No entertainment is so cheap as reading, nor any pleasure so lasting.

Mary Wortley Montagu

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 67
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 51: Và Bất Đồng Nữa Trên Lãnh Vực Kinh Tế.
hạm Văn Đồng sẽ nói rằng Việt Nam không thể nào đối xử với người Pháp như công dân của mình được. “Các ngài đến đất nước chúng tôi trong khi chúng tôi ở trên đất nước của mình. Sự khác biệt là cơ bản”. Nhưng ông chấp nhận cho người Pháp được hưởng một chế độ ưu tiên và bảo đảm sẽ không có một luật lệ phân biệt nào được ban hành ra nhằm chống lại họ. Người Pháp sẽ được hưởng quyền cư trú tự do miễn là họ tuân theo pháp luật của đất nước. Nhưng ở điểm này, Chính phủ Pháp mong muốn Việt Nam cam kết sẽ không thay đổi gì trong chế độ sản của người Pháp khi chưa được sự đồng ý của Chính phủ Pháp. Phái đoàn Việt Nam, đã chứng kiến việc nước Pháp những năm gần đây đã quốc hữu hóa các hầm mỏ, điện, khí đốt, các ngân hàng và các công ty bảo hiểm và bản thân họ (phái đoàn Việt Nam) cũng xét thấy cần thiết Nhà nước phải nắm lấy quyền kiểm soát hoặc quyền sở hữu những xí nghiệp công ích, chỉ cam kết không hành động đơn phương cho đến khi hiệp ước được ký kết. Đây là một điểm mà hai bên đối đầu rất căng thẳng vì phái đoàn Pháp không chấp nhận cả việc Chính phủ Việt Nam mua lại những xí nghiệp của Pháp.
Sau nữa, về vấn đề viện trợ kỹ thuật, các đại diện của Pháp nhấn mạnh về việc dành ưu tiên tuyệt đối cho kỹ thuật viên Pháp. Phía Việt Nam sẽ chấp nhận vấn đề này trên nguyên tắc nhưng sẽ nói thêm rằng sự ưu tiên đó chỉ được thực hiện với những điều kiện và chất lượng bình đẳng và ngang nhau. Họ sẽ khẳng định nguyện vọng là: trong việc tiếp xúc và tuyển dụng những kỹ thuật viên tư nhân mà họ thấy cần thiết, họ không phải thông qua trung gian của Chính phủ Pháp. Một thỏa thuận sẽ được thực hiện về điểm này.
Nhưng, cũng như ở Đà Lạt, vấn đề Nam Kỳ sẽ trở thành hòn đá cản của hội nghị. Ngay từ ngày 12/7, Hồ Chí Minh cũng đã nói:
“Nam Bộ là đất Việt Nam. Nó là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi... Trước khi đảo Corse trở thành đất của Pháp, thì Nam Bộ đã là đất Việt Nam... Về điểm này, tôi khẳng định rằng tôi tin tưởng ở nước Pháp mới... Một cuộc trưng cầu dân ý tốn kém lắm. Nếu chúng ta thỏa thuận được với nhau mà không cần phải tổ chức trưng cầu dân ý, thì tốt hơn... Nếu không chúng ta sẽ cứ tổ chức một cách chân thành và thẳng thắn và kết quả sẽ vẫn như vậy mà thôi”.
Tại tiểu ban, vấn đề Nam Bộ hầu như không tiến triển được chút nào. Đến nỗi một đại biểu Việt Nam (Nam Bộ), Dương Bạch Mai, nói công khai ngay tại phiên họp toàn thể ngày 26/7:
“Số phận của cuộc hội nghị này phụ thuộc chặt chẽ vào vấn đề ba kỳ. Chừng nào mà Nam Kỳ, bằng cách này hay cách khác, còn bị tách ra khỏi Việt Nam, thì việc thỏa thuận giữa nước Pháp và nước Việt Nam sẽ không bao giờ có được. Mọi sự đều tùy thuộc vấn đề Nam Kỳ: tình hữu nghị Pháp - Việt, hòa bình cũng như trật tự ở Việt Nam, tương lai những quan hệ của chúng ta. Phải giải quyết vấn đề này càng sớm càng hay”.
• Cuộc hội nghị Đà Lạt lần thứ hai
Trong thời gian này, đô đốc d’Argenlieu nhức nhối tâm can về cái cách thức mà Hồ Chí Minh cùng phái đoàn của ông được Chính phủ đón tiếp tại Paris, cũng như về những sự đả kích mãnh liệt mà đường lối chính trị của ông ta là đối tượng, cố làm sao cơ bản “tương đối hóa” cuộc thương thuyết Pháp - Việt, tránh sao cho nó đừng giải quyết số phận xứ Đông Dương ngoài cái “Chính phủ liên bang” mà ông ta là người đứng đầu. “Nước Cộng hòa Việt Nam” - ông ta nhấn mạnh - chỉ là “một trong những thành viên” của Liên bang Đông Dương mà ông ta là người lãnh đạo. Phải làm cho ông Hồ hiểu điều đó.
Từ ngày 4/7, trong một bức thư gửi Georges Bidault, ông ta bắt đầu bằng một sự liên hệ tới cái “trách nhiệm vô cùng to lớn đối với toàn thể nhân dân An Nam đang đổ xuống đầu chúng ta. Nước Pháp không thể bằng một nét bút mà bỏ rơi cả 20 triệu sinh linh, trong đó một số quan trọng và là phần đông ở tại một số vùng rất ghê tởm cái ý thức hệ và những phương pháp cai trị của đảng cầm quyền, chỉ vì một mục đích là cứu vớt lấy những lợi ích kinh tế và tài chánh của nó tại Việt Nam... Sứ mệnh của chúng ta tại Đông Dương vượt xa cái khuôn khổ chật hẹp của những dữ kiện vật chất ấy”...
Cũng ngày 4/7, ông ta lại nói rõ trong một chỉ thị cho Sài Gòn rằng “tất cả những quốc gia thành viên đều phải được mời cộng tác trên quan hệ bình đẳng với tổ chức Liên bang Đông Dương”. Vì vậy ông ta dự kiến “một cuộc hội nghị trù bị tại Đà Lạt trong đó sẽ mời đại diện các chính phủ Campuchia, Lào, Nam Kỳ và có thể cả miền Nam Trung Kỳ. Mục tiêu của hội nghị là đi tìm những nền tảng cho những hiệp định mà người ta sẽ hoàn tất dưới hình thức cuối cùng, chính thức của nó tại Paris”.
Ông đô đốc đã rời Paris ngày 10/7 trước khi Chính phủ Paris, vừa tuyên bố tín nhiệm ông ta, chưa kịp quan tâm đến những điều ông ta gợi ý, thậm chí cả chưa kịp hiểu.
Ông ta về đến Sài Gòn. Giờ đây, ông ta được hoàn toàn tự do. Quả thế, ngày 19/7 tướng Leclerc vĩnh viễn rời Sài Gòn (cùng với đoàn tùy tùng của ông ta), chuyển giao bộ chỉ huy quân đội lại cho tướng Valluy; tướng Valluy lại bàn giao chức vụ tạm Quyền ủy viên của nước Cộng hòa Pháp tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ sang cho đại tá Crépin. Còn Sainteny thì đã về Paris từ ngày 18/4 cùng với các đồng sự trực tiếp của mình. Vậy là d’Argenlieu đã thấy rời bỏ “khu vực tác chiến” của ông ta những người đã bất tán thành cả sự tiếp cận cũng như chính sách của ông ta.
Ngày 22/7, tại Sài Gòn, ông ta khẳng định rằng “Hội nghị trù bị và nghiên cứu quy chế của Liên bang” sẽ khai mạc vào ngày 1/8 tại Đà Lạt. Báo chí đăng cái tin này lên; bề ngoài, có vẻ như Chính phủ Pháp bị bất ngờ. Từ ngày 20/7, tại phiên họp toàn thể, phái đoàn Việt Nam chính thức phản đối. Đến nỗi Chính phủ đâm bối rối. Ngày 28/7, Moutet yêu cầu ông đô đốc giải thích:
“Công hàm ngày 24 vừa qua của ngài thông báo về cuộc hội nghị mới ở Dà Lạt ngày 1/8 về phương án Liên bang làm tôi hết sức ngạc nhiên. Chính phủ chưa bao giờ được hỏi ý kiến xem cuộc hội nghị này có đúng lúc hay không, trong khi cuộc hội nghị Fontainebleau còn đang tiếp diễn. Tôi mới được thông báo ngày thứ tư, nhưng ngay từ hôm thứ hai báo chí và đài phát thanh đã đưa tin. Ông Hồ Chí Minh phản đối tôi kịch liệt. Tôi không có cách nào trả lời được cho ông ta, bởi vì chưa hề được thông báo.
“Theo ý nghĩ riêng tôi thì cuộc hội nghị đó phạm hai sai lầm: Nó đặt Chính phủ trước một sự việc đã rồi. Nó tạo nên một không khí kém thuận lợi cho công cuộc đàm phán Fontainebleau. Từ hôm lên đường đi Paris, phái đoàn Việt Nam đã nhận được dồn dập tin tức: thành lập chính phủ Nam Kỳ, vấn đề các cao nguyên Mọi, việc chiếm đóng phủ Toàn quyền, hội nghị Liên bang tại Đà Lạt. Hành vi này có thể là có ích, nhưng do điều kiện thực hiện và thời điểm đã chọn nên có thể gây cảm tưởng rằng Chính phủ Pháp không thi hành nghiêm túc hiệp định 6/3. Tôi còn rất dè dặt vì chưa có thể báo cáo Chính phủ được.
Ký tên: MOUTET”
D’Argenlieu, bằng bức điện ngày 30/7, trả lời Moutet rằng ông ta đã báo cáo cho Chính phủ biết trước rồi. Nhưng ngay ngày 27, tức trước ngày nhận được bức điện của Moutet, ông ta đã viết thư cho tướng De Gaulle để bộc lộ nỗi bất bình vì ông nhận thấy các giới cao cấp ở Paris “thiếu tính cách”. Ông ta còn nói thêm rằng cuộc “khủng hoảng quyền lực” mà dường như ông ta thoáng thấy đang xảy ra ở Paris làm cho ông hốt hoảng “thật sự”.
“Tôi nói “thật sự” bởi vì qủa thực lập trường của chúng ta đã khá vững vàng, đủ cho phép chúng ta thực hiện ý đồ của Pháp trên toàn bộ đất nước và khi cần thì áp đặt cho họ. Việc này có thể dễ dàng hoàn thành về căn bản trong vòng ba tháng, nếu biết hành động hiên trì, quả quyết và ngọt ngào...”
Dù nói gì đi nữa thì khi có tin bay đến Paris rằng cuộc hội nghị Đà Lạt đã khai mạc thực ngày 01/8 dưới sự chủ tọa của tướng Alessandri, ông Phạm Văn Đồng đã đóng sập cửa cái rầm theo tác phong mãnh liệt quen thuộc của ông. Cùng ngày hôm ấy, 1/8, ông đọc và trao lại một bức công hàm cho phái đoàn Pháp:
“Chúng ta ở trong cái thế “hai đường chọn một” sau đây: - Hoặc là các nhà chức trách Pháp tại Nam Bộ quyết định số phận của Nam Bộ, của miền Nam Trung Bộ, của vùng Tây Nguyên và quy chế của Liên bang Đông Dương. Trong trường hợp này, thì hiệp định 6/3 sẽ trở thành không nội dung và cuộc hội nghị Fontainebleau mà chúng ta đang họp cũng không có lý do tồn tại. - Hoặc hiệp định 6/3 phải được thi hành, trong trường hợp này, chỉ có hội nghị Fontainebleau là có thẩm quyền bàn bạc về những vấn đề đó. Phẩm cách của chúng ta đặt ra cho chúng ta cái trách nhiệm phải thoát ra khỏ tình huống lập lờ này và do đó, phải hoãn công việc chúng ta lại cho đến khi tình huống lập lờ ấy biến tan đi”.
Việc trì hoãn cũng không cải thiện nổi một không khí vốn đã đầy khó khăn. Bidault, bối rối, bèn “chất vấn” ông đô đốc trong một bức điện ngày 3/8:
“Như ông bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại (FOM) đã điện cho ngài, việc triệu tập hội nghị Đà Lạt đã mang đến những kết quả đáng tiếc. Phái đoàn Việt Nam đã chộp ngay cơ hội để cố gây ra một sự bất tín nhiệm của Chính phủ đối với ngài. Điều đó không được dự hiến. Để cho phép hội nghị Fontainebleau tái họp, cần thiết phải làm sáng tỏ tình hình. Sẽ chỉ ra rằng cuộc hội nghị Đà Lạt này là trù bị và ngài làm như vậy là nhằm tham khảo ý kiến rộng rãi về vấn đề Liên bang, tức không trái gì với tinh thần hiệp định 6/3. Để luận cứ này có sức thuyết phục, nên tránh quan trọng hóa công việc của hội nghị Đà Lạt, do đó phải rút gọn thời gian càng ngắn càng tốt bằng cách chỉ khoác một tính chất tư vấn cho những nghị quyết hoặc nguyện vọng có thể được đề bạt và thông qua một sự kiểm soát hết sức chặt chẽ của ngài. Tôi sẽ theo phương hướng này để trả lời bản tuyên bố của phái đoàn Việt Nam và yêu cầu họ nối lại cuộc đàm phán càng sớm càng hay. Sự bảo đảm cho những cuộc hội kiến và tham khảo thông tin đó được chấm dứt trong một ngày rất gần chắc chắn sẽ có tác dụng tốt để xúc tiến nối lại những cuộc điều đình”.
Ký tên: BIDAULT
D’Argenlieu trả lời Bidault bằng cách bảo đảm rằng các phái đoàn sẽ hoàn thành công việc bình thường vào ngày 10 hoặc 11/8. Mọi việc đều diễn biến tốt đẹp - ông ta nói. Quả thực người ta sẽ thấy các phái đoàn Campuchia, Nam Kỳ và Lào đều thông qua những luận điểm của ông đô đốc về “một Liên bang mạnh và vững bền”. Trên thực tế, cuộc hội nghị đã kết thúc ngày 13/8.
Trưởng phái đoàn Nam Kỳ tại Đà Lạt, Đại tá Xuân đã “tiết lộ bí mật” trong một bữa tiệc cocktail ngày 4/8 khi ông ta tuyên bố rằng sự chia cắt Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ chẳng phù hợp với một thực tế dân tộc nào và “chẳng có gì trở ngại cho việc thống nhất ba Kỳ lại với nhau nếu như Chính phủ Hà Nội hướng về phe tả ít hơn”.
• D’Argenlieu: tạm ngừng Fontainebleau?
Bức điện của Bidault gởi ông đô đốc đã “gặp nhau” dọc đường với một bản báo cáo quan trọng mà ông đô đốc gửi cho Chính phủ ngày 2/8 và cho một vài nhân vật khác, trong đó ông bắt đầu bộc lộ những mưu kế của mình. Trong bản báo cáo, ông đô đốc đã tổng kết lại toàn bộ chính sách của ông, tìm được mọi lời biện bạch và đặt Chính phủ trước các trách nhiệm của mình.
Ông nhấn mạnh rằng ông đã trang bị cho Nam Kỳ một chính phủ lâm thời mà chẳng bao lâu nữa, qua những cuộc bỏ phiếu, sẽ có được cái nền tảng dân chủ của nó. Sau nữa, rằng ông phải củng cố thêm lòng tin tưởng ở nước Pháp của “những đám dân chúng người Pháp và thổ dân Đông Dương... những người bạn rất chân thành của nước Pháp”, bởi vì “một khi lòng tin tưởng đó bị lung lay hoặc mất đi, thì chúng ta chỉ còn việc là sửa soạn cuốn gói hoặc nghĩ đến một cuộc chinh phục mới bằng vũ lực![50]”. Ông đô đốc nói rằng ông có “cảm giác rằng về vấn đề tương lai của Nam Kỳ Chính phủ do dự và lẩn tránh trước những yêu sách của phái đoàn Hà Nội. Nếu Chính phủ thấy không thể nào đảo ngược một cách cương quyết tiến trình sự việc thì tốt hơn là nên tạm ngưng công việc của Hội nghị Fontainebleau. Tương lai của nước Pháp ở Đông Dương lại một lần nữa bị đe dọa ngay giữa khi chúng ta còn có sẵn trong tay mọi phương tiện để thành công...
“Trước một sự náo động có tính chất địa phương, khơi lên trên báo chí và trong một vài giới ở Paris do sự tuyên truyền khéo léo của các phái viên Hà Nội, cái tốt nhất, để ngăn ngừa những sự nhượng bộ không những không hợp thời, mà vô phương cứu vãn sau này, theo ý tôi là lưu ý đúng mức đến tình hình hiện tại và đưa ra cho Quốc hội lập hiến dự thảo định nghĩa khái niệm Liên hiệp Pháp. Theo ý nghĩ của tôi, tình hình thực tại đòi hỏi phải tạm ngưng các cuộc đàm phán cho đến ngày mà nhân dân Pháp được trưng cầu ý kiến, Hiến pháp được công bố, những cuộc tuyển cử thực hiện xong xuôi và Chính phủ được chính thức thành lập, nước Pháp, thoát khỏi tình trạng “lâm thời”, sẽ có trong tay mọi yếu tố để đi đến một kết luận thật sự về tất cả những cái mà giờ đây, đúng lý mà nói, chỉ mới là những cuộc trao đổi quan điểm mà thôi...
“Quả vậy, những cuộc đàm phán Pháp - Việt đang giẫm chân lên công việc của Quốc hội lập hiến; người ta có thể đi đến những điều khoản trái ngược với những quan niệm riêng của Quốc hội. Vả lại người ta sợ, trong trường hợp trái lại, dư luận cả nước sẽ nghiêm khắc lên án những cuộc đàm phán ở Fontainebleau, đã nhân một vấn đề cá biệt khó khăn mà bắt cả chính Quốc hội phải làm theo ý hội nghị...”
Cuối cùng, ông đô đốc “cảnh giác” Chính phủ trước “những sự nhượng bộ vô phương cứu vãn” sẽ làm rung chuyển toàn bộ cơ cấu Liên hiệp Pháp và che giấu đi “sự suy tàn chắc chắn là không thể nào đảo ngược được nữa của nước Pháp”.
Những sự gợi ý đó, ngay từ khi được chuyển đến Paris, đã chinh phục được sự tán đồng của nhiều lãnh tụ chính trị (nhất là của phong trào Cộng hòa Bình dân - MRP), tuy họ không muốn nghĩ đến chuyện “định chỉ” đàm phán. Nhưng các phái viên của ông đô đốc ở Hội nghị đã lợi dụng thời gian ngừng hội nghị để ngầm tiến hành một cuộc vận động tinh vi hơn.
Ủy ban Đông Dương (Cominindo) có một bộ phận thường trực đặc biệt, là “tiểu ban tư vấn”, trong đó các phái viên các bộ hữu quan cùng các “chuyên gia” trao đổi thông tin cho nhau và dự kiến tổng hợp, kết luận và đề nghị. Tiểu ban tư vấn họp ngày 5/8, chủ yếu để nghe A. Torel, cố vấn pháp luật của ông đô đốc, đọc một bản báo cáo của L. Pignon, cố vấn chính trị của ông ta, về việc “Cướp chính quyền của Việt Minh ở Đông Dương”. Bản báo cáo đó nói rằng Việt Minh đã nắm chính quyền bằng một vụ bạo lực, một cuộc đảo chính nên chẳng phải là một chính quyền hợp pháp, rằng Việt Minh đã thiết lập một chế độ độc tài bất chấp cả tự do và dân chủ; rằng như vậy là trái hẳn với nguyện vọng của các dân tộc Đông Dương (mà nước Pháp đỡ đầu) và đồng thời cũng trái với lợi ích của nước Pháp. Để củng cố địa vị còn bấp bênh của họ và thực hiện cuộc chinh phục tinh thần và vật chất của cả nước, Việt Minh thi hành một chính sách chống Pháp mãnh liệt, tìm mọi cách làm Pháp ngã lòng và bỏ rơi Việt Nam. Điều toát ra từ văn kiện ấy, cũng như từ những văn kiện mà Pignon kèm theo nó (đặc biệt là tiểu sử của Hồ Chí Minh, nó chứng minh rằng ông Hồ là một cán bộ tuyên truyền lão thành của Komintern (Quốc tế Cộng sản)[51] là: Việt Minh, chuyển thành Chính phủ Hà Nội, không phải là một người đối thoại đủ tầm cỡ và nên giữ gìn, không được cam kết gì với họ.
Đầu tháng 8, trong lúc tranh luận với một người trong phái đoàn Việt Nam - ông Nguyễn Đệ, một công chức Pháp cũ là De Tarragon tuyên bố với ông Đệ rằng Chính phủ Hà Nội sẽ chẳng còn tồn tại được bao lâu nữa; chắc chắn nó sẽ bị quét đi: “Đến Noel này, tất cả sẽ kết thúc!”. Hầu như cùng một lúc, tại Đà Lạt, tác giả cuốn sách này (Ph. Devillers - LND) trong lúc nói chuyện với một trong những người cộng tác của ông đô đốc là ông ủy viên Hải quân Gaignard, cũng được nghe ông này nói rằng đã gần đến cái giờ mà Chính phủ Hà Nội và Việt Minh sắp sửa bị nghiến nát giữa hai gọng kìm, vị ủy viên vừa cười vừa chỉ tay trên tấm bản đồ Bắc Bộ quá trình diễn biến của hai gọng kìm khép lại như thế nào.
Về phần ông đô đốc thì ông suy nghĩ công khai đến một “chính phủ thay thế”.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)