A dirty book is rarely dusty.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 79: Gây Đổ Vỡ
rong cuộc chạy đua chống chiến tranh đầy bi kịch, sự kiên nhẫn của Hồ Chí Minh dường như đã có lãi. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Paris đang được giải quyết theo chiều hướng thuận lợi nhất cho sự nối tiếp lại các cuộc đàm phán Pháp - Việt; tất cả mọi việc bố phòng quân sự đều đã được chu tất và sự kiểm soát của Chính phủ Việt Nam đối với quân đội cũng như các tổ chức chính trị của họ đều có vẻ vững vàng. Chỉ còn việc phải đợi, trong bình tĩnh, những quyết định của Chính phủ Léon Blum.
Chính sự diễn biến đó dường như lần này đang làm cho Valluy và các tay chân của ông ta suy nghĩ và đã thúc đẩy họ nhanh tay hành động. Khi mọi sự dường như đã sẵn sàng tại Bắc Kỳ (và cả ở Trung Kỳ, tuy các phương tiện vẫn có vẻ sơ sài), để thử làm liều một hành động vũ lực, thì theo ý ông ta, không cần nữa và có thể lại là nguy hiểm nếu cứ trì hoãn mãi, nếu cứ đợi đến giữa tháng giêng.
Một bản báo cáo Pháp, phân tích tình hình ngày 15/12, đã biểu thị “suy nghĩ cá nhân” của tác giả (Moret, giám đốc Sở An ninh Pháp tại Bắc Kỳ) như sau:
“Tôi không nghĩ rằng, Bộ chỉ huy các lực lượng Việt Nam có ý định mở cuộc xung đột, bởi vì họ đã có rất nhiều cơ hội, nhưng họ không lợi dụng những cơ hội đó. “Theo ý mọi người, chúng ta mà chủ động gây chiến trước thì chỉ có thể là thắng lợi”.
Việc Léon Blum lên nắm chức vụ thủ tướng quả tình có tăng lên gấp nhiều lần nguy cơ một cuộc điều tra của Paris về cái mà người ta có thể gọi là “cuộc âm mưu” của bộ ba d’Argenlieu - Valluy - Pignon. Bởi giờ đây không còn hy vọng gì được Paris bật đèn xanh cho họ hành động nữa, đành phải thúc nhanh mọi chuyện lên để cho “những điều kiện của một cuộc đối phó” (tức là một cuộc tấn công của Việt Nam) xảy ra càng sớm càng hay. Phải cấp thiết gây ra một sự đổ vỡ trong quan hệ giữa hai bên, nhưng bằng cách nào để có thể quy trách nhiệm gây ra cho phía Việt Minh. Bị dồn ép phải thực hiện khẩn trương hành động này, Valluy quyết định họp “Hội đồng chiến tranh” của ông ta. Ông ta đã triệu tập về Hải Phòng, nhằm kiểm điểm tình hình, Sainteny, Morlière, Dèbes và chỉ thị không được thông báo gì cũng không phải chúc mừng hoan nghênh gì cuộc họp này cả. Không có biên bản tổng kết gì về cuộc họp ngày 16/12 đó là các thành viên đã tham gia cuộc họp chẳng bao giờ nhắc nhở gì về nó cả. Nhưng kết quả thì ngay hôm sau, 17, sẽ được nói đến. Vấn đề bây giờ là thúc ép Việt Minh đến mức độ làm cho họ mất cả kiên nhẫn, lao vào một hành động bạo lực và như vậy cung cấp cho chúng ta cái duyên cớ đang mong muốn. Vấn đề cũng còn là chuẩn bị sự kiện về mặt chính trị bằng cách chứng minh rằng không còn có lối thoát nào khác nữa.
Trong một “báo cáo về tình hình nội trị của Đông Dương” do ông ta ký ngày 17/12, sau khi đã thúc ép Paris phải cứng rắn, Pignon đã tuyên bố rõ ràng:
“… Thái độ các nhà chức trách Pháp cho phép nghĩ đến một cách tin tưởng về tương lai của Đông Dương khi mà nhóm cầm quyền hiện nay ở Hà Nội đã biến đi. Không thể nào ký kết được một hiệp định chân thành với đảng Việt Minh; đó là một điều không quan niệm nổi...
“Theo nhận xét của tôi thì sẽ là ảo tưởng nếu đặt một hy vọng nào vào hành động cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông khôn khéo hơn một số đồng sự trẻ của ông; điềm đạm, ôn tồn hơn trong lời lẽ, cũng như trong những thái độ cử chỉ bên ngoài, chủ yếu do ông đã có tuổi; tuy nhiên mục tiêu của ông nhằm đạt được không khác mục tiêu của Trung ương Tổng bộ Việt Minh - mà ông là thành viên lỗi lạc nhất, nếu không thì cũng là thành viên có uy tín nhất hiện nay. Bất cứ một cải tổ nào trong chính phủ của ông cũng chỉ có thể là một cái bẫy...
“Trái với những điều mà một số người lầm tưởng, cách giải quyết vấn đề Đông Dương không nằm ở Nam Kỳ: nó chỉ nằm tại Bắc Kỳ và chỉ tại Bắc Kỳ mà thôi, là nơi có sự hiện diện của Đảng Việt Minh trên sân khấu chính trị... Nhiều người Việt Nam thừa biết rằng đảng độc tài ấy là vật chướng ngại ngăn cản sự thực hiện nhanh chóng và hòa bình nguyện vọng yêu nước của họ: độc lập và thống nhất ba kỳ...
“Sự loại trừ hoặc làm suy yếu Đảng Việt Minh đến mức độ nó bắt buộc phải điều đình... chính là điều kiện để duy trì nước Pháp ở vị trí ưu thế và nước lớn mà Pháp phải giữ vững đối với tất cả các nước Liên hiệp...”.
Trên bình diện quân sự, ngay từ 17/12, người ta quan sát được một sự căng thẳng đột xuất tại Hà Nội. Ngày 16, Valluy đã ra lệnh cho Morlière giải tỏa những chướng ngại vật tại Hà Nội.
“Việc xây dựng những chướng ngại vật của Việt Nam lấn sang cả khu người Pháp[65] đã buộc ban liên lạc Pháp phải cảnh cáo (ngày 15) phía liên lạc Việt Nam rằng bộ chỉ huy quân đội Pháp không thể nào chấp nhận việc xây dựng những vật chướng ngại như vậy ngăn cản giao thông ở khu người Pháp. Nếu những sự lạm dụng đó vẫn được duy trì thì chúng sẽ bị phá hủy bằng sức mạnh”.
Ngày 17/12, ban liên lạc Pháp báo trước rằng, do những lời phản đối của họ không đem lại kết quả gì đáng kể nên bộ chỉ huy sẽ ra lệnh dọn sạch những chướng ngại vật nói trên. Công việc dọn dẹp đã được tiến hành lập tức, lúc đầu chẳng có sự cố gì xảy ra. Nhưng, một nơi khác, một xe tải của Pháp bị tiến công và tất cả những người trên xe đều bị giết trong những điều kiện dã man. Trả đũa: một đồn tự vệ bị triệt hạ, “truy quét ở khu phố lân cận”, sau đó là một loạt những vụ xung đột xảy ra trong thành phố, có những người chết và bị thương ở cả hai bên.
Ngày 8, tình hình xấu đi: lúc 7 giờ, một toán quân nhảy dù đi thăm dò tìm kiếm xác một người bạn bị mất tích hôm 12, đã bị ném lựu đạn. Quân Pháp phản công lại, ngót 30 người Việt Nam vừa chết vừa bị thương. Dỡ các chướng ngại vật đi, các quân Tự vệ bị kích thích ngày càng có thái độ tiến công. Báo cáo của ủy viên Cộng hòa gửi Sài Gòn lại nói rằng “những cơ quan liên lạc Việt Nam đã làm hết sức mình để tránh không cho các vụ rắc rối phát triển thêm”.
Trước sự phát triển của sự căng thẳng đó, nó trùng hợp hoàn toàn với việc bầu Léon Blum, Hồ Chí Minh nghi ngờ rằng bức thông điệp ngày 15 của ông có thể đã “bị thất lạc”, bèn gửi một bức thông điệp mới cho Blum. Trước là chúc mừng, sau ông nói:
“Chúng tôi nói lên niềm tin chắc chắn rằng dưới Chính phủ Ngài, cuối cùng chúng tôi sẽ được thấy thực hiện tại Việt Nam đường lối chính trị chân chính của nước Pháp đã được Đảng SFIO và bản thân Ngài công bố, xuất phát từ sự tôn trọng các hiệp định hợp tác chân thành và thân ái...”
Tới đây, ông Hồ nhắc lại bức thông điệp ngày 15 nhằm mục đích “chuẩn bị một bầu không khí thuận lợi cho những cuộc điều đình dứt khoát sắp tới ra được dự kiến. Tôi tin chắc rằng việc cử một phái đoàn Quốc hội Pháp qua Việt Nam để mang tình hữu nghị của dân tộc Pháp đến cho dân tộc Việt Nam và để chứng kiến tình hình tại chỗ sẽ đóng góp nhiều vào việc tạo ra bầu không khí tin cậy và hữu nghị đó...”
Bức điện ngày 18/12 chỉ được Sài Gòn chuyển cho Paris trong đêm 19 rạng ngày 20 và chỉ tới Paris (ngoại số) vào ngày 22 lúc 16 giờ! Việc Sài Gòn xuyên tạc các phương tiện giao tiếp đã dẫn tới hậu quả chắc chắn là ngăn cản hết mọi cuộc đối thoại.
Ngày 18, Sainteny còn điện cho Sài Gòn:
“Dường như có sự phân vân hay sự rút thăm trong Chính phủ Việt Nam để xác định thái độ cần giữ lúc này. Dầu sao, cái quyết tâm không phát động một cuộc đổ vỡ toàn bộ vẫn được ghi nhận cho tới hôm nay. Thái độ của Nam trong những lần hội kiến riêng có thể là thầm chấp nhận chính phủ bị đau đầu vì một số phần tử cực đoan.
Chuyện đó không ngăn cản việc buổi chiều hôm đó, sau những phát súng bắn vào một chiếc xe đi sát xe của tướng Morlière, lệnh chiếm đóng bộ Tài chánh và bộ Giao thông mà hình như những phát súng đã từ đó bắn ra. Và bởi vì các chướng ngại vật vẫn còn dựng lên và vì không thể chịu để cho những trục đường chính của khu vực người Pháp bị tắc, Sainteny đã ra lệnh giải tỏa bằng máy ủi.
Lần này, các chỉ huy quân sự của Việt Nam nắm phần ưu thế. Phải chăng phần đầu của “màn kịch đảo chính” đã được chuẩn bị qua thông tri tháng tư của Valluy? Quân Pháp sắp sửa lặp lại sự kiện Hải Phòng! Phải đi trước họ! Đã đến lúc phải đánh. Những chỉ thị cuối cùng đã được chấp thuận ngày 18. Buổi sáng ngày 19, các lực lượng quân Việt Nam đã được tập trung trong và quanh thủ đô được thông báo rằng ngay đêm nay cuộc tấn công sẽ khởi sự. Nhưng giờ H chưa được ấn định. Các đội Tự vệ được giao trách nhiệm vô hiệu hóa các thường dân Pháp.
Chính phủ Việt Nam vẫn không hề nao núng. Hãy đợi chút nữa, sẽ thấy Paris muốn gì. Không nên tiến hành chuyện gì chống lại người Pháp khi chưa biết rõ ý định sâu sắc của họ. Vì vậy trong khi ban liên lạc Việt Nam tiếp tục phản kháng, một lần nữa họ lại giữ một thái độ trì hoãn, bất chấp yêu sách của người Pháp đòi dọn sạch chướng ngại vật.
Buổi sáng ngày 19, trước thái độ tấn công ngày càng tăng của các đội tự vệ, tướng Morlière yêu cầu Nam nghĩ cách tước bỏ vũ khí của họ đi như một bằng chứng của thiện chí hòa bình. Ông ta đề nghị với Nam một cuộc gặp gỡ nhằm nghiên cứu chung những biện pháp cần thực hiện về vấn đề này. Nam trả lời rằng những đề nghị ấy sẽ được đệ trình Hội đồng Chính phủ ngày 20. Nhưng hồi 9h30, Giám đã đề nghị gặp Sainteny vào buổi chiều. Sainteny, lấy cớ quá bận, cho trả lời ông ta sẽ gặp Giám hôm sau. Khoảng trưa thì Sainteny nhận được một bức thư rất ôn hòa của Hồ Chí Minh tỏ lòng hy vọng rằng Sainteny vùng với Giám sẽ tìm ra được một giải pháp.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)