In reading, a lonely quiet concert is given to our minds; all our mental faculties will be present in this symphonic exaltation.

Stéphane Mallarmé

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hị Phạm Thị Thoa ngồi ở quán nước hơn một giờ đồng hồ mà vẫn chưa chọn cho mình một quyết định: Nên như thế nào? Chị đi lại trong vùng địch rất dễ dàng. Chưa có tên cảnh sát hoặc viên chức nào xét hỏi chị. Chị nên bế con về thẳng làng Phượng Vũ (Hà Đông) quê chị, nhờ mẹ chị trình báo với thôn trưởng, xã trưởng hay vào đồn cảnh sát ở bên kia đường để trình diện? Không hiểu chị có giữ được bình tĩnh trước mặt kẻ thù hay không? Mới tuần trước, chị còn là dân vùng tự do thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Mới hơn nửa năm trước, chị tiễn chồng là cán bộ tình báo vào hoạt động trong lòng địch ở Hà Nội, thế mà giờ đây chị sẽ phải lộ mặt ra trước kẻ thù, phải khúm núm, quỵ lụy chúng. Trời! Mới hôm nào sau Cách mạng tháng Tám, chị là cán bộ Nha Công an Việt Nam. Chị ở trong cùng tổ công tác với anh Nguyễn Thanh Bình. Anh là tổ trưởng của chị, cùng chị lùng bắt bọn làm bạc giả, trấn áp bọn phản động có tầm cỡ, thế mà giờ đây...
Ngày rời Thanh Hóa, chị đã tính toán đến chuyện này. Anh đi rồi, chị không còn ai thân thuộc ở địa phương. Chị thấy lẻ loi, đơn độc quá! Một buổi tối, ngồi một mình ôm đứa con bị sốt vào lòng, chị thoáng nghĩ đến hồi cư và cái ý nghĩ này cứ bám riết lấy chị. Chị về Hà Nội tìm anh, sống chung với anh? Nên chứ! Chị sẽ về làng Phượng Vũ sống chung với mẹ. Mẹ con, bà cháu đùm bọc lấy nhau, no đói có nhau. Chị không dám thổ lộ với ai về ý định hồi cư. Vào thời điểm năm 1951, nếu ai bỏ vùng tự do vào vùng địch thường bị gọi là “dinh tê", là Việt gian. Chị không là Việt gian, càng không nuôi ý định tìm vào vùng tề để sống sung sướng, an nhàn, đỡ cảnh chân lấm tay bùn. Chị nhớ chồng, nhớ mẹ, nhớ quê hương quá! Chị tự biện hộ cho mình với cái lý do: hồi cư nhưng không theo địch, không phản động.
Chị ngấm ngầm chuẩn bị: tiền, quần áo, lương thực, giấy tờ. Ủy ban hành chính cấp huyện hoặc cấp xã sẽ không cấp giấy thông hành cho chị vào vùng địch, song chị phải có thứ giấy tờ gì đó chứng tỏ với kẻ địch là chị ở xã Hoằng Giang, tỉnh Thanh Hóa. Mấy cái biên lai thu tiền khi chị sinh con và giấy giới thiệu của y tế xã Hoằng Giang cho chị đưa con chị xuống huyện Hoằng Hóa chữa bệnh, sẽ là chiếc chìa khóa của chị. Chị phải lo khai báo với kẻ thù về bố cháu Hạnh. Rất may là khi rời Hà Nội, chị là gái chưa chồng. Bà con, cô, dì, chú, bác, hàng xóm, láng giềng ở làng Phượng Vũ đều chưa biết tin, biết mặt anh Nguyễn Thanh Bình. Trước và sau cách mạng tháng Tám, chị sống với dì ruột ở Hàng Bột, còn anh ở phố Mai Hắc Đế. Khi cả hai cùng ở trong đội trinh sát của Nha Công an, anh đã để ý đến chị song chưa ngỏ ý gì. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), đội trinh sát rút về Kim Lủ, anh mới bày tỏ nỗi lòng mình với chị. Chị tranh thủ tạt qua nhà xin ý kiến mẹ. Mẹ chị đã khuyên:
- Con đã hai nhăm tuổi rồi, con được thằng Bình thương yêu đến là nhà ta có phúc. Mẹ bằng lòng. Các con cứ lo tổ chức đám cưới không cần chờ mẹ.
- Nhỡ anh ấy lại thay lòng đổi dạ không lấy con nữa thì sao?
- Thì chị sẽ sống đến già, tôi sẽ nuôi báo cô chị. Chị nhiều tuổi rồi, chị biết phải làm gì để lo liệu hạnh phúc cho mình.
Mẹ là người duy nhất biết chị có người yêu, nhưng mẹ chắc không nói với ai vì chuyện đó chưa có gì chắc chắn cả. Chị lấy tờ giấy giá thú ra xem lại. Đây là kỷ niệm không bao giờ quên trong chị. Chị và các anh em thành viên trong đội trinh sát tản cư vào Vinh - Nghệ An. Chị rất vui vì đã gặp được chị ruột, anh rể và các cháu. Chị Phạm Thị Túy cùng chồng làm công nhân nhà máy giấy Vinh đã sốt sắng lo tổ chức đám cưới cho em gái. Chị Túy bàn:
- Sau ngày cưới, chú dì về sống chung với anh chị.
- Không được đâu chị ạ. Anh Nguyễn Tạo mới tuyên bố giải tán đội trinh sát, đưa quyết định điều động vợ chồng em cùng tham gia ủy ban giúp đỡ đồng bào tản cư.
Trước hôm cưới, anh Bình cùng chị đến ủy ban hành chính thị xã Vinh xin giấy đăng ký kết hôn. Để bảo đảm bí mật, anh chị thống nhất không khai nghề nghiệp chính thức của mình là: đội viên đội trinh sát thuộc Nha Công an Việt Nam, mà chỉ khai nghề làm ruộng. Chị có thể tận dụng giấy này được. Gần một năm tham gia đội trinh sát, chị được học nghiệp vụ tình báo và được rèn luyện nhiều trong thực tế công tác nên chị đã có kinh nghiệm nhất định. Chị nhớ đến kỷ niệm còn non nớt của mình. Lần đó, sau khi đã xác định mục tiêu, anh giao việc cho chị:
- Cô làm cách nào đột nhập vào nhà đó, cố đổi tiền thật lấy bạc giả. Nếu nó đồng ý đổi một ăn hai, cô mở cửa sổ để soi tiền. Nếu cửa sổ đã mở sẵn, cô đến đứng bên cửa để xem tiền giả. Đó là ám hiệu thông báo cho chúng tôi.
Chị tự vạch kế hoạch hành động. Trong Nha Công an có phòng hóa trang. Bất cứ đội viên trinh sát nào muốn nhập vai nhà tư sản, chủ hãng buôn, người đạp xích lô, cô hàng xén hoặc ông ăn mày đều được toại nguyện. Nhân viên của phòng hóa trang đủ tài tạo cho khuôn mặt anh (hoặc chị) già hơn hay trẻ hơn; khoác cho anh trang phục mốt mới nhất với đủ loại nữ trang đắt tiền hoặc trao cho anh chiếc áo vá chằng, vá đụp với loại thuốc làm cho nước da anh đen, trông anh thật tiều tụy. Chị đến phòng hóa trang yêu cầu được cải trang thành cô gái người dân tộc Thái. Nắm được kế hoạch của chị, anh hỏi:
- Tại sao cô chọn vai này?
- Em là cô gái Thái, con Phìa Bản nên lanh lợi hơn. Người dân tộc ít thích bạc mới, không hề phân biệt thật giả. Em là người buôn bạc giả.
- Cô Thoa! Muốn lừa được đối phương, cô không bao giờ được dựa riêng vào nhận thức chủ quan của mình mà phải đặt mình vào vị trí đối phương. Tên làm bạc giả có thừa khôn ngoan để kiểm tra cô.
- Kiểm tra bằng cách nào?
- Nếu tôi là tên trùm làm bạc giả, tôi sẽ hỏi cô: "Thưa cô! Cụ thân sinh của cô tên là gì, ở làng bản nào?".
- Thưa, ông già tôi là Giàng Soang ở thị xã Lạng Sơn.
Anh cười vang:
- Thưa cô. Theo tôi biết ở Lạng Sơn không có người Thái và chỉ có người H'mông mang họ Giàng thôi.
Chị cãi:
- Em đọc sách trong thư viện. Nếu anh không tin, em lấy sách về để chứng minh.
Anh xua tay, nói một tràng tiếng nước ngoài. Thấy chị ngồi ngẩn ra, anh vẫn sắm vai tên làm bạc giả; tuyên bố:
- Thưa bà trinh sát, bà chưa đủ bản lĩnh để qua mặt tôi Đâu. Tại sao bà là người Thái mà khi tôi nói tiếng của dân tộc bà, bà không hiểu?
Chị cúi đầu thừa nhận mình đã sai lầm (sau này anh thú thật với chị là anh không biết tiếng Thái. Anh đã bịa ra thứ tiếng lạ tai để giáo dục chị). Anh tuyên bố:
- Da cô trắng, người thanh mảnh, hoàn toàn có dáng dấp cô gái Hà Nội nên cô phải bỏ ngay kế hoạch cũ đi.
Nghe lời anh, chị cải trang thành cô gái làng hoa ở ngoại thành, mặc áo cánh tứ thân, yếm đào, vấn khăn. Chị nhập vai rất đạt, nên đã gài thủ phạm vào bẫy dễ dàng. Từ kinh nghiệm cũ, chị đã chuẩn bị cho chuyến hồi cư của mình khá chu đáo, không phải vì chị mà vì chồng chị. Anh đang ở Hà Nội nhưng anh đang làm gì, giữ cương vị gì, chị không rõ. Chị không có quyền làm ảnh hưởng đến anh. Chị tự nhận trách nhiệm bảo đảm an toàn cho anh không chỉ vì anh là chồng chị mà vì anh được Nha Công an Việt Nam tuyển chọn để tung về Hà Nội. Hồi đó, vào đầu năm 1950, anh đang là cán bộ thuộc ty thủy lợi tỉnh Thanh Hóa và chị theo chồng ra tỉnh Thanh để được gần gũi anh, lo chăm sóc sức khỏe cho anh. Anh Nguyễn Tạo đã gặp riêng anh chị trao đổi:
- Ta có chủ trương tung những trinh sát thuộc Nha Công an cũ quê ở Hà Nội trở lại hoạt động trong nội thành. Hai đồng chí có gặp trở ngại gì không? Tôi e rằng đồng chí Thoa chưa đi được đợt đầu vì cháu Hạnh còn quá nhỏ. Cháu được mấy tháng rồi?
- Thưa anh, cháu được bốn tháng.
Suốt đêm đó và cá ngày hôm sau anh chị chỉ bàn đi hay ở. Chị không hé nửa lời khuyên anh hoặc nài nỉ anh ở lại với chị, mặc dù chị cảm thấy vô vàn khó khăn sẽ ập đến với chị nếu anh ra đi. Chị sẽ bơ vơ một thân, một mình ở nơi đất khách quê người. Chị không biết làm ruộng, chị làm sao sống nổi ở vùng quê nông nghiệp? Nếu con chị trái nắng, trở trời và chị ốm đau gục xuống thì sao? Chị cố ghìm những suy tư riêng để khuyên anh:
- Em không đưa con về Hà Nội. Anh về trước đi. Bao giờ con khôn lớn, em vào sau.
- Để em và con lại anh không an tâm chút nào. Vợ chồng mình nghèo quá! Nếu anh có vài cái nhẫn vàng để lại cho em làm lưng vốn, anh sẽ đỡ lo lắng.
- Trời sinh voi, trời sinh cỏ, người ta sống được, mẹ con em cũng không chết đói đâu.
- Hay là, em đưa con về quê gửi mẹ?
- Không được đâu vì con còn nhỏ quá, mới bốn tháng tuổi, nên phải bú sữa mẹ. Hơn nữa, anh Nguyễn Tạo không có ý định cho em nhập cuộc đợt này.
- Anh Nguyễn Tạo nói với em như vậy à?
- Anh ấy nói là: "E rằng đồng chí Thoa chưa đi được đợt đầu vì con quá nhỏ?".
- Chúng ta đề nghị lại.
- Không nên anh ạ. Hai chúng ta đều là trinh sát, đều rút khỏi Hà Nội sau ngày toàn quốc kháng chiến, nếu bây giờ cả hai đều trở lại địa bàn cũ, là một cặp vợ chồng, sẽ rất dễ bị lộ tung tích. Vào Hà Nội một mình, anh dễ tạo ra lý lịch giả, có điều kiện để che tai, bịt mắt địch thuận lợi.
Anh không thể trả lời được vì những điều chị phân tích đều rất đúng, có lý lẽ đầy sức thuyết phục mà bất kỳ ai đã ở trong nghề tình báo cũng phải nghe theo. Tiễn anh đi rồi, chị ngày càng cảm thấy lẻ loi, đơn độc. Những người xung quanh thấy anh vắng nhà lâu đã săn đón, dò hỏi. Chị không thể trả lời: "Anh ấy là chiến sĩ tình báo. Nha Công an đã "đánh" nhà tôi vào hoạt động trong lòng địch ở Hà Nội", mà phải bịa chuyện về lý do vắng mặt của anh. Nửa năm trôi qua, cái lý do "nhà tôi đi buôn" hoặc "anh ấy vào công tác ở Nghệ An" không thể vững được. Đây đó râm ran tiếng xì xào về "sự mất tích" của anh. Người ta lên án thằng cha công tử Hà Nội không chịu nổi gian khổ của kháng chiến đã chuồn theo địch rồi. Nếu không sa vào vòng cờ bạc, trai gái, lão ta phải ló mặt về hoặc gửi thư về chứ?". Chị bỏ ngoài tai mọi lời đồn đại hoặc chị ậm ừ cho qua chuyện. Tuy vậy, chị thực sự bị rã rời cả thề xác lẫn tinh thần khi cháu Hạnh bị sốt. Bà con thương cháu song không vồ vập, thân tình với mẹ cháu như xưa vì nghi chị là vợ tên Việt gian. Chị cay đắng lắm. Ý nghĩ hồi cư lóe lên trong chị. Chị không biết tìm anh Nguyễn Tạo và các bạn đồng nghiệp trong đội trinh sát cũ ở đâu nên chị phải tự tìm lấy đường về. Chị đã định trốn đi vào ban đêm nhưng vì thương con, vì sợ bị du kích bắt, chị chọn lý do vào Nghệ An thăm chị ruột để... chuồn. Chị đã tính sắm đôi quang gánh, đặt cháu Hạnh vào cái thúng ở một bên còn bên kia là quần áo, màn, chiếc chăn đơn và mươi bánh chè lam. Chè lam phủ Quảng nấu bằng bột với đường là đặc sản riêng, chỉ ở Thanh Hóa mới có, chị phải đem theo làm thức ăn dọc đường và cũng là bảo bối để kẻ thù tin mình. Tuy nhiên, trước ngày lên đường, chị đã bác bỏ phương án đó. Chị phải làm cách nào để kẻ địch không sớm phát hiện ra chị là dân hồi cư? Muốn thế, chị không thể gánh con mà phải địu con sau lưng, xách chiếc tay nải. Chị sẽ "diện" bộ cánh của phụ nữ Thanh Hóa khi chị "hành quân” trên đất thuộc vùng tự do, vùng kháng chiến và sẽ lôi bộ quần áo mà chị mặc thời con gái khi rời khỏi Hà Nội để đi trong lòng địch. Cho đến phút này, mọi dự kiến của chị đều đúng, tại sao chị còn đắn đo không vào trình diện? Đúng là chị có mặc cảm, ngại ngùng. Về tâm lý, chị muốn xa lánh ngay đồn cảnh sát đáng ghê tởm này để về làng Phượng Vũ nhờ mẹ chị khai báo, nhưng về lý trí lại thúc đẩy chị trình diện. Nếu chị công khai về sự xuất hiện của mình trước nhà chức trách, chị sẽ có lá bùa hộ mệnh lâu dài trong những năm tháng chị sống trong lòng địch, khiến cho không đứa nào nghi vấn về mối quan hệ giữa chị và anh. Dứt khoát chị sẽ vượt qua cửa ải trước mắt để giữ an toàn cho mọi hoạt động của anh. Chị gửi cháu Hạnh nhờ bà chủ quán trông dùm để tạt vào nhà vệ sinh sửa soạn. Dù sao cũng phải đề phòng, phải cảnh giác với tụi cảnh sát. Chị mới gần 30 tuổi. Ở cái thế gái một con trông mòn con mắt, nếu chúng nhốt chị vào trại giam, giở trò bỉ ổi với chị vào lúc đêm khuya thanh vắng thì chị cưỡng sao nổi? "Cẩn tắc vô áy náy", chị vẩy ít thuốc đỏ vào cuộn băng để chứng tỏ mình đang hành kinh rồi ra phố mua hai cái bánh chưng cho vào tay nải. Đây là bữa ăn chiều của chị, nếu chúng ra lệnh bắt chị.
Chị ôm con bước vào đồn, lễ phép chào tên thượng sĩ:
- Nhà em chào thầy ạ!
- Chị di đâu?
- Thưa thầy, nhà em mới từ Thanh Hóa hồi cư về.
- Vậy à? Chị ngồi xuống đây. Chị biết chữ không?
- Thưa, nhà em có bằng sơ học yếu lược, đang học nửa chừng Cours Moyen deux.
Chị cố ý nói tiếng Pháp để gây được ấn tượng nhỏ nhoi nào đó với đối thủ của mình. Viên thượng sĩ vào phòng trong giây lát rồi quay ra với tên trung úy và cô gái trạc hai mươi tuổi mặc thường phục. Chị không sợ mà lại thấy vui vui vì chúng càng đông, càng không sợ đứa nào dám giở trò bậy bạ với chị.
Viên trung úy ở phòng trong bước ra - áng chừng là đồn trưởng - ra lệnh:
- Chị để tay nải lên bàn, lấy hết đồ đạc trong đó ra.
Chị lấy hai chiếc ghế tựa làm giường đặt con, từ từ mở tay nải. Chị đưa chiếc áo cánh cho cô gái, thuyết trình:
- Chị đố em đây là màu gì? Ở Thanh Hóa, người ta tự dệt lấy vải rồi lên rừng kiếm củ nâu về giã ra, hòa lấy nước làm thuốc nhuộm. Mặc màu nâu sạch và bền lắm.
- Còn đây? - Cô gái tò mò chỉ vào cái yếm. Chị cười:
- Con gái Thanh Hóa thường chít khăn, mặc yếm và mặc váy. Chị đã mặc thử thứ váy sồi đó nhưng buồn cười lắm.
- Sao lại gọi là váy sồi?
- Vì vải may vá rất dày, cứng, thô. Người ta nhuộm nâu kỹ rồi nhúng bùn cho vải có màu đen. Người ta may năm hay sáu khổ vải rộng khoảng bốn mươi cen-ti-mét ghép vào với nhau, may cái cạp, vén gấu là thành váy. Váy rộng lắm, chu vi gần hai mét nên người mặc lần đầu có cảm giác rất lạ, rất gượng.
Chị mở gói chè lam, hướng về phía cô gái:
- Ở quê ta không có loại bánh này đâu. Chị mang đặc sản Thanh Hóa gọi là chè lam phủ Quảng về để mẹ chị thưởng thức. Em nếm thử đi, mời hai thầy.
Chị giơ bánh chè lam hình vuông lên, giới thiệu:
- Thứ này cứng lắm, em không gặm nổi đâu. Phải biết cách ăn mới ngon.
- Biết cách ăn là như thế nào?
Chị đưa bánh cho cô gái:
- Em có bộ răng đẹp và khỏe. Chị đố em cắn được một miếng.
Cô gái rồi viên thượng sĩ và cả trung uý đồn trưởng đều bị cuốn vào trò chơi thú vị nên thử làm theo lời chị. Quả là chè lam quá cứng, cắn không nổi. Chị cầm miếng bánh đập xuống bàn. Chè lam vỡ ra từng mảnh nhỏ. Chị mời khách. Đang ăn, viên trung úy chợt nhớ tới nhiệm vụ. Hắn đọc giấy tờ chị đem theo, hỏi:
- Tại sao chị khai tản cư về nhà chị ruột ở Nghệ An, có giấy giá thú do cơ quan hành chính thị xã Vinh cấp lại bỏ về Thanh Hóa?
- Thưa thầy! Anh Bình nhà em là dân buôn bè. Anh quê ở Thanh Hóa. Thuyền theo lái, gái theo chồng nên em phải theo chồng về quê.
- Tại sao chị hồi cư?
Chị không trả lời ngay mà gục đầu vào hai bàn tay khóc thút thít. Chờ cho viên trung úy gạn hỏi đến lấn thứ ba, chị mới phân trần:
- Thưa ông! Nhà em quá dại dội. Thoạt đầu nhà em mê dân buôn bè khỏe mạnh, nhiều tiền nhưng khi đã nên vợ, nên chồng, Bình đã trở mặt với em, đánh chửi em. Em cố chịu đựng để yên cửa yên nhà nhưng càng ngày Bình càng tệ. Nó rượu chè, cờ bạc. Nó bỏ lên Cẩm Thủy sống với vợ bé, không nhòm ngó gì đến mẹ con em. Không còn đường nào khác, em đành ôm con về với mẹ.
- Nếu vậy đứa bé này sẽ không có bố à?
- Không cần thứ bố đó! Em ở vậy nuôi con còn hơn là sống với người chồng tệ bạc.
Viên trung úy gật gù ra vẻ thông cảm, rồi ra lệnh:
- Tôi tin lời khai của chị. Chị cần hoàn tất ngay mấy thủ tục. Thứ nhất: Cô Ngọc sẽ khám người chị để làm bản kê khai những thứ chị đem theo. Thứ hai, chị viết lại đầy đủ bản tường trình như chị đã khai báo với chúng tôi. Tối nay, chị ở tạm trong phòng này.
Suốt đêm hôm đó chị ôm con, thao thức. Tại sao chúng nó không để chị ra quán trọ mà lại giữ tại đồn cảnh sát? Chắc chúng không lợi dụng chị vì tên trung uý và gã thượng sĩ không thuộc loại dê xồm, hơn nữa con Ngọc chắc đã báo cáo là chị đang có "sự cố’ hàng tháng của phụ nữ. Chúng cũng không cử người canh gác hay cùm trói chị. Có lẽ chúng cần gọi điện thoại đi các nơi để xác minh lời khai của chị. Chị không có gì sơ xuất cả. Dù cho chúng mày có kiểm tra cả tháng cũng không thể tìm ra mối liên hệ nào giữa chị và anh.
Sáng hôm sau, tên trung úy trao cho chị tờ giấy:
- Chính phủ luôn mở rộng cửa đón bà con hồi cư về với quê hương. Tôi rất mừng vì chị đã tìm về với chính nghĩa quốc gia. Chị cầm giấy này về giao cho thôn trưởng làng Phượng Vũ để họ làm căn cước cho chị.
Chị đỡ tờ giấy, đáp:
- Em xin cảm ơn thầy.
Chị rời đồn cảnh sát, lòng rộn lên niềm vui. Anh ơi, em đã về với anh rồi. Nếu nói theo hình ảnh thì hôm kia chị đang đứng ngoài sân, hôm qua chị đứng một chân trong, một chân ngoài ngưỡng cửa, chưa ai biết chị sẽ đi ra hay đi vào; còn hôm nay, chị đã vào nhà rồi. Chị đã ở gần anh. Hừ, tên đồn trưởng có vẻ hý hửng khi tuyên bố: "rất mừng vì chị đã tìm về với chính nghĩa quốc gia”. Nó biết đâu mục đích và lý tưởng của chị? Không biết đánh cờ, song chị phải tính toán nước cờ tiếp sau sao cho hợp lý. Cầm giấy của tên đồn trưởng trong tay, chị muốn bay ngay về nhà để gặp mẹ. Bốn năm đã qua, mẹ chị có già đi, yếu đi nhiều không? Những lúc trái nắng trở trời, ai săn sóc mẹ? Bố mất rồi, chị cả, chị hai của chị đã lấy chồng xa nên mẹ chỉ còn chị để dựa dẫm, ngủ chung giường, ăn cùng mâm. Từ ngày chị đi tản cư, mẹ sống đơn độc nên mẹ sẽ rất vui khi gặp lại chị, cũng như chị mơ ước dược đến với mẹ sớm phút nào, hạnh phúc phút đó song chị phải tự dằn mình lại. Chị phải về nhà vào ban đêm. Chị cần nói hết với mẹ lý do thật mà chị hồi cư và màn kịch chị dựng lên về bố cháu Hạnh. Mẹ chị sẽ ủng hộ chị, giúp chị tìm được anh hoặc sẽ chăm nom cháu ngoại để chị đến với anh.
Đã sang năm 1952. Cháu Hạnh đã thôi bú, nói được đủ điều. Bà con làng Phượng Vũ vẫn chưa ngớt lời bàn tán về cháu. Những người ác mồm ác miệng rỉ tai:
- Này, tôi đã nghe chính miệng con Thoa nói về chồng nó. Bố con Hạnh là dân buôn bè rượu chè, cờ bạc, trai gái. Hừ, giỏ nhà ai, quai nhà ấy, bố nào sẽ có con như vậy, không sai.
- Tôi không tin. Con Thoa dại dột để ễnh bụng ra rồi mang con hoang về làm khổ mẹ.
- Chồng con bỏ rồi, cố vơ bèo vạt tép kiếm thằng đàn ông nào đó mà hú hí, tội gì cứ thui thủi một mình.
- Con đó kênh kiệu lắm. Ông xã trưởng góa vợ đến hỏi nó, nó không chịu. Người ta già nhưng có tiền, có địa vị, cứ nhận lời quách đi, bao giờ góa chồng, mình thành bà chủ cũng sướng một đời.
- Không phải nó chê ông ấy già đâu. Nó thất tình. Nó thề không lấy ai nữa, cứ ở vậy nuôi con. Thật là dại.
Chị bỏ ngoài tai mọi lời bình phẩm. Chị nghe ngóng, chị dò hỏi song không có tin gì về anh, vì cả làng Phượng Vũ này đâu biết anh là ai? Chị bàn với mẹ:
- Mẹ trông cháu Hạnh giùm con, con vào Hà Nội tìm anh Bình.
- Mày định đi mấy ngày? Định ở nhà ai? Có cần đem tiền theo không?
- Con định sống vài tháng hoặc vài năm ở Hà Nội mẹ ạ.
Với mẹ, chị dễ dàng bộc lộ ý nghĩ thầm kín của mình. Theo phán đoán của chị, anh Bình đã lọt vào hàng ngũ địch. Chị không thể dò hỏi người quen để tìm ra địa chỉ của anh. Chị phải tự tìm anh. Chị không thể công khai liên hệ với anh khi bất ngờ gặp anh giữa đường. Chị không có máu Hoạn Thư nên chị tin rằng chị đủ bản lĩnh giữ bình tĩnh nếu thấy anh khoác tay cô gái nào đó đi dạo phố. Chị thưa với mẹ:
- Con không đến nhà người quen nào. Con sẽ sống tự lập. Con sẽ kiếm tiền nuôi miệng để tìm anh. Mẹ già rồi phải vất vả nuôi cháu Hạnh khiến con áy náy quá.
Mẹ cười:
- Chị cứ yên tâm đi tìm chồng. Không có bà ngoại nào ngại trông cháu đâu.
Chị chào mẹ, xách chiếc tay nải tìm đường về Hà Nội.
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ