Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 67
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 94: Việt Nam Thế Là Xong!
ài hôm sau, ngày 15 tháng 1, đô đốc d’Argenlieu chính thức thừa nhận một vài ý kiến của vị cố vấn của ông ta là đúng và ký một bản thông tư bất thường (số 215/CP.Cab): bản thông tư này đáng được trích dẫn gần như nguyên văn và đi vào lịch sử:
“Chính phủ Pháp đã ký kết với một chính quyền thực tế tự xưng là “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946 và Tạm ước 14 tháng 9/1946.
“Cái chính quyền thực tế này, mà chúng ta sẽ gọi cho thuận lợi dễ dàng là “Chính phủ Hà Nội”, đã được chúng ta đối xử một cách đặc biệt ưu đãi.
“Thực thế và chẳng cần chú ý đến cái nguồn gốc bất hợp pháp của nó - không cần nhắc làm gì ở đây những trò hề bầu cử ngày 23/12/1945 và 6/1/1946, mà họ rêu rao “đó là nền tảng dân chủ” của họ - chúng ta đã chấp nhận, bằng những hiệp định nói trên đây, cho họ hưởng những đặc quyền quốc gia của một chính phủ hợp pháp.
“Chính phủ Hà Nội đã tự mình xé những hiệp định ấy đi trong những điều kiện tồi tệ đến nỗi chính họ đã tự hạ uy tín của họ trên cương vị là đại diện chân chính và đủ tư cách của nhân dân An Nam.
“Chúng ta sẽ xem xét sau một cách tổng quát những hậu quả chính trị và pháp lý của việc xé bỏ các hiệp định này: đây chưa phải điều chúng ta bàn đến hôm nay.
“Chúng ta sẽ chỉ nhận xét rằng không còn tồn tại cái Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nữa, mà chỉ còn là một bộ máy khủng bố mà chúng ta trả lại cho nó cái tên thật của nó, “Đảng Việt Minh”.
“Tôi thấy cần thiết phải xác định một cách không mập mờ ý nghĩa của những từ này, bởi vì hệ thống thuật ngữ đã đóng một vai trò rất lớn trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Dương, mà giờ đây đang được giải quyết bằng một cuộc xung đột vũ trang, ngoài ý muốn của chúng ta.
“Sự phục sinh của cái danh từ cũ “Việt Nam” đã là một phát hiện tài tình. Quả thực, cái danh từ ấy đã ngay lập tức trở thành, đối với Việt Nam, cái biểu tượng của mọi khát vọng giành chủ quyền trên toàn bộ đất nước An Nam và cuối cùng là cụ thể hóa các quyền lợi của Việt Minh trước dư luận Pháp và quốc tế còn thiếu những thông tin chính xác.
“Chính phủ Hà Nội đã lợi dụng một cách khôn khéo và một cách thành công không ai chối cãi được về cái điều lập lờ do chính họ đã tạo ra như vậy đó.
“Phủ Cao ủy đã phòng bị lừa bịp trước thủ đoạn này và ngay phiên họp đầu tiên ở Đà Lạt, đã gửi cho Nguyễn Tường Tam, trưởng phái đoàn Việt Nam, một công hàm miệng trình bày rõ quan điểm của Pháp đối với vấn đề này.
“Bức công hàm đó trình bày chủ yếu rằng các nhà đàm phán hiệp định 6 tháng 3 của Pháp đã chấp nhận dùng trong văn bản hiệp định đó cái từ ngữ “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” chẳng qua vì phép lịch sự và vì không muốn gây thêm phức tạp, vì những lý do “thể diện”, cho những cuộc đàm phán đặc biệt khó khăn.
“Nhưng họ đã nói rõ ràng rằng những từ ngữ mà họ dùng trong hiệp định (Chính phủ nước Việt Nam DCCH) không bao hàm ý nghĩa thừa nhận về mặt lãnh thổ. Tính chất bền vững của nước Cộng hòa mới, mà chúng ta vừa ký giấy khai sinh này, chẳng hề được xác định cụ thể. Hơn nữa, chỉ cần xem lại chính văn bản hiệp định là sẽ thấy: bản hiệp định chỉ rõ rằng phạm vi lãnh thổ của nước Cộng hòa đó sẽ do một cuộc trung cầu dân ý trong những vùng liên quan quyết định kia mà.
“Mặc dù bức công hàm này hết sức rõ ràng và cụ thể, giấy trắng mực đen, nó vẫn đông đủ để bắt buộc một bên ký kết thiếu thiện ý phải tôn trọng các hiệp ước hai bên đã ký với nhau. Và mấy tháng sau chúng ta đã chứng kiến một sự khai thác thông minh cái từ “Việt Nam” cùng với nội dung của nó, sự khai thác ấy càng có sức mạnh lôi cuốn và khả năng biểu hiện khi mà, trừ một vài nhà thông thái, chẳng có ai trong dư luận thường ngày có thể phản đối cái nội dung lịch sử, địa dư và pháp lý của nó.
“Đã đến lúc cần phải làm tiêu tan cái tình hình lập lờ hai mặt đó. Cái từ “Việt Nam” cần phải được loại bỏ đi trong tất cả các văn kiện chính thức và nếu được, cả trong báo chí và giao tiếp hàng ngày. Không nên xác định một cách độc đoán quan điểm về vấn đề sát nhập hay chia cắt ba nước nói tiếng An Nam.
“Chúng ta đã cam kết tôn trọng ý chí của nhân dân khi nhân dân có khả năng phát biểu ý chí đó của mình một cách tự do, phòng bị ép buộc bằng bất cứ cách nào. Nhưng chúng ta có nhiệm vụ phải giữ lập trường chống lại cái chủ nghĩa đế quốc độc tài của một đảng phái hoặc một bộ phận đang mưu toan tước bỏ của nhân dân chính cái quyền tự do phát biểu ý kiến của mình ấy.
“Ngoài ra, nếu để kéo dài tình trạng lẫn lộn trắng đen, để cho Việt Minh cái “độc quyền” tư tưởng dân tộc, thì sẽ là điều dại dột. Cho nên, chúng ta cần phải dùng trở lại những từ ngữ cũ, chính đáng và không mập mờ chút nào: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.
“Đúng là vẫn còn tồn tại một khó khăn: chúng ta chưa bao giờ nghĩ chuyện phủ nhận một sự thực là, mặc dù có những sự khác biệt rất rõ nét có thể giải thích bằng lịch sử và dân tộc học, vẫn tồn tại một cộng đồng ngôn ngữ và truyền thống giũa Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.
“Mỗi lần cần nói đến ba xứ ấy, không nói riêng mà nói chung, chúng ta nên vận dụng những từ ngữ như là “các nước An Nam” hoặc “các nước nói tiếng An Nam”.
“Tôi khẩn thiết yêu cầu mọi người phải hiểu đúng tinh thần bản thông tư này và áp dụng nó đúng từng câu từng chữ”.
Ký tên: Georges d’Argenlieu”
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)