Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hị Loan vào trong "buồng" kéo cánh cửa liếp khép lại ngồi xuống bên Thoa:
- Em chờ cậu Đạo à? Liệu hôm nay nó có đến không?
- Em chả biết nữa chị ạ.
- Ồ, cái cô này. Bao nhiêu ngày cô cậu không gặp lại nhau rồi?
- Đã bốn tám ngày, chị ạ.
- Hay nó chuồn rồi? Đàn ông đều như thế cả. Khi họ đã chiếm đoạt được mình, họ bỏ rơi mình ngay. Chị phân vân quá. Chị muốn em bớt cô đơn, lo đến hạnh phúc cho em, ai ngờ chị lại hại em.
- Chị! Em cam đoan với chị, anh Đạo không phải là người như vậy đâu.
- Sao cậu ấy không đến nữa? Cô có biết địa chỉ của cậu ấy không?
- Không ạ!
- Số điện thoại?
- Anh ấy không nói với em.
- Cô không hỏi cậu ấy đang làm gì, ở phố nào à?
- Em chỉ cần tình yêu của anh ấy thôi, chị ạ!
- Trời! Cô cứ như người từ trên trời rơi xuống. Cô nghĩ tới hiến dâng, dâng hiến, còn cậu ấy cho cô cái gì?
- Anh ấy cho em nhiều lắm chị ạ.
Bất giác Thoa liếc mắt xuống bụng mình. Đã nên tâm sự với chị Loan điều này chưa? Chưa nên. Dứt khoát người đầu tiên nhận được tin chị có mang phải là anh. Sau lần gặp gỡ đầu, Thoa cũng có đôi chút dằn vặt. Chị không chút băn khoăn về cô nữ sinh Tâm Trinh mà luôn nhớ tới những lời anh kể về Cẩm Nhung. Chắc chắn cô ta trẻ và đẹp lắm. Đã có lần chị được xem ảnh Nam Phương hoàng hậu đứng cạnh vua Bảo Đại. Bà ta đẹp vô cùng. Chị so sánh với Cẩm Nhung khác nào mảnh chĩnh so với chuông khánh, kẻ mười người chưa được một. Chị chỉ còn biết tin ở anh. Tất nhiên, anh kém xa Trần Hảo và đại úy Giắc về địa vị, tiền tài, danh tiếng song chỉ có người con gái nào vừa câm, vừa mù, vừa điếc mới bỏ qua anh. Cẩm Nhung có thừa tiền, thừa danh vọng, thừa những người đàn ông theo đuổi song đang thiếu một mối tình, liệu cô ả có chấm anh không?
Anh vẫn tìm đến với Thoa. Chị không mảy may nghi ngờ tình cảm của anh. Chị chưa từng trải trong tình yêu song cái giác quan thứ sáu của người phụ nữ, người mẹ, người vợ mách bảo là chị đang được anh yêu mãnh liệt với tất cả tình cảm chân thành của người chồng, người cha. Anh chị trò chuyện hàng giờ về Hạnh. Anh yêu con vô cùng. Anh kể lại cảm giác đầm ấm, tràn ngập tình phụ tử khi anh được ôm con gái vào lòng. Anh chỉ dám gọi con, xưng ba thầm trong miệng, vì anh sợ cháu Hạnh khoe với mọi người. Anh mơ ước được gặp con lần nữa nhưng không tiện quay về Phượng Vũ. Chị định về quê bế con lên Hà Nội hoặc nhắn mẹ đưa cháu ngoại đến điểm hẹn nào đó, song mọi phương án đều thấy không an toàn. Anh bàn với chị:
- Anh không muốn chiềng mặt ra đường hoặc ngồi bên em ở bờ sông. Anh ngại có mật thám theo dõi.
Ý kiến của anh rất đúng nên chị cần bảo vệ anh. Chị đặt vấn đề với chị Loan:
- Anh chị cho em mở cửa ngách...
Anh chồng chị Loan hiền lành, ít nói, bị hen suyễn kinh niên, rất ít khi xen vào việc của người khác đã lên tiếng phản đối:
- Cậu Đạo xui cô như vậy phải không? Không được đâu. Người ta có vợ, có con rồi, cô còn bám theo để làm gì? Cô đừng biến nhà tôi thành nhà chứa.
Chị Loan gạt đi:
- Đây là chuyện riêng của chị em phái nữ chúng tôi, tôi sẽ bàn với cô Thoa!
Khi chỉ còn hai chị em, Thoa ôm lấy chị Loan:
- Em khổ quá chị ơi! Em không thể nào dứt khỏi anh Đạo Em yêu anh vô cùng.
- Thế nó có yêu mày không?
- Vợ anh Đạo còn trẻ, đẹp lắm và rất giầu song anh ấy chỉ nghĩ tới em, yêu em.
Qua những lần tiếp xúc, chị Loan có nhận xét tốt về anh, khen anh chừng chạc, đúng mức, không thuộc loại trai lơ, hám gái. Đạo đẹp trai, giầu, có địa vị nên kiếm ở đâu cũng được gái nếu anh ta thích “ăn vụng". Anh ta đến với Thoa hoàn toàn do tình yêu cũ trỗi dậy và Thoa gắn bó với anh cũng xuất phát từ trái tim. Chị Loan hết sức thông cảm với đôi trẻ. Chị bàn:
- Em dẫn cậu Đạo về quê em làm giấy giá thú...
- Không tiện đâu chị ạ! Nếu anh Đạo thuận theo mình, anh sẽ phạm tội lừa dối vợ.
- Vẽ sự! Tôi cho anh tất cả, tôi chỉ cần nắm đằng chuôi, cột chặt đời anh vào đời tôi.
- Chị ạ, em đã luống tuổi rồi, em quyết định không lấy chồng nữa. Em sẽ hiến dâng tất cả cho anh. Có với anh một đứa con là em mãn nguyện rồi.
- Con hoang ư?
Thoa khẽ gật đầu. Thoa trình bày là mình không nuôi ý định phá tan tổ ấm của anh, làm cho một người đàn bà khác đau khổ. Chị nài nỉ:
- Chị thương em. Em đâu phải đồ đĩ nay kiếm đứa này, mai cặp kè với thằng khác để biến căn buồng này thành nhà chứa. Em chỉ có mình anh Đạo. Em muốn giữ cho anh là cũng lo giữ mình.
Chị Loan nhíu đôi lông mày. Chị phân vân lắm. Chị có nên ủng hộ Thoa không? Nếu cô ấy có người yêu đàng hoàng, chị dễ xử hơn. Kể ra chồng chị cũng nặng lời với cô song anh không ác ý. Anh chỉ muốn ngăn cản không cho cô Thoa giữ mối quan hệ úp úp, mở mở với cậu Đạo thôi. Anh không định "nối giáo cho giặc", tạo thuận lợi cho hai kẻ ngoại tình. Anh không phong kiến, không mê tín dị đoan nên chả nghĩ tới kiêng khem khi có đôi trai gái lạ ăn nằm với nhau trong nhà mình, mà chỉ đơn giản là anh rất ghét trò dơi chuột. Chị sẽ thuyết phục anh về trường hợp đặc biệt này. Chị Loan nói hết ý này với Thoa kèm theo ý kiến:
- Chị thông cảm với em và cậu Đạo. Chị cầu chúc cho hai em hạnh phúc, tốt nhất là nên vợ, nên chồng. Chị bằng lòng cho em mở lối đi riêng.
- Cảm ơn chị!
Vợ chồng chị Loan khá tế nhị, không tò mò về những lần Đạo đến với Thoa. Anh Đạo, trong vai người đàn ông trốn vợ, lén lút đến với gái, luôn giữ thái độ hòa nhã, lịch sự, dè dặt với chủ nhà. Anh đến với chị nhưng không hẹn trước, không theo giờ giấc nhất định và chả có quy luật nào. Chị không trách anh, hết sức thông cảm với anh. Anh muốn gặp chị không phải mỗi tuần, mỗi ngày mà muốn được ở bên chị từng phút, từng giây. Anh tâm sự:
- Anh đang có cuộc sống rất đầy đủ về vật chất. Anh sẵn sàng từ bỏ tất cả để được về sống chung với con và em trong một túp lều.
Chị nhỏ nhẹ:
- Em đã làm tất cả để được ở bên anh.
Điều này thì anh quá hiểu rồi. Anh đã lường mọi gian nan mà chị phải gánh chịu khi chị tiễn anh vào thành; khi chị rời Thanh Hóa để "dinh tê"; cách đối phó lúc trình diện trước đồn trưởng cảnh sát rồi những ngày gửi con đi tìm chồng. Tình yêu mà chị dành cho anh không chỉ chứng minh bằng lời nói mà qua mọi việc làm, khiến anh vô cùng xúc động. Chị thổ lộ:
- Tiếc rằng em không hoạt động trong cùng đường dây, nằm trong mạng lưới với anh, song em sẽ bảo vệ anh. Em biết đặt lợi ích của cách mạng trên hạnh phúc riêng.
Chưa lần nào chị đòi anh ở nán lại cùng mình thêm ít phút hoặc xin anh hẹn cho lần gặp tới. Tiễn anh đi, tối nào chị cũng ngồi nhà để chờ anh, hồi hộp nghe tiếng chân anh bước gấp, sung sướng nghe tiếng anh gõ cửa. Chị mong anh song không trách vì anh không đến. Những ngày gần đây, chị thực sự sốt ruột vì không thấy anh xuất hiện. Chị phải làm gì đây khi chưa có ý kiến của anh? Không hiểu anh mừng, anh buồn hay anh lo? Chị có con lúc này là đúng hay sai? Lần gần gũi gần nhất cách hôm nay là bốn tám ngày, tính ra đã sang tháng thứ hai chị không có kinh mà anh chưa trở lại. Có chuyện gì xảy ra với anh? Anh bận ư? Chị cần anh quá! Tại sao anh không tranh thủ ghé thăm chị vài phút? Hay là chị cứ báo tin mừng với chị Loan? Không nên! Dứt khoát phải chờ ý anh.
Phải đến ngày thứ bảy mươi xa cách, anh mới đến với chị. Chị khóc tức tưởi. Tình cảm dồn nén căng quá khiến chị không giữ bình tĩnh nổi. Anh hoảng hốt:
- Có chuyện gì xảy ra phải không em? Anh thật đáng trách quá. Hơn hai tháng qua, anh bận vô cùng.
Chị lau nước mắt, gượng cười:
- Anh lên chào anh chị chủ nhà rồi xuống đây. Em có chuyện quan trọng cần nói với anh!
Anh hôn lên tóc chị:
- Xin tuân lệnh. Anh mua biếu anh chị mỗi người bộ quần áo, em xem có hợp không?
- Lẽ ra anh nên tặng vải. Em chả cần xem vì anh thừa biết cách cho quan trọng hơn của cho. Anh xuống ngay nhé!
Anh đón tin vui với nét mặt rạng rỡ, mắt sáng long lanh. Anh trìu mến:
- Anh sung sướng, hạnh phúc lắm! Anh tin là chúng ta sẽ có con trai. Anh muốn đặt tên con là Thành.
Chị trêu chồng:
- Anh tên là Bình phải đặt tên con là An chứ?
- Tên Thành có nhiều ý chứ em. Thứ nhất là chúng ta sinh con ở thành phố Hà Nội, thứ hai là tình yêu của vợ chồng ta bền vững như bức tường thành; thứ ba là chúng ta hy vọng cuộc kháng chiến sẽ thành công, thứ tư là... à, hay là em gọi con là Thanh để vợ chồng ta nhớ những kỷ niệm ở Thanh Hóa.
Chị cười:
- Thôi đi ông. Chưa có ai nghe tin vợ có mang đã nghĩ đến việc đặt tên cho con như anh. Em lo nẫu cả ruột vì có nhiều việc cần bàn với anh.
- Việc gì?
Những ngày qua, chị đã vạch cho mình biết bao phương án. Nếu anh không đồng ý có con, chị sẵn sàng phá thai. Đây là điều thất đức (theo quan niệm thời đó - 1953) nhưng vì nhiệm vụ của anh, chị sẽ không từ chối. Trường hợp anh muốn có con thì phải lý giải về cái thai của chị như thế nào? Chị chứa hoang ư? Cũng được thôi. Người ta sẽ phỉ nhổ chị, khinh rẻ chị là loại gái dễ dãi, thậm chí lên án cái kẻ không chồng mà chửa với những lời lẽ nặng nề nhất, chị cũng cắn răng chịu đựng. Trước họ, chị sẽ cúi đầu, xấu hổ, không cãi lại nửa lời song chị sẽ mỉm cười, sung sướng, hãnh diện vì cái thai trong bụng. Chị chỉ phân vân về lời thú nhận trước dư luận. Chị sẽ khai ra ai là bố đứa trẻ, chị quan hệ với anh ta ở đâu, trong trường hợp nào? Nay mai, khi sinh nở, chị sẽ khai tên bố của con mình là ai? Chị đâu có quyền khai họ tên thật của anh! Chị cất kỹ tờ giấy giá thú khi anh chị lấy nhau ở Nghệ An và tờ khai sinh cho cháu Hạnh ở Thanh Hóa để giấu tung tích anh, lẽ nào chị lại khai ra khi sinh con thứ hai? Cách tốt nhất là chị trở về làng Phượng Vũ để "mai danh ẩn tích" và sinh con, song chị không muốn xa anh chút nào. Phương án thuê chỗ mới, chọn nghề mới sẽ dễ che giấu chuyện "chửa hoang" nhưng rất khó lý giải mối quan hệ giữa anh và chị.
Anh ôm chị, kéo chị vào lòng mình, thủ thỉ:
- Em tha lỗi cho anh. Anh vô tâm và đơn giản quá! Anh không lường hết nỗi khổ tâm và những gì em sẽ gánh chịu. Anh là thằng chồng đoảng quá!
Ngừng một lát anh nói tiếp:
- Anh chỉ nghĩ được điều duy nhất là đặt tên cho con.
Chị im lặng chờ đợi. Anh sẽ gỡ thế kẹt cho chị như thế nào?
Anh bàn:
- Ở Hà Nội có nhiều ngõ hẻm lắm. Em tìm căn hộ nào vắng chủ để thuê. Em không cần đi làm nữa. Anh có tiền.
Chị không tán thành gợi ý của anh. Anh không nông nổi song vì thương chị, anh đưa ra ý kiến chưa kịp phân tích điều hơn, lẽ thiệt. Chị tỉnh táo vì có thời gian suy nghĩ lâu hơn anh. Chị hỏi lại:
- Anh có định đón mẹ em và bé Hạnh lên ở chung với em không?
- Như thế càng hay em ạ. Mẹ sẽ săn sóc em khi em sinh nở và anh được gần con gái.
- Không ổn đâu anh! Người sống trong ngõ hẻm thường là dân lao động nghèo, thất học. Anh diện sang như thế này mà xuất hiện ở đó, dù chỉ một lần là người ta đặt dấu hỏi ngay. Chả lẽ anh cải trang? Em đón mẹ lên lại càng bất lợi vì cái kim để trong bọc lâu cũng lòi ra, bí mật mà có thêm người thứ ba tham dự sẽ rất dễ bị lộ. Mặt khác, em không chịu được cảnh ăn không ngồi rồi ở một nơi toàn người xa lạ.
Anh ngồi, dáng bần thần. Anh thương chị, yêu chị. Chị là vợ anh, là người đàn bà duy nhất đã đến với anh, đọng lại trong trái tim anh, sao anh không thể san sẻ cho vơi nỗi khổ của chị? Anh hoạt động đơn tuyến - Nhiệm vụ của anh là săn tin nên anh dành toàn bộ tâm trí lo chiếm được lòng tin của đại tá Giô-dép Các-păng-chi-ê, củng cố tình bạn với Giắc và không làm phật ý Cẩm Nhung. Cẩm Nhung khác xa vợ anh. Nàng quận chúa ngồi trên đống vàng, sống trên nhung lụa.. luôn săn đón, chiều chuộng, mời mọc anh, song anh vẫn giữ khỏang cách nhất định vì không để Giắc ghen và anh không thể phản bội chị. Chị là của anh. Trước mắt anh có hai người đàn bà: quận chúa Cẩm Nhung trẻ hơn, học vấn cao, có vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" khó có ai sánh kịp - Cẩm Nhung còn là con gái đại tá tình báo Pháp đầy quyền lực, với số hồi môn nhiều gấp vài triệu lần vốn liếng mà chị Thoa hiện có, song trái tim của anh luôn hướng về chị. Chị là tất cả cuộc đời anh, người cùng chung lý tưởng với anh, cùng chia ngọt sẻ bùi với anh. Chị đã hy sinh tất cả vì anh, để bảo vệ bí mật cho anh, lẽ nào anh không đem lại niềm vui cho chị, không bảo vệ chị? Anh ôm lấy chị, nhỏ nhẹ:
- Trên trái đất này không có người đàn bà có chồng nào chịu mang tiếng chứa hoang khi người đó không ngoại tình. Anh không nỡ lòng nào để em gánh chịu nỗi tủi nhục đó.
Chị cười cốt để trấn an anh:
- Có gì đáng gọi là tủi nhục đâu anh? Nếu ở địa vị anh, em mới không chịu đựng nồi. Anh là đảng viên, là cán bộ cách mạng mà mọi người đều gọi anh là tên phản động, là Việt gian sao anh không tủi nhục? Anh có gan chịu đựng, cười cười, nói nói hồn nhiên trước mặt quân thù, thì em cũng biết cách đóng kịch với mọi người. Em không thua kém anh đâu.
Đến lúc này anh thực sự hiểu chị. Chị không nông nổi mà đã cân nhắc tỷ mỉ từng chi tiết về chuyện lý giải cái bào thai của mình. Anh đành thú nhận:
- Anh gây phiền muộn cho em nhiều quá rồi nên em tính sao anh cũng đồng ý.
Theo ý chị, cả anh và chị sẽ thú nhận "chuyện dại dột” của mình với chị Loan, anh hứa nhận con, sẽ chu cấp hoàn toàn cho cháu nhỏ. Chị Loan là người nhân từ, không có con nên chị dễ thông cảm và tha thứ cho người đàn ông dám nhận mọi trách nhiệm về phần mình, nhận nuôi dưỡng cháu bé và người mẹ. Chị bàn:
- Em sẽ về làng Phượng Vũ sinh con. Mẹ sẽ giúp em làm giấy khai sinh cho cháu ngoại. Anh đã thay tên đổi họ rồi nên em cứ lấy họ tên bố của Hạnh là bố của Thanh, chắc sẽ ổn thôi. Nếu họ gây khó dễ, em tạm thời dùng họ của em cho con. Em sẽ khai là sinh con ngoài giá thú.
- Nếu vậy tội cho em lắm. Con là chung của chúng ta, tại sao em phải chịu khổ cho riêng mình, mọi cay đắng, tủi nhục mình em gánh chịu?
- Đó là em tự nguyện. Vì chồng, vì con, em dư sức làm tất cả những gì mà người khác không làm được.
- Cám ơn em!
- Em sẽ trao đổi với chị Loan. Trong lĩnh vực này, phụ nữ chúng em dễ thông cảm với nhau hơn.
- Tùy em!
Chị Loan không khiển trách, rầy la Thoa khi nghe "tin dữ". Tâm lý của người phụ nữ không có con của chị Loan là thuận lợi với Thoa. Chị thực sự hài lòng khi biết rằng Đạo không thuộc loại Sở Khanh. Đạo xin nhận con, hứa chu cấp đầy đủ cho đứa con tương lai. Chị khuyên Thoa:
- Cô cứ ở đây với anh chị, cứ chửa, cứ đẻ, chả phải đi đâu cả!
- Nhưng em không thể khai bố cháu bé là anh Đạo.
- Đó là chuyện riêng của cô cậu. Nếu cô định giữ tiếng cho cậu Đạo, anh chị nhận cô là em dâu, là vợ cậu Phụng, em ruột chị.
Ôi, cách xử lý của chị Loan sao mà đơn giản thế, lại ổn thỏa được mọi bề. Chị kể cho "mợ" Thoa về em trai mình. Phụng đã đi lính khố đỏ từ năm 1940. Năm 1945, Phụng đóng lon cai. Cách mạng tháng Tám thành công, ông cai khố đỏ quay về làng thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Chị Loan trao cho Thoa ảnh em ruột mình:
- Đây là "chồng" của mợ. Cậu Phụng ba hai tuổi đã có vợ và ba con rồi. Cậu mợ ấy và các cháu không lên Hà Nội đâu, em đừng ngại. Từ hôm nay, chị sẽ đổi cách xưng hô với em. Sáng mai, chị em ta cùng đi cúng chùa, cầu phúc cho cháu. Khi trở về, ta nói là về Ý Yên thăm chồng em.
- Chị! Sao chị tốt với em quá mức như vậy? Liệu anh có nghe theo kế hoạch của chị không?
- Ôi dào, anh cô là ông ba phải, quan bẩy cũng ừ mà quan tư cũng gật. Anh phải nghe lời chị. Chị thích có cháu bé. Chị sẽ xin làm chân vú để trông con cho mợ.
Tối hôm sau, được chị Thoa thông báo, anh Đạo vô cùng cảm động. Điều nan giải của vợ chồng anh được tháo gỡ khá nhẹ nhàng. Anh cảm ơn vợ chồng ông chủ và trao cho chị Loan khoản tiền lớn.
- Cô Thoa mới có mang lần đầu nên còn bỡ ngỡ lắm. Chị thương em, chị giúp em chăm sóc Thoa.
- Vợ chồng tôi làm điều nhân đức giúp cô cậu. Chúng tôi sẽ không đụng tới một xu nào trong khoản tiền này cho mình. Cậu lo cho cô Thoa và cháu bé như thế này là tốt, là có trách nhiệm, có lương tâm.
Đắn đo giây lát, chị dặn thêm:
- Từ nay, cô Thoa sẽ là em dâu tôi rồi nên cậu không đi lối cửa ngách nữa. Cậu đi cửa chính vào nhà rồi xuống với cô ấy.
- Cám ơn anh chị. Chị chu đáo quá, em xin nghe lời chị.
Chị Thoa và chồng dẹp được mối lo. Hai người chờ đợi ngày đứa con thứ hai chào đời.
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ