We are too civil to books. For a few golden sentences we will turn over and actually read a volume of four or five hundred pages.

Ralph Waldo Emerson

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 29
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1159 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 9- Chương 5 -
uộc gặp lại thật tình cờ giữa Trịnh Quang Tụ và Ngô Kha sau hai mươi năm, mãi mãi không bao giờ Kha có thể quên được. Đó là một buổi chiều mùa khô, nắng xối xả xuống cánh rừng bên giới Tây Ninh, dù đã có gần hai mươi năm kể từ ngày hòa bình, để phục hồi thương tích, cây rừng đã hồi sinh, mặt đất đã phẳng lặng tiếng bom mìn, con người đã tự do đi lại trên mặt đất, nhưng cái nắng miền cận xích đạo thì mãi mãi vẫn thế.
Vào dịp hăm hai tháng mười hai, mấy anh em sống sót trở về sau chiến tranh họp lại làm một bữa "nhậu kỉ niệm". Nửa chừng bữa liên hoan, anh Hòa, người nhiều tuổi nhất, người chính trị viên tiểu đoàn năm xưa thông báo:
-Mình vừa nhận được thư của ông cụ bố thằng Nghiên từ Ninh Bình gửi vào, nhờ anh em ta tìm mộ nó. Thằng Nghiên là tiểu đội trưởng đại đội mười lăm tiểu đoàn hai sáu trung đoàn ta. Kha, cậu ở C15 phải không?
Kha lặng lẽ gật đầu:
-Nhưng khi Nghiên hy sinh, em đã chuyển lên tiểu đoàn bộ.
-Cậu về D bộ làm quân lực chứ gì?
-Vâng! Hôm chôn cất Nghiên em cũng có mặt, để vẽ sơ đồ...
Anh Hòa nhìn mọi người:
-Tốt rồi! Như vậy cậu Kha chịu trách nhiệm chính trong việc tìm mộ Nghiên. Còn nhớ được gì không?
Kha bần thần, nghĩ ngợi:
-Nhớ thì em vẫn nhớ, chỉ sợ sau bao năm, mặt đất, địa hình thay đổi...
Một anh bạn xen vào:
-Thay đổi thì cũng vẫn còn những vật chuẩn, cậu có nhớ vật gì làm chuẩn không? Mà cái sơ đồ hồi đó đâu rồi? Cậu còn giữ không?
-Giữ làm sao được! Tiệp, anh bạn lẻo khoẻo với một bàn chân giả bằng nhựa can thiệp. Tất cả phải gửi về cấp trên. Mẹ kiếp, mấy thằng cha cấp sư đoàn, quân khu hòa bình rồi cong đít mà chạy, chạy nhà chạy đất, chạy chức chạy quyền, quên mẹ nó cả người chết. Ai đời báo tử chỉ độc có một câu: "Hy sinh ở mặt trận phía nam". Phía Nam là chỗ ông cụ ông kị nào? Bây giờ làm khổ nhau, khổ người chết thì đã đành rồi, khổ cả người sống!
Anh Hòa cắt ngang:
-Thằng Tiệp không được nói thế, ngày ấy vì bí mật nên phải ghi như thế chứ ai muốn phức tạp.
-Em nói thật nhé, bí mật thì bí mật với địch, với dân là cùng. Sao từ Quân khu gửi về Tổng cuc chính trị cũng phải bí mật? Có một cái địa danh thôi cũng không chịu ghi. Từ cục chính sách về tỉnh đội cũng thế. Nó là chẳng qua cái thói tắc trách, sợ trách nhiệm, lười... bao giờ cũng thế...
-Thôi-thôi-thôi…! Cậu Diễn đứng lên. Chuyện đó để ông Tiệp về Tổng cục chính trị mà cãi nhau với các ông tướng ông tá, ở đây chưa phải đối tượng bàn bạc. Em hỏi anh Hòa này: bao giờ đi? Những ai đi cùng với cậu Kha? Em nhé!?
-Nếu các cậu thống nhất ý kiến, tớ sẽ gọi điện ra mời cụ vào, rồi anh em ta cùng đi. Anh Hòa nhìn khắp lượt. Ngoài cậu Kha ra, tất cả anh em, ai không bận thì đi tất. Được không?
-Nhất trí thì nhất trí rồi. Để ông Tiệp què ở nhà thôi, đem ông ấy đi ai mà cõng?
Tất cả cười ồ, Tiệp quay lại phía người vừa nói:
-Thằng Nhãn bụng phệ phải không? Tao thách mày chạy thi với tao đấy!
-Không dám đâu bác Tiệp ơi! Em phục bác rồi! Thế mỗi tối bác làm được mấy cuốc?
Tiệp vốn chạy xe ôm, nghe hỏi thế, anh ngây thơ trả lời:
-Có khách ngon cũng được hai ba cuốc!
Lại cười!
Kế họach của anh Hòa đề ra là: Kha đi trước lên Sa Mát, theo cách gọi của thời chiến gọi là đi "tiền trạm", để xác định nơi chôn cất Nghiên, nếu tìm được mộ thì tốt nhất để ông cụ thân sinh của Nghiên và toàn thể anh em lên sau, tổ chức bốc mộ mang Nghiên về. Kha đồng ý, xin nghỉ phép cùng với Diễn lên Sa Mát. Sau một buổi sáng lội rừng, băng qua ruộng ngô, bãi mì, vận dụng hết cả trí nhớ mà vẫn không tìm được mộ Nghiên.
-Khu này trước là một cái trảng rộng đến mấy mẫu, mùa mưa cá tràu lên tranh nhau đẻ, đến mùa khô, nước cạn, trảng nhỏ lại, tha hồ mà bắt cá. Kha nói với Diễn. Cả nai hươu cũng ra ăn cá, rình bắn được một con, cả trung đội ăn toái loái, có thằng "đi nhanh, về chậm", hơn cả Tào Tháo rượt... Ngày đó làm gì có dân, thế mà bây giờ, thành làng, thành ấp trù phú thế...
-Ta phải hỏi bà con, hỏi những người lên đây từ đầu thì mới biết được!
Chính ngọ, hai anh em bày một nải chuối, thắp một tuần hương nữa ra giữa bãi, nơi Kha nhớ là chôn Nghiên ở chỗ này. Nắng hanh vàng rực, hương khói ngút ngát, nước mắt cứ chực ứa ra:
-Nghiên ơi! Mày nằm chỗ nào thì lên tiếng đi, để chúng tao đưa mày về. Ngày mai anh Hòa lên, anh ấy đưa cả bố lên nữa. Nếu mày cứ im lặng thế thì chúng tao biết làm sao? Cả bố nữa, bố đi tìm mày đấy, khôngđem được mày về thì bố buồn lắm, Nghiên ơi...
Tàn độ nửa nén hương, từ phá sau bãi khoai mì, một bà lão xuất hiện. Bà cụ già móm mém, nắng chang đất chang trời thế mà trên đầu bà cụ chỉ đôi có chiếc khăn cà-ma ca rô sọc đỏ đã cũ kỹ, mỏng tang. Gần như không thấy đường, cứ nhằm theo hướng có mùi nhang đi tới. Hai anh em vội chạy đến đỡ bà cụ:
-Má! Má đi đâu mà trời nắng nôi thế này?
Bà cụ không đáp mà hỏi lại:
-Các ông từ đâu đến? Đi tìm mộ liệt sĩ phải không?
Hai anh em nhìn nhau:
-Sao má biết chúng con đi tìm mộ?
Bà cụ nhìn hai anh em, bằng đôi mắt đục như sữa:
-Tôi biết! Có nhiều người lên đây lắm, có người nhắm mua đất làm trang trại, có người đi săn bắn thú rừng, họ đi rầm rộ, vui vẻ lắm. Nhưng tôi biết các ông đi tìm hài cốt người thân, các ông lo âu, các ông buồn, tôi biết...
Kha dìu bà cụ vào núp dưới một bóng cây, nhưng bà vẫn đứng giữa nắng, căp mắt mờ đục thu lại nhỏ tí, bất chợt trở nên tinh nhanh, nheo nheo hướng về phía trước mặt. Lâu lắm, đến tàn điếu thuốc, bà cụ ngoảnh lại nhìn Kha:
-Người này còn trẻ, lúc chết có điều ấm ức...
Kha nhìn bà cụ:
-Má nói con không hiểu?
-Cha mẹ chết cả rồi, chỉ còn người em gái...
Diễn bấm Kha:
-Nghiên còn cả cha mẹ mà?
-Để yên, nghe bà cụ nói đã... Thưa má, hai anh em con đây có quan hệ thế nào với nguời nằm đây?
Bà cụ chỉ tay vào Diễn:
-Người này không quen, rồi cụ chỉ vào Kha, người này ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với người chết. Bây giờ các ông theo tôi.
Kha ngạc nhiên, anh đâu có cùng ăn ngủ với Nghiên? Tuy có biết nhau, nhưng Nghiên ở đại đội, thỉnh thoảng có gặp, nhưng anh là quân lực, lúc ấy Nghiên thường hay ghé tiểu đoàn lãnh trang bị và nhận quân mới từ Bắc vào. Khi Nghiên hy sinh, anh chôn cất và vẽ sơ đồ mộ chí. Hay là... Bảo? Thôi chết rồi, Bảo cùng hy sinh ở chiến trường này...
Đi men theo một hàng khoai mì hoang, bà cụ thoăn thoắt dẫn hai anh em đến một mô đất. Đây chính là một ngôi mộ, nhỏ bé nhưng vẫn còn mấy cái chân nhang nghiêng ngả, màu đỏ đã phai, trơ ra xác trắng, như những cái xương chim, nhỏ xíu. Kha giật mình: đây chính là mộ Bảo rồi. Anh nhớ, đứng ở đầu phía bắc ngôi mộ, nhìn thẳng lên đỉnh núi Bà Đen, thì cây cầy nằm trên cùng một đường thẳng. Cây cầy đã không còn, nhưng một nhánh con của nó vẫn nhô lên xanh ngắt. Ôi, cây cầy, mà người dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên gọi là cây Kơ-nia, quanh năm dù mùa mưa hay mùa khô, lúc nào cũng xanh thẫm, tươi non, mơn mởn... Kha nắm tay bà cụ:
-Má ơi, đúng là mộ bạn con rồi. Cám ơn má...
Kha thắp một bó nhang, trong gió lùa ào ạt và nắng chói chang, ngọn lửa bùng lên, mùi nhang khói tỏa lan trong bãi vắng. Rồi anh quay sang nói với Diễn:
-Đây không phải là mộ Nghiên, mà là mộ của Bảo, Diễn không biết Bảo đâu. Bảo là Việt kiều từ Campuchia tham gia quân giải phóng... Lúc lên đây mình đã nghĩ đến việc tìm mộ Bảo. Cũng tính là vào một dịp khác, nào ngờ...
Anh quay lại thì không thấy bà má đâu nữa. Cả hai anh em chia nhau ra đi tìm. Cuối cùng, hai người nhìn nhau, Kha mấp máy môi, hỏi Diễn:
-Kỳ lạ quá! Có Phật, có Tiên không hả Diễn?
Hai anh em thắp thêm một tuần hương rồi đánh dấu cẩn thận, tạm biệt Bảo, hẹn sẽ lên đưa hài cốt bạn vào nghĩa trang liệt sĩ...
Kha nhớ rõ Bảo, nhớ cả quê quán của Bảo, vì anh làm quân lực, nắm danh sách tên họ, quê quán của tất cả anh em trong đơn vị. Quê Bảo ở Sơn Tây, nhưng sinh ra và lớn lên ở Cần Ché, Campuchia nên Bảo là Việt Kiều. Khi Lon Non đảo chính Xihanúc, đàn áp Việt kiều rất dã man. Để thoát khỏi mũi súng đầy hận thù mù quáng của bọn phiến loạn, đồng thời muốn đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước với đồng bào bên nhà khi thời cơ đã đến, cùng với nhiều thanh niên nam nữ người Việt, Bảo tham gia quân giải phóng từ đầu năm 1970. Lúc này Đông Dương đã thành một chiến trường thống nhất và rộng lớn.
Gia nhập quân giải phóng, Bảo được chuyển về trung đoàn bộ làm nhiệm vụ lái xe Honda cho chính ủy Đức Hoàn. Lúc bấy giờ, đối với nhiều người, đặc biệt là thanh niên sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, chiếc xe gắn máy, tên thường gọi chung là "xe bình bịch", phỏng theo tiếng máy nổ của nó, còn là một cái gì quá cao siêu. Ở ngoài Bắc, chỉ những chiến sĩ công an vũ trang quả cảm mới được ngồi trên chiếc xe mô tô đầy oai phong và kiêu hãnh. Nhưng với Bảo, chiếc xe gắn máy hiệu Honda chỉ là một phương tiện đi lại. Bảo sử dụng nó còn thành thạo hơn cả rất nhiều chiến sĩ đi xe đạp. Đó là một nghề, nghề lái xe.
Ở chiến trường những năm đó, phương tiện đi lại hữu dụng và rất lãng mạn là chiếc xe gắn máy, từ cán bộ cấp cao nhất của chính phủ, đến những cán bộ tác chiến ở mặt trận, hay cán bộ hậu cần, cung ứng... Hình ảnh anh chiến sĩ quân giải phóng mũ tai bèo, cổ quấn khăn rằn, AK báng gấp khoác chéo trước ngực, phóng xe máy khi luồn rừng, lúc băng ra lộ, đằng sau là một đồng chí cán bộ quan trọng của quân đội, của Đảng... là hình ảnh đẹp nhất, lãng mạn nhất mà cả đến những nhà báo phương Tây, vốn quá quen thuộc với cuộc sống đầy tiện nghi còn phải thán phục. Trung đoàn có hai xe Honda-90E dành cho trung đoàn trưởng và chính ủy. Chính ủy Đức Hoàn đã chọn Bảo về làm lái xe cho mình. Nhiều chuyến công tác băng rừng về sư đoàn, lên quân khu, chỉ có hai thầy trò bị máy bay L-19, rồi cả trực thăng UH-1A rượt đuổi, nhưng Bảo vẫn khéo léo luồn lách thoát hiểm...
Chính ủy còn có một công vụ, là một thanh niên trẻ và rất xinh trai, học hết lớp mười ở miền Bắc, xung phong đi bộ đội vào chiến trường. Người chiến sĩ liên lạc đó chính là Trịnh Quang Tụ, mà gần ba muơi năm sau còn gọi bằng một cái tên thân mật và trang trọng là Năm Tụ (dùng trong chính giới) hay đơn giản là ông Năm (của cấp dưới gọi để tỏ sự kính trọng - tránh gọi tên tục - sếp của mình).
Có một sự đố kỵ rất trẻ con giữa Bảo và anh công vụ, khiến hai chàng trai trẻ bất hòa. (Đấy là sau này Bảo kể cho Kha nghe). Tụ rất muốn mượn chiếc xe Honda của Bảo để chạy thử, quả thật, được ngồi trên yên nó, được điều khiển nó chạy băng băng mà không phải tốn một tí sức lực nào thì không còn gì sướng bằng! Nhưng Bảo không cho, sợ Tụ đâm vào gốc cây thì chết Bảo! Nhưng rồi, Bảo siêu lòng để cho Tụ chạy thử. Tụ chạy được một quãng, chiếc xe đổ vật xuống gãy tan tay "côn" (embraya). Tụ dắt về, trả cho Bảo mà không nói gì cả, đến khi đi công tác, không có tay ly hợp, chiếc xe vừa vào số đã vọt đi bất ngờ, suýt đưa chính ủy xuống suối! Bảo bị quở phạt, anh tìm Tụ để trách, nhưng Tụ chối phăng! Vốn đã là hai đứa trẻ, giờ thêm chuyện này, Bảo tức lắm, anh làm đơn xuống đơn vị chiến đấu. Thế là Bảo xuống đại đội 15, cùng chiến đấu với Kha... Mùa hè năm 1972, khi ta mở đợt tổng tiến công mở rộng vùng giải phóng Tây Ninh, Bảo đã hy sinh anh dũng tại chốt Thiện Ngôn. Kha cùng anh em chôn cất Bảo, tại bìa một trảng trống. Kha ngậm ngùi, nói trước bia mộ Bảo:
-Bảo ơi! Mày hãy yên nghỉ nơi đây! Chúng tao, những đồng đội của mày đây, xin hứa, nếu thằng nào còn sống đến ngày thắng lợi, sẽ đi tìm mày, đưa mày về với gia đình...
Sau khi Bảo hy sinh, Kha cùng anh em trong đơn vị tìm trong ba lô của Bảo thấy một lá thư con gái, mới biết Bảo còn một cô em gái tên là Bích, đang làm y tá cho bệnh viện K-100. Kha định bụng sẽ đi tìm Bích để trao lại kỷ vật của Bảo cho cô, nhưng... Kha đã không làm được việc đó, kể cả việc đi tìm mộ Bảo...
Chiến trường ngày một ác liệt, chính ủy Đức Hoàn bị thương phải đưa về hậu phương. Khi đi, ông đã đem theo Tụ ra Bắc. Rồi Tụ được sang Liên Xô học tập tại một trường đại học danh tiếng nhất của đất nước vĩ đại này: trường đại học Plêkhanôp!
Bây giờ Tụ đang ở đâu? Đã có lúc Kha hỏi thế, và ngay bây giờ Kha lại chợt bật ra câu hỏi ấy. Thật không ngờ, chỉ ít phút nữa thôi, Kha lại gặp Tụ ở ngay cánh rừng năm xưa này.
Kha và Diễn buồn rầu vì không tìm thấy mộ Nghiên. Sao bà cụ không ở lại thêm chút nữa để các anh hỏi thăm về mộ Nghiên? Đói và khát, hai người thất thểu quay ra. Vừa đến đầu trảng, họ thấy một chiếc xe Toyota còn rất mới đang đậu, chúi đầu vào một lùm cây. Hai anh em đi tránh ra phía sau xe thì bắt gặp một người đàn ông ăn mặc rất lịch sự. Trời đất chan hòa nắng bức, mà ông ta vẫn mặc com-lê, thắt cra-vát đàng hoàng... Ông ta không nhìn thấy Kha, vì đầu đang cúi gục xuống, buồn bã, đôi vai thỉnh thoảng lại rung lên. Khi Kha đến gần, ông ta quay lại, đôi mắt đỏ hoe, lên tiếng:
-Chào các anh! Hình như các anh cũng đi tìm mộ người thân?
-Vâng! Thế ông cũng đi kiếm mộ liệt sĩ?
-Tôi đi lần này là năm lần rồi, mà vẫn không tìm được. Có lần đã mời đến thầy địa lý...
Kha đến gần ông com-lê, nhặt một cọng cỏ trên vai áo người lạ:
-Người thân của ông ở trung đoàn 271 phải không?
-Đúng rồi! Cả tôi cũng ở trung đoàn 271...
-Năm nào? Tôi cũng ở 271 đây!
-Thế hả? Ông ta vui lên một chút. Tôi ở trung đoàn từ 1970 đến đầu 1973...
-Thế sau 73?
Người lạ lấy thuốc ra mời Kha và Diễn:
-Sau đó tôi ra Bắc, rồi đi học!
"À...", Kha thầm kêu lên! Bỗng anh thấy một phụ nữ đã đứng tuổi nhưng vẫn rất trẻ trung vì đẹp và sang trọng, từ một khúc cua nào đó đi ra, khuôn mặt in dấu nước mắt, làm trôi cả lớp phấn hồng trên má. Kha đoán chị ta là vợ ông này. Chị ta khẽ chào Kha và Diễn rồi nói:
-Không còn hy vọng đâu anh! Em đã hỏi tất cả những người quanh đây, kể cả các anh bộ đội biên phòng...
Người đàn ông lịch sự giới thiệu:
-Đây là bà xã tôi. Người chúng tôi tìm là anh ruột bà ấy, và là đồng đội thân thiết của tôi...
Kha như nhớ lại câu chuyện của Bảo, anh liều hỏi:
-Xin lỗi, chị có phải là Bích?
Người đàn bà ngớ ra, không nói được. Kha hỏi tiếp:
-Bích, y tá K-100?
-Dạ, đúng rồi! Bích mừng ríu rít. Sao anh biết tôi?
Kha không nói, mà hỏi ông chồng:
-Còn anh là Tụ, Trịnh Quang Tụ?
-Vâng, đúng! Anh là...?
Kha nhìn hai người, nói nhỏ:
-Mời anh chị theo tôi! Rồi anh quay lưng, đi trước. Diễn đi sau chót, như thể một đôi hình hành quân năm xưa. Họ đi vằn vèo, tập tễnh hơn nửa giờ đồng hồ, Tụ đi trước, bám gót Kha, Bích bị té mấy lần, may có Diễn đỡ. Đến trước mộ Bảo, một chấm nhang vẫn còn cháy đỏ, vừa rớt xuống. Kha nói:
-Đây là mộ anh Bảo! Chúng tôi vừa mới được một người dân cho biết.
Bích nhìn chồng, đầy nghi ngờ:
-Nhưng... nhưng sao anh biết chắc đây là mộ anh tôi?
-Chính tôi đã chôn Bảo, ngày 17 tháng tư năm 1972!
Bích đổ xuống như một cây chuối bị phạt ngang gốc! Chị gục xuống nấm đất khóc nức nở:
-Ôi anh Bảo ơi!... Anh nằm đây mà để em đi kiếm mấy năm trời...
Kha đốt tiếp bó nhang còn lại, đưa cho Tụ:
-Bảo đấy! Anh đốt nhang cho cậu ấy đi! Chúng tôi ra trước...
-Này, ông bạn! Tụ gọi với sau khi Kha và Diễn đi được mấy bước. Chúng ta sẽ gặp nhau chứ?
-Tôi đợi anh chị ở ngoài xe...
Phản Trắc Phản Trắc - Hoàng Đình Quang