Sometimes the dreams that come true are the dreams you never even knew you had.

Alice Sebold

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 67
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần VI: Một Sự Uốn Nắn Diệu Kỳ: Hiệp Định 6/3/1946 (14/2 - 18/3/1946) - Chương 38
Ông đô đốc vừa đi, Leclerc chủ động tiến hành ngay công việc. Trong buổi tối ngày 13/2, ông ta ăn cơm tối với Salan và nói với Salan rằng: căn cứ vào những tin tức nhận được từ Hà Nội, ông ta thấy cần phải ngay hôm sau nhắc nhở Paris về sự cần kíp phải có một quyết định chính trị. Ông ta gửi bức điện sau đây:
“Những tin tức cuối cùng nhận được từ Hà Nội khẳng định rằng người Việt Nam càng ngày càng sẵn sàng hoặc nhượng bộ nếu họ được thỏa mãn về chữ “độc lập” hoặc lại lao vào một cuộc chiến tranh kiểu như cuộc kháng chiến của Pháp vừa qua và có thể kéo dài nhiều năm, ngăn cản thực hiện các ý đồ chính trị và hành chính có giá trị và giảm mất uy tín của quân đội Pháp vừa mới được củng cố lại hôm nay. Tôi cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để chúng ta ra một bản tuyên bố theo hướng đó. Quả như vậy, cách đây bốn tháng mà nhượng bộ đúng là một sự đầu hàng và một lời thú nhận bất lực. Nhưng giờ đây chúng ta đã củng cố lại chủ quyền và sức mạnh của Pháp, ổn định lại trật tự ở Nam Kỳ, Campuchia và một phần ở Lào và ở Trung Kỳ và chúng ta sắp sửa vào cửa ngõ Bắc Kỳ, tràn trề sức sống. Chúng ta có thể với tư thế hoàn toàn làm chủ và với một cái giá rẻ nhất nói chuyện với người Việt Nam và nhân nhượng nhau.
“Người Việt Nam chấp nhận dưới từ “độc lập” cái điều là chúng ta đề xuất dưới từ “autonomie” - tự trị. Quyền độc lập ấy sẽ được trao trả theo hạn trong nội bộ Liên hiệp Pháp và không phải chỉ cho Trung Kỳ, Bắc Kỳ mà cả Nam Kỳ, Lào và Campuchia. Tôi nghĩ rằng chỉ cần nêu từ ấy lên là cái phần lớn của vấn đề đã được giải quyết. Người Việt Nam sẽ cứu vãn được thể diện của mình mà uy tín và ảnh hưởng của chúng ta cũng chẳng bị giảm sút chút nào. Trên bình diện quốc tế, với sự thực hiện khẩn trương công việc bình định, chúng ta sẽ cung cấp một bằng chứng về lòng mong muốn tiến bộ của chúng ta trong lĩnh vực chính trị thuộc địa và tránh được khỏi phải trình bày vấn đề Đông Dương trước Đại Hội đồng Liêu Hiệp Quốc. Nếu người Việt Nam từ chối tức là lập trường quốc tế của chúng ta là không ai có thể chê trách được.
“Để kết luận, tôi cho rằng chính bây giờ đây, trước khi quân ta đổ bộ vào Bắc Kỳ, là thời điểm thuận lợi nhất cho sự ra đời của một bản Tuyên bố của chính phủ cụ thể và có nói đến từ “độc lập”
Ngay từ khi trở lại Hà Nội, ngày 14, Salan báo cho Sainteny biết sự việc. Trong lúc ông ta đi thông báo cho Lư Hán, ngày 16, rằng quân đội Pháp sẽ thực hiện cuộc đổ bộ vào đầu tháng 3, thì về phần mình Sainteny đến gặp ông Hồ Chí Minh, cũng vào ngày 16 và tiến hành cùng với ông Hồ một cuộc hội đàm quan trọng đến nỗi hôm sau ông ta phải đáp máy bay đi Sài Gòn. Leclerc nhận biết ngay là trong cuộc hội đàm này, Sainteny đã thực hiện được một điểm đột phá thật sự và ngay tối hôm đó điện sang Paris một bản điện “tối mật” cho đô đốc d’Argenlieu và tướng Juin như sau:
“Sainteny đã từ Hà Nội vào và trình bày vấn đề dưới đây: Ngày 16, ông ta đã gặp ông Hồ Chí Minh và tiến hành một cuộc hội đàm rất lâu và có tính chất quyết định; sau đó ông Hồ Chí Minh tuyên bố đồng ý điều đình theo những quy ước chính tiếp theo:
1. Chính phủ Pháp thừa nhận cho Việt Nam nguyên tắc một self government - chính phủ tự trị - nhưng đặt ra cho sự thừa nhận đó những điều kiện nêu lên sau đây: Việt Nam sẽ nằm trong Liên hiệp Pháp, sẽ tiếp nhận những cố vấn và nhân viên kỹ thuật Pháp, sẽ bảo đảm cho Pháp được duy trì và cả phát triển những lợi thế kinh tế của họ, sẽ chấp nhận một lập trường chung trên bình diện văn hóa, sẽ yêu cầu quân đội Pháp thay thế không chậm trễ quân đội Trung Quốc tại Bắc Kỳ.
2. Vậy ông Hồ Chí Minh yêu cầu được nhận một cách khẩn trương, qua trung gian ông Sainteny, một bức điện chứa đựng những điều cơ bản làm nền tảng cho bản hiệp định nói trên. Ông Hồ Chí Minh đã hứa sẽ chấp nhận ngay lập tức.
3. Saillteny cũng có báo cho tướng Lư Hán biết đặc biệt để chuẩn bị sẵn sàng và ủng hộ hành động của Pháp bù vào sự thừa nhận của chúng ta.
4. Ngoài bản tường trình đó ra, Sainteny nói rõ những điểm dưới đây:
a) Ông Hồ Chí Minh thôi hẳn không dùng từ “độc lập” nữa.
b) Từ Self - government đã được bản thân ông Hồ lựa chọn, theo đề nghị của Sainteny, hơn là từ ngữ “tự do chính phủ” và “tự do trong khối Liên hiệp Pháp”.
c) Ông Hồ Chí Minh chấp nhận Việt Nam gia nhập Liên bang Đông Dương
d) Ông Hồ Chí Minh dường như từ bỏ ý định về quyền đại diện tại Liên Hiệp Quốc.
e) Sainteny đã đặt ra nguyên tắc: Nam Kỳ sẽ tự mình quyết định lấy lập trường của mình trong tương lai.
5. Ông Hồ Chí Minh mong muốn Pháp ra ngay bản tuyên bố để cho phép ông trả lời nhanh chóng. Nếu không, ông sợ sẽ bị tràn ngập vì bao nhiêu chuyện, nào phe đối lập trong nước, nào hoạt động của Trung Quốc.
6. Tôi hoàn toàn nhất trí với Sainteny và Longeaux, mà nhận xét rằng việc cơ bản hàng đầu là phải có ngay một bản tuyên bố của Paris. Thực vậy, lời tuyên bố ấy của ông Hồ Chí Minh củng cố thêm cái cảm tưởng của chúng ta rằng về phía Chính phủ Pháp đã đến lúc nên đưa ra những đề nghị cụ thể bí mật; càng nên làm ngay vì có một cái lợi đáng kể là không cần phải nhắc tới từ “độc lập” nữa. Tất cả chúng ta hãy cầu mong chính phủ không bỏ lỡ một cơ hội như vậy. Nhận được thư phúc đáp của Ngài, tôi sẽ gửi người đưa tin sang, mang đầy đủ mọi tin tức, chỉ dẫn và chi tiết bổ sung. Ngoài ra, tôi xin báo cáo Ngài biết rằng ông Hồ Chí Minh, lần đầu tiên mong muốn cuộc hội dàm giữa ông với Sainteny được giữ bí mật. Trong trường hợp này, cần phải có những biện pháp thích hợp.
7. Tôi xin nhắc lại rằng điều cơ yếu số một giờ đây là phải gửi ngay những đề nghị bí mật của Chính phủ Pháp sang, nếu không thời cơ có thể mất đi.
8. Yêu cầu chuyển ngay tức khắc cho người nhận, dù là ban đêm. Gửi biên lai tiếp nhận.
Ký tên: LECLERC”
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)