When you're young, you want to do everything together, when you're older you want to go everywhere together, and when you've been everywhere and done everything all that matters is that you're together.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
hoa cởi áo xô, khăn tang gấp lại, định đặt lên bàn thờ mẹ nhưng không đủ chỗ, chị lại lấy xuống. Mẹ mất là một tổn thất vô cùng to lớn đối với chị, song nỗi đau lớn nhất mà chị đón nhận là những nghi vấn chính thức của tổ chức về chị, về chồng chị. Chị định làm đám ma trọng thể cho mẹ có vòng hoa, có nghi thức đọc điếu văn nhưng những điều đó không thể được. Tại sao? Chị cay đắng quá! Sự việc có lẽ bắt đầu từ ngày bé Hạnh trở lại nông trường. Đây đó những tiếng xì xào rộ lên, người này cho là Hạnh thiếu sức khoẻ, người khác đoán là hồ sơ chưa hoàn chỉnh nhưng không ít người khẳng định là cháu Hạnh không có tiêu chuẩn, làm sao dám bén mảng vào trường miền Nam. Chị không cải chính. Ngay cả việc chị có ở trong diện gia đình chính sách không, chị vẫn phân vân. Bà tổ trưởng trao cho chị ba mẫu kê khai, dặn:
- Chị điền vào những chỗ để trống này rồi trao lại cho tôi.
Chị lấy bút mực. Chị sẽ khai như thế nào?
Mục: Họ tên chồng, chị nắn nót viết ba từ Nguyễn Thanh Bình. Những mục tiếp theo như: Nhập ngũ ngày nào? Ở đâu? Đơn vị công tác trước khi vào chiến trường? Cấp bậc của chồng chị trước ngày đi B?
Chị đọc những đề mục tiếp theo. Chị dễ dàng điền vào chỗ bỏ trống nhưng rồi chị không dám hạ bút viết thêm chi tiết nào về chồng chị. Nếu chị không khai báo, chị sẽ không được hưởng chính sách "Có chồng đi B”. Đành vậy thôi. Chị không dám khai sự thật về anh. Chả nhẽ chị khai ngày đi B của anh trước khi Chính phủ ta về tiếp quản thủ đô? Ai chứng nhận điều này cho chị? Chị không có bất cứ giấy tờ nào để trình với chính quyền hoặc để trình bầy trước ai nghi ngờ chồng chị song đó không phải lý do cản trở chị. Chị thiếu gì cách để Đảng ủy nông trường Vân Lĩnh tin chị, kết luận chị là người ủng hộ cách mạng, chị không phải là vợ tên Việt gian, vợ tên gián điệp. Làm cách nào ư? Chị sẽ tìm anh Nguyễn Tạo và các đồng chí của chị ở Nha Công an Việt Nam cũ yêu cầu chứng nhận về anh. Chị sẽ gặp cô Tuyết Mai, cán bộ Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng, đưa cô đến gặp bí thư đảng ủy nông trường. Chị sẽ kể về nàng quận chúa Cẩm Nhung nào đó hiện đang là "tấm bình phong" của anh. Chị rùng mình. Tại sao chị lại định làm chuyện dại dột như thế? Không có ai hoạt động trong lòng địch và bằng mọi giá lo bảo đảm bí mật cho anh. Nếu chị để lộ tung tích về anh, anh sẽ phải trả giá bằng tính mạng mình, anh sẽ không làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc. 17 năm qua, tính từ ngày chị tiễn anh ở Thanh Hóa, chị đã nếm đủ mùi vị đắng cay không chút nề hà nào để bảo vệ anh, lẽ nào chị dại dột khai ra tất cả? Chị trả lại bà tổ trường những tờ giấy. Bà ngạc nhiên:
- Bố mấy đứa nhỏ không vào chiến đấu ở miền Nam à?
- Không ạ.
- Nếu vậy cô không ở trong diện "gia đình chính sách" nữa.
- Tùy các chị muốn hiểu sao cũng được...
- Ơ hay, cái cô này? Tôi không đặt điều nói xấu hoặc vu oan giá họa cho cô. Cô hiểu về chồng mình hơn chúng tôi, sao cô lại khoác tội lên đầu chúng tôi: "Tùy các chị?". Này, chỗ chị em, tôi hỏi thật: "Có phải cậu ấy theo địch không?”
- Em rất yêu anh ấy.
- Cô đừng đánh trống lảng. Tình yêu và lập trường giai cấp biết phân biệt bạn - thù - đó là hai khái niệm không thể song song tồn tại trong một con người.
Chị Thoa biết điều đó hơn ai hết. Điều khổ tâm nhất là chị không nói hết sự thật được. Chị phải cắn chặt răng, cố nén mình để không gào to trước những kẻ khinh rẻ chị: Các ông, các bà nhầm rồi. Chồng tôi là đảng viên cộng sản, là cán bộ tình báo đang hoạt động trong lòng địch. Tôi im lặng không phải tôi phản bội Tổ quốc mà chính vì tôi bảo vệ lợi ích cách mạng, vì an toàn của chồng tôi.
Tám tháng trước đây chị về Hà Nội. Chị Loan rủ "em dâu":
- Vở kịch Ni-na hay lắm. Chị mua vé rồi, em có đi với chị không?
- Em thích lắm, chị ạ!
Lần đầu tiên chị đặt chân vào Nhà hát Lớn. Màn mở. Chị quên hết vẻ choáng ngợp, quá ư hào nhoáng của nhà hát mà dưới quê thời thuộc Pháp, chị chỉ dám đứng từ xa chiêm ngưỡng và gần 14 năm (1954 - 1968) kể từ ngày Chính phủ ta về tiếp quản thủ đô. Chị gần như sống xa Hà Nội chả nghĩ đến thú vui giải trí. Chị hồi hộp theo dõi số phận nhân vật chính trên sân khấu. Ni-na là đoàn viên thanh niên cộng sản, là tình báo viên của Liên Xô lọt vào hàng ngũ địch làm thư ký kiêm thông ngôn cho tên tướng phát xít Đức ở ngay quê hương của cô. Mọi người đều phỉ nhổ cô, khinh miệt cô, lên án cô và không ít lần cô suýt bị các đồng chí của cô hạ sát. Từ em bé đến các cụ già đều gọi cô bằng đủ thứ tên xấu xa nhất: con điếm Ni-na; con Nga gian; con chó săn bỉ ổi, tên liếm gót giày cho giặc... Ni-na chịu đựng tất cả. Cô tuyệt đối tin vào lý tưởng của mình. Cô tự hào, hãnh diện trước những tài liệu hoặc mọi tin tức cô thu được qua viên tướng và bạn bè của hắn. Trung tâm luôn biểu dương, ca ngợi cô. Kẻ địch cũng nghi ngờ Ni-na. Chúng thử thách cô, buộc cô nhảy khỏa thân trước bọn đầu trâu, mặt ngựa và một tù binh Nga là người yêu của cô, Ni-na đã vượt lên tất cả, đã chiến thắng tất cả.
Ni-na chỉ đáng tuổi con chị, sao cô gan dạ, mưu trí, bình tĩnh và giỏi chịu đựng như thế? Ni-na là thần tượng của chị. Ni-na được hạnh phúc như chị? Chị có biết bao thuận lợi vì bố chồng và mẹ đẻ thông cảm với chị. Những người lên án chị chưa dám dùng những lời lẽ nặng nề với chị. Người ta chỉ xì xào, bàn tán, nghi ngờ chồng chị là Việt gian. Chị chịu đựng được, chị bỏ qua tất cả vì sứ mạng nặng nề của anh. Tuy vậy, chị nhớ rất rõ lần chị cãi lại bí thư đảng ủy nông trường. Chị vốn điềm đạm, chưa bao giờ to tiếng với ai, nhưng chị đã không chịu được khi nhận lệnh điều động về làm nhân viên trạm xá. Chị hỏi:
- Tại sao lại là em? Các anh luôn nói là em có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ. Mười ba nhà trẻ do em phụ trách đều phát triển tốt.
- Trạm xá mới thành lập nên rất cần những người tích cực như cô...
- Anh đừng quanh co nữa. Sao anh không nói thẳng ra là các anh cách chức em, đuổi em ra khỏi nông trường bộ.
- Chính cô đã nói ra điều này.
- Vâng. Anh biết là em sống không độc thân. Em còn mẹ em và hai cháu. Mỗi lần di chuyển, em phải bỏ nhà cũ, lo chỗ ở mới. Em phải bỏ cả vườn rau, nương sắn. Anh nói thật với em đi, có phải không ai đến trạm xá thích hợp hơn em không? Các anh hạ lệnh điều động vì công tâm hay vì trù úm em.
Bí thư đảng ủy sẵng giọng:
- Chủ tịch nông trường và tôi đã quyết định. Không bàn bạc nữa, cuối tuần sau cô phải có mặt ở trạm xá.
Chị nhớ lời chị Loan đã kể. Đúng là chị bị đẩy khỏi cương vị lãnh đạo 13 nhà trẻ để về trạm xá. Chị sẽ nhận công tác gì? Mẹ an ủi chị:
- Một sự nhịn là chín sự lành. Cứ nghĩ đến an toàn của chồng con là ta bỏ qua được mọi nỗi bực dọc con ạ.
Bốn mẹ con, bà cháu rỡ nhà cũ và dựng lên túp lều mới ở gần trạm xá. Cuộc sống của gia đình chị chả có gì gọi là xáo trộn. Mẹ chị, các con chị và chị điều có phiếu thực phẩm, có sổ gạo.
Chị Thoa thực sự buồn vì việc được giao ở trạm xá. Chị chả rõ mình là thủ kho hay hộ lý. Mỗi nông trường viên vào nằm trạm xá đều phải tìm đến chị để mượn quần áo, chăn, màn, chậu, bát. Khi khỏi bệnh, họ trả lại mọi thứ cho chị. Chị lo giặt sạch, phơi khô. Ngày nào phải giặt quá nhiều, mẹ cùng phụ giúp chị. Công việc đơn giản song vô cùng nặng nhọc. Không một cán bộ lãnh đạo ở nông trường nào đặt chân tới nhà hoặc nơi làm việc của chị. Chị cũng chả đòi hỏi gì hơn. Ở trạm xá, chị yên thân hơn vì không ai quấy rầy, hạch sách và cái "tội” Việt gian cũng ít được nhắc tới. Chả ai cảnh giác đề phòng với một nhân viên quèn, chả có chút địa vị nào trong xã hội như chị.
Năm 1968, mẹ chị nằm xuống. Nghĩa tử là nghĩa tận, phải làm sao cho mẹ mát mặt nơi suối vàng. Mẹ chị không tham gia công tác, không phải là cán bộ nhà nước song cụ đã là dâu hiền, vợ thảo, mẹ đảm đang. Sau ngày bố chết, mẹ chị ở vậy gánh vác công việc nhà chồng, nuôi dạy ba con gái nên người. Chị cả Phạm Thị Ngọc cùng với chồng là công nhân nhà máy Ba Son, Sài Gòn. Chồng và con đầu chị theo cách mạng, bị địch bắt và kết án tử hình. Chị thứ hai Phạm Thị Túy cùng chồng là cán bộ nhà máy Giấy Nghệ An. Con gái đầu lòng của chị là đại biểu Quốc hội, được tuyên dương Anh hùng lao động và chị cũng công tác liên tục từ 1954 tới 1968. Làm cách nào nói lên được điều này trong đám tang của mẹ chị? Chị trực tiếp năn nỉ các đồng chí phụ trách nông trường:
- Anh làm ơn, làm phước giúp em. Anh đọc điếu văn cho mẹ em. Em và hai cháu Hạnh - Thanh sẽ suốt đời không quên ơn bác.
Ông Nguyễn Thắng trầm ngâm:
- Tôi sẽ bàn với anh Trọng về đề nghị của cô.
Tiễn chị về, chủ tịch nông trường hội ý riêng với bí thư đảng ủy và trạm xá trưởng về nguyện vọng của người con gái mất mẹ. Trạm xá trưởng phản đối gay gắt:
- Chúng ta cần giữ vững lập trường giai cấp, không nên hữu khuynh. Cô Thoa "có vấn đề", lãnh đạo khá rõ. Trong đám tang, cô ấy dự định để khăn tang của chồng sau linh cữu mẹ. Thằng cha đó là địch. Tôi đề nghị một nguyên tắc: nếu cô Thoa bỏ khăn tang của chồng, tôi sẽ cử trạm phó đọc điếu văn.
- Ý kiến anh Trọng thế nào?
- Tôi đang phân vân. Ta dựa vào cơ sở nào để tin những điều cô Thoa nói về hai bà chị ruột?
- Cô ấy đã khai trong lý lịch.
- Ai bảo đảm cô ấy khai đúng? Các anh biết gì về chồng cô Thoa. Cô ấy khai là chồng bị địch bắt nhưng trưởng phòng tổ chức nhà máy in Tiến Bộ viết trên giấy trắng, mực đen chứng nhận là chồng cô ấy theo địch. Chị Loan cũng khẳng định là chồng cô Thoa làm việc cho nhà binh Pháp. Cô Thoa biết rõ điều này vẫn cố ý để khăn tang chồng là khiêu khích chúng ta. Ý kiến của đồng chí trạm trưởng có thể chấp thuận được. Ai sẽ thảo nội dung, duyệt và đọc điếu văn, ta sẽ bàn sau.
Ông Nguyễn Thắng không dám phản bác ý kiến chỉ đạo sắc sảo của bí thư đảng ủy. Ông bàn:
- Anh Trọng nên gặp và trao đổi thẳng thắn với cô Thoa.
Trạm xá trưởng nhanh nhảu:
- Các anh giao việc này cho tôi.
Chủ tịch nông trường tỏ ra ái ngại. Với lối nói bỗ bã, mất mặn, mất nhạt; chỉ thiên về lý, không nghĩ đến tình sẽ khoét thêm nỗi đau cho gia đình có tang. Ông đề nghị:
- Cô Thoa đã công tác từ ngày đầu xây dựng nông trường, đã có công làm việc ở nông trường bộ nhiều năm nên tôi nghĩ là anh Trọng gặp sẽ tốt hơn.
Bí thư đảng ủy đắn đo giây lát. Ông không thể đá trái banh ngược lại về phía Chủ tịch nông trường. Ông cũng không có quyền trưng nhận xét của nhà máy in Tiến Bộ hoặc lời khai của chị Loan ra cho cô Thoa xem. Nếu không đưa dẫn chứng ra, làm sao ông khẳng định chồng cô Thoa là địch được. Ông bàn lùi:
- Việc đám tang mẹ cô Thoa nên chia làm hai bước. Bước 1: trạm trưởng gặp riêng cô nhân viên của mình. Nếu cô Thoa chấp nhận bỏ khăn tang của chồng sau linh cữu mẹ, ta sẽ chuyển sang bước hai. Lúc đó tôi trực tiếp gặp cô Thoa bàn về chương trình lễ tang và nội dung điếu văn.
Bí thư đảng ủy đã gạt được phần việc gay cấn nhất cho anh chàng trạm xá trưởng đang hăng hái biểu lộ lập trường.
Thoa được lệnh lên gặp trạm trưởng. Chị đang chờ đón cuộc gặp mặt này. Chắc rằng cái yêu cầu nhỏ nhoi làm mát mặt người mẹ ở suối vàng sẽ được thực hiện. Nghe điều kiện của trạm trưởng đề ra, chị bần thần, sững sờ. Hàng loạt câu hỏi lóe lên trong chị: "Tại sao các anh giám khẳng định chồng tôi là phản động? Ai để tang cho mẹ tôi là việc riêng của giạ đình tôi, vì sao các anh lại can thiệp vào?" Chị muốn đứng dậy, tay trái chống nạnh, tay phải xỉa vào trán trạm trưởng song chị đã ghìm được mình, chỉ gằn giọng:
- Cám ơn lãnh đạo. Việc tang của mẹ em, em lo được. Em không dám làm phiền đến các anh nữa. Chào anh.
Trạm trưởng bị bất ngờ thực sự. Ông tưởng là nhân viên của ông phải xuống nước, cầu xin ông hoặc ít nhất cũng thương lượng với ông điều này, khoản nọ. Ông đưa ra câu hỏi mà ông đã biết nội dung:
- Bao giờ mai táng cụ? Cô có xem giờ hạ huyệt không?
- Em đã lo chu đáo rồi. Xin phép anh.
Chị đã lo cho mẹ mồ yên mả đẹp, song trong lòng chị trống trải quá. Từ hôm nay, chị không chỉ mất người thân nhất trên đời mà còn mất đi người bạn tối lửa, tắt đèn có nhau, người mà chị có thể dốc bầu tâm sự về việc riêng, về chồng chị. Chị buồn da diết. ông Hòa ở xa. Dù ông rất thông cảm với chị nhưng dù sao ông cũng là đàn ông, là bố chồng nên quan hệ giữa hai bố con vẫn còn khoảng cách nhất định. Mẹ chị hiểu chị đến từng chân tơ, kẽ tóc. Mẹ bênh vực chị. Mẹ san sẻ nỗi đau của chị. Giờ đây, chị phải đương đầu với mọi người, mọi việc chắc chắn sẽ rắc rối hơn, gay cấn hơn. Ông trạm xá trưởng chính thức tuyên bố chồng chị là địch, chắc không phải ông hồ đồ. Những ngày sắp tới của chị và các con chị sẽ gay go lắm. Làm cách nào để chứng minh được anh không phải là gián điệp? Sao anh không chọn nghề gì lại chọn nghề tình báo? Đã mười bốn năm kể từ ngày chia tay, anh có biết mẹ con chị sống ra sao, cực khổ, nhục nhã ê chề đến mức nào không?
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ