People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Tác giả: Giả Bình Ao
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 50
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2840 / 52
Cập nhật: 2016-03-04 10:47:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15 -
n xong cơm trưa, Trang Chi Điệp nằm trong buồng ngủ, nhưng trong đầu lại nghĩ đến lời Mạnh Vân Phòng nói lúc nãy. Thì ra ít nhiều cũng đang oán Đường Uyển Nhi mấy ngày nay người không đến, điện thoại cũng không gọi, bây giờ mới biết cô em cũng bị ốm.
Đường Uyển Nhi bị bệnh gì, tại sao lại ốm, có phải hôm ấy không tìm thấy mình ở khách sạn Cô Đô lại gọi điện về đây không được, đâm ra suy nghĩ lung tung mà lăn ra ốm chăng? Khi đau yếu, con người nhiều tâm tư suy nghĩ lắm, cũng không biết con người nóng hôi hổi ấy, ốm nằm trên giường nghĩ về ta như thế nào? Bất giác Trang Chi Điệp nhớ lại mọi chi tiết trong khách sạn Cô Đô, bỗng thấy rạo rực cả tâm hồn và thể xác.
Liễu Nguyệt giặt quần đùi trong bể nước, phát hiện có những vết lốm đốm khô cứng màu trắng, biết ngay đó là cái gì, chỉ cảm thấy bối rối mờ nhoà con mắt. Cô nghĩ, chị Thanh trưa nay không về, anh ấy trong lòng nghĩ đến ai? Hay là lại gặp trong mơ? Hôm mình hát bài "Dắt tay nhau", anh ấy đã kéo mình lên người, nếu mình hơi thả lỏng một chút, đã trở thành thân gái có chồng. Lúc ấy Liễu Nguyệt đã nẩy thêm một ý nghĩ, không biết chủ nhân thật lòng yêu mình, hay là chỉ rung động nhất thời mà chơi mình. Trang Chi Điệp là danh nhân đã từng gặp nhiều chuyện nhiều người, nếu thật lòng với mình, với độ tuổi này, biết đâu sau này mình cũng sẽ làm bà chủ ở đây. Cho dù không thành, thì anh ấy cũng không để mình thiệt, sau này có lẽ sẽ giới thiệu tìm được một công việc nghiêm chỉnh ở Tây Kinh, hoặc giới thiệu lấy một ai đó. Nhưng nếu anh ấy là danh nhân, nhiều người chiều anh ấy, tìm đàn bà dễ dàng thì anh ấy sẽ không yêu quý mình, vậy thì người chịu thiệt chỉ là mình. Bây giờ nhìn chiếc quần phải giặt, tuy không dám nói chắc anh ấy vì mình, song mình đã nhìn thấu tim gan vị danh nhân mà trước đây mình sùng bái, không nể sợ nữa, cũng không cảm thấy sợ hãi nữa.
Giặt xong quần, phơi trên dây trong sân, Liễu Nguyệt trở về buồng, đứng trước gương mặc quần áo ngắm nghía mình kỹ lưỡng, cũng ngạc nhiên bởi mình xinh đẹp hơn trước. Liễu Nguyệt vô cùng đắc ý, kéo kéo áo sơ mi trước ngực, cặp vú không đeo xu chiêng liền rung rung động đậy. Nhớ mấy hôm trước cùng phu nhân đi tắm ở nhà tắm trên phố, hai vú của phu nhân đã nhão xệ xuống như quả thị treo chín nũn. Bây giờ hễ nghĩ đến cái dáng ấy, Liễu Nguyệt liền cảm thấy vui sướng một cách hết sức lạ lùng. Đang mỉm cười tươi tắn với chính mình, thì có ai đó gõ cửa. Mới đầu còn gõ nhẹ, Liễu Nguyệt cứ tưởng là gió thổi, sau đó lại gõ tiếp bước đến gần chiếc dây buộc cửa trước, sau đó khe khẽ mở cửa, người đứng bên ngoài là Triệu Kinh Ngũ. Triệu Kinh Ngũ nháy nháy mắt phải, định bước vào, nhưng sợi dây buộc cửa chỉ làm cho cánh cửa mở thành một khe rộng ba tấc, một chân Triệu Kinh Ngũ đã bước vào đành phải rụt lại. Liễu Nguyệt nó:
- Anh cứ từ từ, gõ cửa thì văn minh, lịch sự thế, mà vào cửa thì lại như thổ phỉ!
Triệu Kinh Ngũ hỏi:
- Thầy giáo có nhà không?
Liễu Nguyệt đáp:
- Nghỉ chưa dậy. Anh cứ ngồi đi nào.
Triệu Kinh Ngũ liền nói nhỏ:
- Liễu Nguyệt, mới đến được mấy hôm, đã trắng trẻo hẳn ra, ăn diện đẹp thế này.
Liễu Nguyệt đáp:
- đến được hai hôm thì chị cả trả tiền công tháng này. Em đi sắm luôn. Đến đây đều là khách sang, em mặc cũ quá để mất mặt thầy giáo à!
Triệu Kinh Ngũ thốt lên:
- Ối trời, lại còn đeo vòng hoa cúc nữa à!
Liễu Nguyệt nói:
- Anh đừng có động vào.
Triệu Kinh Ngũ bảo:
- Leo lên cành cao rồi, thì phớt bơ người giới thiệu phải không?
Liễu Nguyệt đáp:
- Đương nhiên em cảm ơn anh chứ.
Triệu Kinh Ngũ hỏi:
- Cám ơn bằng cách nào đây? Lấy cái gì để cám ơn?
Liễu Nguyệt liền đánh vào bàn tay ngứa ngáy không yên của Triệu Kinh Ngũ, cứ cười hì hì mãi.
Trang Chi Điệp thấy hai người cười cười nói nói, liền hỏi ai đến thế. Triệu Kinh Ngũ vội đáp:
- Em ạ!
Soi vào gương, vuốt lại mái tóc, Trang Chi Điệp bảo:
- Kinh Ngũ ơi, cậu sang đây nói chuyện.
Triệu Kinh Ngũ vào buồng ngủ, Trang Chi Điệp vẫn nằm trên giường, không ngồi dậy, Triệu Kinh Ngũ hỏi:
- Anh đau chân à, bây giờ thế nào rồi? Trước khi ăn cơm em gặp thầy giáo Phòng trên phố mới được biết. Em biết chân đau, ngồi một chỗ, lòng lại buồn, khó chịu lắm, nên đến nói chuyện với anh cho vui, còn mang đến cho anh mấy thứ giải buồn.
Nói rồi móc túi áo lấy ra một cái quạt và một túi nhựa, trong túi đựng bức tranh được gấp lại. Đầu tiên đưa cho Trang Chi Điệp cái quạt. Trang Chi Điệp cầm xem, cái quạt đẹp lắm, nếp nhỏ và đều mặt giấy hơi vàng có chấm hoa óng ánh, cán quạt hình quả bầu nho nhỏ gắn nối lại. mặt chính quạt là bức tranh sơn thuỷ, phóng theo Bát đại sơn nhân, như thế cũng thường thôi, nhưng ở mặt sau viết chi chít những chữ nhỏ chân phương bằng đầu con ruồi trông rất đẹp, đọc lướt qua, thì nội dung không phải là thơ Đường thơ Tống thường thấy, mà là nghị quyết đường lối chung, phương châm chung Xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bên dưới ký tên "Khang Sinh", lại còn đóng hai con dấy nhỏ của Khang Sinh. Trang Chi Điệp lập tức ngồi dậy hỏi:
- Là quạt giấy cho Khang Sinh tự tay viết à?
Triệu Kinh Ngũ nói:
- biết anh thích bình cổ, em gửi thư cho anh bạn. Anh bạn viết thư trả lời sẵn sàng đồng ý tặng anh và bảo cuối tháng này sẽ đến Tây Kinh. Nào ngờ, tuần trước xảy ra chuyện rắc rối, bỏ ra sáu vạn đồng mua hai tượng Phật nhỏ đã bị tịch thu. Thật chẳng biết đó là tượng Phật gì mà đáng giá như vậy. Hàng chuyển từ Hán Trung về Tây Kinh, thuê một chuyến xe, nhưng đến Bảo Kê, có hai xe công an đuổi theo chặn lại, bắt cả người lẫn tượng. Hôm trước người nhà anh bạn đến tìm em, bảo Cục Công an ra điều kiện, tượng Phật thì tịch thu, còn người, nếu xử thì bảy năm tù giam, nếu chịu phạt thì mười vạn, chọn cách nào thì chọn, ba hôm sau trả lời. Gia đình anh ấy đương nhiên chịu phạt tiền. Anh đóan xem, người ta sẵn tiền thế đấy, bỏ ra một lúc mười sáu vạn một lúc! Người nhà anh ấy không đêm xỉa đến tiền, còn sợ phạt mười vạn không tha người, nhờ em tìm cửa lo lót, liền tặng em cái quạt này, bảo quạt tuy không phải đồ cổ, song cũng coi như một vật trong cung đình hiện đại, người cũng đã chết. Được coi là một vật có giá trị. Quạt này Khang Sinh tặng Lưu Thiếu Kỳ trước hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ tám, trước kia ông ta phản đối Lưu Thiếu Kỳ, sau đó thấy địa vị của Lưu Thiếu Kỳ sắp nâng cao, lại bám theo, liền đích thân viết quạt này đem biếu lấy lòng.
Trang Chi Điệp nói:
- Quả thật đây là một vật tốt, chữ này của Khang Sinh đẹp đấy chứ?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Đương nhiên rồi, trong lĩnh vực thư pháp, ông ta cũng coi như một tài năng. Anh cũng thích thư pháp, em tặng lại để anh cất giữ.
Trang Chi Điệp nói:
- Kinh Ngũ này, có đi có lại, cậu thích cái gì ở đây thì cứ lấy một thứ.
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Không lấy gì cả, anh cho em mấy tờ bản thảo là được.
Trang Chi Điệp nói:
- Mình cũng chẳng phải nhà văn được giải Nobel, bản thảo viết tay này, mình cho cậu một bó cũng xong.
Triệu Kinh Ngũ nói:
- Chỉ cần anh cho em bản thảo viết tay. Anh xem này, em còn tặng anh thứ này bảo đảm anh cũng thích.
Triệu Kinh Ngũ mở túi ny lông ra, một tờ tranh thuỷ mạc rộng bốn thước, chính là bức "Tây Nhạc đăng cao đồ" của Thạch Lỗ, phác hoạ hoang dã, quái lạ, nét bút ngông cuồng, khí thế dữ dội, ngang ngược. Trang Chi Điệp vừa nhìn vào đã biết ngay đây là tác phẩm của Thạch Lỗ sau khi bị điên vào những năm cuối đời, gật gù khen rối rít lại cúi sát gần đọc hàng chữ nhỏ ở bên cạnh "Dục cùng thiên mục, cánh thượng nhất tằng lầu", liền bảo:
- Chữ của người điên Thạch Lỗ này, vị đá vàng đậm lắm, nhưng viết thơ cổ thế này có lẽ không đúng. Thơ trong "Đăng quán tước lâu", Vương Chi Hoán viết là "Dục cùng thên lý mục, cánh thượng nhất tằng lâu" (muốn nhìn hết tâm mắt, lên thêm một tầng lầu), ông ấy viết thiếu chữ "lý" và một một chữ "tằng", mạch văn không thông suốt.
Triệu Kinh Ngũ nói:
- Ông ấy là hoạ sĩ không phải nhà văn, có thể bỏ sót chữ "lý" trước, viết thêm một chữ bên cạnh không đẹp, vậy thì cũng bỏ luôn chữ "tằng" ở phía sau. Viết như vậy trái lại càng thể hiện được máu điên của ông ấy lúc đó. Bức tranh này rẻ lắm, em mua ba trăm đồng từ tay một người phụ nữ ở Lâm Đồng, đưa đến Quảng Châu ít nhất cũng bốn năm vạn.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Đáng giá thế cơ à?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Em đã tìm hiểu tình hình thị trường này hiện nay ở miền nam, tranh của Thạch Lỗ giá bán cao nhất, ở nước ngoài phải tới mười hai vạn đồng nhân dân tệ. Uông Hy Miên phất lên nhờ vào đấy. Ông ấy ngấm ngầm làm những thứ phỏng chế của Thạch Lỗ để đánh lừa bọn người nước ngoài đến du lịch ở Tây Kinh. Em có một người quen cũng làm cái nghề này. Trước kia có liên hệ với Uông Hy Miên, anh ta chuyên bán tranh giả trên thị trường. Gần đã bất hoà với Uông Hy Miên, đến tìm em định cùng nhau tổ chức một cửa hàng trưng bày tranh ảnh gì đó. Trong cửa hàng treo những bức tranh của một số người có tên tuổi và không có tên tuổi chỉ dựa vào bán những thứ ấy, chẳng kiếm được bao nhiêu đâu, mấu chốt là kiếm được ở món hàng giả đàng sau nó, hàng giả sẽ do anh ta thuê người vẽ ở chỗ khác, mình đưa về, anh viết lời tựa hay lời bạt lên, buôn bán kiểu này chắc chắn lãi to.
Trang Chi Điệp nói:
- Đấy rành rành là hàng giả, người ta tra hỏi ra, trên đó có lời tựa bạt của mình, thì có mà mất mặt.
Triệu Kinh Ngũ nói:
- Thế thì anh nhầm rồi, họ tra hỏi thì mình cũng bảo chúng tôi bị mắc lừa, cứ tưởng thật cơ! Nếu biết là hàng giả đánh lừa người mua, thì tại sao yêu thế, viết lời tựa lời bạt làm gì? Chỉ cần vì tiền tiêu mới đem ra bán. Chà, bây giờ các vụ án giết người đốt nhà, cứ mười vụ mới phá được hai ba vụ, còn mình đây, là cái việc gì, đâu có dễ dàng tra hỏi ra được? Nếu là người có con mắt tinh đời thật sự, biết rõ ràng là hàng giả, anh ta mới mua. Tại sao ư? Hàng giả tuy chẳng bằng hàng thật, nhưng cũng có giá trị của hàng giả, huống hồ anh là danh nhân, chữ viết cũng đẹp, càng có giá trị lưu trữ. Bạc trắng xoá chảy vào, mà anh lại không lấy, cứ ngồi ở đây viết viết xoá xoa!
Trang Chi Điệp nói:
- Cậu nói thì dễ ợt, nhưng mình thấy chẳng có gì để đảm bảo. Đây chẳng phải là chuyện nói xong bỏ đấy, làm cửa hàng trưng bày tranh ở đâu? Trong cửa hàng trưng bày tranh cũng phải treo tranh chữ của các nhà thư pháp nổi tiếng cho hợp cảnh, mà ở đây mình có được mấy bức đâu?
Triệu Kinh Ngũ nói:
- Em đã điều tra rồi, ở ngay cạnh hiệu sách của mình có hai gian mặt phố để không, mình mua luôn, làm cửa hàng trưng bày tranh, vừa vặn với hiệu sách tạo thành một khối hỗ trợ cho nhau. Còn tranh chữ nổi tiếng, ở đây anh không có nhiều, nhưng chỗ em cũng có, sắp tới đây có thể còn kiếm được một số. Anh biết không? Trong thành Tây Kinh hiện giờ có một tác phẩm lớn chưa ra đời đâu nhé!
Trang Chi Điệp hỏi:
- Tác phẩm lớn gì vậy?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Người nhà của bạn em bảo người tặng anh ấy chiếc quạt này, ba tháng trước đến Tây Kinh xin Cung Tịnh Nguyên viết cho ông nội anh ta một văn bia, sau khi viết xong văn bia, để tạ ơn Cung Tịnh Nguyên, đã đem đến một quyển "Trường hận ca" của Bạch Cư Dị do Mao Trạch Đông tự tay viết, không viết hết cả bài thơ, chỉ có một trăm bốn mươi tám chữ, mỗi chữ to bằng miệng bát. Đưa đến nhà Cung Tịnh Nguyên, con trai ông ta là Cung Tiểu Ất đã nhận, lấy cắp của bố cậU ta bốn bức tranh để biếu lại. Anh chàng Cung Tiểu Ất này hư hỏng, đi vào con đường nghiện hút. Hắn ta định ỉm đi, bán lấy cục tiền to, mua thuốc phiện. quyển tranh chữ này hiện giờ có thể chưa bán cho ai, em có cách xoay xở được, lại không tạo dựng nổi một mặt phố hay sao?
Trang Chi Điệp nói:
- Con ma phe phẩy lớn Triệu Kinh Ngũ này, việc cậu nói tốt thì tốt đấy, nhưng mình không lao động được đâu. Cậu đi bàn với Hồng Giang xem.
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Ai bắt anh lao động, chỉ cần anh nói một tiếng là được. Hồng Giang tháo vát, thì tháo vát đấy song là kẻ liều lĩnh, em biết cách trị hắn, anh cứ yên tâm đi.
Cuối cùng Trang Chi Điệp bảo Liễu Nguyệt tiễn Triệu Kinh Ngũ ra về. Tiễn đến ngoài cổng, Liễu Nguyệt hỏi:
- Kinh Ngũ ơi, anh và thầy giáo Điệp nói chuyện gì mà mặt mày hớn hở thế?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Định làm một cửa hàng trưng bày tranh, Liễu Nguyệt này, em phải tốt với anh, tương lai em sẽ ra cửa hàng tranh làm Tiểu thư lễ tân, chẳng việc gì phải coi nhà giữ trẻ, nấu cơm, giặt quần áo nữa.
Liễu Nguyệt nói:
- Em có gì không tốt với anh? Cửa hàng tranh, chữ bát không biết viết nét phẩy trước, thì làm được việc gì, gây khó dễ cho người ta. Nếu anh là thầy giáo Điệp, chẳng biết sẽ coi em là nô lệ da đem sai khiến thế nào đây!
Triệu Kinh Ngũ liền đấm Liễu Nguyệt một quả, Liễu Nguyệt cũng đấm trả lại một quả, cứ thế đấm qua đấm lại bốn năm lần, cuối cùng Liễu Nguyệt đá vào mông Triệu Kinh Ngũ một cái, hỏi:
- Em bỏ đi, gia đình kia có chửi em không?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Chửi luôn cả anh ấy chứ, nói lung tung khắp nơi, em coi trẻ con đã ngấm ngầm cho uống thuốc ngủ để được rỗi rãi. Em làm thế thật à?
Liễu Nguyệt đáp:
- Đứa con nhà ấy kiếp trước là con ma hờ khóc mà chết hay soa ấy, cứ tỉnh dậy là khóc! Anh chớ có nói em ở đây nhé! Ngộ nhỡ họ đến đây làm ầm ĩ lên thì hại em đấy!
Triệu Kinh Ngũ nói:
- Anh không nói, nhưng con người là vật sống, chứ đâu phải một thứ chết, em suốt ngày đi ra đi vào, nào đi phố, nào mua sắm thức ăn, liệu có giữ nổi những người trong khu nhà ấy không nhìn thấy em không? Nhìn thấy thì liệu có báo với họ không? Nếu họ đến tìm anh, thì anh có phải là công an đâu mà quản được người ta.
Liễu Nguyệt ỉu xìu nét mặt, nói:
- thường ngày anh chả leo lẻo bốc phét anh quen nhiều bọn đỏ bọn đen là gì, sao anh không sai bọn đen đến doạ họ một trận. Việc này em nhờ anh. Nếu anh chỉ nói mồm dối em, thì từ nay trở đi đừng có vác mặt đến nhà thầy Điệp nữa!
Triệu Kinh Ngũ bảo:
- Em định dựa thế nạt anh đấy hả?
Tiễn Triệu Kinh Ngũ đi rồi, Liễu Nguyệt còn đứng ở đầu ngõ một lúc, thì Ngưu Nguyệt Thanh về. Thấy Liễu Nguyệt cắn ngón tay đứng thẫn thờ ở đó, hỏi đứng đây làm gì? Liễu Nguyệt đáp, thầy giáo sai tiễn Triệu Kinh Ngũ, cũng đang định về.
Ngưu Nguyệt Thanh liền nhắc nhở, con gái không có việc không được ra đầu ngõ ngáo ngơ. Hai người đang nói thì Chu Mẫn và Đường Uyển Nhi, mỗi người một xe đạp rẽ vào ngõ. Ngưu Nguyệt Thanh liền hỏi luôn:
- hai anh chị trai vàng gái ngọc, son rỗi thoải mái tự do, dạo khắp thế giới, bây giờ lại định đi nhảy tiệm nào thế?
Đường Uyển Nhi đã xuống xe, nói:
- Chúng em đang định đến nhà thầy cô đây. Trưa nay, thầy giáo Phòng cho biết thầy Điệp bị đau chân, em hoảng quá định đi ngay, nhưng Chu Mẫn bảo chờ anh ấy hết giờ làm việc cùng đến một thể. Vết thương của thầy có nặng không?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Mồm Đường Uyển Nhi ngon ngọt thật. Gặp chị thì bảo đến nhà chị, còn không gặp chị thì đi tiệm nhảy chứ gì. Nếu không, ban tối đến nhà chị còn diện đẹp thế này kia ư?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Cô ơi, oan cho em quá! Thầy giáo bị đau chân, người khác không sốt ruột, chúng em cũng không sốt ruột hay sao? chẳng cần nói đến nhà anh chị, dù đến bất cứ gia đình nào, em cũng phải ăn mặc gọn gàng tử tế, ăn mặc gọn gàng tử tế cũng là tôn trọng người ta mà!
Nói rồi ôm Liễu Nguyệt. chị chị em em rối rít. Liễu Nguyệt liền để ý đến mái tóc của chị ta, quả nhiên là sấy kiểu vạn năng, tóc dài chấm vai. Ngưu Nguyệt Thanh nghe Đường Uyển Nhi nói như vậy liền tươi cười bảo:
- Vậy thì oan cho các em thật rồi, mau mau vào nhà đi. Chị và Liễu Nguyệt sẽ làm một bữa bánh quấn thừng ăn tối.
Chu Mẫn nói:
- Cơm chúng em ăn rồi, vừa rồi em và Uyển Nhi tiếp tổng biên tập tạp chí Chung Duy Hiền một bữa sủi cảo thịt dê với canh chua ở phố rồi. Cô Thanh và Liễu Nguyệt cứ về trước đi, chúng em sẽ đến ngay. Ăn uống xong, tổng biên tập về nhà lấy một thứ. Chúng em đã hẹn trước chờ ông ấy ở đây, ông ấy không biết lối vào nhà cô Thanh.
Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt về đến nhà, Liễu Nguyệt đi xuống bếp làm cơm. Ngưu Nguyệt Thanh bảo với Trang Chi Điệp bọn Chu Mẫn sắp đến, có cả Chung Duy Hiền, ông Hiền chưa đến nhà mình bao giờ. nếu là chuyện đặt bài trước đây, ông ấy thường liên hệ bằng điện thoại, nếu đến hỏi thăm vết thương của anh, ông ấy và anh quan hệ không thân tình lắm, cứ bảo Chu Mẫn chuỷên lời hỏi thăm cũng được, tại sao trơì tối rồi ông già còn đích thân đến nhà mình làm gì nhỉ? Trang Chi Điệp nói:
- Chắc là Chu Mẫn động viên đấy, chẳng phải là chuyện bài văn kia hay sao? Chu Mẫn là người biết suy nghĩ, hắn e nói anh không nghe, nên cố tình đưa ông Hiền tổng biên tập đến để anh coi trọng đấy mà!
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Anh ta thông minh, thì có thông minh, nhưng cách làm này ít nhiều cũng là cách của người ở huyện lỵ nhỏ.
Nói xong lấy trái cây xuống bếp rửa. chẳng mấy chốc ba người của Chu Mẫn đã đến trước cổng. Trang Chi Điệp chống gậy ra cửa đón. Đường Uyển Nhi vội vàng dìu anh ngồi xuống ghế xa lông, lại còn lấy một chiếc ghế con đỡ chân đau để duỗi thẳng ra, cởi vải màn ra xem, cổ chân vẫn còn sưng tấy và hỏi một tiếng "Còn đau không?" hai mắt đỏ hoe, rơm rớm nước mắt. Trang Chi Điệp thấy chị ta thất sắc, khi ngăn tay Đường Uyển Nhi, năm ngón tay dã ngấm ngầm véo mạnh một cái vào chỗ khuỷu tay của Đường Uyển Nhi rồi vứt cho chị ta một cái khăn tay để lau nước mắt, ngẩng đầu lên nói với Chung Duy Hiền:
- Anh đã có tuổi rồi, còn đến thăm tôi. Tôi thấy khó xử quá! Cái cậu Chu Mẫn này, cậu đến thì cứ đến, việc gì phải phiền phức tới tổng biên tập chứ?
Chung Duy Hiền nói:
- Cho dù anh không bảo tôi đến, thì sớm muộn gì, khi đã biết cùng phải đến. Số dầu tiên, anh đã đồng ý bài văn của Chu Mẫn, từ này về sau còn cấn có tác phẩm lớn của anh. Làm biên tập, một là dựa vào nhà văn, hai là dựa vào bạn đọc, có anh ủng hộ thì cái chức Tổng biên tập này mới ngồi vững.
Trang Chi Điệp thấy ông Hiền nhắc đến bài văn của Chu Mẫn trước, cũng không hỏi thăm những chuyện khác, mà bập ngay vào chủ đề chính nói:
- Tôi đi họp mười ngày, chân lại đau, cũng không đến thăm toà soạn tạp chí được. hiện nay tình hình đến đâu rồi, Chu Mẫn cũng không cho tôi biết kịp thời.
Chu Mẫn nói:
- Em đã từng đến, nhưng thầy giáo đi họp vắng, đành phải nộp bản tuyên bố cho Sở để chuỷên lên ban tuyên truyền xét duyệt.
Chung Duy Hiền nói:
- Sự việc cũng đã tới mức này, Cảnh Tuyết Ấm nhất định đòi thêm một dòng "Sai sự thật nghiêm trọng, có ác ý chửi bới", vào trong lời tuyên bố. Tôi không đồng ý thêm vào! Tôi nói với giám đốc Sở tôi đã làm phái hữu hai mươi năm, sau khi sửa sai, đã làm người phụ trách tạp chí ba năm rồi lại bị Vũ Khôn lật đổ lên thay. Bây giờ coi như là một tổng biên tập thực sự, tôi báu gì cơ chứ? Không trụ được thì tôi lại đổ, lai là phái hữu nữa chứ sao! Không giữ vững nguyên tắc xử lý người một cách dễ dãi, đăng tuyên bố lên, ngoài xã hội bạn đọc sẽ đánh giá t.ap chí đổi mới này như thế nào? Tạp chí còn gì là uy tín? Thể hiện như thế nào để bảo vệ quyền lợi của tác giả?
Chung Duy Hiền xưa nay nhút nhát thận trọng, nào ngờ khi xúc động, thì khẩu khí lại mạnh mẽ cứng rắn. Điều này làm cho Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh đều cảm động. Chu Mẫn ở bên cạnh nói luôn:
- Tổng biên tập ngày đêm lo nghĩ về chuyện này, không có ông chống chọi cho, thì không biết ở bên ngoài họ chê cười em và cũng chê cười luôn cả thầy giáo Điệp như thế nào! Đối với em quần có ướt thì cũng không sợ đứng tiểu tiện, chỉ sợ tổn hại đến thanh danh của thầy giáo Điệp.
Trang Chi Điệp không tiếp lời Chu Mẫn, gọi Liễu Nguyệt rót thêm nước cho Chung Duy Hiền.
Liễu Nguyệt và Đường Uyển Nhi đang trao đổi với nhau kinh nghiệm chải đầu trong phòng sách, cười hì hì hà hà, Liễu Nguyệt đi ra rót trà xong lại rủ Ngưu Nguyệt Thanh cùng sang nói chuyện.
Chung Duy Hiền nói:
- Lời tuyên bố hiện giờ vẫn ở Ban tuyên truyền, ba hôm liền tôi gọi điện thoại thúc giục họ, đồng thời yêu cầu gởi văn bản hoặc lời phê xuống. Ban tuyên truyền bảo, còn phải chờ ông phó tỉnh trưởng phụ trách văn hoá xem đã, nhưng ông phó tỉnh trưởng mấy hôm nay bận nhiều việc lắm, song sẽ phê duyệt rất nhanh. Nhưng tôi cũng lo ngại, nếu ông phó tỉnh trưởng đồng ý với lời tuyên bố mình viết, thì tuyệt vời, nếu ông phó tỉnh trưởng tin theo lời Cảnh Tuyết Ấm, cứ theo đòi hỏi của Cảnh Tuyết Ấm, cho thêm những chữ ấy vào rồi phê chuẩn, thì tấm da trâu của tôi có thể chọi được Sở chứ chọi sao được ông phó tỉnh trưởng?
Trang Chi Điệp cúi đầu im lặng một lúc lâu rồi nói:
- Thế này nhé, có anh chống đỡ ở chỗ toà sọan tạp chí, thì tôi yên tâm. Tôi có thể đi tìm lãnh đạo tỉnh. Chu Mẫn này, lát nữa mình viết một bức thư cho ông bí thư trưởng của thị uỷ, ông này và ông phó tỉnh trưởng phụ trách văn hóa là thông gia với nhau, cậu cầm thư đi gặp ông ấy, mình yêu cầu ông ấy nói chuyện với phó tỉnh trưởng. mình không hy vọng lãnh đạo phải đứng về phe mình, chỉ mong lãnh đạo công bằng vô tư, không thiên vị bên nào.
Chu Mẫn mừng quýnh đến nỗi quả táo cầm trên tay cũng không ăn, nói:
- thầy giáo còn có mối quan hệ này, nếu dùng sớm hơn thì cái mụ họ Cảnh ấy còn bậy bạ sao được?
Chung Duy Hiền nói:
- Thép tốt phải dùng đàng lưỡi, mối quan hệ quan trọng, vạn bất đắc dĩ mới phải đem ra sử dụng.
Trang Chi Điệp không nói gì, lấy một đíếu thuốc châm vào mẩu thuốc sắp hút hết, tiếp tục hút. Khói thuốc từ hai má chui vào mái tóc dài. Mái tóc dài giống như đang bốc cháy.
Trang Chi Điệp hút xong thuốc, gọi Ngưu Nguyệt Thanh ra tiếp chuyện Chung Duy Hiền rồi vào phòng đọc sách viết thư. Trong phòng sách Đường Uyển Nhi và Liễu Nguyệt vẫn đang ríu ra ríu rít nói chuyện, vừa thấy Trang Chi Điệp bước vào, Đường Uyển Nhi đã bỏ mặc Liễu Nguyệt hỏi tại sao bị trẹo chân, bị ngã ở chỗ nào? Bảo mấy đêm liền đêm nào cũng nằm mơ, mơ thấy thầy giáo phóng xe "Mộc Lan" đi trên phố lớn, chị ta gọi thế nào, thầy giáo cũng tỉnh bơ, trong lòng cứ nghĩ sao thầy giáo phóng nhanh thế. Nào ngờ giấc mơ ấy hoá ngược, thầy giáo lại ngã trẹo chân.
Trang Chi Điệp nói:
- Đúng là chạy nhanh lắm, bị vướng một số việc của thị trưởng, không thể ngồi ở trong phòng, chân bị trẹo, em bảo có tiếc không? Tối hôm ấy vốn đã hẹn một người đến đó nói chuyện về nghệ thuật cơ đấy, làm cho người ta bị hẫng, có lẽ bây giờ còn thầm chửi là đằng khác.
Nói rồi đưa mắt nhìn Đường Uyển Nhi, Đường Uyển Nhi liếc Liễu Nguyệt một cái, nói:
- thầy giáo là danh nhân lớn, hẹn không chuẩn thì có sao đâu, người ta không nói chuyện được với thầy về nghệ thuật, đó là người ta không có phúc, thầy cứ để mặc người ta chờ đợi ở đấy đến chảy máu mắt ra ư?
Trang Chi Điệp cười đáp:
- Người ta chửi thì cứ việc chửi, dù sao thì cũng là chỗ quen biết, chửi là thân, đánh là yêu, lần sau gặp lại người ta, để người ta gặm của mình một miếng thịt.
Liễu Nguyệt nghe nói chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao nói:
- Vì chuyện của người khác mà tốn nhiều lời thế không biết!
Trang Chi Điệp nói:
- Không nói nữa, Đường Uyển Nhi này, nghe nói em cũng ốm phải không?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Đau tim!
Hai mắt sáng long lanh, Trang Chi Điệp hỏi:
- Ồ, thế bây giờ còn đau không?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Bây giờ khỏi rồi.
Trang Chi Điệp nói:
- Khỏi rồi cũng phải chú ý. Liễu Nguyệt ơi, em sang buồng bà lấy lọ vitamin E trong ngăn kéo sang đây cho chị Đường Uyển Nhi.
Liễu Nguyệt nói:
- Chị Uyển Nhi bị ốm, anh quan tâm đến thế, đêm qua em bị đau đầu song chẳng có ai hỏi em được một câu.
Trang Chi Điệp nói:
- Em nói điêu vừa chứ, cả đêm em ngáy sòng sọc, em ốm ở chỗ nào? Người ta ốm em cũng ghen đỏ cả mắt lên, để ngày mai em ốm to một trận thật xem nào!
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Liễu Nguyệt, người ta ngủ mà thầy cả đêm nghe thấy tiếng ngáy cơ à?
Liễu Nguyệt liên cười một cái rất tươi đi ra cửa. Liễu Nguyệt vừa ra khỏi cửa, Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi gần như cùng một lúc gục đầu vào nhau, lưỡi thò ra như lưỡi ră"nó đánh hơi, cứ liếm qua liếm lại. Đường Uyển Nhi lại sà đến ôm chặt Trang Chi Điệp, cái miệng thì mút thật mạnh, nước mắt lại chảy ròng ròng, Trang Chi Điệp căng thẳng đến nỗi cố cho lưỡi ra ngoài, song không cho ra được, liền cấu vào cánh tay Đường Uyển Nhi. Hai người vừa tách ra thì Liễu Nguyệt đem lọ thuốc vào. Đường Uyển Nhi liền ngồi ngay lên trên ghế xa lông trong bóng đen, bảo trong giầy có cát, khi tháo giày đã lau nước mắt. Sau đó nhìn lọ thuốc và nói:
- Thầy giáo Điệp, thầy chỉ cho em uống thuốc không ư?
Liễu Nguyệt nói:
- Chẳng có lương tâm gì hết, thuốc này có đắng đâu kia chứ?
Đường Uyển Nhi nói:
- Không đắng đi nữa, thì cũng là thuốc, mười phần thuốc, thì cũng ba phần độc.
Liễu Nguyệt giục:
- Thầy giáo còn phải viết, mình không được quấy rầy.
Cứ khăng khăng kéo bằng được Đường Uyển Nhi đi ra.
Trang Chi Điệp viết xong thư, suy nghĩ đã lâu lắm không gặp Đường Uyển Nhi, buổi tối đến lại đông người thế này, cũng không có dịp nói chuyện. Định hẹn Đường Uyển Nhi hôm khác đến. Cố tình tách được Liễu Nguyệt ra, Đường Uyển Nhi đã tranh thủ thời gian hôn lấy hôn để, làm cho cái miệng không thể làm hai việc cùng một lúc, liền vội vàng viết một mẩu giấy, tìm khe hở nhét cho Đường Uyển Nhi. Sau đó cầm bức thư đã viết xong đem ra đưa cho Chung Duy Hiền xem rồi bảo Chu Mẫn nhận thư. Lại uống thêm mấy chén nước, thì nồi nước trên bếp đã sôi. Liễu Nguyệt gọi bảo mời cơm, Trang Chi Điệp giữ ba người cùng ăn. Chung Duy Hiền đã từ chối, mắt mũi kèm nhèm, về muộn quá đạp xe không thuận lợi, liền đứng dậy định đi. Chu Mẫn cũng định đi, Đường Uyển Nhi đành phải nói mấy câu căn dặn Trang Chi Điệp yên tâm chữa vết thương rồi đi theo ra cửa. Ngưu Nguyệt Thanh liền gọi Đường Uyển Nhi lại bảo, chỗ cá em chắc chẳng có mấy thứ nhà chị có một ít đậu xanh, đem về nấu cháo mà ăn. Đường Uyển Nhi không lấy, Ngưu Nguyệt Thanh cứ bắt phải đem theo, chị bảo ăn đậu xanh mát, mùa hè nóng nực ăn cháo đậu xanh đỡ nhiệt, hai người thân mật đưa đẩy nhau. Trang Chi Điệp tiễn Chung Duy Hiền và Chu Mẫn ra cổng, quay đầu nhìn Đường Uyển Nhi, Đường Uyển Nhi vẫn đang nói chuyện với Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt liền nghĩ bụng đợi Đường Uyển Nhi ra, thì thế nào Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt cũng tiễn ra, không còn dịp nào mà đưa mẩu giấy hẹn. Nhưng khi Chung Duy Hiền và Chu Mẫn mở khoá xe đạp, Trang Chi Điệp liền nẩy ra một kế, tay vê mẩu giấy trong túi thành một cái que nhỏ, nhét vào ổ khóa xe đạp màu đỏ của Đường Uyển Nhi. Một lát sau quả nhiên Đường Uyển Nhi, Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt đi ra, Trang Chi Điệp đang nói chuyện với Chung Duy Hiền ở cổng, liền gọi Ngưu Nguyệt Thanh đến chia tay với Chung Duy Hiền. Ngưu Nguyệt Thanh ra cổng, Đường Uyển Nhi ra mở khoá xe đạp, vừa cầm chìa khoá định xỏ vào ổ khóa chợt phát hiện ra trong ổ khóa có mẩu giấy, lập tức hiểu ra ngay, vội vàng nhấc ra luôn, giở phẳng trong túi áo, sau đó cúi xuống, vừa mở khoá, vừa đọc dưới ánh điện ở cổng chiếu tới. Nhưng trên giấy viết gọn lỏn mấy chữ "Trưa ngày kia đến". Đọc xong vò lại trong lòng bàn tay, hớn hở dắt xe ra. Ba người lần lượt bắt tay chủ nhà ở cổng, đến lượt Đường Uyển Nhi bắt tay Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp đã cảm thấy có cục giấy trong bàn tay Đường Uyển Nhi, hơn nữa một ngón tay còn cào vào lòng bàn tay của Trang Chi Điệp. Hai người nhìn nhau cười.
Tất cả mọi động tác, Ngưu Nguyệt Thanh không biết gì, nhưng đứng trong bóng tối lờ mờ của đèn điện, Liễu Nguyệt đã nhìn thấy rất rõ.
Để mở rộng nhà sách, Triệu Kinh Ngũ và Hồng Giang đã tất bật khắp nơi, mò đến cả gia đình anh thứ hai và anh thứ tư trong "bốn cậu ác lớn", đã làm xong thủ tục mua lại ngôi nhà bên cạnh và giấy phép kinh doanh. Công việc cũng đã hòm hòm, mấy ngày tiếp theo lại bận mải chắp nối quan hệ, kết bạn với những người ở Cục công thương, Cục thuế vụ, Cục điện nước, Cục bảo vệ môi trường, Cục công an và văn phòng đường phố sở tại, ăn một bữa vịt quay ở nhà hàng Tây Kinh, lạ làm một chầu canh dương vật của bò, lừa và chó ở khách sạn Đức Lai Thuận, rồi chơi bài mạt chược với bọn họ suốt đêm, cố ý được ít thua nhiều. Cứ thế đi đi lại lại, gần như quen thân, cứ gọi phứa là ông anh, thằng em. Hồng Giang chịu trách nhiệm dự trù số tiền mở cửa hàng, cuốn tiểu thuyết chưởng của Toàn Dung cả vốn lẫn lãi thu được mười hai vạn, cầm phiếu thu chi, đưa cho Ngưu Nguyệt Thanh trước tám vạn, trả nợ cho vợ Uông Hy Miên. Ngưu Nguyệt Thanh lại đưa cho Hồng Giang bốn vạn, dặn dò bàn với Triệu Kinh Ngũ bố trí chuyện cửa hàng tranh. Hồng Giang bảo bên ngoài còn một khoản một vạn bốn ngàn đồng, nhưng đêu do người ở các điểm bán lẻ của huyện bạn dây dưa, có lẽ khó có thể đòi ngay trong một lúc. Bởi mỗi nơi nợ một tít không lớn, nếu đích thân đi đòi thì tiền xe, tiền ăn tiền ngủ cũng gần ngang với tiền đòi được, cho nên chỉ có thể gửi thư thúc nợ, cũng chẳng cần phải chuẩn bị gì cả về mặt tâm lý. Ngưu Nguyệt Thanh nghe cậu ta nói cũng không biết cụ thể, chỉ mắng đôi câu lòng người bạc bẽo, thói đời hư đốn, liền rút ra mấy tờ một trăm đồng trả tiền lương tháng cho Hồng Giang. Nhưng Hồng Giang bảo trả nhiều quá, cứ nhất quyết trả lại bằng được bốn năm mươi đồng. Thật ra một vạn bốn ngàn đồng này đã tiền trao cháo múc từ đời nảo đời nào, Hồng Giang đem số tiền ấy ngấm ngầm giao cho một người họ hàng xa mở một cửa hàng thu mua phế phẩm trong ngõ Vương Gia ở cửa Đông thành phố, chuyên làm nghê buôn bán ở chợ âm dương.
Dưới chân thành cửa Đông thành phố là một chợ âm dương nổi tiếng của Tây Kinh. Buổi chiều sau khi lặn mặt trời, buổi sớm trước khi trời sáng, các cuộc buôn bán đồ cũ toàn thành phố được tiến hành ở đây. Điều thú vị là cái tên chợ âm dương, hay chợ ma, quả thật cũng có chút hơi ma. Địa thế vùng cửa Đông thành phố thấp trũng, con sông bảo vệ thành phố ở chỗ cổng thành lại là đoạn sâu nhất, rộng nhất, cây cối rậm rạp nhất của toàn bộ con sông bảo vệ thành phố, xưa nay buổi sáng buổi tối đều có sương mù, đèn đường ở đây cũng mờ ảo, những người buôn bán cũng không ai nói to, áo quần cũ rách, mặt nhọ tóc rối, cử chỉ hành động mải móng hấp tấp, đèn đường chiếu bóng họ lên tường thành đầy rêu xám ngoét, cứ nhảy nhót lúc to lúc nhỏ, đen đen sì sì, nom rất sợ. Đầu tiên, chợ ma này là nơi tụ họp của những người thu mua nhặt nhạnh đồ cũ nát, rất nhiều gia đình có cái xe đạp thiếu một chiếc bàn đạp, một cái xích, cái bếp than thiếu một cái ghi, cái móc, hoặc mấy cái đinh bằng xi măng, cái cánh cửa hỏng cần phải sửa, một đoạn ống nước, vòi nước, những thanh gỗ cũ để sửa chân ghế, chân giưỡng, những tấm gỗ dán, chổi quét sơn quét vôi tường nhà, ống cong lắp lò sưởi, lò xo ghế xa lông tự chế, tấm bao đay…Phàm là những thứ cần kíp trong đời sống thường ngày, mà cửa hàng nhà nước và tư nhân không có hoặc rẻ hơn cửa hàng quốc doanh và cá thể, đều có thể tìm mua ở đây. Nhưng đi đôi với sự ngày càng mở rộng của chợ âm dương, những người đến chơi chợ, không chỉ còn là những dân nhà quê áo quần rách rưới vào thành phố gom nhặt đồ cũ nát, hoặc những giáo viên, nhân viên cơ quan bao giờ cũng mặc áo bốn túi, để đầu bù hay cắt cua, mà dần dần có cả những người mặc áo rộng quần rộng, hoặc áo chật quần chật, hoặc áo rộng quần chật, hoặc áo chật quần rộng. Họ đã làm tăng màu sắc sáng sủa cho nơi đây, trong nói năng giao tiếp cũng đem tới ít nhiều tiếng lóng chẳng ai nghe hiểu. Họ cũng bày bán quán này một cô mắt xanh môi đỏ, lều kia một mụ mông móp ngực nở. Những liền anh liền chị theo mốt thì luôn lll thay đổi hình tượng. Hôm nay đi giày da gót sau cao bốn đốt ngón tay to bằng đầu đũa, ngày mai trong dép lê lại là bàn chân đế trần với những ngón chân trắng mũm mĩm, móng nhuộm đỏ loè, người đàn ông kia, lúc sáng còn tóc vàng xoã vai, buổi chiều đã gọt trọc lóc, thường thường khoe nhau ở đây những mốt ăn diện nổi tiếng từ chân đến đầu. Những chủ bán chủ mua cũ của chợ Ma cho rằng, có những người ấy ra nhập hàng ngũ của họ đã có giá trị nâng cao địa vị của họ trong thành phố này, cảm thấy vinh dự lắm. Nhưng chẳng bao lâu đã phát hiện ra những người này, đều là những kẻ lười biếng, vô công rồi nghề, lang thang, bậy bạ, ăn cắp, móc túi, những thứ chúng bán rẻ gồm xe đạp, xe đẩy, xe cải tiến còn mới nguyên, chúng bán những thứ mà họ chưa nhìn thấy bao giờ như bê tông cốt thép, thỏi nhôm, que đồng, các loại kìm, cờ lê, dây thép dây cáp điện, thậm chí cả nắp gang ở cửa ra của đường ống ngầm tuy đã băm nát nhưng vẫn nhận ra chữ "Xây dựng đô thị". Thế là đã xuất hiện mấy cửa hàng thu mua đồ cũ nát ở trong ngõ Vương Gia rất chật hẹp cách chợ âm dương không xa. Cửa hàng mà Hồng Giang mới thuê người tổ chức tuy khai trương chưa được bao lâu, nhưng lãi lắm, bán lại những thứ đã thu mua được cho trạm thu mua phế phẩm quốc doanh, hoặc trực tiếp bán cho các xưởng nhỏ, đường phố và các xi nghiệp xã trấn ở các huyện ngoại thành, đã kiếm được lãi khá to. Đương nhiên Ngưu Nguyệt Thanh biết sao được việc này, Trang Chi Điệp cũng không biết, ngay đến ba cô gái thuê mướn phục vụ ở hiệu sách cũng không biết. Dự định mở rộng hiệu sách và mở cửa hàng tranh cần một khoản tiền lớn, bốn vạn đồng Ngưu Nguyệt Thanh đưa cho đâu có đủ. Cộng thêm tích góp trước đây của hiệu sách thì vẫn còn thiếu nhiều. Hồng Giang liền nảy ra ý định thành lập hội đồng quản trị cửa hàng tranh, nêu rõ sau khi khai trương cửa hàng tranh, mỗi uỷ viên Hội động quản trị có thể làm quảng cáo cho cá xí nghiệp quanh năm ở cửa hàng tranh, lại đồng ý hàng năm có thể tặng mỗi uỷ viên hội đồng quản trị hai tờ tranh chữ nổi tiếng, xí nghiệp có hoạt động gì cũng bảo đảm triệu tập một loạt hoạ sĩ có tên tuổi đến cổ vũ động viên, có nghĩa vụ vẽ tranh viết chữ. Trên thực tế là xin xí nghiệp trợ giúp một số tiền, nói thẳng ra là xin tiền của người ta. Hồng Giang liền bàn với Triệu Kinh Ngũ, rồi tự đi tìm giám đốc Hoàng của nhà máy thuốc bảo vệ thực vật 101.
Hoàng không biết về Hồng Giang, Hồng Giang giới thiệu tường tận về mình, rồi lại nói sản phẩm của nhà máy 101 chất lượng tốt có tín nhiệm lớn như thế nào, nhìn thấy giám đốc Hoàng đã cảm thấy giám đốc Hoàng có phong thái và khí phách của một nhà doanh nghiệp hiện đại ra sao. Giám đốc Hoàng đang bị cảm cúm, một giọt nước mũi trong veo ở lỗ mũi cứ muốn rơi ra mà chưa rơi được, ông hỏi:
- Anh đến xin tài trợ hả? Bao nhiêu tiền?
Hồng Giang hỏi lại:
- Có nhiều người đến xin tài trợ không ạ?
Giám đốc Hoàng đáp:
- Nhiều như cào cào châu chấu ấy. Bọn họ làm sao biết tôi có tiền mà đến nói vòng nói vèo, thò tay ra xin không biết?
Hồng Giang liền cười đáp:
- Đó là bởi vì, một là sản phẩm của giám đốc có tín nhiệm, hai là Trang Chi Điệp viết bàicho giám đốc có ảnh hưởng lớn thế đấy! Nhưng xin giám đốc hết sức nâng cao cảnh giác, chớ để họ túm tóc mình. Tôi đến tìm giám đốc, một là nghe đại danh của giám đốc, chưa biết người thật, đến để mở rộng tầm mắt, làm q uen một người bạn, hai là thay mặt Trang Chi Điệp, định lấy cửa hàng tranh mới mở, tuyên truyền thêm cho quý nhà máy.
Nói xong liền đưa ra một bản chương trình nói về tính chất, chức vụ, quyền lợi của hội đồng quản trị và điều kiện gia nhập hội đồng quản trị. Giám đốc Hoàng sung sướng đọc từng câu từng chữ như học sinh tiểu học đang đọc một bài tập làm văn:
- "Hội viên cần nộp năm ngàn đồng trở lên, mở ngoặc, năm ngàn đồng, đóng ngoặc. Nếu có thể giao một vạn đồng, sẽ xem xét là phó chủ tịch hội đồng quản trị, số lượng phó hội đồng quản trị không hạn chế. Chủ tịch hội đồng quản trị do nhà văn có tiếng tăm Trang Chi Điệp đảm nhiệm".
giám đốc Hoàng đọc xong, ngẩng đầu, há mồm, lâu lắm không nói gì. Cậu con trai nhà họ Hoàng đang làm bài tập trong sân, cầm quyển vở đến hỏi bố.
- Bố ơi chữ này là gì hả bố?
Giám đốc Hoàng nhìn rồi hỏi:
- Một chữ "Hải" cũng không biết à? Bố dạy con ba lần con phải nhớ nhé!
Cậu bé đáp:
- Vâng ạ.
Giám đốc Hoàng liền dạy con:
- Hải, Hải, dương của hai chữ hải dương (giám đốc Hoàng đáng lẽ ra phải dạy là Hải, hải, hải của hai chữ Hải Dương mới đúng).
Cậu bé đọc lại:
- Hải, hải của hai chữ Hải Dương.
Hồng Giang bảo:
- Hải, hải, hải của hai chữ Hải Dương chứ! không phải là Hải, hải, dương của hai chữ Hải Dương đâu!
Giám đốc Hoàng liền quát con:
- Đi đi, xéo ra đằng kia, trong lớp không chăm chú nghe thầy giáo giảng, về nhà lại làm bố lẫn lộn nốt – rồi nói với Hồng Giang – chương trình có thế này thôi ư?
Hồng Giang đáp:
- Ngồi cùng một ghế với danh nhân văn hoá, đó là loại người như thế nào. Mình làm nhà doanh nghiệp lẽ nào cứ mãi mãi là nhà doanh nghiệp nông dân. Tại sao không xoá bỏ chữ nông dân đi?
Giám đốc Hoàng liền cười hì hì, giục:
- Vào trong nhà ngồi đã!
Mời Hồng Giang vào trong nhà, rồi đưa rượu ngon trà ngon ra chiêu đãi, song hỏi kỹ Trang Chi Điệp gần đây đã dọn nhà chưa? Mẹ vợ Trang Chi Điệp nằm viện đã khỏi bệnh chưa? Cái nốt ruồi ở cằm của Trang Chi Điệp bảo là dùng tia la de tẩy đi, không biết dã mất hay vẫn còn?
Hồng Giang cười, trả lời:
- Giám đốc Hoàng này, giám đốc đừng nói những lơi như tra khảo tôi như thế. Đòn này của giám đốc ghê gớm đấy, nếu đến đây là tên bịp bợm sẽ phải trả lời theo câu hỏi của giám đốc, vậy thì con cáo đóng giả bà già sẽ lòi đuôi ra! Giám đốc nhìn cái này, xem có giống với con dấu trên bức tranh chữ Trang Chi Điệp viết cho giám đốc treo trên tường kia không?
Hồng Giang liền lấy ra một con dấu bảng đá màu tiết gà. Giám đốc Hoàng nhìn con dấu, lại đóng lên giấy một cái, giống y hệt như trên bức tranh. Hồng Giang nói:
- Con dấu này, Trang Chi Điệp giao cho hiệu sách quản lý. Thầy Điệp vốn định bán sách ký tên, nhưng sau đó phải đi họp Hội đồng nhân dân, chân lại bị trẹo, mới bảo tôi cầm dấu đóng vào bìa phụ của cuốn sách bán ra, so với trước tốc độ bán sách nhanh hơn nhiều. Nay thầy giáo vốn định đi cơ, nhưng chân còn đau chưa đi được, nên tôi mới cầm con dấu này đến làm chứng để giám đốc nhìn thấy con dấu như nhìn thấy chính thầy giáo Điệp.
Giám đốc Hoàng nói:
- Tôi đâu phải không tin anh? Tôi cũng chẳng cần xem con dấu kỹ làm gì. Nếu đã không tin anh, thì tôi có thể tin một con dấu hay sao? Cục công an chẳng phải thường bắt một số người khắc dấu trộm đó sao?
Nhưng lại hỏi:
- Ông Điệp tại sao bị trẹo chân? Vết thương có nặng không?
Hồng Giang đáp:
- Lâu lắm rồi chưa thấy khỏi, thị trưởng cũng quan tâm, đích thân gọi điện thoại cho giáo sư bệnh viện thuộc Viện y học đi pha chế thuốc, nhưng cũng chưa thấy hiệu quả rõ rệt.
Giám đốc Hoàng nói:
- Phương thuốc dân gian làmdanh y tức lên mà chết đấy, giá nói sớm với tôi, thì có lẽ vết thương đã khỏi từ lâu rồi. Tôi có quen một người, gia đình có nhiều phương thuốc dâN gian và bí mật gia truyền, chuyên trị vết thương do ngã và đánh đập, chỉ một liều thuốc cao là khỏi liền.
Hồng Giang nói:
- Vậy thì hay quá, chúng ta đi mời thầy thuốc đến chữa bệnh và giám đốc cũng sẽ yên ta6m tôi là thật hay giả.
Ngay tức thì hai người đạp xe đến nhà thầy thuốc, lại cùng thầy thuốc vẫy xe ô tô chở thuê đi đến Song Nhân Phủ. Thầy thuốc tháo băng trên chân Trang Chi Điệp, lấy tay ấn vào thịt cạnh cổ chân, thịt lõm xuống thành một hõm nhỏ, lâu lắm mới dần dần mất đi. Giám đốc Hoàng tức giận bảo:
- Thế mà cũng coi là giáo sư của viện y học, giáo sư, giáo sư ăn không của chế độ. Anh chờ đấy, thầy lang Tống dán cao cho anh, sáng sớm ngày mai anh có thể lên tường thành đi bộ và nhẩy tâng tâng được cho mà xem.
Người thầy lang kia nói:
- Anh Hoàng ơi, đừng gọi tôi là thầy lang này thầy lang kia nữa, tôi có phải là thầy lang đâu!
Giám đốc Hoàng nói:
- Anh cũng bảo thủ lắm cơ, chết đến đít còn không đi cầu xin, tay bưng bát vàng, nhưng lại đòi đi ăn mày, làm đêch gì trong cái trường trung học ấy, mỗi ngày chẳng kiếm nổi ba đồng. Thật chẳng thà xin từ chức, lập ra một phòng khám bệnh tư nhân có phải ăn thơm uống cay không nào? Anh cứ chịu khó chữa khỏi cho ông Điệp đi, chữa khỏi rồi, ông Điệp là danh nhân lại không giúp anh kiếm được giấy phép hành nghề hay sao?
Trang Chi Điệp liền hỏi tại sao không phải là thầy thuốc? giám đốc Hoàng nói anh ấy luôn luôn chưa được cấp giấy phép làm nghề y, hiện nay vẫn làm quản lý bếp ăn ở một trường phổ thông cơ sở, chỉ dâm dúi pha chế thuốc cho người bệnh. Trang Chi Điệp cảm động lắm, liền bảo:
- Anh có tay nghề nổi trội, đúng là nên tự phát huy thế mạnh của mình. Đương nhiên là giấy phép hành nghề y phải được Cục y tế xét cấp. Tôi không có người thân quen ở Cục y tế, nhưng cũng biết chủ nhiệm Vương ở văn phòng uỷ ban đường phố Đại lộ Thượng Hiền. Anh họ ông Vương làm Cục trưởng Cục y tế.
Giám đốc Hoàng nói:
- Thầy lang Tống, anh nghe thấy chưa? Thế nào là danh nhân? Danh nhân có khác phải không nào? Chúng mình chớp thời cơ, rèn sắt đang lúc còn đỏ, hôm nay mời thầy Điệp tiên sinh dẫn anh và tôi đi gặp ông chủ nhiệm Vương cái đã, cứ chấp nối với Cục y tế trước. Sư phụ dẫn vào cửa, tu hành ở cá nhân, sau này không phiền tóai đến Điệp tiên sinh nữa, anh trực tiếp đi bám ông Cục trưởng.
Thầy lang Tống nghe xong cũng phấn khởi vô cùng, song lại nói:
- Liệu có được không? Hôm nay làm sao Điệp tiên sinh đi được?
Thấy giám đốc Hoàng tiện cột trèo cao, đặt vấn đề đi tìm chủ nhiệm Vương như vậy, Trang Chi Điệp không vui vẻ lắm, nhưng thấy thầy lang Tống nét mặt lúng túng khó xử, lại cảm thấy con người này thật thà. Anh nghĩ, ở bệnh viện hiện nay, nói chung thầy thuốc tây y thấy bệnh chỉ đưa đẩy, thầy thuốc đông y thấy bệnh lại chỉ nói bốc. Còn anh Tống này, thấy chân đau không nói anh có chữa được hay không, Trang Chi Điệp liền biết ngay anh ấy có tấm lòng chạy chữa. Sở dĩ có tay nghề như thế này mà không có giấy phép hành nghề, có lẽ là do anh ấy vụng về trong giao tiếp liền nhận lời có thể đi được. Thầy lang Tống liền đứng lên bảo là định đi đại tiện. Trang Chi Điệp bảo trong nhà có cầu tiêu, ngồi bô thoải mái hơn ngồi xổm ở nhà xí công cộng. Thấy lang Tống nói:
- Chính là tôi ngại ngồi bô không quen.
Liễu Nguyệt liền dẫn anh Tống ra cổng, chỉ hướng để anh ấy đi. Lâu lắm không thấy anh Tống về, giám đốc Hoàng liền nói đến tình hình sản xuất của nhà máy 101, cứ cảm ơn rối rít bài viết của Trang Chi Điệp. Tự nhiên Hồng Giang nêu ra chuyện hội đồng quản trị cửa hàng tranh. Trang Chi Điệp vẫn bảo việc này cậu cứ bàn với Triệu Kinh Ngũ. Giám đốc Hoàng định nói câu gì, thì Hồng Giang đã vội vàng giục:
- Giám đốc Hoàng này, người giám đốc mồ hôi mồ kê nhẽ nhãi, giám đốc đi rửa cái mặt cho mát.
Giám đốc Hoàng kéo vạt áo lên ngửi. dường như có phần nào ngường ngượng, nói:
- Tôi béo, không chịu được nóng nực mà!
Nói xong ra bể nước rửa mặt mũi chân tay. Hồng Giang bước lại khẽ bảo:
- Giám đốc đừng nhắc đến chuyện hội đồng quản trị trước mặt thầy giáo Điệp. giám đốc cũng vừa nghe rồi đó, thầy giáo Điệp giao cho tôi toàn quyền thay mặt thầy giáo làm việc này, hiện giờ thầy giáo đau yếu, đang buồn, lại nói ra trước mặt, thầy giáo sẽ trách tôi có chút việc cỏn con cũng không làm được.
Giám đốc Hoàng nói:
- Vậy thì anh đưa cho tôi bản chương trình. Tháng này kinh phí hơi căng, tháng sau tôi đem tiền đến tìm anh bàn tiếp.
Hồng Giang liền giao cho giám đốc Hoàng bản chương trình, lại đưa cả tấm danh thiếp của mình. Lúc này, thầy lang Tống đã trở về, tay xách hẳn một túi ny lông to đùng, bên trong có hai túi thuốc lá thơm núi tháp đỏ, hai chai rượu trắng Hồng Tây Phượng, một gói đường hoa liễu, một gói kẹo vừng. Trang Chi Điệp hoảng quá vội nói:
- Cứ tưởng anh đi đại tiên, ai ngờ đi tiêu ngần này tiền? Anh đã đến chữa chân cho tôi, lại còn mua quà cho tôi, tôi làm sao mà nhận được?
Thầy lang Tống đỏ mặt đáp:
- Lần đầu tiên được gặp tiên sinh, hai tay không khó coi quá, huống hồ tiên sinh đã đồng ý đi gặp chủ nhiệm Vương. Đâu phải chỉ có một chút quà nhỏ mọn này mà cắt đặt được chuyện đó!
Giám đốc Hoàng bảo:
- Tiên sinh cứ phải nhận mới được, khi nào phòng khám được khai trương, thầy lang Tống sẽ là ông chủ có tiền.
Trang Chi Điệp nói:
- Vậy thì được rồi, bây giờ chúng ta đi, mang theo những quà này cho chủ nhiệm Vương.
Anh Tống cứ nhất quyết không, hai bên tranh chấp mãi. Trang Chi Điệp đã nhận lại một túi thuốc. Anh Tống vẫy một chiếc xe con, giám đốc Hoàng và Hồng Giang dìu Trang Chi Điệp ra đầu ngõ, bốn người đáp xe đến phố Thượng Hiền. Vừa vào văn phòng uỷ ban đường phố, may sao Vương chủ nhiệm có nhà, đang tiếp khách, nên đã mời họ ngồi sang một bên uống nước. Ngồi nói chuyện với chủ nhiệm Vương là một người con gái đeo kính trắng, ngồi tại chỗ, hai chân bắt chéo để dưới ghế, hai tay ôm khư khư cái túi da nhỏ để trên đầu gối nói:
- Thưa chủ nhiệm Vương, em vô cùng cảm ơn chủ nhiệm đã quan tâm và tín nhiệm đối với em, giao nhiệm vụ này cho em, em xúc động lắm, ba giờ đêm hôm qua vẫn không ngủ được, chị em vẫn cứ tưởng em có…
Chủ nhiệm Vương ngắt lời:
- Tưởng sao cơ?
Người con gái đáp:
- Nói thế nào được nhỉ? Chị ấy thường quan tâm đến chuyện hôn nhân của em, tưởng em đã có bạn trai rồi.
Chủ nhiệm Vương nói:
- Nghe giám đốc các cô nói, cô vẫn chưa tìm hiểu ai, hiện nah có rồi chứ?
Người con gái đáp:
- Hôm tốt nghiệp em đã thề, không làm nên sự nghiệp em không xây dựng gia đình. Thưa chủ nhiệm Vương, chính vì vậy mà em vô cùng coi trọng cơ hội này. Đêm qua ba giờ bò dậy, đã nghĩ ra nhiều phương án, làm theo kiến trúc Đại Đường Trung Quốc, hay theo kiến trúc Minh, Thanh? Em định tiếp thu một số phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây, liệu có thể vừa giống một loại điêu khắc và nặn tượng của thành phố, vừa là một nơi sử dụng công cộng được không?
Chủ nhiệm Vương đáp:
- chuyện ấy cứ từ từ, đừng nóng vội, chắc chắn cô sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Khi bàn chọn người, tôi vừa nhắc đến cô người ta đã không đồng ý, tôi trước sau vẫn giữ vững. Bây giờ xem ra tôi đã chọn đúng người phải không nào, mắt còn tinh phải biết. Nhưng tôi phải nhắc nhở cô phải giải quyết vấn đề hôn nhân của mình, người xinh đẹp như thế này đến bây giờ vẫn chưa có một đối tượng,quả thật khiến người ta khó tin. Chắc là cô còn kén chọn tiêu chuẩn cao quá phải không?
Người con gái đáp:
- Em đã từng nói với chủ nhiệm, chưa làm nên công chuyện gì, em chưa lấy chồng.
Chủ nhiệm Vương liền chau mày giơ tay lên đấm một quả thật mạnh vào bao cát treo trên tường sau bàn. Cạnh bao cát còn treo một đôi găng đánh bốc. Người con gái có phần ngạc nhiên, giữ cặp kính hỏi:
- Chủ nhiệm là người yêu thích quyền Anh ư?
Vương chủ nhiệm đáp:
- Tôi làm thế để trút nỗi buồn giận mà thôi. Năm năm trước tôi đã là chủ nhiệm ở đây, năm năm rồi vẫn là ở đây làm chủ nhiệm. Cô bảo tôi không chán sao được? Nhưng buồn chán để đi đánh người ư? Giết người ư? Anh có thể đánh ai giết ai mới được? Ở nhà có bà vợ mặt xanh xao canh giữ hễ anh nói to một tiếng là bà ta cứ ca cẩm, làu bàu dai như đỉa đói, tôi đành phải mua đôi găng đánh bốc, đành phải đấm bao cát này để bõ tức.
Nói rồi bước đến lấy đôi găng và cũng đấm thật lực mấy quả vào bao cát. Người con gái thấy chủ nhiệm Vương và khách nói đến chuyện đánh bốc, tỏ ra lúng túng khó xử, liền đứng lên. Chủ nhiệm Vương nói:
- Cô đừng đi, chờ lát nữa tôi còn định nói chuyện với cô đấy.
Người con gái hỏi:
- Em ra nhà vệ sinh một lát, nhà vệ sinh ở đâu ạ?
Chủ nhiệm Vương đáp:
- Ngõ này không có, sân đàng sau phòng làm việc có một cửa hậu, đi qua cửa hậu là đường Thượng Lễ, cách một bức tường, sát bên trái nhà vệ sinh. Cô đi qua cửa sau, ở đấy ruồi hàng đàn, cô cứ đi theo ruồi là đến.
Người con gái mỉm cười với bọn Trang Chi Điệp, đã đi ra rồi lại quay về, cầm túi da nhỏ trên bàn. Chủ nhiệm Vương lại bảo:
- Ra khỏi cửa sau, nhìn thấy có đống gạch vỡ, cô phải cầm một hòn đệm chân, ở đấy nước bẩn lênh láng.
Người con gái vừa đi khỏi, Hồng Giang đã khẽ nói với Trang Chi Điệp:
- Cô gái này, nhìn một cái biết ngay là loại sẵn tiền!
Trang Chi Điệp đáp:
- Không phải đâu, đừng có nhìn cái túi sang trọng, bên trong chỉ có giấy lộn.
Hồng Giang nói:
- Cô ấy xinh đẹp thế, kiếm đâu chẳng ra một anh chàng túi tiền rủng rỉnh kia chứ!
Chủ nhiệm Vương nghe thấy liền bảo:
- Xinh đẹp hả? Xinh đẹp lắm đấy! Xưởng nến hơn ba trăm công nhân, cô ấy nổi hơn cả. Anh nhìn khuôn mặt mà xem, nước da trắng hồng như quả trứng gà bóc vỏ lăn trong hộp son!
Trang Chi Điệp nói:
- Hình như cô ấy chẳng phải công nhân, các anh đang làm kiến trúc gì vậy?
Vương chủ nhiệm đáp:
- Nhà văn tinh thật. Cô ấy là thiết kế học trung cấp xây dựng, tốt nghiệp ra trường không phân phối về đâu được, sinh viên chính hiệu của trường thiết kế tỉnh và thành phố còn chơi dài dài kia kìa, chẳng vào đâu được, đành phải bố trí vào xưởng nến. Hiện nay toàn thành phố có bốn mươi ngõ phố không có nhà vệ sinh công cộng. Sau khi họp hội đồng nhân dân, thị trưởng nêu ra phải làm mấy việc tốt cho dân phố, xây nhà vệ sinh là một trong mấy việc tốt ấy. Tôi giao cho cô ấy nhiệm vụ thiết kế nhà vệ sinh của ngõ này. Nhà văn lớn ơi, lâu lắm không gặp anh, lại viết được rồi? Lúc nào cũng nên viết một bài về văn phòng đại diện đường phố này của chúng tôi chứ!
Trang Chi Điệp nói:
- Được thôi, chỉ cần anh chủ nhiệm bằng lòng hôm nào tôi sẽ đến tìm hiểu tình hình thực tế. Nhưng hôm nay đến có việc nhờ anh đây!
Rồi nói luôn tình hình của thầy lang Tống nhờ anh Vương nói chuyện tình cảm với anh của anh Vương giúp cho. Chủ nhiệm Vương nói:
- Đã có một câu của nhà văn lớn như thế, đâu có từ chối được? Anh Tống này, coi như chúng ta đã quen nhau, hôm nào anh đến đây nhé, viết tình hình thành một tài liệu, tôi sẽ dẫn anh đi gặp ông anh họ tôi.
Thầy lang Tống gật đầu lia lịa như gà mổ thóc. Lúc này người con gái đã về đến cửa, cứ giẫm chân thật mạnh ở vỉa hè.
Chủ nhiệm Vương bảo:
- Tôi đã bảo cô cầm theo cục gạch, cô có đem không?
Cô gái đáp:
- Em có đem, nhưng ở đó người xếp hàng, xếp lâu quá em chê hòn gạch nặng quá đã vứt đi. May mà là giày cao gót, chứ nếu là giày thường, thì không biết sẽ ướt đến chừng nào!
Chủ nhiệm Vương nói:
- Lúc này còn ít người đấy, chứ buổi tối sau khi xem xong tivi, hoặc lúc dậy buổi sáng, thì người xếp hàng cứ gọi là rồng rắn, nhiều ông chồng xếp hàng cho vợ, vợ xếp hàng cho chồng, người ở bên cạnh cứ tưởng đàn ông đàn bà dùng chung một nhà vệ sinh. Điều thú vị hơn nữa là khách qua đường lại thường thường cho là có mặt hàng gì tăng giá, bắt đầu tranh nhau mua cũng hối hả đứng vào hàng.
Mọi người cùng cười rộ lên. Cô gái nói:
- Văn phòng đây còn có một cửa hậu, chứ dân phố thì phải đi vòng đi vèo bao nhiêu là đường! Ra một lần nhà vệ sinh, em càng cảm thấy nhiệm vụ em đảm nhận quan trọng biết chừng nào! Thưa chủ nhiệm Vương, một việc nữa em quên chưa xin ý kiến của chủ nhiệm, đó là vấn đề địa đỉêm của nhà vệ sinh công cộng. Sáng nay em đã đi xem ngõ này, đầu phía bắc là khách sạn, nhà vệ sinh không thể ở đối diện, đầu phía nam có một cửa hàng, nhưng ở đây c òn có một vòi nước công cộng, nhà vệ sinh thường không thể ở cùng một chỗ với nguồn nước sinh hoạt. Chỗ thích hợp duy nhất là ở đoạn giữa, nhưng ở đấy có một hiệu cắt tóc. Ông chủ hiệu nghe nói xây nhà vệ sinh công cộng, ông ấy phàn nàn nhà ông ấy dựa vào cửa hiệu bé nhỏ này để kiếm ăn, đứa nào chiếm chỗ này của gia đình, ông sẽ liều mạng với kẻ đó.
Chủ nhiệm Vương nói:
- Ông ấy có mấy cái mạng cỏn con hả?
Cô gái không nói gì. Trang Chi Điệp nhìn cô gái còn đặc sệt tính khí học sinh, liền cảm thấy rất có cảm tình, bèn hỏi:
- Nghe giọng nói, em vốn không phải là người Tây Kinh phải không?
Cô gái đáp:
- Em là người tỉnh An Huy.
Chủ nhiệm Vương bảo:
- Lan này, đây là bạn cũ của tôi, Trang Chi Điệp là nhà văn viết sách.
Cô gái lập tức kêu lên một tiếng, nhưng lại đực mặt xấu hổ vì sự thất thố của mình, cô nói:
- thầy vừa bước vào, em đã cảm thấy người này sao quen thế, song không nhớ ra ngay được đã gặp ở đâu. Chủ nhiệm với giới thiệu một cái, em đã nhớ ra ngay, em đã nhìn thấy thầy trên tivi.
Trang Chi Điệp cười, lảng sang chuyện khác hỏi:
- Em người An Huy, ở nơi nào của An Huy?
Cô Lan đáp:
- Túc Châu. Thầy giáo Điệp đã đến đó chưa?
Trang Chi Điệp đáp:
- Nói đến Túc Châu, tôi lại nghĩ đến một người không biết em có biết không. Một sinh viên của những năm năm mươi, sau bị quy sai là phái hữu, nghe nói tháo vát lắm, lại rất xinh, hiện nay chỉ biết sống goá bụa ở Túc Châu, song không biết ở đơn vị nào của Túc Châu?
Hồng Giang hỏi:
- Có phải là người bạn học cũ yêu mến của tổng biên tập Chung Duy Hiền?
Trang Chi Điệp hỏi:
- Cậu cũng biết hả?
Hồng Giang đáp:
- Em đã nghe Chu Mẫn nói về cái tật quái gở của ông già này, già cốc đế rồi mà còn theo đuổi thư tình cứ từng lá từng lá gởi đi tơi tới, đầu trọc long lóc như cái bình vôi mà còn say tương tư.
Trang Chi Điệp nói:
- Cậu không hiểu tình hình thực tế, đừng nói xấu ông ấy – lại hỏi – Lan em có biết không? Có nghe kể bao giờ chưa?
Cô Lan suy nghĩ một lát rồi khe khẽ lắc đầu. Trang Chi Điệp hỏi:
- Em xa Túc Châu đã lâu chưa?
Cô Lan đáp:
- Xa đã bảy tám năm rồi. Mỗi năm về thăm cũng không ở nhà được bao lâu. Bởi không phải người cùng thế hệ, nên biết rất ít.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Ở Túc Châu em vẫn có người nhà chứ?
Cô Lan đáp:
- Em có ba chị em gái, chi hai và em ở Tây Kinh, chị cả ở Cục bưu điện ở Túc Châu, thầy định hỏi thăm người này, em sẽ bảo chị em dò hỏi cho.
Trang Chi Điệp đáp:
- Khỏi cần dò hỏi, có lẽ người a chẳng phải Túc Châu, người ta đã nói nhầm, có lẽ người này đã từ lâu không có trên đời. Nhưng nếu em chịu giúp tôi, tôi sẽ có việc nhờ em đấy!
Cô Lan hỏi:
- Việc gì ạ thưa thầy? Giúp đỡ được thầy giáo Điệp em cũng vinh dự ạ!
Trang Chi Điệp liền đưa cho A Lan tấm danh thiếp của mình. A Lan bảo cô không có danh thiếp trao đổi. Ở cổng nhà máy của các cô có điện thoại, nhưng họ không chuyển tới công nhân, nếu có việc thì gọi điện công cộng tới nhà chị hai của cô. Năm nay nhà máy của các cô đã di chuyển nhà ở tập thể, nên cô về ở nhà chị hai. Cô liền ghi rõ địa chỉ, họ tên và số điện thoại của nhà chị hai vào một tờ giấy, Trang Chi Điệp cám ơn và nói:
- Tới lúc đó tôi sẽ tìm em.
Chủ nhiệm Vương thấy Trang Chi Điệp và A Lan nói chuyện lâu quá, tỏ ra khó chịu, liền đấm tay vào bao cát. Trang Chi Điệp nhận ra điều đó, liền nói với mấy người cùng đi:
- Thôi thế nhé, anh Tống này. Chủ nhiệm Vương đã nhận lời giúp đỡ, hôm nào anh bố trí thời gian đến đây để chủ nhiệm dẫn đi gặp Cục trưởng. Hôm nay chủ nhiệm bận việc, chúng ta không quấy rầy nữa.
Mọi người liền đứng dậy. Chủ nhiệm Vương nói:
- Không ngồi lâu nữa hả? Vậy thì khi nào thư thả đến nhé? Nếu bao giờ trên chiếu bài có ba thiếu một, thì anh điện gọi tôi, tôi cũng sẵn sàng đến ngay.
Tiễn khách ra đến cửa, cô Lan còn mở sổ nhật ký ra, xin chữ ký của Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp hỏi:
- Ký cái tên có tác dụng gì đâu?
Nhưng vẫn ký. A Lan vui sướng đến mức tiễn Trang Chi Điệp ra khỏi cửa, hai chân từ bậc thềm trượt một cái, ngã chỏng chơ. Mọi người sấn lại hỏi:
- Có bị trẹo chân không?
Chân không trẹo, song gót sau của một cái giày rơi ra, A Lan ngượng chín mặt. Chủ nhiệm Vương nói:
- Xem kìa, xem kìa, cô làm cái gì thế?
A Lan đáp:
- Em xấu mặt quá! Đôi giày này vừa mới mua được vài hôm, sao chóng hỏng thế không biết?
Nói xong cô đứng lên, tập tễnh đi không nổi. Chủ nhiệm Vương định ra cửa hiệu giày dép ở đầu phố mua một đôi mới, thì A Lan vội vàng nói:
- Thôi thôi, chủ nhiệm ạ, đã rơi, thì cứ để rơi một thể, anh rể em sửa được giày mà!
Nói xong cô nhặt một hòn gạch đập luôn gót sau của chiếc giày còn nguyên, đập một cái rơi ngay, cô bỏ luôn hai gót sau vào trong túi xách tay, nhìn bọn người của Trang Chi Điệp nói một câu:
- Tạm biệt.
Mặt cô vẫn chưa hết ngượng còn đỏ ửng. Chiếc xe thuê đưa Trang Chi Điệp về nhà trước. Qua đêm ấy, vết thương ở chân, tuy giẫm vẫn còn cồm cộm, song không phải chống gậy nữa, cả nhà mừng lắm. Bà mẹ vợ cứ bảo nhờ cái bùa.
Lại trong đêm thứ hai, Liễu Nguyệt đang nằm ngủ mơ màng, thì nghe thấy bà già nói:
- Trị được quỷ dữ rồi, thì anh lại tuỳ tiện bừa bãi, trong nhà còn có một người ở, để gái tân người ta chê cười cho à?
Liễu Nguyệt tưởng có ai đến, lúc mở mắt ra, ánh trăng ở ngoài cửa sổ mờ mờ ảo ảo, đang là canh ba nửa đêm, liền hỏi:
- Bà ơi, bà lại lẩn thẩn rồi phải không?
Bà già ngồi dậy trong cái quan tài nói:
- Cô dậy rồi à? Vừa mới tỉnh hay tỉnh từ lâu rồi?
Bà lại quở trách người nào đó, đồng thời cầm cái dép nhỏ trong lòng ném đi, cười khanh khách. Bà già có một thói quen, khi ngủ thường tháo đôi dép ra ôm vào lòng, nói:
- Ôm dép ngủ không mất hồn. Con người ta hễ nhắm mắt ngủ là y như người chết. Nhưng đấy không phải là chết thật, hồn vía rời khỏi thân, nhưng vẫn quanh quẩn trên đầu. Mơ là hồn vía đấy! Nếu không ôm giày dép, sè không nằm mơ nữa, không nằm mơ sẽ không có hồn vía, người sẽ sắp chết thật.
Liễu Nguyệt không tin lời bà song cũng không dám động đến dép của bà. Thường thường buổi tối xem tivi, xem được một lúc bà ngủ luôn, trong lòng vẫn ôm đôi dép. Liễu Nguyệt không thể gọi bà, chỉ lấy tay hươ hươ trước mắt bà, xem bà có phản ứng gì không, rồi bế cả bà lẫn dép lên giường quan tài ngủ. Thỉnh thoảng có lúc bà vẫn chưa ngủ, Liễu Nguyệt hươ tay trước mắt, bà bảo:
- Ta chưa ngủ đâu! Nhớ đấy, nếu ta ngủ thì dép phải ở trong lòng.
Bây giờ thấy bà ném dép đi, Liễu Nguyệt vội hỏi tại sao, bà đáp:
- Lão bá cô đã về đây, ông ấy vừa đứng ở bên tường, ta đã đánh ông ấy.
Liễu Nguyệt tóat hết mồ hôi, vội bật đèn. Cạnh tường không có ai, chỉ có cái que gỗ cô đóng treo quần áo lúc chiều nay vẫn còn ở trên tường.
Bà già bước tới cứ sờ mó cái que gỗ mãi và bảo đây là cái số ta của lão bá, tại sao lại biến thành que gỗ như thế không biết? Bà chửi:
- Cái đồ chết rẫm này,sao nó cứng thế nhỉ?
Bà nhổ cái que đi, vứt ra ngoài cửa sổ, lẩm bẩm một mình cho chó nó tha đi, sẽ không hại được người nữa.
Trời sáng, một mình Trang Chi Điệp ra cổng uống sữa bò, lại gnoềi nghe một lúc tiếng huyên của Chu Mẫn thổi trên tường thành. Bởi lâu ngày bị giam hãm một chỗ, hôm nay chân đã đi được, nên cũng vui vẻ đi ra chân tường thành, song Chu Mẫn đã ra về, thế là nhìn thấy mặt trời mới mọc đang gậm nhấm một mảng tường gạch, đỏ tươi trông rất đẹp. Trở về nhà, anh hỏi Liễu Nguyệt:
- Có ai đến đây không?
Liễu Nguyệt đáp:
- Không.
Lại hỏi:
- Cũng không ai gọi điện thoại chứ?
Liễu Nguyệt đáp:
- Cũng không có điện thoại.
Trang Chi Điệp liền lẩm bẩm:
- Tại sao cô ấy không đến nhỉ?
Liễu Nguyệt sinh nghi, nhớ tới cử chỉ của anh chủ với Đường Uyển Nhi hôm trước, liền suy nghĩ, chắc là họ hẹn nhau hôm nay đến, bèn hỏi dò:
- Có phải thầy giáo nói Đường Uyển Nhi không ạ?
Trang Chi Điệp hỏi:
- Sao em biết? Chu Mẫn đi tìm bí thư trưởng, không biết tình hình thế nào? Chu Mẫn không đến, cũng không báo Đường Uyển Nhi đến nói một tiếng.
Liễu Nguyệt thầm nghĩ, quả nhiên chờ Đường Uyển Nhi, cô nói:
- Em nghĩ Đường Uyển Nhi sẽ đến.
Lại ngồi một lúc, vẫn không thấy đâu, Trang Chi Điệp trở vào phòng sách trước, viết một bức thư dài.
Đến mười giờ mười lăm phút, cuối cùng thì Đường Uyển Nhi đã đến, đứng ở cửa khẽ gọi một tiếng "Liễu Nguyệt!" miệng cười nhăn nhở để lộ hàm răng nhỏ trắng muốt, Liễu Nguyệt đang giặt quần áo, hai tay bám đầy bọt xà phòng, ngẩng lên nhìn, lại là kiểu tóc búi, mặc bộ váy áo màu tím rộng thùng thình, liền nghĩ bụng "Bọn họ dấm dúi với nhau thật rồi", lòng đầy ghen tuông nhưng lại cười hỏi:
- Chị Uỷên Nhi có việc gì đi mải móng thế, cổ đầy mồ hôi thế kia! Chị cả đi vắng. Thầy giáo Điệp ở phòng sách, chị mau mau vào đi.
Đường Uyển Nhi nói:
- Cô Thanh đi vắng à? Chị cứ tưởng cô Thanh ở nhà mới đến chơi nói chuyện.
Liễu Nguyệt nói:
- Chị cả viêm tai giữa, đã nặng tai, nói chuyện với chị ấy phải nói to, chuyện thủ thỉ tâm tình tri kỷ không nói được, nói chuyện vất vả lắm!
Nói rồi đưa mắt nhìn vào áo ngực Đường Uyển Nhi cao phồng hẳn lên liền bước tới nắm vào chỗ ấy hỏi:
- Chà, màu váy áo này đẹp quá, chị mua ở đâu vậy?
Nói rồi kéo xem váy áo, tay đã nắm chặt đầu vú trong áo, Đường Uyển Nhi đau quá thụi luôn một quả, hai người đang ồn ào thì Trang Chi Điệp từ phòng sách đi ra hỏi thăm Đường Uyển Nhi, rồi ngồi xuống nói dông dài toàn chuyện nhạt thếch. Trang Chi Điệp nói:
- Hôm nay ở đây ăn cơm nhé? Cô Thanh của em vẫn ca cẩm ở bên ấy em chẳng có việc gì làm, gọi em sang bên này ăn cơm.
Đường Uyển Nhi đáp:
- Em không ăn đâu, ở nhà em có đủ mọi thứ.
Trang Chi Điệp bảo:
- Không bắt em trả tiền đâu, Liễu Nguyệt này, em ra chợ mua một ít thịt và hành hẹ, trưa nay gói bánh sủi cảo ăn nhé.
Liễu Nguyệt đáp:
- Em cũng đang định đi chợ đây.
Nói rồi xách làn đi ra cổng. Liễu Nguyệt vừa kéo cửa thì Đường Uyển Nhi liền xà vào lòng Trang Chi Điệp, mắt lại rơm rớm. Trang Chi Điệp hỏi:
- Em lại khóc đấy à? Em không được khóc.
Đường Uyển Nhi nói:
- Em nhớ anh quá, không đợi được ba ngày đâu.
Hai người ôm nhau, hôn nhau cuồng nhiệt. Trang Chi Điệp hất hàm về phía buồng ngủ ở đàng kia, Đường Uyển Nhi hiểu ý, hai người bỏ nhau ra.
Trang Chi Điệp ngó qua khe cửa nhìn vào buồng mẹ vợ, thấy bà già lại đang ngủ liền khe khẽ khép kín cửa, rồi bước vào phòng sách trước. Đường Uyển Nhi cũng rón rén bước theo luôn, cửa phòng sách từ từ đóng lại, không phát ra tiếng động, chị ta liền dừng tại chỗ và tụt thật nhanh.
Mồm lại đấu luôn vào mồm, Đường Uyển Nhi đạp chân rướn thẳng người, nào ngờ "ái chà" kêu lên một tiếng, ngã dúi lên người Đường Uyển Nhi.
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Sao thế?
Trang Chi Điệp đáp:
- Cái chân bị trẹo đau một chút.
Đường Uyển Nhi bảo:
- Anh không được đạp mạnh đấy!
Trang Chi Điệp nói:
- Không sao!
Lại định đứng tiếp, Đường Uyển Nhi bảo:
- Vậy để em tiếp sức cho.
Nói rồi đứng dậy bảo Trang Chi Điệp ngồi vào ghế (tác giả cắt đi hai mươi lăm chữ)
Trang Chi Điệp giục rối rít:
- Nhanh nhanh mặc vào, có lẽ Liễu Nguyệt sắp về đấy!
Đường Uyển Nhi liền mặc áo váy, chải đầu, lau mồ hôi, hỏi môi son còn đỏ không. Đương nhiên làm gì còn môi son. Trang Chi Điệp đã ăn hết sạch rồi. Trang Chi Điệp liền đưa son môi cho Đường Uyển Nhi bôi lại. Cuối cùng Đường Uyển Nhi cứ mặc kệ, để cho Trang Chi Điệp viết tuỳ thích, chỉ soi gương bôi phấn ở phía trên. Khi Trang Chi Điệp viết xong, Đường Uyển Nhi cúi xuống nhìn. Quả nhiên ở đó có ba chữ, đọc thành tiếng: Vô ưu đường (ngôi nhà không lo buồn), liền bảo:
- Đây là phòng sách cơ chứ?
Trang Chi Điệp nói:
- Vậy thì lúc nào anh lấy bút lông viết, dán vào buồng của em.
Đường Uyển Nhi bảo:
- Con người lạ thật đấy, sinh ra cái đầu, cái đầu buồn phiền, lại sinh ra cái khác để gạt bỏ buồn phiền!
Trang Chi Điệp nói:
- Nếu không có em, quả thật anh không biết nên sống như thế nào nữa.
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Vậy sao anh không lấy em nhanh nhanh lên?
Trang Chi Điệp nghe vậy liền gục đầu xuống, trông khổ sở lắm. Đường Uyển Nhi bảo:
- Thôi không nói đến chuyện ấy nữa, nhắc đến lại rầu lòng, cho dù sau này không lấy nhau, em cũng thoả mãn rồi. Đời em đây, cuối cùng đã được anh thương yêu, yêu người và được người yêu là hạnh phúc rồi, phải không nào?
Trang Chi Điệp nói:
- Đúng như vậy, nhưng anh còn định nói với em: em cứ chờ đợi anh, nhất định chờ đợi anh.
Hai người trở lại phòng khách, ngồi nói chuyện một lúc nữa, thì Liễu Nguyệt về, vội đi băm nhân gói bánh. Đường Uyển Nhi xem đồng hồ kêu lên:
- Ái chà, muộn rồi, em phải về thôi, còn phải nấu cơm cho Chu Mẫn, ba hôm nay ngày nào anh ấy cũng đi tìm thư ký trưởng, vẫn chưa tìm được. Hôm nay anh ấy bảo không tìm thấy ở cơ quan, thì đến nhà riêng, cứ ngồi ở cửa chờ cho bằng được.
Nói rồi định về thật. Trang Chi Điệp nói:
- Em về thật thì anh cũng không giữ. Em chẳng phải muốn xem sách hay sao, em quên lấy sách à?
Nói rồi cùng Đường Uyển Nhi đi vào phòng sách. Liễu Nguyệt đang ở bếp chợt nghĩ "đừng lấy quyển sách cô đang đọc", liền bỏ dao băm nhân bánh đến xem, nhưng thấy cửa phòng sách mở có một nửa, rèm cửa thì buông, dưới rèm ấy là hai đôi chân song song, đôi chân đi gìay cao gót đang giẫm lên trên đôi chân đi giày thường, liền vội vàng né người quay về nhà bếp. Sau đó nghe thấy Đường Uyển Nhi nói:
- Liễu Nguyệt ơi, chị về nhé!
Liễu Nguyệt nhìn Đường Uyển Nhi đi về cũng không ra tiễn. Trang Chi Điệp tiễn Đường Uyển Nhi về rồi liền trở vào xuống ngay bếp giúp dọn lá rau nhặt ra, hỏi Liễu Nguyệt giá thịt bao nhiêu. Liễu Nguyệt không trả lời, cứ băm thịt nhân bánh phăm phăm trên thớt. Trang Chi Điệp nhắc một câu:
- Em cẩn thận không băm vào tay.
Đoán cô ta đã biết chuyện gì, nghĩ bụng cho dù cô ta đã biết thì cũng không làm ầm lên đâu, liền thôi so đo, chợt cảm thấy người mỏi mệt, liền trở về buồng ngủ.
Liễu Nguyệt băm xong nhân bánh, nghĩ bụng mình đã có lòng với chủ nhà, chủ nhà cũng đã từng nói với mình biết bao nhiêu lời thân thiết, song trái tim lại để lên trên người Đường Uyển Nhi, liền cảm thấy buồn, nhưng lại nghĩ chủ nhà yêu được Đường Uyển Nhi thì cũng sẽ yêu được mình, cũng cảm thấy hay là mình coi trọng mình quá chăng, nghĩ ngợi nhiều quá, đã từng từ chối anh ta, mới làm cho con mụ Đường Uyển Nhi đi trước một bước cuỗm mất tay trên chăng? Thế là chỉ trút tức giận về phía Đường Uyển Nhi, mắng thầm:
- Không biết xấu hổ, làm cái trò con mèo còn biết nhớ đến chuyện nấu cơm cho Chu Mẫn ư?
Liễu Nguyệt định đi tới nói với Trang Chi Điệp chuyện gì đó, song thấy Trang Chi Điệp dã đi ngủ, liền phỏng đoán, khi mình đi chợ, bọn họ đã làm chuyện gì trong phòng sách nhỉ? Nếu có chứng cớ gì sè phải mách chị cả mới được! Liễu Nguyệt liền đi vào phòng sách xem xem ngó ngó, nhưng không có dấu hiệu gì, song lại phát hiện có ba tờ giấy nháp trên bàn, đó là một bức thư tình, đầu đề là "A Hiền thân yêu", ký tên là "Mai của anh yêu". Liễu Nguyệt liền hư hư cười nhạt, lại còn hẹn nhau thư từ đi lại nữa cơ chứ! Bức thư này chưa gởi đi thì người đã tới rồi, chắc là lại đưa cho anh ta xem chăng? Nghiênó cứu một lúc hàm của tên chữ họ sử dụng ngấm ngầm, nhưng vẫn không tìm ra được cái gì, liền thả từng tờ thư xuống nền nhà, làm như bị gió thổi bay, quay ra đóng kín cửa phòng sách.
Ngưu Nguyệt Thanh đi làm về, bảo Liễu Nguyệt gọi Trang Chi Điệp dậy ăn cơm. Liễu Nguyệt nói:
- Chị cả ơi, có lẽ thầy giáo viết say sưa quá trong phòng sách quên cả thời gian, chi đi gọi thì hơn!
Ngưu Nguyệt Thanh vào phòng sách, thấy không có người, liền bảo, sao không đóng cửa sổ, giấy viết bản thảo bay khắp ra nền nhà thế này?
Nhặt lên xem, thì không đi được nữa, liền ngồi xuống đọc bằng xong. Liễu Nguyệt chạy vào gọi:
- Chị cả ơi, ra ăn cơm đi, sao chị ngồi mãi ở đấy vậy? Sắc mặt chị làm sao thế kia?
Ngưu Nguyệt Thanh hỏ:
- Liễu Nguyệt ơi, hôm nay em nhận thư của ai vậy?
Liễu Nguyệt đáp:
- Không có thư nào, chỉ có chị Đường Uyển Nhi đến thôi. Có chuyện gì hả chị?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Không có chuyện gì, chị chỉ hỏi vậy thôi.
Nói rồi, đút bức thư vào túi, đi ra ăn cơm. Liễu Nguyệt vào buồng gọi Trang Chi Điệp, rồi lại gọi bà già xuống ăn cơm. Trang Chi Điệp đi ra thấy Ngưu Nguyệt Thanh đã ăn cơm, liền hỏi:
- Mẹ chưa ăn, em đã ăn trước à?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Mẹ còn ăn cái gì, chưa chừng sắp tới đây mẹ phải đi ăn mày!
Trang Chi Điệp bảo:
- Em đi ra ngoài có chuyện bực mình, đừng về nhà trút lên đầu chúng tôi.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Em trút giận lên ai? Em còn có người để trút giận lên à?
Trang Chi Điệp thấy vợ càng nói càng chẳng ra làm sao, liền sa sầm nét mặt bảo:
- Tâm thần!
Ngưu Nguyệt Thanh nghe vậy, đặt cái bát đánh cạch một cái xuống bàn, quay người đi vào buồng ngủ, khóc hu hu. Bà già đi ra, hỏi Liễu Nguyệt:
- Cô làm gì chị ấy thế?
Liễu Nguyệt đáp:
- Cháu có làm gì chị ấy đâu ạ?
Bà già liền mắng:
- Không ai làm gì chị, chị khóc cái gì? Chị có chuyện gì ấm ức trong lòng cơ chứ? Cái nhà này ai không nói hay, nói đi nói lại, chẳng phải không có một đứa con đó sao? Không có con, thì chị kết nghĩa của chị đã đồng ý đẻ cho mình một đứa mà nuôi rồi, biết đâu đã có thai rồi cũng nên, có mầm mống rồi còn sợ không lớn được sao? Trẻ con cứ đem ra là nó khắc lớn. bây giờ ra ngoài, chị phải tạo dư luận dần dần đi, cứ bảo là mình đã thụ thai, đến lúc đấy đánh tráo đi ai biết cơ chứ!
Trang Chi Điệp nói:
- Mẹ ơi, đừng nói chuyện ấy nữa!
Bà mẹ hỏi:
- Không phải chuyện đứa con thì chị ấy khóc cái gì? nhà này ăn có cái ăn, mặc có cái mặc, có thiếu đồ đạc gì đâu, danh phận gì cũng có cả. Đi ra ngoài, ngay đến bà già này người ta ai ai cũng nhìn bằng con mắt khác! Hay Chi Điệp đối xử với chị không tốt hả? Chị còn trẻ hơ hớ ra thế, anh ấy đã thuê người giúp việc trong nhà, chợ búa rau cỏ chị không phải đi mau, quần áo chị không phải giặt giũ, cơm nước cũng không phải nấu, chị còn đòi khóc cái gì nữa được, hả?
Ở trong buồng ngủ, Ngưu Nguyệt Thanh đã nghe rõ cả, chị nói:
- Đối xử với tôi tốt ư? Tốt lắm, tốt vô cùng! Tôi vất vả lận đận vì cái gia đình này, có việc nào không chăm nom người ta cơ chứ, ai ngờ một bầu nhiệt huyết sưởi ấm được thân người ta, chứ đâu sưởi ấm được lòng người ta
Trang Chi Điệp nói:
- Em làm sao thế, rặt nói những chuyện bố láo.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi lại:
- Tôi nói chuyện bố láo ư, thế nào thì trong lòng anh tự biết!
Bà già nói:
- Ta hiểu rồi, chị là kẻ sống trong sung sướng mà không biết sung sướng, chị đối xử tốt với Chi Điệp, Chi Điệp không biết hay sao, anh ấy chỉ vụng về ít nói, không biết ngọt ngào với chị!
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Anh ấy nói hết với người khác rồi, về nhà còn đâu mà nói nữa.
Bà mẹ bảo:
- Chị đừng nói thế mà tội nghiệp cho anh ấy. Tôi chứng kiến cả mà. Chi Điệp cũng vất vả lắm, suốt ngày khách đến phải tiếp, khách đi một cái là lại cặm cụi viết, viết chẳng phải để kiếm tiền, kiếm danh cho chị ư? Chân đau như thế, nếu là người khác, thì đã nằm khểnh ra từ lâu rồi, đàng này anh ấy cứ ngồi lì trong phòng sách hàng buổi.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Viết mà, đương nhiên là viết. Anh ấy đâu có mệt? Càng viết càng hăng hái!
Nói rồi khóc bù lu bù loa. Trang Chi Điệp điên tiết bỏ cả cơm nằm vật xuống ghế xa lông. Liễu Nguyệt bưng bát cơm vào buồng ngủ kéo Ngưu Nguyệt Thanh, Ngưu Nguyệt Thanh không ăn, lại đến kéo Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp nghĩ, chắc chắn Liễu Nguyệt tiết lộ điều gì, liền quat tướng lên:
- Không ăn! Tức no bụng lên rồi, cô đi mà ăn một mình đi!
Liễu Nguyệt nghẹn ứ cổ cũng vào buồng bà ngồi sụt sịt.
Như vậy là cả buổi chiều và buổi tối, người già người trẻ trong gia đình không ai nói chuyện với ai. Hôm sau thức dậy, Trang Chi Điệp nhớ tới đi đến chỗ Lan, liền vào phòng sách lấy bức thư kia, song tìm mãi không thấy bèn ra hỏi Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt bảo không biết. Ngưu Nguyệt Thanh đầu tóc rối tung từ buồng ngủ bước ra, cười nhạt bảo:
- Cả đêm nghĩ xong rồi chứ?
Trang Chi Điệp nói:
- Nghĩ rồi, nghĩ tức cả đêm thì có!
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Đương nhiên hận tôi, anh A Hiền ạ!
Liễu Nguyệt hỏi:
- A Hiền, A Hiền là ai cơ?
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Thầy giáo của em có nhiều bút danh, em không biết à? Ngoài bút danh còn có người đặt tên cho thầy giáo em nữa đấy. A Hiền nghe mới ngọt ngào làm sao!
Liễu Nguyệt liền bảo:
- Thầy giáo Điệp, thầy giáo còn có tên này nữa sao?
Trang Chi Điệp nghe nói vậy, biết rõ bức thư kia đang ở trong tay Ngưu Nguyệt Thanh, đã biết tại sao sinh sự, liền bình tĩnh lại, song đã mượn gió bẻ măng, hỏi:
- Em xem thư đó rồi ư?
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Anh định bí mật liên hệ, thì anh phải lo giữ gìn cẩn thận, anh biết em đã cầm bức thư, vậy em hỏi anh người bạn học kia của anh là ai? Bắt mối với người ta từ bao giờ? Trong bốn năm, những bức thư anh viết cho người ta đã viết những gì nào? Có một cô Cảnh Tuyết Ấm đã làm ầm ĩ cả thành phố rồi nào ngờ còn một em "Mai" nữa. "Mai" là ai vậy?
Trang Chi Điệp nói:
- Em khe khẽ cái mồm có được không nào? Để cho hàng xóm láng giềng người ta đều biết đấy hả?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Cứ để cho họ biết, danh nhân ra ngoài được người coi như thần, ai ngờ lại là đàn ông trộm cắp đàn bà đánh đĩ.
Liễu Nguyệt nói:
- Chị cả ơi, trên báo chí đều viết, anh chị hôn nhânmĩ mãn, tình yêu sâu nặng, chị đừng hiểu lầm thầy giáo.
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Hừ, tình yêu sâu nặng. Tình yêu đã khiến chị thành con mù!
Trang Chi Điệp chờ vợ nói cho hả giận, mới nói một câu:
- bây giờ em nghe đây, A Hiền không phải là bút danh của anh, cũng chẳng phải người khác gọi yêu anh. A Hiền là tên cúng cơm, tên mụ của Chung Duy Hiền, toà soạn tạp chí. Mai là ai ư? Mai là bạn học gái của Chung Duy Hiền, họ yêu nhau từ thời còn sinh viên.
Và cứ thế Trang Chi Điệp kể lại quá trình đã từng trải và tình hình hiện nay của ông tổng biên tập Chung Duy Hiền, lại kể gặp A Lan ở chỗ chủ nhiệm Vương như thể nào, cuối cùng nói:
- Bởi cơn sóng gió của bài văn kia, tổng biên tập Chung Duy Hiền quả thật đã đối xử với mình rất sâu nặng, anh cũng đồng tình với ông ấy, thông cảm với ông ấy, mới đột nhiên nảy ra một ý định tại sao không an ủi ông ấy một chút tinh thần trong những năm cuối đời, liền lấy giọng mai thay đổi thể chữ viết thư cho ông Hiền. Nhưng thư không thể gửi từ bưu điện Tây Kinh, nên định nhờ A Lan gửi cho chị gái cô ấy, rồi từ chỗ chị gái cô ấy gửi đến Tây Kinh. Sự việc là như vậy, nếu em không tin cứ hỏi Chu Mẫn sẽ biết.
Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt nghe vậy cứ ngồi đực mặt ra, nhưng lại có phần nào nghe như chuyện thần thoại. Liễu Nguyệt nói:
- Chị cả ơi, như vậy là thầy giáo đã kéo dây cao su thay cho người khác.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Đương nhiên em phải hỏi Chu Mẫn chuyện này, cho dù vì tổng biên tập Chung Duy Hiền, nhưng anh viết được ngọt ngào lai láng như vậy, chứng tỏ nhất định anh đã từng có tâm tình như vậy mới vấn đề được như thế chứ?
Trang Chi Điệp đáp:
- Anh là nhà văn, một tí chút tâm lý cỏn con ấy cũng không có, thì làm nhà văn cái gì?
Ngưu Nguyệt Thanh liền trả bức thư cho Trang Chi Điệp và bảo:
- Không có chuyện thì tốt, vậy anh chột dạ cái gì? khi em tức giận, sao sắc mặt anh tái mét đi như vậy, cũng không đếm xỉa gì đến người ta. Bây giờ nói ra rồi, xét đến thật giả như thế nào, em cũng không dám chắc, cho dù có giả thì anh cũng khéo cho tròn trịa để dỗ dành em chứ gì, đàn bà con gái nhẹ dạ cả tin, không chịu nổi vài câu dỗ dành của anh đâu mà?
Trang Chi Điệp nói:
- Sao em nhìn thấy bức thư này?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Liễu Nguyệt bảo em vào phòng sách, thư rơi tứ tung ra nền nhà.
Trang Chi Điệp bảo:
- Anh đè cái thước chắn giấy lên cơ mà, có gió thốc vào đó cũng không thể bay xuống đất được.
Liễu Nguyệt được thể nói luôn:
- Em đã nhìn thấy, sợ anh phạm sai lầm, đã cố ý thả xuống đất để chị cả nhìn thấy.
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Liễu Nguyệt làm thế là đúng, từ nay về sau có chuyện gì em cứ nói với chị.
Trang Chi Điệp liền điên tiết lên, bảo:
- Em định làm gián điệp hả?
Đến lúc này Liễu Nguyệt mới tỏ ra hối hận mình đã nhanh nhảu đoảng, đã nói ra những điều không nên nói, liền yêu cầu để mình đưa đến chỗ Lan. Nhưng Ngưu Nguyệt Thanh bảo, chị đi làm tiện đường sẽ đem theo.
Suốt buổi sáng, Trang Chi Điệp tức giận Liễu Nguyệt, cứ lầm lì với cô ta. Liễu Nguyệt nhận điện thoại thì chê giọng Liễu Nguyệt sống sượng. Liễu Nguyệt nói:
- Anh chả bảo điện thoại buổi sáng nhất lọat không nhận là gì!
Trang Chi Điệp đáp:
- Thì cô cũng phải hỏi xem ai đã chứ, có việc gì? Cứ cầm ống nghe lên là đánh một câu "đi vắng". Cô bực tức với người ta đấy à?
Có người gõ cửa, Liễu Nguyệt dẫn người vào, đó là ba nhà văn nghiệp dư đến nhờ Trang Chi Điệp hướng dẫn nghiệp vụ. Bọn họ toàn hỏi:
- Thưa thầy giáo, xinh thầy giáo hướng dẫn cho bọn em viết tiểu thuyết như thế nào?
Trang Chi Điệp đáp:
- Nói thế nào chuyện này nhỉ? Các cậu cứ viết nhiều rồi khắc biết.
Một cậu nói:
- Thầy giáo cứ nói vậy, chứ nhất định thầy giáo có bí quyết.
Trang Chi Điệp nói:
- Không có thật mà!
Ba người khách chẳng chịu tin cho. Cứ nhùng nhằng như thế một tiếng đồng hồ, ba anh chàng kia mới ngượng ngập ra về. Ba người với đi khỏi, Trang Chi Điệp liền cự nự Liễu Nguyệt tại sao không nói tôi đi vắng để bọn họ làm mất thì giờ!
Liễu Nguyệt đáp:
- Em đâu có biết họ là những kẻ vô công rồi nghề!
Oan uổng tới mức Liễu Nguyệt vào bếp lau nước mắt. Khoảng một lúc khá lâu, lại có tiếng gõ cửa, mở cửa ra là Chu Mẫn. Liễu Nguyệt bảo:
- Thầy giáo không có nhà!
Ở phòng sách Trang Chi Điệp đã nghe thấy, liền bảo:
- Có ở nhà đấy, vào trong này.
Chu Mẫn liền trách Liễu Nguyệt nói dối. Liễu Nguyệt lại được một mẻ nước mắt nước mũi nữa. Chu Mẫn vừa bước vào phòng sách đã tố khổ với Trang Chi Điệp, đưa trả lại bức thư kia. Anh kể lể, anh đã đi liền ba ngày, cả ba ngày không tìm được thư ký trưởng. Sáng hôm nay đến nhà ông ta mới biết ông ta đang họp hành gì đó ở khách sạn Chim Xanh. Anh lại tìm đến khác sạn Chim Xanh, quả nhiên đang có cuộc họp ở đó, thư ký trưởng đang ngồi ở ghế chủ toạ hội nghị. Chu Mẫn không dám nhờ người gọi, cứ chờ ở cửa, thế nào thư ký trưởng cũng phải có lúc đi tiểu tiện đại tiện chứ. Chờ suốt hai tiếng đồng hồ, quả nhiên thư ký trưởng đi ra nhà vệ sinh. Chu Mẫn cũng bám theo đi vào. Thư ký trưởng đi đại tiện, Chu Mẫn cũng giả vờ ngồi đại tie6.nó ngay chỗ bô bên cạnh thư ký trưởng. Anh không biết nên nói thế nào, ấp úng một lúc, hỏi:
- Ông là thư ký trưởng phải không ạ?
Thư ký trưởng đáp:
- Ừ!
Chu Mẫn bảo:
- Em đã từng gặp ông, thưa ông thư ký trưởng.
Thư ký trưởng đáp:
- Ừ!
Chu Mẫn lại hỏi:
- Thư ký trưởng gặp hổ bao giờ chưa?
Thư ký trưởng đáp:
- Chưa.
Chu Mẫn bảo:
- Em cũng chưa.
Thư ký trưởng liền chùi đít, đứng dậy thắt xanh tuya định đi. Chu Mẫn gọi:
- Thưa thư ký trưởng, em có việc muốn nói với ông.
Thư ký trưởng hỏi:
- Cậu là ai? Mình không biết.
Chu Mẫn đáp:
- Ông không biết em đâu mà, em có một bức thư này, xem xong ông sẽ biết.
Một tay thư ký còn đang kéo đũng quần, một tay cầm thư xem, xem xong liền đưa lại trả và hỏi:
- Gần đây nhà văn làm gì?
Chu Mẫn đáp:
- Sáng tác ạ.
Thư ký trưởng bảo:
- Sáng tác là tốt, nhà văn là phải sáng tác chứ.
Chu Mẫn nói:
- thầy giáo Điệp ngoài sáng tác ra, chỉ có sáng tác.
Thư ký trưởng nói:
- Ai cũng bảo thế. Mình cũng cho thế thật, nào ngờ anh ta cũng quan tâm đến chính trị cơ chứ!
Chu Mẫn đáp:
- Thầy Điệp là nhà văn, không hiểu chuyện chính trị đâu ạ!
Thư ký trưởng hỏi:
- Thật không? Chẳng phải anh ta suốt cả đêm đi đến toà báo để đăng bài đó ư? Cậu là bạn của anh ata, cậu vền nói với anh ta, đừng có làm cây súng để người ta bắn nhé, có ba mươi năm Hà Đông, thì cũng có ba mươi năm Hà Tây, người khác thì có thể, không được thì ra đi, chứ anh ta thì ăn ở lâu dài ở Tây Kinh đấy!
Thế là hai người đi ra, thư ký trưởng chẳng hề nhắc tới chuyện thầy giáo giúp một chữ nào. Chu Mẫn hỏi:
- Thế còn việc nói với ông phó chủ tịch phụ trách văn hoá?
Thư ký trưởng đáp:
- Việc này chẳng phải bắt mình phạm sai lầm đi cửa sau đó sao?
Trang Chi Điệp nghe xong, như bị giáng một đòn, choáng váng, liền xé nát bức thư, cất tiếng chửi:
- Mẹ kiếp! Lãnh đạo cái gì! Mình đâu có thể không đi toà soạn báo cơ chứ? Đi thì lại mất lòng chủ nhiệm Hội đồng nhân dân! Đâu có ngờ mạng lưới lại giăng rộng đến thế, đà động đến cả chỗ ông ta? Mình tại sao lại làm chính trị ư? Nếu định làm chính trị, thì thằng này cũng không thèm ăn cái trò của ông ta. Ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây, ông ta làm chủ nhiệm Hội đồng nhân dân sao không ở vị trí của ông ta đi? Tay thư ký thuộc dây của ông ta mà. Chủ đổ rồi, có giỏi thì đi chọi với thị trưởng, hắt nước bẩn vào ta, thì làm cái quái gì? Mình không muốn làm quan, mình làm nhà văn của mình, dựa vào viết văn để sinh sống, cứ giỏi bẻ gãy bút của mình đi!
Cơn giận bốc lên ngùn ngụt, Trang Chi Điệp đẩy mạnh cái gạt tàn thuốc lá trên bàn, cái gạt tàn thuốc lá trượt nhanh trên mặt kính, rơi xuống, đập luôn vào lọ hoa để dưới giá sách, lọ hoa vỡ tan, rớt loảng xoảng trên nền nhà. Bà mẹ vợ ở bên kia nghe thấy chạy sang, cứ tưởng con rể đánh nhau với Chu Mẫn, liền cất gọng quở trách. Chu Mẫn không tiện giải thích, im lặng đi ra. Liễu Nguyệt liền vội đi thu dọn những mảnh lọ vỡ và bảo:
- Anh đừng nổi giận đùng đùng lên thế, bà cứ ngỡ là Chu Mẫn sai cơ đấy. Anh ấy đang khóc ở phòng khách kia kìa.
Trang Chi Điệp nói:
- Việc gì đến cô, cô cứ lắm mồm?
Liễu Nguyệt vừa bước ra khỏi, cửa phòng liền đóng sầm một cái.
Chu Mẫn ngồi trong phòng khách khóc một trận, nghĩ thế nào rồi lại đi vào an ủi Trang Chi Điệp. Nhưng cửa đóng kín, anh liền gọi:
- Thầy giáo Điệp, mở cửa ra, mình lại thử bàn xem làm thế nào?
Trang Chi Điệp nói:
- Mình tức không chịu nổi nữa, thư ký trưởng, hắn là cái quái gì cơ chứ! Mình sẽ viết cho thị trưởng một bản tài liệu!
Chu Mẫn giục:
- Thế thi thầy viết thư cho ông phó chủ tịch tỉnh đi, em lại đi tìm.
Trang Chi Điệp nói:
- Không tìm, chẳng phải tìm ai cả, để họ chỉ thị xuống dưới! Cậu sợ cái gì, tôi tổn thất hơn cậu nhiều.
Chu Mẫn không dám nói nhiều, ngồi một lát, rồi cúi đầu buồn bã ra về.
Tối hôm đó Ngưu Nguyệt Thanh đi làm về, thấy mẹ đốt hương trong buồng ngủ của chị, Liễu Nguyệt thì xậm xịt torng phòng khách. Trang Chi Điệp thì mở băng nhạc đám ma trong phòng sách, lại đóng cửa gọi không ra, liền hỏi Liễu Nguyệt có chuyện gì xảy ra. Liễu Nguyệt kể lại ngọn ngành. Ngưu Nguyệt Thanh lại gõ cửa, cửa đã mở ra, Ngưu Nguyệt Thanh liền trách móc việc lớn như thế mà tại sao chị không biết gì hết. Nhà văn thì nhà văn, thị trưởng bảo đi toà soạn báo thì mình đi! Nhà chính trị làm âm mưu quỷ kế của nhà chính trị, mình được cái gì nào? Lại oán hận tại sao đối phương biết chuyện này? Hay là thị trưởng bán rẻ mình, hay là Hoàng Đức Phúc bán rẻ mình? Cuối cùng chửi thư ký trưởng là đồ lợn, đồ chó, ăn súng ăn đạn, than thở sử đời kinh khủng, hễ sơ suất một tí là mất lòng người ta, mình là kẻ gánh sọt trứng, đi qua chợ, người không sợ mình chen, thì sợ người chen mình. Cứ chửi, lại chửi Cảnh Tuyết Ấm con đàn bà xấu xa, trách Trang Chi Điệp ra ngoài cứ bày đặt chuyện yêu mới chả yêu Cảnh Tuyết Ấm là để lấy tiếng thơm, bây giờ thì xong rồi, ăn chẳng nổi thì chuồn. Trang Chi Điệp đập bàn xa lông quát luôn:
- Em đừng nói nữa được không nào, em làm anh buồn chết mất thôi. Em định khuyên anh hay đưa cho anh sợi dây thừng để treo cổ hả?
Ngưu Nguyệt Thanh sợ quá nín thinh, xuống bếp nấu mì sợi tẩm ớt với Liễu Nguyệt. Chị biết chồng thích ăn mì sợi hơn cả. Ở ngõ Tế Liễu trong cửa Bắc thành phố, mấy năm gần đây cũng đã xuất hiện một nhà văn, người này còn trẻ nhưng dáng người thì già, làm công nhân trong buồng phân phối điện của một nhà máy. Lẽ ra buồng phân phối cứ cách một ngàythì có một ca trực đêm, cứ ba ngày thì có một ngày được nghỉ ở nhà, có đủ thời gian để buôn bán quanh quéo. Nhưng anh này thì say mê sáng tác. Tuy có những hơn mười bút danh, mà bút danh nào cũng mời người dùng đá ngọc hoa điền khă"c dấu, bởi vì tác phẩm được đăng chả có mấy, nên người trong thành Tây Kinh biết đến anh không nhiều, chỉ có dân trong ngõ Tế Liễu biết đến. Người trong ngõ Tế Liễu mỗi lần đi qua dưới cửa sổ nhà anh, nhìn thấy anh ở trong nhà hí hoáy viết, vừa ho, vừa hút thuốc cuộn kén khét mù, liền trêu chọc anh, nói nhà văn thì ra là nhà ngồi. Mấy nước trước anh đã từng đến thăm học hỏi Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp cũng giới thiệu anh làm quen với biên tập của báo thành phố, đã đăng hai truyện ngắn cực ngắn. Từ đó cứ dăm bữa nửa tháng lại đến chỗ Trang Chi Điệp xin ý kiến chỉ bảo, hoặc hỏi thăm, hoặc chuyện trò. Nhưng từ đó, lâu lắm không có tác phẩm nào được đăng, nên cũng ngại đến làm mất thời giờ của Trang Chi Điệp. Trong một hai năm gần đây, có một con buôn sách tìm anh viết câu chuyện có chút gái gú bạo lực hấp dẫn, anh cũng đã viết hai truyện, hoàn toàn là để kiếm mấy trăm đồng, cảm thấy dã hạ thấp nhân cách của mình, trong lòng xấu hổ, liền không còn mặt mũi nào đến gặp Trang Chi Điệp nữa.
Anh có một người bà con từ thôn quê ra thành phố tìm việc làm, đầu tiên ngủ nhờ ở nhà anh, cứ trời tang tảng sáng là đạp xe xích lô đến chợ bán buôn rau xanh ở thôn Cát Tường phía Nam thành phố mua một xe rau tươi, chở vào thành phố bán lẻ cho các gia đình trong các ngõ phố, mõi ngày cũng kiếm được ba mươi đồng. Người họ hàng này thấy anh nghèo nàn, trong sạch, cũng khuyên anh cùng đi buôn rau, nhưng anh cứ tỉnh bơ. Người họ hàng đã kiếm được nhiều tiền, cũng làm quen được một số bạn, sau đó đã dọn đến đường Bắc Hoàn thuê một gian nhà cấp bốn để ở, ban ngày đi buôn rau, ban đêm chơi bài uống rượu với bạn bè, cũng vì có tiền đã đưa vợ con từ nhà quê ra thành phố chơi bời. Vợ nhà văn nọ nóng mắt lên, suốt ngày nọ sang ngày kia cứ mắng chồng xơi xới không làm nên trò trống gì. Một hôm người họ hàng kia ăn mặc gọn gàng sạch sẽ đến chơi, lại gặp đúng lúc chị vợ đang rày la cự nự chồng, liền nói đến chuyện ở đường Bắc Hoàn có một đơn vị mở hiệu chưng bánh bao, xưa nay luôn do người ở ngoài đến nhận thầu, mấy hôm trước, người nhận thầu nghỉ c, hiện nay còn chỗ trống, anh có đồng ý làm thì làm. Người họ hàng bảo:
- nếu bằng lòng thì tôi bảo vợ tôi giúp anh, coi như hai gia đình cùng làm tới một ngàn rưỡi cái một ngày. Mình không chưng nhiều, chỉ tám trăm đến một ngàn cái, thì mỗi tháng cũng kiếm được mỗi người một ngàn đồng lãi ròng.
Anh đáp:
- Ừ thì chưng, ở nhà bà xã ca cẩm có viết cũng chẳng được. Nhưng tôi chưa từng chưng bánh bao khi nào!
Người họ hàng đáp:
- Giấy phép kinh doanh có đủ, công việc này lại chẳng phải liên hệ nhiều với các ngành khác, mình chỉ có chưng bánh bao, ai ăn thì đến mua, bán hết là xong. Anh cứ cách một ngày lại đi làm ca đêm, anh cứ trực ca của anh, anh không biết chưng bánh, thì đã có vợ tôi và tôi, anh chỉ ngồi có mặt cũng được.
Thế là anh ôm chăn nệm đến ở cửa hàng tại đường Bắc Hoàn. Đi làm ở nhà máy cũng từ đấy trực tiếp đi luôn, trực ban xong lại về thẳng đường Bắc Hoàn, đã đi là mười ngày liền không về nhà.
Vợ anh thấy chồng quay đầu về chí thú làm ăn, ở nhà mừng lắm, chỉ mong từ đó bỏ văn chương đi buôn bán sẽ được sống cuộc sống của con người bình thường. Nhưng ngày thứ mười một, anh đạp xe xích lô về nhà, bó chăn nệm để trên xe xích lô, còn có cả bốn bao tải bánh bao. Anh bảo:
- Lỗ rồi.
Vợ anh hỏi:
- Sao lại lỗ, người ta đi buôn bán, buôn đâu được đấy, mình sao lại lỗ?
Anh đáp:
- Trong số mệnh người ta, đã làm cái gì, thì cứ làm cái ấy, anh định viết văn, em không cho viết chưa kể mười ngày qua vất vả khổ sở, năm trăm đồng bạc đổi lấy đống bánh này đây!
Thì ra, sau khi anh đến đường Bắc Hoàn, mới biết căn nhà mà người họ hàng thuê ở là một khu nhà của cửa hàng xe ngựa. Một dãy nhà cấp bốn dột nát cạnh chuồng ngựa chật ních những khách buôn than buôn rau. Hiệu chưng bánh ở chênh chếch đối diện với cửa hàng xe ngựa. Ngày đầu tiên khai trương, họ chưng bốn tạ bột mì. Bởi cho xút quá nhiều, bánh có màu vàng, lại không nở, con buôn đến không mua, dân phố ở chung quanh cũng không mua. Ngay hôm ấy lại chưng nồi hai, hoà hai tạ rưỡi bột mì, bánh bao không trắng mà còn rắn câng, ném chó chó không chết. Cũng loại bột mì ấy, lại cân đong tử tế, tại sao các cửa hàng khác người ta chưng ra bánh bao vừa trắng vừa mềm thế. Hỏi một sư phụ, mới biết trong việc chưng nấu bánh bao phải có kiến thức sâu rộng, phải trộn một lượng bột nở, bột giặt, phân hóa học nhất định, hơn nữa phải hun cả lưu huỳnh. Nhưng sư phụ bí mật không nói trộn bột nở bột giặt và phân hóa học như thế nào, hun lưu huỳnh ra làm sao, hun bao nhiêu thời gian. Tuy anh đã ngấm ngầm đi quan sát cách làm của cửa hàng bánh bao khác, trở về lại chưng nồi thứ ba, nhưng vợ của người họ hàng lại nhăn nhó, sáu t.a rưỡi bột mì làm thành bánh cần phải giải quyết, nếu không bán hết trong bốn ngày, thì tháng này không lấy được vốn về, huống hồ ai dám đảm bảo nồi thứ ba bánh sẽ tốt? Mấy người rao bán khắp nơi, chẳng ai thèm mua, ngày nào cũng chỉ có khách bán than, bán rau ở cửa hàng xe ngựa đến ăn, đâu có ăn được nhiều? Anh đề nghị xử lý hai hào nửa ký bánh cho một trại chăn nuôi lợn, vợ của người họ hàng kia tiếc rẻ, nước mắt chảy dài, nói:
- Nếu thế thì em không làm nữa. Mình chia đôi số bánh, em đem về quê phơi khô ăn dần.
Kết quả là anh quẳng đi năm trăm đồng lấy về bốn bao tải bánh bao. Bà xã lại chửi cho một trận. Thôi thì việc chửi cứ chửi, song cũng phải tìm cách giải quyết số bánh. Chị bảo: bánh này mùi còn tốt, chỉ có điều cái dáng không đẹp, bán cho trại lợn thì tiếc thật, để lại ăn thì ba người trong gia đình ăn đến bao giờ mới hết?
Chẳng thà cho họ hàng bạn bè mỗi nhà một ít cũng được cái tình cảm. Anh là nhà văn thường ngày giao du ơn thầy công anh nhiều. Ví dụ ông Sủng ở toà báo thành phố, cả cái ông Trang Chi Điệp nữa. Anh nhà văn nghiệp dư bảo:
- Có cái gì đáng giá đâu mà bảo đem biếu thầy giáo Trang Chi Điệp?
Nói rồi liền nhớ đến Nguyễn Tri Phi, biết Nguyễn Tri Phi vừa mới xây nhà tập thể cho đoàn ca múa, sao không đem bán rẻ cho bếp dân công ở đó? Liền đi liên hệ với Nguyễn Tri Phi. Nào ngờ nhà ở tập thể vừa khánh thành, dân công làm thuê đã phân tán hết. Nguyễn Tri Phi đã đồng tình với anh, liền gọi điện cho nhiều người quen, hỏi bếp đại táo của cơ quan họ có thể mua được không?
Vậy là gọi điện đến chỗ Ngưu Nguyệt Thanh làm việc. Ở nhà Ngưu Nguyệt Thanh thấy Trang Chi Điệp rầu rĩ tâm tư, đi làm việc rồi vẫn đang nghĩ cách làm vui lòng chồng thế nào đây. Nhận được điện thoại của Nguyễn Tri Phi, cũng thật là buồn cho người học trò này của Trang Chi Điệp, chị bảo:
- Bao nhiêu người đang mơ mộng văn học, cuộc sống đang tốt đẹp hẳn hoi, chẳng ra cuộc sống nữa. Anh cứ bảo cậu ta chiều nay đến đơn vị gặp tôi, bếp cơ quan tôi chắc chắn không dùng đâu nhưng tôi có thể mua hết số bánh bao ấy, anh khỏi cần nói cậu ta xử lý như thế nào, cứ báo bếp cơ quan chúng tôi cần mua.
Nguyễn Tri Phi nói:
- Chị thảo hiền lương thiện như vậy, thì tôi xấu hổ không có chỗ nào mà dung thân được nữa!
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Anh không cần phải thế. Xét cho cùng cậu ta chỉ biết anh, nhưng lại là học trò của Trang Chi Điệp kia mà!
Nguyễn Tri Phi hỏi:
- Chi Điệp lại viết gì vậy? Chỉ ngồi ở nhà viết chẳng khác gì tu hành, viết bao nhiêu mới đủ hả? Chị cũng không tha anh ấy đến chỗ tôi xem ca múa cho vui, tôi còn có việc nhờ anh ấy đấy.
Ngưu Nguyệt Thanh lập tức bảo:
- Thật chứ, anh đến nhà gọi anh ấy đi xem ca múa nhé. Mấy hôm nay anh ấy đang chán nản, ngồi ở nhà thấy cái gì cũng trái mắt, anh em rủ nhau đi xem ca múa, có lẽ gỡ bỏ được buồn chán đấy.
Nguyễn Tri Phi được Ngưu Nguyệt Thanh gửi gắm và cũng có việc cần Trang Chi Điệp giúp, trước bữa cơm trưa hôm ấy, đã đánh xe đến đón Trang Chi Điệp ra khách sạn Đường Hoa ăn cơm, sau đó về phòng làm việc ở gác một của ngôi nhà của Nguyễn Tri Phi. Đây là ngôi nhà cỡ vừa, ba tầng. Đoàn ca múa của Nguyễn Tri Phi đã thuê nhiều năm. Tầng hai tầng ba bố trí nơi ở cho nhân viên đoàn ca múa. Gác một xây ba gian thông liền nhua làm nơi dàn dựng chương trình, mấy gian còn lại làm phòng làm việc và phòng khách tạm thời. Trong phòng làm việc, Nguyễn Tri Phi và Trang Chi Điệp đã uống mấy chén trà Tiên hào mây mù ba Sơn, Nguyễn Tri Phi liền hỏi chiều nya có muốn đi xem ca múa ở hội trường một nhà máy lớn ở ngọai ô phía đông không. Phi bảo, nhà máy lớn này có một sản phẩm được giải thưởng huy chương bạc ở thủ đô, trên tỉnh mở hội mừng công cho nhà máy. Đoàn ca múa của họ đến đây biểu diễn góp vui. Trang Chi Điệp hỏi biểu diễn chương trình gì, có phải lại những tiết mục đã xem hôm trước? Nguyễn Tri Phi bảo chương trình gần như thế, chỉ thay một vài diễn viên mới. Trang Chi Điệp liền gạt phắt ý định đi xem biểu diễn. Nguyễn Tri Phi liền vỗ tay bảo:
- Mình mong Điệp không đi! Chiều nay mình phải theo đoàn xuống nhà máy, Điệp cứ ở đây rượu ngon có người đưa đến, thuốc lá thơm hút thoải mái, Điệp phải giúp mình viết một luận văn.
Nguyễn Tri Phi liền nói rõ. Đoàn kịch cũ của anh hiện nay bình xét chức nắng,anh tuy xin nghỉ không ăn lương, đứng ra thành lập đoàn ca múa, nhưng đoàn ca múa lại không thể bình xét chức danh một cách nghiêm chỉnh, anh vẫn phải bình xét ở đơn vị cũ. Trang Chi Điệp hỏi:
- Như anh hiện nay, còn bình xét chức năng làm cóc gì?
Nguyễn Tri Phi đáp:
- Tiền cũng cần chức danh cũng cần. Chức danh cũng là danh phận mà! Xã hội bây giờ, quyền có thể chuỷên đổi thành tiền, danh phận cũng có thể chuyển đổi thành tiền. Cũng giống như Trang Chi Điệp ấy, có đại danh rồi thì bài sẽ được đăng trên báo chí, được đăng rồi, chẳng phải sẽ có nhuận bút đó sao?
Trang Chi Điệp nói:
- Danh phận của tôi là do tôi viết văn mà có đấy chứ. Trong đoàn kịch, anh đã giữ chức danh gì?
Nguyễn Tri Phi đáp:
- Mình đã từng quản lý quần áo diễn viên. Chỉ riêng trang phục khử tẩy vết ố mồ hôi như thế nào, viết thành luận văn về đỉêm này, là có thể bình xét một chức cao. Điệp biết không, diễn viên trên sân khấu ra mồ hôi, diễn xong quần áo không thể giặt, thông thường bằng cách phun rượu lên để phơi khô đi, song phơi khô rồi thường có vết ố, quần áo lại bị nhăn, nhưng mình có một bí quyết: phun rượu xong gấp luôn cho vào hòm bỏ đấy,để rượu từ từ bốc hơi làm sạch vết ố mồ hôi.
Trang Chi Điệp cười bảo:
- phải viết bí quyết này thành luận văn ấy ư? Tôi không viết nổi!
Nguyễn Tri Phi ngẩn người ra một lúc lâu mới bảo:
- Bí quyết, bí quyết, thật ra là nói rõ một chút xíu này a mà. Nhưng mù tịt không biết gì, thì mất đi hàng trăm đồng. Theo mình được biết, thì hiện nay trong cả nước, những người bảo quản quần áo không ai biết đến ngón này đâu.
Trang Chi Điệp nói:
- Vậy là việc anh xin đăng ký độc quyền.
Nguyễn Tri Phi bảo:
- Nếu bình xét về mặt quản lý quần áo không thành, thì mình bình xét về biểu diễn.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Anh đã từng diễn những gì?
Nguyễn Tri Phi đáp:
- Chưa diễn gì, nhưng mình có những ngón kỹ thuật người khác không ai có, là ngón kỹ năng gia truyền, khi bố mình còn sống đã dạy mình, chỉ có điều sau đó đoàn kịch không chia vai diễn cho mình mà thôi. Ví dụ tròn diễn quạt, cái quạt kia không phải để quạt mát, mà có tác dụng đặc biệt, nó từ đạo cụ mà trở thành trình thức bỉêu diễn, diễn biến thqành một môn kỹ xảo nghệ thuật.
Trang Chi Điệp nóiL
- Có phải anh nói võ thì quạt bụng, văn thì quạt ngực, hoà thượng thì quạt ống tay, đạo thì quạt cổ áo, người già thì quạt râu, người mù thì quạt mắt, thầy giáo thì quạt ghế ngồi, vai hề thì giơ cánh tay bằng vai?
Nguyễn Tri Phi hỏi:
- Điệp cũng hiểu biết chuyện đó à?
Trang Chi Điệp đáp:
- Đây là kỹ thuật nhà nghề của anh ư?
Nguyễn Tri Phi hỏi:
- Điệp biết trò chơi quạt, biết luôn cả trò "thuỷ phái" chứ? Thế nào là "vươn", thế nào là "tung", thế nào là "mang", thế nào là "tránh", thế nào là "lượn", thế nào là "xoay", thế nào là "xông"?
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi không biết.
Nguyễn Tri Phi nói:
- chắc chắn Điệp không biết. Càng không biết trò nhe nanh múa vuốt. Đừng nói Điệp không biết hiện nay trong giới Tần Xoang ở Tây Kinh hỏi có ai biết không nào? Tại sao không diễn "Chung Quỳ gả em gái", "Sông ứ bùn", "Phán âm tào", không ai nắm được công của trò nhe nanh múa vuốt đâu mà!
Khỏi nói đến trò nhe nanh múa vuốt, ngay đến nghe, cũng là lần đầu tiên Trang Chi Điệp mới nghe nói đến cái tên đó. Anh hỏi:
- Thế anh biết chứ?
Nguyễn Tri Phi đáp:
- Đương nhiên biết chứ. Điệp viết luôn cho mình bài luận văn chơi trò nhe nanh múa vuốt như thế nào nhé? Được chứ?
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi chưa nhìn thấy bao giờ viết thế nào được? Cho dù anh chưa biểu diễn trên sân khấu, thì anh cứ chơi cho tôi xem một lượt, tôi chỉ việc ghi lại, có lẽ tài liệu này sẽ có ích cho việc bình xét chức năng của anh đấy!
Nguyễn Tri Phi bảo chơi trò này phải có cái răng lợn, biết tìm đâu ra bây giờ? Nhưng rồi ồ ồ vỗ tay lên trán, chạy về buồng ngủ của mình ở gác ba, cầm đến một tập giấy đã ngả vàng, bảo:
- Được rồi, được rồi,trong này viết các loại hình trò nhe nanh múa vuốt.
Trang Chi Điệp cầm lên xem thì ở trên có chữ, có hình của tranh vẽ, Nguyễn Tri Phi bảo:
- Đây là chữ bố mình viết ngày xưa, khi còn sống ông giữ kín không cho ai biết, chỉ giữ cho mình. Sao Điệp không viết lại hộ mình, coi như một luận văn hả? dứt khóat Điệp phải giúp mình việc này. Bây giờ Điệp nằm xuống đây ngủ một giấc, chiều nay phiền Điệp giúp cho, tối nay mình mời đi uống rượu mật rắn.
Trang Chi Điệp cười bảo:
- Tôi có thể giúp anh, nhưng Nguyễn Tri Phi nhà anh cũng là nhân vật có tiếng tăm trong thành Tây Kinh, thì ra là loại ma ngày giã chày gỗ như thế ư?
Nguyễn Tri Phi cũng cười bảo:
- Điệp viết văn cứ luôn luôn định lưu danh muôn thưở, còn mình không có dã tâm như Điệp, mình là con ma sống làm náo loạn sự trời, thành thì thành, không thành thì thôi, nếu mặc thì mặc áo da, không mặc thì cởi trần.
Buổi chiều, Nguyễn Tri Phi quả nhiên dẫn một đoàn diễn viên trai gái ăn mặc sặc sỡ đi biểu diễn. Trang Chi Điệp ngủ một giấc trở dậy viết lại tài liệu kỹ thuật trò chơi giơ nanh múa vuốt. Vốn lòng dạ để tận đẩu tận đâu, định gạt bỏ buồn phiền, nhưng đọc kỹ mấy tờ giấy ấy, lại cảm thấy thú vị vô cùng, đã biết được những bộ phận vận dụng chủ yếu của trò chơi giơ nanh múa vuốt, một là lưỡi hai là răng, ba là má, cần phải nắm vững một nhổ, hai điều chỉnh, ba khống chế. Phóng răng lại chia thành ghép góc trong hai răng và ghép góc giữa hai răng, loại hình của nó có răng cuốn lưỡi, răng chỉ mắt, răng so le đơn, răng cắm phẳng, răng gắn kép, răng sừng dê, răng ngà voi, răng hai móc câu, răng cánh yến đảo, răng yến song phi.
Khi chép xong tất cả, Nguyễn Tri Phi vẫn chưa về, liền một mình ra khỏi nhà, xuyên qua một con ngõ hẹp đi lang thang đến chợ rau gần đó. Chợ rau là nơi người đông nghìn nghịt, rất ồn ào bụi bặm. Trang Chi Điệp thơ thẩn bổ túc mắt một chầu, thì nhìn thấy một người bán than ở một góc đường đang nghĩ cách xếp chồng than cốc sao cho có nhiều khe hở, rồi từ từ kéo chiếc xe cải tiến đến cửa một hiệu phở cao giọng mặc cả với chủ hiệu đang hoà bột. Chủ hiệu đòi cân, người bán than cứ đòi bán cả một xe, chủ hiệu liền bước đến lắc mạnh càng xe, xe than bỗng xẹp xuống chỉ còn một nửa. Chủ hiệu đã làm hỏng chuyện cố ý xếp giả của người bán than, hai bên to tiếng cãi nhau, cãi chán thì ẩu đả. Kết quả bột mì trắng đã bắn lên khuôn mặt đen của người bán than, than đen đã bôi lên khuôn mặt trắng của chủ hiệu, mặt đen mặt trắng, cả hai khuôn mặt đều chảy máu. Trang Chi Điệp thấy chán ngán, bỗng nhiên cảm thấy người hơi lành lạnh, ngẩng đầu nhìn trời, thì ra mặt trời đã bị mây che lấp, hơn nữa mây kia đang cuồn cuộn kéo đến mỗi lúc đen kịt, có vẻ sắp mưa đến nơi. Trang Chi Điệp quay trở về, gió đã nổi lê, nhiều người trong chợ cũng tản đi khắp nơi. Trên ngã tư đầu ngõ càng hỗn loạn. Trang Chi Điệp liền nhìn thấy ở cạnh cửa hàng bán thịt ở đầu đường có một người phụ nữ đang cúi xuống chọn một bộ tim phổi lợn. Dáng người phụ nữ cao cao, thân hình mảnh dẻ, mặc một chiếc váy màu tím than, cái mông cúi xuống rất tròn trĩnh, mà sợ gió thổi tốc lên, đã kẹp gấu váy giữa hai chân, đôi chân đi giày cao gót, thon gầy như con hạc. Trang Chi Điệp thầm nghĩ "Thông thường những người đàn bà xấu, khi cúi xuống mông đít chỉ là dạng củ ấu, còn những cái mông xinh xắn như thế này, chắc phải là loại đàn bà xinh đẹp. Nhưng thường những ai nhìn dáng đàng sau hấp dẫn, thì khuôn mặt lại đáng tiếc, không được vừa ý cho lắm, không biết người phụ nữ này thế nào?" Trang Chi Điệp bước tới, quay đầu nhìn một cái, thì lại là vợ Uông Hy Miên, liền cười hì hì. Vợ Uông Hy Miên nghe thấy tiếng cười, cũng ngẩng đầu lên, lập tức lên tiếng:
- Điệp đấy à? Sao anh cũng ở đây? Anh nhìn thấy em trước rồi phải không?
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi đang bụng bảo dạ, đây là đàn bà con gái nhà nào, xinh đẹp như thế, mà phải đi mua phổi lợn về ăn, vậy thì ông chồng quả là đồ khốn bị cắm sừng, nào ngờ người tôi mắmg lại là Uông Hy Miên.
Vợ Uông Hy Miên nói:
- Em mua cho mèo đấy, đâu có phải để cho người ăn! Lâu lắm không gặp anh, vừa rồi gặp mẹ của Mạnh Tẫn, chị ấy bảo anh bị đau chân, em định ngày mai đi thăm anh, nào ngờ anh đã đi khắp nơi, thì ra lời đồn không đúng.
Trang Chi Điệp nói:
- Có bị chân đau, nay đã khỏi rồi. Mạnh Tẫn là ai? Mẹ Mạnh Tẫn sao biết được tôi bị đau chân?
Vợ Uông Hy Miên đáp:
- Mạnh Tẫn là con trai của Mạnh Vân Phòng. Có thể cậu ta nghe bố nói rồi về nói lại với mẹ.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Em có chuyện gì đến chỗ chị ấy? Chị ấy vẫn khoẻ chư?
Vợ Uông Hy Miên trả lời:
- Chỉ một hai câu không hết chuyện ấy.
Nói rồi nhận chỗ phổi tim lợn được người bán hàng gói tử tế, trả xong tiền quay lại bảo:
- Đến nhà em nhé? Hy Miên lại đi Quảng Châu, ở nhà chỉ có mẹ chồng và người giúp việc. Em sẽ gói vằn thắn cho anh ăn, em còn cho anh xem con mèo của em nữa.
Trang Chi Điệp nói:
- Tôi ở chỗ Nguyễn Tri Phi đang viết giùm anh ấy mấy thứ, anh ấy đi vắng chưa về, có đi cũng phải nói với anh ấy một tiếng.
Trong khi nói thì trên trời có một tiếng sấm chát chúa, hai người sợ giật nảy mình. Vợ Uông Hy Miên nói:
- Trời này sắp mưa đến nơi rồi, hạn hán cả một mùa hè, cũng nên mưa một trận chứ!
Trên chợ rau, người cuống cuồng như đàn ong, tìm đường ẩn náu. Vợ Uông Hy Miên phải lim dim mắt lại, bắt đầu nhổ bụi bay vào miệng. Trang Chi Điệp bảo:
- Trời sắp mưa rồi, chúng ta vào chỗ Tri Phi ngồi một lúc đã.
Vừa dứt lời thì những hạt mưa to bằng đồng xèng lộp bộp lào rào tuôn xuống. Hai người vội vã chạy vào con ngõ hẹp, như con mèo vươn mình tháo chạy trong làn mưa dày đặc như dệt cửi. Vợ Uông Hy Miên chạy chậm, Trang Chi Điệp sốt ruột đưa tay ra kéo. Người phụ nữ nhẹ quá dường như bị nhấc bổng. Vào đến phòng làm việc của ngôi nhà gác thì hai người ướt sũng như gà ngã xuống ao
Hai người ngồi trong nhà, tiếng sấm ở ngoài trời càng dồn dập, trời bỗng dưng tối sầm lại, cùng với ánh chớp sáng trắng ở ngoài cửa sổ, bóng tối trắng bệch ra, rồi lập tức đen như mực. Lại một tràng sấm dữ dội giáng xuống, dường như sấm đánh ngay trong sân nhà, cửa sổ và cửa chính rung lên bần bật, chợt nghe thấy có cái gi1 rơi xuống ở tường sân ngoài cửa sổ. Trang Chi Điệp định giật công tắc điện, lại sợ đường dây ở ngoài nhà dẫn sấm sét vào nên châm nửa cây nến trên bàn cháy lên rồi hỏi vợ Uông Hy Miên:
- Có sợ không?
Vợ Uông Hy Miên đáp:
- Có anh ở đây thì còn sợ gì. Rồng định đến bắt, thì bắt cả hai đi.
Vợ Uông Hy Miên nói rồi lấy khăn tay lau nước mưa trên đầu. Cái váy ướt hết, váy áo ướt dính vào người, mỏng và sáng như giấy đủ để nói cho Trang Chi Điệp biết tấm thân kia đang phập phồng, phập phồng. Trong khi Trang Chi Điệp nhìn mình, vợ Uông Hy Miên kéo kéo váy áo ướt dính trên người, nét mặt thèn thẹn ửng đỏ, sau đó ngồi dịch sát vào chỗ có ánh nến. Trang Chi Điệp chuyển sang chuyện khác, anh hỏi:
- Em vừa nói em đến chỗ mẹ của Mạnh Tẫn. Cuộc sống của chị ấy thế nào? Mâ y năm nay tôi không gặp chị ấy?
Vợ Uông Hy Miên đáp:
- Đàn bà không có đàn ông là con cua không có càng. Mạnh Tẫn lại đã lớn, nghịch ngợm lắm, giống y hệt Mạnh Vân Phòng. Mấy hôm trước em gặp chị ấy trên phố, trông tiều tuỵ đáng thương lắm, hễ nói chuyện là khóc lóc. Em hỏi sao mấy năm rồi chị không tìm một người? Chị ấy lại khóc, bảo đàn bà góa bốn mươi tuổi, còn đi đâu tìm được đàn ông nữa, tuổi trẻ còn khó nữa là đã luống tuổi lại có con, một cháu Mạnh Tẫn còn quản chẳng nổi, thêm một đứa nữa, không hợp nhau, thân chẳng được, chửi chẳng được, càng thêm chuyện rắc rối với Mạnh Tẫn. Em đồng ý tìm giúp chị ấy một người, vừa may về nhà dò hỏi, ở cạnh nhà em có một người họ hàng, là kỹ sư, vợ mới chết năm kia, con cái đều công tác ở xa, há chẳng thich hợp hay sao? Hôm nay sẽ đi nói với chị ấy.
Trang Chi Điệp nói:
- Em tốt bụng thế. Chị ấy mũi hơi tẹt, gặp lần đầu cảm thấy hình thức kém một chút, không biết anh kỹ sư kia coi trọng dáng người hay coi trọng cuộc sống?
Vợ Uông Hy Miên nói:
- Không dám chắc được điều ấy. Khi anh kỹ sư gặp em, em cũng nói thế, anh ấy bảo hơi kém em một chút thì anh ấy niệm Phật luôn.
Trang Chi Điệp liền cười:
- Chị ấy bằng được nửa em thì Mạnh Vân Phòng đã không cắt đứt!
Vợ Uông Hy Miên nói:
- Anh chỉ được cái bán bêu em. Khi còn trẻ có lẽ em còn được, bây giờ khọm lắm rồi, lại hay ốm yếu gầy như que củi.
Trang Chi Điệp đáp:
- Đâu có, ở nhà anh thường lấy em ra so sánh với Ngưu Nguyệt Thanh. Ngưu Nguyệt Thanh bảo, Uông Hy Miên người ta có tiền, không biết mua cho vợ ăn quả trẻ mãi không già gì thế nhỉ?
Vợ Uông Hy Miên cười không thành tiếng, nước mắt chảy ròng ròng. Trang Chi Điệp chợt trở nên lúng túng nói:
- Tôi nói thật mà. Em gầy thì có gầy tí chút, tôi nghĩ em đừng nên lúc nào cũng nghĩ bản thân là một nồi nước đun không sôi, phải nghe lời bác sĩ, nhưng cũng không thể tin cả. Thầy thuốc thì bao giờ chẳng bảo trong không khí có bao nhiêu bao nhiêu vi khủân, vậy thì người ta luôn phải ngậm cái mồm à?
Vợ Uông Hy Miên nói:
- Uông Hy Miên đã mua cho em thuốc bổ này thuốc bổ kia, nhưng em biết nguyên nhân căn bệnh của em đâu chứ!
Chị Miên khịt khịt mũi, hai mắt lại đỏ hoe, rưng rưng nước mắt. Trang Chi Điệp không dám hỏi tiếp, đưa khăn mặt cho chị lau nước mắt, cố ý dùng giọng nói vui đùa bảo:
- Hy Miên lại đi Quảng Châu tổ chức triển lãm tranh của anh ấy hả? Anh ấy điên rồi hay sao thế, tay đã đấm phương bắc chân còn đá phương nam ư?
Chị Miên đáp:
- Đâu có phải tổ chức triển lãm tranh, đi bàn một vụ buôn bán tranh ấy mà. Anh không biết đấy thôi, mấy năm nay nhà em cũng mắc một chứng bệnh.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Bệnh gì thế? Anh ấy người đen gầy, song tinh thần thì có khi còn hăng hái hơn tôi đây!
Chị Miên đáp:
- Có bệnh thật đấy, viêm gan B, nhưng siêu vi trùng chưa phá đến gan, thuộc dạng có nhiễm vi rút viêm gan B.l
Trang Chi Điệp nói:
- Ái chà, việc nà bên ngoài không ai biết đâu.
Chị Miên bảo:
- Anh ấy bảo không được nói với bất cứ ai, chỉ ngấm ngầm uống thuốc. Nhưng đã nhiễm bệnh này không chữa được trong ngày một ngày hai đâu. Nói một câu để anh vui đùa, mấy năm nay anh ấy không hôn em bao giờ. Một hai tháng mới có một lần tiếp xúc, thì vẫn phải đi capốt.
Trang Chi Điệp liền thầm nghĩ, Uông Hy Miên bị nhiễm viêm gan B thật, hay là cố tình giả vở có bệnh? Nếu thật, thì ở ngoài người ta đồn anh ấy thế này thế kia với người đàn bà khác, vậy thì chẳng phải đã hai người đàn bà khác, và cũng làm nặng thêm căn bệnh của mình hay sao? Mà bà vợ ở nhà thì đang ở độ tuổi như sói như hổ, mấy năm không được hôn, ăn nằm với nhau, thì lại đeo bao cao su, người vợ này ai cũng bảo hưởng sung sướng không bao giờ tận, song cũng khổ sở như thế này sao?
Chị Miên bảo:
- Em nói với anh Miên, anh đã có bệnh thì cứ ở nhà yên tâm dưỡng bệnh, nhưng anh ấy cứ mỗi năm có đến sáu tháng sống xa nhà, hàng tháng gởi tiền về. Bây giờ sẵn tiền đây, song tiền có thể mua được nhà ở, liệu có mua được gia đình không? Có thể mua được thuốc, liệu có mua được sức khoẻ không? Có thể mau được món ăn sang, liệu có thể mua được sự ham muốn ăn không? Có thể mau được giường, liệu có thể mua được giấc ngủ không?
Chị Miên nói xong nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài trời đã tối hẳn, sấm vẫn còn đang xâu chuỗi ầm ầm, mưa gió đan xen. Đột nhiên chị ưỡn thẳng người nói:
- Chi Điệp này, em không nên nói với anh những điều này. Nói những điều ấy ở đây không đúng chỗ. Em vốn định thường đến nhà anh nói chuyện, mấy lần đi đến giữa đường lại quay về, sao lại đi quấy rối cuộc sống yên tĩnh của người khác kia chứ? Hôm nay gặp anh, muốn mời anh về nhà chơi, xem xem con mèo của em. Hiện nay em chi là con mèo sống. Nào ngờ trận mưa này lại dẫn chúng ta đến đây nói chuyện nhiều đến thế. Đã nói đến mức này, thì em cũng phải hoàn thành một ước nguyện ôm ấp xa xưa.
Trang Chi Điệp sốt sắng hỏi:
- Ước nguyện gì vậy? Mấy năm nay tôi cũng ít đến bên ấy. Nghĩ lại cũng có lỗi với em, từ nay về sau có chuyện gì cần tôi làm, tôi sẽ hết sức cố gắng.
Vợ Miên hỏi:
- Anh nói thật lòng chứ?
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi nói dối thì tối nay sè bị sấm sét đánh chết.
Vợ Miên nói:
- Anh đừng nói vậy. Sấm sét đánh chết anh, thì em cũng chẳng thiết sống nữa. Chuyện này nói ra cũng khiến anh buồn cười. Thời còn trẻ, có tổ chức một buổi toạ đàm văn học ở Tây Kinh, anh phát bỉêu ý kiến trên bục giảng, em làm người nghe ở bên dưới. Đây là lần đầu tiên em gặp anh, không hiểu sao chợt nảy ra một ý nghĩ. Nếu em lấy chồng, không phải anh em không lấy. Sau đó thì quen biết anh, tìm cách tiếp xúc với anh, song trước mặt anh em không nói ra được. Em nhờ một người bạn nói rõ tâm tư của mình với Cảnh Tuyết Ấm để chị ấy chuyển đến anh. Nhưng Cảnh Tuyết Ấm lại cười nhạt nói "Cô ta nghĩ đẹp nhỉ, nói đến tôi đây cơ à?" Bạn em nói lại với em lời của Cảnh Tuyết Ấm, em nghi quá, không bao lâu thì nghe tin, thì ra anh và Cảnh Tuyết Ấm yêu nhau, em buồn không chịu nổi. Nhưng về sau, được biết anh và Cảnh Tuyết Ấm không thành, mà lại thành với Ngưu Nguyệt Thanh, em đã khóc một trận. Khóc xong còn đến thẳm nhà anh một lần, thấy Ngưu Nguyệt Thanh vừa xinh đẹp vừa nết na, thì trái tim em hoàn toàn tuyệt vọng, em mới cưới Uông Hy Miên. Bây giờ chúngta đều đã lớn tuổi, tối nay lại nói nhiều chuyện thế này, nên em bày tỏ nỗi lòng này với anh. Em không cần anh phải nói gì nữa, em chỉ muốn cuối cùng coi như em đã hoàn thành một việc, trong lòng không còn canh cánh nữa mà thôi.
Trang Chi Điệp ngồi đực ra như gỗ đá, ngạc nhiên đến mức không nói nổi một câu. Anh nhớ lại tỉ mỉ những năm tháng từ khi quen biết người đàn bà này cho đến hiện giờ, có niềm cảm khái đáng tiếc và hối hận vô hạn. Anh nhìn người đàn bà trước mặt, đôi môi run rẩy, nhưng lại nói:
- Em không muốn anh nói, em không muốn!
Trăm ngàn lời nói trong anh đã hoá thành một tiếng thở dài thườn thượt.
Hai người cứ ngồi như thế không nói gì, bỗng hành lang có tiếng ồn ào, tiếp theo là tiếng Nguyễn Tri Phi:
- Chi Điệp ơi, vẫn còn ở đây chứ? Thế mới là bạn!
Cửa mở ra một cái, vợ Uông Hy Miên liền đứng lên nói:
- Chi Điệp xứng đáng là bạn, anh cũng xứng là bạn! Bắt người ta làm việc cho mình, người thì bỏ đi, cơm cũng để đói, cứ mất hút! Nhờ một người coi nhà có lẽ cũng phải trả tiền chứ?
Nguyễn Tri Phi nói:
- Vừa giờ còn bảo xứng đáng là bạn, bây giờ thì thôi nhé! Nếu không có em ở đây, liệu Chi Điệp có thật thà ở lại không?
Trang Chi Điệp lấy khăn mặt lau nước mưa trên đầu cho Nguyễn Tri Phi và bảo lúc chiều gặp vợ Uông Hy Miên ở chợ rau, lại gặp trận mưa nên chạy về đây ngồi nói chuyện. đến bao giờ vẫn chưa ai ăn uống gì. Nguyễn Tri Phi vội vàng xin lỗi, anh bảo biểu diễn xong, nhà máy lại mời cơm. Ban đầu định về ngay, nhưng người ta cứ giữ lại cùng ăn, chẳng lẽ lại bỏ đi, thì còn mặt mũi nào, đành phải ở lại. nói xong gọi một diễn viên trên gác xách ăng gô ra quán cơm mua cơm và thức ăn đem về.
Ăn xong, Nguyễn Tri Phi xem bài luận văn đã chép xong, đương nhiên sung sướng hết chỗ nói, lấy rượu nhà ra, ba người cùng uống. Vợ Uông Hy Miên bảo chị phải về, Trang Chi Điệp cũng định đi. Nguyễn Tri Phi bảo chờ tạnh cơn mưa, anh gọi thuê hai xe con đích thân đưa về. Uống hơn nửa chai rượu, cả ba người đều đỏ mặt và lấm tấm mồ hôi, song mưa vẫn chưa ngớt, ngược lại sấm sét vẫn ầm ầm dai dẳng và dầy hơn. Nguyễn Tri Phi nói:
- Mưa to thế này tại sao cứ đòi về cơ chứ?
Phòng làm việc này có thể ngủ một người, phòng bên cạnh không có người, giường nệm cũng sạch sẽ có thể ngủ thêm được một người nữa. Trang Chi Điệp bảo:
- Tôi thì được, còn xem chị Miên.
Vợ Uông Hy Miên nói:
- Hy Miên không ở nhà, em đi một mình quen rồi, chỉ không yên tâm con mèo.
Nguyễn Tri Phi bảo:
- Thế thì dễ thôi, tôi gọi điện thoại cho hai gia đình. Ngưu Nguyệt Thanh bảo tôi kéo Trang Chi Điệp ra khỏi nhà, tôi không sợ chị ấy mắng tôi rủ rê Chi Điệp ra khỏi nhà chơi bời lằng nhằng. Còn chỗ nhà Miên tôi bảo bà chăm coi con mèo cẩn thận thôi mà!
Chị Miên nói:
- Anh nói giúp nhất định phải cho mèo ăn đêm một bữa, trong tủ lạnh có con cá, xẻ làm đôi cho hai bữa.
Nguyễn Tri Phi thốt lên:
- Chà chà, Miên nuôi mèo như nuôi chồng không bằng.
Nói xong lên gác gọi điện thoại.
Ba người vừa nói chuyện vừa uống nốt nửa chai rượu kia thì đêm đã về khuya. Nguyễn Tri Phi thấy đầu nặng trình trịch, nói:
- Đi ngủ sớm một chút nhé!
Nói xong rồi mở khoá phòng bên cạnh hỏi ai ngủ bên này nhỉ? Trang Chi Điệp vào xem chăn nệm, thấy ở đây sạch sẽ hơn bên kia, bảo chị Miên ngủ ở đây. Nguyễn Tri Phi liền chỉ phòng vệ sinh ở đâu, nước ở đâu, kể lể ra từng thứ, rồi loạng choạng bước lên gác. Bỗng chốc hành lang trở nên vắng vẻ.
Trang Chi Điệp đi xách nước cho mình và cũng xách một xô cho vợ Uông Hy Miên, bảo:
- Em rửa rồi đi ngủ, đêm nay trời mát sẽ ngủ ngon đấy. Sáng mai tôi gõ cửa, mình ra khách sạn nhà Lão Tôn ăn bánh bao thịt dê.
Nói rồi về phòng mình đóng cửa, lau rửa trong chậu nước rồi ngủ. Trang Chi Điệp uống được rượu. Tuy chai rượu anh uống đến một nửa, song vẫn không chao đảo, ngược lại còn vô cùng hưng phấn. Nằm trên giường nghe một lúc tiếng mưa, liền nghĩ đến vợ Uông Hy Miên. Đối với người đàn bà ấy, trong mười năm qua anh luôn có cảm tình tốt, song không dám có quá nhiều ý nghĩ đối với người ta, chỉ có một niềm tương tư, một chiều thầm kín ở sâu trong trái tim. Sau khi nghe vợ Miên tâm sự thì ra cô ấy cũng đem lòng yêu quý mình. Mồm nhắc lại lời cô ấy vừa nói, bảo anh không cần nói gì nữa, trở mình một cái cố gắng quên không nghĩ đến cô ấy. Nhưng bảo không nghĩ mà vẫn cứ nghĩ, tại sao lại không nghĩ nhỉ? Thế là anh so sánh người đàn bà ấy với Ngưu Nguyệt Thanh, với Đường Uyển Nhi. So sánh đi, so sánh lại, toàn thân bì bích khó chịu.
Anh không bật đèn châm nến chỉ mặc áo xuống giường đi đi lại lại trong căn phòng một lát, mở cửa đứng ngoài hành lang. Trong hành lang tối như bưng, trong lòng hoang mang, lại vào nhà vệ sinh tiểu tiện, nào có gì đâu mà thải ra, trở lại liền gõ cánh cửa đang đóng im ỉm kia. Vợ Uông Hy Miên ở bên trong hỏi vọng ra:
- Ai thế?
Trang Chi Điệp đáp:
- Anh đây.
Trong bóng tối, nhắm mắt lại, đứng nép vào cửa. Vợ Miên hỏi:
- Có việc gì vậy? Xin chờ một chút.
Chiếc cửa sổ nhỏ dán giấy báo phía trên cửa sáng lên, nghe rõ vợ Uông Hy Miên đi ra mở then cửa, song không mở cửa ra. Sau đó bảo:
- Anh vào đi.
Trang Chi Điệp đẩy cửa vào, thì người đàn bà ấy đã khóac áo ngồi trên giường, nửa người phía dưới đắp tấm chăn đơn. Vợ Uông Hy Miên hỏi:
- Anh có nghe con mèo nhà ai đang kêu trên gác không? Có lẽ em nghĩ đến con mèo của mình chăng?
Trang Chi Điệp ấp úng:
- Anh, anh…
Rồi đóng cửa lại, đi đến đứng bên cạnh người phụ nữ chân tay đã trở nên lúng túng. Người đàn bà biết rõ chuyện, khe khẽ nói:
- Anh Chi Điệp ơi…
Trang Chi Điệp cuối cùng đã cúi người ôm chặt đầu vợ Uông Hy Miên, nghẹn ứ giọng:
- Anh không ngủ được. anh…
Liền áp sát cái miệng ướt rượt vào cặp môi mỏng của người đàn bà. Trong khoảnh khắc người đàn bà cũng giơ tay ôm chặt Trang Chi Điệp. Toàn thân vặn vẹo trong không gian, chiếc chăn đơn rơi sang một bên, để lộ rõ thân hình trần truồng chỉ mặc mỗi cái xi líp màu cánh sen bé tí tẹo, trông như một con cá mỹ nhân. Trang Chi Điệp để cả giày bước phứa lên giường. Nhưng trong phút chốc người đàn bà bình tĩnh lại, đưa tay ra ngăn và nói:
- Chi Điệp ơi, không được đâu, làm thế là không hay. Anh có lỗi với Ngưu Nguyệt Thanh, em cũng có lỗi với Uông Hy Miên…
Trang Chi Điệp vẫn đòi bằng được, nhưng người đàn bà đã cuốn chăn lên người, ánh mắt van nài. Trang Chi Điệp liền sững người không động đậy. Người đàn bà liền chỉnh quần áo lại cho anh rồi bảo anh ngồi xuống, nói:
- Trước kia em đã từng yêu anh, từ nay về sau cũng khó không yêu anh, nhưng chúng mình đừng nên làm như thế, làm thế đều không có ích lợi gì đối với anh đối với em. Nếu anh cũng yêu em, chờ khi cả hai đều đã già, cũng chẳng phải em thành tâm nguyền rủa đâu, nếu Uông Hy Miên chết trước em, Ngưu Nguyệt Thanh cũng chết trước anh, thì chúng ta lại làm vợ chồng. Nếu anh và em đều chết trước hai người, thì cũng là số mệnh. Số mệnh quả có thế thật, thì anh và em không làm trái được, thì cũng không cần cố chấp. Nếu không thì anh và Uông Hy Miên đều là danh nhân. Hơn nữa anh và em cũng từ đây một đêm chồng vợ, ân nghĩa trăm ngày, rồi lại mỗi người một ngả, tiếp tục sống với người của mình, vậy thì càng không có cuộc sống yên ổn nữa đâu!
Vợ Uông Hy Miên nói, cười gượng, lau những giọt nước mắt chực rơi xuống cho Trang Chi Điệp, lấy từ ngực áo ra một đồng tiền bằng đồng có cột một sợi dây, nói:
- vừa giờ anh cũng nhìn thấy đồng tiền này chứ? Em đeo nào là nhẫn vàng, vòng tay vàng, vòng tai vàng, song em không đeo dây chuyền vàng, mà là em không bỏ được đồng tiền này. Đây là đồng tiền em thuận tay nhặt được ở sàn cửa sổ nhà anh hôm em sang nhà anh thăm Ngưu Nguyệt Thanh. Em nghĩ em đã không có được anh thì em phải đeo một thứ của anh trên người. việc này cho đến bây giờ Uông Hy Miên chưa biết, hôm nay em nói hết với anh và trao nó lại cho anh. Đây không phải là vật cũ trả lại nguyên vẹn, mà là em đã đeo nó trên người mười mấy năm nay, nó đã thấm đậm mồ hôi của em, mỡ của em, hơi người của em, hoàn toàn trở thành hồn vía của em, trao cho anh cũng để cho anh biết em là người đàn bà như thế nào.
Vợ Uông Hy Miên lấy đồng tiền ra trao cho Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp đeo luôn dây vào cổ song lại ngậm đồng tiền nơi miệng, nước mắt chảy ròng ròng, định đi ra, nhưng ra tới cửa, lại dừng chân quay đầu nhìn vợ Uông Hy Miên. Vợ Uông Hy Miên tay ấn vào bụng, mặt nhăn nhó. Trang Chi Điệp hỏi:
- Em thấy khó chịu chỗ nào?
Chị Miên đáp:
- Em thấy khó chịu, căn bệnh cũ ấy mà. Cứ xúc động một cái là dạ dầy lại co giật. Anh về ngủ đi.
Trang Chi Điệp định nói, để anh xoa bóp cho, nhưng không nói ra miệng, tay đưa vào bụng cởi cái gì đó lấy ra túi thuốc bảo vệ sức khoẻ thần công của Mạnh Vân Phòng cho anh, anh nói:
- Em đeo cái này vào.
Vợ Uông Hy Miên mỉm cười, gật gật đầu, nhận túi thuốc, nhìn Trang Chi Điệp bước ra cửa.
Phế Đô Phế Đô - Giả Bình Ao Phế Đô