Không phải tự dưng kim cương có thể sáng lấp lánh.

Mary Case

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 36: Thị Trường Trung Quốc
ể xúc tiến nhanh cuộc điều đình, d’Argenlieu đã gửi qua Trùng Khánh cố vấn ngoại giao của mình là Clarac. Clarac trên đường đi ghé lại Hà Nội và ngày 26, 27/1, tại đây (có Pignon cùng đi) Clarac có hai cuộc hội đàm cơ bản với người đứng đầu công việc hành chính trung ương của Trung Quốc tại Bắc Đông Dương, tướng Chao Pei-chang, và phụ tá của ông ta, đại diện của Wai Kiao Pou, Ling Chi-han. Người ta thấy ngay rằng thái độ của Chính phủ trung ương Trung Quốc đối với Pháp là một thái độ tích cực, khác với thái độ của Lư Hán, sử dụng binh lính Vân Nam để thực hiện chính sách riêng của ông ta. Qua những cuộc hội đàm này (theo d’Argenlieu) thì thấy rằng Chính phủ trung ương Trung Quốc mong muốn trở lại Bắc Kỳ trước rồi sau là cả Đông Dương, với một ý định quả quyết, rằng Trung Quốc rất lo ngại cái tai họa cộng sản lan tràn khắp Nam Á.
“Rõ ràng họ mong muốn thấy ông Hồ Chí Minh và Việt Minh biến khỏi sân khấu chính trị và hành chính của Bắc Kỳ; nhưng để thực hiện việc đó, họ không thể trông cậy vào hai đảng Việt Nam đang “Trung Hoa hóa” ấy. Bây giờ làm sao có thể dựa vào những kẻ cầm đầu bất lực như vậy để chống lại ông Hồ Chí Minh cho nổi?”
Cũng dễ dàng nhận thấy rằng đối với Trung Quốc, chỉ có Pháp mới có thể thực hiện được chiến dịch này. Chẳng lẽ Pháp không làm được tại Hà Nội cái việc họ đã làm thành công tại Phnôm Pênh với Tạm ước 7/1 sao? Nhưng
“Chính phủ Trùng Khánh sợ hơn nữa là, khi quân họ rút đi (ngày đó không xa nữa), nhân dân bản xứ và các đảng phái thân Trung Quốc sẽ coi việc rút quân đó như một hành vi phản bội và phản ứng quyết liệt chống lại những đồng bào của họ”
Bản báo cáo của Pignon về những cuộc hội đàm này (đề ngày 28/1) rất sáng sủa:
“Trong giờ phút này, 28/1, hình như Chính phủ Trung Quốc, qua những đại diện có thẩm quyền hơn cả của họ, đang đề nghị với chúng ta, lần cuối cùng, sẽ thành lập một chính phủ có thể cả họ cả chúng ta đều chấp nhận được, tức một chính phủ nếu không phải là chống cộng sản thì ít ra cũng là phi cộng sản. Chính phủ ấy trước con mắt Trung Quốc phải đảm bảo có tính chất rộng rãi cần thiết, đầy đủ. Họ sẽ buộc chính phủ đó ký kết với chúng ta và tạo mọi dễ dàng cho quân chúng ta đến thay thế quân của họ”.
Pignon đánh giá đề nghị này là hay, đáng lưu ý; nó sẽ đưa chân quân đội chúng ta dễ dàng và không có xung đột đổ máu, đến phía bắc vĩ tuyến 16. Ông ta nhấn mạnh rằng với sự giúp đỡ của quân đội Trung Quốc, VNQDĐ đang loại trừ Việt Minh khỏi các tỉnh miền Bắc Bắc Kỳ. Nhưng ông ta báo trước:
“Vậy là chính phủ tương lai đứng về logic mà nói, sẽ là một chính phủ thân Trung Quốc. VNQDĐ không đủ về nhân sự sẽ kêu gọi phái thân Nhật là Đại Việt cung cấp người vào chính phủ mới này, và người Pháp chúng ta sẽ đồng ý song song với họ để loại trừ ông Hồ Chí Minh và Đảng Việt Minh”.
Pignon lúc này tự vấn mình về sự chân thực của Trung Quốc và về những nguy cơ có thể xảy đến với cái có thể gọi chính xác là “một cuộc mà cả lừa phỉnh” ấy, rồi kết luận:
“Hình như chúng ta không thể công khai đứng lên chống lại mưu đồ của Trung Quốc được, mà trái lại phải tìm cách ký kết, và ký kết nhanh chóng với họ dù có chịu một vài hy sinh, tại Trùng Khánh.
“Trên bình diện địa phương, trong lúc vẫn cứ phải tiếp tục ra mặt lịch sự trước mặt kẻ đối thoại với chúng ta, nếu chúng ta góp phần làm cho Việt Minh - mà chúng ta không nên để mất liên hệ - tan rã thì e là điều thiếu khôn ngoan. Vừa cố gắng để có một chỗ đứng trong cả hai đảng mạnh, chúng ta vừa phải tìm kiếm thành lập một đảng phái thứ ba mà cả phía Trung Quốc và phía Việt Minh đều chấp nhận được và chúng ta thì có thể tác động đến. Nhưng trên mảnh đất Việt Nam, chúng ta không được phép tham gia một cách thụ động vào cái mưu đồ của Trung Quốc đang ngày càng bộc lộ rõ nét...
Cùng ngày hôm ấy, 28/1, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, có một cuộc họp của nhiều nhà lãnh đạo Việt Minh. Một diễn giả đã tuyên bố rằng:
“Nước Pháp là nước dân chủ sớm nhất thế giới, cho nên tin tưởng vào nước Pháp là phải lẽ và nên tìm một điểm gặp gỡ với Pháp. Chính Pháp là nước mà Việt Nam có thể chờ đợi nhiều sự giúp đỡ và thông cảm hơn cả”
Sau khi đọc bản báo cáo của Pignon - có lẽ được chuyển đến ngày 6/2 - d’Argenlieu phát biểu quan điểm của mình: cần phải ký kết nhanh chóng với Trung Quốc về vấn đề thay quân và những vấn đề còn lại (bằng một hiệp định ngoại giao thỏa đáng) và “ký kết một thỏa hiệp ít ra là sơ bộ với Chính phủ Hà Nội”. Còn đề nghị của Trung Quốc sẽ thành lập một chính phủ “nếu không phải là chống cộng sản thì ít ra phải không cộng sản”, nhưng thực chất là một chính phủ bao gồm những “phần tử quốc gia chủ nghĩa Việt Nam Hán hóa tận gốc và thù địch chúng ta, thì về mọi mặt không thể nào chấp nhận. Nhiệm vụ của tôi - ông đô đốc nói - là giải quyết công chuyện đó giữa Việt Nam và Pháp”.
Có thể rằng chủ định của ông đô đốc, như sau này P. Isoart gợi ý, là lợi dụng bản hiệp định với Trung Quốc để đưa quân Pháp vào Bắc Kỳ, rồi sau đó mới “điều đình” với chính phủ Hà Nội “trên lập trường thế mạnh”...
Tại Hà Nội, theo Sainteny và Pignon thì thái độ của ông Hồ Chí Minh ngày càng dung hòa. Ngày 2/2, ông Hồ đến bệnh viện Lanessan (bệnh viện Việt Đức ngày nay) gặp những người Pháp bị thương và nói với họ những câu thăm hỏi ân cần[38]. Ngày 8, ông Hồ tiếp tướng Salan từ Trùng Khánh sang để cảm ơn ông về “cử chỉ lịch sự” qua việc ông đến thăm bệnh viện. Theo Salan, ông Hồ đã đáp lại:
“Tôi là một người bạn trung thành của nước Pháp. Đây là ngày Tết, và tôi rất vui mừng được nhân dịp này bày tỏ mối cảm kích của tôi với nước ông... Vả lại, ông hãy tin tôi, đại bộ phận những người dân Đông Dương không phải là những người bài Pháp. Nhưng đáng tiếc là những sự việc ở miền Nam và thái độ của các ông đối với chúng tôi ngày càng khơi lên một cái hố sâu giữa các ông với chúng tôi”.
Salan nói với ông rằng sẽ là điều vinh dự cho ông nếu ông để cho quân Pháp đổ bộ lên yên ổn rồi lập lại trật tự và an ninh ở đây. Ông Hồ trả lời:
“Tôi không thể làm như vậy mà không trở thành phản bội Tổ quốc tôi. Pháp là một dân tộc lớn. Chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng chúng tôi không muốn sống nô lệ. Người ta nói với tôi về một nước Pháp mới, nước Pháp ấy hãy cho chúng tôi thấy sự đổi mới của nó. Chữ “độc lập” với tôi không quan trọng. Cái quan trọng là nội dung của nó. Chúng tôi muốn sống tự do. Dĩ nhiên chúng tôi muốn có nhiều cuộc trao đổi kinh tế, những quan hệ văn hóa rộng hơn, những cán bộ, kỹ thuật viên Pháp trong mọi lĩnh vực, nhưng chúng tôi muốn làm chủ nhà mình”.
Ông Hồ cho rằng bản tuyên bố ngày 24/3 đã bị “lạc hậu từ lâu rồi”, và ông trách rằng trong lúc điều đình về Việt Nam với Trung Quốc, nước Pháp không đề nghị “một điều gì thực chất” với chính phủ của ông cả, ông nói vậy.
Salan nói với ông rằng chắc chắn hai bên sẽ có thể thỏa thuận được với nhau nếu Chính phủ cách mạng Việt Nam không cản trở gì tới việc đổ bộ của quân Pháp, đã gần tới ngày. Bị tác động trông thấy trước cái tin này, ông Hồ nhắc lại rằng ông không muốn phản bội Tổ quốc ông, rằng ông sẽ không thể “ngăn cản được cuộc đổ bộ của quân Pháp”, nhưng mà “máu sẽ chảy và sẽ là điều bất hạnh. Tôi không muốn chuyện đó, nhưng rồi sẽ có những phụ nữ và trẻ con Pháp bị giết. Đáng tiếc, nhưng tôi sẽ không thể nào ngăn cản nổi. Đó sẽ là sự phản ứng của những con người không muốn bị xích xiềng trói buộc”...
Salan nói với ông về phe chống đối. “Đúng - ông Hồ đáp - và họ chê trách tôi yêu nước Pháp. Họ vẽ hình tôi lên báo chí của họ đang khoác vai một phụ nữ Pháp”.
Salan nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ làm tròn phận sự của mình theo quyết định của hội nghị Potsdam; ông Hồ đáp: “Tôi nghĩ thế, nhưng tôi giữ vững ý kiến rằng dù cả thế giới có chống lại chúng tôi đi nữa thì chúng tôi cũng không thể chấp nhận trở thành những người nô lệ. Pháp là đất nước của tự do. Nước Pháp mới hãy để cái tự do ấy lại cho chúng tôi!”
Ngày 9, Salan báo cho Sainteny và Pignon biết về những cuộc điều đình ở Trùng Khánh và bảo họ khẩn trương tiến hành điều đình với ông Hồ Chí Minh. Ngày 10, ít hôm trước khi ông ta đi Sài Gòn, Salan tiếp Caput. Caput vừa gặp ông Hồ Chí Minh hôm trước. Ông Hồ rất lo lắng về cái tin quân Pháp sắp đổ bộ. Ông muốn tuyệt đối tránh mọi sự đụng độ với “quân đội của nước Pháp mới”. Ông yêu cầu chúng ta “thông cảm cho ông”. Nguyện vọng của ông là “cho phép đất nước ông, cho phép đàn ông và đàn bà toàn nước Việt Nam được sống như những người công dân tự do”. Caput yêu cầu Salan ủng hộ cái “nguyện vọng rất tự nhiên đó” và tác động với Sài Gòn, với những người có thẩm quyền. Ngày 10, Salan trở lại Sài Gòn.
Ngay từ ngày 11, trước mặt Leclerc, ông ta báo cáo lại với d’Argenlieu về tất cả các cuộc điều đình của ông tại Trùng Khánh, cuộc hội đàm với ông Hồ Chí Minh và những lời Caput đã nói với ông. D’Argenlieu nói: phải dùng ngoại giao với Trung Quốc, nhưng ông Hồ tuyệt đối phải hiểu rằng Pháp có nhiệm vụ phải trở lại Bắc Kỳ. Salan nhấn mạnh về trạng thái tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sự ủng hộ gần như hoàn toàn của nhân dân Việt Nam đối với đường lối chính trị của ông, về việc ông Hồ chấp nhận cho quân đội chúng ta trở lại với điều kiện là “Pháp để cho nhân dân ông được tự do”. Và hôm sau, lúc từ biệt d’Argenlieu, Salan còn nhắc lại với d’Argenlieu lần nữa rằng, muốn đạt tới thành công, phải quyết định đi những bước mạo hiểm cả về ngoại giao cũng như chính trị.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)