Love is always bestowed as a gift – freely, willingly and without expectation. We don’t love to be loved; we love to love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 65
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 73: Lời Cảnh Cáo Của Đô Đốc Barjot
ằng bức điện 1001/EMHC nói trên đây, chắc là Valluy đã hy vọng sẽ nhận được làm hồi âm một “ngọn đèn xanh” cho cuộc hành quân dự định. Cục lưu trữ chưa để lộ cho công chúng bức thư trả lời của ông đô đốc, nhưng chắc chắn nó mang dấu hiệu của sự khôn ngoan: Georges Bidault, thực ra sẽ không còn đứng đầu Chính phủ nữa. Lập tức Valluy phản ứng. Bức điện ngày 8 gửi cho Sainteny là một bằng chứng:
“Bằng máy bay đặc biệt thứ hai 9/12, đại tá Le Puloch sẽ mang chỉ thị của tôi ra cho ông. Chờ thời”.
Trong một bản nhận định phương hướng ngày 8/12, Valluy bỗng dưng thú nhận:
“Quân số không cho phép chúng ta giải quyết tại Bắc Kỳ hiện nay những vấn đề nhân sự sẽ nẩy sinh cùng một lúc nếu như một cuộc xung đột chung xảy ra. Chúng ta chỉ có thể giải quyết được sau khi đã nhận được phần nào những viện binh của chính quốc gửi sang, có nghĩa là vào khoảng 15/1/1947... Cho đến ngày mà viện binh đến, điều quan trọng là tránh đừng mở rộng cuộc xung đột”.
Xa hơn, ông ta gợi ý “đòi Chính phủ Việt Nam cho thông con đường Hà Nội - Hải Phòng, đáp lại, quân đội Pháp sẽ rời Phủ Lạng Thương, Bắc Ninh và Nam Định”. Ngoài ra, do sáng kiến tự động hoặc theo gợi ý của d’Argenlieu, Valluy thông báo cho d’Argenlieu rằng ông ta cử đại tá Le Puloch sang Paris gặp d’Argenlieu bằng chuyến máy bay ngày 11[62].
Một sự trao đổi thư từ nào đó cho phép người ta nắm được một khía cạnh khá tế nhị của tình hình. Hôm trước, tức ngày 7/12, Pignon từ Sài Gòn đã điện cho Sainteny:
“Ưu tiên tuyệt đối. Chuyển bằng radio quân sự thành. Dành riêng tuyệt đối, của Pignon gửi Sainteny. Tôi được thông báo từ nguồn tin tuyệt đối đáng tin cậy rằng lệnh tổng khởi nghĩa ở miền Nam sẽ được ban ra trong một thời gian rất ngắn qua một lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ truyền đi trên làn sóng điện của Đài phát thanh Bạch Mai.
“Tự ông xét đoán lấy những hậu quả mà những biện pháp đối phó của chúng ta có thể mang lại; nhưng tôi nghĩ, về phần tôi, cái tình hình mà chúng ta đã chấp nhận tại Nam Kỳ để gửi tăng viện ra cho miền Bắc đòi hỏi phải dùng sự cố kỹ thuật để phá đài phát thanh Bạch Mai”.
Sainteny đã điện trả lời ngay ngày hôm sau:
“Tuyệt mật. Dành riêng tuyệt đối, của Sainteny gửi Pignon.
“Dự kiến vô hiệu hóa Đài phát thanh Bạch Mai đã được xem xét nhiều lần. Thấy rằng nếu dùng biện pháp sự cố kỹ thuật để phá thì cũng chỉ vô hiệu hóa được một thời gian rất ngắn thôi. Đang nghiên cứu lại vấn đề hết sức tỉ mỉ. Biện pháp duy nhất có hiệu quả trước mắt là chiếm đóng hoặc phá hủy “bằng hành động quân sự”.
“Trong tình thế hiện tại, tôi nghĩ rằng mọi sự can thiệp kiểu này sẽ dẫn đến một sự bùng nổ lớn mà trước mắt chúng ta đang cố tránh. Cảm giác của tôi vẫn là, vừa gây căng thẳng tinh thần, Chính phủ Việt Nam vừa muốn tránh cái điều xấu nhất. Chắc là ông Hồ đã sẵn sàng bản tuyên bố tổng nổi dậy trong tay, nhưng chỉ công bố song song với việc mở rộng những cuộc hành quân trên miền Bắc. Không phủ nhận mối nguy hiểm mà lời kêu gọi được truyền đi qua làn sóng điện ấy sẽ đem lại, ông không nghĩ rằng để cho ông Hồ phương tiện tiến hành cái hành vi thù địch mà cả thế giới sẽ nghe thấy đó sẽ cung cấp cho chúng ta một lời biện hộ có giá trị về sự phản ứng mạnh mẽ và dứt khoát của chúng ta sao? Hơn nữa, chắc chắn là chúng ta có chiếm đoạt mất của ông ta cái đài Bạch Mai đi chăng nữa, thì ông Hồ vẫn luôn luôn nắm trong tay những phương tiện thông tin của quân đội Việt Nam để truyền đi mệnh lệnh của mình”.
Tuy nhiên, tại Paris, nơi mà cuộc khủng hoảng chính trị vẫn chưa được giải quyết, Ban tham mưu của Bộ Quốc phòng phân tích một cách lạnh lùng tình hình Đông Dương và phát đi, ngày 8/12, một bản “Thông báo nghiên cứu số 46” (mật) nhan đề “Tình hình đã dẫn đến cuộc hành quân bắt đầu ngày 20/11 tại Bắc Kỳ”, mà tác giả là đô đốc Barjot. Trong tài liệu, rất giàu dữ kiện và suy nghĩ này, Barjot nhấn mạnh rằng sau khi ký Tạm ước, những chỉ thị gửi cho d’Argenlieu là tập trung vào vấn đề Nam Kỳ bằng cách khai trương một đường lối chính trị mới và cố gắng ép buộc Hà Nội rút quân. Vậy mà, ông viết tiếp, “những chỉ thị cụ thể... đó đã không được áp dụng. Ngược lại, người ta thấy đô đốc d’Argenlieu ngày càng tập trung chú ý đến Bắc Kỳ”. Barjot ngoài ra còn ghi nhận rằng, ngay từ 19/10, d’Argenlieu đã cho rằng “không nên loại trừ cái giả thiết là Chính phủ Hà Nội sẽ tiến hành một hành động bạo lực”, đồng thời đã nêu lên sự cần thiết phải có “một cuộc trả đũa tức thời... tại Hà Nội và tại Trung Kỳ”[63] và xin khẩn trương chuẩn bị những viện quân để gửi sang.
“Cần chú ý rằng kế hoạch hành quân chống Hải Phòng - tài liệu mà bên Việt Nam đã nắm được, do đại úy Dercourt ký - được đề ngày 21 tháng 10, tức là hai ngày sau bức điện của đô đốc d’Argenlieu được nhắc lại trên đây, và nhấn mạnh sự cần thiết phải có một sự trả đũa ngay đối với Hà Nội”.
Barjot viết tiếp: Ngày 27/11, Valluy đã ra lệnh cho tướng Morlière buộc Chính phủ Hà Nội “phải rút hết quân đội Việt Nam ra khỏi vùng lân cận Hải Phòng trong một chu vi nhất định” - dòng chữ này đã được Barjot gạch chân; Barjot nhận xét rằng chính sự việc này dẫn đến kết quả là Hà Nội đã đặt toàn bộ khu vực châu thổ vào trạng thái phòng vệ. “Một cuộc tổng nổi dậy đang được chuẩn bị - Barjot viết. Ông còn nêu rõ lên là ngày 28/11, “thủ lĩnh quân nổi loạn Nam Kỳ” là Nguyễn Bình đã khuyên Giáp quyết liệt kháng chiến ở Bắc Kỳ và ngày 30, Giáp đã trả lời Bình rằng “tất cả các mặt trận Nam Bộ sẽ nhất tề tiến công cùng một lúc ngay khi nào Pháp tiến công Hà Nội”. Như vậy (Barjot nhấn mạnh) “chính là một cuộc tổng nổi dậy trên cả hai mặt trận đang sửa soạn, trên mặt trận Bắc Kỳ và trên mặt trận Nam Kỳ... Bởi người ta đang đi đến một cuộc thử thách bằng vũ lực, cho nên cần phải đánh giá đúng đắn lực lượng của kẻ thù.
Barjot miêu tả “những cố gắng phi thường và cái tài của Giáp chỉ trong vòng một năm thôi mà đã thành công trong việc xây dựng một công cụ (quân đội, LND) có khả năng làm chỗ dựa vững vàng cho một chính sách không nhân nhượng chút nào đối với nước Pháp”, và ông đặt vấn đề:
“Bộ chỉ huy Pháp có ý thức được sức mạnh của quân đội Việt Nam trước khi lao mình vào một cuộc thử thách vũ lực hay không? Ngoài ra, khi nhận chĩa mũi nhọn thử thách vũ lực này vào Bắc Kỳ, Bộ chỉ huy có thỏa thuận để lại ở Nam Kỳ những di căn của chiến tranh du kích hay không?
“Có lẽ không nên đánh giá quá sớm việc không thi hành mệnh lệnh của Paris bằng cách tước vũ khí những đạo quân gốc gác Bắc Kỳ trong chừng mực nào đó là một sai lầm phán đoán của các nhà đương cục Pháp tại Đông Dương. Thế nhưng bức điện ngày 1/10/1946 đã hết sức cụ thể. Ngược lại, bộ chỉ huy địa phương (Đông Dương, LND) lao mình vào một chính sách “đánh vào đầu não” lực lượng quân sự Việt Nam. Việc phong tỏa cảng Hải Phòng chắc chắn phải dẫn đến kết quả là tập trung và quy tụ mọi cố gắng quân sự của Việt Nam vào vùng châu thổ Bắc Kỳ”....
Tại Paris, cuộc khủng hoảng chính trị vẫn chưa được mở nút; Georges Bidault vẫn tiếp tục giải quyết công việc thường ngày, bèn quyết định trao lại cho ông đô đốc những chỉ thị chính trị chung chung đã dự kiến từ trước. Một cuộc họp đặc biệt của Ủy ban Liên bộ về Đông Dương ngày 10/12, đã thông qua văn bản những chỉ thị đó.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)