Love at first sight is often cured by a second look.

Love is sweet when it’s new, but sweeter when it’s true.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
ũng như mọi công chức của chế độ Sài Gòn, vào những ngày của hạ tuần tháng 4-1975, ai cũng công khai bàn đến đi hay ở. Những người muốn đi tăng vọt lên từ sau khi ông già lẩm cẩm Trần Văn Hương ngồi vào ghế tổng thống. Người dân Sài Gòn kể lại cho nhau nghe về bài diễn văn từ chức mà Nguyễn Văn Thiệu đọc hồi 20 giờ 05 phút ngày 21-4-1975. Thiệu vừa khóc, vừa hậm hực chửi Mỹ: "Các ông bỏ chạy và để mặc chúng tôi làm cái việc mà các ông làm không xong. Chúng tôi không còn gì hết thế mà các ông lại muốn chúng tôi hoàn thành cái điều mà các ông không hoàn thành nổi". Thiệu bộc lộ nỗi giận dữ khi buộc tội Mỹ "Khi ký hiệp định hòa bình Pa-ri, Mỹ đã thỏa thuận trang bị trên cơ sở một đổi một. Mỹ đã không giữ lời hứa. Ngày nay, ai còn tin vào lời hứa của Mỹ nữa hay không?
Hòa theo mọi người, Hai Lâm luôn đề cập đến vấn đề đi hay ở. Đây không phải là nguyện vọng của anh mà anh phải nắn gân từ viên tướng đến đại tá Phi Hổ và những kẻ đầy quyền hạn trong Tổng nha An ninh quốc gia. So với các cơ quan khác, những nhân viên tại Tổng nha An ninh bình thản hơn và chú ý tới công việc hơn. Có bao việc tên tướng ra lệnh làm: thiêu hủy hồ sơ, dựng hồ sơ giả để trong két sắt, gài những điệp viên sừng sỏ chui vào hàng ngũ ta.
Hai Lâm "đọc” được những âm mưu vô cùng thâm độc của kẻ thù. Chính anh đã chứng kiến một vụ dựng hồ sơ giả công phu và hết sức tinh vi, xảo quyệt. Đồng chí Nam, một cán bộ cao cấp của ta bị địch bắt. Anh đã trải qua 11 lần hỏi cung nhưng không khai báo gì. Anh đọc khá kỹ, có sửa chữa và ký tên dưới bản cung. Trong 11 lần hỏi cung đó, địch đã thu tiếng nói của anh trong băng ghi âm. Ở cuối mỗi cuộn băng, anh đều tuyên bố là đã nghe lại từ và thừa nhận là chính anh đã nói.
Nhờ hai cơ sở trên đây, địch có trong tay ba yếu tố cơ bản về anh: chữ viết, chữ ký và tiếng nói. Muốn dựng hồ sơ giả về anh, chúng tạo ra biên bản hỏi cung lần thứ 12. Do không chịu tra tấn, do quá mệt mỏi, ốm thập tử nhất sinh, anh đã nhượng bộ để được điều trị, được ăn uống tẩm bổ. Một nữ điệp viên trẻ, đẹp đóng vai hộ lý đã quyến rũ được anh. Anh đã đồng ý hợp đồng nhận làm tay sai cho địch. Hồ sơ của anh để lẫn trong hồ sơ của những tên phản bội đã thực sự đầu hàng địch khác.
Hai Lâm rùng mình. Anh phải làm sao để có bằng chứng minh oan cho các đồng chí đảng viên, cán bộ trung thực, chân chính bị kẻ địch bôi nhọ danh dự và phải vạch mặt, kết tội chính xác những tên phản bội? Anh chưa thể rời Tổng nha An ninh vào lúc này. Nếu không nắm được toàn bộ "những con cáo đang hóa trang thành cừu non" địch cài lại, anh cũng phải có trong tay phần lớn danh sách bọn này.
Anh không ngần ngại khi trao đổi với Cẩm Nhung về tương lai của gia đình. Anh kể cho vợ nghe về mọi dự định "đi" và "ở” của những người trong Tổng nha An ninh. Có loại định giải nghệ sang Mỹ buôn bán; có số người muốn viết hồi ký riêng; có lớp người ký hợp đồng nhận lương với Mỹ, trở thành người của CIA. Sáng nay, một chuyên viên do tướng tình báo Mỹ Ti-mết tìm đến Hai Lâm thương lượng:
- Ông bà định chọn Nữu ước hay Oa-sinh-tơn? Người Mỹ không bao giờ quên các cộng sự của mình. Chúng tôi bảo đảm rằng cuộc sống của ông bà và các cháu sẽ không thua kém - nếu không nói là hơn gấp bội hiện nay.
Hai Lâm trầm ngâm:
- Tình thế chưa bi quan đến như thế đâu, thưa ngài. Bao giờ đại sứ Ma-tin rời khỏi đất nước này, gia đình tôi sẽ đi theo đại sứ.
- Tôi e rằng đến lúc đó mọi việc sẽ quá muộn! Là đồng nghiệp, tôi thành thật khuyên ông nên thu xếp đưa bà Cẩm Nhung và bốn cháu đi trước. Với ông, ông dư sức kiếm chỗ ngồi nào đó trên trực thăng chuồn ra hàng không mẫu hạm gần nhất.
- Cá nhân tôi, tôi xin cám ơn và ghi nhận thiện chí của ngài. Để tôi bàn với Cẩm Nhung. Có lẽ nhà tôi sẽ đưa các cháu về Pa-ri với ông Giô-dép.
Hai Lâm nóng lòng chờ đợi quyết định của Trung tâm. Chị Ba sẽ đưa Cẩm Nhung và Nguyễn Thanh, Cẩm Phượng, Cẩm Hạnh, Nguyễn Nam vào chiến khu và anh sẽ nghĩ cách "lặn" sao cho êm hay là anh tiếp tục sứ mạng đang đảm nhiệm? Anh nên cho vợ con sang thủ đô Hoa Kỳ cắm trên đất Mỹ hay số phận anh sẽ ra sao? Ván bài của Mỹ đang chơi ở Việt Nam chưa ngã ngũ, anh chưa thể ra đi hoặc "lặn" vào thời điểm này. Liệu Mỹ đã nhả Việt Nam chưa? Trần Văn Hương quá già, sức lực đã suy kiệt và uy tín trong dân chúng không có, không rõ lão ta sẽ chèo chống con thuyền Việt Nam ra sao? Anh lái ô tô chở theo con King đến gặp Nguyễn Cao Kỳ. Kỳ bình phẩm:
- Giống chó béc-giê khôn cực kỳ. Hơn chục năm không gặp nhau thế mà King và Waking nhận ra nhau ngay. Phải bán nó đi thì tức quá!
- Bán? Anh nỡ bán Waking và bầy chó quý của anh?
- Tình thế không thể đảo lộn được nữa rồi. Đến một chỗ trên máy bay phản lực cho người còn chưa xoay xở thì làm sao đưa được đàn chó đi. Tôi khuyên anh nên bán con King này đi khi còn người mua và còn được giá.
- Anh mà cũng tuyệt vọng như vậy sao?
- Moa không chịu bó tay. Moa dư sức xoay chuyển tình thế nhưng...
Kỳ kể cho anh nghe việc hắn đã làm. Thì ra đã từ lâu, Lầu Năm Góc đưa sang Việt Nam nhằm phá rừng làm sân bay một loại bom mới gọi là Đêtrei Cúttơ nặng tới 7500 ki- lô gam. Do sức tàn phá của loại bom chứa gần 7 tấn thuốc nổ cực kỳ ghê gớm, nên Mỹ - ngụy chưa dám cho Đêtrei Cúttơ xung trận và vì thế họ để hỏng giá đỡ bom trên máy bay. Không thể bàn với ai việc quân sự hết sức bí mật đó, tướng Mỹ Smith đến cầu cứu Nguyễn Cao Kỳ. Kỳ gặp đại tá không quân Vũ Văn Ước yêu cầu Ước trực tiếp trông coi. Chính Smith, Kỳ, Ước đã có mặt trong ngày quả bom Đêtrei Cúttơ lắp lên máy bay C130 và đã nghe báo cáo về kết quả ném quả bom đó xuống Xuân Lộc...
Nhận thấy loại bom Đêtrei Cúttơ không cứu vãn được tình thế, tướng Uyân và Smith quyết định cho dùng bom CBU55. Chưa có phi công ngụy nào được đào tạo để ném bom CBU55. Ở Việt Nam chỉ có một máy bay C130 duy nhất có thiết bị để "thồ" bom chùm khổng lồ CBU55, nhưng đang để bảo quản tại căn cứ quân sự của Mỹ. Được sự đồng ý của thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Vôn Mác-bốt, lúc đó đang có mặt tại Sài Gòn, chiếc C130 đó được giao cho không quân Việt Nam, cho Nguyễn Cao Kỳ. "Chủ nhà” sẽ xịt lên thân máy bay một lớp sơn, xóa sạch vết cờ Mỹ. Không phải tổng thống Mỹ, đại sứ Mỹ tại Việt Nam kính trọng hay tin tưởng mà ngược lại những người Mỹ có chức, có quyền ở Sài Gòn luôn cảnh giác với Kỳ, thậm chí đã trực tiếp cảnh cáo Kỳ nếu viên tướng đầu sỏ này dại dột giở trò đảo chính, nhưng họ phải nhờ vả Kỳ vì chỉ có viên tướng hiếu chiến này của không quân mới ủng hộ mọi ý định dùng sức mạnh quân sự của Mỹ. Chính Kỳ đã trông coi việc xóa cờ Mỹ trên chiếc C130. Phi công Mỹ cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đã ném bom CBU55 xuống Xuân Lộc. Theo lý thuyết; sau khi bom nổ sẽ gây nên bão lửa trên mục tiêu và sẽ không còn khả năng sống sót của một sinh vật nào trong khu vực bom nổ. Nhưng mọi việc không suôn sẻ.
Nguyễn Cao Kỳ nói với Hai Lâm:
- Rất tiếc là bom CBU55 không xoay chuyển nổi tình thế ở Xuân Lộc. Moa vừa gặp Trần Văn Hương về.
- Có việc gì vậy?
- Tôi đã nói thẳng với Hương: "Xin tổng thống giao việc quân sự cho tôi. Tôi đủ sức xoay chuyển tình thế". Hương im lặng. Tôi đòi hỏi ráo riết hơn: “Xin Tổng thống bổ nhiệm tôi là Tư lệnh quân lực. Xin cho tôi một chức vụ chính thức để tôi có thể nêu cao danh dự Việt Nam".
- Hương trả lời anh ra sao?
- Ôi, lão già nhút nhát! Ông ta nói rằng "Không thể làm như vậy được. Một người đã là phó tổng thống và thủ tướng không thể đột nhiên trở lại làm Tư lệnh quân lực. Có lẽ vài ngày nữa, tôi sẽ bổ nhiệm thiếu tướng làm phụ tá đặc biệt về quân sự". Bực quá tôi gào lên: "Tổng thống không thể đợi được vài ngày đâu. Tôi không cần nghi thức. Tôi muốn lãnh đạo quân đội ngay bây giờ".
Hai Lâm thăm dò:
- Như vậy anh phải chờ?
- Tôi không chờ Hương nữa. Tôi sẽ gặp Vôn Mác-bết kiến nghị phương án phòng thủ mới của đất nước.
Theo dự kiến của Nguyễn Cao Kỳ, toàn bộ lực lượng còn lại của quân ngụy sẽ rút về phòng thủ Quân khu IV và Quân đoàn IV chờ nhận viện trợ của nước ngoài theo đường biển vào. Do lực lượng của Quân đoàn IV chưa bị sứt mẻ nên đủ sức cầm cự để có điều kiện thương lượng với cộng sản.
Chia tay với Nguyễn Cao Kỳ, anh về bàn với Cẩm Nhung:
- Em nên rời Sài Gòn sớm, đưa các con sang Pháp với ông ngoại. Anh như người trồng cây sắp tới giờ hái quả rồi nên không thể cùng đi với gia đình. Anh phải chờ lệnh của Trung tâm. Nếu anh sang Mỹ, anh sẽ về Pa-ri đón em và các con. Trường hợp anh ở lại Việt Nam, em sẽ đưa các con về.
Cẩm Nhung thấy cách giải quyết của chồng hợp tình, hợp lý. Chị rất muốn nhân dịp này về thăm ông Giô-dép và để các con được đến thủ đô Pa-ri hoa lệ. Chị biết việc làm của chồng. Anh không thể rời Sài Gòn vào giây phút mà chiến thắng đã gần kề. Chị bàn với anh:
- Ta cứ giữ anh bồi và cô sen ở lại để sinh hoạt trong gia đình không xáo trộn..
- Em đừng lo cho anh. Anh bồi và cô sen rất có công với gia đình ra. Anh sẽ cấp vốn để anh và chị ấy về quê sinh sống. Nếu họ đi rồi, anh sẽ ăn ở khách sạn.
- Liệu anh ngủ ở nhà một mình có an toàn không? Hay là ta đừng bán con King.
- Không nên! Với các bạn bè ở Tổng nha, anh phải tỏ rõ quyết tâm ra đi, bám theo chủ cũ. Anh không có lý do gì để ở lại Việt Nam. Viên tướng cũng không yêu cầu anh "chui vào hàng ngũ Việt Cộng". Vì thế, ta không thể không bán con King.
Cẩm Nhung lo lắng lắm. Gần 20 năm làm vợ anh, chị đã giữ trọn vẹn điều bí mật của anh vì chị quá yêu anh. Chị không thể đem tâm sự của mình trao đổi với các con vì các con chị chưa đủ trưởng thành để hiểu điều hệ trọng mà ba của chúng đã làm, đang làm. Chị trao cho anh đôi hoa tai:
- Anh giữ lại vật kỷ niệm này. Má em, ông Ưng Toàn và các em em đã bay sang Nhật rồi.
Chị nhìn anh đắm đuối:
- Anh! Anh không lường hết tâm trạng của em đâu. Em muốn sang Pháp với ba, lại có ý định bám theo má. Xin lỗi anh, em không muốn Việt Cộng thắng trong cuộc chiến này để cuộc sống gia đình ta không xáo trộn. Anh! Em yêu anh. Không ai đánh đổi anh với bất cứ thứ gì trên đời này đâu. Anh có tin em không?
- Rất tin.
- Bằng bất cứ giá nào, năm mẹ con em sẽ về với anh, gia đình ta sẽ sum họp.
- Anh tin điều đó.
Trong lúc hai vợ chồng trò chuyện, cả Nguyễn Thanh, Cẩm Phượng và hai em đều vui vì sắp được sang Pháp nên cả bốn đều lăng xăng chuẩn bị cho chuyến bay của mình.
Tiễn vợ con đi rồi. Hai Lâm vào việc. Anh đã làm hết sức mình để nắm được kế hoạch hậu chiến của Tổng nha An ninh và đã thực sự gỡ được nhiều chuyện rắc rối cho các đồng chí chúng ta sau chiến thắng. Đúng vào giây phút căng thẳng nhất, anh nhận được lệnh phải “lặn" ngay. Anh theo chị Ba rời khỏi Sài Gòn, ngồi ô tô về Lộc Ninh và bay ngay ra Hà Nội. Anh đến Thủ đô đúng ngày 01-5-1975, một ngày sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ.
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ