The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 65
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 34: Cuộc Chia Bài Mới Tại Bắc Bộ
. Những ngày đầu tháng 1/1946 đánh dấu một bước ngoặt tại Bắc Bộ.
Ngày 1/1, “Chính phủ Liên hiệp dân tộc lâm thời” bắt đầu nhậm chức. Việt Minh sắp sửa phải đối phó với những bộ trưởng mới và cộng tác viên của họ.
Ngày 6/1, cuộc tổng tuyển cử được tiến hành không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra trên toàn bộ lãnh thổ do Chính phủ cách mạng Việt Nam kiểm soát. Dĩ nhiên, các ứng cử viên của Việt Minh đã giành được thắng lợi áp đảo khắp mọi nơi: ông Hồ Chí Minh được 98% số phiếu tại Hà Nội, ông Giáp được 97% số phiếu tại Vinh, Bảo Đại được 90% số phiếu tại Thanh Hóa, v.v... Như người ta có thể đoán trước, Việt Minh sẽ chiếm đa số trong Quốc hội sắp tới. Các đảng phái khác cũng được tham gia nhờ số 70 ghế giành riêng cho họ không phải bầu; nhưng Việt Minh đã có “tính chất hợp pháp dân chủ” của họ.
Trước triển vọng này, và nhất là trước triển vọng một sự xích lại gần nhau giữa Việt Minh với người Pháp, phe đối lập giận điên lên. Do đó hàng loạt những vụ ám hại người Pháp xảy ra, mà đỉnh cao là vụ ám sát ông Baylin, giám đốc địa phương của Ngân hàng Đông Dương, ngày 9/1, do hai tên khủng bố. (Khi bị bắt hai tên này tự khai là “dân buôn” bị tước đoạt). Tiếp đó, ngày 10, 11 và 12/1 nhiều vụ bạo lực ác liệt tiếp tục xảy ra do những phần tử “ngoài vòng kiểm soát”, “tự trị” vừa người Hoa vừa người Việt gây ra. Sự an ninh của người Pháp tại Hà Nội bị đe dọa nghiêm trọng, vì cảnh sát Trung Quốc tỏ ra chẳng có khả năng cũng chẳng nhiệt tình gì trong vấn đề lập lại trật tự. Nhưng trong lúc những biến cố này xảy ra, người ta nhận thấy các nhà đương cục Việt Minh có một thái độ rất ôn hòa đúng mức; phần lớn quần chúng nhân dân Việt Nam cũng có thái độ như vậy. Tại nơi ở của Sainteny, người ta có nêu lên:
“Sau những vụ người Hoa tấn công người Pháp, chính phủ đã thay đổi thái độ đối với người Pháp. Nhân viên cảnh sát thành phố đã nhiều lần can thiệp để giải tỏa và bảo vệ cho họ. Những người đi xe đạp và lái ô tô đi lại các ngả đường yêu cầu quần chúng giải tán đi và để cho người Pháp được yên ổn.
Sự bất an của người Pháp ở Hà Nội từ đây được Sài Gòn quan tâm. Do đó mà có sự phản đối mãnh liệt đối với các nhà chức trách Trung Quốc - những nhà chức trách này bảo đảm một cách cụ thể rằng những chuyện bất trắc ấy sẽ không còn xảy ra nữa và họ sẽ thi hành những biện pháp nghiêm khắc để bảo vệ trật tự an ninh. Về phía người Pháp, tại Sài Gòn, Leclerc cho chuẩn bị “một cuộc can thiệp tức khắc” (của lực lượng com măng đô nhảy dù) nhằm cứu người Pháp tại miền Bắc Đông Dương trong trường hợp cấp bách. Đồng thời ông ta báo cho tướng Juin ở Paris yêu cầu Juin xúc tiến ngay với Trùng Khánh để có một quyết định cứng rắn về việc quân đội Pháp thay chân quân đội Trung Quốc tại Bắc Bộ. Leclerc cho Juin biết rằng tướng Valluy, tư lệnh sư đoàn thứ 9 DIC (sư đoàn Đông Dương) đã được ông đô đốc phái qua Paris nhằm cùng với chính phủ nghiên cứu những việc chuẩn bị quân sự và ngoại giao cho cuộc đổ bộ. Mặt khác, gửi thư cho Salan cũng đang điều đình về vấn đề này tại Trùng Khánh, Leclerc yêu cầu Salan tìm cách thuyết phục Trùng Khánh đồng ý cho người Pháp ở Hà Nội được tái vũ trang để đảm bảo an ninh thành phố. Về điểm này, Salan sẽ vấp phải một sự từ chối rất lịch sự nhưng mà kiên quyết. Người Trung Quốc (và Việt Nam) sợ rằng một khi được tái vũ trang rồi, người Pháp ở Hà Nội cũng sẽ lại “tái bản” một “vụ Sài Gòn”, sẽ tìm cách bắt Chính phủ Việt Minh và gây nên một vụ đảo lộn và một cuộc đối đầu mới nữa. Người Trung Quốc biết rõ rằng Chính phủ cách mạng Việt Nam sẽ chống đối quyết liệt. Leclerc, cũng như Sainteny, nghi ngờ các nhà đương cục Trung Quốc muốn gây không khí căng thẳng “hoặc nhằm bắt buộc chúng ta phải điều đình, hoặc nhằm tạo ra những biến cố nghiêm trọng biện hộ cho sự chiếm đóng của Trung Quốc đối với miền Bắc Đông Dương”.
Nhưng Sainteny dường như có nhận thấy rằng d’Argenlieu quá tin vào lực lượng quân sự của Pháp, không loại trừ một hành động bạo lực trong trường hợp Trung Quốc không sẵn sàng để cho Pháp thế chân như đã dự tính. Ông ta sẽ kín đáo bảo cho ông đô đốc biết mà đề phòng bằng cách làm cho ông đô đốc lóa mắt trước một triển vọng khác. Trong một công hàm khoảng giữa tháng 1, Sainteny thấy cần khẳng định rằng “Bắc Kỳ trở lại dưới chủ quyền của Pháp chỉ có thể thực hiện được với sự đồng ý của Trung Quốc”, vì Trung Quốc giờ đây “đang thực sự là người làm chủ tuyệt đối tình hình”.
“… Trung Quốc sẽ phản đối bất cứ một sự tiếp cận Pháp - Việt nào không được họ chuẩn y và không thực hiện qua trung gian của họ.
“Ngược lại Trung Quốc sẽ sẵn sàng làm người môi giới cho một hiệp định trong đó họ được nhiều cái lợi.
“Chỉ duy nhất một cuộc can thiệp vũ trang được tiến hành với những vũ khí cực kỳ có hiệu lực mới có thể miễn cho chúng ta sự trung gian đó. Thực ra thì chưa có bằng chứng nào khẳng định rằng chúng ta đã có những phương tiện ấy và càng ít hơn nữa rằng chúng ta đã quyết định chấp nhận những nguy cơ mà việc sử dụng những phương tiện ấy sẽ mang lại không thể nào tránh khỏi.
“Cứ cho rằng chúng ta mạo hiểm làm việc ấy đi, liệu có chắc chúng ta sẽ tốn kém ít hơn cuộc mặc cả mà Trung Quốc đang đẩy chúng ta vào?
“Sau nữa không nên tự giấu mình rằng dù cho Trung Quốc có lùi chân trước một cuộc xung đột vũ trang với nước Pháp, thì những đơn vị quân bất thường của họ sẽ dành mọi sự ủng hộ cho các lực lượng cách mạng Việt Nam, qua vùng biên giới mà ai cũng biết là rất dễ dàng xâm nhập.
“Như vậy có nghĩa là, nếu người ta cố khôi phục chủ quyền của Pháp tại Bắc Kỳ bằng sức mạnh của vũ khí thì chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với một cuộc xung đột quy mô rất to lớn.
“Trái lại, nếu chúng ta quyết định sẽ sử dụng đường lối hoạt động ngoại giao thì xem ra những cuộc điều đình kinh tế được chỉ đạo một cách khôn khéo có thể:
“1. Trả lại Bắc Kỳ cho chúng ta mà không phải đổ máu; 2. và nhanh chóng hơn là bằng vũ lực; 3. cho phép chúng ta ngay từ bây giờ khai thác trở lại một cách có lợi một đất nước đang mỗi ngày mỗi trượt nhanh vào tình trạng tuyệt đối vô chính phủ; 4. thực hiện một bước đầu xích gần lại với Trung Quốc và chủ yếu với các tỉnh Tây - Nam mà hậu quả và triển vọng có thể vô cùng to lớn.
“Chính cái điểm cuối cùng này phải làm mục tiêu cho toàn bộ những cuộc điều đình sắp sửa mở ra...
“… Thị trường Trung Quốc sẽ không phải là một thị trường độc chiếm của Mỹ như cách đây vài tháng người ta từng lo sợ...
“Dù chúng ta có bắt buộc phải từ bỏ hoặc nhượng bộ gì đi chăng nữa, thì vấn đề Bắc Kỳ cũng không được coi như là một thất bại mà là một dịp bất ngờ không những để nối lại quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà còn phát triển những quan hệ đó lên tới những mức độ có thể phong phú vô cùng.
“Bắc Kỳ giờ đây là và về sau sẽ là sợi dây tối cần thiết nối liền vùng Tây - Nam Trung Quốc với thế giới. Sợi dây nối đó dù có trả bằng giá nào đi nữa, chúng ta vẫn cứ phải làm chủ.
“Chính là để theo đuổi mục đích đó, chứ không phải chỉ vì cái ý muốn duy nhất “giữ uy tín” trong giới hạn một lãnh thổ Bắc Kỳ, mà chúng ta phải tiến hành những cuộn đàm phán.
“Ván bài khó đánh, đúng vậy, nhưng khả năng và hy vọng thật là vô biên. Nếu biết nhìn bao quát và mạnh dạn, tôi tin chắc ván bài cứ phải đánh và sẽ thắng”.
Trong lúc đó, không khí hòa dịu giữa người Pháp và người Việt Nam được củng cố.
Ngay từ ngày 6/1, tức ngày tổng tuyển cử, ông Hồ Chí Minh, với những lời lẽ rõ ràng, trong sáng, đã nói rõ, cụ thể lập trường của Việt Nam với nhà báo Pháp P.M. Dessinges:
“Chúng tôi không hề thù ghét gì nước Pháp và nhân dân Pháp. Chúng tôi rất khâm phục họ và chúng tôi không muốn cắt đứt những mối quan hệ chặt chẽ nối liền hai dân tộc chúng ta. Nhưng chúng tôi yêu cầu nước Pháp đi bước đầu chân tình và cụ thể. Chúng tôi càng mong muốn như vậy nhất là khi chúng tôi thấy có nhiều nước tìm cách nhúng tay vào những công việc hoàn toàn nội bộ của chúng tôi. Hai dân tộc chúng ta không nên để các nước kia có dịp lên lớp đạo đức cho chúng ta. Chúng tôi muốn, chúng ta phải thu xếp giữa hai nước chúng ta với nhau. Nhưng ông nên biết rằng: Chúng tôi quyết tâm chiến đấu đến cùng, nếu người ta bắt buộc chúng tôi phải chiến đấu”.
Pignon báo tin là bắt đầu từ ngày 12/1, báo chí đã hạ giọng một cách rõ ràng đối với Pháp. Tờ nhật báo của Việt Minh - Cứu Quốc - nêu lên sự phân biệt giữa “những người Pháp tốt của nước Pháp” với những “người Pháp xấu của Nam Kỳ”, còn ông Hồ thì khuyên nên đối xử “quân tử” với những người Pháp ở Đông Dương.
Giữa tháng 1, một nhà lãnh đạo của MRP (phong trào Cộng hòa bình dân), Max André, cựu thống đốc Ngân hàng Pháp - Hoa, đến Đông Dương. Ông ta gặp ông Hồ tại Hà Nội ngày 16 và 21/1. Ông ta sẽ báo cáo lại với d’ Argenlieu rằng theo ý ông ta thì “ông Hồ Chí Minh gắn bó với cái vỏ bên ngoài ít hơn là với cái thực chất bên trong của từ “độc lập”, có nghĩa là với cái nội dung của quy chế mới về quan hệ Việt - Pháp. Điều mà ông ta mong muốn thiết tha nhất là một sự hợp tác bình đẳng với nhân dân Pháp. Tóm lại, ông Hồ mong muốn có một Chính phủ Việt Nam làm chủ đất nước của mình và một tổ chức hành chánh, một nền kinh tế, một hệ thống tài chính, một quân đội và sau nữa một nền ngoại giao độc lập”. Theo Max André, vậy là đòi hỏi quá nhiều. Ngày 21/1, ông Hồ nhấn mạnh “để nước Pháp ra một bản tuyên bố trịnh trọng có lợi cho nền độc lập của Việt Nam, dĩ nhiên. Không có bản tuyên bố đó thì mọi cuộc đàm phán sẽ giảm bớt uy tín của ông Hồ trước con mắt nhân dân Việt Nam...”.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)