Vấn đề không phải ở chỗ bạn đang gặp khó khăn mà chính ở chỗ bạn xem khó khăn là một vấn đề.

Theodore Rubin

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22: Sainteny Ở Hà Nội
gày 15/8, Ross (DGER, Calcutta) từ Candy về, gửi một thông điệp cho Sainteny tại Côn Minh, chủ yếu nói:
“… Tôi đã báo cáo với Paris rằng mối nguy cơ chính hiện nay, như ông nói, là từ phía người Trung Quốc và do đó chúng tôi cố gắng nhờ một phương tiện của Mỹ để đưa ông đi một mình hoặc với người Mỹ tới Hà Nội”....
Ngày 20, Sainteny nói rõ với Ross rằng ông ta không thể đi Hà Nội bằng máy bay sẵn có của Pháp được, vì đã bị người Trung Quốc niêm phong mất rồi. Ông ta nói thêm:
“Tiếp tục đường lối chính trị mà chúng ta đã cùng nhau quyết định và ông đã cho phép tôi thi hành, tôi đành chơi lá bài OSS, đồng thời vẫn rất thận trọng...
“Theo cách nhìn của phía người Mỹ thì tình hình chắc chắn sẽ như thế này:
“Trước hết, thái độ của người Annam sẽ như thế nào:
“a) Đối với việc người Pháp quay trở lại?
“b) Đối với sự chiếm đóng của Trung Quốc?
“Chuyện “dự báo thời tiết” ấy, hình như một mình OSS chịu trách nhiệm. Để hoàn thành tốt đẹp và nhanh chóng nhiệm vụ của mình, OSS cần có người Pháp tham gia. Nó đã đề nghị tôi hợp tác với nó trong chuyện thăm dò này, cũng như trong những việc chuẩn bị khi quân đội Đồng minh đến. Tôi đã tức thời nắm lấy thời cơ và sẽ lợi dụng thời cơ đưa vào theo cùng với tôi càng nhiều phần tử DGER càng hay.
“Vì rằng trong vấn đề này chúng ta chỉ có lợi, tôi dự kiến sẵn sàng giúp OSS xác định được một khái niệm về tình hình chính trị ở Đông Dương, nhưng cũng để củng cố chỗ đứng của nước Pháp mới tại Đông Dương, bằng cách chống đối lại quyết liệt mọi âm mưu khôi phục quyền lực của những phần tử Vichystes cũ (theo chính phủ Pétain-LND) - là điều không thể tránh khỏi gây phản ứng của các đảng phái cách mạng mà người Mỹ dường như kinh sợ nhất.
“Vậy hầu như chắc chắn rằng quân đội Đồng minh chỉ vào Bắc Bộ khi nào OSS đã chỉ rõ cho Trùng Khánh biết việc quân Đồng minh đổ bộ vào Bắc Bộ sẽ gây ra những phản ứng nào. Khi đó mới quyết định quân đội những nước nào sẽ đổ bộ lên, quân Trung - Mỹ ư? Một mình quân Trung Quốc ư? Hay quân Pháp có thể có vị trí xứng đáng của mình trong đó? Tóm lại, có nghĩa là, theo ý tôi, việc quân Đồng minh vào Đông Dương chưa xảy ra ngay đâu.
“Về phần tôi, nếu mọi sự diễn biến bình thường, tôi hy vọng có thể cài vào theo tôi khoảng 300 người trực thuộc M.5. Tôi dự tính, trong một sự bí mật tuyệt đối, làm sao tăng cường được yếu tố chống đối cơ sở đầu tiên ấy. Có thể tôi sẽ bị (điều này không nằm trong thói quen của tôi) theo dõi khá sít sao và bị trói chặt chân tay ở Hà Nội. Tôi sẽ cố gắng bí mật bám chắc lấy Calcutta”...
Cuối cùng, ngày 22/8, sau một loạt những chuyện rắc rối, Sainteny đã có thể cùng với bốn đồng đội theo phái đoàn đầu tiên của OSS, do tiểu đoàn trưởng Patti dẫn đầu, hạ cánh xuống Hà Nội. Toàn thành phố sáng rực màu cờ Việt Minh.
Sau khi tiếp xúc được tại khách sạn Métropole với những người dân Pháp rất kích động trước cái việc ông ta đến Hà Nội, Sainteny cùng những kẻ đồng hành của ông được đưa về phủ Toàn quyền; tại đây, lấy cớ là để tránh những chuyện bất trắc, ông ta bị quân đội Nhật cách ly - thực chất là bị giam - không tài nào bắt liên lạc được với thành phố.
Chính là phái đoàn Mỹ tiếp xúc với Bộ Tham mưu Nhật Bản và với những nhà chức trách mới của Việt Nam. Bộ Tham mưu Nhật Bản hình như đang chuyển giao nhẹ nhàng mọi quyền hành ở Việt Nam sang cho chính phủ mới đó trong khi một luồng gió tuyên truyền chống Pháp đang thổi mạnh tại đô thị này, tạo thành một không khí căng thẳng rất nguy hiểm cho người châu Âu. Những nhân vật khiêu khích tích cực hoạt động, bắt đầu, hình như thế, từ những phần tử quốc gia thân Nhật. Các tù binh chiến tranh, Pháp hay Đồng minh, không thể nào phóng thích nổi.
Ngày 26, Ủy ban Dân tộc Giải phóng (Việt Minh) thành lập ở Tân Trào, ra công khai, và Patti, sau khi gặp ông Giáp, đã được ông Hồ Chí Minh tiếp, ông Hồ Chí Minh vừa về Hà Nội, ở đây, sự hiện diện của ông hầu như vẫn còn giữ bí mật. Patti nói với ông rằng Sainteny muốn rất nhanh chóng được nói chuyện với Việt Minh. Nhưng ông Hồ tỏ ra rất tiếc là người Pháp đã không hưởng ứng những đề nghị vừa rồi của ông. Ngày 27, ông Võ Nguyên Giáp, mà ông Hồ đã cử làm Bộ trưởng Nội vụ, vào phủ Toàn quyền để thảo luận, trước mặt Patti, với Sainteny. Ông Võ Nguyên Giáp không hề tỏ ra chút gì thù địch cả. Ông chỉ trình bày giản dị rằng Việt Minh hiện nay là người làm chủ nước Việt Nam, rằng Việt Nam vừa thành lập một chính phủ lâm thời và ông hy vọng, nước Pháp sẽ quan tâm, lưu ý đến thực tế đó. Theo Sainteny thì ông Giáp “mong ước có sự tiếp xúc chặt chẽ giữa chúng tôi với nhau và nói rõ rằng các bạn đồng sự của ông và bản thân ông sẽ sung sướng được nhận những lời khuyên bảo và chỉ giáo” (theo nguyên văn). Những nguyện vọng của chính phủ mà ông là thành viên không có gì là quá mức, và ông tin chắc rằng “nước Pháp không những sẽ hiểu những nguyện vọng đó mà còn sẽ coi như đó là nguyện vọng của chính mình”.
Sainteny trách Việt Minh đã thông báo cho thế giới rằng Việt Nam không thích có sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương nữa và đã làm dấy lên một làn sóng thù địch với Pháp khắp nước. Ông ta loan báo rằng nước Pháp mới đang lựa chọn một đường lối chính trị rộng rãi đối với Đông Dương, mà người ta sẽ thấy ứng dụng nay mai sau khi quân Nhật và quân Trung Quốc đã rời khỏi nước Việt Nam. Ông Giáp hỏi các chi tiết và trước mối hoài nghi của ông, Sainteny tỏ ra cứng rắn, nhắc lại rằng Đông Dương vẫn nằm dưới quyền của nước Pháp và nước Pháp đợi xem những người lãnh đạo mới hành động ra sao để quyết định họ có xứng đáng được củng cố hay không. Người ta sẽ căn cứ vào cách họ giữ gìn trật tự và an ninh để có những xét đoán về họ. Sainteny báo cho ông Giáp biết quân Trung Quốc sẽ tới để giải giáp quân Nhật và đây là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì chắc chắn còn lâu mới mời được họ rút lui.
Theo Sainteny thì cuộc hội kiến đã kết thúc cũng lịch sự như nó đã bắt đầu. Ông Giáp tuyên bố rất hài lòng và mong muốn”những cuộc hội đàm như vậy sẽ còn tiếp diễn càng nhiều càng hay”.
Ông Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp sắp sửa bộc lộ với Patti nỗi e ngại của mình trước tin phong thanh về những ý đồ của Pháp đã tuyên bố ra và trước những vụ thả dù nhiều nhân viên mật vụ Pháp tại nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng trước hết họ tỏ ra rất lo ngại trước việc quân Trung Quốc đang sắp sửa kéo đến, nhất là các lực lượng quân sự tỉnh Vân Nam và cùng với họ là những phần tử quốc gia cánh hữu và thân Trung Quốc của Đồng Minh Hội và của VNQDĐ (Việt Nam Quốc dân Đảng).
Việc kiểm soát đất nước giờ đây trên thực tế đã được thực hiện trên toàn lãnh thổ.
Tại Sài Gòn, Việt Minh đã thành lập cùng với những phần tử quốc gia một mặt trận và dựng lên một Ủy ban Hành chính lâm thời của miền Nam. Ngày 30/8, cuối cùng người ta nhận được tin nhà vua đã chính thức thoái vị.
Từ ngày 27/8 Ủy ban Dân tộc giải phóng tại Hà Nội đã đổi thành “Chính phủ Lâm thời”. Ngày 2/9, thành phần Chính phủ Lâm thời được công bố cho mọi người và ông Hồ Chí Minh xuất hiện từ trong bóng tối ra công khai. Ông giữ chức Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, ông Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Tuyên truyền, ông Chu Văn Tấn - Bộ trường Quốc phòng, ông Phạm Văn Đồng - Bộ trưởng Tài chính, ông Nguyễn Mạnh Hà - Bộ trưởng Kinh tế v.v... Ít lâu sau đó, Bảo Đại, bây giờ trở thành công dân Vĩnh Thụy, được phong chức “Cố vấn tối cao của Chính phủ”.
Sainteny vẫn bị “o ép” và không nhận được chỉ thị gì, luôn luôn tấn công Calcutta bằng những bức điện tuyệt vọng. Ngày 28, ông ta đã quả quyết: “Chúng ta đang đứng trước một âm mưu nhiều bên liên hợp lại nhằm tẩy chay người Pháp ở Đông Dương... Đến lúc này, ta phải hiểu rằng miền Bắc Đông Dương không còn là thuộc Pháp nữa”.
Ngày 31, Sainteny nhấn mạnh:
“Tôi không có cách nào duy trì được chỗ đứng hiện tại của tôi nếu Ngài không lợi dụng sự có mặt của tướng Leclerc tại Tokyo, có ngay được cho tôi một cái giấy xác định chính thức rằng tôi là kẻ tiên phong của phái đoàn Pháp. Sự xác nhận này phải do Tokyo trực tiếp thông báo cho Bộ chỉ huy quân đội Nhật tại Bắc Kỳ. Thiếu tờ thông báo ấy, tôi sẽ bắt buộc phải rời bỏ phủ Toàn quyền; mà hiện nay người Pháp còn đang chiếm đóng, mặc dù thực chất họ là những tù nhân, điều này vẫn gây ấn tượng sâu sắc cho người Việt Nam, làm phiền hà cho Việt Minh, và tăng sức mạnh cùng hy vọng cho người Pháp. Ai cũng thấy việc đó mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền của chúng ta.
“Tôi yêu cầu Ngài hiểu rằng chúng ta được cái may mắn hiếm có là ở ngay giữa lòng Chính phủ Pháp tại Đông Dương. Chúng ta không nên sai lầm mà thực hiện một “cuộc thoái vị” mới. Chuyến công tác của tôi phải được chính thức hóa chứ không bị lãng quên như cái vẻ bề ngoài hiện nay của nó, là điều mà cả Việt Minh, quân Nhật cũng như Đồng minh đang gấp rút lợi dụng một cách có hại cho nước Pháp.
“Vấn đề nhân sự không quan trọng: nếu Ngài thấy tôi không đủ tư cách đảm nhiệm, hãy cho tôi biết nên trao quyền chỉ đạo lại cho ai. Chúng ta phải làm tất cả để chỗ đứng mà chúng ta đã tạo được và duy trì được qua bao nhiêu khó khăn gian khổ khỏi bị bỏ rơi”
Tuy nhiên, trong một văn bản có lẽ là chỉ thị đầu tiên của mình, vị Cao ủy mới, đô đốc d’Argenlieu đã ra lệnh: “Đối với các chính phủ mới thành lập của Đông Dương, giữ thái độ quan sát”...
Leclerc là đại diện của ông ta đã nhận chỉ thị.
Nhưng Côn Minh đã chặn bức điện của Sainteny gửi Calcutta, và Alessandri cùng Pignon phản ứng ngay từ 1/9; họ cho Calcutta biết rằng theo ý họ thì nên củng cố chứ không hạ thấp cái vị trí của Sainteny tại Hà Nội. Tiếp theo là Alessandri, với tư cách là “Tổng đại diện của GPRF”, đã gửi luôn ngày hôm ấy cho Sainteny bức điện dưới đây:
“Theo lệnh của Tổng đại diện và phù hợp với những chỉ thị của Chính phủ, ông được chính thúc ủy nhiệm bên cạnh Bộ chỉ huy quân sự Nhật Bản và chính phủ Annam đương chức, với tư cách là quan sát viên. Ông không lên mở những cuộc đàm phán mà chỉ nên thu thập mọi tư liệu có thể sử dụng làm cơ sở để mở những cuộc đàm phán tương lai”
Muộn mất rồi! Sainteny không thể tiến hành một cuộc dàn xếp nào có ý nghĩa nữa. Ngày trọng đại của Việt Nam đã đến, cái ngày mà suốt một tuần lễ nay người ta chuẩn bị chào đón khắp mọi nơi. Ngày 2/9, trong lúc tại vịnh Tokyo, nước Nhật ký văn bản đầu hàng, thì tại Hà Nội, trước một đám đông dân chúng mà Sainteny ước lượng có đến 500.000 người, ông Hồ Chí Minh cùng một lúc tuyên bố nền Cộng hòa (“Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”) và nền Độc lập.
Một bản Tuyên ngôn Độc lập được chuẩn bị rất cẩn thận, hơi gay gắt một chút thật, nhưng đôi chỗ được dự thảo với những lời lẽ khôn ngoan. Nó được mở đầu bằng những câu sau đây:
“Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai xâm phạm được, trong đó có quyền sống quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
“Lời bất hủ ấy trích trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả mọi dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền hạnh phúc và quyền tự do.
“Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nêu lên công khai rằng: “Mọi người được sinh ra tự do và bình đẳng và có quyền sống tự do và bình đẳng”.
“Đó là những sự thật không ai chối cãi được. Vậy mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp, lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng và bác ái đã xâm phạm đất nước ta và áp bức đồng bào ta”...
Tiếp đó là một bản cáo trạng quyết liệt đối với nền thống trị Pháp và thái độ của những người Pháp từ 1940. Những người Pháp đó, ông Hồ nói, “chẳng những đã không bảo hộ được cho chúng ta, lại còn hai lần trong vòng năm năm bán đất nước ta cho Nhật”...
“Sau khi Nhật đầu hàng, cả dân tộc chúng ta đã nổi dậy giành lại chủ quyền đất nước và đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
“Sự thật là dân tộc ta đã giành lại quyền độc lập từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.
“Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Nhân dân ta đã bẻ gãy mọi xiềng xích đè nặng lên mình gần một trăm năm nay để biến nước Việt Nam chúng ta thành một nước độc lập. Nhân dân ta đồng thời cũng đã lật đổ chế độ quân chủ đã bao nhiêu thế kỷ để xây dựng lên chế độ Dân chủ Cộng hòa.
“Chúng tôi, Chính phủ Lâm thời, đại diện cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố hoàn toàn thoát mọi quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ mọi hiệp ước mà Pháp đã ký kết về Việt Nam, hủy bỏ mọi đặc quyền mà người Pháp tự chiếm đoạt lấy cho mình trên lãnh thổ chúng tôi...
“Toàn dân Việt Nam trên dưới một lòng, quyết tâm chiến đấu đến cùng chống lại mọi âm mưu xâm lược của bọn thực dân Pháp...
“Nước Việt Nam có quyền tự do và độc lập và thực tế đã trở thành tự do và độc lập. Toàn dân Việt Nam quyết đem sức lực tinh thần và vật chất, hy sinh tính mạng và tài sản của mình để giữ vững quyền tự do và độc lập của mình
Kể từ đây, trên sân khấu châu Á đã có một nước Việt Nam mới, một Chính phủ Việt Nam cho toàn nước Việt Nam.
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)