Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Vu Gia
Thể loại: Tuổi Học Trò
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 919 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
hấy Phan Châu Trinh bước vào khám, anh em từ tù án nặng đến tù quốc sự đều mừng rỡ. Mỗi người hỏi một câu, Phan Châu Trinh không biết trả lời ai trước, trả lời ai sau. Khi đẩy hết mọi người ra, Phan Châu Trinh mới thở được và nói rõ từng tiếng:
- Tôi vào đây làm tù nhân như anh em.
- Nói sao?
- Tù nhân hả?
- Làm chi có chuyện đó!
Chờ cho những tiếng hỏi lắng xuống, Phan Châu Trinh lần lượt kể hết sự việc cho anh em nghe.
Sau khi học được nghề đồi mồi, có đồng ra đồng vào, bọn hương chức làng An Hải gây khó khăn đủ điều buộc Phan Châu Trinh phải “biết điều”, nhưng Phan Châu Trinh không những từ chối mà còn thách thức. Sáng nay, đúng hẹn trình diện với Gardien chef thì ông ta giận dữ, lớn tiếng:
- Đưa anh ra ngoài làng, là để anh làm lại cuộc đời một người dân bình thường dưới sự bảo hộ của nước Đại Pháp, chứ không phải để anh xúi giục dân làng chống lại nước Đại Pháp.
- Thưa ngài, tôi chưa xúi giục ai chống lại nhà nước Đại Pháp. Ngay hồi ở trong đất liền cũng vậy.
Viên chủ ngục đập bàn, quát:
- Nhưng anh chống lại hương chức.
Vẫn giọng bình tĩnh, từ tốn, Phan Châu Trinh nói:
- Thưa ngài, chống hương chức không đồng nghĩa với việc chống lại nhà nước Đại Pháp. Tôi nghĩ, hương chức làm bậy mất lòng dân, tôi chống bọn họ chính là bảo vệ uy danh của nhà nước Đại Pháp.
Viên chủ ngục đứng dậy, đi về phía cửa sổ, nói:
- Anh trở lại khám tù án nặng như cũ.
Hơi ngỡ ngàng, Phan Châu Trinh nói:
- Thưa ngài…
Viên chủ ngục khoát tay.
- Anh đi đi. Việc của anh tôi sẽ trình lại với quan chánh tham biện. Trong thời gian này, anh phải ở trong khám, nhưng tôi miễn cho anh đeo thẻ bài nghĩa là miễn bắt anh làm xâu như những người tù khác.
- Cám ơn ngài.
Và thế là Phan Châu Trinh được vào khám sống với anh em.
Mọi người cùng cười rần.
Khi tiếng cười vừa lắng, thì có giọng ồm ồm tức giận ở đâu phía sau vang lên:
- Bọn hương chức ấy đáng chết. Nếu có dịp, tôi sẽ bẻ cổ chúng.
Nghe vậy, một số anh em vung tay hùa theo:
- Bẻ cổ!
- Bẻ cổ!
Phan Châu Trinh sợ anh em manh động làm sự việc rối lên. Ông đứng thẳng người dậy, đưa thẳng hai cánh tay về phía trước ra dấu đề nghị anh em giữ bình tĩnh.
Phan Châu Trinh nói:
- Tấm lòng của anh em, Trinh này ghi nhớ. Anh em tức giận mà quên nghĩ, nếu không có bọn hương chức ấy thì Trinh này đâu thể gặp được anh em, phải không nào? Vì vậy, bọn hương chức tố vu cho tôi chưa hẳn đã dở và nếu không tố vu cho tôi thì chưa hẳn đã hay. Cái hay cái dở do lòng mình thôi, anh em à.
Tất cả mọi người đều hoan hô, cho là Phan Châu Trinh nói đúng. Từ đó, Phan Châu Trinh chung sống với anh em, nhưng chưa được mấy ngày thì có lệnh gọi lên buồng giấy của quan chánh tham biện. Không kịp chia tay với anh em, vì ai nấy đã đi làm xâu, Phan Châu Trinh đành nhắn lại mấy lời để anh em biết sự thể hòng có gì sau này không ai đoán già đoán non.
Bước vào phòng quan chánh tham biện, Phan Châu Trinh được ông ta tiếp đón vui vẻ. Phan Châu Trinh biết sự việc không xấu như ông nghĩ ban đầu. Chánh tham biện mời ông một ly cà phê và nói sau hớp cà phê nóng đầu tiên:
- Nghe gardien chef báo chuyện của ông, tôi thấy anh ta xử sự chưa đúng. Ông cho tôi xin lỗi vậy. Tôi muốn ông trình bày tất cả câu chuyện.
Phan Châu Trinh kể tất cả những gì mắt thấy tai nghe, quan chánh tham biện mỉm cười, lắc đầu.
- Người Annam các ông là vậy.
Phan Châu Trinh cũng nhếch môi cười, nói:
- Thưa ngài, hồi nhỏ tôi được thân phụ cho đi khai tâm và cuốn sách Tam thiên tự có mấy câu mở đầu có thể nhắc ra đây để gián tiếp trả lời ý kiến vừa rồi của ngài: "Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tượng cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên". Nghĩa nôm na nó như vầy: "Phàm con người lúc ban đầu, cái tính vốn thiện. Thiên tính vốn không khác xa nhau mấy, chỉ vì chịu ảnh hưởng hoàn cảnh môi trường xung quanh mới có sự khác nhau. Nếu như không thi hành giáo dục, thiên tính sẽ biến chuyển".
Quan tham biện cười sung sướng.
- Thú vị thật, ông Trinh à. Hèn gì Hội Nhân quyền của chúng tôi ở tận Paris công khai ủng hộ ông. Báo chí cũng viết nhiều về ông và bênh vực ông. Cám ơn ông đã chỉ cho tôi thấy điều hay. Bây giờ, ông có thể tự do ra ngoài, nhưng theo tôi, ông đừng về ở làng An Hải mà nên làm nhà ở cạnh sở chuồng (nơi nuôi bò, nuôi heo ở Côn Lôn) vừa gần gũi bạn bè của ông, vừa muốn làm gì tùy thích. Dân tộc ông có câu: "Phép vua thua lệ làng", do vậy ông nên suy nghĩ về ý kiến của tôi.
Cách ấy thì hay quá chứ suy nghĩ gì nữa. Phan Châu Trinh thầm nghĩ như vậy rồi nói mấy lời cám ơn, giã từ quan chánh tham biện.
Thấy ông về làng, những người quen biết mừng rỡ ra mặt, còn bọn hương chức thì ngại nên tìm cách lánh mặt. Ông nhờ bà con người một tay giúp ông sớm có cái chòi bên sở chuồng và cuộc sống lại tiếp tục như cũ. Hàng mỹ nghệ bằng đồi mồi, ông nhận về nhà làm, khi nào xong thì đem giao; rảnh rỗi thì đi câu cá; vài ba ngày thì viết thư từ qua lại với anh em; tàu nào cập bến đều tìm cách kiếm báo để đọc và chuyền cho anh em đọc… Đơn điệu thì quả đơn điệu nhưng sức người không thể xoay chuyển địa cầu.
Một hôm ông đang ngồi câu cá như mọi lần thì có hai người lính mã tà ra gọi về gặp quan chánh tham biện có việc cần. Trong đầu Phan Châu Trinh hiện lên nhiều giả thuyết cho việc gặp gỡ sắp tới, nhưng ngoài mặt vẫn bình tĩnh, từ từ quấn dây câu rồi theo chân hai người lính mã-tà. Gần tới chòi, Phan Châu Trinh định xin phép hai người lính mã-tà vào cất đồ câu rồi hãy đi, nhưng trước mắt ông, quan chánh tham biện cùng với một người Pháp khác đang đứng cửa chòi chờ ông.
Khi vừa chộ mặt, thì người Pháp ông chưa biết mặt đã bước tới đưa tay ra bắt tay ông, chào xởi lởi:
- Chắc ông là Phan Châu Trinh. Xin chào ông.
Phan Châu Trinh lần lượt bắt tay chào hai người. Quan chánh tham biện giới thiệu, Phan Châu Trinh mới biết người khách lạ ấy là quan Thống soái từ Sài Gòn ra gặp ông.
Thay vì về văn phòng quan chánh tham biện, quan Thống soái đề nghị, cả ba người nên vào chòi lá của Phan Châu Trinh ngồi nói chuyện… cho vui.
Chỉ riêng cử chỉ này, Phan Châu Trinh đã có cảm tình với ngài Thống soái. Theo suy nghĩ của Phan Châu Trinh, mỗi việc tưởng chừng nhỏ nhặt ấy, lớp quan Annam còn phải học sói trán.
Một người lính mã-tà theo lệnh quan chánh tham biện đi một thoáng mang về đầy đủ cà phê, thuốc lá, trà, bánh cho ba người.
Sau một hồi tìm hiểu về những tháng ngày tù tội của Phan Châu Trinh, quan Thống soái hỏi:
- Ông còn tư tưởng phản đối nước Pháp nữa không?
Nghe câu hỏi hơi lạ, Phan Châu Trinh nhìn thẳng vào ông ta trả lời:
- Thưa ngài thống soái, bản tâm tôi không có tư tưởng đó. Tôi phản đối cái chánh sách ngược đãi người Việt Nam chúng tôi, chớ không phản đối nước Pháp.
Cả quan Thống soái lẫn quan chánh tham biện gật gù, nhưng quan chánh tham biện chỉ ngồi nghe là chính, bởi ông ta không có quyền tham gia vào câu chuyện này.
Quan Thống soái hỏi:
- Ông có quen biết Phan Bội Châu không?
- Không chỉ quen mà còn là chỗ anh em bạn.
- Vậy thì anh cũng thuộc đảng bài Pháp chớ gì?
Phan Châu Trinh mỉm cười, hít một hơi thuốc lá, nói:
- Phan Bội Châu, hiệu là Sào Nam, một tay hào kiệt ái quốc của nước Nam này. Người trong nước không ai không biết tiếng. Ngày tôi làm quan ở kinh đô Huế thường qua lại luôn, nhưng đến nghị luận việc nước thì ý kiến giữa tôi với Sào quân, hai bên không đồng mà lại trái hẳn nhau.
Dường như nghe làm lạ, quan Thống soái nhíu mày, hớp một hớp cà phê rồi trầm tư một chút mới hỏi:
- Trái nhau thế nào?
Đây là chuyện thật chẳng có gì phải giấu cho nhau và cũng chẳng cần phải nghĩ ngợi, Phan Châu Trinh trả lời rành rọt:
- Tôi đã nhiều lần nghị luận với Phan quân, anh ta nhận hẳn ra rằng người Pháp không có thiệt lòng khai hóa cho người Nam, nên nói việc khai hóa, trước phải tìm cách đánh đổ chính phủ Pháp. Mà muốn đánh đổ chính phủ Pháp, không nhờ cậy thế lực một nước mạnh ngoài thì tự người Nam không làm gì được. Hiện nay, nước mạnh duy Nhật Bản là nước đồng văn đồng chủng nên cầu viện với Nhật Bản…
Tôi bác cái thuyết trên của Sào quân, lấy lẽ rằng người nước Nam chui núp dưới chính thể chuyên chế đã trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy sức người ngoài, chỉ diễn cái trò "đổi chủ mà làm đầy tớ lần thứ hai", không có ích gì. Trong khi đó, nước Pháp dưới mắt tôi là một nước làm tiên đạo văn minh cả hoàn cầu, nay bảo hộ nước Nam, mình nhân đó mà học theo, chuyên dụng tâm về mặt khai trí trị sanh các việc thực dụng. Dân trí đã mở, trình độ một ngày một cao tức là cái nền độc lập ngày sau ở đây. Còn theo chính kiến "cậy sức người ngoài" thì nó quanh co khúc chiết, mình không tự lập, ai cũng là kẻ cừu của mình. Triều Tiên, Đài Loan, cái gương rõ ràng trước mắt, người Nhật chắc gì hơn người Pháp? Đuổi hổ đi, rước sói về chẳng có gì hay và chỉ có dân đen là khổ.
Sào quân không nghe, cũng không nhận là phải, phủi áo ra đi làm theo ý kiến của mình. Cái giống và cái trái giữa tôi và Sào quân là thế.
- Vậy, ông sang Nhật Bản gặp Phan Bội Châu là có ý gì?
- Như đã nói, chính kiến của tôi trái với chính kiến của Sào quân. Sào quân sang Nhật có chỗ đứng chưn, bèn phát biểu chính kiến của mình, làm sách, làm báo gửi về trong nước. Người Nam chúng tôi phần khổ với chánh sách ngược đãi của chính phủ Pháp, phần khổ bởi quan lại Nam triều chỉ biết lo vinh thân phì gia; xâu cao thuế nặng không biết kêu van vào đâu, nên họ rất đồng tình với chính kiến của Sào quân. Tôi không trách họ, chính phủ Pháp của các ngài cũng không nên trách họ, bởi họ như người bệnh cần thuốc, co lâu muốn duỗi, gặp được sách cổ động của Sào quân cổ xúy, gãi nhằm chỗ ngứa, cả nước đều hưởng ứng, một kẻ xướng, muôn ngàn người họa. Do vậy, cái chính kiến "tự lực khai hóa" của tôi bị phong triều "Đông học" che át, không xuất đầu ra được, không ai thèm nghe; thực sự trăm phần thiếu thốn mà cái tiếng trống kêu dội sẽ gây ra mối nguy hiểm cho đường tương lai của quốc dân không thể tránh được. Bất đắc dĩ, tôi mới băng mình vượt biển thẳng sang Nhật Bản, thuật rõ lẽ thiệt hơn cho Sào quân nghe, khuyên Sào quân chăm lo đào tạo lớp trẻ du học mà gác tư tưởng, hành vi "bạo động” đợi thời hội khác. Nhưng Sào quân nhứt vị cố chấp, lấy lẽ rằng một nước êm đềm trong giấc ngủ như người bệnh gần chết, nếu không gióng trống to, trương cờ lớn, thổi kèn, gõ mõ, làm như giông sấm thì không sao đánh thức giấc ngủ kia được…
Phan Châu Trinh đốt thêm điếu thuốc khác, từ tốn nói tiếp:
- Tôi ở Nhật Bản vài tháng cùng Sào quân biện cãi nhiều lần, rút cục Sào quân không nghe, tôi bèn từ về, ấy là khoảng tháng 5, tháng 6 năm 1906.
- Về nước, ông làm những gì?
Nghe hỏi y như lời hỏi cung, Phan Châu Trinh lờ mờ hiểu được câu chuyện, nhưng việc làm của ông sáng tựa ban ngày chẳng có gì phải giấu giếm. Vả lại có sức làm thì có sức chịu, có chết cũng không thẹn với trời đất.
Phan Châu Trinh nhìn thẳng vào quan Thống soái, trả lời:
- Tôi không theo chính kiến của Phan Sào quân, cũng như Sào quân không theo chính kiến của tôi, ai làm theo sở kiến nấy. Về nước, tôi trù cùng anh em đồng chí tổ chức lập những hội công khai như học hội, thương hội, v.v… Nhưng vì sĩ phu nước Nam thuở nay chưa có cách tổ chức ấy; ban đầu mới khởi làm, không khỏi có vẻ kinh quái, những lời bàn nghị nổi lên sẽ sanh ra lắm điều ngăn trở. Vì thế nên tôi trước làm bức thư điều trần gửi lên quan Toàn quyền, quan Khâm sứ và đăng báo Tây, thuật rõ tình trạng trong nước cùng hiểm tượng Đông Dương, bản ý là cốt tỏ bày mối tâm sự, mở đường khai hóa sau này chớ không có ý gì khác, và không dè vì thế mà mang tội.
Quan Thống soái còn đang ngẫm nghĩ, Phan Châu Trinh nói tiếp:
- Tôi xem sử Âu Tây có khi anh em một nhà mà chính kiến khác nhau, huống gì là anh em bạn.
Quan Thống soái gật đầu, nói:
- Ông nói phải, chính kiến không đồng nhau, cái đó vẫn thường. Ông còn muốn nói gì nữa không?
Phan Châu Trinh trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Tôi ra ngoài hòn đảo này đã gần hai năm, cách xa đất liền, tin tức gì cũng mù tịt, song có nhiều bạn tù ở Bắc kỳ bị đày ra đây thuật chuyện ngoài ấy, nói biên giới phía bắc Trung kỳ thỉnh thoảng có những hành vi kịch liệt, nhà nước xử bằng nghiêm hình trọng phạt. Theo tôi, cách làm ấy là thất sách, không phải cách xử trí thích hợp, dễ gây nên mối biến loạn to. Ngài nên có tiếng nói để nhà nước xem xét lại.
Quan Thống soái gật đầu ra chiều quan tâm đến ý kiến của Phan Châu Trinh.
-Tôi vâng lệng quan Toàn quyền ra đây cốt để hỏi ý kiến ông, nên ông còn việc gì cần nói thì cứ việc nói ngay, không can ngại gì.
- Vâng, tôi lúc ở trong nước, vào Nam ra Bắc nghe thấy cũng nhiều. Dân tình chúng tôi khổ đủ bề. Các nhà đại chính trị sẵn lòng thâu thái, tôi sẽ biên chép và trình bày sau chứ trong một cuộc đàm thoại không thể nói hết được.
Quan Thống soái đứng dậy bắt tay ông.
- Ông ở lại mạnh giỏi. Tôi sẽ đạt ý của ông lên quan Toàn quyền. Có lẽ, chúng ta sẽ gặp nhau ở Sài Gòn nay mai.
Hai người bắt tay nhau. Quan chánh tham biện cũng bắt tay chúc mừng ông và hứa sẽ đối xử tử tế với những người bạn của ông.
Phan Châu Trinh Phan Châu Trinh - Vu Gia