To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1639 / 34
Cập nhật: 2016-03-11 16:30:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nữa Nước Nữa Dầu
ấn đứng lấp ló bên cửa nhà hộ sanh rất lâu mà chưa có can đảm để chân vào trong ấy.
Chàng sợ thất vọng lần thứ năm thì ít, mà rất sợ ông trời trác chàng một lần nữa. "Họa" đến nhiều lần quá rồi, khiến chàng đâm ra tin nhảm, tưởng như ông trời ổng phạt chàng về tội gì ở kiếp trước của chàng, nên cứ bắt vợ chàng đẻ con gái mãi.
Mấy tháng nay, chàng làm bộ ở bề ngoài, mà cả bên trong lòng chàng nữa, làm bộ như thích được thêm một đứa con gái nữa, đứa thứ năm.
Chàng nghĩ: "Ghét của nào thì trời trao của nấy, và ông trời ổng rõ thấu ruột gan mình thì mình cứ muốn con gái đi, để ổng khiến mụ bà nắn đứa bé trong ấy ra con trai".
Mãi đến giờ phút nầy, vợ chàng đã lâm bồn rồi, mà chàng còn cố ý gạt gẫm ông trời, vì biết đâu... vào phút chót, ổng không làm phép huyền vi để...
Chàng làm bộ không nóng nảy biết sự thật, giả vờ thèm được một đứa con gái bé lắm. Mụ bà đã xong sứ mạng nắn nót đứa bé, nhưng quyết định tối hậu là do ông trời.
Nhà hộ sanh tư nầy chỉ có một dãy buồng gồm sáu phòng. Hành lang chạy trước dãy buồng hẹp té, và Tấn đã ba lần rồi, đứng nép qua một bên, cho nhơn viên nhà hộ sanh đi trong hành lang, không thấy chàng.
Nhưng lần thứ tư nầy, chàng trốn không kịp và một chị nhân công nhận diện được chàng, người đã biếu tiền chị lúc đầu hôm, khi đưa vợ đến đây.
Chị ta cười toét miệng và nói lớn lên:
- Cô sanh rồi thầy, con gái!
Tấn không biết nên tiến hay lùi. Trong giây phút chàng tức giận vô cùng, thầm trách tại sao vợ chàng lại tệ như vậy, không làm tròn phận sự như hàng vạn đàn bà khác là đẻ trai lẫn gái, xen kẽ với nhau.
Tâm trạng chàng hiện giờ giống hệt như tâm trạng của các bà mẹ chồng thời xưa, cứ qui tội cho nàng dâu: không đẻ cũng tại các nàng thiếu đức mà đẻ toàn con gái cũng tại các nàng kém cỏi.
Nhưng người đàn ông còn trẻ và có biết chút ít khoa học nầy, chợt thấy là mình vô lý. Chàng thở dài nhẫn nại chịu số phận, bước vào bên trong.
Chàng mới có băm ba, vợ chàng cũng còn trẻ lắm mặc dầu liên tiếp trong bảy năm liền, nàng đã năm lần sanh nở rồi.
Chàng còn có thể có con, hai, ba đứa nữa là ít, và biết đâu chúng lại không là trai.
Đoán biết vợ mình bị mặc cảm phạm tội và có lẽ khổ tâm lắm, Tấn cố thương yêu vợ và đứa con sơ sinh, nhiều hơn những lần trước, để mà gián-tiếp an-ủi nàng.
Nhưng rồi bé Huệ cũng được thương yêu thật nhiều một cách thật tình, mặc dầu nó đen đúa và thô hơn mấy đứa trước.
Huệ không có vẻ là đứa con "ăn mót" chút nào, những đứa nầy thường rất bé và hay èo uột, Huệ, trái lại lớn như thổi, giành ăn với các chị nó một cách rất du côn và luôn luôn được phần.
Lúc Huệ còn bú, về đêm, cô Tấn thường thường than xót ruột vì Huệ rút rỉa dữ hơn mấy đứa khác, mấy năm trước.
Được cái là qua sáu tháng, Huệ lại tự nhiên không thèm bú nữa... chỉ thích ăn thôi, và ăn tợn lắm.
Hôm ấy chúa nhựt đầu tháng, Tấn đi dạo phố một hồi rồi ghé hiệu ăn Tây mua về cho con một chục bánh ngọt, thứ bánh mà Tây gọi là ga-tô, còn ta gọi là ba-tê ngọt.
Bánh làm thành nhiều kiểu khác nhau, thứ lớn thứ nhỏ không đều, thành thử khó lòng mà chia cho lũ trẻ tham ăn nầy.
Thừa dịp Tấn và vợ ngó lơ, bọn chúng năm đứa đánh nhau túi bụi. Vợ chồng Tấn day lại thị sát mặt trận thì thấy đứa đánh hăng hơn cả là con bé vừa lên hai, sanh sau đẻ muộn hơn thiên hạ hết.
Cả hai vợ chồng đều nhăn nhó, khó chịu trước sự hỗn loạn của một gia đình đông con, trật tự khó lòng mà giữ cho vẹn.
Trong khi vợ Tấn can thiệp để lấy lại an ninh trật tự thì Tấn mĩm cười. Đó không phải là cái cười độ lượng của người cha khoan hồng và cảm động vì lòng thương con. Chàng chợt nghĩ ra cái gì, khi nhìn con nữ cao-bồi Huệ.
Nữ cao-bồi là tục danh của bé Hồng, bảy tuổi, chị cả trong đám nầy, đã đặt cho đứa em du côn của nó.
Giây lát sau, bé Huệ ăn bánh xong, ba nó gọi má nó mà rằng:
- Em rửa miệng cho con để anh dẫn nó đi hớt tóc, tóc nó dài quá rồi.
Má Huệ giẫy nẩy:
- Khéo bày đặt cho tốn tiền! Từ thuở giờ, đứa nào em cũng để ở nhà rồi hớt bom-bê lấy cho chúng nó, nay sao lại...
- Ấy em đừng có cãi, để anh săn sóc con mà.
Bé Huệ theo ba độ một giờ đồng hồ sau khi trở về. Cả nhà chưng hửng mà thấy lối xén tóc của nó: bé Huệ xén theo kiểu ma-ni của con trai.
- Ê mắc cỡ ê, hớt tóc theo con trai!
Trừ bé Lan mới có ba tuổi chưa biết gì, còn thì đứa nào cũng chộ em nó rồi nhảy chung quanh Huệ, vỗ tay ăn rập với nhau để đánh nhịp cho những lời nhạo báng của chúng.
- Mắc cỡ, ê! Huệ là con trai!
Huệ ngơ ngác không hiểu gì, nhưng cũng vui với các chị của nó, cũng vỗ tay và bắt chước cái câu ấy, để tự chế giễu mình:
- Ê! Mắc cỡ ê, hớt tóc con trai.
Tấn ngỡ vợ sẽ phản đối ghê lắm, nhưng bất ngờ, nàng sung sướng trông thấy, nàng tươi cười và giải thích cho các con nghe:
- Huệ là con trai thì phải hớt tóc như con trai, nó có phải là con gái như tụi bây đâu.
Trừ chị Hồng ra, còn thì không đứa nào biết rõ con trai, con gái, khác nhau như thế nào.
Ngỡ cha mẹ nói đùa, Hồng chỉ cười chứ không ngạc nhiên tại sao mẹ lại giải thích như thế.
Mấy ngày sau đó, Tấn may sắm cho bé Huệ.
Nhà không khá giả, bé Huệ từ ngày ra đời đến giờ chỉ mặc quần áo cũ của các chị nó, thành thử nhà chưa hề may sắm thứ gì cho nó cả.
Ba Huệ mua cho Huệ quần sọt và mua áo sơ mi con chim con cò may sẵn bày bán ngoài chợ, mua giày săn-đan con trai cho nó, lại mua nón nữa, nón may bằng vải ni-lông, nhưng giả như là nón nỉ.
Các chị của Huệ vui lắm vì có một đứa em tóc tai và y phục khác lạ với lũ nó, và chúng nó vui mà tò mò tìm để biết xem Huệ là con trai ở chỗ nào. Nhưng không biết được vì sao mà chúng nó là gái, còn Huệ thình lình bỗng hóa con trai.
Con Cúc, năm tuổi rưỡi, chị thứ ba, ngỡ hễ trời sanh ra phải làm con gái vài năm, rồi đổi ra làm con trai.
Chỉ có điều nầy làm nó thắc mắc, là tại sao con Huệ lại đổi trước, còn lũ nó thì chưa.
Chiều thứ bảy ấy, Tấn đưa vợ con đi chơi mát và ăn cơm ở ngoài.
Hai vợ chồng giành nhau mà dắt "thằng Huệ", hãnh diện với làng nước mà đẻ được một đứa con trai, y như bất kỳ ai.
Bé Huệ cũng thích lắm, vì mặc quần sọt mát hơn mặc quần dài. Tóc hớt ma-ni cái đầu cũng mát ghê.
Ngày tháng cứ trôi qua, và cả nhà cứ quen miệng được rồi với cái lối gọi mới: "thằng Huệ" thay vì "con Huệ".
Thằng Huệ đã ra ngõ chơi với lũ trẻ con hàng xóm và cả hàng xóm cũng gọi nó như vậy, người lớn thì đồng lõa với ba má nó, còn lũ trẻ con thì không phân biệt được, nghe chị nó gọi sao thì gọi y như vậy cho tiện.
Những ngày nghỉ, người xóm khác đến đây thăm bà con, bạn hữu, gặp thằng Huệ ngoài ngõ, ai cũng dừng chơn lại, nhìn nó rồi nói:
- Mẻ, con nhà ai mà trai lại giống như con gái! Mụ bà nắn lộn chắc!
Bọn con trai nào tương đối lớn tuổi, đã biết Huệ là con gái, không thèm chơi với Huệ. Ấy trẻ con phái nam luôn khinh rẻ phái nữ, vì con gái bé hay khóc lại không đủ sức chơi những trò dữ tợn như chúng nó, chẳng hạn như trò đánh giặc, trò cảnh sát rượt cướp...
Bọn trẻ nít không phân biệt được nam nữ thì mới nhận Huệ là bồ.
Nhưng đây là thằng bồ bị xem thường vì nó là trai lại thích chơi trò nấu cơm và buôn bán với lũ con gái.
Lũ con gái, bé thì trái lại, thấy con trai sáp vô, sợ nó chơi dữ tợn nên tìm cách mà xua thằng con trai giả hiệu ấy ra.
Bé Huệ khổ quá, không hiểu sao nó không được như tất cả mọi đứa khác. Nó chưa biết ham làm "xếp sòng", chỉ muốn làm một đứa trẻ thường thôi, nhưng vẫn không toại nguyện.
Con trai chế nhạo nó:
- Mầy mít ướt như con gái thì về nhà bú má đi.
Con gái thì thào với nhau:
- Coi chừng thằng du côn đó nó giựt búp-bê của tụi mình.
Thời gian khổ sở nhứt cho Huệ là mùa dế.
Bọn con trai chơi tàn ác không thể tưởng tượng được.
Hễ con dế nào đá thua là bị chúng xoi óc ngay rồi nhét thuốc lá vào cho dế say, đoạn bỏ chung con dế say ấy với những con dế đang sức, để chúng nó đá lung tung, cũng như người lớn bắt cầu tướng dượt banh vậy mà.
Dế thường không sao làm biếng được vì dế say đá một cách điên loạn, không trốn nó được và bắt buộc phải so càng.
Đá hăng một lát, dế say lăn đùng ra mà chết.
Bé Huệ mọc óc cùng mình khi thấy lũ con trai hành hạ con vật tội nghiệp ấy. Thấy nó rùng mình, lũ kia nổi giận ném dế vào người nó suýt chết ngất đi.
Con gái có bộ thần kinh rất dở, thường sợ những con vật bé và mềm mềm. Hằng vạn phụ nữ chết giấc khi bị chuột con mới đẻ, còn đỏ lòm lòm từ nóc nhà rơi xuống vai họ.
Biết được chỗ yếu của bé Huệ, chúng nó phát minh được một trò giải trí mà Huệ là con vật hy sinh. Chúng nó bắt thằn lằn, ngắt đuôi, rồi bỏ đuôi ấy vào túi của Huệ.
Đuôi thằn lằn bị ngắt như vậy, tiếp tục cử động và run rẩy rất lâu y như là một sinh vật còn sống. Sinh vật giả ấy lại bé và mềm.
Để tự vệ, bé Huệ cố làm con trai, bé tập can đảm, không sợ dế say thuốc, không sợ đuôi thằn lằn, và không sợ trầy da trong những trận giặc mà hàng trăm đứa bé trong xóm đánh nhau loạn đả.
Nó cũng leo cây trứng cá như bất kỳ thằng con trai nào, cũng ném đá vào xe hơi chạy ngang qua đầu ngõ và cũng len lén lấy miểng sành cạo cho tróc nước sơn của mấy chiếc xe tắc-xi trong xóm nhà tối tối, tài - xế mang về nhà thay vì trả cho chủ xe vì họ được chủ xe tín nhiệm giao luôn cho họ dài hạn.
Bé Huệ bị nam hóa và tự nam hóa lần lần cho đến năm nó lên năm tuổi, thì ba bé Huệ gởi gắm vận động cho bé Huệ được nhận vào lớp chót một trường tiều học con trai.
Sự nam hóa đã bước đến giai đoạn quyết định, vì ở đây có hàng ngàn con trai, chớ không phải hàng chục và thỉnh thoảng hàng trăm như trong xóm nữa.
Bé Huệ biết xấu hổ khi thầy giáo và bạn học nói lớn ra ý nghĩ của họ về nó: "Thằng nầy bị mụ bà nắn lộn đây! Con trai mà mủ mỉ như con gái".
Bé Huệ tự tạo cho mình một nhân cách con trai, nên xấu hổ nầy là mặc cảm kém cỏi của một đứa con trai, chớ không còn là mặc cảm bị nam hóa.
Huệ lại nỗ lực làm con trai, nỗ lực tập thể thao, đá banh chạy đua, nhất là dang nắng cho tóc khét như tóc của con trai ba-gai, và cho da mặt sạm đen để xóa vẻ mủ mỉ phần nào.
Nó phá phách nhứt lớp, nhứt trường để hủy diệt mặc cảm kém cỏi.
Năm lên lớp tư, một biến cố xảy ra trong đời sống sinh lý bí mật của bé Huệ.
Bé Huệ chợt nhớ ra nó là con gái, nó đã phân biệt được trai gái một năm nay rồi, nhưng không thắc mắc lắm về điều đó, và say mê làm con trai, nó quên mất sự thật về nó.
Bé Huệ bắt đầu thấy những chiếc áo bà ba màu xanh, màu đỏ của bọn con gái bên trường Phan Văn Trị là đẹp và thấy lũ bé con bên kia kẹp tóc, nó ham lắm.
Ham nhứt là hoa tai. Ồ! Những đôi hoa tai huê dạng không thể tưởng tượng được. Có đôi là hai chiếc khoen vàng đơn sơ, có đôi là hai con cá màu nằm trong hai chiếc bồn, cá bằng nhựa đỏ, còn bồn cá bằng nhựa trắng trong, nhỏ bằng đầu ngón tay út.
Còn nói gì những đôi hoa tai tòn ten gắn đầy hột chai lóng lánh dưới trời nắng trưa.
Còn nón nữa! Chúng nó đội nón quai lụa màu ngũ sắc hay rằn ri, rực rỡ như cánh bướm, ôi chao là đẹp!
Hôm ấy đi học về, bé Huệ ném cặp rồi vùng - vằng nói với ba:
- Huệ hỏng thèm làm con trai nữa đâu! Huệ muốn mặc áo màu, đeo bông tai hè!
Cả nhà phá lên cười, rồi không ai buồn cứu xét và nghĩ ngợi về yêu sách của "thằng Huệ" cả.
Năm ấy chị Hồng lên mười hai. Bà nội từ tỉnh lên, mua heo quay cúng tạ ơn ông Táo, ông Địa đã phù hộ chị, rồi thì má may cho chị Hồng chiếc áo dài đầu tiên trong đời chị.
Trời! Chị Hồng đẹp số dách. Áo nylon màu hồng lấm tấm những hột cát nhuyễn dạ bóng, quần sa-teng mà lại quần có gắn ren.
Chị Hồng giác bín và hai cái bín cột đầu bằng hai chiếc nơ con bướm màu lam.
Hôm ấy cả nhà đi sở thú để khoe chị Hồng, như hồi đó cả nhà đi bờ sông để khoe "thằng Huệ".
Huệ khóc bù lu, bù loa, lăn dưới gạch rồi nằm vạ luôn không thèm đi.
Bà nội là người thèm một đứa cháu trai nhứt, để có kẻ lo hương khói về sau, vì bà nội nó rất lo đói lạnh dưới âm-phủ. Vì thế thằng cháu nội giả hiệu nầy được cưng ghê lắm, bởi nó cho bà ảo tưởng là có cháu trai.
Bà nội ẳm bé Huệ lên nựng:
- Con trai mới quý chớ. Còn cái thứ con gái đó, ai mà thèm cưng. Con Hồng nó ăn mặc cho đẹp rồi vài năm bị chúng xỏ mũi dắt đi mất. Chỉ có "thằng Huệ" là ở lại với nội. Nội cưng "thằng Huệ" như cục vàng.
Huệ bá lấy cổ bà nội, hôn bà nội rồi mới chịu dậy thay đồ để đi chơi với cả nhà.
Đoàn phiếm du hôm đó thật là téc-ni-cô-lo, chị nào cũng xanh xanh đỏ đỏ cả, mà các em gái của Huệ cũng xanh đỏ không kém.
Cho đến nỗi má cũng xanh xanh đỏ đỏ nữa, mà ba cũng vậy. Ba mặc quần màu, cà vạt màu, sơ mi màu, Huệ cứ mong lớn cho mau để ăn mặc như ba, giờ thì quần áo của Huệ cũng màu thật đó, nhưng thiếu cái cà-vạt. Huệ tự nguyện sẽ sắm một cái cà vạt mang đủ bảy màu của móng trời, để trả thù con gái.
Khi cả nhà đi tới hồ sen nhân tạo, giữa hồ sen có nhà thủy tạ thì một người Hoa-Kỳ tay cầm máy ảnh bước lại nói cái gì với ba nó không rõ. Ba gật đầu bằng lòng rồi thông ngôn lại cho cả nhà đều biết rằng ông ấy xin phép chụp hình bằng phim màu, mà chỉ chụp mấy đứa con gái không mà thôi.
Có đáng tức chưa! Tại sao không chụp con trai.
Trí óc bé tuy còn non nớt, bé Huệ cũng hiểu ngay được rằng con gái nhiều màu lòe loẹt làm cho ảnh của mấy ông ấy chụp đẹp ra.
Lần đầu tiên, Huệ bị đời cho ra rìa, đau xót không thể tưởng tượng được.
Mấy chị và mấy em gái của Huệ được người Hoa Kỳ yêu cầu đi vào nhà thủy tạ, rồi từ trong ấy trở ra. Ông ấy sẽ chụp các nàng lúc các nàng đang đi giữa lưng cầu.
Bé Huệ nắm tay bà nội, thèm thuồng mà nhìn các chị em hãnh diện, ghen tức không biết bao nhiêu và cứ muốn nhảy đến lột áo của chị Cẩm-Nhung, xấp xỉ tuổi với Huệ, để mặc, hầu cho ông ấy chụp hình mình.
Bé Huệ rưng rưng nước mắt khi nghe ba nói với má:
- Y có hỏi địa chỉ anh và hứa sẽ gởi tặng gia đình một bức ảnh của mấy đứa nhỏ.
Trời ơi! Trong ảnh ấy sẽ không có Huệ! Nước mắt Huệ ràn rụa khi người Hoa Kỳ làm xong việc, bắt tay ba, chào bà nội với má, xoa đầu chị em Huệ, cũng có xoa đầu Huệ nữa, rồi đi nơi khác.
Má biết Huệ khổ lắm nên đền cho Huệ bằng nhiều chiếc sơ mi rằn ri, xanh đỏ, nhưng còn biết bao nhiêu thứ nữa mà Huệ thèm.
Chẳng hạn chị Hồng uốn tóc. Ừ, năm nay chị Hồng không kẹp tóc nữa mà uốn ngoài hiệu Saigon. Đẹp vậy mà chỉ còn cột lên tóc một sợi dây ruy-băng nó đè tóc xuống. Mỗi ngày một sợi khác màu với nhau, rồi cột lại sau ót thành một cái nơ.
Má lại sắm cho chị một bộ "Tuần lễ", gồm bảy chiếc vòng bằng vàng tây nhỏ chột, ngày thứ hai bảy chiếc đều ở cả cổ tay trái, rồi mỗi ngày sang bớt qua cổ tay mặt một chiếc, ôi chao là xinh, là ngộ!
Má cứ đẻ, năm nào cũng đẻ thêm một đứa em cho Huệ, mà cứ toàn là em gái không mà thôi. Lạ quá! Sao má không chịu đẻ con trai? Chính Huệ cũng thèm một đứa em trai lắm, nhứt là chờ một đứa em trai để thay thế cho nó khỏi phải làm khổ dịch con trai nữa.
Ừ, nó đã hiểu vì sao mà nó không được là nó. Nó đã hiểu ba xấu hổ mà không có được một đứa con trai, ngụy trang nó cho thiên-hạ khỏi nói ra nói vào, và nhứt là cho đỡ ghiền.
Làm trai quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội nợ nần chớ lo.
Lần nào học bài ám học nầy, Huệ cũng cứ nghe làm sao ấy! Làm trai! Hừ, nó có phải là trai đâu mà bắt nó phải tập những tác phong của con trai!
Bãi trường về tỉnh, Huệ phải ở lại với bà nội lâu hơn mấy đứa khác.
Bà nội dạy Huệ cúng, lạy, và nhồi vào óc Huệ cái sứ mạng thiêng-liêng của một đứa cháu trai có phận sự nối dõi tông đường để lo phần hương khói hầu họ nhà được kiếp kiếp đời đời không tuyệt tự.
Bà nội đã lậm quá rồi, xem nó tưởng là trai thật và kể như là bà đã có một đứa cháu trai đích tôn.
Trở lên Saigon, ba dẫn Huệ vào hồ tắm để tập cho Huệ lội.
Ba nói với má:
- Nước nhà độc lập rồi thì con trai có phận sự đi quân dịch. Mà một anh lính chiến không biết lội thì nguy vì quân-nhân thường có dịp băng ngàn, vượt sông mà không xe cộ, ghe thuyền gì cả.
Ba cũng đã xem ảo tưởng là sự thật rồi.
Má thích ăn chua lắm, các chị em cũng vậy, bởi phụ-nữ thể chất hạp chua và cần của chua.
Mỗi lần cả nhà ăn chùm ruột hay ăn trái cóc, ăn soài tượng, bé Huệ không được mời.
Ban đầu nó hờn, không thèm lại gần họ, nhưng nghe thèm chảy nước miếng, nó sáp vô.
Chị và em Huệ không ai nói gì. Nhưng má cười mà rằng:
- Lêu lêu mắc cỡ, con trai gì mà ăn chua!
Đến má cũng đã lậm cái ảo tưởng Huệ là con trai.
Năm ấy Huệ nhờ học giỏi, khỏi thi bằng tiểu học. Nó lại đậu kỳ thi tuyển vào trường nữ trung học Gia Long.
Mới có mười một tuổi.
Ba, má khen Huệ ghê lắm, nhưng ba than với má:
- Anh không quen lớn với ban giám đốc trường P.Ký như đã quen với ban giám đốc trường tiểu học Nguyễn-Thái-Học nên không thể năn nỉ họ nhận gái trong lớp trai, vả lại trường trung học là trường của học sinh tương đối lớn rồi, người ta không dễ dãi cho cái trò trá hình được đâu. Thôi, Huệ hết được làm con trai!
Ba, má buồn ghê, nhưng Huệ nhảy lên mà reo vui. Đối với nó thì hết được phải đổi thành hết bị.
Và tổ tiên nhà Huệ chắc là tích đức lâu đời lắm hay sao mà thế hệ nầy được hưởng phước lớn. Còn hai tháng nữa bé Huệ được làm con gái, thì má đẻ em trai, em trai thứ thiệt đa nhé, đứa em thứ mười, đứa em mà cả họ trông đợi từ lâu.
Sự sung sướng trong nhà, thật hoàn toàn. Bà nội, ba, má sắp mất thằng con trai giả thì được ngay một thằng con trai thật.
Huệ mừng bằng hai thiên-hạ, vì nó đã được là nó, lại có em trai để mà cưng.
Mười một năm làm khổ dịch, nghĩ lại mà ghê! Huệ giống như anh lính "săng-ti-nền", được cắt đặt đứng canh gác rồi bị bỏ quên lâu thật lâu mới được anh lính khác đến thay thế.
Thật là nhẹ.
Không kịp để tóc cho dài hầu phi dê, bé Huệ tạm dưỡng vài tháng rồi hớt a-la-gạc-son.
Để trả thù, Huệ đòi sắm áo nhiều thật nhiều, cái nào cũng màu sắc sặc sỡ, ở nhà nấu ăn nó cũng xức nước hoa, cho bõ những ngày khét nắng.
Tuy nhiên nỗi vui mừng của Huệ bị mây án phần nào. Nó chợt nhận ra nó đã mất ưu thế thằng con trai thừa tự giả hiệu rồi.
Trước đó người lớn trong gia đình đã quên sự thật nên quý nó lắm.
Giờ thì đứa cháu, đứa con trai cưng đã ra đời, Huệ bị đẩy về hàng ngũ con gái, thì nó lẫn lộn với tám đứa con gái khác trong nhà, không hơn đứa nào được vì không là trưởng nữ cũng chẳng là con út.
Tệ hơn thế, đó là một đứa con xấu xí vì bị nam hóa lâu năm.
Những trận giặc mà Huệ đánh nhau với lũ trẻ con trai mấy năm trước, để lại nhiều vết thẹo trên tay, trên chơn Huệ và khổ ơi, mặt Huệ cũng mang đến ba vết thẹo thật to, một ở trán, một ở má bên mặt và một ở ngay đầu mũi.
Ngày đầu mặc áo dài ra phố, Huệ theo dõi hình dáng nó trong kiếng cửa tủ hàng của các hiệu buôn thì nó thấy tướng nó cứng quá.
Con gái nào cũng ưa đẹp: Nhưng con gái còn bé chỉ ưa vậy thôi, chớ chưa ý thức rằng xấu xí là một tấn thảm kịch trong đời nó.
Thế nên bé Huệ vui được với may mắn làm con gái thật sự của nó trong hai năm đệ thất và đệ lục.
Đó là cô nữ sinh ba gai nhất trường Gia Long, không phải vì thiếu giáo dục gia đình mà vì đã bị nam hóa nên tánh tinh nghịch của con trai còn sót lại nổi bật lên trên hằng ngàn cá tính nhu mì quanh Huệ.
Huệ buồn lắm mà thiếu bạn.
Nữ sinh Gia Long, như bất kỳ nữ sinh trường con gái nào khác, ưa bắt bồ. Họ chơi riêng rẽ từng cặp một, nhỏ to tâm sự với nhau chớ không ồ ạt chơi chung như nam sinh.
Mặc dầu có lịnh của nhà trường cấm nhặt bắt bồ, thói ấy vẫn tồn tại với mọi hình thức trá hình, bởi vì bản năng của phái nữ ngàn đời không thể hủy diệt được bằng một cái lịnh cấm.
Bé Huệ rất ghét bắt bồ, nhưng cũng ghét cảnh lẻ loi vì bắt bồ tuy không hứng thú như chơi chung, vẫn còn hai đứa để làm bạn với nhau, chớ còn không bắt bồ, trong một thế giới mà ai cũng bắt bồ cả thì mình là con người dư rồi vậy.
Còn muốn bắt bồ, bé Huệ cũng không biết bắt bồ với ai. Không chị bạn nào mà chọn một đứa bồ mặt đầy thẹo, không biết chơi lưu bút, không biết lượm lá khuynh diệp đề thơ lên đó, và không biết ép hoa vào sách và làm thơ khóc hoa.
Bé Huệ chọn ban B, ban Toán, và cô đơn quá, nó nỗ lực với cái mộng làm kỹ sư sau nầy.
Đã bị đực thì làm đực luôn vậy.
Làm trai quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội nợ nần chớ lo.
Bài ám đọc năm xưa thỉnh thoảng văng vẳng vang lên bên tai Huệ, và nàng thấy rằng nàng phải bất đắc dĩ làm trai, cho dẫu đã được mặc áo dài và được học trường nữ.
Lần nào nghe một bà mẹ bên cạnh ru con bằng câu hát:
Linh đinh nửa nước, nửa dầu, nàng cũng ngùi thương thân phận mình, rưng rưng lệ một hồi rồi nổi giận lên, rồi căm tức cha mẹ nàng đã chơi trò hiểm ác một cách vô ý thức mà hậu quả là sự hủy diệt một bản ngã đáng lý phải được bình thường như bao nhiêu bản ngã khác.
Sự hủy diệt tai hại ấy lại không được thay thế bằng một bản ngã khác, bản ngã cứng rắn thật sự của con trai. Nơi nàng, quả "linh đinh nửa nước nửa dầu" thật đó.
Nàng giống như là một con dơi, chim không ra chim mà chuột cũng chẳng ra chuột, đầu Ngô mình Sở, nàng rất khổ vì sự chèo kéo bên trong của hai bản ngã.
Huệ quyết làm kỹ sư điện chẳng qua là hờn dỗi phận mình đó thôi, chớ nàng vẫn dọn lòng để làm con gái.
Ví đây đổi phận làm trai được!.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ khẩu khí hão bằng câu thơ trên đây vậy thôi, chớ chắc chắn là nàng an phận làm đàn bà của nàng.
Đã không làm trai trên thực tế được thì ai lại không nỗ lực làm gái cho xứng một cô gái lý tưởng?
Qua năm đệ ngũ, đời sống sinh lý bắt đầu thay đổi. Lần đầu tiên nàng mắc phải một tai nạn muôn thuở của đàn bà, khiến trong giây phút, nàng khủng khiếp đến cực độ, chạy đi cầu cứu với mẹ.
Má vui mừng lắm, xoa đầu con, cười hề mà rằng:
- Con tôi đã bắt đầu thành con gái lớn rồi đây. Không sao đâu mà con sợ. Đó là kinh kỳ, để má săn sóc con.
Đồng thời, nhiều biến cố xảy ra liên tiếp, Huệ nhổ giò, cao lên thình lình như những cái cây mà tay ảo thuật trồng trong một chiếc nón lật ngửa. Giọng bé Huệ bể, ca hát không thanh tao như ngày thường nữa.
Biến cố bên trong đi song hành với thay đổi bên ngoài.
Bé Huệ đâm ra buồn bã cả ngày, một nỗi buồn vô căn cứ, chớ không tinh nghịch nữa.
Nàng bâng khuâng trước lá rụng, mây trôi, như thương nhớ một cái gì xa vắng lắm.
Qua năm Đệ tứ, Huệ mắc phải chứng mất ngủ vì phải học nhiều để đi thi, mà cũng vì lẽ khác. Đó là chứng mất ngủ của tuổi dậy thì, cơ thể đang biến chuyển khó khăn để thay đổi và gây xáo trộn cho đến làm mất thăng bằng trong đó.
Huệ có những giấc mơ kỳ dị, mơ ngay trong lúc còn thức, hay trong những phút chập chờn sắp bước vào cõi cô miên.
Cái vật, không, cái người nàng mơ là một vị hoàng tử đẹp trai, hắn vừa thoáng hiện, chợt thấy mặt nàng thì thất vọng, vội trở gót mà đi. Huệ tủi thân quá, nước mắt tuôn trào.
Huệ thi đậu T.H.Đ.N.C. Nhưng đó không phải là một kỳ công. Kỳ công oanh liệt nhứt của anh con trai hụt nầy là một cái bằng nữ công.
Đã quyết ở vậy làm gái già, làm kỹ sư điện, nhưng Huệ vẫn nỗ lực nấu nướng vá may, một là vì khó lòng mà mất hẳn bản ngã thật của mình, khó lòng mà mất trọn hy vọng lấy chồng, mất chín mươi chín phần trăm vẫn còn được một, hai là cũng tại má nữa. Má thường mắng Huệ:
- Hứ, con gái hư! Nấu có một nồi cơm mà khê lên khê xuống!
Má không ác, không bất công, nhưng má quên rằng má luyện Huệ làm con trai, chớ có dạy nữ công lần nào đâu.
Mỗi lần bị mắng như vậy, Huệ tức lắm, và tủi thân vô cùng, nàng nghẹn mà không khóc được. Ấy, đau xót ơi, cho đến khóc, cái đặc điểm con gái ấy, nàng cũng không khóc được. Mười mấy năm cố gắng tự nam hóa, đã làm mạch nước mắt của nàng khô rắn lại như mạch nước mắt của con trai.
Năm ấy chị Hồng đi lấy chồng từ giữa tháng hai ta, rồi chị Cúc v.v... lục đục đi theo, cứ mỗi tháng là có một anh con trai đến xỏ mũi các chị mà dẫn đi.
Ai cũng khen má có doan, gả con thật tài, gả một đứa con gái đã khó lắm rồi, mà gả rồi được bốn đứa con trong vòng non hai năm là chúa vậy.
Nhưng cái doan của ba, má thình lình đứng lại nơi đứa con gái thứ năm, cái đứa tinh nghịch, ba gai, mặt đầy sẹo và đi đứng nhanh nhẹn quá như một anh con trai ấy.
Thiên hạ đồn nhà nầy có đức, mà vào thời nguyên tử nầy, đức hiếm hoi nên được người ta tìm kiếm dữ lắm!
Vì thế con trai lui tới nhà nầy rất đông.
Ba má hình như mãi đến bây giờ mới sực nhớ ra rằng Huệ thiếu điều kiện, mà sự thiếu ấy do ba má gây ra, ba má hối hận, nhưng trễ muộn quá, nên quyết nỗ lực giúp đỡ Huệ.
Ba, má giấu mất mấy đứa em kế của Huệ, chúng nó xinh đẹp lắm! Nhưng nếu cho lũ con trai ấy thấy mặt chúng nó thì Huệ còn hy vọng nào đâu!
Từ khi nhận được ý nghĩ thầm kín của ba má, Huệ cảm động lắm, và quên mọi căm hận mà nàng chất chứa trong lòng những khi nghĩ rằng trò chơi kỳ cục của ba má, đã làm hỏng cả đời nàng.
Huệ cảm động và mang ơn ba, má lắm vì nàng vẫn thích lấy chồng, mặc dầu không còn hy vọng nào.
Nỗi bâng khuâng của tuổi dậy thì, bấy giờ đã biến chất khác đi rồi. Bây giờ là một sự đói khát yêu đương.
Huệ thấy rằng nàng sẽ thiếu thốn ghê lắm, mặc dầu sẽ là kỹ sư điện, lương bổng tương đối cao, nàng có thể hưởng đầy đủ mọi tiện nghi vật chất.
Con trai đến, rồi ra về. Nhà nầy như là không còn con gái nữa vì lâu lắm rồi mà không cử hành lễ vu qui nào hết.
Mỗi lần một anh con trai đến rồi về không, để không bao giờ trở lại cả, Huệ buồn hiu như một chị buôn gánh bán bưng ngồi chợ trưa, đợi khách mãi mà khách chê hoa héo, ghé mắt nhìn sơ một cái rồi đi qua.
Thuyền qua rồi thuyền lại qua! Hằng trăm chiếc mà không chiếc nào ghé bến cả.
Trong khi đó thì Huệ nỗ lực học, nàng học ban B khắc khổ của con trai, và những chương trình toán học càng làm cho nàng khô cằn thêm, sự nỗ lực càng làm cho nàng cứng rắn thêm.
Cô kỹ sư điện tương lai đọc báo ngoại quốc thấy họ nói đến nhiều trường hợp trị liệu biến cải được giống người và cô định sẽ xuất ngoại để nhờ các danh y Tây phương biến quách cô thành con trai cho xong.
Nhưng muốn đạt mục đích phải có tiền, nghĩa là phải làm cô kỹ sư điện hà tiện năm bảy năm tài chánh.
Ô hô! chừng ấy nàng đã băm sáu băm bảy tuổi rồi, có thành con trai cũng sẽ thành con trai già, không khéo lại ế vợ nữa thì thật là ê chề.
Huệ đỗ tú tài II ban toán, ưu hạng.
Nhưng nàng không xin được vào trường Kỹ sư điện như đã dự định từ lâu.
Nàng tự nhận thấy mình cần phải hy sinh cho em út lấy chồng, tức là rời khỏi nhà nầy.
Ba má thương hại nàng cứ đưa nàng ra cho con trai xem, mà món hàng Huệ là món hàng không hấp dẫn thì Huệ là con kỳ đà ngăn trở tương lai của các em nàng.
Nhơn tòa đại sứ một cường quốc kia cho mở học bổng vào mấy trường kỹ thuật bên xứ họ, Huệ vào đơn xin và được đi học kỹ sư hóa học ở Ba Lê.
Huệ mừng được xuất ngoại thì ít mà phấn khởi vì một điều bí mật kia thì nhiều.
Bí mật ấy chỉ có nàng biết thôi, do một chị bạn đi Pháp về nói lại.
Ở Ba Lê sinh viên ta rất đông. Nhưng trong giới Việt kiều ở đó, gái thiếu mà trai thừa.
Thành thử cô gái Việt Nam xấu xí nhứt, qua bên ấy vài năm thì thế nào rồi cũng lấy chồng được.
Huệ can đảm lên đường, mặc dầu má Huệ và em Huệ khóc dữ lắm! Đứa con gái không may nầy giờ được mẹ thương yêu nhiều lắm, để bù vào phận hẩm của nàng.
Nàng không có khóc lúc chia tay với mẹ tại phi trường Tân Sơn Nhứt. Con trai mà!
Sự hy sinh của Huệ đem lại kết quả mà nàng mong muốn! Ba đứa em gái của nàng ở nhà, lần lượt đi lấy chồng được cả suốt thời gian đi học của nàng là ba năm.
Ở Pháp, Huệ giống như con cá gặp nước. Ở đây phụ nữ nhanh nhẹn như nam nhi, chơi thể thao và nhảy xe buýt rất tài, và đàn ông họ bất kể đến những cô gái nhiều nam tính, không xầm xì như ở nước nhà.
Huệ được cái an ủi tinh thần nầy là nàng có bạn trai rất đông, chớ không như ở Saigon.
Hình như con trai Saigon chỉ tìm bạn gái đẹp mà thôi. Con trai Pháp, mà cho cả con trai Việt du học nữa, tìm bạn gái vì tâm hồn, vì chí khí, vì sở thích chung nào ấy chớ không cứ vì sắc đẹp của họ.
Ở đây, trai gái chơi với nhau y như là họ cùng một giống với nhau, ít nghĩ đến hậu ý gì khác.
Tuy nhiên tình bạn vẫn không thay thế được tình yêu.
Huệ khao khát yêu đương một cách chánh đáng y như là bất kỳ cô gái nào khác, không có gì đáng trách cả.
Và nàng sốt ruột quá mà thấy Việt kiều yêu nhau và kết hôn với nhau gần như ngày một.
Xa gia đình, cô cậu nào cũng cần yêu cả. Xa gia đình, cô cậu nào cũng tìm yêu dễ dàng cả. Và họ kết hôn với nhau cũng dễ dàng và mau lẹ.
Sốt ruột cho Huệ nhứt là khi thấy có những cô dâu được "đóng thùng" từ nước nhà gởi qua.
Thành ngữ bóng "cô dâu được đóng thùng" chỉ những cô gái mà cha mẹ của các du học sinh chọn ở chánh quốc, cử hành hôn lễ mà không có chú rễ, rồi lấy vé máy bay, gởi tuốt cô dâu đi mấy vạn dặm để tìm chồng.
Thế mà Huệ, nàng ở sẵn bên cạnh các sinh viên Ba Lê mà vẫn không lọt được vào cặp mắt xanh của cậu nào cả.
Có một lần nàng được một sinh viên Nam Phi Châu tỏ tình. Huệ không có óc kỳ thị chủng tộc, nhưng quả anh ấy xấu quá, cái mũi tẹt như là một tay đánh võ nhà nghề vừa bị đấm trong một trận thư hùng.
Tuy nhiên, nàng cũng do dự rất lâu, nửa muốn ưng... nửa muốn không, rồi rốt cuộc từ chối hẳn.
Huệ học giỏi nhứt lớp và thi ra trường nàng đỗ đầu.
Một xưởng kỹ nghệ lớn ở Haute Savoie, được trường giới thiệu cho, mời nàng giúp việc, lương rất cao.
Nhưng Huệ từ chối và sửa soạn hồi hương. Nàng nhớ xứ, nhớ nhà cũng có, nhưng lại muốn quay về nước để tìm may mắn một lần nữa.
Nam sinh viên ở đây đông thật đó, nhưng chỉ có hạn thôi. Nước nhà còn hàng triệu thanh niên, thì may mắn có thể sẽ nhiều hơn.
Mọi hoài bão của Huệ đều được thỏa mãn.
Ba Huệ về hưu, nhưng Huệ lại tìm được việc ngay.
Nàng nuôi mẹ già và thằng em trai út. Không là cô kỹ sư điện, Huệ là nữ hóa học gia, cũng là một chuyên viên ít có dịp bị tình cảm phá quấy.
Cô nữ khoa học gia nầy luống tuổi, và sẽ làm gái già phụng dưỡng cha mẹ cho đến ngày ông bà khuất núi, y như một đứa con trai có phận sự giữ nhà thờ.
Bấy giờ chỉ có má Huệ khóc thôi. Thỉnh thoảng nghĩ đến nỗi cô đơn của đứa con gái đáng tội nghiệp mà chính ông bà đã vô tình làm hại đời nó, bà mủi lòng rơi lệ.
Rồi bà lo phục dịch Huệ như một bà vợ đảm đang phục dịch chồng.
Giờ có tiền, Huệ không nghĩ đến nhờ y học biến thành trai nữa. Hương vị của cuộc đời đã nhạt phai đối với nàng rồi thì trai hay gái nàng cũng cóc cần.
Đuốc Thiêng, 1962
Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò - Bình Nguyên Lộc Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò