếng còi xe lửa, tiếng lao xao hô nhịp bước đều của đoàn quân, Nhan hết cả sợ, nàng chạy không nghe, không biết đến gì hết.
Con lạch nhỏ tối đen. Nhan chỉ còn nghe tiếng nước ầm ỉ chảy và tiếng con vật nào quẫy mạnh dưới giòng nước. Sương lạnh buốt hai vai. Nhan nhìn qua bên kia bờ lạch. Quả đồi trọc đìu hiu với những cảnh tàn phá của mấy căn nhà hoang. Những đám cây rậm đen, những thân nhà cháy xám hiện lên đe dọa ma quái. Bây giờ Nhan mới thấy sợ và thấy mình liều lĩnh. Bên kia quả đồi là nơi đóng quân, nơi Nghi ở, nhưng Nhan biết mình không thể vượt qua con lạch nhỏ, qua khu nhà hoang tàn kia để tìm Nghi. Trong niềm sợ hãi lẫn thất vọng cùng cực, Nhan khóc nức nở.
Một đóm sáng chiếu lửng lơ trên nền trời. Không phải những trái hỏa châu mà là những ngọn đèn pháo hiệu màu tím hồng như màu hoa sim dại. Nhan mừng rỡ như muốn rú lên. Nghi không đi, Nghi vẫn còn đó. Ðóm sáng chỉ ánh giây phút rồi tắt ngủm, nhưng Nghi biết ở đâu đó cách nàng không xa, Nghi vẫn hiện diện. Nhan yên tâm hơn. Nàng quay về mà mắt vẫn cố tìm trong bầu trời đêm những đèn sáng lơ lửng như dấu của người tình.
Mãi đến sáng hôm sau, cả nhà mới biết đoàn quân đã ra đi. Bác Cả Bửng lấy nơm sớm đã phát hiện nơi trú đóng chỉ còn trơ lại mấy hầm hố cá nhân và những đồ rác rến. Mấy căn lều trú đóng biến mất dạng. Biến cố quan trọng là bác Cả Bửng bỏ cả mấy nơm cá ngoài bờ lạch, chạy về báo tin cho mọi người. Nhan vẫn còn ngủ vùi. Suốt đêm mỏi mệt, nàng chỉ thiếp đi vào lúc trời rạng sáng.
Bà Tư bật khóc nức nở giống như khi đoàn quân đến. Trong khi bác Cả Bửng nói giọng buồn xo:
- Rốt cuộc rồi chỉ còn lại mấy mạng già mình bám cái làng hoang nầy. Tưởng đâu họ ở đây đến khi yên, đến khi bà con dân làng trở về. Ai dè.
- Tui cũng nghi là có ngày họ đo, nhưng sao họ không cho mình hay.
- Bí mật quân sự mà…
- Vậy là thằng Nhỉ không về rồi. Con ơi là con.
- Sao hồi đó mình không xin theo họ quá giang đi xứ khác cho yên. Bây chừ dở sống, dở chết.
- Biết vậy mình xin thêm gạo sấy, đồ hộp.
Mọi người bàn tán, mọi người xôn xao, mọi người chán nản. Ngày bắt đầu đi chậm như ngày không qua hết nữa. Cho đến khi Nhan thức dậy nàng vẫn còn nghe tiếng thở dài rầu rỉ của bà Tư. Bà nói khi thấy mặt nàng.
- Họ đi rồi cháu à.
Và Nhan lập lại ngẩn ngơ.
- Họ đã đi rồi.
Nàng xây lưnh đi từ từ, theo con đường mà chiều hôm qua Nghi đã đưa Nhan về. Hơi thở của người yêu như còn vương vất trên cành cây khóm cỏ. Nhan bước đi lặng lẽ như kẻ mộng du. Trong trí tưởng nàng, chỉ có Nghi, hình dáng Nghi tươi cười trìu mến, đợi nàng ở bên bờ lạch.
Nhan quanh quẩn ở bờ lạch cho đến chiều mới về nhà. Bà Tư què đang cố gắng nhen bếp lửa. Nhan chạy lại đỡ tay bà.
- Cháu đi đâu suốt buổi không về. Lão Cả nói cháu đi kiếm rau ở bờ lạch. Thằng Lời thì cũng mất đất. Tía cháu ổng càu nhàu hoài, kêu đứa nào cũng không có.
Nhan giật mình. Củ khoai trên tay nàng vụt lại trong lu. Thằng Lời. Bây giờ Nhan mới nhớ đến em. Từ tối đến giờ Nhan không gặp nó. Chợt nhớ lại lời thằng Lời nói với mình đòi đi theo đoàn quân, Nhan giật mình. Nàng vội vã bắc nồi khoai lên và nói với bà Tư.
- Bác Tư làm ơn coi giùm cháu nồi khoai. Cháu đi kiếm thằng Lời.
Nhan chạy qua bên nhà bác Cả hỏi, bác Cả Bửng cho biết là không gặp nó ở đâu hết. Nhan đi khắp nơi. Cuối cùng trên đường về Nhan dừng lại ở góc vườn nhà bác Dự khóc lặng lẽ. Thằng Lời nói thật chớ không phải đùa. Nó đã bỏ đi. Chắc tía biết được tía buồn lắm. Nhan lại khóc, khóc cho mình, cho em và cho cha.
Buổi chiều xuống như một chiếc lưới bủa vây ánh sáng. Bóng ráng vàng trôi thẫm ở chân trời gội lên đỉnh núi đầu xa chút hào quang chóng tàn.
Gió đùa trên cành lá nghe đìu hiu như lòng Nhan bây giờ. Nhan chậm chạp vào nhà bằng ngã sau tránh gặp cha. Ông già mù ngồi ngóng chờ buổi tối với dáng chịu đựng. Nhan vào chỗ cất quần áo của em, nàng biết Lời đã ra đi thật sự. Không còn gì để lại ngoài chiếc áo rách nát đàng lưng mà Nhan chưa kịp vá cho em. Thế thôi. Nhan nhìn chiếc áo còn lại mà ứa nước mắt.
- Trước sau gì cũng phải cho tía biết.
Nhan lẩm bẩm một mình rồi nhìn lên nhà trên. Bóng cha nàng bất động. Nhan vẫn đứng yên một chỗ. Tim nàng như ngừng đập khi người cha mù cất tiếng kêu.
- Thằng Lời đâu rồi. Nhan… Nhan à…
Nhan lại khóc.
Nắng như những giọt buồn lây lất bên kia khóm chuối sứ xanh um. Cây chuối mà thằng Lời khám phá sắp kết quả hôm nào giờ đã trổ hoa với những cánh màu tím nâu nở ra những nải chuối màu vàng non xanh nhàn nhạt với đầu trắng và những sợi nhị vàng như phấn.
Bầu trời lặng ngắt một màu. Mùa thu đã về đâu đó với những cơn gió núi thổi trốc qua đám cỏ cây vàng lá rơi vãi khắp sân. Ông già mù dõi đôi mắt trắng nhìn ra xa bất động. Xế bên kia, trên chiếc chõng tre, bà Tư què năm ngơ ngẩn cằn nhằn một củ khoai nhỏ.
Nhan đứng ở cửa bếp nhìn xéo lên nhà trên rồi chợt thở dài. Nàng chợt nhận thấy cha mình đã già quá và cũng gầy quá. Từ ngày đoàn quân bỏ đi, cảnh làng đã hoang vắng lại càng hoang vắng hơn. Trong thâm tâm mỗi người một nỗi chán nản lạ thường. Chút hy vọng còn lại đã tan biến, còn chăng là niềm tin mong manh về một ngày mai hòa bình, yên ổn, cái ngày mà những người bà con của họ sẽ trở về, và thôn xóm lại tái tạo đời sống mới. Nhưng bên trong cùng, một lý do khác sâu xa hơn đó là sức sống, sự tin sống vẫn còn chảy mạnh trong huyết quản của người dân suốt đời cần cù lam lũ, đã cầy cấy trên mảnh đất khô cằn suốt cuộc đời mình, đã yêu đát, thương đất, sống vì đất, và họ không bỏ được miền đất thân yêu mà họ đã quen, đã biết.
Nhưng đối với Nhan thì nàng không còn hiểu được có cái gì đã lôi kéo nàng ở lại miền hoang vắng nầy. Những đám cây, những mảnh ruộng cằn khô kia giờ xa lạ với Nhan. Nàng không còn tin yêu, không còn mơ mộng. Tuổi ngây thơ qua mau với mối tình đầu sớm sầu, sớm khổ. Nghi đi rồi, để lại trong lòng Nhan nỗi buồn chất ngất. Nhưng tất cả không bằng sự trống vắng ghê gớm, nỗi cô đơn dày đặc quanh mình.
Hơn bao giờ hết, Nhan nhớ lại Nghi với từng câu nói, giọng cười, từng tiếng hát, lời êm. Và đôi lúc nàng nghĩ phải chăng đấy là cành khô độc nhất cột dính Nhan với hiện tại bên con lạch nước đục ngầu trong khu làng hoang vắng tiêu điều nầy Nhan nhớ lại những câu hát mà Nghi đã dậy nàng. Lời buồn và thâm trầm quá, Nhan không hiểu hết, nhưng nàng ưa thích. « Ðêm bây giờ, đêm quá hư vô. Ðêm bây giờ đêm quá hư không. Còn lại gì. Còn lại mình. Ðời buồn tênh ».
Và đời Nhan cũng buồn tênh như một đêm thao thức, mà đêm thì dài suốt một đời nàng.
- Nhan ơi. Nhan…
Tiếng kêu yếu ớt của cha làm Nhan giật mình. Kể từ khi thằng Lời bỏ đi theo đoàn quân, ông già mù càng yên lặng hơn, yếu hơn. Có ngày ông không buồn nói một câu nào với ai, mặc dù hôm biết được thằng Lời đã đi, ông lặng người một chốc rồi nói:
- Thôi như vậy nó cũng đỡ khổ hơn sống ở đây. Khi nào yên thì nó về.
Nhan ứa nước mắt khi nghe cha mình nói như khóc, nói cam phận. Nhưng Nhan không dám khóc trước mặt cha. Tối hôm đó, nàng ra sau hè khóc một mình, khóc ngon lành. Và Nhan cũng không hiểu mình khóc vì chuyện thằng Lời hay khóc cho chính mình, cho cuộc tình sớm tan vỡ.
- Nhan ơi… Nhan
- Dạ, tía kêu con…
- Nói thằng Lời đi kiếm mớ rau dền. Mấy hôm nay, ăn khoai xót ruột.
Nhan ấp úng:
- Tía quên rồi tía, thằng Lời nó…
- Ừa, thôi đi đi…
Nhan lui ra sau, không dám nhìn thêm vào đôi mắt mờ đục của cha, đôi mắt thất thần, cam chịu bởi đã trải qua quá nhiều biến cố đau lòng.
Mãi đến khi Nhan gặp bác Cả Bửng, nàng mới bớt tủi thân đôi chút. Nhan đi theo bác ra bờ lạch. Bác Cả Bửng không nói gì với Nhan cả, bác chỉ đưa mắt nhìn Nhan rồi lại yên lặng bước theo đuổi ý nghĩ mình. Thân hình bác vẫn vững chãi với cái bề ngoài to lớn chắc nịch, nhưng đôi mắt bác đã không còn giữ được sự vui tươi như hôm nào. Ðầu cúi thấp, hai vai so, người bác Cả như trĩu nặng nỗi buồn phiền.
Ðến ngã ba, Nhan mới mở lời trước:
- Bác Cả à, sao kỳ này cháu thấy tía cháu ra làm sao đó. Tía cháu buồn quá. Bị cái vụ thằng Lời bỏ đi.
Bác Cả quay nhìn Nhan, bác quay đi thở dài:
- Ừa, bác cũng thấy vậy cháu à. Ai mà chịu nổi buồn nhiều như ảnh nhứt là người mù lòa.
- Nhưng sao tía cháu cũng có vẻ chịu cho thằng Lời đi.
Bác Cả Bửng cười gằn:
- Cả cháu có bỏ đi như con Nhỉ ảnh cũng vui lòng nữa là. Nhưng cháu phải biết trong cái vui, có cái buồn. Cái buồn đó mới chết người đó cháu.
- Sao vậy bác? Cháu…
- Không, đó là bác nói đúng với tâm lý anh Sáu bên nhà đó. Có ai mà muốn con cái mình sống khổ sở ở cái làng này đâu.
- Bác mà có con cũng vậy?
- Anh Sáu, ảnh muốn mấy cháu bỏ ảnh mà đi, miễn là nơi nào sinh sống được. Ảnh muốn nhưng lại không có can đảm nói bởi ảnh cũng sợ phải sống đơn chiếc một mình. Cái đó mới là mâu thuẩn. Bây giờ thằng Lời tự ý đi, ảnh đâu phiền trách gì. Nhưng buồn và nhớ lắm cháu à.
Nhan ứa nước mắt thương cha. Nàng nói với bác Cả như nói với cha mình:
- Nhưng bề gì cũng còn con ở đây. Con không khi nào bỏ tía hết. Có chết cũng vậy.
Bác Cả ngậm ngùi vỗ vai Nhan:
- Cháu rán dằn cơn buồn mà săn sóc cho ảnh. Già cả như ảnh, như bác, như ngọn đèn lụn bấc. Ðể bác năng qua an ủi ảnh.
Nhan nhìn bác Cả Bửng với đôi mắt biết ơn:
- Thiệt cháu cám ơn bác vô cùng.
Hai bác cháu nhìn nhau lặng lẽ. Cảnh vật cũng lặng ngắt trong nắng trưa với vẻ im lìm khác thường của ngôi làng hoang.
- Cháu ra lạch hả?
- Không, cháu hái rau đầu nầy, thôi bác đi kẻo trưa.
Khi bác Cả đi khỏi rồi, còn lại một mình, Nhan quày quả tiến về đám ra ở đằng phía mấy cây dẻ thấp. Ngồi giữa những cây rau cằn khô, Nhan thấy nhớ Nghi, nhớ thằng Lời lạ lùng. Mỗi khi đi đâu cũng hai chị em. Bây giờ chỉ một mình Nhan trơ trọi. Nghi bỏ đi, Lời cũng bỏ đi. Nhan thấy mình cô đơn trên từng ngón tay, ngón chân, sợi tóc. Cô đơn từ bước đi, từng hơi thở. Nỗi cô đơn vây bọc Nhan, dồn Nhan vào một góc của hoang mang và sợ hãi đến không chịu được. Nhan chỉ muốn vùng dây, bỏ chạy, chạy thật nhanh, chạy trốn xa cho thoát khỏi cái vòng đai vô hình đang giam giữ Nhan. Nhan bật khóc.
Mãi đến khi bóng nắng đổ át xuống chỗ Nhan ngồi, nàng mới uể oải ngắt mấy cộng rau dền màu tím thẩm cột lại thành bó nhỏ. Bầu không khí hơi cay nồng như còn giữ chút hơi hám của mùa nắng hạ. Gió hắt hiu trên mấy đọt tre vành. Một con chim cu rúc nhè nhẹ dưới bãi cỏ tranh rậm. Tiếng kêu thanh và chậm của đám tre già làm Nhan lại nhớ tới những buổi trưa hò hẹn cùng Nghi mà bây giờ, những kỷ niệm đó như là niềm tin yêu độc nhất mà Nhan bấu víu vào để mà nhớ mà chịu đựng cảnh cô đơn.
Thấy trời hãy còn sớm, Nhan đi lần ra phía lạch rửa rau. Bác Cả Bửng độ chừng đang ở khúc lạnh trên. Nhan ngồi xuống bờ lạch nước và nhớ đến những ngày qua cũng trên bờ nước này.
- Ðó, qua đồi, chỗ đất trống đầy sim là nơi anh đóng đó. Ðây qua đó ngó xa mà có chút xíu là tới hè.
Câu nói của Nghi văng vẳng. Nhan chăm chú nhìn qua ngọn đồi trọc. Mấy căn nhà hoang phế đìu hiu. Những cành khô cháy đen ngã nghiêng. Nhan lội xuống bờ nước. Nước chảy qua ống chân rì rào. Nhan bước thêm những bước nữa. Nước ướt đẫm hai ống quần. Bước nữa, bước nữa. Bờ lạch bên kia gai góc với những đám cỏ tranh nghiêng chúi đầu xuống mặt nước đục ngầu. Nhan bước lên miền đất mà hơn một năm nay, nàng không dám để chân.
Những căn nhà hoang càng gần càng ít dễ sợ. Nhan quen mắt và cũng bởi vì sự thúc dục thầm kín, sâu xa nào củna vùng đất trống bên kia ngọn đồi. Chân bước phăng phăng trên lối đi đầy cỏ. Nhan nghe lòng mình tở mở và nhịp tim đập mạnh lạ thường.
- Bữa nào anh đưa em qua trại chơi. Vui lắm. Toàn anh em không hè, sợ gì, họ vui tính đùa giỡn chớ không ác ý đâu… em sợ họ nổ súng bất tử hả? Cứ làm như là súng đụng tới đâu thì nổ đó. Có khóa an toàn chớ. Phải mở khóa mới bắn được.
Nhan kêu lên:
- Nghi… Nghi…
Tiếng Nhan được gió lập lại vọng thinh. Bầu trời vẫn cao nhưng mây nhiều quá. Nhan băng mình xuống đồi. Vùng đất trống trơn? Những hàng sim dại mọc tràn trìa. Chỉ còn một vùng đất đắp nền kỹ càng mà cỏ xanh chưa mọc tràn hẳn.
Nhan ngã người trên vùng đất trống đó, cạnh một hố cá nhân chưa lấp hết. Mùi cỏ, mùi đất gây gây nồng. Phía bên kia, ẩn hiện con đường sắt quanh co biến mất sau dãy núi thấp. Ngoài kia nữa là con lộ thẳng tắp gập ghềnh bởi những ổ gà lỗ chỗ. Nơi đó sẽ có những chuyến xe lam cà rịch cà tang, nổ máy phình phịch. Nơi đó sẽ có những đoàn tàu lửa chạy qua với tiếng còi hú dài thê thiết. Nơi đó, con đường mà Nghi đã đi, nhiều người đã đi. Chị Nhỉ đã đi, bà con làng nước đã đi, thằng Lời đã đi. Còn bên kia, đằng sau lưng Nhan là những ngôi nhà đã im lìm xơ xác, những buổi tối cú rúc thảm não, là những ngày cô đơn bên những ngôi nhà rách nát gãy đổ. Ðằng đó là những mảnh đất khô khan cằn cỗ, những ngày dài trống rỗng trơ trọi, cô đơn, là nỗi nhớ chất ngất, nhớ quay quắt, nhớ không chịu được.
Nhan kêu nhỏ trong cổ họng đã nghẹn tắt vì nước mắt:
- Nghi ơi, Nghi ơi, em theo anh… Nhan theo anh… Chị Nhỉ ơi, Lời ơi…
Trong âm vang của gió, tiếng còi xe lửa mơ hồ rít lên từng hồi quyến rũ. Nhan băng mình bỏ chạy.
Nhan chạy dọc theo đường xe lửa, hai đường sắt song song trong lớp cỏ tranh rậm rạp. Nhan ngã người xuống, rồi lại đứng lên. Nàng như thấy từ đàng xa, dọc theo con đường đất dẫn ra lộ lớn, bóng Nghi tươi cười vẫy gọi:
- Nhan… Nhan… đi đâu đó… Nhan…
Tiếng kêu đâu đó nghe quen, giật ngược. Nhan dừng lại ngơ ngác nhìn quanh. Bác Cả Bửng từ trong đám cỏ tranh đứng dậy. Một tay xách bẫy, một tay kẹp chặt chân của một con chồn nhỏ.
- Cháu đi đâu đó mà chạy như bị ma đuổi vậy?
Nhan nhìn bác, rồi lại nhìn con đường hoang vắng. Nước mắt đổ ùa xuống má.
- Sao cháu khóc, cháu lại không nói? Chớ cháu đi đâu đây?
Nhan nức nở:
- Cháu khổ quá bác Cả à!
Bác Cả Bửng chợt hiểu. Mắt bác dỏi theo con đường sắt cỏ mọc đầy mà thở dài:
- Thôi cháu à. Bề gì mình cũng không làm gì được. Ðành chờ đợi thôi. Hồi bác còn trẻ, thời Pháp đó cũng đánh nhau lâu dài dài. Rồi cũng qua. Qua cơn bĩ cực cũng đến hồi thới lai chớ. Cháu yên tâm đi. Thôi theo bác về. Quên thằng Nghi, thằng Lời đi. Cứ nhớ nhung hoài sao mà chịu nổi.
Nhan đi theo bác. Con đường sau lưng vẫn heo hút như tự bao giờ. Hai bóng người đi chậm trong khi gió vẫn đùa trên mấy cành sim non.
Khi Nhan về tới nhà, trời đã bắt đầu xế chiều. Bà Tư nằm ngủ trên chiếc chõng cũ. Còn ông già mù không có ở chỗ quen thuộc của mình.
Nhan đi vội xuống bếp. Trong cái rổ treo trên giàn bếp lỏng chỏng mấy củ khoai sậm màu. Nhan thấy đói, nàng vừa ăn vừa sửa soạn để lặt rau cho tía. Lúc Nhan thổi lửa thì bà Tư cũng lò dò nhảy từng bậc xuống. Cây gậy chống in từng dấu tròn trên nền đất nện. Nhan kêu lên:
- Thôi bác ở trển chớ xuống làm gì. Ðể cháu nấu. Chắc hồi trưa bác nấu.
Bà Tư cười.
- Ừa, nhưng cũng chỉ có mình bác ăn thôi. Anh Sáu ảnh đi đâu từ hồi mầy đi tới giờ. Chắc lại nhà ông Hai Kiên.
- Ði từ hồi trưa.
- Ừa, chẳng ăn gì ráo. Ảnh cũng khỏe đi thiệt.
Nhan lo âu. Nàng biết cha mình dạo này đã yếu nhiều. Nỗi buồn gặm mòn ông như lũ chuột đào khoét hang hốc. Ông buồn mà ngậm miệng không hề than thở một tiếng nào, vì vậy ông càng câm lặng thêm. Ngay cả việc chuyện vãn với bác Cả ông cũng ít.
- Ðừng có lo cháu, để ảnh đi chơi cho khuây khỏa. Chòm xóm đâu có mấy người. Xây qua xây lại cũng chừng nấy nhà.
- Ðể cháu luộc rau rồi đi tìm tía cháu về. Chắc mấy bữa nay không ăn rau, ổng xót ruột lắm.
Bà Tư gật đầu:
- Ừa, để đó bác coi cho. Hồi còn con Nhỉ, hai ba ngày không có rau là nó chịu không được.
Nhan phủi bụi ở hai ống quần rồi đứng dậy.
- Cháu đi tìm tía cháu đây. Bác coi giùm nồi rau.
- Ảnh ở bên nhà Hai Kiên chớ không đi đâu lâu đâu. Qua bên mà kiếm. Ảnh đi chơi vậy cũng mừng, chớ cứ ngồi yên một chỗ thiệt cực chẳng đã.
Nhan không nghe hết câu nói của bà Tư. Nàng bước ra ngõ vừa đi thật nhanh.
Nhưng quanh quẩn mấy nhà còn lại trong làng Nhan vẫn không thấy cha mình đâu. Lúc rời khỏi nhà Chín Tạng, ngôi nhà xa nhất, Nhan không còn biết mình phải đi đâu nữa. Ông Sáu không đến nhà một ai cả. Nhan lo sợ. Hay là tía lại bỏ mình đi nữa rồi. Ý nghĩ qua như một luồng lạnh giá bao bọc khắp người Nhan. Nhưng sau đó Nhan cười thầm cho mối lo của mình. Tía đã già mà còn đi đâu nữa. Nàng không bỏ cha thì thôi chứ đời nào là cha nàng lại bỏ đi.
Lúc Nhan về nhà thì hy vọng ông Sáu đã trở về trước nàng. Nhưng Nhan chỉ thấy cái bóng đen què quặt của bà Tư trước hiên nhà.
- Tía cháu về chưa vậy bác Tư?
- Chưa… Ủa, mà hổng có ảnh ở nhà mấy người kia hả. Lạ kìa.
Nhan bắt đầu hốt hoảng thật sự. Linh tính báo cho Nhan một chuyện không hay, Nhan nóng ruột đi ra đi vào. Bác Cả Bửng lò dò sang và cũng đăm chiêu.
- Lạ kìa, có bao giờ ảnh đi như vậy đâu. Cùng lắm là qua tui. Mà cháu đi tìm hết chỗ chưa?
- Chẳng còn một chỗ nào hết à bác.
- Có chỗ nào mà ảnh hay ra ngồi chơi không? Nghĩ lại thử coi.
Nhan lúng túng đến độ không biết phải nhớ lại những gì. Trí óc nàng dầy đặc như sương mù. Hằng ngàn ý niệm cùng nói lên một lúc, không có ý nào ở quá trong đầu mấy phút. Nhan lắc đầu, giọng sủng ướt:
- Cháu không biết chỗ nào nữa à bác. Mà sao tía cháu lại đi vậy bác?
Bác Cả Bửng an ủi:
- Hổng sao đâu. Chắc ảnh ra ngồi chơi đâu đó rồi ngủ quên. À… mà cháu ra chỗ mả mẹ cháu chưa?
Nhan vụt nhớ:
- Cha, vậy mà cháu quên, tía cháu hay ra đó lắm bác Cả à.
Bà Tư giục:
- Vậy thì mấy người ra đó coi thử có ảnh không?
- Nhưng có khi nào ổng ngồi lâu ở đó đâu. Ðộ một buổi thì về à.
Bác Cả Bửng gục đầu:
- Thì cứ ra tìm xem sao. Ðâu, mày đi với bác đi. Ði lẹ không thôi trời tối chẳng thấy đâu.
Ngôi mả mẹ Nhan nằm ở cuối khu vườn nhà. Nơi đây những bụi cây chè tàu làm thành tấm hàng rào bao quanh, im mát. Nắng chiều không soi thấu vào được. Buổi hoàng hôn như đến sớm hơn ở góc khu vườn đó. Nhan đưa tay chỉ bác Cả:
- Ðó mả mẹ cháu đó. Cái hàng rào hồi bác với thằng Lời trồng rào giùm đó. Tía cháu hay lần ra nhổ cỏ lắm.
Hai người bước vội vã hơn. Những hàng cây thấp kêu lột xột. Nhan còn ngửi thấy mùi ổi chín thơm lừng đâu đó. Bác Cả Bửng bước nhanh hơn, vẹt đám chè tàu bước khuất vào bên trong. Từ bên ngoài, Nhan bỗng nghe tiếng bác kêu lên thảng thốt:
- A… anh Sáu… Trời ơi… Nhan… Nhan…
Nhan quýnh quáng đâm bổ vào bụi cây. Qua những nhánh lá che mắt, Nhan thấy rõ cha mình đầu gục xuống trên phần mộ mẹ, chân tay co quắp. Và Nhan hiểu cha mình đã chết.
Phương Nào Bình Yên Phương Nào Bình Yên - Kim Hài Phương Nào Bình Yên