Within you, I lose myself. Without you,

I find myself wanting to be lost again.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hị Phạm Thị Thoa quay về làng Phượng Vũ. Chị nhớ con vô cùng. Chị ôm bé Hạnh vào lòng, tắm rửa cho con, mặc cho con bộ quần áo mới chị mua ở Hà Nội. Con bé mau lớn quá chừng. Mới bốn tháng xa con, chị đâu ngờ bé Hạnh phổng phao, hồng hào đến như vậy. Càng lớn, con bé càng giống bố như đúc. Giá mà mang con bé lên Hà Nội cùng sống với chị? Không có ai ngăn cản chị làm điều này - kể cả mẹ - song chị tự kìm nén mọi ước muốn của mình. Chị vào Hà Nội để tìm anh. Chưa ai biết chị đã có chồng. Ngày lên Hà Nội, chị kiếm nghề bán rau quả ở chợ Bắc Qua. Cám cảnh cô đơn, nghèo túng của chị, bà Loan mời chị về chung sống. Chị từ chối:
- Cháu ngại làm phiền ông bà...
- Chị mới năm mươi tuổi. Chị thương hoàn cảnh của em, xem em như em gái út của chị. Chị không có con. Thời trai trẻ, anh ăn chơi trác táng nên bị bệnh. Em về sống cùng chị cho vui.
Thoa theo chị Loan về nhà. Chồng chị trạc sáu mươi tuổi, bị bệnh hen suyễn kinh niên nên chỉ làm được việc trong nhà, thổi cơm giúp vợ. Ông xởi lởi với khách:
- Vợ chồng tôi sống ung dung lắm: có nhà ngoài, buồng trong, gác trên, bếp dưới. Anh chị nhường cho cô ở căn buồng này.
Chị Thoa ngắm "căn buồng”. Đây là gian chái nhà, rộng khoảng bốn mét vuông, được quây lại bằng liếp. Nếu mở thêm cánh cửa ra vào, chị sẽ có lối đi riêng rẽ không phải đi chung cửa với chủ nhà. Chị đặt vấn đề:
- Em cám ơn lòng tốt của anh chị. Anh chị rất nghèo, chị phải lo thuốc thang cho anh nên em xin anh chị cho em thuê căn buồng này...
- Lưng vốn cô có bao nhiêu chị biết rồi. Cô định trả anh chị bao nhiêu mỗi tháng? Chị thấy cô hiền lành, cơ nhỡ nên chị giúp cô cho vui nhà lúc tối lửa tắt đèn.
- Em hiểu lòng tốt của anh chị. Anh chị thương em, em không dám chối từ.
Chị Thoa có mối lo riêng của mình. Ở Hà Nội, thiếu gì bà vợ không muốn cưới vợ lẽ cho chồng để gia đình không tuyệt tự. Lại còn các loại Tú Bà chuyên dắt gái cho các nhà chứa nữa chứ! Với mọi người, chị đang là con gái. Tuy đã gần ba mươi tuổi song nhờ nước da trắng, thân hình cân đối nên chị cũng thuộc loại ưa nhìn. Bà Loan không thuộc hạng người trên và ông chồng bà hay ốm yếu, đi lại còn khó khăn nên không thể có trò sàm sỡ với chị. Chị sẽ lo ăn ở để khỏi phụ lòng tin của chủ nhà.
Có được chỗ nương thân, chị chuyên tâm lo buôn bán và tìm chồng. Chị không muốn đến chỗ ở cũ của anh ở phố Mai Hắc Đế để hỏi thăm. Chị càng không có ý định giáp mặt những ai đã cùng công tác ở Nha Công an cũ. Với tất cả mọi người quen ở Hà Nội, chị và anh là hai con người riêng rẽ, chưa có mối quan hệ gì với nhau.
Sáu tháng đầu chung sống với chị Loan, Thoa chợt nhận ra sai lầm của mình. Nếu mình cứ đứng lỳ một chỗ ở chợ Bắc Qua thì làm sao kiếm được anh? Thoa quyết định phải đi bộ, dạo qua các phố đông người. Thoa nhận ít hàng hơn. Dành cả buổi chiều lang thang ở hồ Hoàn Kiếm, lượn qua phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông... Chị Loan rất ngạc nhiên trước thay đổi của cô em gái nuôi. Một buổi tối, chị trao đổi thẳng thắn với Thoa:
- Tại sao em cứ như người mất hồn vậy? Chị với em là đàn bà, em nói thật với chị đi: em có cần đàn ông lắm không?
- Không chị ạ!
- Này, chớ có dại dột nghe người ta dụ dỗ. Thân gái phải biết giữ gìn. Làm cái nghề bán trôn nuôi miệng tuy kiếm được nhiều tiền, lại nhàn hạ nhưng nếu mang bệnh vào người sẽ khổ cả đời.
Trời! Đến nông nỗi này cơ à? Chị Loan đã nghi ngờ Thoa cho rằng những buổi dạo chơi của Thoa là đi kiếm khách làng chơi. Làm cách nào thanh minh với vợ chồng chị? Thoa không thể ngồi nhà để tỏ ra mình tu chí, mình ngay thẳng, mình không cần đến đàn ông mà vẫn phải duy trì nếp đi dạo phố. Thoa phải thuyết phục làm sao để chiếm được lòng tin hoàn toàn của vợ chồng chủ nhà. Thoa gục đầu vào lòng chị Loan:
- Chị ơi! Em không phải hạng người đốn mạt như vậy đâu. Từ ngày về ở chung với anh chị, em đã có lần nào cười đùa hay sàm sỡ với đàn ông? Em xin thề trước anh chị, trước vong hồn đã khuất của bố em là em không hề làm việc bậy bạ. Chỉ nghĩ đến điều đó, em đã rợn người. Chị cứ nhổ vào mặt em, tống cổ em ra khỏi nhà nếu em lả lơi với thằng con trai nào.
- Thế tại sao em cứ đi bộ hết phố này sang phố khác?
Chị Loan vẫn nghi ngờ Thoa. Những người con gái luống tuổi thường thèm đàn ông. Những lúc sinh lý đòi hỏi cao độ mà không có ai đáp ứng, người con gái thường lao vào công việc thổ mộc hoặc tìm việc nặng nhọc nhất như bổ củi, xay lúa... để quên đòi hỏi xác thịt. Chị Loan nghĩ rằng Thoa đi bộ, để thoát khỏi cơn thèm muốn. Thoa đành dựa vào sự thật để kể cho chị nghe chuyện riêng tư của mình.
- Trước ngày cách mạng về em có yêu anh Đạo. Chúng em thề sẽ ăn đời ở kiếp với nhau. Ngày em đi tản cư, anh Đạo ở lại Hà Nội. Những ngày qua, em đi tìm anh ấy.
- Sao cô lẩn thẩn vậy. Con người chứ có phải cái kiến đâu mà cô phải dò tìm từng phố! Cô cậu không có bạn bè thân thuộc cũ ở Hà Nội à?
Cái lý của chị Loan đưa ra rất đúng, song đã trót "đâm lao", Thoa đành bịa thêm chuyện cho hợp lý.
- Chị thông cảm với em. Em là con gái quê mùa, lên Hà Nội học nghề may ở nhà người quen ở Hàng Bột. Anh đến may quần áo. Anh gặp em. Anh hẹn em đi chơi, tỏ tình với em. Em không biết anh ở đâu, làm nghề gì. Em đã đến Hàng Bột nhưng bà chủ cũ đã bán nhà rồi.
Chị Loan thở dài:
- Ôi, cái cô này! Chỉ có rỗi hơi mới làm cái việc mò kim đáy biển như cô. Chị hỏi thật, cô đã dại dột với nó chưa?
- Chưa chị ạ.
- Chị khuyên cô bỏ ngay cái trò nằm mơ giữa ban ngày đi. Trăm thằng đàn ông có tới chín chín thằng có vợ, có con còn đi tòm tem. Cô chả có điểm nào tin ở thằng Đạo được thì cô tìm nó làm gì? Cô đứng tuổi một chút nhưng trông cũng sạch nước cản, chị hứa sẽ kiếm cho cô một tấm chồng.
Thoa ngồi im lặng. Chị chưa có ý gì để cãi lại gợi ý của người đỡ đầu cho mình. Chị cũng không muốn hứa hẹn từ bỏ những buổi chiều đi tìm anh, đồng thời không định tiết lộ thêm điều gì về con người của anh. Chợt nẩy ra một ý, chị gục đầu vào vai chị Loan thủ thỉ:
- Chị ạ, em đã đi bói, đi xin quẻ thẻ ở chùa về đường nhân duyên của mình. Cả ông thầy bói và lời thánh dạy đều nói là em sẽ gặp lại anh Đạo trong năm nay. Xin chị đừng ngăn cản em và đừng đưa người khác đến với em.
Chị Loan tặc lưỡi:
- Tùy cô thôi, chị chả ép.
Từ ngày tranh thủ được sự đồng tình của chủ nhà. Thoa có lý do để vắng nhà. Chị đi dạo qua nhiều phố xá, qua phố đông người rồi khu vắng người qua lại song chả thu được kết quả gì sau ba tháng tìm kiếm. Hơi nản lòng, Thoa về quê thăm mẹ, thăm con. Nếu bây giờ Thoa ngỏ ý sống ở quê cùng với mẹ hoặc đem con theo lên Hà Nội, mẹ đều chiều ý. Thoa phải chọn cách nào? Đem con theo, Thoa sẽ giải thích với vợ chồng chị Loan như thế nào? Thoa sẽ ôm con, lo kiếm sống nuôi cả hai mẹ con nên chả còn rảnh rỗi đi tìm anh. Không có anh, đời chị thật vô nghĩa. Sống ở nhà với mẹ cũng thật vô lý. Chị tìm đường từ Thanh Hóa về Hà Nội đâu chỉ với mục đích sống chung với mẹ ở làng quê Phượng Vũ. Chị kể về chỗ ở của mình và những việc mình làm để đi tìm chồng với mẹ. Mẹ thương con song không biết góp ý với con gái thế nào? Mẹ nghèo quá - Nếu mẹ có tiền, mẹ lên Hà Nội thuê nhà, mẹ sẽ có điều kiện đi tìm con rể dễ dàng hơn nhưng mẹ không thể làm việc đó. Sống trong lòng địch, mẹ phải giấu kín quá khứ con gái, con rể mẹ. Mẹ không hé lộ với ai là các con mẹ đã từng là chiến sĩ tình báo của Nha Công an Việt Nam. Mẹ khuyên con gái:
- Con đã trưởng thành rồi, việc hạnh phúc đời con do con tự quyết định. Con cứ giao cháu Hạnh cho mẹ. Hay là con thử tìm về quê chồng con xem sao?
- Không nên mẹ ạ! Con chưa về quê anh lần nào. Con không ngại là bố mẹ hoặc họ hàng bên chồng không nhận con mà con lo giữ bí mật cho anh. Con không rõ anh về Hà Nội dưới danh nghĩa gì, anh khai là đã có vợ chưa? Nếu con đột nhiên xuất hiện, mọi kế hoạch của anh đều bị đổ vỡ.
- Chả lẽ con chịu bó tay?
- Không đâu mẹ ạ. Anh chỉ ở Hà Nội thôi. Hà Nội không rộng lắm, con đi mãi cũng có dịp gặp anh.
- Tùy con.
Chị Thoa trở lại Hà Nội. Hơn một tháng sau, chị bất ngờ reo lên khi người khách bước vào nhà chị Loan: "Mẹ".
Chị Loan niềm nở:
- Cô ra chơi. Có việc gì cần đến Thoa không cô?
Mẹ chị ý tứ:
- Tôi nhớ em Thoa. Tôi đến thăm em nhân tiện cám ơn anh chị đã cưu mang, đùm bọc em. Có đôi gà trống thiến tôi chăn nuôi được...
- Vợ chồng cháu chả dám nhận đâu. Cô đến với chúng cháu là quý lắm rồi. Có em Thoa, nhà cháu đỡ hiu quạnh hơn. Bao giờ cô định cho em Thoa ở riêng?
Rất may là Thoa đã kể với mẹ nghe về hoàn cảnh mới của mình. Mẹ cười xởi lởi:
- Tôi cứ giục nó mãi. Chả rõ nó đi bói toán ở đâu về, nó tin lắm. Nó xin tôi hoãn cho một năm. Tùy chị ấy thôi. Con gái đã ba mươi tuổi rồi mà cứ nhởn nhơ như mới mười tám, đôi mươi. Sốt cả ruột!
- Mẹ!
- Cô cứ giao Thoa cho vợ chồng cháu. Nếu Thoa không nghe lời, cháu đã có roi mây rồi.
Mẹ ý tứ đưa mắt cho con gái. Thoa xách lồng gà đi vào bếp bị chị Loan ngăn lại:
- Anh chị không nhận đâu. Em mang ra chợ bán, mua cho cô bộ quần áo.
Mẹ lên tiếng:
- Anh chị đừng làm thế, tôi không bằng lòng. Đây là "cây nhà lá vườn", tôi nuôi được chứ có mua bán gì đâu.
Thoa tươi cười dàn hòa:
- Chiều nay, em thịt một con, tổ chức bữa ăn tươi, mời anh chị cùng dự với mẹ con em. Tuần sau, em và anh chị xử nốt chú thứ hai.
Ông chủ nhà lộ ý tán thưởng:
- Ý kiến cô Thoa hay đấy. Tôi xin nhận chân đầu bếp. Bà chạy ù ra chợ mua cho tôi cái món gia vị.
Chị Loan nguýt yêu chồng:
- Tôi đành chịu thua cái tính tham ăn của ông.
Chị Loan vừa ra khỏi nhà, Thoa đã kéo mẹ vào buồng.
Chị sốt ruột quá. Chị thì thào:
- Có chuyện gì xảy ra với cháu Hạnh phải không mẹ?
Mẹ ghé sát vào tai con gái:
- Mẹ mới gặp thằng Bình.
- Thật không, mẹ?
- Mẹ nỡ nào nói dối con chuyện hệ trọng như thế này.
Mẹ kể lại chuyện xẩy ra: Cách đây một tuần, Nguyễn Thanh Bình thoáng thấy bóng chị đi ở phố Tràng Tiền. Anh bảo tài xế quay ô tô lại. Vì trên xe có ba người bạn, anh không có cớ gì để dừng lại với chị nên anh đành phải cho xe chạy thẳng. Từ hôm đó, anh tự lái ô tô đi tìm chị nhưng không gặp. Anh quyết định về làng Phượng Vũ song không dám đường đột nhận mẹ vợ, càng không thể công khai tự xưng là bố cháu Hạnh. Anh đi thăm nhiều nhà dân rồi ghé vào với mẹ. Vì anh chỉ đi một mình nên anh trò chuyện với mẹ rất thân tình, cởi mở. Trong hơn nửa giờ gặp mặt, anh luôn bế cháu Hạnh. Trước lúc chia tay, anh đưa biếu mẹ khoản tiền lớn và yêu cầu:
- Mẹ! Con thương Thoa lắm! Nhất định con sẽ đến với Thoa. Mẹ thông cảm cho con. Vì nhiệm vụ, con không thể nhận mẹ, nhận Thoa là vợ và cháu Hạnh là con. Con nhờ mẹ lên Hà Nội báo trước cho nhà con. Khi gặp mặt, con sẽ nhận tên là Đạo, là công chức, đã có vợ con. Mẹ dặn Thoa là những điều đó đều do con bịa ra để Thoa khỏi bị bất ngờ.
Chị Thoa vui lắm. Điều mơ ước của chị sắp trở thành sự thật rồi. Chị nghĩ đến câu phương ngôn "Có công mài sắt có ngày nên kim" hay câu "Gái có công thì chồng chẳng phụ” nên hết sức sung sướng. Rõ ràng là anh rất yêu chị, thương chị nên anh mới tìm cách bắt liên lạc với chị. Nếu anh thay lòng đổi dạ, trọng phú khinh bần, anh sẽ lảng tránh chị. Chả ai ép buộc anh về làng Phượng Vũ tìm chị ngoài tiếng gọi của trái tim anh. Chị sẽ đáp lại tình anh, không phụ tấm lòng anh và bảo vệ anh bằng mọi giá.
Tiễn mẹ về rồi, Thoa vẫn đi dạo phố. Thoa không hy vọng gặp anh Bình nhưng chị không muốn từ bỏ thói quen khiến chủ nhà nghi vấn.
Vào khoảng tám giờ tối thứ bẩy, Thoa nghe tiếng gõ cửa. "Anh đến!". Chị muốn reo lên, chạy ào ra mở cửa song cố ép mình ngồi lại trong buồng, tim đập rộn rã. Chị Loan ra mở cửa. Anh lách vào. Anh mặc quần âu trắng, áo lụa trắng, đeo kính gọng vàng. Anh lễ phép:
- Thưa anh chị, em là bạn cô Thoa...
- Cậu là Đạo phải không?
- Vâng ạ!
Chị Loan chạy ào vào buồng lay gọi Thoa. Thoa giả vờ ngái ngủ:
- Có chuyện gì vậy, chị?
- Dậy! Dậy! Trời phật đã phù hộ cho cô rồi. Cậu Đạo đã đến thăm cô.
- Thật không, chị?
- Cậu ấy đang ngồi nói chuyện với anh. Này, cậu Đạo đẹp trai, giàu có lắm.
Thoa làm bộ ngần ngại:
- Em ăn mặc nhếch nhác như thế này...
- Vẽ sự. Người ta tìm đến túp lều này thăm em là người ta có tình lắm rồi. Em ra đây!
Chị Loan kéo Thoa ra ngoài. Thoa rất muốn sà vào vòng tay anh, gục đầu vào ngực anh mà khóc song chị phải giữ ý với chủ nhà. Chị đứng sững giữa nhà thốt lên "Anh, anh Đạo!". Anh lại gần chị:
- Thoa!
- Sao anh biết địa chỉ của em ở đây?
- Anh gặp Kim Dung. Dung cho anh địa chỉ.
- Cậu Đạo có biết không? Gần nửa năm nay, cô Thoa đã đi khắp Hà Nội để tìm cậu. Cậu hiện ở đâu, đang làm gì, có vợ con chưa?
Anh giữ vẻ mặt rầu rĩ:
- Em làm thông phán. Em đã có vợ, có con rồi chị ạ.
Chị Loan nói giọng gay gắt:
- Nếu vậy cậu còn đến đây gặp Thoa để làm gì?
- Em đến để xin lỗi Thoa. Em vẫn yêu Thoa. Chúng em chia tay nhau từ năm 1946. Em đã chờ Thoa, tìm Thoa khắp mọi nơi. Mãi tới năm 1950, em mới lập gia đình. Mong chị và Thoa thông cảm với em.
Đến lúc này, Thoa phải lên tiếng để gỡ thế kẹt cho anh:
- Lỗi này cũng tại em, em không có địa chỉ nào để anh liên lạc.
- Xin lỗi anh chị, em xin phép được gặp riêng Thoa. Em sẽ trả cô ấy trước mười giờ tối.
Chị Loan lên tiếng ngay:
- Điều này do cô Thoa tự quyết định. Theo chị thì cậu đã có vợ rồi, tình cảm cũ giữa đôi bên không nên khơi dậy nữa.
Thoa phải ra chính kiến của mình:
- Em đồng ý đi với anh Đạo. Em cần nghe anh nói dứt khoát một lần để sau này đôi bên không còn vương vấn gì nữa.
- Tùy cô thôi!
Vừa ra khỏi nhà anh đã rỉ tai Thoa:
- Anh đi sánh đôi với em sẽ rất bất lợi cho anh...
Chị gật đầu, chân bước chậm lại. Anh rất hiểu chị và chị hoàn toàn thông cảm với anh.
Ra đến bờ đê, anh dừng lại chờ chị. Chị đến gần anh, định ôm lấy chị nhưng chị không chịu. Anh ngỡ ngàng:
- Sao vậy? Em giận anh à?
Chị đáp lí nhí:
- Không. Em ngượng lắm. Ở đây có nhiều người quá!
Anh cười. Sao cái điều đơn giản như vậy mà anh không để ý tới. Vợ anh là con gái ngoại thành, đã từng sống ở Hà Nội, đã vào tuổi ba mươi, có con rồi nhưng chị chưa đi chơi phố với bất cứ người con trai nào - kể cả anh - nên chị không đồng tình với cử chỉ âu yếm ở chỗ đông người. Anh thổ lộ:
- Anh nhớ em quá! Em ngồi xuống đây.
Anh kể cho chị nghe những chuyện gì đã đến với anh từ ngày xa cách. Chị thương anh! Lúc này, vì tình cảm bị nén chặt lâu ngày, vì thấy mọi cặp xung quanh đều làm cái việc thổ lộ tình cảm rất tự nhiên, thoải mái, chị đã gục đầu vào lòng anh, đón nhận nụ hôn đằm thắm.
Trước mười giờ, chị về nhà. Chị Loan săn đón:
- Thế nào, cô cậu nói với nhau những gì?
- Anh ấy thanh minh với em.
- Này, tại sao cậu ấy không đi ngang hàng với cô? Có phải cậu ấy sợ vợ đánh ghen không?
- Vâng ạ.
- Này, có khôn hồn thì giữ lấy thân. Bất cứ thằng đàn ông nào cũng thích của lạ. "Khôn ba năm dại một giờ", cô chớ nghe nó dỗ ngon, dỗ ngọt...
- Em thương anh ấy quá! Anh ấy vẫn rất yêu em.
- Nếu vậy, cô khuyên cậu ấy làm đám cưới đi.
- Anh ấy có vợ rồi.
- Cô nhận làm lẽ cũng chả sao. Thời buổi chiến tranh này, trai năm, bẩy vợ là thường.
- Em đến trước sao em phải cam chịu làm vợ hai?
- Hay là cô khuyên cậu ấy bỏ vợ đi?
- Em chịu thôi! Ai lại như thế? Anh chị cho phép em suy nghĩ kỹ đã. Em sẽ xin ý kiến anh chị sau.
- Tùy cô!
Phạm Thị Thoa vào giường nằm. Hơi ấm của anh như đang quện trên da mặt, ở đôi môi, ở mái tóc của chị. Chị lim dim, hình dung lại mọi điều anh đã kể.
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ