He who lends a book is an idiot. He who returns the book is more of an idiot.

Arabic Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
àng gần đến ngày Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô, chị Thoa càng thẫn thờ, ngồi đứng không yên. Chị rất cần người dốc bầu tâm sự. Chị đang buồn, buồn nẫu ruột vì nhớ anh, vì hình dung ra anh sắm vai chú rể trong ngày cưới sánh vai với cô dâu lộng lẫy như thế nào? Chị đồng ý để anh cưới Cẩm Nhung có hồ đồ, hấp tấp không? Không! Chị đã suy nghĩ kỹ trong 72 giờ để có câu trả lời dứt khoát với anh. Bây giờ chị phải tính từng ngày, chờ đợi đến tháng 7 năm 1956, anh mới có điều kiện về với mẹ con chị nếu tổng tuyển cử thống nhất hai miền.
Hôm qua chị Loan đã trách chị:
- Sao mợ cứ buồn rười rượi như nhà có người chết vậy? Mợ phải vui lên, lo may cờ đón Chính phủ Cụ Hồ và bộ đội ta chứ!
Chị thoáng giật mình. Nét mặt đưa đám của chị vào thời điểm này thật đáng trách, dễ có người hiểu lầm. Chị là người trong cuộc nên chị rất vui, người khác vui một, chị sung sướng gấp mười lần, vì trong chiến thắng lẫy lừng của dân tộc có đóng góp của vợ chồng chị, trên thực tế, trong suốt chín năm kháng chiến, chị không có một giờ nào theo địch. Chị đã bảo vệ anh, giữ vững lý tưởng của mình nên chị có quyền ngẩng cao đầu hãnh diện trước dòng người ra đón đoàn quân chiến thắng. Hai chuyện buồn vui của chị hoàn toàn khác nhau, không liên quan với nhau song làm sao để mọi người hiểu thấu nội tâm chị? Chị Loan động viên chị:
- Em nhớ thằng Đạo đến nỗi ỉu xìu xìu như bánh đa ngâm nước, người ta sẽ cười cho.
Chị Loan gọi anh ấy là thằng, chị khinh anh ấy! Thoa phải bảo vệ danh dự cho chồng mình. Chị nói với chị Loan:
- Anh Đạo là chồng em. Chị không nên xúc phạm anh ấy.
Bà chủ nhà bĩu môi:
- Chồng bát, chồng mâm hay chồng người? Việc gì mà cô phải bênh vực thằng Sở Khanh lừa đảo, đểu cáng đó?
Chị Thoa tức lắm. Đã đến lúc chị minh oan cho anh, cho mình. Chị nhỏ nhẹ:
- Em xin lỗi là đã giấu chị. Anh Đạo chính thức là chồng em. Chúng em có cưới xin, có giấy giá thú, giấy khai sinh cho con đầu lòng. Cháu gái đang ở với mẹ em.
Chị Loan thực sự ngỡ ngàng. Với ngần ấy bằng chứng mà "mợ" Thoa đưa ra đã đủ sức thuyết phục chị. Tuy nhiên, chị không rõ vì sao "mợ ấy" phải che giấu cái điều hiển nhiên, chả có gì đáng xấu hổ đó. Nếu chị không ra tay làm phúc, gán Thoa cho em ruột mình, chả lẽ cô ấy chịu mang tiếng chửa hoang với chính chồng mình?
Thoa vẫn tiếp tục khẳng định điều mình nói:
- Anh về Phượng Vũ thăm con gái và tìm em. Mẹ em cho anh địa chỉ của em.
Chị Loan "à" một tiếng. Chị nhớ lần mẹ cô Thoa đem đôi gà trống thiến thăm anh chị. Chị hỏi, giọng gay gắt:
- Tại sao cô phải giấu chuyện cô có chồng như vậy?
Thoa đã nghĩ ra cách giải thích cho chị Loan: Đầu năm 1947, anh và chị tản cư về Nghệ An. Sau ngày cưới ít lâu, anh bỏ vào Hà Nội không biết chị đã có mang. Vì tưởng chị vẫn ở Nghệ An nên anh đã lấy vợ, một người phụ nữ lớn tuổi hơn anh, để nhờ vả, đế được che chở. Năm 1952, anh gặp lại chị. Anh thề rằng anh rất yêu chị, xin chị che giấu cho cái tội đã theo kháng chiến của anh, vì nếu bọn Phòng Nhì Pháp phát hiện được điều này, anh sẽ bị vào tù hoặc bị xử tử. Chị hứa làm theo ý anh.
Chị Loan hỏi lại:
- Như vậy là cả hai cô cậu cùng ra vùng kháng chiến, cậu ấy vào Hà Nội năm 1947, còn cô về tìm chồng năm 1951?
Chợt nhớ tới tuổi bé Hạnh, chị vội cải chính:
- Anh ấy về cuối năm 1948. Năm 1949, em sinh cháu gái.
Chị Loan gật đầu. Chị thông cảm với hoàn cảnh éo le của Thoa. Chị đặt vấn đề:
- Sao cô không giữ cậu ấy ở lại? Chính phủ ta sắp về, cậu ấy sẽ về với mẹ con em.
- Anh ấy chỉ đi hai năm thôi. Bao giờ tổng tuyển cử, anh ấy sẽ về với mẹ con em.
Ngày 10 tháng Mười qua đi như một giấc mơ. Tất cả mọi người dân Hà Nội, từ đứa trẻ biết nói đến các cụ già và những người đang hấp hối trên giường bệnh đều sung sướng tưởng có thế phát điên lên được. Tiếng cười, tiếng hát rộ lên ở mọi phố, mọi nhà. Ông chủ nhà hào phóng làm bữa tiệc lớn. Khi hai chị em đã ngồi vào mâm, ông lấy từ hộc tủ cút rượu nhỏ:
- Tôi bị hen nên kiêng không dùng khoản này và cả hai cô đều không biết uống, nhưng hôm nay mỗi người phải uống một chén để mừng ngày hội của Hà Nội.
Chị Loan không ngăn cản chồng mà tự động đưa chén cho anh. Thoa cũng để anh rót đầy chén của mình. Chị uống một hơi cạn. Do men rượu và do trong lòng tràn ngập niềm tự hào của người dân nước chiến thắng, Thoa nói luôn miệng, khoe đủ mọi điều mắt thấy tai nghe về các anh bộ đội.
Sáng hôm sau, Thoa về Phượng Vũ. Chị xin ý kiến mẹ về việc riêng. Tính ra chị lấy chồng đã bảy năm, có hai mặt con rồi song chị chưa biết mặt bố chồng, bà con họ hàng bên nhà chồng và quê hương cùng ngôi nhà của chồng. Chị có nên giữ giá của mình buộc gia đình chồng đến đón không? Nếu vậy mẹ chị sẽ nhờ người nào đó họ Phạm lên thông báo cho ông Hòa - bố anh Bình - yêu cầu cụ sửa một cái lễ đưa đến Phượng Vũ để xin dâu, đón cháu nội về quê, một huyện ngoại thành Hà Nội.
Chị bàn:
- Chả cần vẽ sự như vậy mẹ ạ. Con tính là cứ đưa cả hai cháu về chào ông nội và nhận họ, nhận hàng.
Mẹ hỏi lại:
- Có phải thằng Bình dặn con nói riêng với bố nó về việc của nó không?
- Vâng ạ.
- Nếu vậy con nên về quê nội trước một mình để xin ý kiến của cụ.
Chị Thoa làm theo ý mẹ. Sau phần thủ tục ngoại giao, trao thư của anh kèm theo giấy giá thú, giấy khai sinh để cụ xem, chị vào đề:
- Thưa thầy, anh Bình dặn con thưa lại để thầy rõ: Anh không bao giờ là đứa con bất hiếu, càng không phải là kẻ phản quốc - Xin thầy cùng với con và mẹ con giữ bí mật cho anh.
Ông Hòa gật gù:
- Mấy hôm nay tôi nóng lòng, nóng ruột chờ tin nó mà không thấy. Tôi rất mừng vì nó đã là đảng viên, được Đảng giao nhiệm vụ quan trọng. Tôi vô cùng sung sướng vì bỗng nhiên có nàng dâu và hai cháu nội. Chị tính như thế nào?
- Con chờ ý kiến thầy.
- Tôi và các chú ruột, cô ruột thằng Bình sẽ sửa sang trăm cau, tạ gạo, con lợn đưa sang Phượng Vũ đón chị và các cháu.
- Con đã là dâu con trong nhà, thầy đừng nên bày vẽ ra thêm tốn kém. Mẹ con cũng khuyên con như vậy.
- Chị tính ở đâu? Tôi sẽ dọn. căn buồng này làm chỗ ở cho ba mẹ con. Ngày kia tôi sẽ đón chị và các cháu. À, chị sẽ kể về thằng Bình thế nào? Nó đi đâu? Đang ở đâu? Làm gì?
Ông Hòa không để râu. Khuôn mặt hai cha con anh khá giống nhau và tính cách của hai người cũng quyết đoán như nhau. Ông bàn:
- Tôi với chị phải tạo cho thằng Bình một lý lịch giả. Thằng Bình không theo địch, không đầu hàng địch, chị rõ chứ?
- Dạ!
- Có nên nói là nó đã hy sinh hay mất tích không?
Chị rùng mình. Để giữ danh dự cho dòng họ, ông bố chồng sẵn sàng chọn bất cứ kế hoạch nào. Dù sao cụ không phải người của ngành tình báo nên các tình tiết cụ đề xuất cần phải rà xét kỹ lưỡng. Chị phân tích:
- Con e rằng làm như thế không ổn. Người ta sẽ hỏi anh ở đơn vị nào, tham gia chiến dịch Hòa Bình hay Điện Biên? Anh hy sinh mà tại sao gia đình không nhận được giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công hoặc chứng nhận là gia đình liệt sĩ?
Ông hướng cặp mắt cầu khẩn về phía chị, đưa ra lời bàn không phải với con dâu mà với một cán bộ mà ông hết sức tin cậy:
- Hay là ta nói thằng Bình bị địch bắt?
Chị hỏi lại:
- Theo ý thầy thì anh Bình con bị bắt bao giờ, trong trường hợp nào? Anh là bộ đội hay cán bộ? Anh có hai con với con lúc nào?
Ông nhìn con dâu với ánh mắt khâm phục. Chỉ thoáng nghe ông gợi ý, nó đã đưa ra biết bao câu hỏi hóc búa và chính xác. Ông chậm rãi:
- Sứ mạng vinh quang mà thằng Bình đang gánh vác có mẹ con con và thầy biết là đủ rồi. Ta chả cần khai chồng con là bộ đội hay cán bộ nữa.
Nét mặt chị tươi hẳn lên. Chị bàn:
- Thưa thầy, con sẽ dựng nên chuyện vợ chồng con tìm đường vào thành cuối năm 1953. Anh bị địch bắt, đưa đi làm phu khuân vác ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Ông gật đầu, khen:
- Được đấy!
Chị tiếp tục thuyết trình kế hoạch của mình:
- Con đưa hai cháu về sống với bà ngoại ở làng Phượng Vũ. Hòa bình lập lại, con đưa các cháu về gặp ông nội và ra mắt họ hàng.
- Được đấy!
Chị chợt nhận ra một sơ hở. Chị đề xuất:
- Thưa thầy, cháu Hạnh đã năm tuổi. Cháu nói sõi và khôn lắm. Con e rằng điều bí mật không giữ được do cửa miệng vô tư của con trẻ. Cháu gặp anh hai lần nhưng không biết anh là bố nó.
- Đúng, con tính sao?
- Cháu Hạnh nhút nhát không dám chuyện trò với người lạ. Hai hôm nữa, con và mẹ con sẽ đưa hai cháu về quê - Sáng hôm sau, con và cháu Thanh ở lại, mẹ con sẽ đưa cháu Hạnh về Phượng Vũ.
Ông Hòa không trả lời con dâu ngay. Ông nói lên tâm tư của mình:
- Là ông nội, tôi muốn có cả cháu gái, cháu trai bên cạnh. Chị đã tước của tôi một nửa niềm vui.
Ông thở dài:
- Chị có lý, tôi nghe theo ý chị. Khi nào rảnh rỗi, tôi sẽ về quê chị thăm cháu Hạnh cả tuần.
Hai ngày sau, lễ ra mắt của chị diễn ra suôn sẻ. Ông bố chồng đã cáng đáng mọi phần việc nên cả họ đều vui mừng đón cô dâu mới và vui nhất là ông có cháu đích tôn. Bé Thanh ngoan, bụ bẫm được mọi người vô cùng yêu mến nên họ hàng cùng đỡ ái ngại về việc bé Hạnh không ở lại quê.
Ba tháng sau, chị đề nghị với bố chồng:
- Con không quen làm ruộng. Con nhớ cháu Hạnh lắm, con tính xin thầy cho con ra Hà Nội...
- Con không nên trở về nghề tiểu thương. Thầy thấy lo cho con.
Ít lâu sau, ông Hòa thông báo:
- Thầy có người quen ở nhà máy in Tiến Bộ. Những ai đi lao động xây dựng nhà máy sẽ được ưu tiên tuyển chọn là công nhân xếp chữ hoặc điều khiển máy in. Liệu con có làm phụ nề được không?
- Thưa thầy, con không quen cầm cầy, cầm búa, đi cấy, đi gặt nhưng con gánh khỏe.
- Anh bạn thầy sẽ cho ba mẹ con gian buồng. Con sẽ ăn cơm tập thể.
- Vâng ạ.
- Gia đình ta là cơ sở cách mạng, chồng con là đảng viên, con nên nhớ lực lượng nòng cốt của Đảng ta là công nhân. Thầy muốn rằng con sẽ đứng trong đội ngũ công nhân.
- Con xin cố gắng để khỏi phụ lòng thầy và anh Bình.
Thoa rời gia đình chồng, trở thành phụ nề trên công trường xây dựng nhà máy in Tiến Bộ.
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ