The wise man reads both books and life itself.

Lin Yutang

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1639 / 34
Cập nhật: 2016-03-11 16:30:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Một Cây Triết Lý Xanh Dờn
ái con chết giầm đó, không biết nó làm cái gì mà kêu hoài nó không ừ hử gì hết!
Ông già giữ xe đạp chửi lên như vậy và day lại trông về hướng của nơi con gái ông đứng đằng xa kia phía bên kia ba dãy xe đạp, xe gắn máy, xe xì-cút-tơ.
Chợt thấy Cúc đang trò chuyện với một sinh viên xấu trai, vẻ mặt lù khù và y phục xềnh-xoàng, ông đổi giận làm vui ngay, và mỉm cười, đắc ý lắm.
Ông không hề dạy con về cái điểm tế nhị đó, mà bà chết sớm, cũng không kịp chuẩn bị cho Thu Cúc, thế mà nàng tự nhiên mà biết, cái mới tài dách.
Đó là bản năng của con gái, bản năng nầy chẳng qua là sự thừa tự của khôn ngoan ngàn đời của bao lớp phụ nữ tổ tiên của họ.
Mấy năm trước ông Năm ăn không ngon, ngủ không yên vì Cúc vừa trổ mã xong.
Lời tục thường nói: "Có con gái lớn tuổi như chứa muối lậu, (hoặc súng lậu) trong nhà".
Chứa súng lậu thì bị bắt. Có con gái không sợ rắc rối vì chánh quyền, nhưng lại sợ rủi ro khác. Hai đàng đều khổ.
Mà Cúc nó ác lắm, giữ xe máy đâu có cần gì đối thoại cho lâu với người gởi xe, thế mà nó cứ có chuyện nói với họ. Nói có trời làm chứng, cũng chỉ tại họ hay gợi chuyện thôi, chớ còn Cúc thì thủ phận ghê lắm.
Họ toàn là sinh viên Văn khoa Đại học cả. Cúc không biết đỗ đạt xong họ sẽ làm quan to như thế nào, nhưng cũng đoán rằng họ sẽ là ông Cống ông Nghè chớ chẳng chơi nên nàng biết thân không dám hy vọng gì.
Sinh viên ta đứng đắn lắm. Nhưng họ không phải là Phật sống mà cô bé nầy xinh vô cùng thì bảo sao họ không lân la trò chuyện, gởi xe mà y như chọn hàng, cà kê dê ngỗng mãi không thôi.
Ý, cái cô bé mới lạ chớ! Là người miền Nam, cô ta lại có nước da hồng tự nhiên như con gái miền Bắc, lại có tóc thề như con gái Huế.
Trên mặt cô, một mái tóc buông xuống che kín cả mắt bên phải của cô, con mắt long lanh nầy núp sau rèm tóc ấy len lén nhìn qua một cái, rồi chạy trốn ngay một cách nhút nhát rất là dễ mê.
Sinh viên thường ngâm câu thơ:
Tóc buông rèm, lứa tuổi ô mai.
khi họ đi ngang chỗ giữ xe máy, mặc dầu cô bé chỉ thích ngậm kẹo.
Cho đến cả nữ sinh cũng ưa ngắm đôi môi thăm tự nhiên của Cúc trang trí bằng những nụ cười có duyên không chỗ chê.
Cô bé dĩ nhiên là rất thích trả lời đôi ba câu bông đùa của các sinh viên bảnh trai và ăn nói rất đẹp. Có gì là tội lỗi đâu chớ? Con gái nào mà không ưa như vậy, mà đã sao đâu cà! Thế mà ông cụ cứ lo.
Nếu cô con gái rất chánh đáng mà thích trò chuyện với con trai thì ông cụ cũng rất chánh đáng mà mất ăn mất ngủ, trong khi đó sinh viên cũng rất chánh đáng mà bông đùa.
Ai cũng chánh đáng, ông cũng chẳng biết kết tội ai, chỉ câm lặng mà âu lo. Ông Năm lo vì ông dư biết những ông Cống, ông Nghè tương lai nầy vì tuổi trẻ vui tánh, cà rỡn như vậy thôi, chớ khó lòng mà họ yêu một đứa con gái không đồng cảm nghĩ với họ, nhứt là khó lòng mà họ cưới một đứa con gái không đồng địa vị xã hội với họ.
Quả có những cuốn tiểu thuyết kể chuyện ông thầu khoáng cưới cô bán trứng vịt lộn, nhưng ngoài đời ông Năm chưa hề thấy một ông giáo sư cưới con gái của một ông già giữ xe đạp lần nào.
Họ không cưới thì thôi. Ác một nỗi là không thể thôi được. Họ không cưới, không yêu, nhưng chắc chắn là họ thèm muốn con ông. Nó xinh như thế kia mà.
Ông Năm thấy rằng con ông còn khờ dại lắm, chưa nhận thức được nỗi nguy hiểm trong một cuộc phiêu lưu tình ái với một người con trai ở giai cấp trên, nên cứ sốt ruột mà thấy con ông trò chuyện với họ. Ông sợ nó cảm một anh thì khổ. Vì thế mà ông lo ngày lo đêm cái nạn ẵm cháu ngoại vô thừa nhận.
Cúc ban đầu tuy thích nói năm ba câu chuyện với những người khách dễ ưa, nhưng vẫn thủ phận cho đến một khi kia thì một ý thoảng qua làm cho nàng phải nghĩ vơ vẩn suốt tuần.
Một toán nữ sinh viên - mà nàng cũng rất có cảm tình - đi ngang qua đó rồi pha trò với nhau, họ chỉ nói khẽ thôi, nhưng nàng nghe được:"Xinh quá! Biết đâu rồi chị ấy sẽ không thành phu nhơn của một đồng nghiệp của ta".
Ừ, sao lại không chớ? Về nhan sắc nàng đâu kém cô sinh viên nào? Nàng lại đọc tiểu thuyết thấy rất nhiều mối tình giữa sinh viên và những thiếu nữ địa vị khiêm tốn như nàng, cha mẹ các sinh viên ấy ngăn trở quyết liệt tranh đấu với gia đình, rồi rốt cuộc tình yêu thắng.
Thế rồi nàng mơ mộng, ước ao được làm bà Cống, bà Nghè tương lai.
Nàng không quá tham lam đâu. Nàng có học tới đệ lục, giỏi nội trợ, lại được giáo dục vững chắc thì làm vợ một nhà trí thức đâu có phải là chuyện khó quá sức nàng.
Cúc mơ những ông hoàng đẹp trai. Họ đông đảo quá khiến nàng rất bối rối trong việc chọn lựa, nhưng rốt cuộc rồi cũng chọn được anh sinh viên đẹp trai nhứt, cố nhiên.
Bấy giờ hồn của muôn thế hệ đàn bà hiện về để dạy khôn nàng và nàng thi thố đủ cả khôn khéo để cột anh sinh viên đó.
Cái khôn trước tiên hơn hết là việc lựa chọn cái anh gần đỗ cử nhơn. Ư, họ sẽ là cử nhơn hết thật đó, nhưng nếu dại dột, bắt bồ với một anh ở lớp dự bị thì sẽ phải đợi lâu quá đi.
Nàng tìm học trong có mấy tuần mà biết đủ thứ: Phải thi bao nhiêu chứng chỉ mới giựt được bằng cử nhơn văn khoa, phải tốn mấy năm mới thi xong bao nhiêu chứng chỉ ấy, anh nào được mấy chứng chỉ rồi, nàng đều thạo còn hơn giáo sư trong đại học ấy nữa.
Ngộ nghĩnh quá. Sinh viên có chứng chỉ không đeo phù hiệu như sĩ quan để cho người ta biết cấp bực của họ, khiến lúc chưa biết rõ, Cúc thấy anh nào cũng giống anh nào.
Nhưng chừng biết được rồi thì nàng thấy khác hẳn, làm như là những anh chứng chỉ nhiều, bảnh trai hơn những anh chứng chỉ ít và giá trị hơn các anh ấy.
Ông cụ đã bớt lo. Cúc nói chuyện suông với họ thì có ngày nó sẽ yêu mất thì nguy. Nhưng nó mà trổ tài cột thì có đường lắm.
Cúc cột thế nào mà tuần lễ ấy, cái anh sinh viên đẹp trai nhứt đó vắng mặt. Nàng điều tra thì té ra anh sinh viên ta ở nhà để cưới vợ.
Tin sét đánh nầy làm cho nàng thấy bao nhiêu xe đạp đều vẹo ne làm như là một trái bom nổ gần đâu đó và hơi mạnh của nó làm méo mó cả, từ các vật bên ngoài đến tim nàng.
Cúc đau gần ba tháng trường, tối ngày cứ lầm lầm, lì lì không khi nào ngước lên nhìn ai nữa hết.
Rèm tóc trước mặt nàng, buông xuống dài hơn; con mắt long lanh núp sau đó, không diễn trò cút bắt nữa mà chỉ lờ đờ như một con vật bị nhốt trong chuồng.
Đôi môi thắm tự nhiên không nở hoa như thường bữa nữa, và người con gái mơ mộng giận cả tiểu thuyết tình mà những lúc ngồi không cô ưa đọc để giết thì giờ.
Đây là mối tình đầu của cô gái hăm mốt nầy. Cố nhiên là cô yêu nhiều và đau nhiều. Tuy là một con trai nghĩa là hành động theo lý trí, Cúc vẫn yêu anh ấy chớ sao không yêu!
Nhưng dầu sao, bài học nầy cũng không vô ích. Khi mối sầu ngỡ không bao giờ nguôi lại nguôi được thì Cúc sẽ tìm tòi để biết thêm.
Nàng biết được rằng trong trường người ta dạy rất nhiều ngành, thành ra có tới năm bảy cái chứng chỉ chớ không phải chỉ một thứ mà thôi.
Thông-minh thực-tế, nàng suy luận rằng nếu thế thì phải có loại chứng chỉ nào đó hơn hẳn loại chứng chỉ nào và cuộc chọn lựa không nên chỉ căn cứ trên sự bảnh trai và số lượng chứng chỉ nữa.
Như là chọn chồng sĩ quan vậy mà. À, cũng thời lon mà lon Không-quân khác hơn lon Thủy-quân, lon Thủy-quân khác lon Lục-quân. Ngay cả trong Lục-quân cũng đã chia ra nhiều thứ rồi, lon chiến-xa, lon truyền-tin, lon quân-y, lu-bù thứ, biết đâu thứ nầy lại không hơn hẳn thứ kia.
Vậy Thu-Cúc điều tra bổ túc và được biết rằng ba cái chứng chỉ của anh chàng đẹp trai đã bỏ rơi nàng để đi cưới vợ, không "le" bao nhiêu vì đó là chứng chỉ Sử - địa.
Một ông giáo sư Sử - địa không được học trò hoan nghinh lắm vì đó là hai môn bể đầu mà chúng nó rất ghét. Con gái cũng không ngửi được mùi Sử - địa, vì anh yêu em bằng tọa-độ, bằng vĩ tuyến, bằng khoáng chất, bằng lịch trình tiến hóa của nhơn loại, ắt hẳn không thơ mộng rồi vậy.
Thế nên rồi Thu Cúc không tiếc lắm cái anh sinh viên ấy, lại hú vía rằng mình đã suýt làm bà Sử-địa khô khan.
Qua năm hăm hai tuổi, Cúc cột một anh sinh viên có hai chứng chỉ văn chương Pháp. Anh này về bóng sắc kém anh trước một tí, nhưng lanh lợi không thua gì anh trước, và nói tiếng Tây dòn như bắp rang, tất phải tương lai ghê lắm.
Nhưng sau ba tháng cột chưa dính, Cúc lại hay tin sét đánh nữa là anh tiếng Tây dòn như bánh tráng nướng ấy đi hỏi vợ trên Phú Nhuận, hỏi con của một ông triệu phú.
Lần nầy Cúc không đau khổ nữa. Nàng thực tế lắm, chỉ sầu tình một lần trong đời thôi rồi trái tim được thiết giáp ngay.
Nghiên cứu lại chiến lược, cô gái giữ xe đạp chợt thấy mình chọn lầm lãnh thổ xâm lăng. Những anh chàng bảnh trai là những lãnh thổ có biên thùy phòng thủ kiên cố, khó lòng mà chọc thủng phòng tuyến của họ lắm.
Tìm biết và quan sát, Cúc nhận thấy rằng trong đám sinh viên đông hằng ngàn nầy, có vài anh hiếm hoi, có vẻ như từ... cung trăng rớt xuống. Họ không xấu trai, coi bộ cũng không nghèo, nhưng ăn mặc lôi thôi trễ tràng, đầu bù tóc rối mà hồn họ cứ như là đang phiếm du trên chín từng mây, hỏi họ cái gì, họ giật nẩy mình ngơ ngác nhìn ta.
Đó là những anh thi chứng chỉ Hán-văn hoặc chứng chỉ Triết.
Thu Cúc chẳng rõ giáo sư Hán văn bảnh hay giáo sư Triết bảnh, chỉ thấy họ giống nhau bề ngoài, các anh Hán văn ưa nói đến những Hoàng Hạc Lâu, những Phong Kiều Dạ Bạc, đại khái khó hiểu y như là những qui nạp, những diễn địch, những chủ lý, những khả giác của anh Triết.
Các anh nầy có thể bị cột mà không hay, vì họ có sống với chung quanh đâu mà kịp nhận thức những gì xảy ra cạnh họ.
Vậy Thu Cúc cột một anh Triết đã đỗ được ba chứng chỉ rồi, chính cái anh đang đứng nói chuyện với nàng hôm nay.
Ông Năm hài lòng ghê lắm, vì lương năng, lương tri của ông cũng cho ông đoán rằng những anh hiền hiền và lơ mơ như cái anh Trọng nầy dễ cột hơn những anh lanh lợi, lại không nguy hiểm gì cả, chính con ông thủ vai chủ động kia mà.
- Con mắc thối tiền đây mờ!
Tiếng "mà" cuối câu, Cúc nói ra là "mờ", nói theo thói nhõng nhẽo của trẻ con. Mặc dầu ông cụ chỉ chửi lông bông, nàng cũng ra miệng, đáp lớn lên, chỉ cốt để ru ai bằng cái tiếng "mờ" em nhỏ đó.
Trọng lại giựt nẩy mình, không phải vì sợ ông già của cô gái mà vì từ nãy giờ, chàng không nghe gì cả. Cúc nói mà chàng cứ nhớ Aristote và Socrate, cứ nhớ Lão, Trang, cứ nhớ Platon, Tagore mãi.
- Gì a cô?
Cúc cười dòn lên rồi hỏi:
- Anh đi đâu mới về vậy?
- Không? Tôi có đi đâu ở đâu?
- Em thấy thần trí của anh như từ đâu mới về.
- Vậy à?
- Nếu anh mà chịu sống gần thêm với loài người anh sẽ bảnh lắm đó.
- Thật à?
- Sao lại không thật!
Thật ra chưa ai tỏ tình với ai hết, trong cặp nầy. Cúc cột vào Trọng vì vô tình, cứ để cho bị cột vậy thôi, nhưng dây cột mà Cúc dùng vô hình, kẻ bị cột phải ý thức mới có hiệu quả, chớ hắn chỉ mặc nhận mà không hợp tác, cũng chẳng ăn thua gì.
Không hiểu sao hôm nay tự nhiên nhà hiền triết nầy bỗng nhìn sững người con gái mà suốt mấy tháng trường đã chàng ràng bên chàng, để làm gì, chàng cũng không rõ.
Đây là lần đầu tiên trong đời chàng mà chàng nhìn kỹ một thiếu-nữ và kinh ngạc thấy ở đời cũng có cái hay lạ như ở trong những pho kinh sử ngàn năm của thánh nhơn để lại.
Rèm tóc của Thu Cúc, đôi mắt sáng núp sau đó, đôi môi thắm, đôi má hồng của nàng sâu sắc hơn bất kỳ thứ triết nào trên thế gian nầy từ cổ chí kim.
Và Trọng bỗng giựt mình tự hỏi cái điều mà Cúc vừa gợi lên cho chàng: "Ừ, tại sao không sống gần thêm với loài người? Cái "khoảng cách" giữa người với người thật láo khoét, bằng cớ là mình nghe lòng mình với lòng cô gái xinh đẹp nầy đang giao lưu với nhau, và cơn "nôn mửa" trước "sự phi lý của cuộc đời" cũng láo tuốt, bằng cớ là mình đang thèm cuộc đời ghê lắm đây mà!
Tức thì Trọng quyết định sống. Chàng thấy rằng chàng phải vội vàng sống tốc hành mới đuổi kịp bọn phàm phu tục tử, chúng nó đã đi trước chàng bao nhiêu năm rồi.
Cái tục danh "Một cây triết lý xanh dờn" mà bạn hữu đã tặng chàng, không còn đúng nữa. Chàng đã sống mà trong đó việc tìm món ngon để ăn cho thích khẩu, có việc đi dạo phố, nên nước da chàng hồng hào ra. Tóc chàng được bi-dăng-tin tảo-thanh để lập lại trật-tự, sơ-mi của chàng hết nhầu nát, và ống quần chàng hết tròn như ống tre, mà mang lằn xếp bén ngót.
Và cái việc sống quyết liệt hơn hết của Trọng là đổi chứng chỉ. Chàng không học để thi cái chứng chỉ Triết cuối cùng nữa mà chọn chứng chỉ Anh-văn. Chàng thấy rằng bọn nói tiếng Ăng-lê dòn như bắp rang, bọn ấy lanh lợi lắm, đi-na-mic lắm, và được con gái phục lăn.
Trọng là con trai bảnh có hạng trong Đại học, mà cả trong đô thành nữa.
Đó là nhờ một khi chàng đã thấy gái. Và ngộ nghĩnh thay, bắt đầu từ đây chính gái thấy chàng. Ừ, họ không thể thấy "một cây triết lý xanh dờn", nhưng người thanh niên hồng hào, khỏe mạnh và áo quần diêm dúa nầy làm sao lọt khỏi mắt họ.
Và thương thay cho Cúc, Trọng bắt đầu lơ là với nàng mà chàng thấy kém đẹp hơn bao nhiêu là mỹ nhơn khác.
Bây giờ chính Cúc mới là "một cây xanh dờn", nhưng không phải là cây triết lý mà là cây cau trổ muộn, vì câu hát nhà quê sau đây ám chỉ:
Ngồi buồn lo bảy lo ba,
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.
Còn có hai tháng nữa là Xuân đến, và Cúc lên tới đỉnh hai con giáp.
Nàng lo đến mất ăn mất ngủ như ông cụ nàng mấy năm trước, lo đến gầy xanh xao vàng vọt, trong khi Trọng sống ồ ạt một cách vội vàng với... người khác.
Mấy cô nữ sinh-viên có cảm tình với Cúc, đi ngang qua đó, thấy vẻ tiều tụy nơi nàng, ngạc nhiên bấm tay nhau hỏi:
- Ủa, chị ấy đã ghi tên học Triết sao mà?
Văn- nghệ Tiền Phong, 1960
Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò - Bình Nguyên Lộc Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò