That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 67
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 32: Con Bài Trung Quốc
hông khí căng thẳng ở Hà Nội giảm bớt xuống với việc hôm 06/12, Ngân hàng Đông Dương lại mở cửa và Sài Gòn chấp nhận phương thức chuyển đổi những tờ giấy bạc năm trăm đồng. Sự kiện này sẽ là cơ hội tốt chủ yếu cho người Hoa thực hiện những vụ buôn tiền rất có lãi.
Nhưng ngày 09/12, d’Argenlieu nhận của đại sứ Pháp tại Trung Quốc, Pechkoff gửi, một bức diện báo tin rằng thống chế Tưởng vừa tuyên bố: Trung Quốc sắp sửa rút quân khỏi Bắc Đông Dương. Ông đô đốc rút ra một kết luận là vấn đề Trung Quốc sắp sửa giải quyết xong rồi và không nên cam kết gì với người Việt Nam cả. Sẽ xem xét sau cần phải làm gì đối với người Việt Nam một khi Pháp trở lại miền Bắc Đông Dương bằng quân sự.
Trong lúc tiếp Pignon tại Sài Gòn ngày 16/12, ông đô đốc có nói với Pignon rằng bản dự án ngày 07/12 đã tóm tắt nội dung tư tưởng của ông. “Xuất phát quan điểm của chúng ta... là bản tuyên bố ngày 24/3. Nội dung sứ mệnh của tôi trước tiên là thiết lập lại chủ quyền của Pháp dưới hình thức một Liên bang (đổi mới) của năm nước thành viên, mỗi nước gia nhập một cách hoàn toàn tự nguyện vào Liên hiệp Pháp”. D’Argenlieu đồng ý về một “chế độ tự trị nhưng là trong giới hạn cụ thể của Liên bang và Liên hiệp đặt ra”. Nước Pháp điều đình với Trung Quốc, và trong lúc này, đó là vấn đề quan trọng hơn hết.
“Ở Bắc Bộ, tôi nghĩ rằng về phần chúng ta, trước khi quyết định về tương lai, nên khôn ngoan xem xét kết quả của cuộc tổng tuyển cử tiến hành vào ngày 23/12”... Pignon cho Việt Minh sẽ thắng lợi, nhất là ông Hồ Chí Minh. Nhưng ông đô đốc thì giữ ý kiến là không nên hấp tấp, vì các đảng phái khác của Việt Nam sẽ bộc lộ lực lượng của họ. Hơn nữa, tình hình đang sáng sủa ra: Leclerc bình định miền Nam; quân đội Anh sắp sửa rút và quân Trung Quốc thì loan báo việc họ sắp đi. D’Argenlieu kết luận rằng Sainteny cần giữ mối tiếp xúc với Chính phủ cách mạng Việt Nam và với các đảng phái Việt Nam. Bản thân ông đô đốc cũng sẵn sàng gặp ông Hồ Chí Minh và yêu cầu bố trí cho ông hội kiến bí mật và chớp nhoáng với ông Hồ Chí Minh khoảng ngày 23 - 25 tháng 12, trên chiếc chiến hạm “Richelieu” sẽ đến đậu trước cửa Đồ Sơn gần Hải Phòng.
Pignon trở về Hà Nội ngày 20/12. Đề nghị đã được chuyển tới ông Hồ. “Chính phủ cách mạng Việt Nam vội vàng nhận lời mời”, tuy nhiên, cũng đặt ra điều kiện là ít nhất phải bảo đảm được một kết quả tích cực trong cuộc gặp gỡ ấy. Chính phủ cách mạng Việt Nam cũng lưu ý đề phòng một sự phản đối của Trung Quốc chắc chắn sẽ xảy ra. Dự kiến ấy đành phải bỏ.
Dù thế nào chăng nữa, cái điều kiện quan trọng nhất đối với d’Argenlieu cũng như với Leclerc giờ đây là làm sao có được càng sớm càng hay sự đồng ý của Trung Quốc cho quân đổ bộ vào Bắc Kỳ khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3. Vì lý do đó mà tướng Salan được phái lên phương Bắc và ít lâu nữa sẽ tới Trùng Khánh.
Tuy vậy, cái tin Trung Hoa sắp sửa rút nay mai làm cho Hà Nội có những quyết định dồn dập. Đối với phe đối lập và bạn hữu của họ, họ muốn thôn tính ngay lập tức Việt Minh đi và thành lập một chính phủ thân Trung Quốc có khả năng chống lại Pháp. Trước áp lực của phe kình địch của mình, Việt Minh nhận định, ngày 19/12, chấp nhận tại chỗ nào còn có thể, hoãn ngày tổng tuyển cử 23/12 đến ngày 06/01/1946 - họ nói vậy - để phe đối kháng có thời giờ để cử người của họ.
Ngày 22/12, một mệnh lệnh của Chính phủ trung ương Trung Quốc chỉ thị cho Bộ tham mưu Hà Nội phải tránh mọi hành vi bạo lực và giải quyết vấn đề ngay lập tức bằng những biện pháp chính trị. Lý do được viện đến: Tại Trung Quốc, cuộc xung đột giữa quốc dân đảng và cộng sản đảng ngày càng quyết liệt; những vụ lộn xộn ở Bắc Bộ sẽ tạo nên một mối nguy cơ lớn, vì người Pháp có thể lợi dụng tình thế để đổ bộ quân lên, và quân đội Trung Quốc hiện nay chưa có thể nào gửi viện trợ qua Bắc Bộ được. Sau nữa, người ta đang chờ đón một phái đoàn Nga tại Hà Nội, và Trùng Khánh không muốn làm căng thẳng mối quan hệ của nó với Liên Xô, khi mà quân Nga vẫn còn chiếm đóng Mãn Châu.
Ngay từ ngày 22, đại bản doanh Trung Quốc yêu cầu Nguyễn Hải Thần thỏa thuận khẩn trương với ông Hồ Chí Minh. Những cuộc thảo luận ngày 23 và 24 đã dẫn đến, tối ngày 24, một sự thỏa thuận giữa ông Hồ Chí Minh (Việt Minh), Nguyễn Hải Thần (Đồng Minh Hội) và Vũ Hồng Khanh (Việt Nam Quốc dân Đảng). Ba bên đã quyết định thành lập ngay một chính phủ đoàn kết dân tộc (các bộ sẽ được phân chia cho các đảng) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch. Chính phủ này sẽ chính thức thực thi nhiệm vụ vào ngày 01/01/1946 và sẽ nghiên cứu không chậm trễ Pháp những điều khoản sẽ tức thời được ký kết với Trung Quốc, chữ ký của chính phủ mới là điều kiện tiên quyết cho mọi sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với Việt Nam. Chính phủ này sẽ là một chính phủ lâm thời. Chính phủ chính thức sẽ thành lập sau tổng tuyển cử, sau khi quốc hội, do tổng tuyển cử bầu ra, khai mạc. Trong quốc hội ấy, căn cứ tình hình thực tế, sẽ có 70 ghế bảo đảm dành cho phe đối lập; đáp lại, phe đối lập hứa hẹn sẽ không tẩy chay hoặc chống phá cuộc bỏ phiếu.
Ông Hồ Chí Minh và Việt Minh đã nhất thời cứu vãn được lập trường của họ; nhưng từ đây họ bị rằng buộc vào chiếc xe Trung Quốc và đi vào quỹ đạo kinh tế, chính trị của Trung Quốc và Mỹ. Chúng ta nên nhớ rằng lúc này, tại Trung Quốc, tướng Marshall đang bắt tay thực hiện những bước đầu sức mệnh làm trung gian của Mỹ.
Trong tình hình đó, phái đoàn Xô Viết (hầu hết các cơ quan của Pháp đều sẽ không biết đến sự tồn tại của phái đoàn này) đến Hà Nội làm hai đợt, đợt đầu ngày 20 và đợt hai ngày 23/12. Tại sân bay, họ được người Trung Quốc, Anh và Việt Nam đón tiếp, nhưng họ chỉ làm việc với một mình Chính phủ cách mạng Việt Nam, và quan hệ của họ với Việt Nam có chiều “rất thân mật”. Người Nga đã nói gì với người Việt Nam? Hình như họ bảo cho Việt Nam biết để đề phòng nguy cơ bị rơi vào quỹ dạo của một đảng quốc dân (Trung Quốc) thân Mỹ. Vì trước mắt, Liên Xô chưa làm gì được cho Việt Nam, nên Việt Nam cần phải nằm trong quỹ đạo của Pháp. Làm sao thực hiện được “bước ngoặt” ấy sau bao nhiêu công sức tuyên truyền chống Pháp? Lời khuyên của phái đoàn Xô Viết sẽ làm cho bước ngoặt đó được những phần tử “cứng rắn” của Việt Minh chấp nhận. Từ đây, không được biểu thị một thái độ chống Pháp có tính hệ thống nữa, mà tìm cách phân biệt, theo phương pháp biện chứng, giữa các người Pháp. Nước Pháp đang có chiều hướng chuyển sang tả. Đảng Cộng sản Pháp ngày càng mạnh hơn lên và De Gaulle sắp sửa thôi chức. Phải dựa vào Pháp để chống lại những phần tử phản động Trung Quốc và Mỹ.
Ngay từ ngày 30/12, Hà Nội công bố một bản thông cáo rất có ý nghĩa:
“Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ hân hạnh được hội đàm với đại diện của nước Pháp; nhưng như vị chủ tịch của chính phủ đã tuyên bố, nếu Chính phủ Pháp muốn trao đổi ý kiến với chúng tôi thì phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam như một thực tế đã có”.
Trong một bản báo cáo đề ngày 24/1/1946, Pignon báo cáo cho Sài Gòn biết rằng Chính phủ cách mạng Việt Nam, qua nhiều trung gian khác nhau:
“Đã bắt đầu, từ cuối tháng 12, có một sự diễn biến thuận lợi cho nước Pháp. Sự diễn biến này có thể coi như một biểu hiện của nguyện vọng cùng nước Pháp nối lại những cuộc điều đình đã bị gián đoạn”...
“Phải đương đầu với một tình hình chính trị, hành chánh kinh tế và tài chính thảm hại, ông Hồ Chí Minh kêu gọi truyền thống tự do và nhân đạo của nước Pháp và lợi dụng những tình cảm đó để lại hướng trở về với nước Pháp và chờ nhận được ở Pháp một sự giúp đỡ tối đa...
“Vì lẽ ấy mà ít hôm sau ngày 23/12 - ngày đạt được sự thỏa thuận với các đảng thân Trung Quốc sự tuyên truyền của Chính phủ cách mạng Việt Nam đổi giọng, đoạn bắt đầu thêu dệt thêm một chủ đề mới sau đây: cần phải có sự phân biệt về người Pháp, giữa một bên là những người Pháp thực dân và đế quốc còn một bên là những Pháp kiều và những người Pháp lưu vong. Đối với hạng thứ nhất, Việt Nam phải tiếp tục chiến đấu đến cùng, còn đối với hạng thứ hai thì người Việt Nam phải tỏ ra khoan hòa”...
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)