Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 67
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 99: Đưa Bảo Đại Vào Tròng
ừ mùa xuân 1947, cựu hoàng đế Bảo Đại, cư trú tại Hồng Kông, là đối tượng của những áp lực và kêu gọi, do các nhà đương cục Pháp khuyến khích hoặc khiêu khích, mời ông ta trở lại sân khấu chính trị và cầm đầu phong trào quốc gia. Ngày 18/9, Bảo Đại tuyên bố sẵn sàng thăm dò những con đường hòa bình và bàn bạc với nước Pháp. Đầu tháng 11, Bollaert đề nghị một cuộc gặp gỡ với ông ta.
Ngày 19/11, Ramadier từ chức và Robert Schuman, một người của phong trào Cộng hòa bình dân (MRP), thay ông, ngày 22, đứng đầu Chính phủ. Phong trào Cộng hòa bình dân đồng thời cũng cầm đầu đường lối chính trị Đông Dương, và trong một thời gian dài. Paul Coste-Floret, quả nhiên, thay thế Marius Moutet tại Bộ Pháp quốc Hải ngoại. Coste-Floret hoàn toàn chống lại mọi ý đồ nối lại đàm phán với Hồ Chí Minh.
Cuối cùng, Bollaert đã có thể gặp Bảo Đại tại vịnh Hạ Long (ngày 6-7/12). Bảo Đại vẫn thận trọng, nhưng ông ta yêu cầu nước Pháp đừng bao giờ điều đình với ông Hồ nữa. Tuy nhiên, ông cũng nhận ký tắt vào một bản tuyên bố chung và một nghị định thư nêu lên những nguyên tắc của quan hệ Việt-Pháp sau này.
Phong trào Cộng hòa bình dân bèn lao ngay vào cuộc chiến tranh. Ngày 23/12/1947, Nội các ủy nhiệm cho Bollaert được quyền “tiếp tục bên ngoài Chính phủ Hồ Chí Minh mọi hoạt động và mọi cuộc đàm phán cần thiết cho việc lập lại hòa bình và tự do trên các nước Việt Nam”. Những lý do nêu lên để loại trừ ông Hồ Chí Minh ra là vì ông đã khước từ những điều kiện mà Pháp đưa ra ngày 10/9 (điều này không đúng) và vì ông đã tham gia Quốc tế cộng sản (cũng không đúng nốt).
Vậy là bắt đầu một cuộc điều đình dài dòng và chán ngấy với Bảo Đại, tại đất Pháp trước, sau thì tại Hồng Kông. Đúng như thế, Bảo Đại ý thức được mình đã bị đưa vào tròng ở vịnh Hạ Long, nhất định không chịu nhượng bộ bất cứ một điều gì chừng nào nước Pháp chưa chấp nhận cho Việt Nam được thống nhất và độc lập - hai điều mà Bidault cùng với cả đảng của ông ta luôn luôn phản đối. Đối với phong trào CHBD, cũng như, nói chung, đối với tất cả cánh hữu, Liên hiệp Pháp (tức là nước Pháp) phải là người chủ của nền ngoại giao, của nền quốc phòng, mà cũng là người chủ của kế hoạch kinh tế và cả kế hoạch văn hóa của toàn bộ Đông Dương.
Cuối cùng thì người ta đã tìm được sự thỏa thuận với những phần tử quốc gia Việt Nam chống cộng cũng như với những người Nam Kỳ chủ trương tự trị, vì chính là cùng với và bằng những người miền Nam mà Bảo Đại định thống nhất đất nước. Tháng 5/1948, nước Pháp chấp nhận đề nghị của Bảo Đại là thành lập một “Chính phủ trung ương lâm thời của Việt Nam”. Chính phủ này lúc đầu định giao cho Ngô Đình Diệm, nhưng cuối cùng lại là một người Nam Kỳ, tướng Nguyễn Văn Xuân, làm thủ tướng, bởi vì, về phía ông ta, Nguyễn Văn Xuân nhận ký bản nghị định thư bí mật mà Bảo Đại đã ký tắt tại vịnh Hạ Long hồi tháng 12/1947 và sau đó lại phủ nhận như là “rõ ràng không đầy đủ”. Sứ mệnh của Chính phủ trung ương lâm thời này là ký kết với Pháp một tạm ước “ở tầm cỡ hạn chế nhưng có hiệu lực tức thời”; điều này, đối với Bảo Đại, sẽ cho phép kiểm nghiệm sự thành thực - và cả ý đồ - của nước Pháp.
Vậy là ngày 5/6/1948, tại vịnh Hạ Long, Nguyễn Văn Xuân đã ký trước sự hiện diện của Bạo Đại, bản “tuyên bố” sau đây, mà sau khi công bố, đã bắt đầu ràng buộc với nhau hai nước Pháp và Việt Nam.
“1. Nước Pháp trịnh trọng công nhận nền độc lập của nước Việt Nam; và nước Việt Nam có quyền tự do thực hiện thống nhất đất nước. Về phía mình, nước Việt Nam tuyên bố gia nhập Liên hiệp Pháp với tư cách là Quốc gia hợp tác với Pháp. Nền độc lập của Việt Nam không có hạn chế nào ngoài những hạn chế do việc nó tham gia vào Liên hiệp Pháp quy định.
“2. Nước Việt Nam cam kết tôn trọng những quyền và những lợi ích của các quốc dân Pháp, tôn trọng về mặt hiến pháp những nguyên tắc dân chủ và ưu tiên kêu gọi sự giúp đỡ của các cảnh sát cố vấn và kỹ thuật viên Pháp trong các nhu cầu tổ chức nội trị và kinh tế.
“3. Ngay khi đã thành lập được một chính phủ lâm thời, các đại biểu Việt Nam sẽ trao đổi với các đại diện của nước Cộng hòa Pháp những sự dàn xếp hợp lý về các lĩnh vực văn hóa, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính và kỹ thuật”.
Bản nghị định thư ngày 7/12/1947, giờ đây do Nguyễn Văn Xuân ký, tuy vậy vẫn là bí mật.
Nhưng Chính phủ Pháp không muốn chuyển giao một quyền hành thực tế nào, một chủ quyền nào cho Xuân cả. Nó chỉ muốn Bảo Đại và một mình Bảo Đại thôi, đứng đầu “nước vệ sinh” Việt Nam. Nó tưởng lầm vị cựu vương này dễ sai khiến, sinh ra để sống “dưới ảnh hưởng” của kẻ khác. Nó không để cho Nguyễn Văn Xuân thực hiện thống nhất, có nghĩa là thanh toán cái chế độ Nam Kỳ tự trị đi. Việc phê chuẩn thỏa ước vịnh Hạ Long tỏ ra khó khăn và cuối cùng đạt được là do một cuộc bỏ phiếu lập lờ (8/1948).
Thất vọng và hết nhiệm kỳ, tháng 10/1948 Bollaert đành nhường chỗ cho Léon Pignon, mà người ta đã thấy rõ vai trò trong toàn bộ vấn đề này từ năm 1945. Được Chính phủ Queuille cử làm Cao ủy, Pignon nối lại cuộc đàm phán với Bảo Đại trên những cơ sở khác, vì Bảo Đại tuyên bố mãi mãi chỉ là một “tư nhân”. Chính phủ Hồ Chí Minh, suy yếu đi rất nhiều và bắt buộc phải phân tán ra, lúc này giữ một thái độ đợi chờ, vừa lo tổ chức lại lực lượng.
Cuối cùng hai bên đã đi đến được một hiệp định sẽ ký vào ngày 8/3/1949, tại Élysée, giữa Vincent Auriol, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp và Liên hiệp Pháp và Hoàng đế Bảo Đại. Về thực chất, nó chẳng khác gì mấy so với cái mà người ta đã sắp sửa ký được với Hồ Chí Minh sau hội nghị Fontainebleau vào hồi đầu tháng 9 năm 1946. Gần 3 năm đã bị mất đi, và nhất là chiến tranh đã xảy ra và đã phá hoại đi một phần rất lớn cái mà đã từng muốn cứu lấy năm 1946. Nhưng Bảo Đại nói rõ rằng ông sẽ không trở về Việt Nam để đứng đầu “Chính phủ lâm thời” chừng nào Nam Kỳ chưa được trả lại cho Việt Nam. Nước Pháp, lần này, buộc lòng phải chuyển sang hành động.
Trong vòng hai tháng, mọi việc đều được thực hiện một cách bôi bác: biểu quyết một đạo luật của Pháp thành lập một Quốc hội cho lãnh thổ Nam Kỳ, bầu cử đại biểu của Quốc hội này; biểu quyết của Quốc hội theo yêu cầu của “Quốc gia đại sự”, và cuối cùng là chuyển Nam Kỳ cho Việt Nam.
Bảo Đại bèn quyết định trở về Việt Nam (ngày 28/4/1949). Ông cư trú tại Đà Lạt, xác định Xuân là Thủ tướng Chính phủ lâm thời. Ông nhận cho mình chức vị Quốc trưởng của một “Quốc gia Việt Nam” lúc đó vừa được công bố.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)