One’s first love is always perfect until one meets one’s second love.

Elizabeth Aston

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
hoa vác cây gỗ, lấy dao, cưa, búa và hộp đinh để trước lều. Chị chưa kịp bắt vào việc đã thấy chủ tịch nông trường xuất hiện:
- Chào cô Thoa. Cô kiêm luôn cả nghề thợ mộc cơ à?
- Em chỉ làm thợ vườn thôi. Mình làm cho mình nếu hỏng sẽ làm lại, nếu xấu cũng không bị chê. Mời anh Thắng vào nhà.
Chủ tịch nông trường cười:
- Tôi cao và to thế này, làm sao lách qua của "nhà” cô được. Cô định làm gì vậy?
- Em định đón mẹ em lên. Em nới thêm cái giường của ba mẹ con rộng hơn chừng ít phân nữa.
- Tôi sẽ giúp cô.
- Ấy chết, ai lại như thế! Anh để mặc em.
- Vẽ sự. Cô làm không khéo và nhanh bằng tôi đâu. Nào, đưa cưa đây cho tôi.
Vốn quen lao động từ nhỏ, lại có kinh nghiệm làm lán qua nhiều năm ở rừng nên ông Nguyễn Thắng thao tác rất nhanh. Ông vừa làm, vừa trò chuyện:
- Lâu nay cụ ở với ai, cô?
- Mẹ em chỉ sinh ba chị em gái. Chị Túy đón mẹ em vào Nghệ An. Gần đây, chồng và con chị cả em bị địch giết. Chị cả trốn từ miền Nam ra sống với chị Túy. Em viết thư xin phép hai chị được đón mẹ, trước là để phụng dưỡng cụ, sau nữa thêm vui cửa, vui nhà.
- Sao cô không làm riêng cho cụ một giường?
- Ăn thì nhiều, ở hết mấy, anh? Bốn mẹ con bà cháu nằm cùng một giường cho ấm cúng anh ạ.
Thoa không hiểu vì sao chủ tịch nông trường lại quá nhiệt tình với chị như vậy? Chị biết là anh chưa có vợ, có một dạo anh đã để ý đến chị. Chị không ngại điều đó vì anh trung thực, thẳng thắn, anh không sàm sỡ với phụ nữ. Đã có một thời anh xa lánh chị và chị cảm thấy có điều gì đó anh không hài lòng hoặc nói chính xác hơn là ghét chị. Tại sao? Chả ai nói rõ điều nghi vấn của lãnh đạo với chị, nên chị luôn tưởng mình được ưu ái. Giờ đây, chị lại được lên lương, được phụ trách tới 13 nhà trẻ của toàn nông trường. Chị đón mẹ lên. Xa chồng, chị vui vì có mẹ là người thân đã hiểu mọi uẩn khúc giữa hai vợ chồng chị. Mẹ sẽ giúp chị trông nom hai cháu ngoại để chị có thể đi cơ sở.
Chủ tịch nông trường đã đóng xong giường. Ông chỉ vào tấm ảnh treo trên vách, hỏi chủ nhà:
- Hai cháu đi đâu vậy, cô?
- Hôm nay chủ nhật, các cháu rủ nhau đi chơi phố.
- Các cháu đi với ai? Thằng nhỏ đâu đủ sức cuốc bộ xa tới năm ki-lô-mét?
- Hàng ngày, con chị dắt thằng em đi học. Trường cấp một cách nông trường tới sáu cây số.
Ông Nguyễn Thắng trầm ngâm. Tương lai, nếu ông không lo dựng trường, mở chợ ngay trên đất nông trường, ông không xứng đáng giữ chức vụ hiện tại. Làm như vô tình, ông hỏi:
- Cô không treo ảnh của bố hai cháu à? Anh ấy làm nghề gì?
Chị đã quen nói dối về chồng mình rồi. Trước đây, chị chả bao giờ nói sai sự thật. Lần đầu, khi phải bịa chuyện về anh, chị đã đỏ mặt, ấp a ấp úng. Cũng may mà ai cũng tin những điều mà chị đã thống nhất với bố chồng về số phận chồng mình. Chị kể lại với chủ tịch nông trường về bố của các con mình. Ông Nguyễn Thắng lắc đầu:
- Cô không giấu nổi tôi đâu. Nếu cậu ấy bị bắt, chắc chắn các con cô không nhận được học bổng do Bộ Giáo dục cấp?
Chị biết lý giải như thế nào? Từ trước tới nay, những người nghe chuyện chị đâu biết các con chị được học bổng? Ông Nguyễn Thắng cười:
- Tôi đến báo cho chị một tin vui: cháu Hạnh được nhận vào học ở trường miền Nam. Đã có ai báo tin cho cô chưa?
- Chưa ạ!
- Cô có làm đơn xin cho cháu không?
- Không ạ!
Chủ tịch nông trường định đứng dậy đi đi lại lại trong phòng, nhưng ông không làm việc đó vì đầu ông gần chạm mái nhà, và trong lều không còn chỗ để ông xê dịch bước chân. Ông hỏi lại, vẻ bực tức:
- Bí thư tỉnh ủy gọi điện thoại cho tôi, chỉ thị cho tôi phải đưa cháu Hạnh về Hà Nội sau bốn ngày. Chuyện hệ trọng như vậy mà chính cô lại không biết? Cô có định cho cháu Hạnh học trường miền Nam không?
Chuyện đột ngột quá khiến chị Thoa không biết trả lời ra sao? Con gái chị được vào học ở trường con em từ miền Nam tập kết ra Bắc ư? Đây là điều vô cùng hạnh phúc! Vào học trường miền Nam, cháu Hạnh được nuôi dưỡng nội trú với tiêu chuẩn cao và điều quan trọng là có nhiều thầy giáo, cô giáo giỏi nhất dạy. Chị hài lòng lắm! Chắc chắn là cô Tuyết Mai đã giúp chị. Cô ấy cho chị số điện thoại, khuyên chị trực tiếp gọi cho cô ấy khi thật cần thiết. Đến lúc này, chị không thể giấu cán bộ lãnh đạo nông trường được nữa. Chị trình bày:
- Vắng cháu Hạnh, chắc em buồn và nhớ cháu lắm. Đành vậy thôi anh ạ! Em là mẹ, em phải biết hy sinh cho tương lai của con. Anh giúp em! Em sẽ thu xếp về với cháu sau.
Chủ tịch nông trường chưa dễ dàng buông tha chị. Ông vẫn giữ câu hỏi cũ:
- Nếu cô không xin cho cháu Hạnh thì ai nhúng tay vào việc này?
- Thưa anh: cô Tuyết Mai.
- Tuyết Mai nào? Cô ấy có quan hệ bà con gì với cô? Cô Mai đang giữ chức vụ gì bên Bộ Giáo dục?
- Thưa anh! Em gặp cô Mai vẻn vẹn có hai lần. Cô ấy làm công tác gì ở Bộ Quốc phòng, em không rõ. Cô ấy cho em số điện thoại và dặn em gọi cho cô ấy, nếu cần thiết.
- Cô Tuyết Mai có họ hàng gì với chồng cô không?
- Không ạ!
Thật là khó hiểu? Ông Nguyễn Thắng nhíu đôi lông mày. Ông cần tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Ông đưa ra câu hỏi mới:
- Chồng cô có liên quan gì với Tuyết Mai không? Tôi muốn nói tới mối quan hệ công tác hoặc liên hệ tình cảm. Tôi nghiêng về ý thứ nhất. Có lẽ chồng cô nhận nhiệm vụ bí mật nào đó liên quan tới đơn vị cô Tuyết Mai?
- Em không biết! Những ngày làm vợ anh, em chưa gặp và chưa nghe ai nhắc tới tên cô Mai lần nào.
- Lạ nhỉ?
Chủ tịch nông trường chìa bàn tay to bè về phía chủ nhà:
- Chào cô Thoa, năm giờ sáng ngày quy định, cô đưa cháu Hạnh lên ban xe. Sáng mai, tôi sẽ ra lệnh cho đội một làm cho mẹ con cô chỗ ở mới.
- Em cám ơn anh! Bốn mẹ con, bà cháu em ở như thế này đủ rồi.
Ông đùa:
- Cô muốn chống lại lệnh của chủ tịch nông trường à? Tôi đã ra lệnh, cô phải chấp hành.
Chị Thoa giả bộ thở dài:
- Đành vậy thôi!
Tối ngày hôm sau, ba mẹ con chị Thoa đã dọn sang nhà mới. Sẵn gỗ, tre, nứa, lá, các chàng trai của đội 1 đã làm xong ngôi nhà hai gian đẹp, chắc chắn trong vòng bảy giờ lao động. Chị Thoa rất vui. Lần đầu tiên từ ngày xa Hà Nội, mẹ con chị có chỗ ở tạm gọi là khang trang. Chị lại sắp tiễn con đi học, đón mẹ lên ở với mình. Chị được lên lương, được đề bạt. Chị thật sung sướng, hạnh phúc.
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ