Thất bại thực sự duy nhất chính là không dám khởi sự.

Harold Blake Walker

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
hạm Thị Thoa nhớ lại mọi lời tâm sự của anh hôm chia tay ở Thanh Hóa. Anh về khu rừng rậm ở tỉnh Hòa Bình. Anh ở riêng biệt, không được tiếp xúc với các bạn học cùng khóa. Hai cán bộ ở nội thành ra kể cho anh mọi chuyện ở Hà Nội. Anh được cử đi đợt đầu vì anh đã từng là tổ trưởng điệp báo, anh có học vấn cao. Để có hoàn cảnh hòa nhập với cuộc sống mới, anh được cấp bộ đồ theo mốt mới nhất của thanh niên Hà Nội. Tất cả tư trang cũ - kể cả quần đùi anh buộc phải để lại tặng bè bạn. Anh thực hiện rất nghiêm túc. Anh không đem theo thứ gì của vùng kháng chiến Nghệ An, Thanh Hóa. Tuy nhiên, có một vật kỷ niệm anh không sao rời bỏ nổi. Anh định cuộn tròn tấm ảnh nhỏ của chị và bé Hạnh vào cạp quần, nhưng anh không làm thế. Việc anh trở lại Hà Nội, hoạt động trong lòng địch là do anh tự nguyện, không ai bắt buộc, nên anh cần xóa bỏ mọi dấu vết cũ tạo ra lý lịch mới. Anh lấy tấm ảnh cho vào phong bì gửi về Thanh Hóa cho chị.
Từ Hòa Bình, Bình về địa điểm gần Hà Nội. Anh được lệnh cải trang. Nửa giờ sau, anh đã là con người khác hẳn. Với chiếc mũ phớt đội lệch trên đầu, cái kính gọng vàng, miệng ngậm tẩu..., Bình đã nhập vai nhà trí thức. Tuyết Mai. cô gái gào lên khen:
- Anh Bình cải trang khéo quá, đúng là thanh niên Hà Nội.
Anh cán bộ đại diện Nha Công an cười vang:
- Còn cháu, bác cứ tưởng một nàng tiên vừa giáng trần. Nhiệm vụ của cháu là sắm vai người yêu của ông giáo Bình. Sắp đến ngày cưới, cháu và ông giáo đi chùa Tây Phương để xin thẻ.
Bình mở chiếc cặp da ngoại. Trong cặp không phải là những tập sách nghiên cứu mà chỉ có những cuốn tiểu thuyết tình, tập ảnh khiêu dâm, bánh dày, hai chai bia...
Tuyết Mai cười rất tươi:
- Những thứ này em mua ở Hà Nội. Vì chúng ta nhận được quẻ rất xấu, ảnh hưởng tới nhân duyên nên anh và em không muốn đụng tới thức ăn. Ta sẽ đón ô tô buýt anh ạ.
Bình hỏi "người yêu":
- Tôi không có giấy tờ tùy thân à?
Tuyết Mai lấy trong ngăn cặp gói giấy trao cho Bình:
- Đây là căn cước và những giấy tờ cần thiết, nhưng cách tốt nhất là không phải xuất trình với cảnh sát.
Bình đề nghị:
- Có lẽ nên giữ thái độ im lặng vì buồn. Tôi chưa quen tán, nịnh hoặc săn sóc người yêu trước chỗ đông người. Tôi xa Hà Nội lâu nên e rằng trong cử chỉ và cách nói năng có chỗ chưa phù hợp.
Tuyết Mai gật đầu:
- Anh giả vờ mệt mỏi do say và anh đang buồn chán vì quẻ bói về duyên số không hợp. Mọi việc ứng xử em sẽ lo.
Tuyết Mai có cặp mắt bồ câu, đôi má bầu bầu, giọng nói dịu dàng, dễ mến. Cô trạc hăm hai tuổi. Ở trên xe, cô thủ thỉ khuyên giải "người yêu", cố ý để người ngồi cạnh nghe tiếng. Một bà trạc năm mươi tuổi mặc áo lụa màu mỡ gà, quần sa tanh trắng, tóc vấn trần, góp chuyện:
- Lạy Thánh, xin Ngài xá tội cho. Tôi xét ra cậu giáo tuổi Ngọ, mợ tuổi Tý, người cầm tinh con Ngựa, người cầm tinh con Chuột không đến nỗi xung khắc nhau đâu. Gia đình tôi quen biết ông thầy bói ở Ô Chợ Dừa, gọi tiền vận, hậu vận đều đúng. Nếu gặp hạn, ta cúng lễ để giải hạn, cậu ạ.
Tuyết Mai phân bua:
- Trong quẻ Ngài phán rằng nếu chúng cháu lấy nhau sẽ có một người chết. Cứ thành vợ, thành chồng ăn ở với nhau hết tuần trăng mật rồi có chết cũng chả sao.
- Sao cô nói gở vậy? Cô cậu còn trẻ, còn sống với nhau đến đầu bạc răng long, lo gì!
Nguyễn Thanh Bình vẫn giữ bộ mặt thiểu não. Bọn cảnh sát ở Cầu Giấy, ở bến xe Kim Mã không thèm xét kỹ nên ông giáo thất tình không phải trình căn cước. Tuyết Mai đưa Bình vào gia đình cơ sở ở Bạch Mai. Cô dặn "người yêu":
- Sáng mai em sẽ sắm vai vợ chưa cưới của ông cử Lê Thọ Đắc. Anh Đắc sẽ đưa anh về nhà riêng. Trước mắt, anh là ông giáo dậy luyện thi tú tài cho em gái anh Đắc là Lê Tâm Trinh.
Nguyễn Thanh Bình có chỗ ở mới. Anh làm quen với Lê Tâm Trinh. Cô nữ sinh mười bảy tuổi rất thích nói chuyện với thầy giáo mới, bạn của anh mình.
Sau hai giờ trò chuyện, thầy giáo Nguyễn Thanh Bình đã chiếm được tình cảm của cô học trò. Tâm Trinh ủng hộ thầy trên bước đường lập công danh, sự nghiệp. Cô nhận lời cùng với thầy đi khiêu vũ và trong cuộc vui này, cô đã làm quen với người phụ nữ đẹp: Cẩm Nhung. Theo gợi ý của Lê Thọ Đắc cô mời Cẩm Nhung về nhà riêng của mình. Nhung đùa:
- Chị có hai bạn trai: Anh Trần Hảo và đại úy Giắc. Em định mời người nào?
- Tùy chị!
- Mời cả hai.
- Như vậy có tiện cho chị không?
- Không có gì là bất tiện cả nếu em có thêm bạn gái hoặc em tiếp khách giúp chị.
Lê Thọ Đắc và Nguyễn Thanh Bình đặt hy vọng nhiều vào buổi tiếp xúc này. Rà lại những bạn bè đã học trường An-be Sa-rô và trường Bưởi, Lê Thọ Đắc chợt nhớ đến Trần Hảo. Hảo là con một nhà thầu khoán chuyên mở thầu xây dựng nhà cửa cho nhà binh Pháp. Đã từ lâu, Trần Hảo đeo đuổi Cẩm Nhung - một hoa khôi. Không ai hiểu rõ lý lịch thật của Cẩm Nhung. Người ta đồn rằng Cẩm Nhung là quận chúa, gọi cựu Hoàng đế Bảo Đại là ông chú, có tên khai sinh là Công Tằng Tôn Nữ Cẩm Nhung - cũng có ý kiến là cô đã từ bỏ dòng họ Tôn Thất của nhà vua để lấy họ Nguyễn. Vua Gia Long, vua đầu tiên của triều đại nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh thì cô cháu gái đời thứ 16 hay 17 của ông ta gọi là Nguyễn Thị Cẩm Nhung cũng chả có gì sai trái. Có người còn quả quyết Cẩm Nhung là đầm, có quốc tịch Pháp mang tên là Mari hoặc Mari Nhung. Trên thực tế, theo lý lịch thì má của Cẩm Nhung là quận chúa Cẩm Loan, còn ba của cô là hoàng thân Ưng Toàn. Như vậy thì Công Tằng Tôn Nữ Cẩm Nhung là một quận chúa, con một ông hoàng rất gần gũi với Bảo Đại.
Người ta đồn rằng cô nữ sinh trường Đồng Khánh - Cẩm Loan - mẹ của Nhung càng lớn, càng bộc lộ vẻ đẹp riêng biệt của những cô gái miền sông Hương, núi Ngự. Nhờ khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, cặp mắt đen láy và mái tóc dài chấm gót, cô tô điểm cho nét thùy mị của mình bằng nụ cười nửa miệng, bằng những tiếng "dạ" nhỏ nhẹ, êm tai. Cho mãi tới năm hai mốt tuổi người ta chưa thấy cô cặp kè với một chàng trai nào, nhưng đột nhiên sau chuyến đi theo vua Bảo Đại ra kinh lý Bắc kỳ, cô về Huế, lấy chồng một cách vội vã và có con ngay. Người ta đồn Cẩm Nhung không phải con của chồng cô: mũi Cẩm Nhung hơi cao, mắt màu nâu... Không ai nghi ngờ đức hạnh của bà mẹ và tuy có những tiếng thầm thì, to nhỏ, chưa ai dám khẳng định bố đẻ Cẩm Nhung là người da trắng, Cẩm Nhung là đầm lai.
Năm 1945, sau ngày vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, bà mẹ Cẩm Nhung đồng ý gửi cô sang Pháp du học. Một viên thiếu tá người Pháp nhận là cha nuôi của cô. Năm đó, Cẩm Nhung tròn mười ba tuổi. Năm 1947, Cẩm Nhung theo cha nuôi (hay cha đẻ?) về nước. Cô ở lỳ tại Hà Nội, thỉnh thoảng mới đáp máy bay về Huế thăm ba má vài ngày.
Cẩm Nhung có những vẻ đẹp riêng, tính cách riêng. Cô gái Huế thùy mị nhưng lại có vẻ ăn chơi đàng điếm ở Pa-ri cùng những nét nghịch ngợm, sắc sảo, hợm hĩnh của các nữ sinh con nhà giàu Hà Nội, được vào học ở trường dành riêng cho con em người Pháp, có những lời ăn nói, cách đi đứng không bình thường. Cùng một lúc, Cẩm Nhung muốn cặp kè với bất cứ ai mà cô ta thích, sẵn sàng ở lại nhà người bạn trai mới quen biết một hai ngày và cũng dễ dàng quên ngay anh ta khi có bạn trai khác.
Qua Trần Hảo, Lê Thọ Đắc làm quen với Cẩm Nhung. Anh rỉ tai em gái:
- Nếu em mời được Cẩm Nhung về nhà, ta sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho anh Thanh Bình.
Lê Tâm Trinh ngúng nguẩy:
- Em ghét con mụ đầm lắm. Trông thấy con trai mắt mụ ta cứ long lên. Không khéo anh hoặc anh Bình sẽ sa vào bẫy của mụ ta.
- Em đừng nên quá lo xa. Anh chỉ cần đến mụ ta một lần thôi. Cố mời kỳ được tên đại úy công binh, vì tên này sẽ có quyền định đoạt số phận của anh Bình.
Tâm Trinh bằng lòng. Vì thương anh Bình, cô có thể làm tất cả. Cô không ngờ Cẩm Nhung nhận lời. Cô nêu với anh ruột những yêu cầu của Cẩm Nhung. Lê Thọ Đắc gạt đi:
- Ta tổ chức vũ hội gia đình hai nữ, bốn nam cũng được.
Nguyễn Thanh Bình không rõ Lê Thọ Đắc có phải cơ sở bí mật của ta ở nội thành hay không, anh có nhận nhiệm vụ do Tuyết Mai truyền đạt lại không? Nguyễn Thanh Bình và Lê Thọ Đắc mới sống chung, thực sự mới biết nhau nhưng cả hai đều thấy tâm đầu, ý hợp như đôi bạn tri kỷ. Bình hỏi bạn:
- Sao anh quan tâm đặc biệt tới Cẩm Nhung như vậy? Anh định qua Cẩm Nhung để tôi kết bạn với Giắc à?
- Đây là ý nghĩ bột phát của tôi. Tôi không rõ nhiệm vụ của anh, nhưng cái lý do mà các anh tạo ra: “anh là thầy giáo dạy tư cho em gái tôi" chưa thật ổn.
Lê Thọ Đắc kể là Cẩm Nhung có hàng trăm kiểu áo quần khác nhau. Buổi sáng, Cẩm Nhung đang là cô gái Huế thùy mị, nết na, e lệ trong trang phục quần trắng, áo dài tím, tóc xõa ngang vai thì buổi chiều cô đã diện đúng mốt Pa-ri, tự lái xe với tốc độ cao nhất với vẻ ngang tàng, ngổ ngáo. Cẩm Nhung có nét đẹp tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn không chỉ các chàng trai cùng lứa tuổi mà cả với các bà, các cô và những ông lão đã quá tuổi lục tuần ngay cả khi cô không trang điểm. Cô có nước da trắng của người châu Âu, nhưng lại mang khuôn mặt trái xoan xinh xắn của các nữ sinh Hà thành nên không một họa sĩ nào không mơ ước được chọn cô làm người mẫu và không ai đoán nổi đã có bao nhiêu vệ tinh xoay quanh cô.
Nguyễn Thanh Bình cười trêu bạn:
- Trong số các vệ tinh đó có quan cử Lê Thọ Đắc?
Đắc chắp hai tay trước ngực, đùa:
- Mô Phật! Bần tăng chưa nghĩ đến lập gia đình.
Anh xòe bàn tay ra trước mặt bạn:
- Tôi kém Cẩm Nhung nhiều quá. Một (Đắc cụp một ngón tay): tôi không giàu bằng nàng. Hai: - Địa vị kém nàng; Ba: - điều này quan trọng hơn: tôi thấp hơn nàng chín centimét; Bốn: - tôi không có ý định chọn bạn trăm năm theo "típ" của nàng; Năm: tôi không có bản lĩnh trị con ngựa bất kham đó vì tính khí ả quá thất thường, đang là Phật trên tòa sen bồng biến thành ác quỷ. Tôi có cảm giác là ả sẵn sàng gí mũi súng vào ngực bạn tình bóp cò ngay sau lúc ái ân với ả.
Nguyễn Thanh Bình cười vang:
- Chà, chà, anh tả về Cẩm Nhung quá sống động đến mức tôi nôn nóng muốn được chiêm ngưỡng người đẹp, để tự mình đánh giá xem nàng là Quan âm bồ tát hay đao phủ? Này, anh Đắc, sao anh lại có ý định đưa tôi lên máy chém vậy?
- Đừng lo, anh bạn. Anh có ưu thế vượt hẳn tôi là rất đẹp trai, cao hơn Cẩm Nhung bốn xen-ti-mét. Hơn nữa anh chỉ dựa vào Cẩm Nhung để che cái "tội" làm thầy giáo dạy tư cho em tôi Một khi anh đã kết bạn với đại úy Giắc Đuyboa và Cẩm Nhung, tôi tin là sẽ không ai điều tra lý lịch của anh nữa.
- Cám ơn anh!
Chia tay với bạn, Nguyễn Thanh Bình về phòng riêng. Không hiểu sao anh chợt nhớ đến vợ con da diết. Anh ao ước được ôm bé Hạnh vào lòng. Không rõ vợ anh có thay đổi nhiều không? Cô kém anh một tuổi nhưng từng trải hơn, đĩnh đạc hơn. Giống như nhiều cô gái Hà Nội thời đó, cô cố theo học, hy vọng có mảnh bằng tiểu học trong tay, rồi ở nhà lo quán xuyến việc gia đình. Cô may vá, thêu, đan rất giỏi và ít ai sánh kịp tài nội trợ của cô. Sau Cách mạng tháng Tám, anh gặp cô ở Nha Công an. Cô là đội viên điệp báo của anh và anh đã để ý đến cô. Cô ăn mặc giản dị, không đánh phấn thoa son nhưng vẫn toát lên vẻ nền nã của người con gái có duyên thầm, càng nhìn, càng ưa.
Nguyễn Thanh Bình đâu phải là chàng trai "đụt" không biết tán gái và chưa được yêu. Nhờ học giỏi, thông minh, đẹp trai nên đã có nhiều cô gái con nhà giàu, con quan tham, quan phán trực tiếp mời chào anh đi ăn cao lâu, đi nhảy hoặc gửi thư cho anh và có cô làm thơ tặng anh nữa. Anh đọc những lá thư sáo rỗng đó không có chút rung cảm của trái tim. Phải chăng các cô nhờ người viết hộ hoặc dựa vào bản mẫu cuốn sách “những lá thư tình nổi tiếng thế giới" để sao chép lại, cải biên đi chút ít cho phù hợp với hoàn cảnh giữa hai người? Anh đã từng cùng các bạn sinh viên đi du ngoạn chùa Thầy, chùa Tây Phương, đi tắm biển Đồ Sơn, nghỉ mát ở Tam Đảo, nhưng anh chả để ý đến ai trong số nữ sinh trong đoàn. Tại sao? Anh không lý giải nổi. Về hình thức bề ngoài, nhiều cô đẹp hơn hẳn Thoa, giầu hơn Thoa, có học thức hơn, song anh đã chọn Thoa. Thoa cũng đã để ý đến anh. Thoa hơn hẳn các cô gái khác. Các cô tiêu tiền không cần đếm, sẵn sàng vung tiền ra bao các bạn; hoặc sai bồi dùng ô tô chở về đủ món sơn hào, hải vị để đãi bạn những bữa tiệc linh đình trong lúc các cô chưa hề biết thế là tráng trứng, luộc rau.
Phạm Thị Thoa của anh khác hẳn các tiểu thư đài các. Hôm đầu, anh đến nhà cô đúng lúc cô đang luộc ốc nhồi. Cô chả cần sửa lại sắc đẹp, vén những lọn tóc lòa xòa trước trán, lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, cô phân công luôn:
-Anh Bình giúp em một tay nhé!
- Rất sẵn sàng.
Thoa hướng dẫn anh cách nhể ốc, nhặt hành, thái rau và trưa hôm đó, anh đã ăn bữa bún ốc ngon tuyệt vời.
Từ ngày đó, anh thường đến với Thoa và chả biết hai người đi đến tình yêu từ phút nào, do ai chủ động? Khi anh tỏ tình với Thoa, cô đã nhận lời ngay. Bây giờ anh đã có vợ, song tình thế buộc anh phải sắm vai chàng trai chưa vợ để tiếp xúc với Cẩm Nhung và đại úy Giắc. Với anh, người con gái có tên là Cẩm Nhung cũng giống như một Hồng Loan, một Diệu Hương nào đó, chả có quan hệ gì tới anh. Dù sao, anh cũng hơi tò mò vì cách mô tả của Lê Thọ Đắc về người đẹp. Không hiểu Cẩm Nhung sắc nước, hương trời tới đâu, đa tình, đỏng đảnh ở mức độ nào, hiền dịu, duyên dáng ra sao? Thôi, mặc cô nàng. Anh với tay tắt ngọn đèn bàn. Bóng tối ập vào anh nhắm mắt lại. Trong giấc ngủ chập chờn, anh mơ thấy vợ và con gái đang quấn quýt bên anh. Anh thật là hạnh phúc.
Trong lúc này, hai anh em Lê Thọ Đắc, Lê Tâm Trinh lo hoàn tất chương trình tiếp khách. Đắc không thích Cẩm Nhung. Nếu không vì Thanh Bình, anh không khi nào mời cô ta tới nhà vì anh không khuyến khích Tâm Trinh bắt chước Cẩm Nhung, không muốn em gái sa đọa. Anh kể cho em gái nghe lai lịch của Cẩm Nhung. Lê Tâm Trinh khinh ghét người đàn bà mà cô sẽ tôn làm khách quý, nhưng cũng tò mò muốn xem chị ta ăn mặc ra sao, cư xử thế nào khi cùng một lúc phải tiếp người yêu và nhân tình?
Chiều hôm sau, bàn tiệc đã bày sẵn. Nguyễn Thanh Bình, Lê Thọ Đắc, Lê Tâm Trinh có những tâm trạng riêng. Đắc không biết Bình là ai, chưa hiểu lý lịch thật của Bình và càng không rõ chuyện Bình mới rời bỏ vùng giải phóng. Với Đắc, Bình chỉ là một cán bộ được tổ chức phân công chui vào hoạt động trong hàng ngũ địch, cụ thể là lọt vào một cơ quan quân sự của Pháp. Anh giúp Bình như giúp cho chính mình. Nay mai, cách mạng về, anh không chỉ ra đón chào với đôi bàn tay trắng. Anh đã có thành tích, đã lập công và nhờ công lao này anh sẽ được tin cậy, được trọng dụng.
Nguyễn Thanh Bình đã gặp lại Tuyết Mai. Cấp trên đồng ý kế hoạch của anh. Qua Cẩm Nhung, nếu nắm được Giắc, anh sẽ bỏ qua được nhiều khâu rắc rối về thủ tục. Giắc sẽ trả lương cao, sẽ trao cho anh một chức vụ quan trọng. Giắc sẽ là người cung cấp những nguồn tin quan trọng cho anh. Trong một buổi tối, anh phải tranh thủ được thiện cảm của Giắc, chiếm được cảm tình của Cẩm Nhung và không làm cho Trần Hảo giận. Anh để tâm trau chuốt cho cái mẽ bề ngoài của mình. So với những người cùng lứa tuổi, anh thuộc loại đẹp trai. Với khổ người cao, anh có bộ ngực nở nang, thân hình cân đối. Khá nhiều cô gái chết mê, chết mệt trước vẻ đẹp lực sĩ của anh. Trông thấy anh, Tâm Trinh lên tiếng:
- Anh Thanh Bình định chài chị Cẩm Nhung hay sao mà diện vậy? Anh còn muốn em nhận là ông giáo không?
- Anh Thọ Đắc đã cho tôi biết về Cẩm Nhung rồi. Theo ý cô Cẩm Nhung sẽ đi với Giắc hay Trần Hảo?
- Khó nhỉ? Có lẽ anh Hảo sẽ đưa xe đón chị ấy.
- Nhỡ Giắc cũng đến đón thì sao?
Lê Thọ Đắc chêm vào.
- Theo ý tôi, ba người sẽ đi ba ô tô đến.
Tâm Trinh lắc đầu:
- Em đánh cuộc là chị Nhung sẽ đi với anh Hảo. Thưa thầy giáo, thầy ngả về phe nào ạ?
Nguyễn Thanh Bình xua tay:
- Khó hiểu quá! Nếu đặt địa vị tôi là Trần Hảo, tôi sẽ không đến nơi nào có Giắc.
Tiếng còi ô tô ngoài cổng. Lê Tâm Trinh chạy trước, ôm choàng lấy Cẩm Nhung:
- Chị mặc đồ đầm trông càng đẹp. Chào anh Hảo. Xin mời đại úy lên nhà.
Trinh kéo Cấm Nhung đi trước.
- Chị lái xe lấy à?
Nhung nhún vai:
- Làm cách nào khác được khi chị có hai bạn trai? Chị đón Hảo, cùng với Hảo đến đón Giắc.
Trinh quay lại phía sau. Cô muốn nói cho ông anh ruột biết bản lĩnh của Cẩm Nhung. Cô ta có cách xỏ mũi cả hai chàng trai làm cho cả hai người đều ngoan ngoãn chịu sự điều khiển của cô.
Vừa bước vào phòng, không cần mời khách ngồi, Lê Thọ Đắc tuyên bố:
- Trong gian phòng này chỉ có chúng ta và chỉ chúng ta thay nhau làm chủ. Đây là các loại rượu, bánh ngọt, hoa quả. Bên phải chúng ta là các món ăn Âu và bên trái có bày sẵn cỗ với các món ăn Việt Nam. Vì có anh Giắc, từ giờ phút này, nếu ai nói tiếng Việt sẽ bị phạt rượu. Sáu chúng ta, mỗi người sẽ làm chủ cuộc vui nửa giờ. Người làm chủ có toàn quyền lựa chọn đĩa hát, phân chia bạn nhảy và mời khách thưởng thức rượu, thức ăn theo sở thích của mình. Tôi muốn các vị dành vinh dự đầu tiên cho cô em út của chúng ta: cô Tâm Trinh, người có sáng kiến tổ chức buổi họp mặt tối nay. Tiếp đó là bà hoàng Cẩm Nhung, nói theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Người thứ ba là anh Giắc, vị khách quý của tất cả chúng ta. Người chủ thứ tư là anh Trần Hảo. Sau anh Hảo đến thầy giáo riêng của cô em gái yêu quý của tôi, anh Nguyễn Thanh Bình và tất nhiên, người điều khiển cuộc vui cuối cùng là tôi, người bạn trung thành với các vị có mặt tại đây. Nào mời cô Trinh.
Trinh chỉ lên chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường:
- Bây giờ là mười bảy giờ ba mươi phút. Em gái các anh, các chị không thích ăn, không muốn uống mà chỉ thèm nhẩy. Nào ta cùng nhẩy. Xin mời anh Giắc cặp đôi với...
Giắc đứng dậy đến bên Tâm Trinh nghiêng mình. Trinh cười như nắc nẻ, kéo tay Lê Thọ Đắc:
- Đây là bạn nhẩy của anh.
Giắc miễn cưỡng ôm vai bạn nhẩy. Tâm Trinh lại gần Hảo và rỉ tai Cẩm Nhung:
- Chị tiếp thầy giáo giúp em.
Nửa tiếng đầu trôi qua trong điệu nhạc êm dịu. Đến lượt mình làm chủ, Cẩm Nhung không muốn rời Thanh Bình ra nữa. Sau hai tuần rượu mạnh, Cẩm Nhung chọn bản nhạc tăng-gô kèm theo lời tuyên bố:
- Chị em tôi giống tính nhau. Tôi không muốn thay đổi những gì cô Tâm Trinh đã sắp xếp.
Nguyễn Thanh Bình vẫn phải trả lời những câu hỏi lục vấn của Cẩm Nhung. Nhung tranh luận:
- Lấy vợ giàu, vợ có danh giá hơn mình đâu phải có tội. Thiếu gì những kẻ tai to mặt lớn được mở mặt với đời do biết cách đào mỏ. Tôi có thể giúp anh được gì? Anh bay với tôi vào Huế, tôi giới thiệu anh với ba má tôi...
- Cám ơn lòng tốt của Cẩm Nhung. Tôi rất muốn tự lập nên đã tự đề ra lời thề là không bao giờ nhờ vợ nếu chưa lập nghiệp. Cô học trò của tôi cũng khá xinh và cũng vào loại giàu có ở đô thành, nhưng tôi chưa để mối quan hệ đi quá tình thầy trò.
- Tôi có nên xem đây là một lời thú tội thành thật để xếp anh vào danh sách những người chưa có ý trung nhân không?
- Mỗi người có quyền riêng của mình.
- Anh chán nghề thầy giáo rồi phải không?
- Phải nói rằng tôi đã ngán ngay từ khi bắt buộc bước vào nghề và mỗi ngày qua đi, cái ngán lại tăng thêm theo hệ số nhân.
- Nếu tôi giúp anh thoát khỏi cảnh này, anh có bằng lòng không?
- Xin cô nói rõ ý hơn?
- Tôi yêu cầu ba nuôi tôi nhận anh làm thư ký riêng.
- Kiêm luôn chức vụ hộ sĩ riêng cho cô? Tôi nghĩ rằng cô sẽ ban cho tôi ân huệ khác.
- Ví dụ?
- Làm một nhà thầu khoán hoặc làm việc dưới quyền đại úy Giắc Đuy-boa.
- Nghĩa là anh không muốn gần tôi?
- Khi chưa có đủ tiền riêng tổ chức bữa tiệc để chiêu đãi cô như hôm nay.
- Với lý do này thì được. Tôi sẽ nói chuyện với Giắc về anh.
Bản nhạc kết thúc. Giắc nhận quyền làm chủ. Anh chàng đại úy người Pháp mời mọi người vây quanh mâm cỗ với đủ món ăn cổ truyền của Việt Nam. Giắc so đũa, chia cho từng người.
- Xin mời. Ở Pa-ri cũng có giò lụa do người Việt làm nhưng không ngon bằng giò Hà Nội. Món nem Sài Gòn và rau ghém này rất hợp với khẩu vị của tôi.
- Anh Giắc cầm đũa thạo nhỉ!
Giắc luôn thích thú về lời khen, khoe luôn:
- Tôi ăn được bún với lòng lợn chấm mắm tôm và thịt chó.
Những người trong cuộc đều cười vui thích thú. Nguyễn Thanh Bình quay mặt đi để che giấu ánh mắt của mình. Với một tên thực dân đi xâm chiếm nước người đã nói tiếng Việt, ăn được những món ăn thuần túy Việt Nam thì không hiểu hắn đã gây ra bao nhiêu tội ác? Anh quay về phía Giắc, nhắc:
- Anh Giắc, anh sử dụng thời gian lãng phí quá. Quyền làm chủ của anh chỉ còn có mười lăm phút. Anh chọn bạn nhảy đi chứ!
Giắc đứng ra giữa nhà, đặt tay trái vào tim mình, tuyên bố:
- Tôi không muốn chuyển tiết mục vì nhiều lí do. Thứ nhất, do tôi bất mãn vì bị bỏ rơi trong hai bản nhạc đầu. Thứ hai, vì tôi phân vân không biết chọn ai giữa hai người đẹp. Thứ ba, là lòng tôi hiện nay giá lạnh. Thôi được, theo gợi ý của ông giáo, xin mời ông Đắc và ông Hảo làm một đôi. Cô Cẩm Nhung và...
- Giắc?
- Bình?
Giắc lắc đầu:
- Tôi ưa trả thù. Người đẹp không mời tôi, xin mời hai người đẹp nhảy với nhau. Tôi sẽ "cặp bồ" với ông giáo.
Cẩm Nhung cười phá lên. Cô ôm Tâm Trinh quay tròn trong vòng nhảy. Nguyễn Thanh Bình bá vai Giắc. So với viên đại úy người Pháp, anh không kém về chiều cao cũng như bề ngang. Anh thủ thỉ tâm sự:
- Ngài đại úy có sáng kiến độc đáo. Nếu không có đề nghị ấy, chả khi nào tôi được vinh dự hầu chuyện đại úy.
- Anh nói tiếng Pháp hay lắm. Anh đã sang Pháp lần nào chưa?
- Đó là mơ ước của tôi. Nghe nói quê đại úy có nghề trồng nho?
- Đúng. Nếu anh được thưởng thức món rượu nho do ông nội tôi pha chế. Tuyệt!
- Xin lỗi, đại úy có biết danh từ "rượu đế" của Việt Nam không?
Giắc cười ha hả, xác nhận:
- Có, tôi có biết. Rượu đế của Việt Nam có một hương vị đặc biệt mà có lẽ không một thứ rượu nào trên thế giới sánh kịp trừ một loại rượu... tình. Thế nào, Tâm Trinh của anh khá đấy chứ?
Nguyễn Thanh Bình trả lời lấp lửng:
- Cô Trinh và gia đình muốn cô ấy thi bác sĩ.
- Còn anh?
- Tôi đang đứng giữa ngã ba đường có thể ngả về bên này, có thể đi theo hướng khác.
- Nghĩa là ông giáo theo Việt Minh?
- Không phải như thế! Với tôi, điều quyết định không phải là chính trị, mà là kinh tế. Tôi đi theo tiếng gọi của đồng tiền.
- Và anh sẽ gạt sang bên những đòi hỏi của trái tim?
- Trong những năm trước mắt của cuộc đời. Tôi còn trẻ tuổi, lo gì.
Tiếng chuông đầu tiên của giờ thứ mười chín vừa điểm, Trần Hảo, với vẻ trịnh trọng có tính toán của nhà thầu khoán, tuyên bố:
- Thưa quý vị, sau năm nghìn bốn trăm giây chờ đợi, tôi mới được quay về với người đẹp của tôi. Mời anh Giắc tiếp nữ chủ nhân. Tôi có ý định cho phép hai vị khách còn lại được tự do hành động.
Đề nghị của Hảo được hoan nghênh vì đã đem lại cái mới cho cuộc vui. Lê Thọ Đắc bập lấy:
- Thanh Bình, ý anh thế nào?
- Ta dùng tiệc Âu, được không?
Hai người bạn có dịp tâm sự với nhau. Bình nhận xét:
- Giắc đã xiêu lòng. Hắn muốn giúp tôi nhưng vì tế nhị, hắn chưa dám chủ động đặt vấn đề. Trong bữa tiệc này, tôi cũng đóng vai người chủ, ngang hàng với Giắc. Chắc là qua gợi ý của Tâm Trinh và của Cẩm Nhung, Giắc sẽ mời tôi cùng cộng tác.
Nguyễn Thanh Bình đã dự kiến đúng. Khi được quyền làm chủ, anh đề nghị Giắc kết đôi với Cẩm Nhung, Trần Hảo kèm Tâm Trinh.
Nửa tiếng nữa trôi qua. Lê Thọ Đắc tìm ra cái cớ để cho Giắc gặp riêng Thanh Bình qua lời tuyên bố:
- Thưa các anh, các chị. Tôi hoàn toàn thông cảm với vẻ bất mãn của anh Giắc khi sự chịu đựng của tôi đã tăng gấp đôi. Các bạn bất công quá. Tôi đã chờ đợi, chờ đợi và đúng giây thứ một vạn vẫn chưa được gần gũi người đẹp một lần nào. Tôi xin lặp lại đề nghị của Giắc.
Giắc cười ha hả tán thưởng. Viên đại úy công binh chủ động mời Thanh Bình và ngay từ bước nhảy đầu tiên, y đã đặt vấn đề.
- Cô Cẩm Nhung cho tôi biết là anh muốn thay đổi không khí vì đã ngán nghề ông giáo. Nếu anh không chê những con số thống kê vô vị, mời anh về làm việc với tôi.
- Ôi, Cẩm Nhung thật là tốt. Trong vòng nhẩy trước, tôi phàn nàn về số phận hẩm hiu của mình và bây giờ tôi đã biết được kết quả. Không hiểu sức tôi có kham nổi việc anh giao không. Tôi cần chuẩn bị những hồ sơ gì? Bao giờ sẽ gặp lại để anh kiểm tra trình độ?
Giắc kéo Bình ngồi xuống ghế:
- Ồ, những chuyện vặt. Tôi với anh là bạn. Tôi tin anh và để bầy tỏ lòng thành, tôi viết giấy chứng nhận cho anh. Lẽ tất nhiên, anh có toàn quyền từ chối, nếu anh không thích. Còn vấn đề tiền lương? Bước đầu, anh vui lòng nhận ngang mức lương những người có bằng tú tài. Tôi sẽ nâng dần lương cho anh.
Nguyễn Thanh Bình gấp tờ giấy của Giắc cất vào túi. Anh lại dìu Giắc ra vòng nhầy. Điệu Săm-ba vui nhộn chưa hết phần mở đầu đã được chủ nhân mời khách vào bàn tiệc. Cẩm Nhung đến gần Thanh Bình:
- Anh thích có Việt Nam hay ưa món ăn Tây?
- Thưa cô, với thân hình lực sĩ lại quá nghèo như tôi thì khoai lang luộc hay ngô bung cũng ngon.
- Chà! Nghe anh nói, Cẩm Nhung ghen với anh. Có nhiều bữa, Nhung chỉ gặm nổi một lát bánh mì.
- Nếu vậy, tôi khuyên cô dùng món mầm đá.
- Tiếng Việt chúng ta thật phong phú. Cẩm Nhung không tài nào dịch cho người Pháp lần đầu đặt chân đến Hà Nội hiểu vì sao "đại phong" lại là lọ tương được.
- Cô giảng chữ đại là lớn, phong là gió. Gió lớn sẽ đố chùa, đổ chùa thì tượng lo. Cô viết hai chữ tượng lo, nhắc dấu nặng của chữ tượng sang chữ lo để giải thích, chắc người ta sẽ hiểu.
Cẩm Nhung cười vang. Giắc quay lại.
- Anh Bình có tài gì khiến người đẹp vui cười như vậy?
Nghe Bình kể lại, Giắc giơ cao hai tay lên trời ra vẻ bất lực rồi bình phẩm:
- Mỗi nước có nền văn hóa riêng. Trong hành lý đem về Pháp của tôi có tập thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đọc bài thơ nào của bà tôi cũng thích. "Quân tử có thương thì đóng cọc, xin đừng mân mó nhựa ra tay" để tả quả mít quả là rất thanh mà không ai không hiểu cái tục của ý thơ.
- Anh Giắc mà chuyển sang nghề giáo sư sử học hoặc nghiên cứu ngôn ngữ Việt chắc là thích hợp. Cô Cẩm Nhung có đồng ý với tôi không?
- Anh Giắc sẽ là chủ đồn điền trồng nho. Anh được hưởng gia tài và kế nghiệp nghề truyền thống của gia đình. Về Pháp anh sẽ quên chúng ta ngay.
Giắc cười ha hả:
- Cô Cẩm Nhung hiểu lầm tôi rồi. Người Việt Nam có câu nói rất hay trong trường hợp này: "Nếu lòng dạ tôi như cái bánh, tôi xin bóc ra để mọi người xem". Chỉ cần Cẩm Nhung ra lệnh là tôi sẽ chấp hành ngay, dù phải nhảy vào vòng lửa.
- Cám ơn anh Giắc!
Nhung đang bắt cá hai tay, "ôm" một lúc hai người tình đều nằm trong tính toán tương lai của cô. Cô sẽ không về Huế. Người con gái đã sống rất phóng khoáng giữa thủ đô Pa-ri hoa lệ; đã buông thả mình tại Hà Nội không thể ghép mình trong khuôn phép một gia đình hoàng tộc mà cô đang mang dòng họ. Khi giao dịch cô ít khi dùng giọng Huế với người Hà Nội và cô thường tự giới thiệu mình là Mari Nhung trước những vị khách của ông Giô-dép. Đến bây giờ, tuy má cô chưa chính thức thú nhận, nhưng cô không chỉ linh cảm mà bằng trực giác, cô biết mình là con đẻ của ông Giô-dép. Ông thương cô thực sự. Ông muốn gây dựng tương lai rực rỡ cho cô. Ông thuyết phục cô, vun đắp cho cô với Giắc nhưng Cẩm Nhung chưa chiều theo ý ông. Dù sao, cô cũng là người Việt Nam, cô chưa có ý định dứt khoát sẽ chọn ai làm chồng. Nguyễn Thanh Bình đã lọt vào mắt xanh của cô. Anh được liệt vào danh sách những ứng cử viên mà cô cần xét duyệt.
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ