In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
guyễn Thanh Bình hết sức bỡ ngỡ khi đến Sài Gòn. Vì không có người thân thuộc nào cùng đi; vì lần đầu tiên đặt chân lên đất phồn hoa đô thị lớn; vì anh không hình dung ra cách sống sắp tới sẽ ra sao? Ăn ở đâu? Ngủ tại đâu? Làm việc như thế nào? Anh thầm cám ơn ông Giô-dép đã tận tình chỉ vẽ trước ngày anh rời Hà Nội không phải vì anh mà vì cô con gái yêu của ông. Ở trong nghề lâu nên ông nhận ra những kẽ hở trong lý lịch của anh. Ông không mảy may nghi ngờ anh là Việt Minh hoặc có dính líu chút nào tới cộng sản. Muốn con rể tương lai xuất hiện trên vũ đài chính trị Sài Gòn không trong tư thế của nhân viên quèn, mới tập tễnh bước vào nghề, mà là một điệp viên có tầm cỡ, ít nhất trong cương vị một trưởng phòng, nên ông đã đến khách sạn tìm anh. Anh vừa từ Bạch Mai về, đang ngâm mình trong bồn tắm thì nghe tiếng gõ cửa.
- Ai đó?
- Ba đây! Giô-dép đây!
Để tỏ vẻ sốt sắng vồ vập của mình, anh khoác vội cái khăn tắm lên người, mở cửa:
- Cháu xin lỗi bác. Cháu có thói quen thật đáng trách là bắt bộ não của mình làm việc ngay cả lúc mình đang trong bồn tắm.
- Con nghĩ gì vậy? Con có thể trao đổi với ta được không?
- Thưa bác! Bác mong muốn về Pa-ri bao nhiêu thì cháu lo lắng khi phải rời xa Hà Nội, dứt khỏi nơi chôn rau, cắt rốn để vào miền đất lạ bấy nhiêu. Cháu chả có ai để bầu bạn. Cháu sẽ sống ra sao? Đã có phút - dù chỉ thoáng qua thôi - cháu định liều ở lại Hà Nội - Cháu chưa làm gì nên tội để Việt Minh trừng trị cháu. Mặt khác, cháu nuôi tham vọng sẽ làm được điều gì đó để không phụ lòng bác và Cẩm Nhung.
Trong lúc Thanh Bình mặc quần áo, đại tá Giô-dép thả người xuống sa-lông, châm thuốc, khoan khoái rít từng hơi dài tự thưởng vì đã dự đoán đúng một tình huống. Lúc chia tay với con rể hờ, ông đã có ý định trao cho nó lá bùa hộ mệnh bằng lời đề tặng thân tình sau tấm ảnh, nhưng ông chưa thật yên tâm về con đường công danh của "con". Ông không thể trong phút chốc có thể nhồi nhét kinh nghiệm tình báo cho con rể, dù nó có thông minh xuất chúng. Nhưng ông thừa sức biến nó từ thầy giáo dạy tư hoặc từ một viên thư ký hành chính kiêm thông ngôn bình thường, thành một điệp viên của Phòng Nhì Pháp. Muốn thế, ông phải tạo ra hồ sơ gốc về nó; phải lý giải thời điểm nó gia nhập Phòng Nhì, bí số của nó và nhiệm vụ nó đã hoàn thành cho Đơ-xem Buya-rô (Deuxième Bureau).
Như người chủ trong phòng, ông chỉ ghế đối diện:
- Ngồi xuống đây, con. Ba cám ơn con đã bộc lộ nỗi lòng muốn ở lại với Việt Minh để khỏi phải xa rời Hà Nội. Vì gây dựng cho con, ta muốn thống nhất với con việc hệ trọng.
- Cháu xin nghe bác!
Giô-dép nói lại ý nghĩ của mình rồi kết luận:
- Chiều ngày kia, ba sẽ bàn giao tất cả cho những ông chủ tương lai của con trong đó có tập hồ sơ gốc này. Ba không giải thích được tất cả. Con đọc đi để khi có ai đó thẩm tra, con lý giải cho khớp với hồ sơ. Sáng mai, trước khi rời Hà Nội, con phải hoàn trả hồ sơ cho ba. Ba làm việc tại văn phòng đến chín giờ sáng. Nhớ là không được cho ai đọc, kể cả Giắc, Cẩm Nhung. Con chỉ giao trực tiếp cho ba.
- Cháu không biết nói gì để bác hiểu là cháu mang ơn bác.
- Dẹp cái trò xã giao đó lại. Có người cha nào lại kể ơn với con mình đâu?
Giô-dép dành hơn hai giờ để "bồi dưỡng nghiệp vụ” cho anh, giới thiệu những nhân vật anh cần giao dịch, cần tranh thủ, cần đề phòng. Anh không ghi chép mà lắng nghe với vẻ chăm chú đặc biệt. Lão già hối hận vì cuộc tình dang dở trong hơn hai chục năm đằng đẵng, kèm theo nỗi lo sợ mất nốt đứa con gái mà lão vô cùng yêu quý, đã đẩy lão vượt qua khuôn khổ của nghề tình báo. Lão đã mê muội trong chừng mực nào đó trước ý đồ tạo thế đứng cho "chàng rể tương lai" trước yêu cầu của con gái; lão ít nhiều đã có cảm tình với Thanh Bình và lão đang ở trong tâm trạng một kẻ thua trận sắp cuốn gói ra đi, sắp rời xa vĩnh viễn cái nơi mà lão đã dành cả cuộc đời để tạo dựng nên.
Giô-dép chuẩn bị cho Thanh Bình hết sức chu đáo, tỉ mỉ kể cả hồ sơ gốc cần thiết. Nguyễn Thanh Bình nghiễm nhiên trở thành một chuyên viên ngang cỡ trưởng phòng Tổng nha An ninh với tên mới là Nguyễn Hải Phòng không chút trục trặc nhỏ. "Lá bùa hộ mệnh" mà Giô-dép trao cho anh cũng rất giá trị. Tuy viên đại tá này "lặn” khỏi chính trường nhưng cái uy, cái danh, cái tình của lão vẫn lưu lại trong số thuộc hạ. Cẩm Nhung cũng được nhiều tên biết tới và nàng thường là đề tài giúp anh làm quen, anh phô trương thanh thế trong những ngày đầu nhập cuộc. Vào Sài Gòn, Thanh Bình bỡ ngỡ đủ thứ nhưng việc đầu tiên anh phải tự xác minh là phải tạo nên lối sống riêng. Nhiều đứa bạn vốn ngưỡng mộ Giô-dép khuyên anh rất thành thật:
- Cậu phải sống xả láng mới nhập cuộc được với dân Nam Kỳ.
Thanh Bình nghiền ngẫm lời khuyên ấy nhưng anh không muốn mình bị sa đọa. Anh là dân miền Bắc, phải theo tập quán và nếp sống của người Hà Nội. Anh lễ phép với các bậc cao niên, tôn trọng bạn đồng nghiệp, yêu quý trẻ em, gặp ai cũng tự giới thiệu mình là Nguyễn Hải Phòng song không có người Sài Gòn nào gọi tên anh mà đều gọi anh tùy theo tuổi tác của họ: cậu Hai, chú Ba, ông Tư Phòng, anh Năm Hải Phòng. Thanh Bình nghĩ nên nhận là Hai Hà để nhớ mình là người Hà Nội hay Hai Công để kỷ niệm những ngày anh ở Công an. Phải rồi, anh sẽ dùng tên Nam Bộ là Hai Lâm. Lâm có nghĩa là rừng. Mỗi lần nghe gọi tên Hai Lâm là sẽ nhắc anh nhớ đến chiến khu kháng chiến ở vùng núi rừng Việt Bắc, để anh không quên những đồng chí trong kháng chiến chống Pháp. Anh cũng quen dần với lối xưng hô bỗ bã nhưng rất thân tình của các ông cha, bà má Nam Kỳ. Ở miền Bắc, từ ngày lớn lên, anh chưa "bị” ai gọi là thằng nhưng ở đất Sài Gòn, các má luôn gọi anh: "thằng Hai Lâm, nghe tao nói nè", "Thằng Hai Lâm mày không đến đúng hẹn là tao giận đó", "Nhủ thằng Hai Lâm vô tao biểu v.v...
Thanh Bình quyết biến mình thành một chuyên viên theo kiểu công chức mẫu mực, sáng vác ô đi, tối vác ô về, cần mẫn đúng giờ giấc, đúng nguyên tắc. Anh không hút thuốc, không uống rượu, không để ý, thậm chí không buông lời nói đùa hoặc tán tỉnh bất cứ cô gái nào. Đã có người gọi anh là thầy tu.
Hai Lâm tạo được lớp vỏ bọc vững chắc. Anh làm quen, kết bạn với nhiều nhân vật có thế lực, có vị trí quan trọng trong Tổng nha an ninh và phân chia chúng thành nhiều loại.
Vào Tổng nha an ninh hơn hai năm rồi mà điều băn khoăn day dứt của anh là chưa liên lạc được với tổ chức. Phải chăng bác Ba Sơn đã quên anh? Anh mới gia nhập "làng" tình báo nên anh không có đường dây liên lạc nào, không được trang bị điện đài và cũng chả nắm được cơ sở nào ở Sài Gòn. Hay là do anh... lấy vợ?
Cẩm Nhung bay về Huế thăm má. Cô hỏi riêng bà:
- Má nè! Chỉ còn chưa đến một tháng nữa là hết thời hạn ba trăm ngày theo hiệp định Giơ-ne-vơ. Ông Giô-dép khuyên con về Pa-ri.
Bà Cẩm Loan đoán được ý con gái thích ở lại Việt Nam nhưng không muốn sống chung dưới một mái nhà với ông Ưng Toàn. Nó không thích gọi ông là "ba" và cũng chưa lần nào nó công khai công nhận ông Giô-dép là ba của nó trước mặt bà. Nó né tránh vết thương lòng cho bà. Bà nên khuyên con như thế nào? Nếu bà ngỏ ý muốn tậu cho con gái ngôi biệt thự ở Sài Gòn để nó ở lại, chắc ông Giô-dép sẽ chiều theo nhưng làm như vậy, bà sẽ tước mất của ông nguồn vui duy nhất. Bà còn những đứa con chung với ông Ưng Toàn chứ ông Giô-dép còn ai thân thích? Bà thương người tình cũ. Đã nhiều lần bà nhắn tin, bà nhắn nhủ và lần cuối, bà đã vượt qua mọi lễ giáo phong kiến viết thư đến ông, khuyên ông đi lấy vợ nhưng ông không nghe. Ông chỉ nghĩ đến bà, chung thuỷ với bà. Bà đành phải nhường Cẩm Nhung cho ông. Bà ướm hỏi:
- Ý con thế nào? Con có định theo ông ấy về Pa-ri không?
- Con phân vân quá mẹ à! Con thú thực là cho đến giờ phút này chưa biết mình nên đi hay nên ở lại.
- Con nói lý do cho má nghe thử?
- Con thương ông Giô-dép! Ông sống đơn độc. Ba má ông chết rồi để lại một gia tài với khoản lợi tức hằng năm đủ bảo đảm cho ông và con có cuộc sống vương giả. Ông chưa giải ngũ nên tiền lương đại tá cũng dư thừa mua xe hơi, nhà lầu. Ông Giô-đép có đệ tử ruột là đại úy Giắc. Về Pa-ri, Giắc sẽ xin giải ngũ để trở thành ông chủ đồn điền trồng nho và cưới con nếu con ưng ý.
- Con đã nhận lời Giắc chưa?
- Con với Giắc chỉ là bạn, bạn thân thôi má à! Giắc đã hai lần ngỏ lời song con đã khước từ.
Bà Cẩm Loan đã đoán được ý định của người tình cũ. Ông sẽ dành hết mọi tình thương cho Cẩm Nhung, sẽ vun đắp sao cho Cẩm Nhung trở thành bà chủ đồn điền trồng nho. Với tài sản hiện có, ông sẽ bù đắp cho con gái khoản hồi môn sáng giá để đổi lấy hạnh phúc được quây quần bên đàn cháu ngoại. Bà có nên phá vỡ, đạp đổ phương án của ông hay không? Dù sao, do nhiều lý do và cũng vì tế nhị, bà không thể công khai bỏ phiếu ùng hộ ông. Bà cố diễn đạt ý mình bằng câu phát biểu chung chung:
- Việc của con má không thể quyết định thay được. Nếu ở lại con khó có điều kiện về Pa-ri. Ngược lại, đang ở Pa-ri, nếu con muốn trở lại Sài Gòn bao giờ cùng dễ hơn.
- Ở Pa-ri con sẽ khó gặp má. Con nhớ má quá chừng!
Đây là khâu mấu chốt trong tâm tư của Cẩm Nhung, nhưng làm sao nó có thể cùng một lúc sống cạnh ông mà vẫn ở gần bà được? Bà vẫn bám lấy ý cũ:
- Trước mắt, con nên về Pháp. Việc con sống ở Pa-ri tạm thời vài ba năm hoặc con sống với Giắc đến răng long đầu bạc là do con định đoạt.
Sau ngày từ Huế về, Cẩm Nhung đã kể với Hai Lâm chuyện riêng của gia đình. Hai Lâm khuyên cô:
- Nhung nên nghĩ đến tương lai của mình. Theo tôi dự đoán thì ông Giô-dép không có điều kiện trở lại Việt Nam nữa. Ông đã già và bánh xe lịch sử không thể quay ngược chiều, vì theo hiệp định Giơ-ne-vơ, Chính phủ của cụ Hồ Chí Minh sẽ tiếp quản thủ đô Hà Nội và nửa nước phía bắc tính từ vĩ tuyến 17 trở ra còn nửa nước còn lại, người Mỹ sẽ nhảy vào. Giắc rất yêu Cẩm nhung. Anh là trí thức, khỏe mạnh, có tư cách. Nhung sẽ tự hào với ông chủ đồn điền trồng nho của mình.
Nhung thổ lộ:
- Anh đã rõ chuyện gia đình Nhung. Ông Giô-dép là ba ruột của Nhung, nhưng không rõ vì sao Nhung rất sợ vấp phải những gì đã xảy ra với má Cẩm Loan. Nhung vẫn mặc cảm hoặc chưa nuôi ý định có chồng là người ngoại quốc. Chả hiểu Nhung có hợp với Giắc không?
Hơn một năm kể từ buổi chia tay, Hai Lâm không viết thư tới ông Giô-dép và Cẩm Nhung vì chẳng thiết duy trì mối quan hệ đã qua. Đột nhiên, vào giữa năm 1956, anh nhận được thư của đại tá Giô-dép. Tuy đã nghỉ hưu song nhờ mối quan hệ đặc biệt trong gần ba chục năm làm việc ở Phòng Nhì, nên ông dễ bám sát mọi chuyện xảy ra tại Tổng nha An ninh nơi Hai Lâm đang đảm nhiệm một cương vị không đến nỗi tồi. Ông kể cho Hai Lâm về cuộc sống riêng của mình và lộ ý buồn tới mức thất vọng vì không khuyên nhủ được Cẩm Nhung chấp nhận Giắc. Ông không dám ép con gái. Ông nhớ tới câu "ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên" của người Việt Nam và bài học mà ông cùng với bà Cẩm Loan đang gánh chịu. Ông thông báo là ông đang thu xếp đưa Cẩm Nhung trở lại Việt Nam thăm quê hương. Ông thổ lộ là ông không tài nào dự đoán là con gái ông sẽ trở lại Pa-ri với ông hay Cẩm Nhung đang có dự kiến nào khác mà ông không có ý định can thiệp.
Hơn một tháng sau ngày có tin của ông Giô-dép, Hai Lâm lại có thư từ Pa-ri. Cẩm Nhung viết:
"Anh yêu!
Anh cho phép em gọi anh như thế chứ?..."
Thanh Bình choáng váng. Anh không hề chờ đón tin bất ngờ này vì anh đã có Thoa và hai con; vì anh đã yên trí Cẩm Nhung là của Giắc, vợ Giắc. Đã đành rằng trước ngày rời Hà Nội, bác Ba Sơn đã bật đèn xanh cho anh, chấp thuận cho anh lấy con gái viên đại tá tình báo Pháp để tạo được cái vỏ bọc kín giúp anh luồn sâu, leo cao trong hàng ngũ địch, nhưng đó là chuyện của năm 1954 chứ đâu phải hôm nay?
Hai Lâm chưa có gan đọc tiếp bức thư ngay. Cẩm Nhung đặt anh vào cái thế rất khó xử. Tại sao lại "Anh yêu”? Thôi hãy gạt sang bên chuyện anh đã có vợ, có con; chuyện anh là đảng viên cộng sản, nàng là quận chúa mà chỉ xét đơn thuần về tình cảm giữa đôi trai gái. Anh hoàn toàn không thích hợp với Cẩm Nhung. Nhung buông thả quá; giàu sang quá; từng trải quá! Anh mới thoát khỏi cảnh nghèo túng, ít giao du và giữ tư cách đúng mức. Đời anh, ngoài Thoa ra, anh chưa biết người con gái nào khác. Anh không hợp với Cẩm Nhung, không chiều được cô. Anh quyết định đọc thư cô:
"Anh có nhớ trước ngày rời Việt Nam, Nllung nói với anh điều gì không? Hơn một năm qua, Nllung luôn ép mình chiều theo ý ông Giô-dép, đáp lại tình cảm nồng cháy của Giắc song Nhung không thể tự dối mình. Nhung không yêu Giắc mà chỉ quý trọng anh ấy. Cứ nghĩ đến những đứa con mình mũi lõ, mắt xanh, tóc hoe, không nói được tiếng mẹ đẻ mà Nhung rợn cả người. Anh đừng cười Nhung vì Nhung cũng là con lai nhưng Nhung có điều kiện sống trên quê hương. Anh! Năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám Việt Minh về Hà Nội, Nhung đã sang Pa-ri cùng ông Giô-dép, nhưng lúc đó em mới chỉ là cô gái 13 tuổi. Năm đó, tuy chưa hề biết ông Giô- dép là cha đẻ của mình, em đã hết sức sung sướng. Em không hề nhớ ba má và các em. Em,mhột cô gái mới lớn, đã choáng ngợp trong cảnh Pa-ri hoa lệ. Pa-ri đã cứu em thoát khỏi cảnh tù túng, gò bó với mọi nghi thức lễ giáo phiền toái - nhất là đối với nữ - trong gia đình các ông hoàng, bà chúa tại cố đô Huế. Pa-ri là thủ đô một nước văn minh nên chưa một ai có thái độ phân biệt đối xử với cô bé da vàng như em.
Anh thương yêu! Năm 1956 này em đã là cô gái 24 tuổi nên em đã hiểu thế nào là quê hương, đất nước. Em nhớ Việt Nam da diết, nhớ từng hàng cau, dãy dừa, lũy tre xanh đến bữa bún ốc, món bún bò giò heo cay xé miệng của đất Huế quê em. Ông Giô-dép đã chiều em hết mức! Ông mua tranh phong cảnh Việt Nam treo trong phòng. Ông tặng em cuốn an-bom có đủ ảnh sông Hương, núi Ngự, lăng Tự Đức, lăng Khải Định... Mỗi tuần ít nhất hai bữa, em cùng ông Giô-dép và Giắc thưởng thức những bữa ăn Việt Nam. Ở Pa-ri có đủ món phở Hà Nội, riêu cua, bánh cuốn nóng chấm nước mắm của Phú Quốc có cả cà cuống, cầy tơ bảy món, rượu đế... Song không giúp em khuây khỏa nỗi nhớ Việt Nam. Không hiểu sao cứ mỗi lần nghĩ đến Việt Nam, em lại nhớ tới anh..”.
Hai Lâm đón nhận những tình cảm chân thật toát ra qua từng ý trong thư. Tội thân, cô bé lẻ loi, lạc lõng nơi đất khách quê người. Cô đang khát khao hạnh phúc. Hạnh phúc của một con người đâu chỉ có cả triệu đô la trong tay, có xe hơi, nhà lầu với mọi tiện nghi sang trọng? Rất nhiều cô gái thèm muốn có được địa vị của Cẩm Nhung hiện nay, ước ao được xà vào vòng tay của Giắc nhưng Cẩm Nhung lại gạt bỏ tất cả để nghĩ tới anh. Anh thực sự xúc động. Anh đọc tiếp:
"Anh! Nếu em chỉ đơn thuần là cô gái Huế, hoặc nói chính xác hơn là quận chúa Cẩm Nhung, em sẽ giữ im lặng cho đến chết, không hé răng với bất cứ ai về nỗi lòng của mình. Các cô gái Hà Nội cũng không bao giờ chủ động viết thư cho chàng trai chưa ngỏ lời với thình. Vì ai cũng nghĩ rằng làm như thế sẽ xuống giá, sẽ bị người chồng tương lai khinh rẻ. Em là cô gái lai Pháp, đang sống ở thủ đô Pa-ri nên em mới viết lá thư tâm huyết này, tuy rằng em cũng đắn đo trong vòng tám tuần lễ trước khi hạ bút.
Anh! Nếu em không nhầm, anh đang có nhiều ý nghĩ xấu về em. Em không quá tồi như anh tưởng đâu. Anh đừng quan tâm đến quá khứ của em mà cần nghĩ tới hiện tại và tương lai của chúng ta!"
Ngày hôm đó, chỉ trong vòng một giờ. Hai Lâm đọc thư của Cẩm Nhung tới ba lần. Tại sao lại có chuyện này? Giá như năm 1955, Cẩm Nhung đừng đi Pa-ri mà cùng vào Sài Gòn với anh, anh sẽ cưới cô theo lời khuyên hoặc có thể nói là theo chỉ thị của bác Ba Sơn thì mọi việc đỡ rắc rối hơn. Lần gặp Cẩm Nhung không phải anh không bị choáng váng trước vẻ đẹp của cô. Gần như tất cả những người con lai trên thế giới này đều đẹp, song Cẩm Nhung lại hơn hẳn họ một bậc. Cô có nước da trắng mịn nõn nà pha trộn giữa quốc tịch của ông Giô-dép và quận chúa Cẩm Loan. Anh chưa gặp bà Cẩm Loan lần nào song qua ảnh bà có trong an-bom của con gái, anh thừa nhận bà là hoa khôi của cố đô Huế. Bà có cặp mắt đằm thắm, dịu hiền, khuôn mặt trái xoan thanh tú, mũi dọc dừa... tạo hóa đã tạo trên khuôn mặt bà mọi thứ đều hài hòa, cân đối. Cẩm Nhung còn vượt xa mẹ về vẻ đẹp vì thân hình cô cân đối hơn. Bà có vẻ đài các của một tiểu thư cung cấm trong lầu son, gác tía. Bà dịu hiền, kín đáo. Theo lời Cẩm Nhung thì chính cô chưa bao giờ trông thấy bà mặc áo cộc tay. Cẩm Nhung khác hẳn má. Cô mặc váy và áo hở cổ trên đường phố. Cô chụp ảnh với những chiếc áo tắm một mảnh, hai mảnh trên bãi biển Đồ Sơn, Vũng Tàu, Nha Trang. Cô có những đường cong tuyệt mỹ trên cơ thể vì cha mẹ sinh ra cô đã như thế và còn vì cô năng lui tới mỹ viện chuyên sửa sang sắc đẹp nổi tiếng của Pa-ri để tẩy xóa đi một chút vết tích nào đó chưa thật hoàn hảo trên khuôn mặt. Cô quá đẹp, quá giàu và đầy quyền thế nên anh không dám mơ tưởng. Ngày đó, Cẩm Nhung là ân nhân của anh. Cô hạ cố đến với anh, ban ân huệ cho anh. Anh là người làm thuê, là đệ tử của Giắc mà Giắc lại là nô lệ của Cẩm Nhung. Ở thời điểm 1953, 1954, địa vị xã hội của anh và Cẩm Nhung cách xa nhau một trời, một vực.
Tốt nhất là anh cứ giữ nguyên tình trạng hiện nay, không dính líu với Cẩm Nhung nữa. Anh lấy giấy bút viết thư cho cô. Anh phải viết sao cho diễn tả tình cảm mình, không vồ vập và cũng không lạnh nhạt quá. Anh khuyên Cẩm Nhung nên nhận lời Giắc. Anh viết: "Tôi không xứng đáng với Nhung vì... nếu Nhung về chung sống với Giắc tình yêu sẽ giúp Nhung vượt qua mọi nỗi nhớ nhung hiện tại". Nhung không trả lời anh. Anh tưởng cô chấp thuận những điều anh phân tích. Anh không ngờ đại tá Giô-dép và Cẩm Nhung bay từ Pa-ri đến Sài Gòn. Anh khó xử quá! Trước mắt, anh nhận thấy ưu thế của mình tăng vọt từ sau tin ông Giô-dép đến với anh. Dù sao, sau mấy chục năm ở trong nghề, ông Giô-dép đã có lớp đệ tử kính nể, phục tùng. Ông xuất hiện ở Tổng nha An ninh như một người thầy về thăm học trò cũ. Anh cũng là một trong số học trò của ông. Nếu anh làm theo ý ông, mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Ngược lại ông Giô-dép có đủ quyền lực, mọi bằng chứng để vạch mặt anh, để tống cổ anh khỏi cương vị hiện nay.
Trong phút gặp gỡ đầu tiên, ông Giô-dép đã trao đổi thẳng thắn với anh:
- Bác muốn nói chuyện với cháu với tư cách hai người đàn ông. Được không?
- Thưa, cháu xin tùy ý bác! Bác và Nhung tính ở khách sạn nào?
- Về chỗ anh không được sao?
- Thưa bác, cháu chỉ sống có một mình, không bao giờ nấu ăn ở nhà.
Ông Giô-dép đặt tay lên vai anh:
- Ba và Giắc đều bất lực, đều hết sức thất vọng vì không thuyết phục nổi Cẩm Nhung. Cẩm Nhung đã hướng trái tim về phía con và ngày càng sâu nặng. Ba đưa Cẩm Nhung sang đây để tổ chức đám cưới cho hai con. Lẽ tất nhiên là phải có sự đồng ý của con. Con đã có người yêu chưa?
Hai Lâm trả lời lấp lửng:
- Thưa bác, cháu chưa nghĩ tới điều đó!
Ông Giô-dép hỏi vậy thôi vì ông đã nắm được nhất cử, nhất động của anh qua các nguồn tin mật của riêng ông. Không khi nào ông làm cuộc phiêu lưu đưa con gái sang Sài Gòn chỉ để đi chơi mát. Ông ở vào cái thế "trời không chịu đất thì đất phải chịu trời". Ông thương yêu Cẩm Nhung vô cùng. Năm 1957 này, Cẩm Nhung đã vào tuổi 25. Với người Pháp, tuổi 25 của người con gái là quá cao khi bước vào đời, nên ông phải đích thân lo liệu việc riêng cho con gái. Ông không nỡ nào chứng kiến Cẩm Nhung sẽ đau khổ suốt đời như Cẩm Loan của ông. Ông hỏi:
- Cẩm Nhung đã viết thư riêng cho con, phải không?
- Thưa bác, cô ấy đã nói tất cả mọi chuyện với cháu.
- Vậy ý anh thế nào? Có phải anh luôn tuyên bố là chưa nghĩ đến hôn nhân. Phải chăng anh kể cả Cẩm Nhung trong số đó?
- Thưa bác, Cẩm Nhung là ngoại lệ vì cháu quen Cẩm Nhung từ lâu và cháu được bác đỡ đầu.
- Vậy có trở ngại gì trong việc làm đám cưới trong tuần tới không?
- Đây là việc hệ trọng cả cuộc đời nên cháu xin được trả lời bác sau!
Hai Lâm ngồi lỳ trong phòng làm việc để giải bài toán hóc búa. Suốt mấy giờ liền, anh không thể ngả theo ý "lấy" hay "không lấy". Phải thú nhận rằng trong thâm tâm một người con trai như anh, nếu chưa có vợ, không phải là tình báo viên, anh sẵn sàng viết mỗi ngày một lá thư, chầu chực mỗi ngày một, hai giờ để đón được nụ cười hoặc nghe lời nói êm dịu của Cẩm Nhung... Như một quan tòa, anh không để lý trí thắng tình cảm và rất tỉnh táo trước tiếng gọi của trái tim với sứ mạng anh đang gánh vác.
Nếu từ chối Cẩm Nhung có nghĩa là anh tự tuột dốc, còn nếu nhận lời, anh sẽ được cất nhắc vào những cương vị khó ai lường trước được.
Biết đại tá Giô-dép đang chờ đợi câu trả lời tại nhà riêng của anh, anh quay số điện thoại:
- Giô-dép nghe đây!
- Thưa bác! Hơn ai hết, cháu hiểu câu chuyện tình của đời bác. Cháu là một trang tu mi nam tử - xin lỗi bác nếu cháu quá tự phụ - cháu không thể chấp nhận hôn nhân theo kiểu ban ơn, bố thí. Cháu rất muốn trò chuyện riêng với Cẩm Nhung về chủ đề này xem chúng cháu có thể hòa hợp với nhau không?
- Hai Lâm con! Ta chấp nhận gợi ý của con với sự hài lòng đặc biệt. Cẩm Nhung đang ở nhà, con về ngay chứ? Ba sẽ đến thăm Tổng giám đốc của con.
- Thưa bác! Xin bác không báo gì trước cho Cẩm Nhung.
- Ba hiểu.
Hai Lâm không dùng xe jeép mà thả bộ trên đường về nhà mình. Anh sẽ nói gì với Cẩm Nhung? Sau phút đầu gặp gỡ ở sân bay Tân Sơn Nhất, anh đã đưa Cẩm Nhung về nhà mình và ngay lập tức đã quay lại Tổng nha An ninh dự buổi lễ bán chính thức của Tổng giám đốc tiếp ông Giô-dép. Chả biết trong mấy giờ qua Cẩm Nhung làm gì? Cô có trách anh quá thờ ơ với cô không? Làm cách nào anh có thể nói chuyện nghiêm chỉnh, thẳng thắn với cô?
Hai Lâm bấm chuông. Vừa trông thấy anh, Cẩm Nhung đã ôm choàng lấy, hôn tới tấp lên má, lên môi anh. Đây là biểu hiện của tình yêu bị dồn nén đã bột phát trỗi dậy hay phong cách tự nhiên của các cô gái Pa-ri? Có lẽ cả hai yếu tố. Anh cũng hôn lên má cô, hỏi:
- Cẩm Nhung đã nhận được thư tôi?
- Anh cũng đã đọc thư em?
Anh chủ động ngồi xuống ghế, lên tiếng:
- Cô Nhung! Ba năm qua chúng ta không gặp nhau nên khi đọc thư Nhung tôi choáng váng, tôi bị bất ngờ...
- Không có gì là ngạc nhiên anh Thanh Bình, à anh Lâm! Mỗi người đi đến tình yêu một cách khác nhau. Nàng công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng đi du ngoạn khắp đất nước đã bất ngờ gặp tình yêu. Chàng trai Chử Đồng Tử làm nghề đánh cá đã đem cái khố duy nhất của gia đình chôn theo cha. Khi có thuyền rồng cặp bến sông, Chử Đồng Tử đã vùi mình trong cát. Thật bất ngờ khi công chúa Tiên Dung quây phòng tắm cho mình đúng khu vực Chử Đồng Tử ẩn náu.
- Cẩm Nhung thuộc lịch sử nhỉ? Không rõ Chử Đồng Tử có thích hợp với Tiên Dung không vì công chúa xinh đẹp, giàu sang, có học thức...
- Em chỉ muốn đưa ra dẫn chứng là tình yêu không có ranh giới.
- Cô Nhung! Liệu chúng ta có hạnh phúc bên nhau không? Tính cách của tôi và Nhung hoàn toàn khác nhau. Tôi ưa trầm tĩnh, ham nghiên cứu, không thích chơi bời, nhậu nhẹt...
- Em có thể bỏ tất cả mọi thú vui vì yêu anh. Nếu anh thích, ba sẵn sàng thu xếp cho em một chân thư ký trong Tổng nha An ninh nhưng em muốn ở nhà nội trợ phục vụ anh. Ở đời này, người nghèo cảm thấy thiếu tiền; người đói cần ổ bánh mì, còn em, em đã có tất cả rồi duy chỉ thiếu có tình yêu.
Hai Lâm thực sự xúc động. Cẩm Nhung đã bộc lộ nỗi lòng mình rất thành thật. Cô không che giấu những tính toán riêng tư. Cô rủ anh vào bếp. Anh hết sức sững sờ vì những thay đổi trong căn phòng. Không hiểu bằng cách nào mà Cẩm Nhung đã khuân về đầy đủ mọi tiện nghi. Cô nhìn anh đắm đuối:
- Anh yêu! Em sẽ vô cùng hạnh phúc được sống bên anh và em hy vọng anh cũng có hạnh phúc tương tự. Trong lúc chờ anh, em đã ra chợ Bến Thành mua những thứ này. Từ hôm nay, anh sẽ ăn cơm ở nhà nhé!
Cẩm Nhung dang rộng đôi cánh tay chờ đón. Hai Lâm kéo nàng về phía mình khẽ gọi: "Em”.
- Dạ!
- Anh yêu em!
- Em yêu anh vô cùng!
Nửa giờ sau, chuông điện thoại réo. Cẩm Nhung vồ lấy ống nghe: "Để em. Em sẽ là người đầu tiên báo tin cho ba". Nhận ra tiếng ông Giô-dép, Cẩm Nhung nói như reo:
- Thưa ba! Chúng con mời ba về dùng bữa cơm đầu tiên của gia đình ta.
- Hai Lâm đâu?
- Chàng rể của ba đang ngồi cạnh con đây.
Cẩm Nhung trao ống nghe cho người yêu. Ông Giô-dép lộ vẻ hài lòng:
- Ba chúc mừng hạnh phúc của các con.
- Thưa ba! Nếu Cẩm Nhung cho phép, con sẽ kể lại nội dung chúng con đã trao đổi. Cô ấy chinh phục con!
- Ồ, ba biết - ông nói vui - Anh sẽ khổ vì con bé. Nó mà thích cái gì chỉ có trời mới cưỡng nồi.
Cẩm Nhung cười giòn, nói chen vào:
- Ba nói xấu con gái ba đó nghe. Con sẽ "mét" má con đó.
- Xin lỗi con, ba đầu hàng rồi. Cúp máy nghe.
Trong lúc chờ đợi ông Giô-dép, Cẩm Nhung kể cho anh nghe về Giắc. Sau hơn một năm theo đuổi, mãi tới khi hy vọng thuyết phục Cẩm Nhung bị tắt ngấm, Giắc mới chịu lấy vợ. Dù không yêu Giắc nhưng sau ngày Giắc có gia đình riêng, Cẩm Nhung nhận thấy mình lẻ loi nên càng nhớ anh da diết. Ông Giô-dép và Giắc hoàn toàn thông cảm với Cẩm Nhung và tán thành cuộc hôn nhân này. Nhung mở va ly trao cho anh gói nhỏ:
- Anh Giắc gửi thư và quà tới anh đây.
Hai Lâm để chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Lông-din sang bên, xé vội thư Giắc. Giắc viết dài, tới tám trang. Giắc kể khá trung thực về những rắc rối đã xảy ra giữa anh và Cẩm Nhung. Ở cuối thư, Giắc viết:
"Đã có lúc mình ghen với cậu. Mình oán trách số phận vì đã không cho mình được diễm phúc là người Việt Nam. Bây giờ thì mọi việc đã an bài rồi. Mình hy vọng cậu sẽ hạnh phúc tuyệt vời bên cạnh Cẩm Nhung”.
Hai Lâm hỏi:
- Tại sao mãi đến phút này em mới trao thư của Giắc cho anh?
- Vì em muốn anh đến với em, anh gắn bó cả cuộc đời với em do tiếng gọi của trái tim chứ không do sự viện trợ của ba hoặc Giắc.
Hai Lâm xúc động trước lời lẽ rất thành thật của Cẩm Nhung. Đại tá Giô-dép hoàn toàn hài lòng trước hạnh phúc của đôi trẻ. Ba ngày sau khi nhận được tin vui, ông tự lái ô tô đưa Cẩm Nhung và Hai Lâm đến ngôi biệt thự hai tầng, tám buồng riêng biệt, có vườn cây ăn quả, có bể bơi với đầy đủ tiện nghi bên trong, tuyên bố:
- Đây là của hồi môn ba tặng cho hai con nhân ngày cưới. Ba già rồi. Ba sẽ về Pháp sống cuộc đời cô đơn ở Pa-ri. Các con nhớ thay nhau viết thư cho ba mỗi tháng một lá thư. Ba gửi các con tấm ngân phiếu 500.000 phrăng để các con làm vốn. Ba rất tiếc và rất buồn vì không thể ở lại dự đám cưới của các con. Cẩm Nhung nên đưa Hai Lâm về Huế xin ý kiến của má con và dượng của con.
Tội nghiệp cho ông Giô-dép! Hai Lâm và Cẩm Nhung không đành lòng để ông dứt áo ra đi vào lúc này, vì chính ông đã gây dựng cho hai người nên vợ nên chồng, lo cho Hai Lâm có địa vị trong Tổng nha An ninh quốc gia. Cẩm Nhung đón được ý chồng nên đã bàn:
- Thưa ba! Sáng mai chúng con sẽ về Huế. Con tin là má con không đến dự cưới vì bà phải giữ ý với chồng bà và dư luận trong hoàng tộc. Ba nên chủ trì tiệc cưới cho chúng con. Nếu ba về Pa-ri trước ngày cưới, các bạn đồng nghiệp của anh Hai Lâm sẽ không hài lòng.
- Ý Hai Lâm thế nào?
- Con và em Cẩm Nhung định đặt tiệc cưới tại nhà hàng, thuê họ đưa đến phục vụ tại đây để mừng ngày cưới và mừng nhà mới của chúng con. Nếu ba ở lại sẽ thu hút nhiều khách của Tổng nha đến dự.
Đại tá Giô-dép gật đầu, vẻ thỏa mãn hiện trên nét mặt:
- Sáng mai các con nên bay ngay ra Huế. Cẩm Nhung nhớ hướng dẫn cặn kẽ cho anh con khi ra mắt gia đình và vượt qua mọi lễ nghi của hoàng tộc.
- Thưa ba, đây là việc mà chắc hẳn con lo ngại hơn ba.
Một tuần sau, lễ cưới của Cẩm Nhung - Hai Lâm được cử hành trọng thể.
Từ ngày có vợ, Hai Lâm không hề bỏ thói quen đi lễ nhà thờ Đức Bà và ở một vị trí nhất định, nhưng không có ai đến liên lạc với anh. Anh lo ngại, anh xốn xang, anh chờ đợi mà không sao tìm ra câu giải đáp về số phận của mình: Chủ nhật tới, anh lại đến nhà thờ Đức Bà với niềm hy vọng bắt được liên lạc với tổ chức. Điều này, ngoài ý nghĩa tiếp sức cho anh hoạt động trong lòng địch còn giúp anh săn tin của chị và bé Hạnh - Thanh. Đã ba năm trôi qua, anh không nhận được tin về vợ, con. Không rõ chị về ra mắt gia đình anh có gặp trục trặc gì không? Liệu chị có đón bé Hạnh lên Hà Nội cùng sống hay đưa bé Thanh về Phượng Vũ ở với bà ngoại? Tội thân chị! Chị hy sinh vì anh, vì cách mạng lớn hơn anh nhiều. Anh dành thời gian, sức lực vào công tác, đấu mưu, đấu trí với địch còn chị bỏ mọi công tác để theo chồng. Anh có cuộc sống vật chất đầy đủ nếu không nói là thừa thãi, còn chị phải kiếm từng đồng để tự nuôi sống và nuôi con. Giờ đây, anh sống bên cô vợ đẹp, rất giàu trong ngôi biệt thự lớn, đầy đủ mọi tiện nghi sang trọng, còn chị vẫn chui rúc trong "ngôi nhà” rộng mấy mét vuông. Oái oăm quá! Anh lấy đôi hoa tai của chị đưa ra ngắm. Anh thật có lỗi vì chưa có cách nào nói với Cẩm Nhung về kỷ vật vô giá này, về người vợ và hai đứa con anh vô vàn yêu thương, nhưng như anh đã hứa: "Nếu không làm được ủy nhiệm của em, anh không dám nhìn mặt em và các con nữa".
Không rõ bác Ba Sơn có vào Sài Gòn theo anh không? Ai sẽ chỉ đạo mọi hoạt động của anh trước mắt và tương lai. Máu trong cơ thể anh như đã ngưng chảy, ai sẽ tiếp máu, sẽ liên lạc với anh?
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ