I find television to be very educating. Every time somebody turns on the set, I go in the other room and read a book.

Groucho Marx

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27
hạm Thị Thoa đọc lại lần nữa thư chồng. Chị dừng lại khá lâu ở đoạn quan trọng nhất:
"… Em! Anh rất áy náy vì không thể đi với Cẩm Nhung ra Hà Nội theo như kế hoạch chúng ta đã thống nhất từ trước. Anh được lệnh điều động đi công tác xa. Anh bàn với Cẩm Nhung hoãn chuyến đi này sang năm 1978 nhưng cô ấy không nghe. Cô ấy ra Hà Nội một mình, sống ở nhà bà dì theo địa chỉ... Em! Anh dồn mọi trách nhiệm nặng nề cho em. Vì anh, vì hạnh phúc của chúng ta và các con, em cố thu xếp mọi việc sao cho trong ấm, ngoài êm".
Chị Thoa không lường tới tình huống này. Cuối năm 1975, má con cô Cẩm Nhung từ Pháp về Việt Nam rồi 1976 trôi qua, anh và chị dã thư từ qua lại với nhau nhiều lần và đã di đến thông nhất: anh đưa Cẩm Nhung về chào ông Hòa và bà con bên nội, chị sẽ làm hậu thuẫn cho hai người vào mùa hè 1977. Chị chưa viết thư cho Cẩm Nhung và cô ấy chưa gửi tới chị dòng nào. Vẫn có cái gì nổi cộm, gờn gợn khó nói giữa hai người. Hai Lâm là trung gian, nối sợi dây liên lạc giữa hai bà vợ. Dứt khoát phải công bố việc anh có vợ hai và có bốn con riêng nhưng đưa vấn đề ra công khai bằng cách nào, vào thời điểm nào? Phải có cuộc gặp mặt giữa chị và Cẩm Nhung và tiếp đó là sáu chị em ruột cùng cha khác mẹ nhận nhau, ông nội nhận thêm bốn cháu nội. Anh chị không thể giữ bí mật chuyện riêng tư mãi. Vợ chồng Hạnh và Thanh luôn bày tỏ nguyện vọng muốn vào thăm ba và tham quan Sài Gòn nhưng chị luôn phải tìm cách ngăn các con lại mà không đưa ra được lý do gì xác đáng. Bàn đi tính lại mãi, anh chị thống nhất kế hoạch: anh đưa Cẩm Nhung vế Hà Nội sống ở nhà khách Bộ Quốc phòng. Chị sẽ đến nhà chú Dũng. Anh đưa Cẩm Nhung đến chào chị. Ba vợ chồng cùng chú thím Dũng bàn cụ thể từng đường đi, nước bước tiếp theo. Theo "kịch bản” đó, anh sẽ là "diễn viên" chính, Cẩm Nhung sắm vai phụ với anh, còn chị sẽ là đạo diễn kiêm thuyết trình viên và khi cần cũng có mặt trên sân khấu. Bây giờ thì mọi việc đã đảo lộn tất cả sau lá của thư anh. Tại sao việc hệ trọng như thế này mà anh không đứng ra dàn xếp? Vì sao anh dồn mọi khó khăn cho chị như thế này? Chị không thể lùi bước được nữa rồi. Chị đành phải vừa là đạo diễn vừa kiêm diễn viên chính để đạt được nguyện vọng của anh sao cho "trong ấm ngoài êm".
Chị nên bắt đầu từ đâu? Hãy thử thuyết phục xem phản ứng của các con chị như thế nào? Hạnh và Thanh chăm chú nghe mẹ kể về nhân vật được gọi là quận chúa Cẩm Nhung, về kế hoạch của ba, mẹ và bà ta. Hai chị em chuyền tay nhau đọc thư ba. Các con chị bị bất ngờ tới mức ngồi lặng đi không bình phẩm được câu nào. Chị thăm dò:
- Theo ý ba, mẹ muốn mời cô ấy sang đây bàn chuyện.
Thanh phản ứng luôn:
- Chả việc gì phải mời. Bà ta biết đường từ Sài Gòn ra Hà Nội, sao bà ta không tự đi từ Hà Nội lên Đông Anh chào mẹ. Bà ta là phận đàn em, phải có trách nhiệm tìm đến với mẹ.
Hạnh cũng lên tiếng:
- Người ta ở nhà cao, cửa rộng, người ta có lắm vàng, nhiều tiền mặc người ta. Mẹ và chúng con không việc gì phải quy lụy cầu cạnh.
Chị phân tích:
- Chúng ta là người trong một gia đình, cùng một nhà nên phải bỏ qua những tiểu tiết mà nghĩ đến đại sự các con ạ.
Thằng Thanh vốn rất hiền đã sửng cồ:
- Tại sao chỉ có chúng ta phải nghĩ tới điều đó? Bà ta đã được tất cả, dồn mọi thiệt thòi cho mẹ con ta gánh chịu, bà ta còn đòi gì nữa?
Chị thoáng thất vọng. Nếu không lọt qua "cứa ải" đầu tiên, chị làm sao vượt nổi những "chướng ngại vật" tiếp theo? Hạnh, Thanh là con, có tình yêu và biết phục tùng mẹ mà còn khăng khăng không chấp nhận Cẩm Nhung thì chị thuyết phục sao nổi người khác? Chị thanh minh cho người chị đang bảo vệ:
- Mỗi người sinh ra vào một hoàn cảnh khác nhau, các con ạ. Nếu mẹ không chấp thuận, bố các con không lấy cô Cẩm Nhung. Mẹ tự nguyện làm việc này và mẹ không hối hận. Nếu mẹ sai, các con phân tích cho mẹ rõ.
Chị hạ thấp giọng, tâm sự:
- Có bao giờ Hạnh đồng ý cho chồng con lấy vợ hai không? Nếu Thanh có vợ, con có tha thứ nếu vợ con ngoại tình không? Mẹ đã mất ăn, mất ngủ nhiều đêm, đã dằn vặt, thao thức, khổ sở bao lần trong hai mốt năm chờ ba các con. Ngày gặp lại, mẹ đã định cự tuyệt ba con.
Chị mở tủ, lấy đôi hoa tai đặt trước mặt các con rồi kể về lý do vì sao chị chấp thuận đoàn tụ. Các con chị đã bị chinh phục. Hạnh vừa lau nước mắt, vừa hỏi:
- Mẹ! Chúng con gọi bà ta là gì?
- Gọi là mợ, xưng con.
Hạnh buông sõng:
- Đừng hòng. Việc đã rồi, con đành chấp thuận chiều theo ý ba, mẹ. Con sẽ gọi bà Cẩm Nhung là dì hai và xưng tôi.
- Con gọi cô, xưng cháu là phúc cho bà ta lắm rồi.
Các con chị bộc lộ vẻ hằn học, hận thù với con người mà chúng cho là đã cướp chồng của mẹ. Nếu nhìn thiển cận thì đúng như thế. Hai năm qua, ngoài thư từ, anh chỉ về phép sống với mẹ con chị được mười ngày. Nếu không có Cẩm Nhung, chắc anh đã xin ra Hà Nội công tác hoặc đón mẹ con, bà cháu vào thành phố Hồ Chí Minh ở chung cùng một mái nhà. Bây giờ nên xử lý như thế nào? Không thể sai Hạnh hoặc Thanh đi mời Cẩm Nhung vì không đứa nào chịu đi và chị làm như thế dễ làm Cẩm Nhung phật ý. Chị không thạo và chả hiểu thế nào là nghi thức ngoại giao. Đã có lần ở nông trường, chị nghe người ta nói rằng thủ tướng nước mình phải thân chinh đi đón thủ tướng bạn hoặc khi vị đại sứ cúi gập mình, đưa hai tay cầm quốc thư, người nhận quốc thư cũng phải tỏ thái độ tương tự. Đó là việc của nhà nước. Ở trong nhà, khách của bố,mẹ không thể cử con ra tiếp thay. Nếu Thanh đồng ý đi mời Cẩm Nhung. chị cũng phải viết thư tới cô ấy. Chị phải viết sao cho không quá nhạt nhẽo mà lại không ở mức thân tình, vồ vập. Chị với Cẩm Nhung đang là khách xa lạ và cũng rất thân vì trên thực tế đã là hai chị em nhưng cái bước đi mở đầu như thế nào cho thích hợp? Chị sai con trai:
- Con về ngày Hà Nội mời chú Dũng lên gặp mẹ gấp.
Dũng rất kính nể chị dâu. Chị Thoa nói với em chồng:
- Chú có nhớ cái tên Cẩm Nhung mà chú nói với chị trưa ngày mồng một tháng năm, năm bảy nhăm không?
- Em nhớ chị ạ! Chị nói đó là ám hiệu để anh chị gặp nhau, tin nhau.
- Cẩm Nhung là vợ sau của anh. Cô ấy đang có mặt ở Hà Nội.
- Trời! Có chuyện ấy à, chị? Em không tin!
Chị phải kể cho em chồng nghe mọi chuyện đã xảy ra và kết luận:
- Mình không nên cố chấp chú ạ! Mình phải thông cảm với hoàn cảnh khó xử và thiện chí của cô ấy. Chú thay mặt chị đưa cháu Thanh đến địa chỉ này, mời cô ấy về đây để chị em gặp nhau và cùng bàn chuyện về chào thầy, ra mắt họ hàng theo ủy thác của anh chú. Chú có trách nhiệm đả thông cho cháu Thanh. Anh chú chủ trương và chị cũng bằng lòng để sáu con cùng gọi là Ba-mẹ-mợ, chú cần ủng hộ anh chị, giữ đoàn kết trong gia đình ta.
- Em sẽ làm theo ý chị. Chị khen chị Cẩm Nhung có thiện chí, em thấy chưa thật đúng đâu. Chị Cầm Nhung cần chủ động tìm đến với chị hoặc ít nhất cũng đến gặp vợ chồng em. Em là phận đàn em nên chị ấy có thể viết thư hoặc gọi điện thoại nhắn em.
Chị Thoa lại phải rỉ rả phân tích cho em chồng. Chú Dũng chưa rõ hết lai lịch và hoàn cảnh của Cẩm.Nhung. Má cô, ông Ưng Toàn và các em ruột cùng mẹ khác cha của cô đã sang Nhật hoặc đi Đài Loan. Cẩm Nhung rất dễ dẫn theo các con đi theo họ hoặc sang sống hẳn bên Pháp dựa vào ông Giô-dép Các-păng-chi-ê là ông ngoại của lũ trẻ. Cẩm Nhung đã từ bỏ tất cả vì cô yêu anh và cũng là thiện chí của cô. Chính anh Hai Lâm là người cùng với chị Cẩm Nhung dàn xếp chuyến đi này. Khi anh bận công tác, Cẩm Nhung dễ dàng "hủy hợp đồng” từ chối không ra Hà Nội nữa nhưng cô đã không làm như thế. Chị hỏi em chồng:
- Theo ý chú, Cẩm Nhung có thiện chí không? Chị không rõ quan hệ giữa Cẩm Nhung và chủ nhà đang ở như thế nào? Chú lựa lời, mời bằng được cô ấy sang đây.
Tối hôm đó, Thanh về một mình. Thanh thưa với mẹ:
- Mẹ! Mợ Cẩm Nhung hẹn sẽ sang chào mẹ vào chín giờ sáng mai.
Hạnh lộ vẻ bất bình, to tiếng với em:
- Hừ, "mợ” Cẩm Nhung. Bà ta đã cho cậu bao nhiêu tiền, bạc, vàng mà cậu trở giọng nhanh thế? Mợ.ợ ợ... Nghe lọt tai gớm!
Thanh quay về phía chị:
- Chị có muốn bốn đứa em cùng cha khác mẹ của chúng ta gọi mẹ là bà Thoa không? Chúng nó không phải là em ruột của chị em ta à?
- Tao nhận chúng nó nhưng tao không thừa nhận bà ta.
Thanh vẫn đưa ra lý lẽ của mình:
- Sao chị không thương ba, thương mẹ? Cả ba mẹ đều muốn chị em ta vun vén cho hạnh phúc gia đình, sao ta nở chối từ? Mình cứ làm tròn phận sự làm con của mình còn mọi việc do quyền cha mẹ định đoạt. Mợ Cẩm Nhung tốt lắm. Nếu chị gặp mợ ấy, chị sẽ thay đổi thái độ ngay.
Chị Thoa mừng vì chú em ruột chồng chị đã làm cho Thanh nhận ra lẽ phải. Ngoài ra, chị cũng nghĩ là Cẩm Nhung ở mức độ nào đó đã chinh phục được Thanh.
Sáng hôm sau, Hạnh lăng xăng:
- Mẹ! Ta tiếp mợ ấy như thế nào?
Hạnh đã chịu gọi là mợ. Chắc là Thanh đã thuyết phục được chị ruột. Chị cười:
- Ông bà ta thường nói: "Lời chào cao hơn mâm cỗ", mẹ con ta đã mời mợ các con "ăn cỗ" rồi, con chả cần bày vẽ gì?
- Hay con sang bên cạnh mượn hai cái ghế tựa? Con nghĩ ta nên nấu nồi cháo gà, mẹ ạ!
- Mẹ và mợ các con ngồi chung giường càng ấm cúng.
Đúng giờ hẹn, chú Dũng đưa Cẩm Nhung vào nhà. Cô lễ phép:
- Em chào chị ạ!
- Mợ ngồi đây. Đây là cháu Hạnh.
Hạnh lễ phép:
- Con chào mợ. Nhà con đi công tác xa nên không về gặp mợ được, mợ thông cảm. Các con, chào bà ngoại đi!
Do đã được dặn trước, hai con của Hạnh ngoan ngoãn làm theo lời mẹ. Thanh chủ động:
- Con đã gặp mợ rồi. Lát nữa con sẽ đưa cô Ngô Thị Lâm, con dâu tương lai về chào mợ.
Như đã hợp đồng trước, sau phần "thủ tục ngoại giao", chú em và các con chị, các cháu chị chủ động rút lui. Chị Thoa và Cẩm Nhung ngồi lại bên nhau. Hai người đàn bà có chung một chồng từ hai mươi ba năm qua (tính từ năm 1954 đến 1977) vẫn hoàn toàn xa lạ song cả hai đều rất cần đến nhau trong lần gặp mặt nên cả hai đều thiện chí. Sau mươi phút đầu đôi bên còn gượng gạo, còn giữ ý nhưng dần dần cả hai đã trò chuyện cởi mở, thân tình. Chị Thoa thuộc lớp người độ lượng, ít chú ý tới hình thức bên ngoài của người khác. Tuy vậy, với Cẩm Nhung, dù không muốn, chị vẫn chú ý quan sát đến từng ly, từng tý. Phái chăng chị quá xét nét? Ngay phút đầu gặp mặt, chị đã chú ý tới vẻ bề ngoài của cô. Cô đi giày sang đan, mặc quần lụa đen, áo dài mầu tím Huế. Chị không rõ tóc Cẩm Nhung có sợi bạc chưa và cô có phi-dê không vì cô dùng khăn nhung bít kín đầu. Cẩm Nhung không có lông mày (vì đã cạo hoặc nhổ sạch) nên dùng bút kẻ một đường nhỏ trên khuôn mặt trái xoan thanh tú. Cô đã quen trang điểm song hôm nay, vì giữ ý cô không đánh phấn, thoa son nên nước da cô hơi tái. Cô thông minh, lịch sự, có giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn, dễ hút được cảm tình của người đối thoại. Cô thực sự hài lòng vì chị Thoa và các cháu đón tiếp và đối xử với cô hết sức chân thành. Trước phút chia tay, chị hẹn:
- Sáng mai chị sẽ về quê thưa chuyện với thầy và họ hàng. Ngày kia, chị sẽ báo kết quả cho em.
- Chị không cần đến với em. Em sẽ sang đây gặp chị.
Chị Thoa về quê nội. Cụ Hòa đã gần tám mươi tuổi song còn khỏe mạnh, minh mẫn. Nghe chị trình bày, cụ gắt:
- Thầy không đồng ý. Một người dân thường lạc hậu nhất vùng này cũng không dám lấy vợ hai sao nó lại làm như thế? Nó là bộ đội, là đảng viên, ai cho phép nó hư đốn như vậy?
Đến phút này, vì không cần giữ bí mật cho anh nữa, chị kể hết sự tình cho cụ nghe. Cụ hỏi lại:
- Chính con đã đồng ý cho chồng con lấy vợ hai?
- Vâng ạ!
- Thằng Bình được tổ chức công nhận và Đảng không thi hành kỷ luật nó về việc này?
- Thưa thầy, không ạ!
Cụ ngồi trầm ngâm giây lát. Đối với cụ, người có thói quen chấp hành tuyệt đối mọi chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước thì việc anh Hai Lâm lấy vợ kế đã được Đảng cho phép thì cụ cũng không phản đối nữa. Cụ bảo chị:
- Sáng ngày kia, chị đưa chị hai về gặp tôi.
- Thưa thầy, thầy không nên gọi chị hai mà chỉ gọi tên cho thân mật.
Cụ gắt:
- Chị không cần dạy khôn tôi. Chị về làm dâu, tôi gọi tên chị vì thằng Bình nó chỉ có một vợ. Tôi chấp thuận người vợ nữa của nó, tôi phải có quyền gọi con dâu đầu là chị cả, người đến sau là chị hai.
Chị Thoa không dám tranh cãi với cụ nữa kẻo già néo đứt dây, cụ giận lên cụ bác bỏ thẳng thừng thì mọi chuyện sẽ đổ vỡ hết.
Thời gian còn lại, chị Thoa lo đếnn gặp vợ chồng các ông chú, bà bác, thưa chuyện với các cô, dì, cậu, mợ. Vì chị đã bằng lòng nên ai cùng đồng ý công nhận Cẩm Nhung và đồng tình dùng tên Thoa và Cẩm Nhung để phân biệt giữa đôi bên, tránh gọi chị cả, chị hai dễ làm Cẩm Nhưng phật ý.
Cẩm Nhung đến với chị rất đúng giờ. Hôm nay cô đã bỏ áo dài để mặc áo vét và kẻ lông mày rậm hơn. Cô đã tự ý làm việc này vì cô tinh tế, nhạy cảm; cô không dám phô trương giầu có mà tìm cách hòa nhập theo hoàn cảnh của mẹ con người vợ trước của chồng.
Ngày hôm sau Thoa đưa Cầm Nhung về quê nội. Cô được mọi người chấp nhận. Cô cũng không hề phật ý khi bố chồng cố ý phân biệt chị cả, chị hai. Chiều hôm đó, cô ngần ngừ mãi mới dám nói với chị.
- Thưa chị! So với em, chị thiệt thòi nhiều quá. Chị dàn xếp việc gia đình ổn thỏa, tốt đẹp do tấm lòng của chị thương em, vô cùng độ lượng với em. Em có một chút việc cần cầu xin chị che chở cho.
- Việc gì vậy?
- Chị ạ! Em có người thân ở Hà Nội. Với họ, em là vợ chính thức, vợ duy nhất của anh Hai Lâm. Em không định cải chính vì họ sẽ thư từ qua lại làm cho má em đau lòng.
- Nên như vậy em ạ! Gây cho gia đình bên em chuyện xì xào xáo trộn chả có lợi gì.
- Vì vậy em xin chị và các con đừng qua lại ngôi nhà em đang ở tại Hà Nội. Chú dì ấy có họ xa với ba má em ở Huế, cùng trong hoàng tộc.
Chị Thoa không giận vì đề nghị của cô Cẩm Nhung mà còn thực sự hài lòng trước lời nói cởi mở đó. Cẩm Nhung tin chị lắm rồi.
- Em tính như vậy là đúng. Chị sẽ giữ gìn cho em.
(Vài năm sau, bà chủ ngôi nhà đó chết, chị Thoa gọi chú Dũng đến, sai: Chú viết mấy chữ "Kính viếng hương hồn cụ..." và ghi chữ "Gia đình thông gia" bên dưới. Chú và cháu Thanh đến mặc niệm trước linh cữu cụ. Chú không cần giới thiệu cháu Thanh với ai).
Như vậy là chị đã hoàn thành sự ủy nhiệm của anh.
Chị Thoa và con trai, con gái đã mở rộng cánh tay tiếp nhận người vợ thứ hai của bố. Cẩm Nhung xúc động lắm. Ở Hà Nội, cô chỉ có một vài người thân. Cô về quê chồng không có chồng đi theo mà chỉ trông cậy vào người vợ cả. Chị Thoa đến với anh trước cô. Chị Thoa được ông Hòa - bố chồng - quý mến, tin phục và họ hàng bên chồng cô nghe lời. Các em gái, em trai của anh Hai Lâm đều nhất nhất tuân theo xếp đặt của chị Thoa. Nếu chị Thoa có ý định trả thù cô, thì mọi việc sẽ ra sao?
Cô biết ơn chị Thoa hết sức. Cô đề nghị:
- Chị! Nếu chị cho phép, em xin được nằm chung giường, ngủ qua đêm ở đây. Em muốn tâm sự với chị.
Từ năm 1975, chị đã cho túp lều ở nông trường Vân Lĩnh để dọn về Đông Anh ở hẳn với vợ chồng Hạnh. Nhà Hạnh chật lắm, chỉ đủ kê cái giường cho vợ chồng cô cùng đứa con nhỏ; chị và cháu gái lớn ngủ chung trên chiếc chõng tre.
Được tin mợ Cẩm Nhung ngủ lại, Hạnh vui lắm. Dù sao, là chủ nhà, cô cũng băn khoăn về chỗ ngủ. Nhà cô đâu bằng nửa cái ga-ra ô tô của mợ ấy. Tuy vậy, chị không mặc cảm về nhà nghèo. Chị gợi ý tới con gái:
- Tối nay mẹ đổi chỗ cho con. Mẹ với mợ ngủ trên giường vợ chồng con.
- Còn hai cháu?
- Hai đứa đều đòi ngủ với bà ngoại. Mẹ này! Chúng bảo gọi thế nào để phân biệt hai bà ngoại?
Chị Thoa cười:
- Gọi mẹ là bà ngoại và mợ con là ngoại hoặc bà ngoại Bắc, bà ngoại Nam cũng được. Này, hôm nay chồng con ở nhà cũng khó xử nhỉ?
- Lo gì mẹ! Con cho phép anh ấy sơ tán vào khu tập thể công nhân nhà máy ngủ chung với cậu Thanh.
Tối hôm đó, chị và Cẩm Nhung rì rào to nhỏ đến quá nửa đêm vẫn chưa muốn ngủ. Chị mến cô ấy. Không ai đòi hỏi cô ấy phải ngủ lại trong căn nhà chật chội với chị. Cô ấy giầu có, sang trọng; từ nhỏ tới lớn chuyên ngủ ở giường lò xo hoặc giường có đệm mút, giờ phải ngủ trên chiếc giường ọp ẹp.
Cô Cẩm Nhung có học thức, tinh tế. Cô đón nhận đôi tay thân thiện của chị, của họ hàng giơ ra với thái độ thiện chí biết điều. Trên con đường từ xa lạ dẫn đến đoàn kết, chị Thoa có chủ động và đi bước trước song cô Cẩm Nhung không tự nguyện nhích lại cũng không kết quả. Dù sao giữa hai người đàn bà vẫn còn điểm gợn phải giữ ý lẫn nhau, chưa bộc lộ hết với nhau. Chị tránh né phàn nàn nỗi khổ của gia đình và Cẩm Nhung không đám phô trương sự giầu có của mình. Chị không đề cập sâu đến nỗi day dứt của mình trong hai mốt năm chờ chồng, không đọc cho dì hai nghe bất cứ bài thơ nào của mình, còn Cẩm Nhung cố ý lờ không nói đến những năm tháng hạnh phúc bên anh. Hai người cùng kể về con của mình khá dè dặt. Chả lẽ Cẩm Nhung kể là cả bốn con của cô đều giỏi lái ô-tô riêng của gia đình, mỗi đứa có dăm chục bộ quần áo, vài chục đôi giày. Có một điều mà Cẩm Nhung dè dặt mãi mới dám đề xuất:
- Chị! Chúng ta đã là người của một nhà rồi, em muốn tặng mỗi người một tặng phẩm. Chị khuyên em nên như thế nào?
- Cô định tặng gì?
- Em định biếu thầy, tặng chú Dũng, chồng Hạnh và Thanh đồng hồ Sen-kô; chị, thím Dũng, Hạnh nhẫn vàng một hoặc hai chỉ...
Chị Thoa lắc đầu:
- Em mới về ra mắt gia đình lần đầu chưa biết tính thầy, thầy xuê xoa, dễ dãi nhưng cũng rất khó tính. Nếu thầy không nhận quà biếu của em, những người khác cự tuyệt hoặc buộc phải từ chối dựa theo ý thầy thì thiện chí của em trở nên bất lợi.
Một lần nữa Cẩm Nhung lại đón nhận lòng thành thật của chị Thoa. Nếu không có lời khuyên của chị, cô sẽ khó xử khi mọi người trả lại hoặc không nhận tặng phẩm của cô. Cô đưa tiếp gợi ý:
- Em muốn mời thầy cùng vợ chồng chú Dũng sang đây dự liên hoan. Em sẽ nấu món Sài Gòn và Huế để chiêu đãi.
Chị Thoa đã nghe anh kể những nét chính về Cẩm Nhung. Với Hà Nội, cô ấy không xa lạ gì. Cô ấy đã đến những khách sạn loại nhất của Hà Nội trước năm 1954. Cô ấy đã từng thừa tiền để mua bất cứ thứ gì cô ấy thích lẽ nào chị lại để cô ấy xách làn ra chợ, phiên chợ xép của ngoại thành Hà Nội? Xét cho cùng đề nghị của cô ấy là hợp lý, là muốn sáp vô, sao chị không ủng hộ?
Chị bằng lòng để Cẩm Nhung đăng cai bữa tiệc. Chị lộ ý hưởng ứng qua lời bàn:
- Sáng mai, Hạnh sẽ xách làn theo cô. Tôi sẽ gọi vợ tương lai của Thanh sang nhận mợ - con và phụ giúp cô.
- Thưa chị, em rất biết ơn chị.
Chị Thoa nhíu đôi lông mày, vẻ đăm chiêu, Cẩm Nhung săn đón:
- Có điều gì khiến chị băn khoăn vậy?
Chị Thoa thổ lộ:
- Chị chưa biết sẽ mời thầy như thế nào? Nếu chị về quê mời, chắc chắn thầy sẽ nhận lời nhưng thầy khó đến kịp vào buổi sáng. Chị tính gọi điện thoại cho chú Dũng nhưng chị lại sợ có trục trặc gì đó thì nhỡ hết việc.
Cẩm Nhung không góp được ý kiến gì. Nếu ở Sài Gòn, cô chỉ cần sai đứa con nào đó lái ô tô riêng đi đón ông nội hoặc phóng hon-đa đèo ông về là ổn nhưng ở đây chỉ có phương tiện giao thông công cộng: ô tô buýt và xe đạp. Chị Thoa chợt gật gù:
- Chị có cách rồi.
- Chị tính sao?
- Chị viết thư mời cụ. Thanh sẽ mang thư chị cùng chú Dũng về mời ông nội.
- Hay quá, chị à.
- Khi đi chợ cô nên tham khảo ý kiến Hạnh để mua biếu thầy mấy mét vải lụa màu gụ. Nếu bà ngoại Nam tặng mỗi cháu bộ quần áo, bà ngoại Bắc cũng đồng ý.
Cẩm Nhung xuýt xoa:
- Điều đơn giản vậy mà em không nghĩ ra. Chị tài quá.
Bữa tiệc trưa hôm đó rất vui, vui vì cả nhà đều có mặt, đầm ấm, vui vẻ; vui vì món ăn rất ngon, lạ miệng; vui vì hai đứa chắt quấn quýt đòi vuốt râu cụ. Cụ Hòa tuyên bố:
- Gia đình ta được như ngày hôm nay là nhờ ơn chị cả. Thầy già rồi. Thầy chỉ mơ ước gặp mặt cả ba vợ chồng con, sáu đứa cháu nội, hai đứa chắt này trong một ngày gần đây.
Cẩm Nhung nhanh nhảu:
- Con xin mời thầy, chị Thoa, các con, các cháu vô Sài Gòn chơi...
Chị Thoa bấm dì hai, đỡ lời:
- Thưa thầy, con đã dặn Cẩm Nhung cho các cháu về chào ông nội. Cuối năm nay, con sẽ trông cháu để vợ chồng Hạnh và cháu Thanh vào thăm ba, mợ và các em. Ngày nào gặp mặt cả gia đình anh Hai Lâm sẽ thưa chuyện với thầy.
Cẩm Nhung chột dạ. Cụ Hòa là người cách mạng nhưng rất trọng lễ giáo, chú ý tới tôn ty trật tự trong làng, trong họ. Không khi nào cụ đặt chân vào Sài Gòn nếu các cháu nội không đến với cụ trước, cùng với cụ thắp hương trước bàn thờ tổ. Cẩm Nhung vụng chèo nhưng được chị Thoa khéo chống nên cụ Hòa cũng tỏ vẻ hài lòng.
Ngày lên đường của Cẩm Nhung đã tới. Cả hai chị Thoa và Cẩm Nhung đều tin rằng khi hai người mẹ đã quyết định thì ngày gặp gỡ của sáu đứa con cùng chung máu mủ ruột thịt sẽ diễn ra rất chóng vánh vì cả sáu đứa đều vô tư, hồn nhiên, không có điều gì phải giữ kẽ như mẹ của chúng.
Mối tình tay ba đã đạt kết quả đáng mừng. Ông tướng và hai bà vợ sống với nhau thật đầm ấm, hạnh phúc.
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ