"Tell me what you read and I'll tell you who you are" is true enough, but I'd know you better if you told me what you reread.

François Mauriac

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 65
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần XI: Hồ Chí Minh Chờ Thời (30/11 - 12/12/1946) - Chương 68
rong bức điện gửi Paris để giải thích vì sao ông đã quyết định cử J. Sainteny ra Hà Nội ngay, Valluy trước hết nói rõ vì sao và bằng cách nào mà cuộc họp các tiểu ban hỗn hợp đã mang lại ít nhiều hòa dịu.
“Chúng tôi hy vọng, bằng cách cố gắng họp nhau xung quanh một chiếc bàn đàm phán, vô hiệu hóa những phần tử bạo hành và cực đoan. Những vụ rắc rối Hải Phòng và Lạng Sơn do Chính phủ Việt Nam âm mưu khiêu khích gây ra... đã không cho phép ông De Lacharrière đạt được kết quả trong nhiệm vụ làm hòa dịu tình hình của ông. Chúng tôi đỡ bị đặt trước cái mà người ta có thể gọi là một thử thách sức mạnh... Chính phủ Việt Nam... hoang mang trước sự căm phẫn ngày càng tăng của dân chúng,... đã tìm cơ hội nắm lại lòng tin của dân bằng cách biện bạch cho việc phải dùng hành động quân sự để thực hiện một số biện pháp nào đó và tìm cách phát động tinh thần yêu nước của nhân dân đang có chiều hướng suy giảm ở miền Bắc.
“Chúng ta không được phép chấp nhận sự khiêu khích đó, nếu không muốn làm nguy hại đến tương lai của nước Pháp tôi Đông Dương, mà không phản ứng lại một cách thích đáng trên địa bàn quân sự. Sự phản ứng đó đã xảy ra, và chỉ tiếc là nó không được khai thác tại chỗ một cách kịp thời và kiên quyết hơn trên bình diện chính trị. Rõ ràng là lợi ích của chúng ta đòi hỏi chúng ta trong cơ hội này phải chiếm lấy ưu thế đối với Chính phủ Hà Nội, buộc Hà Nội phải đàm phán một cách thiện chí theo đúng tinh thần và văn bản của Tạm ước.
“Vậy là tình hình Bắc Kỳ rất lập lờ... Tuy nhiên qua những nhận xét nghiêm túc thì các giới lãnh đạo Việt Nam đang có hai xu hướng khác biệt. Một nhóm trong đó có ông Giáp và Ủy ban Lãnh đạo của Đảng (tức Bộ chính trị - LND) tỏ ra cương quyết không nhân nhượng chút nào, chấp nhận một số hậu quả như sơ tán Chính phủ ra khỏi Hà Nội và rút lên miền núi, tại đó đã chuẩn bị sẵn một số căn cứ địa. Những người khác thì lo sợ trước khả năng mở rộng của cuộc xung đột và rất muốn nối lại các cuộc đàm phán dù có phải chịu đôi phần nhượng bộ...
“Theo đúng chỉ thị của Cao ủy, Sainteny phải ở Sài Gòn chờ lệnh trở về nhiệm sở. Tôi cũng có nghĩ đến rằng không nên làm ảnh hưởng đến uy tín của ông Ủy viên thực thụ trong việc giải quyết các vụ rắc rối mà nếu giữ gọn trên một bình diện thuần túy quân sự thì dường như là có lợi cho chúng ta hơn.
“Những diễn biến mới của tình hình đã buộc tôi phải phái ông ta trở về ngay nhiệm sở. Thực tế cũng nói lên rằng ông ta là người duy nhất có thể tiếp tục khai thác tình hình về mặt chính trị. Đây là những việc mà tôi thấy cần phải quyết định sau khi được xem những chỉ thị cuối cùng của Chính phủ”...
Trên thực tế, Hà Nội đã bắt đầu thi hành một chiến lược mới. Hoàng Minh Giám, được Hồ Chí Minh gọi về, đã rời Paris trên cùng một chuyến bay với Sainteny và đến Calcutta mới chia tay với Sainteny để bay thẳng về Hà Nội. Hình như ông ta đã chứng minh cho ông Hồ rằng những dữ kiện của vấn đề đã được sửa đổi sâu sắc do những chuyển biến chính trị đang diễn ra tại Paris. Bidault, đã đệ đơn từ chức, không thể ra những chỉ thị có hiệu lực cho d’Argenlieu nữa. Vậy là từ đây phải nhất thiết chờ đợi thời cơ, cho đến khi một chính phủ mới được thành lập tại Paris; chính phủ mới này có nhiều cơ may nghiêng tả hơn chính phủ trước, do đó sẽ sẵn sàng có thiện ý với Việt Nam hơn. Thực tế, ngày 30/11, Ban Thường trực Quốc hội Việt Nam quyết định loan báo cho Quốc hội Pháp biết về cuộc xung đột xảy ra và yêu cầu Quốc hội Pháp cử một phái đoàn sang điều tra tại chỗ. Từ Hà Nội, tướng Morlière ngày 30/11 đã điện về cho Paris:
“Trước sự quyết tâm mãnh liệt và rõ ràng của Chính phủ Pháp và sự không thể bàn cãi gì trên văn bản các yêu sách của Pháp, dường như Chính phủ Việt Nam không nghĩ đến một hành động tiến công mà cố tình kéo dài”.
Và, ngày 01/12, sau khi đã gặp Giám và Nam[61], tướng Morlière đã ghi nhận: “Nguyện vọng của Việt Nam là không mở rộng cuộc xung đột Hà Nội và không tấn công” nhưng cũng “Quyết tâm tự vệ chống mọi khiêu khích mới”. Dù cách nào thì các nhà lãnh đạo Hà Nội dường như cũng đặt ít nhiều hy vọng vào việc trở lại Hà Nội của ông Sainteny, mà họ biết đang có mặt tại Sài Gòn.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)