Tôi tin những muộn phiền và thất bại đến với mình là nền tảng giúp tôi có thể cảm nhận cuộc sống ở một mức cao hơn.

Anthony Robbins

 
 
 
 
 
Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 771 / 5
Cập nhật: 2016-06-02 00:12:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ếu trí nhớ tôi không quá tồi tệ thì dường như Quyên đã gọi tôi là "Ông Mèo Rừng" mỗi khi nàng nói chuyện hay viết thư cho Thược. Thuở ấy Quyên là bạn thân nhất của Thược. Quyên về ở chung với chúng tôi trên một căn gác làm thêm, phía sau nhà bếp, vùng xa cảng.
Những buổi trưa Thược có giờ ở trường không về được, Quyên lo cho tôi những bữa cơm, duy nhất một hột vịt luộc dầm trong chén nước tương mang nhãn hiệu Lá Bồ Đề và, một nhúm bắp cải héo mua từ người bán rong đầu ngõ.
Tôi gọi đó là những buổi trưa quê nhà tháng mười một. Tôi nhớ như vậy vì tôi sinh vào tháng đó. Thược và Quyên, ở tháng kế tiếp. Tôi nhớ những buổi trưa quê nhà, tháng mười một, giữa cái nóng hầm hập của ngoại ô Sài Gòn, bất cứ lúc nào, một trận mưa ồ ạt cũng có thể bất thần đổ xuống và, bao nhiêu buổi trưa không có Thược, tôi và Quyên chỉ mong một cơn mưa, như thế.
Dường như chúng tôi đã ngầm thỏa thuận với nhau, nếu một cơn mưa xập xuống, điều đó có nghĩa, chúng tôi sẽ không chạy trốn điều cả hai cùng cố giữ vì Thược
Rất may cho chúng tôi, suốt thời gian này, xa cảng đã không có một cơn mưa nào. Chỉ có những cơn mưa khi tôi về đó, buổi trưa một mình, đọc những mẫu giấy nhắn tôi trên vách. Hoặc khi ấy, bên tôi là Th. mà thôi.
Tôi nhớ những lần điện thoại cho Quyên ở Nha Khảo Thí, bảo Quyên mượn tiền đi uống cà phê. Đó là những ngày Thược đã rời thành phố. Nàng về một ngôi nhà ven biển. Nơi Thược dự tính cắt đi một mái tóc, khoác lên người một màu áo khác. Cuối cùng dự tính không thành, sau khi Thược viết cho tôi một lá thư, báo rằng nàng đã tự tay chôn cất đứa con giữa hai hàng dương. Đứa con trai đầu tiên của chúng tôi. Đứa con trai mang tật nguyền trên bàn tay từ bố nó.
Quyên kể tôi nghe mấy anh công chức nhà quê mê nàng, rất hoan hỉ, sung sướng mỗi khi được Quyên hỏi mượn tiền. Chúng tôi cười ngặt nghẽo khi Quyên đạp chiếc xe mi ni đến chờ tôi ở cuối dốc của trại lính. Một ly cà phê sữa cho tôi lúc đó giá trăm hai. Gói thuốc Bastos xanh, khi ấy một trăm đúng, và ly cà phê đen của Quyến (dù nàng chỉ nhấp một thìa, nhưng phải có) giá tám chục. Tôi cũng không còn nhớ dạo ấy, tại sao tôi lại có thể túng quẫn đến thế. Từ ngày Thược bỏ đi, tôi vẫn tiếp tục đi dạy thêm. Nhưng sự ra đi của Thược dường như đã đem theo cùng với nàng tất cả. Thược chỉ để lại cho tôi, những con đường, chỗ ngồi, và một Quyên tội nghiệp. Có lẽ Quyên cũng hiểu tôi muốn tìm gặp nàng chỉ để hỏi chuyện Thược. Chỉ để nhắc nhau về Thược. Cho riêng tôi cảm tưởng Thược vẫn đâu đó. Nàng chưa ra khỏi thành phố này.
Mỗi lần gặp nhau, câu chuyện bao giờ cũng xoay quanh "bà Thược," căn gác và, cuối cùng là tin chiến sự với con số cập nhật trong danh sách của chúng tôi, những người bạn, "đền nợ nước!"
Suốt thời gian này, điều tôi nhớ rõ, chính xác nhất là chẳng bao giờ Quyên còn dùng ba chữ "Ông Mèo Rừng" để gọi tôi. Những lần Quyên tìm tôi ở trại, không gặp, để lại thư, Quyên cũng chỉ dùng cái tên thường nhật của tôi là "ông Nam" mà thôi.
Thâm tâm tôi định thế nào cũng phải có một lần tôi hỏi Quyến cho ra lẽ: Tại sao Quyến lại cho tôi cái hình ảnh kia? Cái hình ảnh mà tôi biết Thược rất thích. Nàng rất thú vị với ví von này. Chẳng thế mà trong thư từ đôi khi ngay cả lúc nói chuyện với Quyên, Th. cũng đã dùng ba chữ "Ông Mèo Rừng" để nói về tôi.
Một buổi chiều cuối năm, sau khi lãnh tiền dạy học, tôi đi tìm Quyên. Tôi nói:
"Hôm nay tôi có tiền…"
Quyên cười. Nụ cười luôn ứa ra một nỗi buồn rất lạ! (Dù chỉ cần hơi cười, người ta cũng có thể thấy cái xoáy đồng tiền nhỏ bên má trái của Quyên. Không lẽ khi Quyên cười, đôi mắt của nàng đã buồn hơn bất cứ lúc nào khác?) Quyến bảo:
"Ta đi ăn đi!"
Tôi gật đầu, "Chính thế," và nhắc Quyên cất chiếc xe đạp của nàng ở sở. Rất tự nhiên, Quyến quàng tay ôm ngang bụng tôi. Tôi chở Quyến đến đền thờ Tây Hồ. Không phải vì bánh cuốn Tây Hồ nổi tiếng mà, còn vì đó cũng là một trong những chỗ tôi và Thược thường ngồi nhất. Dọc đường tôi nói, bàn tay của Quyến khiến tôi nhớ đến Thược. Chỉ khác, Th. thường mở một nút áo chemise tôi ra và, nàng nghịch chơi cái bụng hoặc ngực tôi.
Không biết Quyên có nghe được câu chuyện tôi kể? Nhưng tôi nhớ, Quyên đã im lặng. Nặng im lặng gần như suốt buổi tối, cho đến lúc rời quán cà phê, hai đứa đứng cạnh nhau khá lâu, bên cây nhãn mới trông trên lề đường Đinh Tiên Hoàng. Khi tôi tra chiếc khóa vào ổ máy, ngước lên thấy mặt Quyên sát gần. Ánh mắt Quyên thảm đạm, đêm cuối năm! Tôi bỗng nhớ Thược. Nhớ thắt nghẹn. Nhớ điên cuồng. Nhớ cào xé…Tôi hôn Quyên.
Tôi biết mọi người trong quán đang lõ mắt nhìn tôi. Tôi biết con bé bán thuốc lá lẻ, ngồi sau cái xạp bán thuốc cũng chết trân trước sự kiện đột ngột này. Tôi cũng biết có thể nó nghĩ về tôi không ra gì bởi vì suốt một thời gian dài, nó rất "bồ" với Thược. Chỉ Thược mới có thể mua chịu những gói Philip Morris cho tôi, trị giá cả năm trăm đồng, thời ấy.
Trên đường chở Quyên về Nha Khảo Thí sở làm lấy xe, tôi định hỏi Quyên về ba chữ "Ông Mèo Rừng." Nhưng ở phía sau, Quyến đã như cây nước đá đông cứng!
Năm tháng sau, tôi ra đi. Quyên ở lại.
Tôi nghĩ vĩnh viễn đến ngày chết, sẽ chẳng còn cơ hội hỏi Quyên về xước danh "Ông Mèo Rừng" Quyến đặt cho tôi, khi vì lá thư cuối cùng Thược nhận được từ quê nhà, Quyên viết:
"Tôi sẽ ra đi một lần nữa. Lần thứ ba. Nếu lần này không thoát, bà và ông Mèo Rừng hãy coi như tôi đã chết. Tôi vắt kiệt chút sức tàn cho lần cuối cùng này. Hai người hãy cầu nguyện cho tôi! Một người bạn cũ."
Theo Thược thì đó là lần Quyên chấp nhận điều Quyến khinh bỉ nhất, lấy một cán bộ Cộng sản, để có được bảy lượng vàng, ra đi.
Ông Mèo Rừng Ông Mèo Rừng - Du Tử Lê