A dirty book is rarely dusty.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 29
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1159 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 22 -
hải khó khăn lắm, Kha mới đẩy được chiếc Honđa cà tàng của mình vào nhà xe, trước con mắt chằm chặp của bà chủ bãi. Cái nhìn của bà giữ xe có lẽ cũng bình thường như mọi ngày, đối với mọi người, nhưng đột nhiên hôm nay, Kha cảm thấy có gì lạ lắm, khiến anh phải lên tiếng:
-Có chuyện gì mà nhìn tôi dữ vậy, chị Tám?
Bà Tám là một phụ nữ tuồng năm mươi tuổi ngoài, thuộc típ người tinh mắt, thính tai và cũng mau miệng:
-Cậu đi đâu mà mấy ngày nay không thấy về nhà? Sắp có vợ mới rồi hả?
-Vợ con gì! Kha thở dài, dửng dưng.
Bà Tám đứng lên khỏi chiếc ghế của minh, đứng tựa vào cây cột căng sợi dây giũ tấm bạt che nắng, giọng giả lả:
-Lúc chiều nay có người tới kiếm cậu.
Thấy Kha im lặng, không có vẻ gì "ep-phê" trước thông tin của mình, bà Tám tiếp:
-Người đẹp lắm à nghen, ăn mặc rất mô-đen. Hỏi tên gì không nói, cứ nhất định ngồi chờ "anh Kha". Mãi tới tôi hù mới chịu đi…
-Vậy hả? Kha trả lời chiếu lệ trước một bà Tám có "thâm niên" về nghề "buôn dưa lê chuyên nghiệp", rồi khoác chiếc túi bạt gai của mình đi lên cầu thang. Tuy làm ra vẻ lạnh lùng nhưng Kha vẫn không thể không nghĩ: ai tìm mình nhỉ? Lại là đàn bà ăn mặc mô-đen? Đã từ lâu, từ khi từ bỏ cái gia đình ảm đạm của mình, Kha trở nên lãnh đạm với những mối quan hệ mà anh cho là lằng nhằng, rắc rối. Vậy thì ai?
Mải suy nghĩ lẩn thẩn, Kha đã đứng trước cánh cửa nhà mình, anh tra chìa khóa vào cái ổ khóa lỏng lẻo bước vào nhà. Một mùi ẩm mốc, cũ kỹ xông lên. Kha dừng lại trước tấm lịch và nhận ra: đúng, đã ba ngày rồi anh mới về nhà! Từ hôm ở xóm Mả Cùi của tiến sĩ Han, hôm sau công ty chẳng có việc gì, Kha đi Long Khánh với lời rủ rê của ông bạn huyện đội trưởng.
Tự dưng Kha cảm thấy mệt mỏi rã rời, anhvào phòng tắm, dội qua mấy gáo nước có lẫn cả loăng quăng trong cái thùng phuy trát nhựa đường, rồi quăng mình lên giường. Nhà mình đây rồi! Phải ngủ một giấc mới được, Kha tự nhủ.
Đầu óc trống rỗng nhưng giấc ngủ vẫn không chịu đến. Những mảnh vụn của bao biến cố trong mấy ngày hôm nay cứ trôi lơ lửng trong ý nghĩ Kha. Đôi khi chúng tụ lại thành những mảng mây màu chì xám nặng nề, rồi vụt cái chúng lại tản ra, loé sáng. Tuy nhiên, mọi hình ảnh vật vờ chỉ độc có một màu đen trắng và xám, không màu, tựa như những gì mắt của loài méo nhìn thấy. Mãi lâu sau, Kha mơ màng, như đang trôi vào một mảng sương mù chuyển sang màu sữa dày và đặc sệt nặng chĩu, thì có tiếng đập thình thình dội vào trong đầu anh, như chính những âm thanh dữ dội ấy phá phách đâu từ phía trong đầu óc bung ra chứ không phải từ bức tường của nhà bên cạnh. Kha biết đó là cái gì rồi. Anh cuộn tấm chăn kín xung quang đầu thật chặt, kín cả hai bên thái dương, nhưng tiếng đập rất đanh và khô vẫn không chịu nhỏ đi, mà càng như khiêu khích anh một cách tàn nhẫn. Kha cong người lại, hai chân co lên tận ngực, còn hai tay quắp lấy hai bên thái dương, trong tư thế của một kẻ đang bị tra khảo. Chát! Bịch! Cốc! Rắc! Rầm rầm…
-Trời ơi là trời! Kha bỗng gào lên. Không biết kiếp trước con ăn ở vô tình bất nghĩa thế nào mà kiếp này con khổ thế này, hả Trời? Tiếng gào không to, không đủ át đi những âm thanh vô đạo, vô đức, vô văn hóa kia, nhưng bỗng lôi anh ra với hiện thực. Kha vùng dậy, khoác tấm mền mỏng lên người rồi thò đầu qua cửa ngó sang nhà bên cạnh, nơi đang có cuộc hành hung tra tấn.
Đó là hàng xóm, láng giềng tắt lửa tối đèn của anh.
Đó là một gia đình có công với cách mạng. Đúng hơn, một con người có công với cách mạng. Cuộc kháng chiến của các anh và cuộc cách mạng của chị ta. Chị là một cô gái sinh ra và lớn lên trên vùng Củ Chi đất thép. Gia đình chị và cá nhân chị đã anh dũng hy sinh từng phần và toàn bộ sức lực và tính mệnh của mình cho cuộc chiến đấu chống Mỹ của dân tộc. Hơn một lần, và mãi mãi Kha cúi đầu kính phục công trạng và tấm lòng của chị.
Chị làm y tá của một bệnh viện trong thành phố và được cấp một căn phòng trong chung cư như Kha và như tất cả mọi người có công khác. Cuộc kháng chiến thắng lợi đã đem lại một khối lượng quả thực rất khiêm tốn cho toàn dân, nhưng lại chỉ vừa đủ cho một số cán bộ. Tướng giặc bỏ chạy, thì tướng chiến thắng vào nhà tướng bại. Tá cũng thế, tá thua di tản, thì tá thắng vô ở. Chứ không thế thì ai? Ai có quyền đó? Chỉ có binh sĩ là khó xử. Binh lính thua không bỏ chạy, mà binh lính thắng trận thì lại quá đông. Cuộc sắp xếp nhà cửa không tròn vẹn, nhưng rồi cũng cứ cho là ổn. Ổn định. Những người như Kha, như chị du kích Củ Chi đất thép cũng có phần, một gian nào nó của một chung cư (vốn là nhà xây hàng loạt để kinh doanh của một tư sản mại bản nào đó) để sống, để hưởng niềm hạnh phúc sau ngày toàn thắng.
Nhưng cuộc đời có những đoàn tầu trái chiều. Nếu gia đình của Kha ly tán, cô vợ bỏ về nhà mình, thì chị du kích Củ Chi cưới về một ông chồng Hóc Môn. Hóc Môn cũng là một vùng đất anh hùng hào kiệt. Nhưng cả Củ Chi lẫn Hóc Môn không phải là thành phố. Khi những con người này đổ vào nội thành, họ đã mang theo đầy đủ những phẩm chất của đất thép, của đất quê ta mênh mông vào đây. Chị du kích lấy chồng, chồng chị sửa xe ngoài đường và gần một tiểu đội anh em con cháu của anh ấy cũng theo về. Họ sẵn sàng coi cả cái thành phố này như một cái ấp nhỏ, và xung quanh nhà họ là một cái chuồng bò. Rác và nước thải, hò hát và chửi bới, đục đẽo và nhảy múa… Cứ rầm rập và ào ào.
Chung cư, cái kiểu xây nhà chung tường này vốn không yên ổn. Đêm vắng, chỉ cần trẻ nhỏ làm rớt một viên bi cũng đủ gây ra những tiếng động cục cằn khó chịu. Một cái kéo nhẹ chân bàn cũng đủ làm giật mình ba phía sát vách.
Hôm nay bên ấy có gì nhỉ? Một cuộc vui? Một sự giận dữ? Dù gì đi nữa, thì Kha biết, miễn góp ý, không thể xây dựng. Mà đã có lần Kha nhỏ nhẹ "Anh chị thông cảm, nhẹ tay một chút, tôi cần phải nghỉ để còn đi làm". Họ im lặng, không tỏ ra đã nghe rõ lời đề nghị của anh. Nhưng khi anh vừa quay vào phòng thì nghe được một câu văng tục: "ĐM, có một mình mà được nguyên căn, sướng thấy mẹ còn bày đặt!".
Kha biết mình phải ra đi. Không thể ra đi vĩnh viễn được, thì hãy "di tản chiến thuật" tạm thời. Bất giác Kha nhớ đến câu thơ của một người bạn trẻ, bạn nhậu: Nhà cửa ấm êm, láng giềng tử tế. Đó là hạnh phúc, đó là lý tưởng để tranh đấu. Nhưng Kha đã không có. Hay nói đúng ra, anh có vợ con, láng giềng, chỉ có điều không được ấm êm, cũng chẳng mấy lương thiện, tử tế. Kha xỏ vội quần áo, nhảy ba bước xuống cầu thang. Đến khi nhìn thấy bà Tám trông xe, anh mới chợt nghĩ ra: ai đã tìm mình hồi tối hôm qua?
Kha cho xe chạy lòng vòng một hồi mà vẫn không nghĩ ra ai là người đã đến tìm mình tối qua. Mỹ Liên? Rất có thể? Thôi đúng rồi! Chứ nếu không liệu còn ai đến tìm mình nữa đây. Chợt Ngô Kha chua chát nghĩ đến cái tuổi này, cái sự nghiệp này của anh, bạn cũ thì cứ rơi rụng dần trên chặng đường dài hun hút công danh cơm áo, còn bạn mới thì vô cùng khó. Đã có lúc Kha nghĩ, dù đến một ngày nào đó, anh không còn một người bạn nào, không ai đến với anh, không ai hỏi thăm, trò chuyện… Đến lúc đó vẫn phải sống, phải làm việc và làm việc đẹp hơn, sống đẹp hơn. Thế còn Mỹ Liên?
Mải nghĩ ngợi lung tung, Kha nhận ra mình đang đi về phía xóm Mả Cùi. Trời đã ngả chiều, mùi khoai lang nướng từ bên đường của một bà nhà quê nào đó đem cái mùi vị đồng quê về xâm lấn thành phố. Khi qua cầu, Kha nghĩ: trong xóm Mả Cùi này có đến ba địa chỉ mình có thể đến: Tiến sĩ Han, Năm Tụ và… quán "Hai chị em" Mỹ Liên và Mỹ Châu. Nhưng anh sẽ đến với ai vào cái giờ cuối ngày này? Cái giờ mà người ta cần yên tĩnh, đoàn viên. Hôm rời nhà Năm Tụ, anh nói với Bích:
- Cô cứ yên tâm! Sẽ chẳng có chuyện gì nguy hiểm đâu. Số Tụ cao lắm, bao nhiêu năm trong chiến trận, rồi lại đi đông về tây còn chẳng việc gì nữa là viên đạn của thằng Tài!
Nhưng Bích vẫn lặng lẽ như một cái bóng đen, vật vờ. Chị nói rất khó nhọc:
-Không! Em không tin là anh Tụ qua được. Người ta có thể thoát khỏi đường đạn của kẻ thù, nhưng làm sao tránh được họng súng của bè bạn, nhất là khi họ đã bội phản. Bội phản vì cái gì đi chăng nữa, vì trả thù hay chỉ vì miếng lợi của riêng mình. Em nghĩ đó là một thứ quả báo…
Quả báo thì không có, làm gì có! Nhưng hậu quả, không hệ quả thì có lẽ có thật. Hậu quả thì có thể né tránh được, còn hệ quả thì không, nó tất yếu mất rồi. Kha định nói với Bích những điều anh vẫn thấy và vẫn nghĩ về mối quan hệ của họ, tức của Tụ và Tài. Thật không gì đau lòng và thất vọng khi những con người đã từng là bạn bè, là chiến hữu, là đồng chí của nhau bỗng một ngày nào đó, không, chỉ một giây, một phút nào đó, họ quay lưng hoặc đối mặt lại nhau. Quay lưng đã là tồi tệ rồi, thì đối mặt còn tệ hại hơn. Nếu Tài là kẻ thâm hiểm và xấu xa hơn chắc y đã không bắn vào tim Tụ. Nếu Tài là kẻ độc ác và mưu mô hơn, y sẽ tiêu diệt "Anh Năm của mình" bằng cách khác. Không bắn Tụ, cũng không cần giết Tụ, nhưng y sẽ có cách để có thể làm cho Tụ trở thành thân bại, danh liệt, ê chề trước cuộc sống và cuộc đời. Kha muốn nói: "Dù sao Tài vẫn còn điểm "coi được", đó là y đã nhận tất cả cái xấu về mình, để trở thành tên "xấu nhất", bằng một viên đạn bắn gần sau bao nhiêu năm y khoác áo "chỉ được cái tốt".
Nhưng xét đến cùng tận của vấn đề, của mối quan hệ "thầy trò" giữa Tài và Năm Tụ, không một ai, kể cả những nhà tâm lý học có bằng cấp và chuyên môn cao, cũng không thể lường được cái hệ quả bất trắc đó.
Kha quyết định chọn quán thịt chó Nam Hà của Sản Huê làm điểm đến. Mới chập tối, quán còn thưa khách, hay còn một lý do gì đó khiến cái quán vốn xô bồ, bát nháo nhưng tin cậy này hôm nay vắng khách. Thấy Kha bước vào, thằng Bèo Chột nhìn anh lom lom rồi nó nhận ra người quen, nhoẻn cười, theo kiểu vẫy đuôi của một con chó:
-Ông thầy? Ông thầy mới tới?
Kha phì cười. "Ông thầy"? Hay nhỉ! Trong con mắt của Bèo Chột, một đứa trẻ du thủ du thực, lưu manh, ma cô… thì hễ ai có vẻ tỏ ra có chút học thức, đều được chúng trọng vọng, bằng những "học vị", "học hàm": tiến sĩ, giáo sư, ông thầy. Mà là trọng thật sự, không hề giả dối như những đồng nghiệp chúng ta! Sau này, đã có lần Kha nói với Hán những ý nghĩ ấy của mình. Kha kéo ghế ngồi, vẫy Bèo Chột lại gần:
-Lại đây chú hỏi chuyện.
Bèo không ngần ngại, nó kéo ghế và tựa lưng một cách tự tin và sành điệu:
-Ông thầy kiếm chú Tiến sĩ hả?
Kha mỉm cười nhìn đôi giày hiệu Adidas sờn chỉ nhưng còn khá chắc dưới đôi chân nhỏ lòi ra dưới ống quần jean gấp lên mấy gấp của Bèo đang đu đưa:
-Chú Tiến sĩ có nhà không?
-Ổng mới chạy qua đây. Chắc đến nhà trẻ… Ông thầy nhậu liền hay chờ ổng?
-Chú ngồi đây được không? Chú chờ ông Tiến sĩ. À, tiến sĩ Han đi đón con à?
-Ngày nào cũng vậy hà!
-Thế mẹ nó, vợ chú tiến sĩ ấy, bận gì mà không đi đón?
Bèo Chột nheo mắt ngắm nghía cái bật lửa Zippo trong tay nó, thỉnh thoảng lại mở ra đóng vào, choanh choách:
-Đời nào! Nó kéo dài giọng. Sức mấy ổng để cho bả đi đón. Phải tự tay ổng đón con gái kia, còn hun nó nữa chớ…
Thằng Bèo đáp như một ông già, trong giọng nói của nó, Kha nhận thấy một vẻ diễu cợt về những chuyện yếu đuối của ông thầy nó, Tiến sĩ Han. Kha xoay sang chuyện khác:
-Cháu có hay đến quán cà phê Hai Chị Em không?
-Ít lắm. Thằng Bèo bỗng trở nên buồn buồn. Nhưng chú Tiến sĩ thì đến đó thường lắm. À, ông thầy thấy hai chị em Mỹ Châu có đẹp không?
Kha không trả lời, mà hỏi lại:
-Bèo? Năm nay cháu mười mấy rồi?
-Mười bảy. Thua Mỹ Châu hai tuổi.
-Cháu thấy Mỹ Châu có đẹp không?
Thằng Bèo giương con mắt còn lại của nó chiếu thẳng vào Kha:
-Đẹp lắm chớ! Ông thầy thấy sao?
Kha cười nhẹ:
-Chú cũng thấy đẹp, cả hai chị em…
-Nhưng con thấy Mỹ Châu đẹp hơn. Nhưng mà…
Kha không muốn hỏi nữa, anh đã hiểu. Ngoài con mắt bị hư, thằng Bèo là một thanh niên tuấn tú, và khá lễ phép, mặc dù nó là một thằng ma-cô. Thằng ma cô đang xúc động. Nhắc đến Mỹ Châu, nó đang xúc động thật sự. Thấy Kha im lặng, thằng Bèo nói tiếp:
-Con có nhiều tiền, con sẽ đưa cho Mỹ Châu, bảo đừng đi nữa.
Bỗng dưng lòng dạ Kha se sắt. Anh không muốn ngồi đây nữa, anh không muốn nghe gì nữa, anh muốn rời khỏi cái xóm Mả Cùi, nửa hồng hồng, nửa xám xám này ngay bây giờ. Bỗng thằng Bèo reo lên, hồ hởi như nó chưa hề buồn:
-Chú - tiến - sĩ - tới!
Phản Trắc Phản Trắc - Hoàng Đình Quang