No person who can read is ever successful at cleaning out an attic.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 114
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1809 / 67
Cập nhật: 2016-06-04 02:27:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lời Giới Thiệu (Cho Lần Xuất Bản Thứ Nhất)
uyển Paris - Saigon - Hanoi. Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947, xuất bản tại Paris năm 1988, của nhà nghiên cứu sử học Philippe Devillers[2], do nhà khảo cứu văn học Hoàng Hữu Đản, người có nhiều cống hiến trong việc dịch những tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Việt để giới thiệu nền văn học Pháp, đã công phu biên dịch để giúp các nhà nghiên cứu sử học nhìn trở lại, về phía Pháp, những năm trước và sau cách mạng tháng Tám năm 1945, dẫn đến cuộc chiến tranh mà giờ đây ai cũng hối tiếc. Đúng như lời tướng De Gaulle sau này trong bức thư ngày 8/2/1966 viết cho Hồ Chủ tịch có nói: “Giá có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau chiến tranh thế giới lần tứư hai thì đã có thể tránh được những sự biến tai hại đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay”.
Nhưng dù sao cũng phải nhấn mạnh rằng đối với mọi người hôm nay, như tác giả đã viết: “Việt Nam là một trong những tấn bi kịch lớn của thế kỷ XX” và giờ đây “các tài liệu lưu trữ đã chứng minh cuộc chiến tranh Đông Dương... không phải do ngẫu nhiên, mà do tội lỗi, do sự “vụng về” hoặc “tính toán sai” của một vài người mà sự xảo trá hai mặt và cái nhãn quan “cận thị” chưa hề có trong lịch sử nước Pháp. Một cánh nhỏ những quan chức và nhà quân sự cao cấp Pháp đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa nước Việt Nam và nước Pháp và đây thực tế quả nhiên là “một hành động vũ lực đã được mưu tính từ nhiều tháng…”, thất bại đã biến tướng thành một cuộc chiến tranh dai dẳng mà chính những kẻ gây ra đã làm đủ mọi cách để ngăn cản sự chấm dứt”.
Philippe Devillers là một nhà sử học, một chuyên gia của Pháp về lịch sử hiện đại Việt Nam, là người với nhiều chức vụ đã có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với những sự việc trước và sau chiến tranh Pháp - Việt. Ông vừa là một nhà báo, một nhà sử học nên không thể làm ngơ trước những sự kiện lớn lao đang diễn ra trước mắt ông, trước tiên là đối với bọn giả mạo, nói theo lời của nhà văn hóa Peguy, và đặc biệt là những trò giả dối đối với một dân tộc và những người đại diện của nó mà ông rất có cảm tình và kính phục.
Tất nhiên, đối với nhà sử học dấn thân, trước tiên ông đã mạnh dạn đi vào “hậu cung” - phía sau sân khấu chính trị chính thức - để viết và cho xuất bản từ năm 1952 quyển sách đầu tiên về cuộc chiến tranh với tựa đề “Lịch sử Việt Nam 1940-1952”, nhưng tất nhiên những điều kiện lúc bấy giờ chưa cho phép một nhà sử học phân tích rõ ràng trách nhiệm của những người cố tình gây chiến vì lý do mà ông đã giãi bày: “Lúc bấy giờ, không thể nào đi thêm một bước nữa mà không gặp nguy cơ bị nghiến nát một cách vô ích”. Và đến nay thì hoàn cảnh và môi trường đã cho phép để “Tìm ra những người chịu trách nhiệm” về cuộc chiến tranh.
Và đúng như tác giả đã viết để phân minh về sự “nhận thức muộn màng về một cuộc chiến tranh” là kết quả của “một công trình kiên trì tìm tòi bất chấp mọi trở ngại, bốn mươi năm sau mới cho phép có được cái nhìn tổng quát về sự kiện, nêu được những manh mối thực và thực hiện được những tiếp cận cần thiết”.
Quyển sách chia làm 15 chương (hay đề mục) với khối lượng lớn về tư liệu lưu trữ và trong bản tiếng Pháp, tư liệu lưu trữ được in bằng chữ “đứng” và lời bình của tác giả in bằng chữ “nghiêng”. Để giúp thêm cho người đọc, trong bài giới thiệu này, chúng tôi chỉ lấy những mốc quen thuộc với chúng ta, liên quan tới thời cuộc từ trước năm 1945 đến khi cuộc chiến bùng nổ; 1945: Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; 1946: Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3; Tháng 12, chiến tranh bùng nổ.
Trong các chương 1 và 2, thời gian trước Cách mạng tháng Tám 1945, tác giả gợi lại quan điểm của những người Pháp thuộc địa về cái gọi là “bản anh hùng ca thuộc địa”, với một nước Việt Nam “đẹp, bình yên, hiền hòa”, nơi mà “người Pháp có thể đi dạo chơi một mình không cần mang vũ khí, suốt từ đầu nọ tới đầu kia của đất nước”, họ hãnh diện với “một sứ mệnh khai hóa văn minh”. Tất nhiên cũng có một vài vụ “lộn xộn”, những cuộc bạo động, nhưng họ xem đó là những “cuộc nổi dậy của nông dân”, loại như kiểu ở Pháp gọi là jacqueries, tất nhiên cũng có những vụ bạo động từ năm 1930, nhưng rồi đều bị dập tắt. Nhưng với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, nước Pháp bại trận và nước Nhật “bước vào sân khấu” ở Đông Dương, các nước Đông Dương rơi vào quỹ đạo của Nhật cho đến ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật làm đảo chính và trong một đêm, trên “toàn cõi Đông Dương, quân đội Nhật hành động..., các doanh trại Pháp đều bị tiến công và phần lớn đều bị vô hiệu hóa”. Và ngày 10 tháng 3 năm 1945, tức là ngày hôm sau, “quân Nhật nhận lấy trách nhiệm điều hành công việc hành chính cả nước”.
Ngay trong chiến tranh, tác giả có nói đến “một tín hiệu” do lãnh sự Pháp tại Côn Minh (Trung Quốc) gửi cho đại sứ Pháp bấy giờ ở Trùng Khánh báo cáo chi tiết về cuộc tiếp xúc vào ngày 29/4/1944 với hai đại diện tự xưng là đại diện của Đông Dương độc lập đồng minh và sự kiện này được báo ngay về Alger cho đại diện của chính phủ kháng chiến Pháp De Gaulle.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc, chính phủ kháng chiến De Gaulle được chuyển về Paris và ngày 24/3/1944 Paris tuyên bố khẳng định quyền lực của Pháp ở Đông Dương, đồng thời chuẩn bị về chính trị và quân sự cho việc trở lại Việt Nam. Từ đó những nơi tập trung, những cứ điểm có đại diện của Pháp gần với Đông Dương như Calcutta (nơi có đại diện của Pháp) và Côn Minh (nơi có đội đặc nhiệm 5) lại nhộn nhịp lên, nhưng giữa hai nơi này có những bất đồng với Paris. Ở Côn Minh, những nhân vật như Sainteny, Alessandri đã nhìn thấy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc, và thấy có khả năng để thương thuyết, nhưng những người cầm quyền ở Pháp lại nghĩ đến việc dùng vũ lực để chiếm lại Đông Dương, và khi Sainteny theo phái bộ Mỹ vào Hà Nội (từ 22/8/1945) thì cũng được chỉ thị: “Không được tiến hành thương lượng, nhưng phải thu thập những tin tức cần thiết có thể làm căn cứ cho việc mở ra những cuộc thương lương trong tương lai”.
Cũng cần nhắc lại rằng trước đó, từ ngày 26/7/1945, cùng với việc tìm cách giải quyết số phận của nước Đức, ba cường quốc Mỹ, Liên Xô và Anh cuối cùng đã đi đến thỏa hiệp để cho Trung Hoa Dân Quốc giải giáp quân Nhật ở miền Bắc Đông Dương, từ vĩ tuyến 16 trở ra, và Anh đảm nhiệm việc ấy từ vĩ tuyến 16 trở vào.
Nhưng ở Việt Nam, những sự kiện đã diễn ra dồn dập: Cách mạng tháng Tám đã bùng nổ và cùng theo đó, “vào ngày 2/9, trong lúc tại vịnh Tokyo, nước Nhật ký văn bản đầu hàng thì ông Hồ Chí Minh cùng một lúc tuyên bố nền cộng hòa và nền độc lập, với một bản tuyên ngôn chuẩn bị rất cẩn thận”.
Ba chương kế tiếp: Đối đầu và đề nghị - Hà Nội và Sài Gòn bị dồn vào tình thế phải lựa chọn - Một sự uốn nắn diệu kỳ: Hiệp định mồng 6/3/1946, nói lên những cuộc tiếp xúc và thương thuyết với nhiều khó khăn đã nảy sinh, nhưng cuối cùng đã đi đến việc ký kết hiệp định sơ bộ mồng 6/3/1946 mà tác giả cho đây là “Một uốn nắn diệu kỳ”.
Mặc dù sau này De Gaulle có tỏ ra hối tiếc về cuộc chiến tranh này, nhưng chính ông ta cũng đã từng phê phán ông Laurentie, vụ trưởng vụ các vấn đề chính trị của Bộ thuộc địa Pháp bấy giờ, khi ông này giải thích lập trường của tướng De Gaulle cho rằng “những mối quan hệ giữa Pháp và Đông Dương sẽ không phải đơn giản là giữa chính quốc và thuộc địa mà tiến tới là quan hệ bình đẳng”. Và lập trường của De Gaulle trước sau như một vẫn là: “dùng sức mạnh để khôi phục lại toàn bộ quyền lực của Pháp... không thương thuyết, liên kết gì với chính quyền bản địa, chừng nào chính quyền ấy chưa được Pháp tạo ra”. Trong khi đó, như tác giả đã nêu, “vụ bạo động ngày 23/9/1945” ở Sài Gòn đã bùng nổ, tức là nhân dân Nam Bộ đã dùng vũ khí đấu tranh chống lại quân Pháp theo gót quân Anh để chiếm lại các tỉnh Nam Bộ. Ngoài ra, chỉ thị còn thêm rằng, có thể tính tới một chính quyền do Bảo Đại cầm đầu, nhưng nhất thiết không được cho bất cứ nước thứ ba nào chen vào, dù cho đó là Anh, Trung Hoa hoặc Mỹ.
Chính với sự giúp đỡ của Anh mà Pháp đã trở lại Sài Gòn, chiếm các tỉnh phía Nam, rồi tiến lên Campuchia, ký với chính phủ Sihanouk tạm ước 7/1/1946, rồi thỏa hiệp với Trung Hoa để thay thế quân đội Trung Hoa tại Lào. Như vậy, đối với Việt Nam, quân Pháp đã chiếm Nam Bộ, còn phần Bắc Việt Nam thì còn nằm ngoài sự khống chế của Pháp.
Kể từ ngày 15/8, D’Argenlieu và Leclerc đã được cử làm Cao ủy và Tư lệnh tối cao các lực lượng Pháp và chỉ thị bổ nhiệm ngày 1/8 cũng đã ghi rõ:
“1. Cao ủy Pháp tại Đông Dương sử dụng những quyền hạn của mình là Toàn quyền Đông Dương và là Tổng tư lệnh các lực lượng không quân có căn cứ trên đất Đông Dương hoặc đã được chỉ định để đến Đông Dương...”. Đến lúc phải giải quyết “vấn đề Bắc Việt Nam” thì De Gaulle phải rời khỏi chức vụ thủ tướng vào cuối tháng 1/1946, và sự kiện này làm cho D’Argenlieu bàng hoàng nhưng vẫn không hề bỏ mục tiêu đưa quân Pháp vào Bắc Việt Nam. Nhưng đưa quân vào tức là sẽ gây bùng nổ quân sự không những giữa Pháp và Bắc Việt Nam, mà còn cả với quân của Trung Hoa. Có thể xảy ra một cuộc hỗn chiến, và tất nhiên, muốn tránh chiến tranh phải có những bước chuẩn bị, dàn xếp. Theo cách nhìn của Pháp, đối tượng chính phải là Trung Hoa, còn phía Việt Nam là “thứ yếu” (secondaire). Và Pháp tiến tới ký với Trung Hoa hiệp ước ngày 28/2/1946, theo đó, Pháp trả lại cho Trung Hoa các nhượng địa mà trước kia Pháp đã chiếm. Còn đối với chính phủ Hồ Chí Minh, thì qua thư từ giữa các nhân vật như D’Argenlieu, Leclerc, Pignon, Salan, Sainteny, chúng ta cũng thấy sự lo ngại của Pháp trước sự bùng nổ chiến tranh, và vào thời điểm quyết định, những con người ấy tác động lẫn nhau để tìm sự thỏa thuận của chính phủ Việt Nam.
Ở đây, phải nói đến lập trường cứng rắn về nguyên tắc và mềm dẻo về sách lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã hiện lên như là một trung tâm để giải quyết vấn đề, và các báo cáo của những người như Pignon, Sainteny... lược thuật về những cuộc tiếp xúc của Người với các nhà báo và các chính khách Pháp, đặc biệt là lời phát biểu của Người với Salan: “Ngay dù cho cả thế giới chống lại chúng tôi, chúng tôi cũng không thể chấp nhận trở thành những người nô lệ. Pháp là xứ sở của tự do, nước Pháp mới hãy để lại cho chúng tôi sự tự do ấy”.
Có đọc lại Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 mới thấy hết ý nghĩa thắng lợi của chúng ta và giúp chúng ta hình dung được khoảng cách khác xa giữa những tham vọng của Pháp với những gì có thể tạo ra một sự ổn định đối với đất nước. Được ký vào chiều ngày 6/3 trước các đại diện của Trung Hoa, Anh, Mỹ, hiệp định ghi nhận: “Nước Pháp thừa nhận nước Cộng hòa Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ riêng, quốc hội riêng, quân đội và tài chánh riêng, nằm trong liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Và về vấn đề thống nhất ba kỳ, chính phủ Pháp cam kết công nhận chính thức quyết định của nhân dân qua cuộc trưng cầu dân ý”.
Nhưng quan trọng hơn cả có lẽ là bản thỏa thuận phụ ký cùng lúc ghi rõ quân đội Pháp đổ bộ lên Bắc Việt Nam với số lượng là 15.000 quân và “sẽ được quân đội Việt Nam thay thế mỗi năm 1/5 trong vòng 5 năm”. Chính hai nội dung cơ bản trên: trưng cầu dân ý để thống nhất Việt Nam và thay thế quân đội Pháp, là hai điều khoản mà Pháp ra sức ngăn cản việc thực hiện.
Qua nhiều tư liệu lưu trữ, nhà nghiên cứu Ph. Devillers đã chứng minh những thủ đoạn lật lọng mà các người Pháp thực dân đã dùng để phá hoại hiệp định. D’Argenlieu, với nhiều hành động chống đối, đã để lại một bản bị vong lục ngày 26/4/1946 gởi về Paris, theo đó, ông ta trình bày những quan điểm và những thủ đoạn trong đó có dự tính tới việc âm mưu thành lập chính phủ bù nhìn ở Nam Kỳ. Và đến ngày 1/6/1946, tức là ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội lên đường sang Pháp theo lời mời của chính phủ Pháp để cùng với phái đoàn Việt Nam tiếp tục thương lượng, thì D’Argenlieu công bố việc thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ.
Ba chương kế tiếp: Sài Gòn, điểm nút của vấn đề - Fontainebleau hay là cuộc trường kỳ thương lượng, - làm sao vô hiệu hóa được Hà Nội? Nói lên quá trình tiến tới để phá hoại hiệp định sơ bộ với hai Hội nghị Đà Lạt và sự thất bại của hội nghị Fontainebleau. D’Argenlieu ngày càng lộ rõ là một kẻ nhiều âm mưu, một thực dân cáo già, và ngay sau khi Hội nghị Đà Lạt lần thứ hai khai mạc và hội nghị Fontainebleau đang tiếp tục cuộc tranh cãi, thì ông ta đã điện về Pháp: “Nếu chính phủ thấy không có khả năng đảo ngược... thì tốt hơn hết là đình chỉ mọi công việc ở Fontainebleau”.
Vào cuối năm 1946, tình hình ở Pháp lại có những thay đổi, Léon Blum, lãnh tụ của đảng xã hội, thay thế Bidault, của phong trào Cộng hòa bình dân, chính phủ Pháp nhích sang phía tả, bộ ba D’Argenlieu-Valluy-Pignon lại khẩn trương hoạt động phá hoại hiệp định hơn trước và D’Argenlieu cho rằng:
“Phải nhanh chóng gây ra sự tan vỡ, nhưng bằng cách khiến cho Việt Minh phải chịu trách nhiệm về sự tan vỡ đó. Phải quấy phá Việt Minh đến mức khiến họ mất kiên nhẫn, lao vào hành động bạo lực và do đấy tạo ra một duyên cớ cần thiết. Lại còn phải chuẩn bị chính trị bằng cách chứng minh rằng không còn cách nào khác”.
Chương “Cuộc đoạn giao và huyền thoại về nó” (20/12/1946 - 16/1/1947) nói về những thủ đoạn xuyên tạc sự thật, tiếp tục đầu độc quan hệ Pháp - Việt của D’Argenlieu và Valluy. Và trong đoạn nói về “Đô đốc vứt bỏ mặt nạ”, Ph. Devillers kể lại những “ý kiến và những hành động” của D’Argenlieu ngay sau khi trở lại Sài Gòn ngày 23/12/1946 nhằm ngăn cản mọi sự tiếp xúc giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp.
Chương XIV “Việt Nam, từ cấm” (4/1 - 23/3/1947), trong mười chín trang sách (bản tiếng Pháp) có đến 16 trang tư liệu chỉ ra hướng đi tiếp theo của Pháp, vừa tiếp tục chiến tranh, vừa tính toán đến âm mưu chính trị, gợi ra giải pháp Bảo Đại với việc khôi phục lại chế độ quân chủ hay thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến.
Giai đoạn này, sau khi chiến tranh bùng nổ, lộ ra bộ mặt khá sáng sủa của một vị tướng đã tham gia vào việc lập lại trật tự ở Đông Dương thời gian đầu, đó là tướng Leclerc, đã về Pháp vào tháng 6/1946, vì ông đã nhận thấy sự giả dối và tráo trở của một nhóm người có ý thức đi nô dịch người khác, nên đã từng thổ lộ với viên sĩ quan hầu cận của mình rằng: “Có quá nhiều người ở đây tưởng tượng rằng bằng cách lấp một cái hố với những xác chết người ta sẽ lập lại được chiếc cầu giữa Việt Nam và Pháp”, và cũng vì sự bất đồng đó mà Leclerc đã khước từ một nhiệm kỳ mới ở Đông Dương[3].
Chúng ta cám ơn nhà nghiên cứu Ph. Devillers đã có nhiệt tâm và bỏ nhiều công sức để làm sáng tỏ - qua tư liệu chính xác - nguyên nhân của cuộc chiến tranh Pháp - Việt 1946-1954, và chắc chắn mọi người Việt Nam - trong những thế hệ khác nhau - đều đồng tình đón chào tác phẩm này như một cống hiến góp phần làm sáng tỏ lịch sử trong một giai đoạn gay go và ác liệt. Cũng cần cám ơn nhà khảo cứu văn học
Hoàng Hữu Đản, đã có “can đảm và kiên trì trước việc dịch quyển sách này”[4] ra tiếng Việt để phổ biến rộng rãi trong độc giả và đặc biệt trong những người làm công tác nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
Tháng 5-1993
Giáo sư Lê Văn Sáu, Hội nghiên cứu lịch sử TP.HCM
Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947) - Philippe Devillers Paris - Saigon - Hanoi (Tài Liệu Lưu Trữ Về Cuộc Chiến Tranh 1944 - 1947)