In books lies the soul of the whole Past Time: the articulate audible voice of the Past, when the body and material substance of it has altogether vanished like a dream.

Thomas Carlyle

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
hị Thoa! Chị Thoa ơi!
Sau năm 1954 từ ngày nhận họ hàng bên nội, chị dâu cả Phạm Thị Thoa chưa bao giờ thấy chú Dũng, em út của chồng chị có vẻ bất bình tĩnh như vậy. Từ trong bếp, chị hỏi vọng ra:
- Chị ở đây. Có chuyện gì vậy chú Dũng. Chờ chị ru cháu ngủ đã.
Hạnh đã sinh con thứ hai nên bà ngoại không còn thời gian rảnh rỗi vì phải bận lo cho hai cháu. Chú Dũng chạy vào bếp, nói oang oang:
- Chị! Anh về rồi.
- Chú đùa chị làm gì vậy? Chị chờ anh chú hai mốt năm còn được...
- Em nói thật đấy. Anh đang ở Hà Nội.
Chị Thoa vẫn bình thản.
- Trưa hôm qua mới giải phóng Sài Gòn, anh chú dù có là Tề Thiên Đại Thánh cũng không thể đằng vân ra Hà Nội như vậy được. Chị không mắc lừa chú đâu.
Dũng nắm hai bàn tay chị dâu:
- Khổ quá, chị ơi. Em nỡ lòng nào lừa chị chuyện hệ trọng như thế này. Em cũng có trái tim, có lương tâm nên em rất thông cảm với chị.
Trông thấy vẻ chân thành của em chồng, chị Thoa rất vui:
- Thật vậy à, em? Chú đã gặp anh chưa? Anh ra Hà Nội bằng cách nào? Anh có khỏe không? Tóc anh đã bạc chưa? Anh mặc quân phục hay thường phục?
Dũng cười:
- Em làm sao trả lời được hàng loạt câu hỏi của chị. Em chưa gặp anh. Em chỉ nói chuyện với anh qua điện thoại thôi. Anh nói chị Cẩm Nhung và bốn cháu gửi lời thăm chị. Từ năm giờ chiều nay, anh không ở trong thành mà sẽ ra ở nhà khách Bộ Quốc phòng.
- Vậy à, chú? Chú Dũng này! Chú có biết anh Bình là cán bộ tình báo không?
- Có ai nói cho em biết đâu? Vợ chồng em chỉ đoán già đoán non về anh nhưng chúng em chưa bao giờ nghĩ rằng anh hoạt động trong lòng địch. Cẩm Nhung là ai vậy chị?
Chị cố gắng nở nụ cười nửa miệng:
- Chị và anh chú cùng công tác ở Nha Công an, Giám đốc Nha Công an là anh Nguyễn Tạo làm chủ hôn cho anh chị. Anh nhờ chú chuyển ám hiệu tới chị. Chú không được nói với ai về chuyện này nhé!
- Vâng ạ!
- Bây giờ chú sang nhà máy in, xin phép cho cháu Thanh nghỉ vài ngày. Hai chú cháu đạp xe đạp về Hà Nội trước, chị đi ô tô buýt về sau. Chị sẽ bảo vợ chồng Hạnh đưa cả cháu về thăm ông ngoại.
- Vâng ạ!
Chị Thoa ra bến xe. Hành trang của người vợ đi gặp chồng sau hai mươi mốt năm cách biệt chả có gì. Chị lên xe ngồi vào ghế trong. Chị không say xe song chị muốn yên tĩnh, không thích khách lên xuống cắt đứt dòng suy nghĩ của mình. Tại sao anh Bình lại nhắc đến Cẩm Nhung và bốn cháu nhỏ? Vì thông tin cho chị ư? Vô lý. Chuyện anh lấy vợ hai chị giữ kín như bưng không hề hé răng nói với bố chồng hoặc mẹ đẻ chị biết, tại sao anh lại công khai vụ việc này? Chị nên xử lý ra sao khi gặp anh? Khi tiễn anh đi, chị mới ba mươi tuổi. Chị đồng ý cho anh cưới nàng quận chúa vì chị tin tưởng rằng anh chỉ ra đi có hai năm, anh cần "tấm bình phong" để hoạt động trong lòng địch. Chị đâu có ngờ anh xa chị tới hai mươi mốt năm, anh với Cẩm Nhung đã có với nhau tới bốn mặt con. Bây giờ thì anh không thể "hất tấm bình phong" và dù anh có nuôi ý định đó, chị cũng không đang tâm để anh làm việc bất nhân như thế. Người ta là vợ, là chồng, ăn ở với nhau hai mươi mốt năm, nhiều gấp ba lần thời gian chị làm vợ, gần anh và nhiều gấp hơn ba mươi lần chị ở trọn đêm bên anh. Nên giải bài toán này như thế nào? Không nên đẩy việc khó xử về phía anh bằng cách đề ra câu hỏi: "Giữa tôi, vợ chồng cái Hạnh, thằng Thanh và hai cháu ngoại với cô Cẩm Nhung cùng bốn đứa con của cô ta, anh chọn ai, anh nói dứt khoát đi cho mẹ con tôi nhờ".
Đặt giả thiết anh là chàng trạng nguyên Tống Trân, anh thiên vị Cúc Hoa, ngả hẳn về phía người vợ thuở còn hàn vi, chị không thể đành lòng nhìn cảnh bốn đứa con mất cha, Cẩm Nhung mất chồng. Hay là cùng chung sống trong đại gia đình? Không được! Hiến pháp nước ta quy định một vợ, một chồng, nghiêm cấm tệ nạn đa thê, tại sao chị lại dồn anh vào thế phạm pháp?
Chị đã năm mươi tư tuổi, đã lên chức bà ngoại, đã sống cảnh chăn đơn gối chiếc hai mươi mốt năm qua quen rồi. Chị đã già. Ngồi trên xe, chị không tiện lấy gương soi nhưng chị biết mái tóc mình đã có tới một phần tư sợi bạc rồi vì vậy chị nên tự nguyện rút lui. Chị thở dài. Không phải chị không nuối tiếc hai mươi mốt năm chờ đợi anh song còn có phương án nào hay hơn đâu? Chỉ một mình chị thiệt thòi, chỉ một mình chị mất anh nhưng có bao người khác hạnh phúc: Cẩm Nhung vẫn còn chồng; bốn đứa con của cô ấy không mất cha và vợ chồng Hạnh, thằng Thanh có thêm bố. Chị đã là bà già, chị "tặng" luôn anh cho người ấy là việc rất nên làm. Có được quyết định rồi, lòng chị thanh thản lắm. Bây giờ chị là người ngoài cuộc, không phải là vợ đến với chồng mà là quan tòa trước vụ án đã qua xét xử. Chị sẽ đến với anh như thế nào? Chị sẽ chào anh, trò chuyện bình thường với anh không vồ vập thân tình cũng không lạnh nhạt. Khi chỉ còn hai người, chị sẽ nói rõ ý định của mình. Chị sẽ không ở qua đêm với anh, không ân ái, ăn nằm với anh: Đây quả là đòn trừng phạt, đau đớn đến xé lòng vì chị vẫn rất yêu anh, vẫn thèm được ngả vào vòng tay anh, được anh ôm ấp, hôn hít, nghe anh thì thầm ba từ không bao giờ nhàm chán "Anh yêu em". Không, chị cần phải cự tuyệt anh. Chị sẽ không tìm kế hoãn binh, viện cớ là "em bị mệt" hay "em đang…” để né tránh anh vì biện pháp đó chỉ là tạm thời.
Chị vào Nhà khách Bộ Quốc phòng. Chị đưa mắt vào căn phòng gần đó. Thanh đang nói chuyện với bố. Anh mặc quân phục mùa hè, đeo lon trung tá. Anh khỏe và trẻ hơn chị nhiều tuy anh hơn chị một tuổi. Hai bố con rất tâm đắc, tiếng cười của anh, của các bạn anh luôn rộ lên sảng khoái.
Chị bước vào phòng. Anh ngước lên, nói như reo: "Em, Thoa!". Chị cũng thốt lên lời đang nghẹn trong cổ họng: "Anh! Anh Bình!" rất may là lúc đó có Thanh và các bạn anh nên chị mới "giữ vững được lập trường". Chị hỏi:
- Hai bố con nói chuyện gì mà rôm rả vậy?
Anh cười:
- Mấy ông tướng này bắt anh đóng kịch. Anh tự nhận là bác Đạo, bạn của bố Nguyễn Thanh Bình. Thanh ngồi chờ bố đi họp về, kể đủ mọi chuyện về em, vợ chồng Hạnh và hai cháu của cậu.
Chị quay lại phía sau:
- Thanh! Thanh đâu rồi?
Chị hướng về phía anh, trách:
- Lẽ ra anh không nên đùa như vậy. Khi anh đi, con mới hơn một tuổi. Lúc anh về, Thanh là chàng trai hai hai tuổi rưỡi nhưng làm sao nó biết ai là bố nó. Anh đã chạm tới tình cảm thiêng liêng của con.
- Anh xin lỗi. Anh đi tìm con đây.
Anh lao ra cửa nhanh nhẹn, hoạt bát. Anh chưa có dáng dấp của tuổi già vì đàn ông trẻ lâu hơn phụ nữ hoặc vì cuộc sống của anh quá phong lưu, dư thừa? Chị vào phòng, chào khách. Chị ngồi xuống ghế. Các bạn của chồng chị đưa mắt cho nhau, rồi ý tứ đứng dậy, cáo từ. Ngồi một mình trong phòng, chị thừ ra bất động. Chị rà lại quyết định của mình. Chị có quyền giằng anh khỏi tay Cẩm Nhung không? Xét về tình, về lý, chị đều đúng. Chị có giấy giá thú làm tại Nghệ An sau ngày cưới vào dịp đầu năm 1947. Chị có giấy khai sinh của hai cháu Hạnh, Thanh ghi rõ tên bố là anh, tên mẹ là chị; chị được họ hàng đôi bên nội ngoại công nhận. Chị có hai mươi mốt năm thủy chung, chờ đợi, được bố chồng và họ hàng nhà chồng thừa nhận. Chị có nên tận dụng cái quyền này không? Không! Quyết định của chị là đúng. Chị sẽ trả các con đã trưởng thành cho anh.
Anh đã quay về:
- Anh không tìm thấy Thanh. Em yên tâm, anh sẽ có cách dàn hòa với con.
Anh cười rất tươi với chị. Chao ôi, nụ cười ấy, khuôn mặt ấy, giọng nói ấy chị mong đợi hai mươi mốt năm mà giờ đây phải dứt bỏ tất cả ư? Đành vậy thôi. Phải can đảm lên, không được phép lùi bước đâu, Thoa. Chị định vào đề, nói rõ mọi suy nghĩ của mình với anh, anh đã giơ tay ngăn lại:
- Em! Anh là chồng em, anh yêu em nên anh đoán biết bằng linh tính, bằng tình cảm, bằng thái độ dè dặt, ngập ngừng của em khi gặp anh, những điều em sẽ nói. Em cho anh trình bày trước đã rồi tùy em phân xử.
Anh là như vậy. Anh luôn chủ động trong ứng xử, buộc chị lâm vào thế bị động. Chị còn cưỡng lại sao nổi? Chị im lặng chờ đợi. Anh vào phòng trong, mở ba lô lấy ra chiếc hộp nhỏ. Anh trao cho chị:
- Anh đã làm đúng điều em căn dặn. Anh và Cẩm Nhung đã trân trọng gìn giữ đôi hoa tai này.
Anh đưa tiếp tờ giấy đã cũ:
- Em đọc đi!
Chao ôi, chị không còn tin ở mắt mình nữa. Đây là hôn thú giữa anh và cô Cẩm Nhung do chính quyền Ngô Đình Diệm cấp. Ơ này, tại sao mãi năm 1957 hai người mới làm đám cưới? Tại sao Cẩm Nhung chấp thuận ghi trong hôn thú là vợ kế?
Anh chu đáo quá! Anh đã hiểu chị đến tận chân tơ, kẽ tóc. Chị đặt tờ hôn thú lên mặt bàn, áp đôi hoa tai vào ngực mình, mắt hướng về phía anh, cầu khẩn:
- Anh cho em ngồi riêng một lát. Anh đi tìm và làm lành với con trai đi.
Khi anh vừa ra khỏi phòng, chị khép cửa, gài phía trong. Chị say sưa ngắm đôi hoa tai, tặng phẩm của mẹ, kỷ vật vô giá đã rời khỏi tay chị hai mươi mốt năm về trước. Mẹ! Mẹ ơi! Biết bao năm Mẹ mong gặp gỡ, trò chuyện với con rể, đến giây phút hấp hối mẹ vẫn nhắc đến tên chồng con. Mẹ! Anh Thanh Bình không đi theo linh cữu, tiễn đưa Mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng song ở nơi xa, anh luôn nâng niu kỷ vật Mẹ cho con. Mẹ. 21 năm, gồm tới 7665 ngày mà anh luôn nâng niu đôi hoa tai này. Mẹ! Con nên cư xử với anh ra sao? Anh đã làm tròn lời hứa với con. Điều kiện con đưa ra với anh trước lúc chia tay, anh đã thực hiện chu đáo. Con thông cảm với anh. Anh không thể buộc cô Cẩm Nhung ghi trong hôn thú nhận là vợ lẽ, vợ hai mà đã dành cho cô ấy vị trí: vợ kế! Vợ kế có nghĩa là người chồng đã có đời vợ trước song vợ anh ta đã chết, đã khuất núi hoặc đã ly hôn. Cô Cẩm Nhung đồng ý nhận là vợ kế và chính cô đã giữ kỷ vật này vậy chị nên xử sự ra sao?
Có tiếng gõ cửa. Hạnh ùa vào phòng trước:
- Mẹ! Con nhận được ba đấy. Ba với em Thanh giảng hòa rồi.
Thanh thanh minh:
- Ba xin lỗi con rồi. Bao năm con không có ba thế mà ba nỡ lừa con.
Anh cười:
- Ba có lỗi. Gặp các con, ba rất muốn ôm hôn con, gọi con. Ba đóng kịch không đúng lúc vì ba vui quá. Chiều nay cả gia đình ta ăn bữa cơm đoàn kết sau hai mốt năm xa cách. Hồi ba đi, hai con cũng nhỏ như hai cháu ngoại của ba hôm nay.
Cả anh và các con đang vui, đang tràn trề hạnh phúc nên chị không nỡ đề cập đến một chi tiết: sao chúng nó không gọi anh là "bố" mà lại gọi anh là "ba"? Chắc là anh đã thuyết phục các con. Từ thuở lọt lòng, hai con chị chỉ tiếp xúc với anh lúc chúng chưa biết nói - khi Hạnh biết nói lại không rõ anh là bố - nên chúng chưa hề gọi người đàn ông nào là thầy, là bố, là ba, là cha. Khi anh xưng "ba" với chúng, chúng lặp lại theo anh. Các con chị vô tư và vì không biết chuyện Cẩm Nhung nên chúng không mảy may thông cảm với nỗi đau nhói lên trong chị.
Chị ngồi im ngắm nhìn bốn bố con. Chồng của Hạnh vốn ít nói, giờ đây lại giữ ý vì mình là con rể nên chỉ im lặng, Hạnh ngồi cạnh ba. Cô giống cha hơn em trai. Cô hót như khướu kể đủ mọi chuyện về gia đình bên nội, bên ngoại, về những ngày ở nông trường, về cuộc sống hiện tại. Thanh không đẹp trai bằng ba, không đeo kính cận như ba. Có lẽ Thanh vẫn đang tức vì bị lừa nên chuyện Thanh kể không rôm rả như thường ngày. Tuy vậy, qua ánh mắt, nụ cười đều toát lên vẻ tự hào, lòng khâm phục, hãnh diện của người con trai bỗng nhiên có bố là trung tá tình báo. Làm sao chị nỡ gây cho anh nỗi đau, chia rẽ bốn bố con, khiến cho anh day dứt, bị lương tâm cắn xé trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời?
Tối hôm đó, khi chỉ còn lại hai vợ chồng trong phòng hạnh phúc, anh đắm đuối nhìn chị:
- Em! Anh nhớ em vô cùng!
Anh đặt tay lên vai chị, định kéo chị vào lòng mình nhưng chị đã nhẹ nhàng gỡ tay anh:
- Anh! Em muốn bàn chuyện gia đình với anh.
- Có chuyện gì vậy em?
Chị đặt đôi hoa tai và tờ giấy hôn thú lên bàn, hỏi:
- Hai mốt năm qua, từ ngày rời tặng phẩm của mẹ, em luôn nghĩ về anh và cô Cẩm Nhung. Em không rõ anh đã thực hiện điều kiện em đặt ra như thế nào? Anh kể tỷ mỉ, chi tiết cho em nghe được không?
Anh đoán được có điều gì đó không bình thường, rất hệ trọng qua giọng nói của chị. Đàn bà thường cả nghĩ, nghĩ sâu. Anh chợt nhớ đến lần chị báo tin chị có mang mà anh chỉ có một sáng kiến duy nhất: đặt tên con là Thanh. Anh đơn giản quá! Đâu phải vợ chồng đã xa nhau tới hai mốt năm thì gặp lại chỉ đơn thuần tay bắt, mặt mừng, vồ vập, ôm ấp lẫn nhau cho thỏa lòng mong ước? Anh ngồi nghiêm chỉnh, từ tốn kể cho chị nghe cặn kẽ từng ý nghĩ, từng việc làm của anh. Anh thổ lộ:
- Chính anh đã đặt tên con đầu lòng của anh với Cẩm Nhung là Thanh để bất cứ giây phút nào anh cũng nhớ tới con trai của chúng ta và kỷ niệm việc anh đặt tên cho con.
- Cô ấy có biết chuyện này không?
- Lúc đầu Cẩm Nhung không biết. Khi anh trao hoa tai cho cô ấy, anh đã nói hết sự thật. Khi sinh con thứ ba, chính Cẩm Nhung đề nghị đặt tên con là Hạnh.
Chị Thoa thực sự cảm động. Hình như những nàng công chúa đều có chung đặc điểm là kênh kiệu, khinh người, tại sao cô Cẩm Nhung lại biết cách cư xử đúng mực, tế nhị như vậy? Đến lúc này, chị đành phải đưa ra câu hỏi mà chị ngại đề cập đến:
- Anh tính thu xếp việc nhà như thế nào?
Anh thở dài:
- Anh đâu ngờ chuyện riêng của gia đình ta lại phức tạp khó dàn xếp như hiện nay. Anh và em đều không muốn lâm vào tình trạng này. Anh không tự động lấy vợ hai. Chính tổ chức gợi ý và em bằng lòng cho anh làm việc này. Anh nghĩ rằng chúng có có thể song song tồn tại, nếu em chấp thuận.
Một thoáng suy nghĩ lướt qua óc chị. Chị có nên nghe theo lời anh không? Nếu như thế, chị sẽ là vợ cả, vợ cái con cột; sẽ là bà chủ chính thức của gia đình, sẽ lo gánh vác toàn bộ công việc nhà chồng. Nếu chị khéo cư xử, chị sẽ được chồng, có thêm người em (dù không ở mức tâm đầu, ý hợp cũng không đến nỗi ghét bỏ nhau), thêm bốn đứa con. Liệu chị có cáng đáng nổi không? Nếu chị không đủ bản lĩnh, luôn giữ thói ghen tuông giữa vợ cả, vợ lẽ thì trước hết chị sẽ làm cho anh đau khổ, ngày nào cũng phải xử kiện và tiếp đó là gây thù oán với Cẩm Nhung và sau đó là cả gia đình tan nát vì sáu đứa con cùng cha, khác mẹ sẽ không nhìn mặt nhau nữa. Nên giải quyết như thế nào? Chị kể hết mọi suy nghĩ của mình với anh và gợi ý:
- Em đã năm tư tuổi. Em nuôi hai con đã trưởng thành. Em xin trả con cho anh...
Anh hoảng hốt:
- Không nên như thế, em. Anh yêu em. Em mãi mãi là vợ anh.
- Vâng. Em là vợ anh trên danh nghĩa. Chúng ta không ly thân, không ly dị nhưng không giữ quan hệ vợ chồng với nhau nữa.
- Sao lại thế, em? Anh không thể mất em?
- Em vẫn còn nhưng không thuộc về anh trong thực tế. Làm như thế anh sẽ được một vợ, sáu con.
- Em! Anh ra đi không phải để không còn em là vợ nữa. Em không yêu anh sao?
Chị nhìn thẳng vào mắt anh bằng cặp mắt sáng trong của mình, thú nhận:
- Em yêu anh hơn bất cứ ai trên trái đất này. Không vì tình yêu của chúng ta, em làm sao sống nổi trong bao năm xa cách với bao nỗi cực nhọc. Em vượt qua tất cả, bỏ qua mọi dư luận ác ý vì em luôn nghĩ tới anh. Anh là niềm tin, là nguồn hy vọng, là lẽ sống của em. Giữa tình cảm và lý trí, ta chỉ có quyền chọn một, khi hai điều này đối nghịch nhau. Năm năm tư em tiễn anh đi vì lý trí đã thắng tình cảm. Năm bảy nhăm này, em tự nguyện xa anh cũng vì lý do như thế.
Anh bỗng ôm choàng lấy chị, áp đầu chị vào ngực mình. Chị không cưỡng lại. Rõ ràng là tình cảm anh bị dồn nén đã bật lên như chiếc lò xo không thể chế ngự nổi. Anh nói trong hơi thở hổn hển:
- Em yêu! Đời anh được như hôm nay là do nhiều nguyên nhân, trong đó có hai người đàn bà đã đến với anh, đi vào đời anh.
Khác với mọi người chồng có hai vợ thường nói xấu hoặc ít ra là chê người này trước mặt người kia, còn anh, anh muốn nói lên sự thật. Anh khen cả hai. Anh không ngại chị giận mà tin rằng chị hết sức thông cảm với anh. Anh tiếp bằng giọng dịu dàng, truyền cảm:
- Em! Em đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì anh và Cẩm Nhung đã săn sóc anh, bảo đảm mọi bí mật để anh hoạt động. Anh không thể xa em và cũng không có ý định rời bỏ Cẩm Nhung. Em nỡ lòng nào để trái tim anh rớm máu?
Chị khóc! Chị thương anh lắm. Chị muốn ghì chặt lấy anh, hôn anh song chị kịp nén lại được. Anh thổ lộ:
- Anh không phải kẻ tham lam hoặc đam mê sắc, dục. Em và Cẩm Nhung đã gắn liền với đời anh, anh không dứt bỏ ai được. Dù không cùng lý tưởng, Cẩm Nhung đã là vợ anh mười tám năm qua, đầu gối, tay ấp, ngọt bùi, đắng cay chia sẽ và tuy biết rõ anh là Việt Cộng, Cẩm Nhung đã bảo vệ anh, che chở cho anh. Anh nỡ nào chia tay với Cẩm Nhung khi cô ấy đã có với anh bốn mặt con? Với em, anh càng không thể mất em.
Anh đứng dậy, đi đi, lại lại trong phòng. Chị im lặng, tôn trọng dòng suy nghĩ của anh. Rõ ràng anh đang có đấu tranh trong nội tâm dữ dội lắm. Anh làm sao thuyết phục được chị? Anh chị không còn trai trẻ ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi mà đã vượt quá ngũ tuần rồi, lại trải qua hai mốt năm cách biệt nên có ngỡ ngàng, mặc cảm, chen lẫn với điều phạm luật hôn nhân nhưng điều cơ bản là anh chị rất hiểu nhau. Anh ngồi xuống phía đối diện với chị:
- Em yêu! Anh là đảng viên cộng sản. Điều lệ Đảng không cho phép anh làm điều này nhưng anh buộc lòng phải thú nhận với em. Anh được thưởng bẩy huân chương, được đề nghị tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, nhưng nếu mất em thì cuộc đời còn nghĩa lý gì với anh nữa.
- Trời! Sao anh phải dùng lời lẽ nặng nề như vậy? Em tự hào về anh lắm chứ! Có anh cùng đi hoặc ít nhất có ảnh anh mặc quân phục chụp ảnh chung với em, các con, các cháu là lời cải chính đanh thép nhất cho bao năm làm vợ gián điệp của em. Em muốn ngẩng cao đầu, hãnh diện với bạn bè chứ! Em chỉ kẹt về chuyện hiến pháp nước ta quy định một vợ, một chồng.
Anh ngồi xuống cạnh, đưa hai tay nắm hai vai chị xoay về hướng mình. Anh nhìn thẳng vào mặt chị, thì thào:
- Em ơi! Nếu em không còn là vợ anh nữa, anh sẽ sống những chuỗi ngày sắp tới trong dằn vặt, đau khổ. Nếu em không còn yêu anh nữa, em hãy thương lấy anh, thương các con. Cuộc sống của anh sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có em là vợ. Trả lời anh đi, em còn yêu anh không?
"Anh!". Lần đầu tiên trong đời, chị chủ động ghì lấy anh hôn anh tới tấp. Chị yêu anh mãnh liệt. Tình cảm bị dồn nén trong hai mốt năm và đặc biệt từ khi hai người ở cạnh nhau, nghe những lời bộc lộ chân thành của anh, đã trỗi dậy. Chị khóc. Chị bộc lộ nỗi lòng qua tiếng thổn thức.
- Anh! Anh không thể đo được tình yêu của em đối với anh đâu. Em rất sợ mất anh nhưng em không giữ anh. Em xua đuổi anh ngoài miệng nhưng trong lòng cay nghiệt hơn xát ớt.
- Anh hiểu! Anh hiểu! Em là người đàn bà cao thượng nhất mà anh đã gặp. Em luôn sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân cho người thân của mình. Em đừng băn khoăn nữa. Trong lý lịch đảng viên của anh, anh ghi rõ ngày cưới em. Em đã là vợ anh hai tám năm rồi. Ôi, nếu tính đất ngón tay, anh và em chung sống với nhau khó được nửa năm. Hai chúng ta chưa có nhà riêng.
- Tại chiến tranh anh ạ! Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, em tự nguyện hy sinh hạnh phúc riêng.
- Từ hôm nay, em cần nghĩ tới hạnh phúc riêng vì nước nhà có hòa bình rồi. Em yêu anh chứ?
- Vâng.
Chị đáp nhỏ nhẹ, e thẹn. Anh kéo chị vào lòng. Chị gục đầu vào ngực anh, nghe tiếng tim anh đập nhịp nhàng, rộn rã. Anh dìu chị lại gần giường. Chị ngỡ ngàng quá. Đúng là anh với chị làm đám cưới năm 1947, chia tay nhau năm 1954 nhưng bảy năm đó, hai vợ chồng gần nhau được bao ngày? Những năm ở Thanh Hóa, anh buộc chị phải "kiêng" để tôn trọng phong tục tập quán của địa phương và đến thời kỳ gặp nhau ở Hà Nội, anh đến nhà chị Loan vụng trộm, lén lút để gặp chị trong vòng một, hai giờ để rồi chia tay nhau hai mốt năm đằng đẵng.
Sáng mùng 2 tháng 5, chị thức dậy sớm. Chị ngồi im, ngắm nhìn anh. Anh phương phi quá. Anh còn trẻ hơn chị nhiều, tóc mới chớm bạc. Chị phải làm gì giúp anh? Ở đây chị không có kim chỉ và quần áo anh không rách, cúc áo anh không đứt để chị may. Chả lẽ chị ra phố mua cho anh gói xôi cái bánh mì, bát phở hay cốc cà phê nhưng tiêu chuẩn của Nhà khách Bộ Quốc phòng phục vụ anh khá cao và quá ngon. Hay là chị kiếm cái nhíp nhổ cho anh mấy sợi tóc bạc? Chị cảm thấy tràn trề hạnh phúc. Bao năm qua, khi đã quá tuổi ngũ tuần, chị mới có một đêm trọn vẹn bên chồng, không thấp thỏm, lo âu. Ba ngày tiếp theo trôi qua rất nhanh. Anh, chị cùng các con về thăm quê nội, quê ngoại. Cả hai đều thống nhất sẽ không nói với ai về Cẩm Nhung.
Một buổi chiều, anh chị cùng các con đến thăm tổ ấm cũ. Chị Loan góa chồng từ sáu năm qua. Chị đến gần Thanh Bình:
- Cậu Đạo. Chị mang mối hận cậu suốt bao năm qua. Chị gọi cậu là thằng Sở Khanh, kẻ lừa đảo, tên bội bạc. Chị đâu có ngờ... Cậu tha lỗi cho chị nhé!
- Em luôn luôn biết ơn chị!
Vợ chồng Hạnh và Thanh ngơ ngác. Bác Loan không nói đùa. Chính bác đã mắng ba như vậy à? Tại sao bác gọi ba là Đạo? Chị Loan nắm tay "bé" Thanh, kéo vào gian chái nhà:
- Đây là tổ ấm của bố mẹ cháu. Cháu lọt lòng mẹ ở đây. Bố cháu đã có vợ, lén lút quan hệ với mẹ cháu. Khi mang thai cháu, mẹ cháu nhận là chửa hoang. Thương tình, bác phải nhận mẹ cháu là em dâu, chồng mẹ cháu là em ruột bác.
Vợ chồng Hạnh và Thanh như tỉnh, như mê, như người đang nghe truyện cổ tích mà các nhân vật đang đứng ngay bên cạnh. Thanh hướng về người cha:
- Có đúng như vậy không, ba? Tại sao suốt bao năm qua mẹ giấu con?
Chị vỗ nhẹ lên bàn tay con trai:
- Làm sao mẹ nói điều đó được khi ba các con đang hoạt động trong lòng địch, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc? Mẹ hứa là sẽ kể hết cho các con nghe.
Hạnh chen vào:
- Bác Loan kết tội ba là Sở Khanh, lừa đảo, bội bạc, sao ba không cải chính?
- Vì những điều bác Loan nói đều đúng hoặc dưới mức sự thật. Chỉ duy nhất có một mình mẹ con và sau đó là bà ngoại, ông nội hiểu và thông cảm với ba. Bác trai đã cấm cửa ba. Nếu gặp ba trước ngày ba bỏ mẹ con vào Sài Gòn, hai bác đã có thể giết ba.
- Sao ba không nhận con? Con có phải con gái ruột của ba không?
Bác Loan lên tiếng:
- Bố mẹ các cháu giấu hai bác đủ mọi chuyện. Bác là bạn rất thân của mẹ cháu, mọi điều tâm sự đều san sẻ với nhau, thế mà bác không biết điều bí mật của chàng và nàng. Bác có mắt như mù, có tai như điếc, cứ mặc kệ cho "ma ăn cỗ" ngay tại nhà mình. Chỉ đến khi bố cháu đã vào Sài Gòn, mẹ cháu mới khoe là mình đã có con gái và hai người chính thức là vợ chồng.
Anh cười. Nhìn chị Loan với ánh mắt thân thiện rồi quay về phía Hạnh.
- Sao con phải thắc mắc chuyện hiển hiên đã hai năm rõ mười rồi? Mẹ sẽ kể lại cho các con nghe tất cả. Thôi! Chúng em xin phép chị Loan.
- Xin chào ông bà trung tá, chào các cháu. Bác tuy nghèo nhưng đủ khả năng mời các em, các cháu đến dự bữa cơm đoàn kết, thân mật.
Chị Thoa nhắc lại kỷ niệm cũ.
- Chúng em sẽ mua biếu chị đôi gà trống thiến.
Chị Loan tiễn khách ra xe. Chiếc xe com-măng-ca đưa anh chị và các con trở lại nhà khách. Trung tướng Cục trưởng đón cấp dưới tại bãi đỗ xe, nhã nhặn mời anh chị vào phòng khách. Trung tướng đưa mắt, ngầm ra lệnh cho cô phục vụ ra khỏi phòng. Vốn là người lịch thiệp, ăn nói lưu loát song trung tướng lộ vẻ lúng túng bằng cách xoa đôi bàn tay vào nhau. Nửa phút sau, ông mới lên tiếng:
- Chị Thoa! Tôi phải gánh phần trách nhiệm rất nặng nề là thay mặt thủ trưởng Cục tình báo đến gặp chị và Hai Lâm.
Chị Thoa chột dạ. Những năm qua, người có chức vụ cao nhất mà chị được tiếp xúc là bí thư đảng ủy và chủ tịch nông trường. Các ông ấy chưa bao giờ bình đẳng với chị, luôn giữ mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, còn trước mặt chị lúc này là vị tướng. Giọng ông lộ rõ vẻ cầu khẩn chị. Chị hỏi, giọng hoảng hốt:
- Có điều gì hệ trọng vậy, anh?
Trung tướng mỉm cười đôn hậu:
- Tôi là người bình thường, trong ngực tôi có trái tim và trong đầu tôi có khối óc nên thú thực là tôi không đành lòng tách chị khỏi Hai Lâm.
Việc gì trung tướng phải rào đón như vậy? Phải chăng là chuyện vợ cả, vợ hai giữa chị và Cẩm Nhung? Đây là chuyện riêng của gia đình chị, việc gì ông tướng phải can thiệp vào? Chị đã tự nguyện nhường anh cho Cẩm Nhung là vì tình chứ không phải vì lý. Nếu giở lý ra, nếu đưa pháp luật, chị sẽ là người thắng cuộc. Chị bình thản nghe trung tướng nói tiếp:
- Sau những năm xa cách vì chiến tranh, anh chị mới gặp lại nhau có bốn ngày. Sáng nay, khi nhận được điện của Trung ương Cục miền Nam gọi Hai Lâm trở lại Sài Gòn gấp để tiếp quản Tổng nha An ninh quốc gia và các cơ sở tình báo khác của đối phương, tôi đã gửi điện xin giữ Hai Lâm lại.
- Cám ơn anh!
- Tôi đâu phải gỗ đá. Tôi dự kiến sẽ giữ Hai Lâm ở lại Hà Nội ít nhất cũng được hai mốt ngày để bù đắp chút ít cho hai mốt năm chị mòn mỏi chờ anh nhưng không được chấp thuận.
Chị Thoa biết việc gì đã xảy ra. Chị dự kiến tất cả nhưng không nghĩ đến chuyện chia tay anh. Chị tin rằng anh sẽ ở lại Hà Nội không tới cả năm cũng phải được vài tháng với chị và gia đình. Ai ngờ?
Trung tướng vẫn từ tốn:
- Với mọi cán bộ khác tôi sẵn sàng ra lệnh điều động, yêu cầu đương sự phải lên đường sau ít phút nhưng tôi không có ý định dùng mệnh lệnh quân sự với Hai Lâm, nếu chị chưa thông cảm, chưa đồng ý.
- Thưa anh! Anh Bình đã biết việc này chưa?
- Hai Lâm được đọc điện gọi anh vào Sài Gòn và điện của tôi giữ anh ấy ở lại Hà Nội. Hai Lâm chưa đọc điện trả lời, nội dung thúc giục Hai Lâm vào Sài Gòn ngay, càng sớm, càng tốt vì không ai có thể thay thế Hai Lâm trong trường hợp này.
Chị Thoa im lặng, trầm ngâm. Rõ ràng là các thủ trưởng Cục Tình báo đã xứ lý tinh tế, tế nhị. Các anh sợ chị hiểu lầm Hai Lâm, cho rằng anh nôn nóng quay về với Cẩm Nhung nên đã phải xuất tướng để gặp chị, đả thông cho chị. Chị hiểu là tổ chức đang cần anh tới mức nào? Có biết bao hồ sơ, tài liệu tuyệt mật cần bảo quản và nhận diện những tên trong "làng tình báo" của chế độ Sài Gòn lần trốn. Chị nở nụ cười - chắc không được tươi lắm - trả lời:
- Thưa anh! Trước đây anh Thanh Bình vào hoạt động trong lòng địch gặp muôn vàn hiểm nguy, em đã không giữ thì bây giờ, chế độ Sài Gòn đã sụp đổ nên em không giữ anh lại. Bao giờ anh lên đường?
- Sáng mai!
- Mẹ con chúng em có được đi tiễn anh không?
Trung tướng cười vang, đùa:
- Nếu chị không đi, tôi sẽ sai lính "áp giải" chị đến sân bay. Tối nay, thủ trưởng Cục mở tiệc chiêu đãi gia đình chị. Chúng tôi đã cho xe đi đón ông Hòa và cậu Dũng.
- Cám ơn anh.
Sáng hôm ấy, theo nguyện vọng của chị, chiếc von-ga đen rời Hà Nội sớm. Chủ tịch nông trường Vân Lĩnh Nguyễn Thắng tiếp gia đình chị rất thân tình. Tuy chị đã ý tứ không nhắc lại chuyện đã qua song ông vẫn kể lại tất cả. Ông cười:
- Anh Kiều Trọng đã được điều động lên Bộ làm Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ nên không gặp đồng chí. Nhiều năm qua, lãnh đạo nông trường đã hiểu lầm chị Thoa, mong anh chị thông cảm.
Đã được dặn trước nên anh chủ động:
- Nhân dịp về Hà Nội công tác, tôi đến thăm các anh, các chị. Cám ơn lãnh đạo nông trường đã chăm lo cho nhà tôi và các cháu.
Chị dẫn anh đến thăm chỗ ở cũ của ba mẹ con. Căn lều vẫn chưa dỡ đi. Anh bước vào nhà. Đôi vợ chồng trẻ tươi cười:
- Nhờ bác chúng cháu có được buồng hạnh phúc.
Anh xót xa quá. Anh không lường nổi cảnh sống của vợ và các con anh đã trải qua: Túp lều này sao sánh kịp nửa cái ga-ra để ô tô hoặc góc bếp căn biệt thự mà ông Giô-dép đã tặng anh và Cẩm Nhung? Hai cảnh sống của hai bà vợ và các con anh hoàn toàn trái ngược nhau. Anh không sợ gian khổ. Trong những năm chiến tranh, anh luôn mơ ước rời bỏ cuộc sống vương giả để được ra chiến khu, được trực tiếp cầm súng bắn vào kẻ thù dù có nhịn đói hoặc ăn lương khô trừ bữa ở chiến hào. Cuộc sống vật chất của anh, Cẩm Nhung và các con anh quá ư đầy đủ nếu không nói là dư thừa. Anh thực sự không lý giải nổi niềm vui của con gái khi anh trao cho chị ba tờ phiếu:
- Đây là tiêu chuẩn cấp tá của anh...
Hạnh cười:
- Bìa C mẹ ạ! Có cả phiếu chất đốt, phiếu vải nữa.
Anh hỏi lại:
- Bìa C là gì, con?
- Thưa ba. Nhà ta sống được là nhờ phiếu gạo, phiếu thực phẩm mua theo giá cung cấp, giá rẻ lắm.
Anh nhìn nét mặt tươi rói của con gái. Anh sống ở Sài Gòn có viện trợ Mỹ đổ ập vào quá thừa mứa nên anh không lý giải nổi vì sao vợ con anh vui mừng vì có thêm phiếu C. Anh chưa hiểu cuộc sống miền Bắc. Nhân dân đã hy sinh tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đúng là chị sống như mơ. Có ai ngờ anh trở về sớm như thế và lại ra đi nhanh như vậy? Ông Hòa lộ vẻ nuối tiếc:
- Chủ nhật này, thầy đã mời bà con thân thuộc đến ăn cỗ mừng chồng con an toàn trở về và coi như tiệc cưới của con với thằng Bình. Nếu thầy biết nó phải đi sớm thế này thì..
Chị rất hiểu ý bố chồng nhưng vẫn hỏi lại:
- Thầy định cưới cho con trai khi con dâu đã có hai cháu ngoại?
- Thanh Bình là con trai cả của tôi. Sau khi tôi chết, nó sẽ là trưởng tộc và chị cũng trở thành bà trưởng. Đã có lần tôi nói với chị là tôi chưa từng trông thấy con và thằng Bình đi sánh đôi bên nhau lần nào. Tôi tuyên bố lý do: mừng Thanh Bình trở về và mừng đám cưới anh chị là để cả họ ta mừng cho các con.
Trở về gian nhà tranh rộng gần mười hai mét vuông của vợ chồng Hạnh cả nhà chị vui lắm. Chị lấy tờ "giấy giới thiệu" ra đọc:
Kính gửi: Cửa hàng cung cấp...
Họ và tên: Phạm Thị Thoa
Chức vụ: Vợ trung tá Nguyễn Thanh Bình
Nhiệm vụ: Đến đăng ký phiếu C...
Từ ngày lấy anh, đây là giấy giới thiệu chính thức đầu tiên mà chị có trong tay có liên quan đến anh. Nếu anh không là trung tá thì sao? Chị rùng mình khi nghĩ tới anh hy sinh hoặc bị bắt. Sẽ không ai tin chị là người của cách mạng và cái án "vợ tên gián điệp" của chị sẽ không bao giờ được xóa bỏ. Thôi, mọi việc đã qua rồi. Cũng như trăm, ngàn cán bộ thời đó, chị và các con sống rất hồn nhiên, vô tư, không hề phàn nàn là mình khổ quá, nghèo quá, chỗ ở vô cùng chật chội. Chị và các con không hề nghĩ tới chuyện quay về Hà Nội nên chị không đề nghị Cục Tình báo lo cho mình chỗ ở rộng hơn. Bốn mẹ con thường ôn lại từng lời nói, từng cử chỉ của anh. Thanh kể lại chuyện bị lừa của mình:
- Em ngu quá. Em vào thường trực xin gặp bố Thanh Bình. Em đâu có biết ba là trung tá. Em cũng chưa xem ảnh ba lần nào. Một chú đại úy dẫn em vào phòng, giới thiệu: "Đây là bác Đạo cùng đi với ba cháu vào trong thành họp đến trưa sẽ về đây cùng ăn cơm với cháu". Buồn cười quá, em cứ gọi ba là bác mãi.
- Chị chỉ nhớ mang máng là ba cao lớn, đẹp trai, đeo kính cận. May mà chị không bị nhầm.
Chị Thoa đưa ra câu hỏi chị vẫn còn áy náy:
- Tại sao các con không gọi "Bố" mà lại gọi "Ba"?
- Ba tự nhận là ba trước, chúng con gọi theo ba thôi.
Hạnh quay về phía mẹ:
- Mẹ gặp ba thế nào? Có vui không? Không hiểu chúng con sắp có em bé chưa?
Chị mắng yêu con:
- Cha bố cô! Cô có biết mẹ cô bao nhiêu tuổi không?
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ