What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 65
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 72: Tiến Tới Giai Đoạn 2 Của “Kế Hoạch Valluy”
ộ Chỉ huy quân đội Pháp đã nắm được quyền kiểm soát toàn bộ khu căn cứ Hải Phòng - Vịnh Hạ Long; nhưng hành động ấy đã dẫn kẻ thù đi đến chỗ đặt toàn bộ lãnh thổ còn lại của Bắc Kỳ trong tình trạng phòng ngự và khiến cho sự tiếp tục dễ dàng kế hoạch d’Argenlieu - Valluy trở thành bấp bênh. Ngay trong khi đi kiểm tra Hải Phòng ngày 4/12, Sainteny đã cảnh giác Valluy:
“Công việc cần nghĩ đến trước mắt là giải tỏa trục đường Hà Nội - Hải Phòng đã bị chiếm nhiều điểm. Nếu phát động một cuộc đụng độ tổng thể thì sẽ có nhiều nguy cơ. Trừ phi ông có ý kiến khác, tôi thấy cần thiết và bổ ích là nên chờ đợi để biết rõ lập trường cụ thể của Chính phủ Paris trước khi phát động chiến dịch đó”.
Ngày 5/12, Valluy đã hiểu ra rằng không tài nào thuyết phục nổi Hồ Chí Minh loại trừ được những “tay chân cực đoan” của ông và căn cứ vào công việc bố phòng ngày càng tăng của Hà Nội, nếu muốn duy trì được tự do hành động và đi lại thì ông ta phải đạt được những kết quả nhanh chóng. Nhắc lại những chỉ dẫn mới của Paris về sự cần thiết phải có thái độ cứng rắn, Valluy điện cho Sainteny:
… “Những chỉ thị đã trao cho ông khi ông rời Sài Gòn (ra Hà Nội) vẫn là khuôn vàng thước ngọc cho ông trong hành động chính trị ở tình thế hiện nay. Tôi đặc biệt lưu ý ông rằng việc thi hành những mệnh lệnh đã được ban hành trên bình diện quân sự cần phải được tiếp tục. Tôi sẽ nói rõ thêm những điểm sau đây:
“Ông phải tiếp tục cố gắng làm cho Chủ tịch Hồ hiểu rằng sự hòa dịu cần thiết cho việc nối lại đàm phán đòi hỏi ông ta phải xóa bỏ đi những biện pháp phòng ngự cũng như tấn công đã được thiết lập trong thành phố Hà Nội, chẳng hạn việc xây dựng công sự, đặt mìn hay chướng ngại vật, thực ra là nó duy trì nguy cơ xung đột hơn là nó ngăn chặn và chắc chắn sẽ dẫn đến một sự can thiệp của chúng ta nếu như điều kiện an ninh của doanh trại cũng như của thường dân Pháp bị đe dọa. Ông hãy yêu cầu ông ta mở lại con đường và tự do buôn bán của chúng ta trên con đường Hà Nội - Hải Phòng bằng cách nói cho ông ta hiểu rằng chúng ta không thể nào chấp nhận việc kéo dài tình hình này được, bất kể ở trường hợp nào. Khi nào ông nhận được lệnh của Cao ủy tổng chỉ huy quân đội yêu cầu dùng vũ lực để giải tỏa trục đường quan trọng số một này, thì ông chỉ có thể làm theo mệnh lệnh”.
Giờ đây, công việc của Valluy là “đặt điều kiện” cho Paris để được Paris “bật đèn xanh” cần thiết cho chiến dịch tiến hành. Ngày 6/12, Valluy gửi cho Thủ tướng nội các, cho Ủy ban Đông Dương và cho đô đốc d’Argenlieu một bức điện quan trọng, bức điện số 1001/EMHC:
“1. Sau những trận mai phục ở Hòn Gai và Bắc Ninh, thì những vụ rắc rối ở Hải Phòng và Lạng Sơn đã làm nổi bật lên một tinh thần chống Pháp mãnh liệt của quân đội Việt Nam. Được huấn luyện trong tinh thần căm thù và khinh bỉ người Pháp, được chỉ huy theo các nguyên tắc của trường võ bị Nhật Bản Sơn Tây, bởi những sĩ quan trẻ, đầy tham vọng, cuồng nhiệt và mù quáng vì kiêu ngạo, những đội quân của một chính phủ độc tài chỉ có thể là đại diện thuần túy cho tình cảm cơ bản đang làm hăng say cả đảng Việt Minh và chỉ đạo đường lối và thái độ chính trị của Chính phủ Hà Nội: Đó là ý muốn tống cổ ra khỏi Đông Dương càng sớm càng hay cái nước Pháp đang cố tình ngăn chặn chủ nghĩa bài ngoại của người An Nam này.
“2. Bằng chứng chúng ta sẽ vận dụng từ nay là hiệp định 6/3 ngay từ đầu bị Hà Nội bóp méo và sự chung sống của hai quân đội trong cùng một trung tâm trên thực tế đã trở nên hoàn toàn không thể được... Mặc cho những cố gắng của chúng ta, hai quân đội vẫn mặt đối mặt với nhau mà chẳng tìm cách gì để hiểu nhau....
“Từ hai tháng nay. Chính phủ Hà Nội đã có một sự phản ứng mãnh liệt ngày càng tăng với mối thiện cảm của dân thường đối với người Pháp mà chính phủ coi như một mối nguy cơ nghiêm trọng.
“3. Cái chiến dịch căm thù và nói xấu ấy đã có những tiếng đội sâu xa trong quân đội Việt Nam và những tổ chức bán quân sự của Đảng, và đã gây ra các vụ rắc rối ở Hải Phòng và Lạng Sơn. Mấy ngày nay, tại ngay trung tâm Hà Nội các nhà chức trách Việt Nam đang khẩn trương thi hành những biện pháp quân sự, như xây lô cốt, chuẩn bị chướng ngại vật, đặt mìn. chĩa nòng súng cối vào những chỗ đóng quân của Pháp... Đây chỉ mới, theo ý tôi hiểu, là những biện pháp thận trọng. Tuy nhiên, sự kích động cuồng loạn của tuyên truyền Việt Nam có thể châm lửa vào thuốc súng, dễ dàng hơn cả ở Hải Phòng và Lạng Sơn. Lúc đó thời quân đội ta sẽ khó lòng mà cứu nguy kịp thời cho các thường dân Pháp và có thể như ở Hải Phòng sẽ phải chịu nhiều thiệt hại ban đầu. Trong tình thế hiện nay, để bảo đảm việc tiếp tế cho Hà Nội, điều cốt yếu - tôi nói điều cốt yếu - là phải làm sao chỉ trong vài ngày mở thông con đường Hà Nội - Hải Phòng mà người Việt Nam đã cấm bằng cách đặt chướng ngại vật, phá hoại và cắt đứt nhiều đoạn giữa Hải Dương với Hải Phòng.
“4. Nỗi lo lắng sâu sắc của tướng Morlière, không muốn làm cho tình hình địa phương thêm căng thẳng do những biện pháp đối phó chính đáng, thậm chí cần thiết, từ đây không thể còn chấp nhận được nữa. Tôi ra lệnh cho các nhà chức trách Pháp ở Hà Nội phải chỉ trích phía Việt Nam tính chất khiêu khích của những việc bố phòng quân sự đó và sự cần thiết về phía chúng ta phải có những hành động đối phó thích đáng. Đặc biệt, trong trường hợp mà con đường bộ Hà Nội - Hải Phòng không được mở lại một cách tự nguyện thì tôi sẽ buộc lòng phải dùng sức mạnh. Trong giả thiết này, thì hành động của chúng ta sẽ khởi phát từ Hải Phòng, để cố gắng một lần cuối cùng giới hạn cuộc xung đột lại trong phạm vi một địa phương thôi.
“5. Những cơ may giới hạn cuộc xung đột lần này rất ít ỏi, và tôi có nhiệm vụ phải thông báo cho Chính phủ biết về tính tất yếu của sự tuyệt giao mà lòng căm thù và thiếu thiện chí của Chính phủ Hà Nội đem lại.
Với tư cách là chỉ huy tối cao của quân đội, tôi phải nhận định rằng bắt đầu từ tháng 2/1947 chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn mà tình hình quân sự, do việc thay quân, sẽ diễn ra ngày một bất lợi hơn tình hình ngày hôm nay. Ở miền Bắc, chúng ta sẽ không có những đội quân thiện chiến nữa. Khí hậu cũng như địa hình không thuận tiện cho các cuộc hành quân. Quân đội Việt Nam vừa mới trải qua một thất bại thấm thía, đến lúc đó sẽ phục hồi tinh thần chiến đấu tiến công dưới tác động của sự tuyên truyền. Họ sẽ biết uốn nắn phương pháp chiến đấu trên đường phố thích nghi với những phương tiện mà chúng ta vừa đem ra sử dụng và không còn có tác dụng bất ngờ đối với họ nữa. Họ sẽ có đủ thời giờ tăng thêm vũ khí và thêm người.
“6. Trong tình huống mà Chính phủ Hà Nội hiện nay đang lâm phải do hành động quá sớm của các cấp chỉ huy quân đội, vẫn còn lại một cơ may để tránh xung đột. Cần phải làm cho những phần tử cực đoan mất hẳn mọi hy vọng dùng bạo lực và khủng bố để áp đặt chế độ độc tài của chúng lên Đông Dương và đuổi quân đội Pháp đi một khi sự quân bình lực lượng đã bị đảo lộn. Muốn vậy, nó đòi hỏi Chính phủ Pháp phải lớn tiếng và quả quyết khẳng định, thông qua một sự tăng cường cố gắng quân sự, ý chí rắn rỏi và bình tĩnh sẽ ở lại Đông Dương và coi việc lập lại nền hòa bình và trật tự cho nhân dân Liên hiệp Pháp như là điều kiện đầu tiên của quyền tự do chân chính của mình”.
Bức điện này đến Paris ngày 7/12, buổi tối thì được phát thanh. Nhưng Paris đang giữa cuộc khủng hoảng chính trị. Cuộc tranh giành quyền lực giờ đây đang diễn ra khá quyết liệt giữa các đảng phái; bởi vì người ta đang cần thay thế nội các Bidault bằng một nội các mới phản ánh đúng phe đa số mới trong Quốc hội... Sự bế tắc sẽ còn kéo dài vài ngày nữa.
Tại Hà Nội, các lãnh tụ Việt Nam vội vàng gửi một tín hiệu sang Paris. Ngày 7/12, Hồ Chí Minh gửi cho Vincent Auriol - vừa được tái cử Chủ tịch Quốc hội - một thông điệp chào mừng:
“Nhân danh Chính phủ và nhân dân Việt Nam, chúng tôi xin nhiệt liệt chúc mừng Ngài được tái cử, dấu hiệu sự thống nhất vững bền của nước Pháp. Chúng tôi hy vọng thiết tha rằng dưới sự che chở của nội các mới, phương pháp bạo lực hiện đang được sử dụng đối với Việt Nam sẽ chấm dứt và thực sự bắt đầu một chính sách hợp tác trung thực giữa nước Pháp và nước Việt Nam đang đoàn kết với nhau trong cùng một lý tưởng bình đẳng và thân ái. Chúc mừng chân thành. Hồ Chí Minh”.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)