Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 43: “Chúng Ta Đã Chọn Con Đường Thương Lượng”
hi ở Hà Nội người ta biết về chuyện ký hiệp định, dân chúng sửng sốt, nhưng phe đối lập tức gào lên, tố cáo Việt Minh phản bội. Họ bảo: Sau khi đã thành lập một “Chính phủ kháng chiến”, Việt Minh nộp đất nước cho kẻ địch không chiến đấu. Họ động viên. Nhưng ngay hôm sau, 7/3, trong một cuộc mít tinh lớn, các ông Giáp, Vũ Hồng Khanh và ông Hồ Chí Minh đứng lên bảo vệ, giải thích và chứng minh cho quyết định của họ.
Ông Giáp đã tuyên bố chủ yếu như sau:
“... Dù chúng ta có muốn hay không muốn, vẫn phải đi đến chỗ chấm dứt mọi hành động chiến tranh...
“Trong bản hiệp định này, có những điều khoản thỏa mãn chúng ta và những điều khoản khác không thỏa mãn. Những điều khoản thỏa mãn chúng ta tuy chưa làm chúng ta thật sự phấn khởi là nước Pháp thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước tự do. Tự do không phải là tự trị, mà hơn tự trị, nhưng chưa phải là độc lập. Một khi đạt được tự do rồi, chúng ta sẽ đi đến độc lập, đến hoàn toàn độc lập (Vỗ tay nhiệt liệt).
Nước Pháp muốn giữ lại Nam Bộ, nhưng Chính phủ đã tuyên bố sắt đá: nếu người ta chia cắt Nam Bộ, Trung Bộ và Bắc Bộ thì chúng tôi quyết chiến đấu đến cùng... Kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ như thế nào, chúng ta biết trước. Hỏi có người dân Việt Nam nào mà không mong muốn Trung Bộ, Nam Bộ và Bắc Bộ là một nước duy nhất (Vỗ tay như sấm).
Vì sao Chính phủ đã cho phép quân đội Pháp vào? Trước hết là vì không cho phép họ cũng vẫn cứ vào. Trung Quốc đã ký với Pháp một hiệp ước cho phép quân đội Pháp vào thay thế cho quân đội Trung Quốc. Hơn nữa, Pháp cũng đã nhân nhượng chúng ta nhiều điểm. Vì vậy mà chúng ta đã cho phép quân Pháp vào. Bằng không thì không thể có được hiệp định...
“Những người không thỏa mãn chỉ hiểu độc lập hoàn toàn như một khẩu hiệu, một nhật lệnh, trên giấy tờ hoặc ngoài cửa miệng. Họ không thấy rằng độc lập của đất nước là kết quả những điều kiện khách quan và trong cuộc chiến đấu giành độc lập của chúng ta, phải biết cương, nhu tùy lúc[40]…”
Sau đó, ông Giáp phân tích những lý do vì sao “chúng ta không chọn cuộc kháng chiến lâu dài”... và ngay một cuộc kháng chiến “vài ba tháng cũng không”.
“Chúng ta đã chọn con đường thương lượng nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho công cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn, nhằm có thể đợi chờ cơ hội đi đến một nền độc lập nguyên vẹn.
“Các cuộc hội đàm đã dẫn đến sự chấm dứt chiến tranh và tránh được một sự đổ máu. Nhưng chúng ta đã đàm phán chủ yếu nhằm bảo vệ và củng cố lập trường chính trị quân sự và kinh tế của chúng ta. Nước ta là một nước tự do và tất cả mọi quyền tự do đều trong tay chúng ta. Chúng ta có đủ quyền lực và đủ thời gian để tổ chức công cuộc nội trị của chúng ta, để tăng cường các phương tiện quân sự của chúng ta, để phát triển nền kinh tế của chúng ta và nâng cao mức sống của nhân dân. Chẳng bao lâu, ba kỳ sẽ thống nhất. Gạo Nam Kỳ sẽ ra tận Bắc Kỳ, cái ám ảnh của nạn đói sẽ tiêu tan.
“Xem lịch sử thế giới, người ta thấy có nhiều nước gặp tình thế bất lợi đã biết khắc phục được khó khăn vì biết chờ đợi một cơ hội thuận lợi hơn cho sự tiến bộ của mình. Nước Nga chẳng hạn năm 1918 đã ký hiệp ước Brest - Litovsh nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược của quân Đức, để nhờ có thời gian hòa hoãn mà có thể củng cố quân đội và quyền lực chính trị của mình. Chẳng phải nhờ hiệp ước ấy mà nước Nga đã trở thành một nước rất mạnh sao?
“Tư tưởng chỉ đạo, mục đích của Chính phủ là hòa bình vì tiến bộ. Con đường mở ra với hiệp định chính là con đường dẫn chúng ta đến độc lập trong một ngày gần đây, thật sự và hoàn toàn. Đó là mục đích của chúng ta”.
Vũ Hồng Khanh đại khái cũng chỉ nói lại điều ông Giáp vừa nói:
“Mục đích cuối cùng của chúng ta là độc lập hoàn toàn. Mục đích đó, chúng ta không thể chỉ bằng một bước mà đạt được”.
Chính là ông Hồ Chí Minh đã giải bày vấn đề bằng những lập luận vừa lý trí vừa tình cảm:
“Chúng ta trên thực tế đã độc lập từ tháng 8/1945, nhưng cho đến nay chưa có cường quốc nào công nhận nền độc lập của chúng ta. Bản hiệp định ký với nước Pháp này mở đường cho sự công nhận của quốc tế. Bản hiệp định sẽ dẫn chúng ta đến một vị trí quốc tế ngày càng vững vàng và đó là một thắng lợi chính trị lớn lao. Quân đội Pháp sẽ đến, theo lệnh của các nước Đồng minh. Họ chỉ có 15.000 người và chỉ ở lại trên thế giới và trong năm năm nữa, họ sẽ rút khỏi nước ta. Chọn thương lượng thay vì đánh nhau chính là bằng chứng hiểu biết về chính trị. Thực vậy, vì sao lại đi hy sinh 50 hoặc 100 ngàn người trong khi chúng ta có khả năng bằng con đường thương lượng mà đi đến độc lập có thể trong năm năm?
“Đồng bào hãy giữ thái độ ôn hòa và tinh thần kỷ luật. Đừng có thất vọng. Nhưng chúng ta phải cảnh giác và sẵn sàng. Vả lại chúng ta có bạn có bè. Chúng ta biết có thể tin tưởng vào tình hữu nghị của nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc với ta như môi với răng. Và nhất là chúng ta có một chính phủ được toàn dân ủng hộ.
“Tôi, Hồ Chí Minh, tôi vẫn luôn luôn dẫn dắt đồng bào đi trên con đường của Tự do, tôi đã một đời đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc chúng ta. Đồng bào biết rằng tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước. Tôi thề với đồng bào rằng tôi đã không phản bội đồng bào!”.
Nói xong, ông đã thắng cuộc.
Cùng ngày hôm ấy, 7/3, ông Hồ Chí Minh thông qua Tổng Bộ một “bài học” mới thể hiện qua một “chỉ thị về quan hệ với Pháp” sẽ được truyền thanh đi cho toàn Mặt trận Việt Minh. Trong văn bản, Tổng Bộ khẳng định rằng: Trước mắt, cần phải chấm dứt sự thù địch có hệ thống đối với Pháp. “Cuộc đấu tranh của dân tộc chúng ta hiện nay đi đôi với cuộc đấu tranh của dân tộc Pháp, cũng như trước đây nó phải đi đôi với cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc”. Bởi vì nước Việt Nam quá yếu không thể một mình mà tự khẳng định mình được. Tuy nhiên sự quá độ cũng đòi hỏi phải có những cách đối xử khéo léo. Chỉ thị nói thêm: “phải tránh khiêu khích chủ nghĩa quân phiệt của người Trung Quốc, nó sẽ gây nhiều khó khăn cho nước Cộng hòa chúng ta”.
Để hòa hiếu với người Pháp, Tổng Bộ Việt Minh phân biệt người Pháp ra từng hạng và nêu cao cảnh giác:
“Kẻ thù chính của chúng ta là phe “phản động” của Pháp... Phải lôi kéo quần chúng đấu tranh bằng biểu tình, tổng bãi công mỗi khi có những hành vi bất hợp pháp của phe phản động Pháp..., vô hiệu hóa tất cả các tổ chức thực dân, thanh toán những người Việt Nam phản bội làm tay sai cho họ..., hợp tác không hạn chế với những người Pháp thực tình dân chủ..., tuân thủ đúng các điều khoản của Hiệp định sơ bộ và trước mắt, tuy rằng chúng ta có thảo ra một kế hoạch chiến lược tổng quát, phải cố gắng thực hiện được càng nhiều càng hay một mặt trận dân chủ Pháp - Việt”...
Như vậy rõ ràng tại Việt Nam hiệp định ký kết với nước Pháp là sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh, sự nghiệp cá nhân mà chưa được người ta hiểu đúng, nhất là ở các cán bộ trung cấp và hạ cấp của Việt Minh; và cũng là một sự nghiệp ít được nhân dân biết đến, được chấp nhận (mặc dù ai ai cũng đều thấy mỏi mệt) chỉ vì nhân dân tin tưởng vào Hồ Chủ tịch và chỉ trong chừng mực mà hiệp định rõ ràng không phải là một điều lừa bịp.
Vậy Việt Minh chỉ đi một cách dè dặt vào con dường do ông Hồ Chí Minh vạch ra. Về phần phe đối lập, khuynh hữu, họ nhìn sang phía khác. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam (VNQDĐ) đã thu xếp để khỏi phải đến ký vào hiệp định 6/3, tuyên bố hôm 12/3 rằng: “Trung Quốc và Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ cho hòa bình ở Viễn Đông......Trong lúc chờ đợi nước Pháp và nước Việt Nam lập lại được một nền hòa bình vững chắc, nước Mỹ phải giúp đỡ chúng ta về mọi phương diện hoàn toàn như Trung Quốc”.
Do Tam gợi ý, Chính phủ Trung Quốc cử ngay sang Trùng Khánh, bên cạnh Tưởng Giới Thạch, một phái đoàn hữu nghị gồm đại biểu các đảng chính. Mục đích phái đoàn là giải thích cho Quốc dân Đảng Trung Quốc rõ vì sao Việt Nam có thái độ như vậy và xác định với họ về lòng trung thành của Việt Nam với tình hữu nghị Trung - Việt. Theo yêu cầu của Nguyễn Tường Tam, ông Hồ đề nghị Vĩnh Thụy (Bảo Đại), ngày 16/3, đi theo phái đoàn “những người độc lập”, Bảo Đại chấp nhận. Ngày 18/3, ông ta cùng với các (đồng sự) rời Hà Nội đi Trung Quốc trên một chiếc máy bay Mỹ. VNQDĐ đang hướng về Bảo Đại, tuy nhiên vẫn nuôi hy vọng rằng tình thế chuyển biến sẽ cho phép họ, trong một tương lai rất gần, sẽ lật đổ Chính phủ Việt Minh và thay thế Việt Minh đứng đầu cả nước.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)