A truly good book teaches me better than to read it. I must soon lay it down, and commence living on its hint.... What I began by reading, I must finish by acting.

Henry David Thoreau

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 68
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7: Quyền Lực Bị Tước Đoạt
ái chế độ do người Pháp thiết lập nên, từ cuối thế kỷ XIX trong thực tế sáu mươi năm, chỉ là một chế độ độc tài quan liêu. Một nền cai trị toàn quyền của Pháp, có sự giúp đỡ của những trợ lý địa phương thường là kém cỏi và thông đồng với bọn thực dân châu Âu, đã khởi sự và tiến hành một công cuộc khai thác phục vụ trước hết cho lợi ích người Pháp tại chính quốc cũng như tại địa phương, và cho người Hoa cộng sự của họ. Nó tạo nên một cơ sở vật chất tương đối đáng kể (cảng, thành phố, đường giao thông, bệnh viện...) với những nguồn thu từ thuế khóa ấn định theo mức độ của nhu cầu nhưng là một gánh nặng đè lên vai những người dân Đông Dương phải trả thuế. Một số thuế đặt ra cực kỳ trái với lợi ích của quần chúng nhân dân. Trên đất nước 18 triệu dân ấy, chỉ có khoảng 10.000 người châu Âu chiếm giữ hết mọi cương vị lãnh đạo và cả những chức vụ quản lý thông thường, đồng thời liên hệ với các tầng lớp Hoa kiều kiểm soát toàn bộ đời sống kinh tế.
Ngay cả ở những nước bảo hộ, bộ máy cai trị Pháp cũng không cộng tác với các nhà chức trách truyền thống, mà ra lệnh cho họ. Nó rất tự tin, nó quyết định một mình. Bất cứ một sự chống đối nào cũng đều bị trừng phạt, bất cứ một sự sai sót nào cũng đều bị khiển trách.
Độc chiếm toàn bộ quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế, người Pháp rất sợ hãi và căm ghét những sự phê bình. Trong cái kim tự tháp quyền lực, họ chỉ chấp nhận những người “Đông Dương” và nhất là người Việt Nam với tư cách là những quan lại nô lệ, những thầy giáo dễ bảo và những viên thư ký không có tính cách với dân chúng cũng như với những “phần tử ưu tú” trong nhân dân, họ từ chối quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền hội họp và cả quyền tự do đi lại nữa. Họ đặt cả cuộc sống xã hội dưới một sự kiểm duyệt đến nghẹt thở, cấm mọi hoạt động chính trị và công đoàn. Những “hội đồng” địa phương - thành lập giữa những năm 1911-1918, do cuộc bầu cử hạn chế của một nhóm vài nghìn cử tri chọn lọc - chỉ là những hội đồng tư vấn, với một nhiệm vụ duy nhất là biểu quyết một ngân sách đã được chính phủ dự toán sẵn.
Đông Dương từ một nửa thế kỷ nay, là xứ sở của giới cai trị, giới kinh doanh (Ngân hàng Đông Dương...) và khách hàng của họ nhưng không phải là người Đông Dương. Một vực thẳm ngăn cách chính quyền với xã hội bản xứ. Một chế độ cảnh sát chính trị luôn luôn cảnh giác, có mặt khắp mọi nơi và có tác dụng đáng sợ (Sở Mật thám) khép chặt dân chúng Việt Nam trong khuôn khổ sự tuân phục... và im lặng. Báo chí bản xứ bị kiểm duyệt gắt gao. Biểu lộ một ý định đả kích nhỏ nào là lập tức bị tình nghi. Mà sự tố giác nơi nào cũng có và trong cái đất nước nghèo nàn này bọn chỉ điểm đông vô kể. Sở Mật thám truy nã tất cả những cái gì họ gọi là phiến động bài Pháp. Trong lĩnh vực này, ngay từ buổi đầu (những năm 1862...) những người đối lập hay chống đối, hoặc cả những người không cùng ý kiến đều bị bắt giam, bị kết án khổ sai, tù đày và cả án tử hình.
Rõ ràng là khi họ kinh sợ mọi sự biểu thị tinh thần yêu nước đến mức độ ấy, người Pháp không thể nào bước xa được trên con đường “dân chủ” ở Đông Dương. Các hội đồng địa phương không được quyền đề xuất một nguyện vọng nhỏ nào về chính trị. Tất cả những người “lãnh đạo” bản xứ, dù họ có thuộc hay không thuộc tầng lớp tư sản phương Tây hoặc các giới truyền thống chủ nghĩa... đều đã được Chính phủ Pháp áp đặt hoặc lựa chọn. Không một biểu hiện yêu nước nào được cho phép. Suốt trong tám mươi năm, tại Đông Dương, không hề có một cuộc bầu cử tự do nào với sự tham gia của những người đại diện chân chính của dư luận Việt Nam, của các “Đảng phái chính trị” càng không có. Trừ một vài trăm vị chức sắc ra, người Việt Nam không bao giờ được phép lập những đảng phái chính trị thật sự hoặc những công đoàn có khả năng khai thông cho các nguyện vọng của quần chúng và tạo dần nên cái cơ sở cho một chế độ dân chủ.
Chỉ đơn giản là xã hội thuộc địa không sẵn sàng chia sẻ quyền hành. Nó đã dập tắt ngay từ đầu hoặc rất nhanh chóng mọi ý đồ cải cách, những yêu cầu xây dựng hiến pháp do Bùi Quang Chiêu nhân danh giới tư sản Nam Kỳ đệ trình lên (1923), cũng như những yêu cầu liên quan đến vấn đề tôn trọng nhân cách Việt Nam và tinh thần bảo hộ do nhà trí thức thân Pháp Phạm Quỳnh đề xuất vào những năm 1924-1930. Không một hiến pháp nào được soạn thảo cho các nước Việt Nam cũng như cho Campuchia. Quyền hạn các hội đồng không hề được mở rộng, thể thức bầu cử không hề được sửa đổi, chế độ báo chí lập hội không hề được tự do. Những quyền “tự do dân chủ” chỉ dành cho các “công dân”, có nghĩa là cho một nhóm nhỏ 5.000 công chức và 10.000 thực dân đã chiếm đoạt quyền bính, cùng với con số vài ba nghìn người Annam theo quốc tịch Pháp. Vậy là chỉ non hai chục ngàn người làm thành cái xã hội thuộc địa và không chấp nhận bất cứ một hành vi nào chống lại quyền lực ấy.
Vấn đề không phải duy nhất là một vấn đề dân tộc. Mà có lẽ là một vấn đề mang tính chất xã hội nhiều hơn. Nghèo đói là tình trạng phổ biến; và mức sống quá thấp, đặc biệt ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam; ở đây mật độ dân số quá cao dẫn tới nguy cơ xảy ra nạn đói hàng năm hoặc ít ra là nạn thiếu ăn. Sự thiếu hụt về lương thực, thực phẩm càng trở nên nghiêm trọng do quan hệ giữa địa chủ và những nông dân cày rẽ cấy mướn hoặc giữa nông dân và bọn cho vay lãi. Chuyện nợ nần ở chốn nông thôn thật là khủng khiếp. Ngoài những gì được lọt vào quỹ đạo người Âu ra, còn lại thì tình trạng kinh tế suy đốn đã thành lệ, vì người ta quá nghèo... Nhưng trong các giới “tân tiến”, giới hành chính và giới công nghiệp và thương mại, sự bất bình đảng đặt ra một vấn đề có tính chất chính trị - tâm lý hơn là kinh tế. Sự chênh lệch lương bổng trong các cơ quan hành chính và các hãng kinh doanh, sự phân biệt màu da mà có thể chỉ nuôi dưỡng thêm những nỗi hận thù.
Sự hạn chế khả năng có việc làm và các quyền lợi được mở ra cho một lớp trẻ có học thức, chưa kể những điều kiện làm việc của những công nhân công trường, hầm mỏ đồn điền... tất cả những cái đó sẽ tạo nên một loạt những hình thức tước đoạt mới, nhất là đối với những thế hệ trẻ, thế hệ 18-25 tuổi sau những năm 1924-1925.
Vậy nhưng những sự đền bù còn lâu mới gọi là “đáng kể”. Những tiến bộ đạt được tại Đông Dương, trong lĩnh vực y tế và giáo dục thì có thể so sánh được với những điều người ta thấy tại các nước thuộc địa khác ở châu Á, nhưng vẫn bị hạn chế. Năm 1937, sau 60 năm dưới chế độ thống trị của Pháp, chỉ có 10% số trẻ em đến tuổi đi học được học hành, gần 90% dân số vẫn là mù chữ; và trung bình cứ ba đứa trẻ sinh ra thì 1 đứa chết trước 1 tuổi. Nhưng mà việc phê phán chính sách của nhà nước về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội đều bị nghiêm cấm đối với người Đông Dương. Những đồn điền cao su xanh tốt, những tiến bộ trong việc buôn bán gạo và xuất khẩu cao su hay than đá, những ngôi nhà đồ sộ dùng làm cơ quan công cộng ở các thành phố lớn Đông Dương, những công trình kỹ thuật táo bạo ven đường sắt và đường ô tô, sự phát triển của hệ thống y tế hoặc học đường, sự phồn vinh bên ngoài mà từ 1935, sau sáu năm kinh tế khủng hoảng, đã lại xuất hiện... tất cả những cái đó có mang một ý nghĩa thiết thực hay không khi mà, như lời của Phạm Quỳnh, thượng thư đầu triều của chính phủ nhà vua Annam đã nói, “người Annam chẳng khác nào là những người nước ngoài ngay trên đất nước họ”?
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)