You know you've read a good book when you turn the last page and feel a little as if you have lost a friend.

Paul Sweeney

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 29
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1159 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 14 -
ảo bàng hoàng, thậm chí suýt nữa chị ngã ra khi nghe Kha thông báo tin mà anh biết được do Bích kể lại. Kha đỡ Hảo dậy, rót cho chị một ly nước:
-Không thể tưởng tượng được, phải không?
Kha đi rồi, còn lại một mìmh Hảo với nỗi niềm của một con thú bị bắn hụt. Quái lạ, khi nghe tin Tụ bị chính tên Tài nổ súng vào ngực, Hảo lại thấy một cái gì đó giống như chính Tài nhằm vào mình, chứ không phải vào người lãnh đạo, ngài chỉ huy, linh hồn của một tập thể đang chèo chống qua giông bão. Giông bão thì Hảo thấy rồi đấy, nó lởn vởn quanh đâu đó, trên đầu Hảo, trên đầu những số phận... Nhưng dù sao thì, cũng không thể hình dung nổi bi kịch đến như thế.
Không thể tưởng tượng ra lại có lúc như thế, nhất là đối với những người hàng ngày cùng làm việc, từng đối diện với hai con người này. Bỗng dưng Hảo nhớ tới cái lần đầu tiên gặp Tụ. Có thể nói, cùng với một vài người còn lại của CHANDCO, Tụ và Hảo là hai người có mặt ngay từ đầu mới thành lập, là những người "khai quốc công thần". Khi đó, Tụ là một con người hoàn hảo, từ phong thái đĩnh đạc của một con người từng trải kín đáo, đến vốn kiến thức vừa rộng, vừa sâu sắc, cụ thể. Hầu như, cái gì anh cũng có thể giải thích một cách đơn giản dễ hiểu.
-Các bạn hỏi tại sao phụ nữ Huế lại thích mặc màu tím phải không? Màu tím Huế đã thành một màu đặc trưng của tím. Hoa mua tím, hoa sim tím, củ hành khô cũng tím, rồi vết thương bị đấm vào mặt cũng tím. Các bạn có biết màu tím Huế gần giống với màu gì của tự nhiên không? Mía? "Mía lên mật thân tím màu áo cưới?". Tố Hữu đã viết thế phải không nào?
Người nghe không thể sốt ruột trước lối diễn đạt dài dòng, nhưng hấp dẫn của Tụ. Một người hỏi lại:
-Thôi được rồi? Thế anh bảo tại sao đàn bà, con gái Huế lại hay dùng màu tím?
Tụ ngân nga, kèm theo một tiếng thở dài chiếu cố người nghe, rất điệu đàng:
-Huế là kinh đô, vốn là đất Thần kinh của một trong những triều đại phát triển của phong kiến Việt Nam. Mà dưới chế độ phong kiến, mọi nghi thức vốn rất phức tạp, trong đó có lối ăn mặc, sắc phục của nhiều tầng lớp. Cũng như nhiều nhà nước phong kiến Á đông khác, nhà Nguyễn cũng quy định màu vàng là màu của hoàng tộc, trong đó Vua độc quyền sử dụng màu vàng... Các bạn có biết tại sao lạ màu vàng không? Chữ "hoàng" màu vàng, cũng là âm của chữ "hoàng", có nghĩa là vua. Đọc giống nhau, nhưng viết khác nhau. Hoàng là của nhà vua, thế còn các quan lại dưới triều thì dùng màu gì? Màu tím! Chắc các bạn đã nghe câu "tàn vàng, lọng tía" rồi chứ? Câu này để chỉ sự sang trọng, uy nghi của những hạng người bề trên. Tía chính là tím đấy! Chữ "tím", tiếng Hán Việt đọc là "tử", chẳng hạn rau "tía tô", sách thuốc đọc là "tử tô", tia cực tím còn viết là "tử ngoại", có nghĩa là bên ngoài tia tím nhìn thấy. Cực tím ở đây không phải là rất tím đâu mà là "ở miền tím". Như vậy, các phu nhân, tiểu thư đài các ở cung đình không thuộc dòng tộc của vua, đã chọn màu tím làm biểu tượng của mình. Khi vua đi ra ngoài, cái "tàn" của vua màu vàng, còn lái "lọng" của quan màu tím!
-Thế chẳng hóa ra, những ai dùng màu tím đều là dòng dõi đại thần?
-Đúng vậy! Nhưng trong quy định của đại thần lại không mang tính độc quyền. Do vậy, cứ ai có tiền, mà học làm sang, không thấy ngượng thì dùng màu tím làm sắc phục của mình, dù đó là nhà buôn, thương nhân, kẻ sĩ... Nhưng nên nhớ, chỉ có đàn bà, con gái là ham làm đại thần, chứ đàn ông, hình như không có chuyện đó! Riết rồi sau này, cái màu tím ấy nó có vẻ hợp với không khí, thời tiết, giọng nói... của Huế, thế là thành thời trang, một màu đương nhiên...
Hảo nghe Tụ nói, khi ấy chị mới chỉ là một cô gái mới rời ghế nhà trường. Những điều anh thanh niên đẹp trai, có học vấn rộng này thể hiện qua hành động, ngôn ngữ, cử chỉ khiến chị mê mẩn. Cái đẹp phong sương, cái lớn giản dị của Tụ, cùng với cái lý lịch chói sáng... đã đưa anh vào hàng ngũ những con người "không thể thiếu" được của CHANDCO. Quả nhiên, Tụ được bổ nhiệm ngay vào chân phó phòng. Như thế cũng là muộn, có lần Hảo nghe Tụ nói thế, bằng một giọng vừa cao ngạo, lại vừa tiêng tiếc, bất mãn. Mà đúng, với Hảo thì thật ra lúc đó, Tụ làm gì cũng được, thậm chí anh có thể làm đến... bộ trưởng cũng chưa hết tài năng của anh(!). Từ trong sâu thẳm, niềm khát khao được yêu Tụ đã làm hưng phấn trái tim bồng bột của cô gái hai mươi hai tuổi Trần Thanh Hảo. Cô làm việc, phấn đấu quên mình, chỉ mong được làm việc, được tiến bộ, bên cạnh Tụ. Tình yêu đơn phương còn có sức mạnh gấp nhiều lần mối tình đã được đáp ứng. Tình yêu đầy đủ nó như bông hoa đã được thụ phấn, chuẩn bị cho trái, nhưng đã mất hương.
Hai mươi năm sau, niềm khao khát đó không còn, nhưng tình cảm Hảo dành cho Tụ vẫn còn âm ỉ, lẩn quất đâu đó, có khi trào lên, có khi lắng đi. Nhưng nó chưa bao giờ vượt quá giới hạn. Kể cả những lúc hiểm nghèo nhất.
Hảo biết, Tụ đã có vợ, và chị biết đó mối tình đặc biệt. Những câu chuyện do mọi người kể lại, những mẩu vụn vặt do chính Tụ nói ra, và sau này do Ngô Kha kể... Hảo hình dung ra người vợ hoàn hảo, tuyệt vời của Tụ, đã đánh bật Hảo vào chân tường, mỗi khi Hảo nghĩ tới cái thời non trẻ, dại khờ của mình. Đã có đôi ba lần, Hảo gặp Bích. Nhìn Bích, Hảo cảm thấy được sức mạnh của người đàn bà tiềm ẩn trong người thầy thuốc này.
-Bà vợ tôi làm bác sĩ chuyên lo chăm sóc sức khỏe cho các vị lãnh đạo của thành phố. Hảo nghe Tụ nói thế ngay từ lần đầu tiên, cách đây đã gần hai muơi năm. Lúc đó Hảo chưa hiểu được sắc thái của vẻ mặt Tụ khi thông báo điều đó. Chỉ từ khi Tụ được cất nhắc làm giám đốc chi nhánh CHANDCO, rồi phó tổng giám đốc, anh ta như một con rắn lột xác. Hảo hiểu rằng, cái thành trì do bà vợ anh trấn thủ mới tỏ ra hiệu lực.
Tụ không yêu Hảo, đúng hơn, anh ta chẳng yêu ai. Không yêu Hảo thì chị có thể hiểu, hiểu bằng chính trái tim và khối óc của mình. Nhưng nếu Tụ không yêu ai, thì đó là điều bí hiểm, đối với Hảo, và nói rộng ra, với tất cả mọi người. Đúng hơn, Tụ có thể yêu một người, đó là Tài, "cái đuôi ve vẩy" của ông phó tổng, mà hình như ông không thể thiếu!
Khi biết tin Tài bắn vào Tụ, Hảo hoang mang! Giữa hai con người đó, Hảo nghĩ rằng, họ là một. Nếu tình yêu của một người đàn bà và người đàn ông, khi đi đến chung sống, còn phải viện đến luật pháp hoặc Chúa Trời, thì tình yêu giữa hai kẻ đàn ông, làm gì cần đến các thứ xa sỉ đó? Từ khi yêu nhau, gắn bó với nhau, cho đến khi họ như hai con thú lao vào nhau, hình như không có bước chuyển kỹ thuật, hay dự báo tâm lý nào cả. Họ bắn là họ bắn, họ không đạt được "tiến trình quy hoạch" của mình, là họ có thể giết nhau!
Chính Hảo đã có lần nghe Ngô Kha kể câu chuyện ngụ ngôn, mà Hảo cho là bịa. Kha kể rằng có một ông chủ kia nuôi trong nhà một con Mèo và một con Chó. Hai con vật đều được chủ cưng, và chăm sóc chu đáo. Thế nhưng, càng ở bên nhau, hai con vật này càng ngày càng xung đột. Chúng gần như trở thành kẻ thù của nhau. Khi con Mèo đang ăn, là con Chó đến gần, soi mói. Lập tức con Mèo "goằu goằu", rồi nhảy bổ ra tấn công Chó. Nó sợ con Chó giành mất phần ăn của nó! Đến lượt con Chó có miếng xương, thì con Mèo lại gầm gừ. Có khi chúng choảng nhau túi bụi. Trong nhà lúc nào cũng ầm ĩ, khiến chủ nhà khó chịu. "Có lẽ phải vứt đi một con, thì nhà này mới yên được!", người chủ đã phải kêu lên như thế. Cho đến một hôm, đi làm về, ông chủ mở cửa ra thì thấy hai con vật vốn không đội chung mái nhà đang âu yếm, hôn hít nhau. Chúng nằm im, ngoan ngoãn, để con này liếm lên lưng, lên mặt, lên đầu, lên cổ con kia. Người chủ thấy thế, suýt ngất xỉu vì ngạc nhiên. "Chẳng lẽ thế giới đại đồng rồi chăng? Mèo với Chó lại hòa thuận "chung sống hòa bình" thế này rồi, thì còn gì để nói nữa! Chiến tranh sẽ chấm dứt vĩnh viễn, con người sẽ được sống yên ổn! Thật là tuyệt vời". Người chủ đến gần định "biểu dương" hai con vậy nuôi dễ thương, nhưng... ông ta kịp phát hiện ra hộp sữa để trên nóc tủ đã bị rơi xuống. Sữa đổ lên lưng cả hai con Chó và Mèo! Thế là... Thế là cả hai con đã tạm gác mối hiềm khích để trở thành "đôi bạn hiền", tranh thủ thưởng thức món sữa đổ trên lông nhau! Ông chủ đã lầm tưởng một cách... đáng thương!
Hảo cứ rối tung lên mọi ý nghĩ. Chị cố gắng hiểu và giải đáp mọi chuyện đang xảy ra nhưng không một luồng ý nghĩ nào được rành mạch, sáng sủa. Hảo lại nhớ tới câu nói cửa miệng, mỗi khi họp, Tụ thường nói:
-Hãy làm đi, nói ít thôi!
Hảo không tin là "nói" lại là một việc xấu hơn làm, nói, hay nghĩ lại không cần đến sức lực. Nếu "làm" mà không được hướng dẫn bởi ánh sáng của "nói", thì đó là một thứ hành động vô nghĩa, vô ích, thậm chí phá hoại, phản động.
Mệt quá, Hảo đứng dậy, xếp gọn chồng hồ sơ vốn đã ngưng đọng từ hai ngày nay, cất vào tủ, đi ra nhà để xe...
Chiếc xe hơi nằm án ngữ ngay lối ra, Hảo sốt ruột. Một lúc sau, anh chàng lái xe tên Mô, từ ngoài phố chạy về, nhìn Hảo:
-Chị Hảo về à? Chiều có vô không?
Hảo tháo tấm khẩu trang bịt miệng ra cười buồn:
-Vô thì vô, nhưng không biết làm gì? Cậu chuẩn bị xe đi đâu thế?
-Sếp! Chờ em tí, em bảo cái này...
Mô cho xe tiến lên một đoạn, lách vào bên bờ tường, tắt máy, chui ra khỏi buồng lái. Hảo chạy lên một quãng, rồi vẫn để cho xe nổ máy, đứng chờ. Mô lau hai tay vào mảnh giẻ trắng đục, rồi đến trước mặt Hảo, nói nhỏ:
-Chị có vào thăm anh Năm không?
Hảo giật mình:
-Sao bảo không được vô thăm? Ảnh đang nằm ở đâu?
Mô nhìn ra sau lưng, rồi quay lại, nói thầm:
-Chiều nay sếp tổng ở thủ đô vô. Nếu chị muốn thăm anh Năm, em đưa chị đi cùng...
Hảo bần thần, không biết có nên đi không nhỉ? Trong khi có thông tin, hiện tính mệnh Tụ rất nguy kịch, không ai được gặp, kể cả vợ con. Nhưng có điều kiện mà không vào thăm anh ấy thì thật không phải.
-Lúc nào đi được?
-Sếp tổng gọi cho em, nói đi thẳng từ sân bay... Chị yên tâm đi, sếp tổng có uy lắm, ổng đi vô chỗ nào mà không được!
Hảo bặm môi:
-Thôi, hay là Mô cứ đi với tổng giám đốc, chị sẽ vô thăm anh Năm sau vậy...
-Tùy chị!
Hảo cho xe từ từ ra khỏi cổng cơ quan. Cái cậu Mô này đúng là một tay láu cá. Nó thuộc tính nết Năm Tụ, cũng là một tay chân tin cẩn của anh ta. Nhiều chuyến công tác, Mô đưa Hảo và Tụ đi, có những chuyện không ra vui, cũng chẳng phải là dở, nhưng Hảo lo lắm, vậy mà Mô cứ như không, cậy miệng không hé! Kiếm được một tay lái xe trung thành, đâu phải dễ... Anh Tụ, anh quả là người giỏi dùng người, chỉ có điều, với tên Tài, thì anh không ngờ được. Cầu cho anh tai qua nạn khỏi!
Phản Trắc Phản Trắc - Hoàng Đình Quang