Love is a puzzle posed by the emotions and not likely to be solved by reason.

Anon

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 65
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 62: Kế Hoạch Valluy - D’Argenlieu
ại Sài Gòn, người ta đang đi đến thời điểm lựa chọn. Tại đây, người ta cho rằng Nam Kỳ, cái trục xoay và cơ sở của chính sách Pháp ở Đông Dương, đang gặp nguy cơ trầm trọng. Đúng là chiến sự đã chấm dứt, nhưng kẻ thù vẫn còn ở lại vị trí của nó. Tình hình chính trị mập mờ. Phe ly khai thì hết sức hoang mang, lòng tin ở nước Pháp bị xói mòn; chủ nghĩa dân tộc đang trên chiều hướng đi lên. Một lần nữa, các nhà lãnh đạo Sài Gòn lại đi đến kết luận: cần phải cứng rắn.
Trong tình huống đó, chuyến đi Paris của ông đô đốc mang một ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Nhất thiết Chính phủ Pháp, nếu có thể, ủng hộ ông trong cuộc thử thách sức mạnh với Hà Nội mà ông thấy không thể nào tránh khỏi trong một ngày không xa. Những mưu đồ tính toán của Việt Minh phải bị đảo lộn và “Nam Kỳ phải được nước Pháp cứu vãn”.
Để có đủ căn cứ nói chuyện với Paris một cách chủ động, d’Argenlieu đã yêu cầu Valluy làm cho ông một bản nhận xét tỉ mỉ về tình hình. Ngày 9/11, Valluy đã gửi cho d’Argenlieu bản báo cáo dưới đây:
“Theo đúng những chỉ thị mà Ngài đã truyền đạt, tôi hân hạnh gửi kèm theo đây cho Ngài một bản nghiên cứu tóm tắt, dưới dạng một bản sơ thảo dự án, về một hành động bạo lực sẽ thực hiện tại Bắc Kỳ.
“Bản nghiên cứu này bao gồm hai giải pháp: một giải pháp số một với việc duy trì chiếm đóng Hà Nội; một giải pháp số hai với việc rút khỏi Hà Nội. Những thuận lợi và bất lợi của mỗi giải pháp có thể tóm tắt lại trong bảng thống kê theo kiểu sơ đồ dưới đây (tiếp theo là một bảng thống kê).
“Những nhận xét này đều có một trọng lượng nhất định mà Ngài có trách nhiệm nên lựa chọn giải pháp nào. Dĩ nhiên là những giải pháp trên có thể được chuẩn bị trong từng chi tiết. Như vậy Ngài có thể lựa chọn không cần điều kiện tiên quyết mà tùy hoàn cảnh từng lúc”.
Trong lúc đó, các cuộc bầu cử tại Pháp đã kết thúc với sự thắng lợi của cánh tả. Đảng Cộng sản thay chỗ cho phong trào Cộng hòa bình dân với tư cách là “chính đảng số 1” của Pháp, ít ra là về số phiếu giành được và Đảng xã hội, tuy có bị thụt lùi so với trước, vẫn còn mạnh. Trong điều kiện ấy, phong trào Cộng hòa bình dân khó lòng mà giữ nổi quyền lãnh đạo chính phủ. Đô đốc d’Argenlieu và các cố vấn của ông ta không còn có thể nuôi dưỡng được bao nhiêu ảo tưởng nữa trong cái ngày 11/11 này: họ khó mà hy vọng sẽ được chính phủ sắp tới ủng hộ mình đến cùng chống lại với Chính phủ Hà Nội. “Ván bài” đối với họ có thể bị lật ngược. Họ cùng một lúc phải làm sao chi phối được chính phủ mới, buộc chính phủ phải nhúng tay vào vấn đề Đông Dương và tránh được khỏi bị khiển trách, đồng thời phải hành động làm sao để tạo ra được ở Việt Nam một sự “căng thẳng tích cực”, có nghĩa là khai thác được một cách có lợi cho cái mà họ nghĩ là quyền lợi của nước Pháp.
Ngày 12/11, d’Argenlieu trả lời như sau cho bản báo cáo của Valluy:
“Nếu như bất chấp những cố gắng của Chính phủ Pháp nhằm đi đến một hiệp định phải chăng với Chính phủ Hà Nội, chiến sự vẫn cứ phải tái diễn tại một số địa bàn hành quân ở Đông Dương, thì điều quan trọng nhất là quân đội ta phải có đủ khả năng, không những để chịu đựng một cuộc tấn công bất thình lình, mà còn phải trả đũa bằng một hành động mạnh quyết định...
“Những đợt cải tiến cách bố trí lực lượng quân sự ở miền Nam, dù có hiệu quả mấy đi nữa, cũng vẫn không đủ để ngăn chặn một chế độ khủng bố mà từ cơ quan lãnh đạo đến quân đội và các trung tâm quân sự đều được hưởng một sự an toàn tuyệt đối trong những vùng lãnh thổ gọi là của Việt Nam.
“Vậy chúng ta phải dự kiến trước cái giả thiết là sau khi đã vận dụng hết mọi khả năng hòa hoãn, Chính phủ Pháp thấy buộc lòng phải đối phó với tình hình chiến sự tái diễn bằng một hành động mạnh trực diện chống lại Chính phủ Hà Nội.
“Trong thực tế, sự bố trí lực lượng quân sự của chúng ta tại Bắc Kỳ hầu như không đủ để đối phó với một sự kiện bất trắc như vậy. Bị phân tán nhiều nơi, đường liên lạc quá rộng, quân số bị giảm dần tiếp theo những đợt hồi hương làm cho nó vừa dễ bị tổn thương trước hoạt động của quân du kích vừa không đủ sức mở những cuộc tấn công.
“Một sự tập hợp và phiên chế mới là cần thiết; nó cho phép:
— Cơ bản giữ vững căn cứ chiến lược Hải Phòng - Vịnh Ha Long, bao gồm vùng mỏ Bắc Kỳ;
— Giữ vững căn cứ không quân-lục quân Hà Nội làm căn cứ xuất phát tiền tiêu của những hành động vũ lực nhằm mục đích nếu có xung đột xảy ra thì vô hiệu hóa Chính phủ Hà Nội và tiêu diệt các trung tâm quân sự Hà Đông - Sơn Tây - Tông và nếu cần thì Hòa Bình;
— Bảo đảm ít ra là tạm thời sự tự do liên lạc giữa hai căn cứ đó;
“Sự bố trí lực lượng này cần được tiến hành dần mà không cần có những hành vi quân sự vô ích. Nó phải được hoàn thành vào cuối năm 1946...
“Nói tóm lại, không cần phải tiên đoán gì về diễn biến của cuộc điều đình với Chính phủ Việt Nam, nhiệm vụ chính của lực lượng quân sự Pháp được xác định như sau:
— Tại Nam Kỳ và miền Nam Trung Kỳ: thực thi các điều khoản của Tạm ước đã được cụ thể hóa trong bức thư của tôi ngày 22/10/1946,
— Tại Bắc Kỳ: sau khi đã tập hợp và phiên chế lại lực lượng tập trung chủ yếu vào căn cứ chính Hải Phòng - Vịnh Hạ Long và căn cứ thứ yếu Hà Nội, chuẩn bị sẵn sàng để đối phó lại khi cần kể từ tháng giêng 1947, với một sự bùng nổ trở lại của chiến tranh, bằng một hành động vũ lực nhằm vô hiệu hóa Chính phủ Hà Nội về mặt chính trị cũng như quân sự và qua đó làm cho cuộc bình định miền Nam được dễ dàng.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)