Tôi không thể cho bạn một công thức thành công, nhưng tôi có thể cho bạn một công thức cho sự thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng mọi người.

Herbert Bayard Swope

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 67
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 47: Hồ Chí Minh Muốn Đi Paris
ừ ngày ký hiệp định sơ bộ, Hồ Chí Minh đã tỏ ý muốn di Paris càng sớm càng hay. Một bức điện ngày 7/3 của Sainteny gửi d’Argenlieu kể lại.
“Trong cuộc gặp gỡ chiều hôm nay, ông Hồ Chí Minh báo cho tôi biết rằng ông sẽ đề nghị với chính phủ ông chọn Paris làm nơi đàm phán sắp tới. Để chứng tỏ cho nhân dân biết rằng hiệp định sơ bộ không phải là một thủ đoạn của Pháp nhằm đưa quân đội Pháp trở lại Đông Dương một cách dễ dàng, ông mong muốn những cuộc điều đình này sẽ tiến hành trong thời gian sớm nhất. Ông dự định sẽ đích thân dẫn đầu phái đoàn Việt Nam và dĩ nhiên ông mong muốn ông đô đốc sẽ có mặt. Đồng thời ông cũng thiết tha muốn được gặp ông đô đốc trong một ngày gần nhất và gợi ý rằng cuộc gặp gỡ ấy sẽ diễn ra tại Sài Gòn trên đường đi Paris. Tôi chỉ hứa chuyển ngay những đề nghị trên cho ông đô đốc. Theo ý tôi và cũng là ý của Salan, Pignon và của tất cả những người đã theo dõi các cuộc hội đàm và biết rõ không khí ở Hà Nội, là chúng ta không nên để bị lôi cuốn mà tiến hành các cuộc đàm phán tại Hà Nội vì Chính phủ cách mạng Việt Nam vẫn nắm trong tay nhiều phương tiện áp lực và ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn còn rất lớn trong một thời gian dài nữa...”
D’Argenlieu không chuyển bức điện này về Paris. Ông ta “chế biến” lại và ngày 18/3 đã điện về Paris như sau:
“Ông Hồ Chí Minh có tham vọng muốn nhìn thấy trong thời gian gần nhất cuộc hội đàm dự định được khai mạc tại Paris. Về mọi mặt, chọn Paris làm địa điểm hội đàm sẽ là một sự sai lầm nghiêm trọng. Vì chính phủ của ông ta đã cùng với ông ta quyết định sẽ là thành viên của Liên bang Đông Dương cho nên cần thiết phải giữ ông ta lại trong khuôn khổ này suốt cả giai đoạn sơ bộ. Sẽ là một điều bất công trắng trợn đối với các nhà vua Campuchia và Lào. Vua Campuchia đã giúp đỡ chúng ta những điều tốt đẹp với một tấm lòng rất chân thành từ bao nhiêu tháng nay và vẫn đợi chờ sự đồng ý của chúng ta để sang thăm Paris... Vả lại chắc Ngài cũng đã thấy rằng đây là một mưu đồ rõ rệt để loại trừ quyền hành của ông Cao ủy, đại diện của Chính phủ. Sau cùng thì uy tín mà ông Hồ Chí Minh sẽ đạt được sẽ giúp ông ta củng cố những yêu sách của mình về mặt đại diện ngoại giao...”.
D’Argenlieu yêu cầu Chính phủ nói rằng địa điểm tốt nhất cho cuộc hội nghị đã dự tính là Đà Lạt. Tại đây “hội nghị có thể làm việc trong bầu không khí yên tĩnh và thanh thản, xa mọi cuộc biểu tình tự phát có tổ chức của quần chúng”.
Ông đô đốc ngay lập tức nhận được điện cho biết địa điểm Paris đã bị loại trừ, cuộc hội nghị sẽ không tiến hành ở đó nhưng Ủy ban Liên bộ về Đông Dương lưu ý ông rằng trong hiệp định sơ bộ người ta không dự tính chọn Đà Lạt làm địa điểm hội đàm. Chính phủ dự định gửi những đặc phái viên của các bộ sang Đông Dương để giúp cho ông Cao ủy trong các giai đoạn của cuộc đàm phán. Đấy là điều đã gây nên sự phản ứng của ông đô đốc mà chúng tôi đã nói đến trên đây, trước sự can thiệp của quyền lực chính quốc vào công việc nội bộ của Liên bang. Trong bức điện trả lời ngày 12/3, d’Argenlieu khẳng định:
“Điều quan trọng là không nên hấp tấp. Chừng nào mà sự ổn định vị trí của quân đội ta chưa bảo đảm được cho sự an ninh và quyền lợi của người Pháp tại Bắc Kỳ và Nam Kỳ thì Chính phủ Hà Nội vẫn có những dễ dàng để gây áp lực và chúng ta chỉ có thể đàm phán trong điều kiện bất bình đẳng…”.
Ông ta chứng minh cho đề nghị của mình:
“Việc lựa chọn Đà Lạt làm địa điểm đàm phán tỏ ra là tốt hơn cả bởi vì nơi này đã được dự trù sẽ trở thành kinh đô của Liên bang Đông Dương. Tôi mong sẽ có khả năng làm cho Chính phủ Hà Nội chấp nhận điểm đặc biệt này”.
Trong thời gian này, tại Hải Phòng Leclerc đang sốt ruột; trong 2 bức điện liền, ông ta nhấn mạnh rằng cần thiết phải nhượng bộ Việt Nam và chấp nhận mở cuộc hội nghị tại Paris. Trong bức công hàm ngày 15/3, ông ta đã viết: “Việc chúng ta tiến quân về Hà Nội có thể gây ra sự bỏ chạy của Chính phủ Việt Nam và gây ra chiến tranh mà phía Trung Quốc dường như đang mong chờ điều này. Tôi chỉ có thể làm đảo lộn ý đồ đó bằng cách phá vỡ mối liên kết Trung-Việt… Vì vậy sẽ là có lợi nếu mời Chính phủ Việt Nam hội đàm ngay tức khắc tại một địa điểm ngoài Đông Dương, tốt hơn cả là Paris”.
Trong một bức điện gửi d’Argenlieu ngày 14/3, Sainteny đã vạch ra “tình hình Hà Nội rất lộn xộn từ 24 giờ nay do một chiến dịch báo chí và những tin đồn đại. Người Việt Nam họ chê trách chúng ta kịch liệt: 1. việc trưng cầu dân ý về vấn đề Nam Bộ; 2. việc rải truyền đơn xuống Nam Bộ kêu gọi quân đội Việt Nam nộp khí giới cho chúng ta, 3. thủ đoạn co dãn nhằm kéo lùi đàm phán; 4. việc đài phát thanh Sài Gòn thông báo cả Đông Dương trở lại dưới chủ quyền của Pháp; 5. việc Pháp đã ký hiệp định chỉ nhằm mục đích đổ bộ quân lên một cách dễ dàng. Cuối cùng, lý do chính vẫn là việc chúng ta không chấp nhận Paris làm địa điểm đàm phán. Báo chí Trung Quốc tiếp tục một chiến dịch khiêu khích mạnh mẽ nói là để “mở mắt cho người Việt Nam thấy họ đã bị người Pháp lừa phỉnh...”
Ngày 15/3, sau một cuộc hội kiến với Hồ Chí Minh, Sainteny kể lại rằng “ông Hồ rất lấy làm tiếc về tình hình căng thẳng hiện nay. Ông đang ở trong một tình thế khó khăn do quan điểm của ông. Trước hết vì ông rơi vào thế bị động và bất ngờ khi ký hiệp định, sau nữa bị phe đối lập và báo chí Trung Quốc xúi giục và kích động... Vì mục đích làm dịu tình hình căng thẳng hiện tại, ông Hồ Chí Minh yêu cầu có được khả năng thông báo chính thức chuyến đi của phái đoàn Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam tha thiết muốn thông báo chính thức ngày đi của phái đoàn hơn là ngày khai mạc cuộc đàm phán đó - chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Dĩ nhiên ông Hồ Chí Minh và các cộng sự của mình tin tưởng vững vàng vào Paris...”.
Nhưng d’Argenlieu không chuyển về Paris một bản nào nguyên vẹn trong số những kiến nghị đó.
Tuy nhiên ông ta vẫn căn cứ vào những báo cáo đó, vì ngày 17/3, chắc vì sợ do sai sót của mình mà việc Leclerc đưa quân vào Hà Nội sẽ gặp nhiều rắc rối, ông đã điện sang Paris:
“Tình hình ở Hà Nội rất căng thẳng và thế đứng của ông Hồ Chí Minh đang bị lung lay đến mức độ người ta thúc ép tôi đánh lạc hướng dư luận bằng cách thông báo cuộc đàm phán sẽ khai mạc nay mai tại Paris: về vấn đề này có lẽ Sainteny đã đi quá xa. Đối với tôi điều này luôn luôn và hoàn toàn trái với chỉ định của tôi. Nhưng sẽ rất có ích cho tôi nếu được phép nói rằng: theo tinh thần văn bản những cuộc đàm phán sẽ tiến hành tại Đông Dương với sự tham gia của các đại diện các cơ quan cấp bộ, thì Chính phủ Cộng hòa sẵn sàng mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Paris. Vì vấn đề rất cấp bách nên tôi yêu cầu Ngài trả lời cho tôi sớm nhất”.
Moutet đã trả lời ngay tức khắc:
…“Đồng ý. Như thế càng hay vì tôi tin chắc rằng ở đây chúng ta có thể có nhiều cái lợi hơn, vì nhân vật chính sẽ được tách rời khỏi ảnh hưởng môi trường của mình. Như thế tất cả đều sẵn sàng chuẩn bị theo dự định của ngài và các đại diện của cơ quan cán bộ, cách giải quyết dứt khoát có thể được tiến hành ngay tại đây”
• Hồ Chí Minh và D’Argenlieu: Cuộc gặp gỡ
Trong thời gian đó, ông đô đốc đã hành động. Ông ta đã yêu cầu Sainteny chuyển cho ông Hồ Chí Minh một bức giác thư đề ngày 17/3 trong đó ông ta khẳng định với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng ông ta sẽ rất sung sướng được trực tiếp gặp Người với tất cả nghi thức long trọng cần thiết. Ông ta đề nghị cuộc gặp gỡ diễn ra “trên chiếc tuần dương hạm Emile-Bertin càng gần cảng Hải Phòng càng tốt”. Ông ta nói rõ thêm: “Tất nhiên Ngài sẽ được đón tiếp với tất cả những nghi thức long trọng xứng đáng, có đại bác bắn chào mừng, có hàng rào danh dự, có những tiếng tung hô v.v... D’Argenlieu còn nói thêm rằng ông ta vẫn “luôn luôn lưu ý đến nguyện của Chủ tịch muốn được sang Paris. Chính phủ Cộng hòa đã được thông báo và tỏ ra rất sẵn sàng”. Nhưng ông ta nghĩ rằng một cuộc thăm viếng như vậy cần phải được chuẩn bị và trước tiên nên có những cuộc hội đàm đầu tiên ngay tại Đông Dương. Tuy vậy tham dự những cuộc hội đàm này vẫn sẽ là những vị đại diện của các bộ từ Paris sang. Theo nội dung những cuộc hội đàm này, “Chính phủ Pháp sẽ rất vinh dự được đích thân mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp một cách chính thức nhằm thiết lập trên một nền móng vững vàng những mối quan hệ hữu nghị với Chính phủ nước Cộng hòa Việt Nam, những quan hệ mà ông cảm nhận trước tất cả giá trị cùng chờ đợi những điều có lợi nhất cho cả hai bên”. Cuộc gặp gỡ đầu tiên này, d’Argenlieu đề nghị vào ngày 24/3.
Ông đô đốc không nhận được thư trả lời sớm sủa như ông mong muốn. Đúng thế, Leclerc và Sainteny quyết định không trao ngay bức giác thư, họ cho rằng: do tình hình căng thẳng, có thể xảy ra một sự đoạn tuyệt hẳn giữa hai bên vào đúng cái ngày mà Leclerc đưa quân tiến vào Hà Nội. Dù sao thì rồi ông Hồ Chí Minh cũng biết được bức giác thư. Ngày 20, ông chấp nhận nguyên tắc của cuộc gặp gỡ. Ông giữ ý kiến phải có Sainteny cùng đi với ông.
Đô đốc d’Argenlieu báo cáo về Paris bằng điện, đồng thời cũng ghi nhật ký về cuộc đối thoại tay đôi của ông ta với Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:
“Cuộc tiếp xúc tâm lý và tinh thần được thiết lập. Đây là thời kỳ cả hai bên đều chinh phục nhau bằng những lời hoa mỹ. Khi tôi nói lên niềm vui của tôi được thấy mối tình bạn truyền thống giữa nước Pháp và nước Việt Nam phục hồi, ông Hồ Chí Minh đáp lại ngay: “Những mối quan hệ bạn bè giữa hai dân tộc, thưa ông Cao ủy, vâng, nhưng mà nó sẽ phải trở thành quan hệ anh em”. Tôi đã gật đầu một cách lịch sự và mỉm cười”.
D’Argenlieu nhận thấy cái dự kiến đi Paris của ông Hồ Chí Minh đã chuyển thành ám ảnh. Ông Hồ trình bày với ông ta những khó khăn chính trị và sự cần thiết ông “phải đi ngay Paris với một phái đoàn để ký kết những hiệp định một cách dứt điểm”. Ông đô đốc chứng minh cho ông Hồ thấy người ta không đi Paris theo kiểu ấy được. Dự kiến này “trái hẳn với những chỉ thị rất cụ thể của Chính phủ tôi. Paris giữ vững ý kiến là một cuộc hội nghị chuẩn bị kiểu này cần phải họp không chậm trễ tại Đông Dương”... Cần phải thoát ra khỏi ngõ cụt này và d’Argenlieu đề nghị cho một “phái đoàn Quốc hội Việt Nam đi Paris nhằm mang tới cho Quốc hội Lập hiến Pháp lời chào thân ái của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện này tại thủ đô sẽ làm nổi bật lên, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, tầm quan trọng mà cả Hà Nội lẫn Paris đặt vào cho những hiệp định chúng ta vừa ký kết và ý muốn của hai bên đi đến một thỏa thuận dứt khoát lâu dài với nhau”.
Hồ Chí Minh, sửng sốt một cách thú vị, đã chấp nhận lời đề nghị trên, nhưng phải vài hôm nữa để bàn nhất trí với nhau về lời văn của bản thông cáo. Hai bên thỏa thuận rằng trong nửa đầu tháng tư, một phái đoàn hữu nghị (good will) gồm 10 đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ lên đường đi Paris và cùng trong thời gian đó khai mạc tại Đông Dương một “cuộc hội nghị trù bị tập hợp lại trong một tiểu ban hỗn hợp gồm một phái đoàn Pháp 12 người... và một phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 12 người...”
“Cuộc hội nghị trù bị sẽ lãnh đạo công việc chu đáo sao cho một phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể được lên đường trong thời hạn ngắn nhất, tức trong nửa sau tháng 5, nhằm khai mạc tại Paris những cuộc đàm phán chính thức và dứt điểm”.
Cuối cùng và không phải là không có nhiều khó khăn, ông Hồ Chí Minh đã đồng ý cho cuộc hội nghị trù bị họp tại Đà Lạt.
• Nam Kỳ: một sự bố trí lực lượng an ninh
Vậy là ngày 29/3, trong một bức điện dài gửi Paris, d’Argenlieu muốn “rút ra một nhận định tổng quát” và bộc lộ những cảm tưởng của mình trong đó có pha vào đôi chút nọc độc:
“Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bản lĩnh rất vững vàng và có một đội ngũ những cộng tác viên trong đó nhiều người khá thông minh. Ông biết mình muốn điều gì và chỉ đạo hoạt động của mình một cách kiên nhẫn.
“Rõ ràng cái mục đích cuối cùng của ông - cái mà suốt bao tháng nay tất cả công tác tuyên truyền của ông nhằm yêu sách cho kỳ được - chính là độc lập. Tuy vậy, khi ký hiệp định 6/3 ông đã một mặt tìm đáp ứng, như chúng ta, nỗi lo lắng tránh cho nhân dân Việt Nam những hậu quả tai hại kéo theo hành động chiến tranh, mặt khác là nhằm củng cố uy thế của đảng mà ông lãnh đạo đối với Chính phủ Hà Nội và nếu có thể thì đối với tất cả các đảng phái khác ở Việt Nam. Cho nên lập trường của ông là một lập trường chiến thuật.
“Chủ tịch có được cái kỹ thuật của một lãnh tụ cách mạng, cũng là cái kỹ thuật của đảng đã đào tạo nên ông.
“Chính trị của ông giờ đây sẽ là lẩn tránh một cách khéo léo những điều khoản phân biệt cái quy chế quy định trong hiệp định 6/3 (nước tụ do có chân trong Liên bang Đông Dương và trong Liên hiệp Pháp) với nền “độc lập”, ngắn gọn thế thôi.
“Điều cam kết đầu tiên mà ông muốn loại trừ là điều khoản ràng buộc ông vào Liên bang Đông Dương. Về điểm này, không những ông có cả một lập trường tư tưởng mà ông còn có nỗi lo sợ khách quan rằng dưới cái từ ngữ này, người ta sẽ khôi phục lại một phương tiện cai trị của nước Pháp đối với các nước liên bang - nỗi lo sợ, mà tôi đã cố gắng xóa đi.
“Phương pháp chiến thuật của ông là không muốn đàm phán tại Đông Dương nữa, mà phải sang Paris nhằm mục đích đó trong thời gian sớm nhất. Ông hy vọng một khi đến Paris với cả một đội ngũ vững vàng những người đồng chí đồng sự, trở thành một đối tượng cho mọi người tò mò và lưu ý đến mình, làm dấy lên vấn đề quyền lợi của các đảng phái và tiến tới gây áp lực ngay với Chính phủ[42].
“Tôi đã phải quan tâm đề phòng (những nguy cơ bất trắc cho ông) nhưng hành động cực đoan và do một số các nhân vật dân sự và quân sự đã trót hứa hẹn những điều thiếu thận trọng xung quanh chuyến ông Hồ đi Paris giữa lúc khủng hoảng đang ở điểm cao trào, nhằm đưa được quân ta vào đóng trên miền Bắc. Vì vậy mà tôi đã đề xuất cái giải pháp thỏa hiệp đã nói trên đây...”
Ông đô đốc nói đến việc cử đi Paris phái đoàn good will (chính ông đang đề nghị Chính phủ chấp nhận phái đoàn này) và tiến hành khai mạc cuộc hội nghị trù bị mà ông nhấn mạnh cái mục tiêu hạn chế. Paris đã đồng ý chuẩn y, ngày 3/4, tất cả những cái gì ông đô đốc đề nghị. Dĩ nhiên là ông Cao ủy sẽ chỉ đạo những cuộc đàm phán trù bị. Nhưng Chính phủ nói rõ thêm là “phải hoãn nó lại được chừng nào hay chừng đó ngày lên đường của phái đoàn Việt Nam đi Paris”.
Giờ đây, công việc chuẩn bị đã chạy đều. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn căng thẳng. Ngay ngày hôm sau cuộc hội kiến tại Vịnh Hạ Long, tức ngày 27/3, lực lượng quân sự của Pháp tại Hà Nội đã làm chủ được cơ quan Bộ Tài chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với những lý do không rõ ràng, gây nên những mối xúc động lớn và những phản ứng sôi sục. Cuối cùng, tướng Valluy, từ đây là tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, quyết định trả lại ngôi nhà cho Chính phủ Việt Nam, nhưng hai bên thỏa thuận đặt một đội bảo vệ hỗn hợp.
Tuy nhiên, những người Pháp ở Hà Nội vừa thấy khó chịu trước cuộc duyệt binh hỗn hợp tổ chức ngày 22/3, có tướng Leclerc và tướng Giáp dự; lần này, họ tưởng chừng đâu sẽ “quét một nhát” Chính phủ Việt Minh đi. Họ đã thất vọng. Ngày 30/3, tướng Valluy sẽ giải thích vì sao một vụ bạo lực sẽ hết sức nguy hiểm và nhất thiết không nên nghĩ đến. “Chúng ta không đủ sức”. Thế nhưng cái sức hấp dẫn của một vụ bạo lực từ đây sẽ cứ tồn tại bất chấp tất cả.
Từ cuộc hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Sài Gòn, ông đô đốc đã quyết định: tại Nam Kỳ, cứ phải tiến mạnh lên phía trước, nhằm xóa mọi sự lập lờ. Ngày 26/3, Hội đồng tư vấn Nam Kỳ đã chỉ định với 8 phiếu thuận và hai phiếu trắng, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đứng đầu một “Chính phủ lâm thời Cộng hòa Nam Kỳ” và ngày 30, Cao ủy đã thông báo cho Hội đồng Liên bang biết về dự án thành lập một Chính phủ lâm thời Nam Kỳ gồm những thành viên người bản xứ. Nhưng ngày 29, một trong các thành viên của Hội đồng tư vấn là ông Phát bị những kẻ khủng bố mưu sát. Người chỉ huy phong trào kháng chiến Việt Minh tại Nam Kỳ, Nguyễn Bình, đứng trước thái độ của Bộ chỉ huy quân sự Pháp, đã quyết định sẽ trở lại thi hành sáng kiến chính trị quân sự lấy sự phân lập làm mục tiêu chính yếu.
Ngày 3/4, Cao ủy điện cho Cominindo:
“Giờ đây, chúng ta đã sắp sửa đi tới đích Sài Gòn và một chính phủ cho Nam Kỳ đã sẵn sàng được thành lập.
“Một cuộc mưu sát trượt và một cuộc mưu sát khác đạt kết quả đối với hai thành viên xuất sắc nhất của Hội đồng tư vấn đã củng cố thêm ý định của một bộ phận dư luận công chúng Nam Kỳ về vấn đề tự trị của đất nước này...
“Cái khó khăn chính đang cản trở chúng ta thực hiện ý định này là ở sự phản ứng gay gắt gần như chắc chắn của Chính phủ Hà Nội.
“Vậy thì cần phải chọn thời điểm thuận lợi để đưa ra thi hành; thời điểm đó là lúc mà những phản ứng nói trên đây tỏ ra ít hữu hiệu nhất. Giờ đây, tôi cho rằng cái thời điểm thuận lợi ấy là khi phái đoàn Việt Nam lên đường đi Paris. Tôi cũng dự kiến sẽ có một phái đoàn Nam Kỳ đi Paris cùng một lúc”...
• Sửa soạn một cuộc đảo chính
Đã thỏa thuận là Sainteny sẽ đi Paris cùng với phái đoàn Quốc hội Việt Nam. Trong lúc Sainteny đi vắng, tướng Valluy sẽ tạm quyền thay cho ông ta. Công việc bàn giao sẽ diễn ra ngày 11/4. Đồng thời viên cố vấn chính trị của Sainteny là Pignon ngày 6/4 đã được bổ nhiệm làm cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp thay cho De Raymond, ông này được bổ nhiệm làm Ủy viên Cộng hòa tại Lào. Ngay ngày hôm sau, 7/4, ông đô đốc đã nói rõ thêm, trong một chỉ thị, thái độ mà tướng Valluy cần phải tuân thủ:
“Trong một tương lai gần kề, một chính phủ lâm thời của Nam Kỳ sẽ được thành lập... Tôi đã dự đoán trước một tình hình phản kháng quyết liệt sẽ xảy ra ở Bắc Kỳ, một sự phản kháng do Chính phủ Việt Nam dàn dựng.
“Dứt thoát không thể nào tránh khỏi một sự lên án gắt gay việc vi phạm Hiệp định của chúng ta...”
Tiếp đó, ông đô đốc gợi ý cho tướng Valluy một vài luận điện để đối phó với Hà Nội, nhưng rõ ràng là ông ta chẳng có ảo tưởng nào về hiệu quả của những luận điểm đó. Ông ta viết tiếp:
“Điều quan trọng trong cuộc khủng hoảng mà chúng ta có thể dự kiến trước là, một mặt sự khôn khéo của ngài trong việc thuyết phục cho Chính phủ Việt Nam thấy rõ rằng: họ sẽ phạm một điều dại dột và chịu một trách nhiệm nặng nề nếu họ để mất đi, trong một cuộc đảo chính, cái vị trí thuận lợi mà Hiệp định 6/3 đã đưa đến cho họ, mặt khác và là mặt chủ yếu, là sự kiên quyết của những biện pháp đề phòng mà ngài chuẩn bị sẵn sàng nếu như sự bất đồng có nguy cơ trở thành quyết liệt...
“Tôi đã suy nghĩ kỹ trước khi cho phép tiến hành cuộc biểu tình[43] mà tôi đã thông báo cho ngài[44], nhưng tất cả các quan sát viên đều nói rằng đã đến lúc phải thỏa lnãn những đòi hỏi của dư luận Nam Kỳ...
“Để giảm bớt khó khăn cho ngài, tôi nghĩ nên đợi ngày họp hội nghị trù bị tại Đà Lạt hoặc ngày các nhà đàm phán lên đường đi Paris để cho phép tuyên bố ra mắt Chính phủ lâm thời Nam Kỳ...
“Ngài hiểu chắc chắn rằng đã đến lúc chúng ta giành lại sự tự do hành động của chúng ta, khả năng hành quân của chúng ta, ý chí tiến thủ của chúng ta. Tại chính quốc cũng như ở đây, tại Đông Dương, người Pháp sẽ ngạc nhiên một cách có lý là sự việc đã diễn biến theo cách khác, vì ngày nay lực lượng quân sự của ta đã cắm rễ chắc chắn lắm rồi.
“Chúng ta hiên quyết chủ trương hòa bình, chúng ta luôn luôn thấm đượm tinh thần hòa giải và chúng ta đã chứng minh điều đó. Cấm chúng ta, như là một nguyên tắc, không được vận dụng cái “lý lẽ cuối cùng”[45] có thể dẫn tới nguy cơ chúng ta mất Đông Pháp và làm trở ngại nghiêm trọng cho mục đích đầu tiên của sứ mệnh chúng ta là lập lại quyền hành của nước Pháp, không chỉ trên lý thuyết mà trên thực tế.
“Tôi biết rõ sự chuẩn xác của Ngài trong suy nghĩ, sức mạnh của Ngài trong tính cách. Tôi tin tưởng ở Ngài”
Tướng Valluy không phải đợi ông đô đốc yêu cầu. Ông ta hành động trong một bối cảnh mới. Ngày 1/4, trách nhiệm giữ gìn trật tự tại miền Bắc Đông Dương thực tế đã chuyển từ tay các nhà đương cục Trung Quốc qua tay các nhà đương cục Pháp. Ngày 3/4, một hiệp định quân sự mới lại được ký kết giữa tướng Salan và bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Võ Nguyên Giáp. Theo hiệp định này, “quân số của Pháp ở phía bắc vĩ tuyến 16 không được vượt quá 15.000 người, trong đó 500 người được dùng vào việc coi tù binh Nhật. Chỗ trú quân tạm thời của quân đội Pháp được ấn định: có tám doanh trại (Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Hải Dương, Điện Biên Phủ + vùng biên giới với sáu đồn dự kiến: Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cao, Lai Châu. Tại mỗi doanh trại đó, số quân đồn trú được ấn định cụ thể).
Hiệp định còn ghi rõ rằng: mỗi lần có những việc hành quân đổi phiên, về phía quân Pháp cũng như quân Việt Nam thì ngày tháng, hành trình cũng như phương thức hành quân phải được báo trước cho Chính phủ Việt Nam ít nhất 48 giờ Chính phủ sẽ loan báo cho nhân dân biết trước để tránh xảy ra những chuyện bất trắc được chừng nào hay chừng ấy.
“Những đội quân Pháp và Việt Nam đổi phiên, dưới quyền của bộ tư lệnh tối cao Pháp có sự trợ lực của các đại diện Việt Nam, sẽ cộng tác với quân đội Việt Nam để giữ gìn trật tự và an ninh”.
Một ủy ban liên lạc và kiểm soát hỗn hợp trung ương được thành lập, có trụ sở ở Hà Nội. Ủy ban này sẽ kiểm soát việc thi hành hiệp định.
Sau nữa, một ủy ban đình chiến Việt Nam có thể sẽ đến miền Nam Trung Bộ. Nhưng vấn đề đình chiến ở Nam Bộ thì không bàn đến.
Với tư cách là tướng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương và vận dụng một “phương án số 1” rất chung về an ninh, do Đông Dương ký ngày 5/4, Valluy đã ký và ban hành ngày 10/4, một “phương án số 2”, nhận định rằng:
“Tình hình hiện nay... hết sức bấp bênh. Chúng ta có thể bị tấn công bất cứ lúc nào nếu có một chuyện bất trắc nào đó bề ngoài có vẻ ngẫu nhiên và chẳng quan trọng gì xảy ra...
Trong trường hợp như vậy, cần nhất là chúng ta đừng để lâm sự với hai bàn tay trắng. Mục đích những chỉ thị này là nghiên cứu trong tổng thể những phương tiện nào có khả năng mang đến hiệu quả mong muốn đó...
… “Trong mỗi doanh trại, ngay từ khi bước chân tới, người chỉ huy phải bắt tay ngay vào việc thiết lập một kế hoạch an ninh đầu tiên: kế hoạch này phải bao gồm, một mặt là kế hoạch bảo vệ địa điểm trú quân một cách thường xuyên và nhất là một kế hoạch hành động nhằm thực hành trên thành phố đang đóng... Một khi kế hoạch đó đã được đặt ra và hoàn chỉnh trên những nét lớn rồi, cần bổ sung ngay bằng những biện pháp hữu hiện có tác dụng thay đổi dần và biến dần cái màn kịch của một hành vi thuần túy quân sự lúc đầu thành màn kịch của một cuộc đảo chính...[46]
“Rất cần thiết phải tập hợp ngay mọi văn kiện có thể có được về các tổ chức người Hoa và người Việt trong thành phố, cũng như về các thủ lĩnh địa phương (lý lịch, thói quen, những chỗ nghỉ đêm thông lệ của họ v. v…)
“Đồng thời những toán đặc vụ được thành lập có thể cải trang để làm việc (như tại Nam Kỳ). Các toán đặc vụ này có trách nhiệm vô hiệu hóa một cách kín đáo các thủ lĩnh và những người cầm đầu ngay khi nào Bộ tư lệnh xét thấy đã đến lúc phải thiết lập một hệ thống an ninh. Chúngphải bao gồm những thành viên đặc biệt và phải được vũ trang đặc biệt và phải luôn luôn được thông tin đầy đủ về hoạt động và lối sống của những cá nhân “cần phải gạt ra một bên”.
“Đối với những cơ quan chiến đấu hợp pháp và không hợp pháp cần phải áp dụng một phương pháp hành động tương tự... Bao giờ những tin tức cho biết đã “khu biệt” được những cơ quan ấy, đồng thời cho biết rõ những tập quán của các thành viên rồi, thì những toán quân “commandos” đặc trách sửa soạn thực hiện vô hiệu hóa chúng một cách bất ngờ”.
Ngày 12/4, Sainteny rời Hà Nội đi Sài Gòn, để Valluy tạm quyền chức vụ ủy viên Cộng hòa và ngày 16/4, phái đoàn Quốc hội Việt Nam đáp máy bay đi Paris, ngày 25 thì đến nơi. Ngày 17, các phái đoàn đàm phán đến Đà Lạt.
• Thủ đoạn Trung Quốc
Phía Trung Quốc rất lo ngại trước sự giao hảo Việt - Pháp nhờ Hiệp định sơ bộ mà đang bước vào một giai đoạn mới. Họ định làm cho tình hình thêm phức tạp bằng cách gây ra những vụ rắc rối và ủng hộ những hành vi khủng bố. Nếu xảy ra xung đột thì quả tình phía Việt Nam buộc lòng phải quay sang với Trung Quốc và hai đảng Việt Nam Quốc dân và Đồng Minh Hội là những đảng luôn luôn tố cáo Việt Minh hợp tác với Pháp để phản bội Tổ quốc mình, chắc chắn sẽ là người hưởng lợi.
Ngày lễ Phục sinh, 21/4, một sự kiện rất quan trọng đã khiến cho quân Pháp và quân Trung Quốc đối đầu với nhau; nhưng đối lại với sự khiêu khích của Trung Quốc, quân Pháp đã trả lời bằng sự can thiệp tức thời và rất quyết liệt. Bị thất bại, quân Trung Quốc mất cả thể diện và người dân Việt Nam bây giờ đã thấy rõ sức mạnh thuộc về ai. Tiếp theo sự phản đối tại chỗ của quân đội Pháp, là ngày 25/4, tướng Juin tổng tham mưu trưởng của quân đội Pháp, đến thăm Hà Nội; sự kiện này tạo ra một sức ép mới. Juin vừa từ Trung Quốc đến. Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra tán thành việc rút lui nhanh chóng quân đội Trung Quốc ra khỏi Bắc Kỳ. Do Juin thúc ép, tướng Trung Quốc Lư Hán cuối cùng đành phải chấp nhận rút khỏi Hà Nội trong một ngày rất gần và triệu hồi quân đội về nước. Đồng thời, d’Argenlieu yêu cầu Leclerc chỉ thị cho Valluy phải yêu sách: từ đây quân đội Pháp tại Bắc Kỳ sẽ tham gia vào việc giữ gìn trật tự công cộng vì “cảnh sát Việt Nam vừa tỏ ra quá bất lực”..
Đây sẽ là bước đầu của một sự hợp tác.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)