A good book should leave you... slightly exhausted at the end. You live several lives while reading it.

William Styron, interview, Writers at Work, 1958

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần XV: Việt Nam Hóa Chiến Tranh (23/3/1947 - 4/1956) - Chương 98: Chính Phủ Ramadier
ền Đệ tứ cộng hòa có lẽ đã không chọn chiến tranh, nhưng chắc chắn nó đã không chọn hòa bình, cũng không đi con đường có thể tìm lại hòa bình. Nó dấn thân, gần như một cách vụng trộm, trên cơ sở những thông tin không đầy đủ, tệ hơn nữa là những thông tin giả mạo, vào một cuộc phiêu lưu hứa hẹn kéo dài, tước đoạt và tốn kém. Cho đến năm 1952, dư luận không bao giờ nắm được những dữ kiện cơ bản của vấn đề; và chỉ 30 năm sau người ta mới bắt đầu đoán ra rằng d’Argenlieu và cả phe cánh ông ta đã thất bại trong âm mưu của họ, nhưng vẫn che giấu được sự thất bại đó và cuộc chiến tranh Đông Dương thực tế là một cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp.
o O o
Là chính phủ đầu tiên của nền Đệ tứ Cộng hòa, Nội các Ramadier, ngay từ ngày 21/3/1947, đã được ông Hồ Chí Minh cho biết để cảnh giác:
“Nếu Chính phủ Pháp công khai và thẳng thắn tuyên bố thừa nhận sự thống nhất và nền độc lập của Việt Nam và cam kết thi hành đường lối chính trị đó, thì mọi vấn đề khác đều sẽ dễ dàng giải quyết... Một lần nữa, chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng dân tộc Việt Nam chỉ mong muốn một điều là thống nhất và độc lập trong Liên hiệp Pháp, và chúng tôi cam kết tôn trọng những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp tại Việt Nam.
“Chỉ cần nước Pháp tuyên bố một lời là chiến sự lập tức chấm dứt, là bao nhiêu tính mạng và tài sản được cứu vớt, là tình hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau trở lại bình thường. Nếu như, bất chấp nguyện vọng hòa bình chân thực của chúng tôi, người Pháp vẫn muốn tiếp tục chiến tranh, thì họ sẽ mất hết mà lợi chẳng được gì, bởi vì chiến tranh chỉ đưa đến hận thù và căm ghét giữa hai dân tộc chúng ta.
“Chúng tôi yêu cầu Chính phủ Pháp cho chúng tôi biết rõ chính sách của mình đối với Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu nhân dân Pháp cho biết dư luận của mình đối với cuộc chiến tranh đẫm máu và ngu xuẩn này”.
Ngày 19/4, Chính phủ Việt Nam đề nghị cụ thể với Paris hãy ngưng chiến và ngồi trở lại vào bàn đàm phán.
“Nước Việt Nam đấu tranh cho thống nhất và độc lập của mình. Thủ tướng Ramadier đã tuyên bố: nước Pháp không chống lại nền thống nhất và độc lập ấy. Lợi ích của hai dân tộc là hợp tác thân ái với nhau trong lòng Liên hiệp Pháp, là hiệp hội của những dân tộc tự do hiểu biết nhau, thương yêu nhau. Chiến tranh kéo dài chỉ tăng thêm hận thù, kéo theo nhiều hy sinh mới về mạng người, làm cho tình hình thêm trầm trọng trong các xí nghiệp của Pháp và trong nền kinh tế Việt Nam, mà không giải quyết được vấn đề quan hệ Việt - Pháp.
“Qua việc bổ nhiệm ông Cao ủy mới của Pháp tại Đông Dương, Chính phủ Pháp dường như tỏ ra có ý muốn hướng chính sách của mình đối với dân tộc Việt Nam vào một con đường mới, xứng đáng với nước Pháp mới. Tôi tin tưởng rằng bản kiến nghị của Hội đồng Quốc gia Đảng Xã hội ngày 21/3/1947, quyết định sẽ không bỏ qua một cơ hội nào để tiếp tục nối lại những cuộc thương thuyết với Việt Nam, đã diễn đạt không những tâm tư tình cảm của các đảng viên Xã hội Pháp, mà của cả toàn thể nhân dân Pháp.
“Để chứng minh sự gắn bó chân thành của Việt Nam đối với hòa bình và tình hữu nghị của nó đối với nhân dân Pháp, Chính phủ Việt Nam đề nghị với Chính phủ Pháp chấm dứt ngay tức thời mọi hành vi chiến tranh và mở ngay những cuộc đàm phán nhằm đi đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột”.
Ramadier đã tìm cách che giấu được bản đề nghị này không những trước dư luận công chúng, mà ngay cả đối với các vị bộ trưởng cộng sản của ông... đã “bị đổ bộ” ra khỏi Chính phủ vì một lý do khác ngay từ ngày 4/5. Ông ta đồng ý cho Cao ủy mới Bollaert và tướng Valluy[76] đặt ra cho cuộc ngưng chiến do Chính phủ Việt Nam đề nghị những điều kiện hết sức hà khắc. Vậy là nhiệm vụ thăm dò của giáo sư Paul Mus đã biến thành một việc trao tối hậu thư, để rồi được nhận một câu trả lời đã trở thành lịch sử của Hồ Chí Minh (ngày 12/5):
“Nếu chúng tôi chấp nhận những điều kiện đó, chúng tôi sẽ là những kẻ hèn nhát. Trong liên hiệp Pháp, không có chỗ cho những tên hèn nhát!”.
Nhưng trên thực tế, chính là người ta lợi dụng câu từ chối bao chờ đợi này để đi tới theo cái hướng kia, là tìm kiếm những “tay chân”, những “người bạn của nước Pháp” và thành lập với họ cái “chính phủ thay thế” mà người ta từng đã ước mơ từ tháng 8/1946 đến bây giờ.
Chính phủ Ramadier còn không biết, một cách rất “tuyệt vời”, một đề nghị khác nữa, vào tháng 8/1947, nghiêm túc và nhất quán của Chính phủ Hồ Chí Minh vừa được mở rộng thêm đồng thời loại bỏ một số phần tử “cực đoan” đáng kể. Bức công hàm do ông Gilbert, đại sứ Pháp tại Bangkok chuyển, lần này đã bị giấu biến đi không đến tay đích thân Tổng thống nước Cộng hòa Pháp, đúng vào cái thời điểm quyết định phải lựa chọn nên theo chiến lược nào.
Sau nữa, vào mùa thu 1947, Valluy vừa trình bày với Ramadier sự cần thiết phải “gây ra một thứ nội chiến giữa người Việt Nam với nhau”, vừa phát động một cuộc “tấn công đại quy mô” nhằm vô hiệu hóa, thậm chí bắt sống cả Chính phủ Hồ Chí Minh để có thể điều đình ở thế mạnh với Bảo Đại và “tiến hành thành lập, dưới sự che chở của ông ta, một Chính phủ Việt Nam được chúng ta công nhận và chống lại các lãnh tụ Việt Minh đã trở thành phản loạn”.
Hồ Chí Minh thoát được cuộc vây bắt gần Bắc Cạn, nhưng đành phải giữ im lặng một thời gian. Bộ Tham mưu đã “ghi điểm”, có đạt được một thắng lợi chiến thuật: làm tan rã lực lượng quân thù mà giờ đây coi như mất khả năng chiến đấu. Một bản báo cáo quân sự gửi cho Thủ tướng Chính phủ đề ngày 20/12, khẳng định:
“Các cuộc hành quân ở Bắc Kỳ đã cho phép chúng ta cắt đứt hết các con đường buôn lậu qua Trung Quốc và cụ thể hóa trên bình diện quốc tế sự hiện diện của chúng ta tại biên giới Trung Hoa bằng việc chiếm đóng Cao Bằng và Lào Cai; nó cho phép chúng ta làm tan rã bộ máy quân sự và chính trị của Việt Minh, chủ yếu do chiếm được một lượng thiết bị hết sức quan trọng, trên bình diện chính trị, nó cho phép chúng ta đạt được những kết qủa thiết thực, mở đầu cho một trào lưu tập hợp lại với nhau những dân tộc ít người ở vùng biên giới cũng như giữa những phần tử thuần túy An Nam. Hơn nữa, tác động nhà nước Việt Nam giờ đây hầu như không còn nữa, do sự tan vỡ rối loạn của hệ thống điều khiển và do sự bất ổn định của những cơ quan chính thức hoặc bí mật đã bị phân tán...
“Sau những cuộc hành quân đang diễn ra này, quân đội Việt Minh sẽ không còn được coi là một phương tiện áp lực trên bình diện chính trị nữa, vì trên bình diện quân sự nó sẽ lâm vào tình thế phải sống cảnh nay đây mai đó của những tên du kích hoặc những phường cướp biển...
“Đảng Việt Minh, thực chất là cộng sản,...ngày càng có vẻ muốn rút lui vào bí mật bằng cách giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc chiến đấu cho một nhóm người sành sỏi về phương pháp hoạt động cách mạng. Mục đích của họ là quấy rối chúng ta trong công việc bình định, bằng cách luôn luôn duy trì một tình trạng loạn lạc và bất an ninh... Phương tiện hoạt động của họ là ám sát, phá hoại và chiến tranh du kích được tiến hành do những toán quân mà tính chất chủ yếu là sự phân tán...
“Tóm lại, những cuộc hành quân hiện tại đã đạt được những thành công không ai có thể phủ nhận, nó đòi hỏi phải được khai thác triệt để trên bình diện chính trị”...
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)