Chỉ có một thành công mà thôi, đó là sống cuộc sống của mình theo cách của chính mình.

Christopher Morley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
ẩm Nhung lại sinh con gái. Hai Lâm vui lắm. Anh bàn với vợ:
- Ta đăng báo thuê vú nuôi?
- Không nên anh ạ!
- Hay là em đến gặp mấy bạn quen là bác sĩ hoặc nhờ bà bạn thân nào đó giới thiệu cho cô nào có sữa tốt. Có vú nuôi, em đỡ vất vả.
- Nhà ta đã có chú bồi lo quét dọn, chăm đám vườn kiêm lái xe khi cần và một cô sen chuyên chợ búa, bếp núc là đủ rồi.
- Để em nuôi con, ba Giô-dép và má Cẩm Loan sẽ trách anh không biết săn sóc vợ, con. Em ngại cái gì nào? Chúng ta có dư tiền. Anh không đang tâm thấy em phải thức giấc hai, ba lần mỗi đêm vì con quấy khóc.
Cẩm Nhung vẫn khăng khăng:
- Nuôi lấy con bằng sữa mẹ là do em tự nguyện nên anh đừng ngại ba, má hiểu nhầm. Ôm ghì con vào lòng, lắng nghe những tiếng chụp chụp từ cứa miệng nhỏ bé của con bú và cảm giác dòng sữa từ bầu vú mình đang chảy vào miệng con, em rất thú vị, rất hạnh phúc.
- Tùy em thôi! Em chưa lường hết nỗi vất vả của việc nuôi con mọn đâu.
- Anh nên nhớ em đâu phải đẻ con so? Em đã là má của Nguyên Thanh được sáu năm rồi.
- Anh nhớ điều đó và cũng không bao giờ anh quên em là quận chúa Công Tằng Tôn Nữ Cẩm Nhung và con đại tá Giô-dép Các-păng-chi-ê giàu có.
Cẩm Nhung đặt tay lên vai chồng:
- Anh quên một chi tiết vô cùng quan trọng: em là vợ anh, vợ một cán bộ Việt Cộng nằm vùng có tên là Nguyễn Thanh Bình.
Hai Lâm hỏi lại, giọng không giấu nổi vẻ hốt hoảng:
- Ai nói với em điều đó?
- Em đâu phải là người con gái ngu si, dốt nát, vô học? Em thường xuyên sống chung với ba em, một đại tá tình báo có tầm cỡ nên ít nhiều em cũng có kinh nghiệm. Thiếu tá Bảy Cọp tìm đến nhà ta gặp anh. Em đã thay anh tiếp thiếu tá và nghe ông ta kể về vụ Thanh Bình.
Hai Lâm thực sự bàng hoàng. Như vậy là Cẩm Nhung không chỉ cảm nhận thấy mà còn có đủ bằng chứng về anh là một Việt Cộng, tại sao cô ấy im lặng?
Thiếu tá Bảy Cọp đã đến nhà anh cách đây sáu tháng. Như vậy là từ nửa năm nay, cô ấy đã biết anh là ai mà cô ấy không biểu lộ gì qua nét mặt, qua lời nói hoặc qua thái độ để anh nhận thấy. Anh thật là khờ. Nếu trong 180 ngày qua Cẩm Nhung định gài anh vào bẫy, chắc anh không thể thoát nổi. Chà, bản lĩnh của con gái đại tá tình báo thật là cao cường? Không rõ tên thiếu ta Bảy Cọp ba hoa đã hót những gì với nàng? Chỉ cần thằng chó đẻ đó phô ra cái ảnh và kể về Hoàng Thiện, về Nguyễn Thanh Bình là mọi bí mật của anh không còn cách gì che giấu nổi.
Nên giải quyết vụ này như thế nào? Giết nàng để thủ tiêu nhân chứng ư? Đây là điều Hai Lâm không hề nghĩ đến, không đơn thuần vì nàng là vợ anh, là má của Nguyễn Thanh, Cẩm Phương mà còn vì nàng là người phát hiện ra anh trước, đã rõ tung tích của anh không chỉ trên suy luận, phân tích mà bằng thực tế hiển nhiên mà nàng không hành động.
Tại sao cô ấy không thông báo ngay cho anh khi mới nghe chuyện Bảy Cọp kể về Nguyễn Thanh Bình? Vì sao cô ấy không tố cáo anh, người đi ngược lại hoặc nói chính xác hơn là đã chống lại quyết liệt ngôi vua Bảo Đại, người đã góp phần làm cho người cha đầy quyền uy của cô phải ôm mối hận thất thủ Điện Biên Phủ, cuốn gói rời Việt Nam? Anh cần tìm ra sự thật. Cố ý khai thác điều tra bí mật của Cẩm Nhung qua đường tình cảm, anh âu yếm kéo vợ ngả vào lòng mình, hỏi:
- Em bắt đầu linh cảm hay phán đoán anh là Việt Cộng từ bao giờ?
Cẩm Nhung kể cho chồng nghe tất cả. Hôm anh hỏi cô về nghề ảnh, cô không để ý lắm vì cô coi đây là thú vui thông thường của một chàng trai ham hiểu biết nhưng chợt cô sững lại trước phòng ảnh của chồng. Anh làm việc trên gác hai, thường là vào ban đêm. Anh mua kính về, thay đổi toàn bộ hệ thống kính cũ. Vì đã sống chung với đại tá Giô- dép ở Hà Nội, ở Pa-ri nên Cẩm Nhung nhận ra ngay điều bí mật của những tấm kính. Để thử nghiệm cho nhận xét của mình, cô đã ra khỏi nhà mình nhìn lên phòng anh làm việc vào lúc nửa đêm. Không có tia sáng nào lọt ra ngoài mặc dù lúc đó anh đang sử dụng ngọn đèn trên 1.000 oát để chụp ảnh. Tại sao anh phải giữ bí mật việc làm của mình? Tại sao anh phải chụp ảnh ở nhà vào ban đêm? Vì sao anh quá bận rộn? Rõ ràng chồng cô không làm việc riêng cho cơ quan an ninh mà còn vì ai đó? Ai? Cô nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên với anh ở nhà Lê Thọ Đắc và chợt cười thầm vì cả cô, cả Giắc đều bị anh cho vào xiếc. Anh đâu phải thầy giáo dậy tư của Lê Tâm Trinh?
Vào những ngày đó và cả những năm tháng dài đằng đẵng sau này, cô không phút nào nghi ngờ anh, không hề có ý định lật lại trang sử cũ ở Hà Nội nếu không cô không phải là vợ anh. Ở cùng nhà, cô dễ dàng theo dõi từng việc làm nhỏ nhất của anh và cô đã rút ra kết luận: Hai Lâm tức Nguyễn Hải Phòng, tức Nguyễn Thanh Bình là Việt Cộng. Chính cô đã chui vào thòng lọng, đã môi giới để anh về làm việc với Giắc. Anh cần lớp vỏ bọc. Thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ khiến lòng cô xốn xang, trái tim cô chuyển hướng. Cô không ưa Trần Hảo, ít thích Giắc mà chuyển hướng sang anh. Anh đâu phải người của Phòng Nhì Pháp. Chính anh đã lợi dụng lúc quân Pháp sắp rút lui để làm việc này. Cẩm Nhung thấy có gì ngồ ngộ trong việc xảy ra. Một nàng quận chúa, con gái đại tá trùm tình báo Pháp lại là vợ của Việt Cộng.
Cẩm Nhung không mảy may có ý định tố cáo Hai Lâm, vì lẽ rất đơn giản: anh là chồng cô và cô yêu anh hơn bất cứ ai trên trái đất này. Cẩm Nhung ngấm ngầm bảo vệ anh. Ngay cả khi tên thiếu tá Bảy Cọp cho Cẩm Nhung biết chuyện Nguyễn Thanh Bình, cô cũng lờ đi, giữ im lặng, để tâm trạng anh khỏi xáo trộn, để anh yên tâm theo đuổi công việc của mình. Và để tên Bảy Cọp không nghi ngờ anh. Nếu cô chỉ để lộ ra một chút ít về Nguyễn Thanh Bình, chắc rằng tên Bảy Cọp sẽ vố anh ngay để tâng công với chủ, để làm sạch bóng Việt Cộng trong hàng ngũ Quốc gia. Cô quyết định im hơi, lặng tiếng, cô ngầm đứng sau, đứng xa anh để bảo vệ anh. Cô chỉ nghĩ đến an toàn của anh. Ngay chuyện thuê vú nuôi, Cẩm Nhung cũng hoàn toàn quên mình vì anh. Khác với anh bồi và cô sen chỉ lo việc và quanh quẩn ở nhà dưới, người vú nuôi, do phải săn sóc tiểu thư nên có quyền lên nhà trên. Cẩm Nhung không muốn ai bén mảng gần đến khu vực cấm địa của chồng mình, nên cô quyết định tự nuôi lấy con. Cô bộc lộ những suy nghĩ của mình với Hai Lâm và thổ lộ:
- Em yêu anh vô cùng. Em dám rời bỏ Pa-ri hoa lệ để lại đó người cha già cô đơn không chút ngần ngại là vì anh. Em tự rũ bỏ tước vị quận chúa và chả bao giờ thích nhận mình có dính dáng đến hoàng tộc cũng vì hạnh phúc của chúng ta. Em rất yêu má và má cũng yêu thương em và anh tha thiết song em chỉ về Huế mỗi năm hai lần để trọn chữ hiếu, mà không ép anh cùng đi vì em đoán nhận thấy những gì là miễn cưỡng trong lời nói, qua ánh mắt của anh. Anh là bầu trời của em, là Chúa của phần hồn em. Em không dính tới chính trị, không đủ can đảm tuân theo lý tưởng của anh nhưng em có gan đánh đổi tất cả để có anh.
Hai Lâm ôm đầu Cẩm Nhung ghì chặt vào ngực mình. Lúc này tết nhất là im lặng, vì mọi lời nói đều không diễn tả được tình yêu mãnh liệt của nàng đối với anh. Sống chung dưới một mái nhà, anh chưa hiểu hết vợ mình. Chưa hiểu chị dám hy sinh tất cả vì anh, đánh đổi tất cả để có anh. Anh không thể cải chính (mà cải chính sao nổi khi chị đã có đủ bằng chứng trong tay) nên bàn:
- Anh cảm ơn em vì mối tình em đã đem lại cho anh, vì hai con của chúng ta và những điều em vừa nói với anh. Tuy vậy anh hoàn toàn không yên tâm khi thấy em quá vất vả vì Cẩm Phương. Em cứ nuôi chị vú, cấm ngặt chị ấy lên gác và chỉ để chị ấy đến với con trong phòng em vào những giờ nhất định.
- Em xin nghe lời anh.
Chia tay với vợ, Thanh Bình về phòng làm việc của mình, ngả người trên chiếc ghế sa-lông, rít từng hơi thuốc. Anh vừa trải qua những giây phút dịu ngọt, hưởng tình yêu nồng cháy của người vợ lai Pháp, song cũng có thể gọi là cuộc hỏi cung, tra tấn khiến thần kinh anh căng thẳng. Không hiểu ngoài Cẩm Nhung ra còn có kẻ nào đó trong hàng ngũ địch nghi vấn anh không? Đại tá Giô-dép đã chuẩn bị cho anh cái vỏ bọc thật là chu đáo. Chưa một ai trong cơ quan an ninh quốc gia này có dấu hỏi nhỏ về anh. Anh có hai bảo bối tuyệt vời: Lý lịch của Cẩm Nhung và tiểu sử con chó King. Cẩm Nhung! Nàng thật là tuyệt vời.
Anh nhận lời ông Giô-dép, đồng ý cưới nàng vì yêu nàng đẹp? Vì nàng con nhà giàu, có địa vị cao? Vì lợi dụng bức bình phong là ông Giô-dép? Vì để che giấu tung tích của mình? Có lẽ vì tất cả những nguyên nhân đó đều là động cơ thúc đẩy Hai Lâm đi đến hôn nhân trong lúc anh vẫn mặc cảm là mình có tội với Thoa và con gái, con trai anh: hai bé Hạnh, Thanh. Anh vẫn giữ đôi hoa tai và lời hứa của anh với vợ vào giây phút chia tay. Lúc này đã là thời điểm anh thổ lộ với Cẩm Nhung chưa? Hoặc anh kể cho vợ hai về vợ cả hoặc không bao giờ. Anh nhớ là từ những ngày đầu sống chung dưới một mái nhà, ăn cùng mâm, ngủ chung giường với Cẩm Nhung song anh vẫn dè chừng, cảnh giác. Anh chưa bao giờ hé lộ chút gì về mình với nàng. Anh không ngờ nàng đã biết rõ về anh. Nàng đã tóm được một bằng chứng không thể chối cãi được qua lời tiết lộ của tên Bảy Cọp về vụ Nguyễn Thanh Bình. Nàng đã hiểu rõ hoàn cảnh Nguyễn Thanh Bình ở Hà Nội nên nàng tìm ra đáp số về chồng nàng hoàn toàn chính xác. Tuy biết "chuyện tầy đình" như vậy mà nàng vẫn giữ được im lặng, không chất vấn anh, không để lộ điều mình đã biết qua ánh mắt, qua lời nói, qua tiếp xúc hàng ngày. Ôi đàn bà! Họ có những gì được gọi là kín đáo, là tế nhị mà người đàn ông không thể có được. Mãi đến hôm nay, nếu không vì việc anh ép nàng thuê vú nuôi cho Cẩm Phượng, chắc nàng vẫn giữ im lặng. Qua việc này, anh đo được tình yêu của Cẩm Nhung với anh. Nàng yêu anh mãnh liệt bằng tình yêu đã vượt lên tình phụ tử, tình mẫu tử để bảo vệ anh, khi biết anh đứng trong hàng ngũ Việt Cộng và chính họ là những người làm nên Điện Biên Phủ đuổi Giô- dép về Pháp và tước mất ngôi vị của hoàng đế Bảo Đại. Cẩm Nhung thật tuyệt diệu. Nàng đã bộc lộ nỗi lòng mình với anh khá thành thật: nàng không thể giúp anh, không theo lý tưởng của anh song nàng hứa sẽ giữ im lặng không hé răng với bất cứ ai về hoạt động của anh. Anh chỉ đòi hỏi Cẩm Nhung như vậy và muốn nàng làm được việc đó anh phải đáp lại tình yêu của nàng tha thiết, chân thành. Hai Lâm trở lại phòng vợ, đắm đuối nhìn Cẩm Nhung. Anh nói với nàng bằng giọng yêu thương, nồng nàn nhất:
- Em yêu! Thuở nhỏ, anh có đọc một truyện ngụ ngôn đại ý như thế này. Có cậu bé ngoan song tham ăn. Cậu được mẹ thưởng kẹo. Cậu thò tay vào lọ bốc thêm một nắm đầy nên không rút tay ra được. Anh là cán bộ tình báo bị em bắt quả tang. Em khuyên cậu bé như thế nào?
Cẩm Nhung cười khanh khách:
- Nếu em phạt không cho cậu bé ăn kẹo, cậu sẽ giận. Trường hợp em khuyên đập vỡ bình thì lấy bình đâu để dùng lâu dài. Là điệp viên bị đối phương phát hiện thường có ba cách xứ lý: "lặn", tự sát hoặc thủ tiêu nhân chứng. Anh sẽ không làm như thế. Em khuyên cậu bé bỏ kẹo xuống, lấy từng chiếc, ăn cho đến hết.
- Vì sao?
- Anh sẽ không thủ tiêu nhân chứng vì anh yêu em, anh không đủ can đảm để giết em một khi em không hại gì tới lý tưởng của anh. Anh không cần "lặn" hoặc tự sát vì em không tố cáo anh, em bảo vệ anh. Em không tưởng tượng nổi khi các con mình mồ côi, em thành góa phụ.
Hai Lâm thực sự cảm động. Cẩm Nhung phân tích có lý có tình, chân thật, thẳng thắn; gói trọn vẹn tình bạn, tình yêu giữa anh và chị. Anh hỏi chị:
- Em nói là em để ý tới phòng ảnh của anh? Theo ý em, có gì đặc biệt trong phòng ảnh?
Cẩm Nhung cười:
- Hoặc là anh coi thường trí thông minh của em, hoặc là anh quá mất cảnh giác. Anh nhớ là em đã là thầy dạy nghề ảnh cho anh.
- Nếu anh nhớ không nhầm thì em đã phát hiện ra những tấm kính che ánh sáng?
- Đâu chỉ có như vậy? Em là vợ anh, em có quyền tự do ra vào phòng ảnh. Tại sao có ngày anh dùng tới nhiều cuộn phim. Anh thiết kế cái giá đỡ máy ảnh khi chụp và ngọn đèn một ngàn oát. Em giỏi nghề ảnh nên em biết ngay anh dùng phòng ảnh làm gì?
- Anh thật đoảng. Lẽ ra mỗi khi chụp ảnh xong, anh phải "thu dọn chiến trường" ngay. Anh quá chủ quan. Em có hỏi Bảy Cọp về Nguyễn Thanh Bình không?
- Em việc gì phải hỏi một khi em đã biết tất cả.
- Này em! Trong cuộc họp mặt ở nhà anh Lê Thọ Đắc có sáu người. Giắc đã về Pháp. Hai anh em Lê Thọ Đắc, Lê Tâm Trinh đang ở Hà Nội. Anh Trần Hảo đã biến đi đâu không còn địa chỉ. Em làm cách nào để tố cáo anh, nếu em muốn?
- Anh đừng coi thường em. Bộ máy an ninh của chính quyền tổng thống Thiệu thừa sức tìm được Trần Hảo. Hồ sơ lưu trữ cá nhân anh đủ tố cáo anh. Tuy vậy em cần gì làm điều đó? Em chỉ cần chụp ảnh anh nghiêng đúng theo tư thế ảnh Hoàng Thiện là đủ tố cáo anh. Em giao cho giám định khoa học là họ sẽ biết ngay anh là ai.
Hai Lâm rùng mình. Cẩm Nhung giỏi hơn anh tưởng nhiêu. Suốt bao năm sống ở cạnh người cha làm trùm tình báo, cô học tập được rất nhiều. Cô thông minh, sắc sảo. Cô có trình độ nghiệp vụ tình báo cao hơn anh nghĩ nhiều. Đến lúc này, anh thấy là cần thổ lộ tất cả với chị. Cẩm Nhung chăm chú lắng nghe. Cô đâu ngờ là anh đã có vợ và có tới hai con. Cô thực sự xúc động, phải lau nước mắt nhiều lần khi nghe kể về chị Thoa. Chị Thoa cao cả quá. Chị chịu nhiều cảnh nghèo túng cùng cực mà vẫn hy sinh vì anh. Tình yêu của chị Thoa với anh vô cùng mãnh liệt. Chị đã làm tất cả thậm chí sẵn sàng gánh chịu nỗi cay đắng, kể cả "chửa hoang", để bảo đảm mọi bí mật cho anh. Cẩm Nhung yêu anh. Cô dám dứt bỏ Pa-ri hoa lệ, chia tay với người cha già cô đơn để chạy theo tiếng gọi của tình yêu, đâu có thể sánh với chị Thoa khi chị địu con từ Thanh Hóa về Hà Nội. Chị Thoa chịu đói, đi bộ và rất dễ bị cả hai phía Việt Minh và Quốc gia bắt, bỏ tù. Cẩm Nhung ngồi máy bay phản lực từ Pa-ri đến Sài Gòn để tiếp tục sống trong biệt thự sang trọng với đầy đủ mọi tiện nghi, còn chị Thoa chui rúc trong túp lều rộng bốn mét vuông. Từ ngày cưới, Cẩm Nhung sống bên chồng không đêm nào xa chồng và biết rất rõ chương trình làm việc của chồng từng ngày, ở đâu, làm gì? Chị Thoa không biết địa chỉ và công việc của chồng; không đêm nào sống trọn gần anh mà chị vẫn tin anh, yêu anh thì điều đó mới là tình yêu xuất phát từ trái tim nồng cháy, yêu cuồng nhiệt, yêu hiến dâng không đòi hỏi được đáp lại. Cẩm Nhung thấy mình quá thua kém người đàn bà có tên là Thoa, người đã đến với anh trước cô. Từ trước đến nay, cô luôn tự hào là cô yêu anh nhất; cô tự cho mình là người vợ mẫu mực, dám từ bỏ mọi thú vui vì anh nhưng cô không sánh nổi với chị Thoa. Chị Thoa dám để chồng dứt áo ra đi và điều vô cùng lạ lùng là chị đồng ý để cho chồng cưới vợ hai. Cẩm Nhung nâng niu đôi hoa tai. Trao báu vật này cho chồng để nhờ chồng đưa cho người đàn bà chưa quen biết là dấu hiệu gì? Phải chăng chị Thoa muốn gửi gắm chồng chị cho nàng quận chúa? Hay là, món quà này ngụ ý công nhận đám cưới? Chưa thật đúng lắm! Nếu vậy, chị Thoa chỉ cần gật đầu, việc gì phải đem của gia bảo ra làm vật bảo đảm? Cẩm Nhung ngắm đôi hoa tai. So với những đồ trang sức cô đang có, đôi hoa tay này chả có giá trị mấy về tiền bạc, kiểu quá cũ, chỉ dùng cho phụ nữ nông thôn hoặc mấy cô bán hoa của làng Ngọc Hà, bán tạp hóa, bán hàng tấm ở chợ Đồng Xuân. Cô không dám coi thường hiện vật mà chị Thoa trân trọng, mà chồng cô gìn giữ như bảo vệ con ngươi của đôi mắt mình. Cẩm Nhung đã đón được ý nghĩa thâm thúy của người tặng hoa tai. Chị Phạm Thị Thoa đồng ý để cô là vợ anh Nguyễn Thanh Bình với điều kiện "không bao giờ cô ấy là vợ cả". Bây giờ cô biết tính sao đây? Cả ba của cô là trùm tình báo Pháp cùng hàng trăm mật thám sừng sỏ của Phòng Nhì Pháp đều bị sỏ mũi, khiến cô bị lừa theo. Nếu biết anh có vợ, có hai con, chắc là cô đã trở thành vợ Giắc rồi. Anh chỉ hơn Giắc vì anh là người Việt Nam. Bây giờ thì ván đã đóng thuyền, mọi chuyện đã an bài rồi, dù cô có quẫy cũng không nổi nữa.
Hai Lâm cầm bàn tay Cẩm Nhung, nhìn vợ bằng cặp mắt ấu yếm cầu khẩn. Anh bộc lộ lòng mình:
- Anh không bao giờ nuôi ý định lừa dối em, chiếm đoạt thân thể em. Trước ngày ba Giô-dép đưa em sang Sài Gòn làm lễ cưới cho chúng ta, anh chưa hề nói với em lời nào về tình yêu. Anh yêu Thoa và hai con Hạnh - Thanh. Anh không muốn có em chen vào giữa nhưng tình thế đã buộc anh cưới em.
- Anh có hối hận không?
- Câu hỏi này đưa ra sau ngày cưới, chắc anh khó trả lời. Từ sau ngày chúng ta có con, anh hiểu rằng anh không thể thiếu em. Bây giờ, em đã hiểu vì sao anh đặt tên con là Thanh. Vì tế nhị, vì chiều ý em, ý bà ngoại nên anh không đòi đặt tên con gái chúng ta là Hạnh.
Cẩm Nhung đáp lại rất thật lòng:
- Cứ gọi con là Cẩm Hạnh cũng được. Em sẽ có cách thưa chuyện với má.
- Không cần đâu em ạ! Sau điều em tiết lộ hôm nay về anh, anh đo được tình yêu của em với anh mãnh liệt như thế nào? Em! Hơn chục năm qua không tuần nào anh không ngắm đôi hoa tai này một lần. Anh không chọn được thời cơ nào để nói với em về Thoa. Chưa làm được việc này, anh luôn luôn cho mình còn mắc nợ Thoa và chưa ăn ở hết lòng với em. Hôm nay, điều bí mật anh nói ra được rồi, việc còn lại do em quyết định.
- Theo ý anh, em có mấy cách lựa chọn?
- Anh sẵn sàng chờ đón và gánh chịu mọi hậu quả do em phán xét. Em có thể ly dị mang theo bé Thanh và Cẩm Phượng về Pháp sống với ba. Hoặc là em và anh tiếp tục sống chung trong ngôi nhà này vì các con. Anh và em ly thân không còn quan hệ vợ chồng nữa.
- …
- Nếu em bỏ qua cho anh, em chấp nhận được, anh sẽ biết ơn em vô cùng. Cẩm Nhung! Anh yêu em. Anh không thể thiếu em, thiếu các con.
Cẩm Nhung ngước nhìn anh, nước mắt đầm đìa. Mang tính cách cô gái lai Pháp, đã nhiều năm sống ở Pa-ri, Cẩm Nhung coi khinh loại phụ nữ yếu đuối, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng tuôn nước mắt giọt ngắn giọt dài. Từ ngày quen nhau và hơn chục năm sống chung, chưa bao giờ Hai Lâm thấy vợ khóc. Anh rút mùi xoa thấm nước mắt cho vợ. Cẩm Nhung từ tốn:
- Anh! Anh biết em đang nghĩ gì không? Em muốn nâng niu tất cả và đập phá tất cả. Em muốn dùng gót giày nghiền nát đôi hoa tai này hoặc vứt nó vào sọt rác, đồng thời lại muốn áp đôi hoa tai này vào trái tim em, đưa lên môi để em hôn nó. Điều bất ngờ này quá lớn đối với em.
Hai Lâm nhìn nét mặt vợ, nghe giọng nói của vợ. Cô ấy đau khổ song bình tĩnh, sáng suốt. Cô ấy sẽ chọn cách nào? Cứ tưởng đến giây phút phải tiễn ba mẹ con cô ấy ra máy bay để về Pháp, anh đã thấy lòng mình tan nát, trống trải. Nếu không có Cẩm Nhung, bé Thanh và Cẩm Phượng, anh sẽ sống ra sao? Người ta sẽ dị nghị về anh thế nào? Anh làm cách nào để dằn nổi cơn phẫn nộ của ông già Giô-dép và bà Cẩm Loan? Từ nhiều năm qua, anh nấn ná thực hiện điều kiện của Phạm Thị Thoa vì anh đã lường trước điều tan vỡ không thể tránh khỏi. Dù sao việc phải đến đã đến rồi. Cẩm Nhung sẽ quyết định thế nào? Cô thủ thỉ:
- Anh Hai! Em đâu còn là quận chúa Cẩm Nhung kiêu sa hoặc Mari Nhung đỏng đảnh nữa? Em là vợ anh, là mẹ của hai con mà anh và em vô cùng yêu quý.
Cẩm Nhung cười nửa miệng:
- Anh! Em vừa tưởng tượng ra một điều: nếu sau ngày cưới hoặc sau khi đã hưởng tuần trăng mật, anh cho em biết chuyện này thì sao? Thì em sẽ đập phá tan nát, sẽ bắt anh vào tù hoặc đưa anh đến giá treo cổ hay là xử bắn anh, em cũng chả mủi lòng. Bây giờ thì khác rồi vì anh đã là báu vật vô giá của em. Vì anh, vì hạnh phúc của chúng ta, em sẵn sàng làm tất cả. Em xin nhận đôi hoa tai này.
Hai Lâm đưa ra câu hỏi không đúng lúc:
- Còn điều kiện thứ hai của Thoa?
Cẩm Nhung nhí ngón tay vào trán chồng:
- Anh tham quá đấy, đã được voi còn đòi tiên. Em không đồng ý là vợ lẽ hay vợ hai đâu? Anh cứ chữa hôn thú, ghi em là vợ kế cũng được.
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ