Không phải tự dưng kim cương có thể sáng lấp lánh.

Mary Case

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 65
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 52: Đàm Phán Lại Tiếp Tục
hính phủ Pháp không để cho các gợi ý của ông đô đốc lôi cuốn được mình. Trong khi điện cho d’Argenlieu, Bidault viết thư cho Phạm Văn Đồng rằng việc tạm ngưng hội nghị Fontainebleau mà ông đã gây ra không thể được biện bạch với lý do là việc tổ chức một cuộc “hội nghị sơ bộ” mà chỉ một mình Chính phủ Pháp phải đánh giá những điều nó đề xuất.
Nhưng ngày 7/8, khi bức giác thư của ông đô đốc đề ngày 2 đến Paris, thì dư luận bỗng sôi lên trước một sự việc bất trắc xảy ra tại Bắc Bộ: một đoàn quân Pháp hành quân lên Lạng Sơn bị tấn công tại Bắc Ninh: có những người chết và bị thương. Báo chí hăng tiết, lên án Việt Minh là phản bội và ác ý. Nhưng sự việc được giải quyết nhanh chóng tại Hà Nội giữa các nhà chức trách địa phương (đại tá Crépin và ông Giáp) và tại Paris, Chính phủ Pháp cũng đã nhanh chóng nắm được tình hình, không bi kịch hóa vấn đề chút nào.
Về phía mình, đô đốc d’Argenlieu, ngày 9/8, gửi một bức điện “sôi động hùng hồn” cho tướng Valluy, trong đó vừa tố cáo “cuộc tấn công bỉ ổi” ấy, vừa bộc lộ một “nỗi bất bình có suy nghĩ của mình vì vụ mưu sát kia là một kế hoạch có chuẩn bị sẵn và ngay trong cái phút giây mà tại Paris phái đoàn Việt Nam yêu cầu nước Pháp hãy tin tưởng ở họ, thì những hành động tội ác như vậy của một quân đội gọi là chính quy quả là bỉ ổi”.
Chính phủ xét thấy cần phải tiến lên phía trước. Trái với Nha Dân sự, Chính phủ muốn nhanh chóng đạt tới một hiệp định với ông Hồ Chí Minh; và, bởi rõ ràng hiện nay không thể nào giải quyết được tất cả mọi vấn đề, thì phải cố gắng ổn định quan hệ với Việt Nam trên những nền tảng tạm thời. Vả chăng đây cũng là nghị trình của Ủy ban Liên bộ Đông Dương được triệu tập họp ngày 10/8, công văn giấy tờ đã được chuẩn bị cuộc họp này. Ngày 9/8, Max André thông báo cho phái đoàn Việt Nam biết rằng cuộc Hội nghị Đà Lạt không tạo nên một trở ngại gì đối với việc nối tiếp lại cuộc đàm phán Fontainebleau cả. Phái đoàn Việt Nam tỏ thái độ sẵn sàng và Hồ Chí Minh, đã ấn định ngày về nước là ngày 14/8, nay quyết định lưu lại.
Ủy ban Liên bộ, họp ngày 10 và 12/8 để xem xét tình bình Đông Dương, đã phân tích bức giác thư của d’Argenlieu, gạt những kết luận của ông đô đốc ra và cũng thảo luận một dự án ghi nhớ về quan điểm của Pháp và một dự án về tuyên bố chung. Hai văn kiện này đã được sự duyệt y của Hội đồng Bộ trưởng ngày 14/8 và sẽ thể hiện cơ sở lập trường của Pháp. Bản tuyên bố chủ yếu nói rằng, do hoàn cảnh, cần phải làm dịu bớt những cuộc tranh luận.
“Cho nên Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp nhiệt tình mong muốn nối lại cuộc đàm phán càng sớm càng hay... Mặc dầu có những trở ngại nhưng với một niềm tin vững chắc Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp (GPRF) nhận thấy có khả năng tìm ra cùng với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những nền tảng của một sự thỏa thuận giới hạn, nhưng sẽ đánh dấu một giai đoạn mới và quan trọng trên con đường đã được mở ra với hiệp định sơ bộ 6/3 và cho phép, thông qua một sự cải thiện không ngừng những quan hệ giữa hai nước, đạt đến thành công trong những cuộc đàm phán sau này.
“Nhằm kết quả đó, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp luôn luôn tôn trọng những điều đã cam kết đối với nhân dân Đông Dương và đặc biệt, đối với nước Việt Nam DCCH, tôn trọng hiệp định 6/3, nhận thấy cần thiết phải định nghĩa rõ ràng ngắn gọn những điểm cơ bản cho một hiệp định công bằng và lâu dài”.
Tiếp theo: Sự bảo đảm và tôn trọng những quyền và những lợi ích chính đáng của nước Pháp; việc bảo vệ các “dân tộc ít người và các thiểu số chính trị”; hiệu quả của một Liên bang Đông Dương, mà không ngăn cản các nước thành viên hưởng “chủ quyền quốc gia” của họ. Trên cơ sở những nguyên tắc ấy, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp đã dự thảo một bản tóm tắt cho “có thể dùng cho hội nghị làm chương trình nghị sự”. Văn bản này gồm 12 điều khoản trong hai trang; nó nêu lên cái quan niệm của nước Pháp về những mối quan hệ của Pháp với Việt Nam. Trong điều 11, nó diễn đạt như sau về vấn đề Nam Bộ:
“Cuộc trưng cầu dân ý đã được dự kiến trong hiệp định sơ bộ 6/3/1946 sẽ được tiến hành ngay khi trật tự được lập lại. Nó bao hàm cái quyền tự quyết tuyệt đối của nhân dân trên cơ sở ý muốn của quần chúng”.
“Những cuộc thương lượng sau này sẽ chỉ rõ những điều kiện trong đó cuộc trưng cầu dân ý này sẽ được tổ chức với đầy đủ những bảo đảm về tự do, chân thực và thẳng thắn cần thiết”.
Được Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp thông qua, những văn kiện đó đã được Sainteny chuyển cho Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam ngày 19/8. Phái đoàn Việt Nam vừa khẳng định những lời nhận xét riêng của mình, vừa trả lời ngày 20 bằng một bản “chống dự án” thành văn.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)