Thành công có nghĩa là thoát khỏi những nếp nghĩ cũ kỹ và chọn cho mình một hướng đi độc lập.

Keith DeGreen

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 65
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 67: Bức Thông Tri Barjot Và Cái Thẻ Humbert
ể đề phòng việc Ủy ban Liên bộ Đông Dương ngày 29/11 sẽ gửi những chỉ thị mới cho đô đốc d’Argenlieu, chuẩn đô đốc Barjot, phó tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, đã soạn thảo một thông tri chi tiết, trong đó, sau khi đã căn cứ trên cơ sở tất cả những nguồn thông tin có được, để vẽ lại quá trình diễn biến của các sự kiện Hải Phòng và Lạng Sơn, ông lưu ý d’Argenlieu về những nguy cơ tai hại mà tình hình căng thẳng mới ở Bắc Kỳ có thể đưa lại. Theo Barjot, quyền lợi cơ bản của nước Pháp không nằm ở Bắc Kỳ. Nước Pháp đang có nguy cơ bị lôi cuốn vào một cuộc phiêu lưu rất tốn kém bao hàm cả việc gửi nhiều đợt viện binh sang. Không được bỏ trống miền Nam. “Chính là tại Nam Kỳ mà lực lượng quân sự của chúng ta phải ở lại”.
Trong bản dự thảo chỉ thị, đề ngày 28/11, đã được chuẩn bị để đệ lên Hội đồng ngày 29/11; cũng nhắc lại rằng các mục tiêu của Pháp tại Đông Dương đều hạn chế. Văn bản này, ngày nay chỉ còn giá trị lịch sử, bởi vì khi đó nó sẽ không được thực thi (nhưng nó sẽ được sử dụng lại một phần sau này, năm 1947). Nhưng nó đề cập theo một cách thức mới, vấn đề chính sách Nam Kỳ.
“Cần phải tìm cách thành lập một chính phủ Nam Kỳ mới bao gồm những nhân vật có chính kiến thống nhất ôn hòa, những phần tử quốc gia thuộc những xu hướng khác nhau không thuộc vào một tổ chức nào trong các tổ chức đã vận dụng một cách có hệ thống những phương pháp khủng bố bằng bạo lực...
“Mọi cố gắng... của Chính phủ đều phải hướng đến chỗ có những nhà chức trách đủ khả năng diễn đạt chân thành nguyện vọng của nhân dân Nam Kỳ và khi cần, có thể bàn bạc về quyền lợi và chế độ tương lai của nó với nhà cầm quyền Hà Nội. Có thể nghĩ đến việc thống nhất ba kỳ dưới những hình thức tương đối chặt chẽ, bởi vì mục đích cuối cùng phải đạt tới là có trong nội bộ Việt Nam những đơn vị hành chính khác nhau cho mỗi xứ sát nhập...
Sau khi gợi ý rằng “những cuộc điều đình trực tiếp” giữa Sài Gòn và Hà Nội, trước mặt người đại diện của nước Pháp “có thể có khả năng hình thành và áp dụng một chế độ như thế nào đó khiến cho cuộc trưng cầu dân ý trở thành vô ích”. Bản dự án viết tiếp:
“Việc chiếm đóng các khu vục vùng biên giới Việt Trung phải được mở rộng, tới một mức độ phù hợp với những phương tiện chúng ta có, nhằm tạo ra một sự kiểm soát đối với các vùng này và mở rộng chế độ bảo hộ của chúng ta đối với các nhóm dân tộc thiểu số...”
Nhưng nói đến Tạm ước, bản báo cáo khẳng định rằng “những kết quả thu nhận được cho đến nay, cho dù nó có làm tiêu tan bao nhiêu hy vọng vài ba tuần trước đây, thì đó vẫn không phải lý do chính đáng để hoãn thi hành hoặc để tố cáo bản Tạm ước”. Ngược lại:
“Cần phải đặt Chính phủ nước Việt Nam DCCH trước trách nhiệm của họ về việc giữ gìn trật tự an ninh... Chính phủ Pháp không thể nào làm ngơ trước những vụ vi phạm lệnh ngưng bắn đã được hai bên tự nguyện chấp nhận với nhau...
“Chính phủ xét thấy cần phải đi đến chỗ làm cho Chính phủ Việt Nam DCCH hiểu ra rằng một sự hợp tác trung thực với nhau là phù hợp với nhu cầu quyền lợi chung và sẽ mang lại kết quả là một sự mở rộng chế độ tự do cho đất nước họ. Phía chúng ta, phải hết sức giữ gìn, đừng làm một việc gì có thể bị coi như một vị phạm hiệp định...
“Chính phủ tin chắc rằng việc áp dụng Tạm ước, được chỉ đạo một cách trung thực và kiên quyết, phải có tác dụng giải tỏa được tình trạng lộn xộn và vô tổ chức đang đè nặng lên Đông Dương”.
Như vậy là bản dự án đã được thảo ra với lời lẽ rất đúng mức và cho phép nhận định rằng, ngày hôm đó, Chính phủ Paris không quan trọng hóa chút nào những vụ rắc rối xảy ra tại Bắc Kỳ. Nó cũng không thỏa mãn yêu cầu của ông Cao ủy muốn hoãn việc thi hành Tạm ước. Trái lại, nó chỉ thị cho đô đốc d’Argenlieu phải nhanh chóng thi hành.
Về diễn biến của cuộc thảo luận tại Ủy ban, người ta chỉ còn tờ biên bản cuộc họp do A. Ségalat ghi. Người ta chú ý nhất là việc Bidault tuyên bố “Không nên thi hành ở Đông Dương bất cứ điều gì có thể làm tiền lệ, nhất là đối với Maroc và Tunisie, về phương diện những nhượng bộ hoặc về phương diện những sáng kiến... Toàn bộ vấn đề này không thể dùng bạo lực để giải quyết được... Dư luận công chúng thế giới sẽ không cho phép chúng ta được quyền tự do để làm như vậy và chúng ta cũng sẽ không được dư luận công chúng Pháp ủng hộ chút nào. Nhưng cần phải kiên quyết làm cho mọi người biết rằng nước Pháp sẽ không rời bỏ Đông Dương và nó sẽ bảo vệ cho sự hiện diện của nó bằng mọi phương tiện”.
Ủy ban quyết định đáp ứng yêu cầu của tướng Valluy và gửi viện quân sang Đông Dương. Nhưng người ta không thể hoàn toàn nhất trí với nhau về những chỉ thị cần gửi cho đô đốc d’Argenlieu và định giao việc này cho chính phủ tương lai, chính phủ này có khả năng căn cứ vào tình hình mới ở địa phương để làm việc đó hơn.
Bộ Quốc phòng rất dè dặt trước những yêu cầu của Valluy. Ngày 30/11, tướng Humbert, chủ nhiệm văn phòng quân sự của thủ tướng, trao lại cho Valluy một cái “phiếu” về vấn đề viện binh cần gửi sang cho Đông Dương. Người ta đọc thấy cái phiếu ghi:
“Ủy ban Đông Dương đã quyết định gửi viện binh sang Đông Dương. Chẳng có gì cản trở biện pháp này nếu nó có một giới hạn và chỉ nhằm biểu hiện một cử chỉ sau những vụ rắc rối Hải Phòng.
“Trái lại, nếu nó là bước “giáo đầu” cho một chính sách vũ lực ở Đông Dương, thì nó trở thành đặc biệt nguy hiểm đấy. Nước Pháp có thể phung phí quân số một cách vô ích. Sẽ là sự tái diễn của những sự kiện Rif[59] năm 1925 thôi. Đông Dương đối với quân đội Pháp sẽ như “chiếc thùng của các nàng Danaides”[60], bởi vì một chiến dịch vũ lực tại Đông Dươg vượt ra ngoài khả năng của nó (quân đội Pháp)....
D’Argenlieu và Valluy thấy Paris do dự và không cả đồng tình với chính sách của hai người. Họ bèn quyết định “chờ thời” bằng cách sử dụng một chiến lược khác, lần này có tính chất chính trị hơn, bằng cách lôi cuốn J. Sainteny tham gia, làm cho uy tín Sainteny bị ảnh hưởng.
Sau cuộc đàm phán Fontainebleau và ngày Hồ Chí Minh lên đường về nước, Sainteny ngại ngùng nghĩ đến chuyện lại phải trở sang Hà Nội, tuy rằng về danh nghĩa ông ta vẫn là ủy viên nước Cộng hòa tại Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ. Tuy nhiên, ông đô đốc đã thăm dò ý kiến Sainteny từ hồi tháng bảy về khả năng một nhiệm kỳ mới và đến ngày 30 tháng 9 thì ông đô dốc đã chính thức hỏi Sainteny có nhận tiếp tục chức vụ của mình tại Hà Nội nữa hay không. Ngày 11/10, trong một bức thư gửi ông đô đốc, Sainteny đã nói “sẵn sàng trở lại nhiệm sở” và hy vọng có mặt tại Sài Gòn “trong nửa đầu tháng 11”. Nhưng rồi ngày đi của ông ta bị hoãn lại, và bị đặt mình trước việc ông Cao ủy chỉ một vài hôm nữa là đã bay sang Pháp, họ bèn thỏa thuận rằng Sainteny sẽ đợi d’Argenlieu tại Pariss và nhận chỉ thị của ông ta trước khi trở lại Việt Nam. Ông đô đốc đã gặp được Sainteny ngay khi ông vừa đếm Paris; ông đã trao cho Sainteny những chỉ thị của ông vào ngày 16/11 và ngày 22, Sainteny đi Sài Gòn. Ông ta đến Sài Gòn ngày 25, đúng vào lúc mà ở miền Bắc diễn ra trận đánh Hải Phòng.
Hành động theo sự chỉ đạo của ông đô đốc, Valluy đã không muốn để Sainteny trở lại nhiệm sở của mình ở Hà Nội lúc này. Valluy nghĩ rằng: “tốt hơn là đừng làm ảnh hưởng đến uy tín của ông Ủy viên Cộng hòa trong việc giải quyết những vụ rắc rối mà nếu như giữ được trên một bình diện thuần túy quân sự thì dường như là có lợi hơn cả”. Nhưng, ngày 30/11, ông đột ngột thay đổi ý kiến, báo cho Paris biết rằng ông đã quyết định “cấp tốc phái ngay Sainteny trở về nhiệm sở. Thực tế cho thấy rằng chỉ một mình ông ta có khả năng tiếp tục khai thác tình hình về phương diện chính trị”.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)