Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 71739 / 124
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 - Tâm Sự Nhạn Môn Quan
ách núi sừng sững như chọc thủng khoảng mây, ngăn tầm mắt người Khất Đan bên nầy và người Tống bên kia. Những cuộc nam chinh của nước Liêu từ cửa ải này xuất phát, cuồn cuộn chảy vào Trung Nguyên để nổi lửa đốt cháy nhà cửa và bật cung khơi nguồn máu chảy. Rồi nếu muốn bắc phạt để trả nợ máu, quân Tống cũng từ cửa ải này tuôn vào những sa mạc nước Liêu dậm nát không còn ngọn cỏ xanh hay một tiếng khóc tiếng cười.
Nhạn môn quan là tuyến đầu, biên giới giữa nước Liêu và nước Tống. Quân lính hai bên sẵn sàng ở thế tác chiến, đôi mắt xoi mói hoài nghi. Trừ trường hợp do nội tình, một bên bị suy yếu để bên kia thừa cơ lấn áp cướp bóc, bình thường cửa ải đóng kín, không ai được qua khỏi. Chỉ có chim hồng chim nhạn nhờ góp gió vào đôi cánh, từ ngả nhạn môn quan bay xuôi về phương nam tìm hơi ấm.
Tâm sự Nhạn môn quan là hoài bão của kẻ muốn làm kiếp chim, bay bổng lên trên, xóa hết biên giới nhỏ hẹp để sống theo tình người. Kẻ đó vẻ mặt hiên ngang, tính khí cao ngạo, to lớn hào sảng như con hùng sư 1, lớn mật mà cẩn thận, trí dũng song toàn 2, là nhân vật mà Kim Dung tha thiết đặt hết niềm tin, cố gắng thâu góp tất cả mọi đức tính lý tưởng giao cho hắn, nhờ hắn thay mình vào đời để bình thiên hạ.
Nhân vật tuyệt vời ấy là TIÊU PHONG, trong Lục Mạch Thần Kiếm. Cuộc đời của Tiêu Phong gắn liền vào cửa ải này.
Nếu Tiêu Viễn Sơn và người vợ bất hạnh không bồng con về thăm ngoại, thì Tiêu Phong vĩnh viễn là một vương tử Khất Đan, suy nghĩ theo quan niệm thuần túy Khất Đan, hành động theo quyền lợi người Khất Đan, nghĩa là ông sẽ bằng lòng với thế đứng của kẻ ở mạn bắc Nhạn môn quan.
Cuộc đời run rủi cho mọi sự bi đát mâu thuẫn có thể xảy ra, do mưu ly gián Liêu Tống của Mộ Dung Bác, quần hào trung nguyên tưởng một nhóm võ sĩ Đại Liêu âm mưu tấn công Thiếu Lâm tự để đoạt kinh, nên cùng nhau ra Nhạn môn quan phục kích. Vợ chồng Tiêu Viễn Sơn vô tình mắc nạn, mẹ Tiêu Phong bị thảm sát, cha Tiêu Phong tuyệt vọng tưởng vợ con chết hết nên ôm xác thân nhân nhảy xuống vực sâu tự vận. Nhưng như lời Trí Quang đại sư thuật lại:
"Gã người Liêu trong lúc lơ lửng chưa xuống đến đáy vực mới phát giác ra con mình chưa chết. Gã liền lập tức quăng con lên. Tâm linh gã mau lẹ đã đành, nhưng tung con đúng chỗ không sai mảy may thì võ công này ai mà không khiếp sợ. Tôi nhìn anh em chết thảm, khóc ròng một lúc rồi nhấc đứa nhỏ lên toan đập nó vào tảng đá cho chết đi. Nhưng vừa toan liệng vào; bỗng nghe nó khóc thét lên. Tôi nhìn mặt nó một cái, thấy má nó bụ bẫm đỏ hây, mắt nó đen láy và trong sáng đang nhìn tôi. Nếu tôi không trông vào mặt nó, thì đã quật chết tươi rồi, chả còn chuyện gì nữa".
Cậu bé Tiêu Phong sống sót nhờ một cái nhìn. Trí Quang đại sư đã nhìn thẳng vào gương mặt đứa bé, để thấy trong đôi má bụ bẫm đỏ hây quyền sống thiêng liêng của một con người, trong đôi mắt đen láy chan chứa niềm vui, tình thương yêu, tình liên đới giữa người với người, không phân biệt Liêu hay Tống, già hay trẻ.
Tiêu Phong được quyền sống sót nhờ ở tình người, và dĩ nhiên lớn lên, cũng phải có nhiệm vụ phụng sự cho tình người.
THỰC TRẠNG PHÂN TRANH CỦA CÁC CHỦNG TỘC
Bọn Uông Bang chúa, Thủ lãnh đại ca, Triệu thiền tôn, Trí Quang đại sư... hối hận vì đã vô tình giết oan vợ chồng Tiêu Viễn Sơn nên không nỡ giết đứa con, đem nó qua hẳn bên này biên giới, thật xa về phía nam Nhạn môn quan, giao cho vợ chồng họ Kiều ở dưới chân núi Thiếu Thất nuôi dưỡng. Chùa Thiếu Lâm rèn luyện võ công và đạo đức, rồi Uông bang chúa hướng dẫn đào tạo cậu bé thành một người Tống hoàn toàn. Sau nhiều trắc nghiệm thử thách gay go, Tiêu Phong mới được giao cây Đả cẩu bổng cho. Quần hào trung nguyên giấu nhẹm gốc gác của Tiêu Phong, và chính ông cũng cư xử như một người Hán thuần túy. Cái nhìn Tiêu Phong giống y cái nhìn mọi người, hạn chế trong biên giới quyền lợi dân tộc, nhắm mắt tuân hành theo hệ thống huyền thoại nhằm đề cao Hán tộc và phỉ báng bọn man di chung quanh. Những huyền thoại đó là căn bản của lịch sử tất cả các nước trên thế giới, nó là chất liệu chính của mọi chặng huyền sử, là nguyên tố, mục tiêu để các sử gia sưu tập tài liệu chứng minh diễn tiến sinh tồn của dân tộc. Chúng ta thử điểm mặt các anh hùng dân tộc, sẽ thấy thành tích lớn lao nhất của họ là giết được hằng hà sa số người lân bang để bảo vệ quyền lợi chủng tộc, mở mang bờ cõi. Cho nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy bên này biên giới, nhân vật ấy là một tên đại ác, còn ở bên kia biên giới lại là một nhân vật lịch sử siêu việt oai hùng từng làm sáng đôi mắt ấu thơ. Cũng chính vì tinh thần dân tộc này mà người ta tự cho phép làm ngơ trước những hành động phi nhân, như nỗi vui sướng phấn khởi của một đứa trẻ da trắng Hoa kỳ khi xem trên màn ảnh cảnh quân biên phòng tàn sát không thương tiếc bọn mọi da đỏ. Tự tôn dân tộc, tự ái quốc gia là một thực tại trường cửu, cho nên dù cùng theo một chủ nghĩa, người cộng sản bên này biên giới vẫn gườm súng thủ thế với đồng chí bên kia biên giới. Hơn thế nữa, khi do một nguyên nhân riêng, những người cùng chủng tộc chém giết nhau, người ta vẫn thường trấn an lương tâm bằng cách gán cho người đồng bào là tay sai ngoại bang, nghĩa là không còn đáng được cư xử như một kẻ đồng giống nòi (một bên bị gọi là tay sai đế quốc Mỹ, một bên bị gọi là tay sai đế quốc đỏ Nga Tàu).
Lòng tự tôn quốc gia đã là một thực tại trường cửu thì biên giới quốc gia, muôn ngàn Nhạn môn quan, càng được phòng thủ cẩn mật. Sức người khó có thể xô ngã hay chui qua lọt. Họa hoằn chỉ có thể lọt qua được là những loài chim.
Tiêu Phong lớn lên, nuôi dưỡng trong truyền thống, mê hoặc bởi huyền sử, căm hận đến tận xương tuỷ bọn Khất Đan độc ác, và hãnh diện là người Hán. Ông ở xa biên giới quá, nên không thể thấy được những thực tại Nhạn môn quan.
Phải chờ đến lúc vì vấn đề chủng tộc, ông bị truất ngôi bang chúa, Tiêu Phong mới trở về Nhạn Môn quan để thấy rõ thực tại phân tranh.
Ông đã thấy gì? Trên Nhạn môn quan chất ngất, mây phủ chập chùng, không khí thanh khiết và yên tĩnh thần tiên. Ở cõi cao nhìn xuống nhân gian, chắc chắn mọi sự trở thành bé nhỏ tầm thường mà dễ thương như đồ chơi con nít: từ một khoảng vườn hẹp, một mái nhà nhỏ, một cánh đồng xanh. Nhưng Tiêu Phong về lại đây với một nỗi hận trùng trùng. Ông thắc mắc: Có phải mình là người Khất Đan không? Khất Đan có tàn ác không? Người Hán có đẹp như huyền sử không?
Thực tại đã trả lời:
"Trong lúc Tiêu Phong đang băn khoăn nghĩ ngợi, bỗng nghe thấy có tiếng trẻ con khóc. Ông giật mình như người trong giấc mơ, tự hỏi: Tại sao lại có trẻ nít khóc?
Kế đó, ông lại nghe thấy tiếng đàn bà lanh lảnh, liền thò đầu trông ra để xem cho rõ thì thấy bọn quan binh nhà Đại Tống tên nào cũng cướp đêm về một vài người đàn bà con nít. Bọn người bị bắt đều mặc quần áo Khất Đan theo kiểu chăn trâu bò. Nhiều tên quan binh nhà Đại Tống đưa tay sờ nắn vào những người đàn bà con gái Khất Đan trông rất bỉ ổi và khả ố. Người đàn bà nào kháng cự là bị quan binh đánh đập...
Đột nhiên một đứa con nít đang ngồi trong lòng mẹ khóc thét lên. Người mẹ Khất Đan hất tay tên quan binh Đại Tống ra, quay lại gọi đứa nhỏ đang khóc. Tên quân cả giận, nắm lấy đứa nhỏ quật xuống đất, rồi cho vó ngựa xéo lên mình. Lập tức ruột gan đứa nhỏ lòi ra, Người đàn bà Khất Đan sợ, mặt xám ngắt, muốn khóc mà không khóc thành tiếng. Cả bọn quan binh xúm lại cười rộ...
Lũ quan binh này đi qua rồi thì lại một toán hơn mười tên khác la ó đi tới. Toán quan binh Đại Tống này cũng đều cưỡi ngựa, tay cầm đao dài giơ lên. Đầu mũi đao đều có bêu một cái thủ cấp máu chảy đầm đìa. Khúc đuôi một con ngựa có buộc quãng dây dài trói năm người đàn ông Khất Đan. Cách ăn mặc những người Khất Đan này cũng toàn là hạng bình dân chăn trâu bò. Hai người đã già lắm, đầu tóc bạc phơ, còn ba người nữa là thiếu niên mười lăm mười sáu tuổi. Tiêu Phong hiểu ngay: Khi thấy quan binh Đại Tống đến ăn cướp, bọn tráng niên Khất Đan khỏe mạnh đều chạy thoát nên lũ quan binh chỉ cướp được những người già nua yếu đuối và đàn bà trẻ con đem về."
Cảnh ấy khiến Tiêu Phong hết còn hãnh diện là người Tống. Ông thành thực thú nhận với A Châu trên Nhạn môn quan là ông hãnh diện được làm người Khất Đan. Tiêu Phong không giữ được lâu niềm kiêu hãnh ấy. Lần thứ nhì lên Nhạn môn quan, Tiêu Phong được mục kích một cảnh khác:
"Ông thấy đội quân binh Khất Đan ước chừng dư tám trăm người trên lưng ngựa chất đầy vải lụa cùng đồ vật, và số người bị bắt cũng đến dư tám trăm, phần đông là con gái ít tuổi, và một số trai tráng. Họ đều mặc y phục người Tống, ai nấy khóc lóc kêu gào, vẻ mặt cực kỳ buồn thảm...
Ngày trước Tiêu Phong đến ngoài ải Nhạn môn quan chính mắt ông đã trông thấy bọn quan binh nhà Đại Tống hiếp đáp nhân dân Khất Đan, lần này ông lại thấy binh Khất Đan đi bắt con dân Đại Tống. Vẻ mặt của những người bị bắt bữa nay cũng sầu khổ chẳng khác gì những người Khất Đan bị bắt ngày nọ."
Trong những tên quân Đại Tống bỉ ổi khả ố với đàn bà Khất Đan, có thể sau này nhiều người trở thành anh hùng bảo vệ biên cương bờ cõi. Cũng như nếu một trong số 800 tên Khất Đan thảo khấu rủi ro bị chết, hắn sẽ được long trọng quốc táng, vì VỊ QUỐC VONG THÂN. Đó là bản chất của mọi huyền sử, cũng như vẻ mặt sầu khổ của những người dân Tống lẫn bọn bình dân chăn trâu bò Khất Đan là bản chất của lịch sử nhân loại. Sâu bên trong các kinh kỳ, bên trong các tuyên ngôn huấn từ, bên trong các sách sử yếu dành cho quần chúng, ý niệm quốc gia và sự duy trì niềm tự tôn chủng tộc đủ chất men khích động đám đông, để họ sẵn sàng tham dự vào tất cả mọi mưu đồ. Nhưng người đứng trên những Nhạn môn quan phải là những người sáng suốt. Cái nhìn của Tiêu Phong là cái nhìn của chim nhạn chim hồng:
" (Gần Nhạn môn quan), là một khu đồng ruộng bát ngát hoang vu, lúa má cùng cỏ dại mọc chen nhau, chỗ nào cũng đầy chông gai vì lâu ngày không người đi lại. Tiêu Phong nghĩ thầm:
- Người Tống vì sợ Khất đan đến đây cướp lương thảo nên đành bỏ hoang mấy trăm vạn khoảng ruộng tốt này. Mỗi một khoảng ruộng này đều nuôi nấng được bao nhiêu sinh linh. Họ đã tốn bao nhiêu huyết lệ mới làm thành ruộng tốt như vậy..."
Từ trên cao nhìn thấu được niềm vui nỗi buồn của một bác tiều phu người Tống, ao ước thái bình, để hằng ngày đem củi xuống chợ đổi nồi gạo trách mắm, nhìn thấu được màu xanh huyền diệu của một đọt cỏ, màu vàng ửng của trái chín, sắc vàng mênh mông của mùa. Nhìn được như vậy, Tiêu Phong mới sa vào niềm băn khoăn chưa từng có nơi mọi người Tống và mọi người Khất Đan. Thân thế đặc biệt của ông đưa ông đến một vị trí đặc biệt buộc ông nhận một thân phận đặc biệt.
NỖI BĂN KHOĂN CỦA TIÊU PHONG
Sự thức tỉnh đưa đến những hậu quả không mấy may mắn. Ông trở thành người cô đơn, xa lạ với đồng loại từ lúc ông tự hỏi:
- Làm sao đã là người cả lại còn phân chia làm người Khất Đan, người Đại Tống, rồi Nữ Chân, người Cao Ly... Bọn người bên này sang bờ cõi nước kia để kiếm lương, rồi bọn người bên kia lại qua đất bên này để giết người đốt nhà? Người bên này mắng người bên kia là CON CHÓ LIÊU, người bên kia mắng lại người bên này là CON HEO TỐNG.
Hay xa hơn nữa, từ khi ông dùng trực giác và sự tha thiết đến tình người để phân biệt phải trái, chân nguỵ trong lời kể chuyện Nhạn môn quan của Trí Quang đại sư.
Trí Quang kể lại cuộc phục kích quân Khất Đan mấy mươi năm về trước để giải thích thân thế Kiều Phong:
" Thủ lãnh đại ca thấy quân Liêu cẩu đến gần liền hú lên một tiếng dài để ra hiệu. Sau các tảng đá lớn, ám tiễn tới tấp bay ra: nào cương tiễn, nào tụ tiễn, nào phi đao, nào thiết chuỳ đều tẩm thuốc kịch độc. Bỗng nghe những tiếng oai oái vang dậy, cả bọn Liêu cẩu nhốn nháo, ngã ngựa đến quá nửa. Lúc nầy tôi đã đếm được rõ ràng bọn võ sĩ Khất Đan có mười tám tên cả thảy, mười một tên trúng ám khí, thế là chỉ còn bảy tên. Chúng tôi liền nhất tề xông ra khoa đao lên chém giết một lúc sạch cả, không còn một mống chạy thoát.
Nghe xong cuộc thắng lợi vẹn toàn này, do lòng tự ái quốc gia, nhiều người trong Cái bang hoan hô nhiệt liệt.
Bọn chó Liêu dĩ nhiên tàn ác như dã thú, giết được càng nhiều càng tốt. Vậy mà các bậc tiền bối anh hùng đã giết sạch trong chớp mắt mười tám tên chó chết. Quần chúng nhiệt liệt tán thưởng, giống như khán giả vỗ tay khi thấy quân biên phòng da trắng giết sạch cả bộ lạc da đỏ, giống như độc giả nhật báo vui mừng đọc tin thắng trận ở Sơn Mỹ: Lực lượng đồng minh Hoa Kỳ thuộc sư đoàn Americal phối hợp với không quân và pháo binh, đã tấn công vào một làng chiến đấu phòng thủ kiên cố của cộng quân sáng ngày 16-3-1968 vừa qua. Giao tranh diễn ra ác liệt suốt buổi sáng và xế trưa. Kết quả: 128 xác địch đếm được tại trận, 13 tình nghi bị bắt giữ và 3 vũ khí bị tịch thu.
Nhưng sau những vui mừng đột khởi ban đầu, một hai tháng hay một hai năm sau, phải có những hoài nghi nhân bản: Tại sao 128 tên địch bỏ xác tại trận mà quân bạn chỉ tịch thu được có 3 vũ khí? Chính câu hỏi này đã đưa đến vụ án thời danh Calley. Đoàn Dự và Tiêu Phong khi nghe Trí Quang đại sư kể chuyện, cũng có những hoài nghi tương tự. Tiêu Phong thầm hỏi: Đại sư vừa nói bọn võ sĩ Khất Đan này tất được tuyển chọn rất kỹ mà sao chỉ trong khoảnh khắc, chúng đã bị giết hết. Đó là những băn khoăn xuất phát từ lòng nhân đạo, đòi phân biệt người dân vô tội chịu đựng lịch sử và kẻ chiến đấu. Bên kia Nhạn môn quan, chưa phải là vùng oanh kích tự do, nên cả hai con người chí tình Đoàn Dự và Tiêu Phong đều tỏ vẻ hoài nghi, trong lúc quần hào vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.
Tuy nhiên sự thức tỉnh chỉ mới bắt đầu, nên Tiêu Phong chưa dám có thái độ nào. Ông vẫn im lặng, nghe Trí Quang đại sư kể tiếp:
Chúng tôi đành ỷ bên mình đông người xúm lại uy hiếp, sáu bảy người nhảy xô lại tấn công gã đàn ông và bốn năm người xúm lại đánh thiếu phụ, Không ngờ thiếu phụ này chẳng biết chút võ nghệ nào. Vừa bị chém một đao, cánh tay nàng đã đứt lìa mình. Thiếu phụ bồng con té nhào xuống đất. Một người khác bồi thêm phát nữa hớt mất nửa đầu nàng. Gã đàn ông tuy võ nghệ cao cường nhưng bị bảy tám cao thủ vây đánh thì còn tài nào có thể rảnh tay giải cứu cho vợ con. Mấy chiêu đầu gã chỉ dùng thủ pháp kỳ dị cướp lấy vũ khí chúng tôi, chứ không chém giết ai. Nhưng khi thấy vợ con bị giết rồi thì mắt gã đỏ ngầu, vẻ mặt hung dữ trông mà phát khiếp. Gã người Liêu tưởng đã giết hết bọn cường địch liền chạy lại bên thi thể vợ, ôm lấy thây nàng khóc rống lên, tiếng khóc cực kỳ bi thảm. Tôi nghe tiếng khóc không khỏi mủi lòng. Thì ra tên Liêu cẩu này ác như quỷ, dữ như dã thú mà hãy còn nhân tính. Giọng khóc bi ai của gã tưởng chẳng kém gì người Hán chúng ta.
Hoá ra chính Trí Quang đại sư cũng thức tỉnh như Tiêu Phong, Đoàn Dự. Đại sư hơi có chút kinh ngạc, thú nhận tiếng khóc Khất Đan không khác mấy với tiếng khóc Đại Tống.
Triệu Thiền Tôn, một cao thủ cũng tham dự vào trận phục kích ấy nói:
- Loài dã thú còn có thâm tình giữa cha con và vợ chồng vị tất nó đã thua loài người. Thế thì người Khất Đan cũng là người, người Hán cũng là người, sao nó lại không thương xót bằng người Hán?
Mọi người nghe Triệu Thiền Tôn nói đều la ó phản đối, Triệu Thiền Tôn chỉ cười nhạt không đáp. Nụ cười khinh miệt ấy khai ngộ cho Tiêu Phong, con người bị xâu xé giữa cuộc phân tranh khốc liệt về chủng tộc. Không một chút do dự ông tự vạch cho mình một lý tưởng: cố gắng xoá bỏ hận thù giữa các quốc gia chủng tộc, nhìn con người không qua lòng tự ái tự tôn tích luỹ lâu đời do âm mưu chính trị, mà qua tình thương giữa người với người.
Con người ra đời với đôi má hây hây bụ bẩm, và đôi mắt trong sáng đen nháy, lớn lên trong tiếng nô đùa hồn nhiên, vào đời hệ luỵ với tình cha mẹ, tình vợ chồng, tình tương thân hàng xóm láng giềng, tình quê hương quyến luyến, từ một cổng làng một bụi tre, một hòn đá bên đường, một cây đa cỗi, con người nguyên vẹn niềm vui và nỗi buồn, dù phút vui phù phiếm mà buồn da diết, vẫn được quyền sống nốt cho hết khoảng thời gian thiên phú. Sự thực phân tranh, cùng với bản tính chân thực chí tình, đã giúp Tiêu Phong ngộ đạo, Từ TỰ GIÁC, ông bắt đầu GIÁC THA.
TIẾNG GẦM CỦA CON HÙNG SƯ
Không phải bằng những bài kệ. Không phải bằng những câu quát tháo phẫn nộ nơi cửa miệng các vị thiền sư. Là một cao thủ võ lâm, Tiêu Phong có một lối khai ngộ riêng của con nhà võ. Những vấn nạn khai ngộ của ông liên quan đến võ học, đã thức tỉnh từ một vị tăng Thiếu Lâm cho đến đám đông kiếm khách.
Có thể có nhiều lối khai ngộ khác. Như bài kệ Trí Quang đại sư viết cho Tiêu Phong trước khi viên tịch:
Chúng sinh đều một cuộc
Vạn vật thế bình quân
Thánh hiền hay súc loại
Thảy tới chỗ đồng nhân
Khất đan với Hán nhân
Bất luận giả hay chân
Ân oán cùng vinh nhục
Không hơn đống bụi trần
Đã thức tỉnh đầu óc những kẻ mang nặng thành kiến, oán thù, khiếp sợ trên cái thế chông chênh ở Nhạn môn quan.
Nhưng Tiêu Phong chọn một lối khai ngộ thích hợp với đối tượng: khai ngộ bằng võ học. Điều đó không có gì ngạc nhiên, vì triết lý của sự sống không hạn hẹp trong các suy niệm nghiêm túc về vũ trụ, nhân sinh, mà bàng bạc trong lời chim sớm, nụ cười trẻ thơ, trăng tròn rồi khuyết, bèo hợp rồi tan. Vậy thì tại sao lại không có thể tìm thấy một lẽ sống, một hướng đi trong cách sử một chiêu kiếm, vung một đường quyền, luyện một nội lực. Lấy võ để khai ngộ là đã vượt qua được cái chấp đầu tiên: trọng lý thuyết và các suy niệm thuần lý, xem nhẹ sinh hoạt bình thường của thực tại. Nhờ vậy, cách giác tha của Tiêu Phong đã thức dậy niềm băn khoăn trong mọi người, khiến họ xao xuyến bàng hoàng, đặt ngược vấn đề, tra hỏi về những điều lâu nay tưởng là chân lý vĩnh cửu.
Con hùng sư giữa đám quần hùng đã dùng tiếng gầm của võ công để giác tha. Trước hết, ông thức tỉnh tăm tối cho một kẻ tưởng đã xoá hết hình sắc, ý thức vô thường: nhà sư Huyền Tịch.
"Lúc này, đôi bên cùng sử dụng toàn Thái tổ trường quyền, ngoài việc so bì các võ công cao thấp, không còn chỗ nào để nhiếc móc nhau nữa. Huyền Tịch thấy Huyền Nạn chỉ trong chớp mắt là nguy hiểm đến tính mệnh, không nói nữa, phóng véo một chỉ ra, điểm huyệt tuyệt kỹ này của phái Thiếu Lâm gọi là Thiên Trúc Phật Chỉ. Tiêu Phong thấy Huyền Tịch phóng chỉ điểm ra, vừa nghe tiếng vù vù rất nhỏ nhẹ, đã nói ngay:
- Lâu nay tôi vẫn ngưỡng mộ ngón Thiên Trúc Phật Chỉ quả nhiên lợi hại. Nhưng ngón này là võ công của người Hồ bên Thiên Trúc mà đại sư đem ra để đấu với huyền phát chính tông của Đức Thái Tổ bản triều, thì dù đại sư có thắng được tôi, há chẳng mang tiếng là kẻ thông Thiên bán nước, làm nhục cho bản triều ư?
Huyền Tịch vừa nghe, bất giác rùng mình.
Hôm nay quần hùng sở dĩ đến đây vây đánh Tiêu Phong vì ông là giòng giống rợ Hồ nước Khất Đan. những môn phái võ Thiếu Lâm được truyền vào Trung Quốc từ lâu. Các môn phái ở Trung nguyên chẳng nhiều thì ít đều có liên quan đến những môn võ của phái Thiếu Lâm. Mọi người cơ hồ quên lãng mối liên quan giữa người Hồ và phái này.
Quần hùng nghe Tiêu Phong nói, ai nấy trong lòng rung động, vì trong các vị anh hùng ở đây, có nhiều nhân vật kiến thức rất rộng, không khỏi nghĩ thầm: Bọn ta đã kính cẩn Đạt Ma Lão Tổ như một vị thần minh mà sao lại căm hận người Khất Đan đến xương tuỷ? Cả người Khất Đan cho chí người Thiên Trúc đều là nói giống rợ Hồ chứ đâu có cùng chủng tộc với mình? Xét cho cùng thì hai giống người này khác nhau xa: người Thiên Trúc trước nay không tàn sát đồng bào Trung quốc, còn người Khất Đan thì tàn ác vô cùng.
Như vậy thì không phải cứ thấy người Hồ là giết, mà bên trong còn phân biệt kẻ thiện người ác. Thế thì giòng giống Khất Đan không có ai là người tốt ư?
Tiêu Phong lấy ngay cái eo hẹp của lượng người để làm vấn nạn. Người Hán có mặc cảm tự tôn của người Hán, hãnh diện với Thái Tổ trường quyền do vị vua sáng lập ra nhà Tống sáng chế. Từ đó, quần hùng Trung nguyên xem thường bọn tây hồ, bắc địch, nam man, đông di. Bây giờ, trong lúc nguy nan, nhà sư nặng lòng dân tộc mà quên đạo pháp lại đem võ công của người Hồ ra tranh đấu với võ công bản triều, không chú ý đến sự nghịch lý trớ trêu của hành động. Nếu vì muốn thắng Hồ mà phải sử dụng võ công của rợ Hồ, thì làm sao phân biệt được phải trái, đen trắng?
Huyền Tịch bất giác rùng mình vì Tiêu Phong đã chứng tỏ cho đại sư thấy sự mê lầm, và hơn thế nữa, đánh đúng được niềm băn khoăn bấy lâu Huyền Tịch chưa tìm ra lối thoát: Làm sao giải quyết được mâu thuẫn quyền lợi dân tộc và đao pháp? Nếu tu sĩ phải đứng trước một hoàn cảnh trớ trêu, một bên là sự tồn vong tối thượng của quốc gia một bên là lý tưởng tôn giáo, thì tu sĩ phải dung hoà thế nào giữa đạo và đời? Huyền Tịch trước hết tự nhận là một đại sư xem tất cả không hơn đống bụi trần hay trước hết là một công dân Đại Tống? Nếu vì quyền lợi của Đại Tống mà mê lầm, Huyền Tịch có quyền tiếp tục mặc bộ áo cà sa. Chỉ có các nhà sư Việt Nam thời Lý Trần mới có quyết định cởi áo nâu cầm gươm giệt giặc, rồi rửa tay gác kiếm, thanh thản trở về dưới cội Bồ đề. Mà cho dù có dứt khoát được như vậy, trên toà sen, Đức Phật cũng không khỏi nhìn nhà sư ái quốc với đôi chút ngậm ngùi. Huyền Tịch bất giác rùng mình, rồi từ đó cập thuyền vào bến Giác.
Sau đó, Tiêu Phong đặt câu hỏi khai ngộ rõ ràng hơn cho đại sư Huyền Độ:
"Đột nhiên Tiêu Phong hỏi:
- Huyền Độ đại sư, gia gia tại hạ (chỉ Tiêu Viễn Sơn, người Khất Đan, cha của Tiêu Phong, bây giờ đang tu ở chùa Thiếu Lâm) ở quí tự có mạnh giỏi không?
Huyền Độ sửng sốt đáp:
- Lệnh Tôn đã quy y, vào thanh tu trong hậu viện chùa Thiếu Lâm. Lúc bần tăng đi Nam Kinh, không muốn đến chào lệnh tôn để khỏi bận lòng trần tục.
Tiêu Phong nói:
- Tại hạ muốn gặp gia gia để hỏi người một câu.
Huyền Độ hắn giọng một tiếng chưa nói gì, thì Tiêu Phong lại tiếp:
- Tại hạ muốn hỏi gia phụ: Nếu Liêu binh đến đánh chùa Thiếu Lâm, thì người xử trí ra sao?
Huyền Độ đáp ngay:
- Bần tăng nghĩ rằng dĩ nhiên cư sĩ sẽ giết địch để bảo vệ Phật pháp.
Tiêu Phong nói:
- Nhưng gia phụ là người Khất đan, chẳng lẽ lại vì người Hán mà giết người Khất đan ư?
Huyền Độ trầm ngâm một chút rồi nói:
- Bang chúa (chỉ Tiêu Phong) quả là người Khất đan mà bỏ chỗ tối để theo chỗ sáng, thật là đáng kính phục.
Tiêu Phong nói:
- Đại sư là người Hán thì nghĩ người Hán sáng mà người Khất Đan tối. Tại hạ người Khất đan cũng tưởng Đại Liêu sáng còn Đại Tống tối, Tổ tiên tại hạ bị giống người Yết tàn sát, lại bị người Tiên ti hà hiếp cực kỳ khốn khổ, chạy hết chỗ này đến chỗ khác. Đời nhà Đại Đường, người Hán võ công cực thịnh, đã giết không biết bao nhiêu là dũng sĩ, cướp bao nhiêu là phụ nữ Khất đan. Bây giờ đời Tống, võ công người Hán kém cỏi, nên lại bị người Khất Đan tàn sát. Hai bên thù oán đời đời biết bao giờ mới hết?
Huyền Độ lẳng lặng một lúc, rồi cất tiếng niệm Phật nghĩa là bất đầu nhận thức được lẽ sắc không, vượt qua những cố chấp về kỳ thị chủng tộc và tự ái quốc gia. Sự thức tỉnh của một đại sư ngộ đạo đưa tâm hồn người đến chỗ sáng suốt, nên có thể Huyền Độ đại sư lâm râm niệm kinh Kim Cương hay Viên Giác.
Nếu tất cả đều ngộ tự nhiên thiên hạ sẽ thái bình. Mọi người sẽ thành thật thương yêu nhau, tôn trọng lẽ sống và quyền tự do tối thượng, đề cao nhân phẩm. Khổ nỗi tôn giáo chỉ là cái mộc tự vệ, an ủi của kẻ yếu, khi chưa giải quyết được sự bất công. Khi chưa giải quyết được nguồn nheo nhóc trên địa hạt hữu hình cụ thể, khuynh hướng giải thích siêu hình để con người chấp nhận thực trạng khốn khó gần giống như sự làm ngơ, thoả hiệp. Chính đó là nguyên nhân sự lúng túng thụ động của Thiếu Lâm trước những vấn nạn cấp thiết đòi hỏi một giải pháp cấp thời, nhãn tiền. Nhiều lúc các đại sư lại còn hiện diện cho kẻ khác lấy cớ hành động mê muội. Quần hào Cái bang truất ngôi bang chúa của Kiều Phong, các đại sư Thiếu Lâm có mặt để đóng vai chủ toạ. Quần hào Trung nguyên tụ họp ở Tụ hiền trang, để xếp đặt kế hoạch tiêu diệt một người chỉ có mỗi cái tội làm người Khất đan, các nhà sư vẫn sẵn sàng tham dự. Với uy tín cao cả môn phái được xem là võ lâm bắc đẩu, nếu các vị sư Thiếu lâm muốn hoà giải giữa hai dân tộc Liêu Tống, muốn ngăn cản một cuộc đổ máu vô ích, muốn giác ngộ kẻ đại ác, muốn bảo vệ công lý, thì hoài bão đó có thể thực hiện được dễ dàng. Ở đây, họ không làm gì hết, chỉ nhìn mọi diễn tiến kỳ quặc của đời sống thế tục với nhãn quan siêu hình.
Cho nên Tiêu Phong đã khai ngộ cho các thiền sư, mà sự tranh chấp đố kỵ giữa hai dân tộc láng giềng vẫn không giải quyết được. Những âm mưu tranh bá đồ vương vẫn tiến hành, và tiến hành ngay dưới mái chùa Thiếu Lâm: Mộ dung Bác âm mưu phục hưng cho Đại Yên, Tiêu Viễn Sơn âm mưu thu thập tinh tuý võ học của Trung nguyên cho quyền lợi ưu thắng của Đại Liêu. Chính Mộ Dung Bác hùng hồn chứng minh rằng sở dĩ mình hùng hồn phao vu cho Tiêu Viễn Sơn, chỉ vì muốn gây hiềm khích giữa Liêu Tống. Hai nước giao tranh, họ Mộ Dung mới có thể nhân cơ hội phục hưng nhà Yên.
Ngay dưới mái chùa Thiếu Lâm, Mộ Dung Bác đề nghị với Tiêu Phong:
"- Nếu nhà Mộ Dung dựng cờ khởi nghĩa dấy quân vào cướp Sơn Đông, mà được Đại Liêu hưởng ứng, đồng thời mấy nước Thổ phồn, Đại Lý cùng Tây Hạ cũng đứng lên thì năm nước chúng ta chia cắt nhà Đại Tống không phải là chuyện khó. Nước Yên của tại hạ không dám động chạm đến một tấc đất của Đại Liêu. Nếu công cuộc phục hưng thành tựu thì chỉ lấy đất Nam triều. Vụ này rất có lợi cho Đại Liêu, sao Tiêu huynh lại không vui lòng cử sự?
Tiêu Phong nghiêm nghị nói:
- Mối đại thù giết mẹ đâu có thể đem ra làm chuyện mua bán? Báo được thù thì báo, cha con ta chịu chết nơi đây. Những chuyện tham lam hèn hạ, cha con họ Tiêu này đâu có thể làm được.
Mộ Dung Bác ngửa mặt lên trời cả cười rồi lớn tiếng nói:
- Ta thường nghe nói Tiêu Phong đại hiệp là tay anh hùng quán thế kiến thức phi thường. Dè đâu bữa nay mới thấy rõ y là kẻ không hiểu đại nghĩa mà chỉ sính cường theo cái dũng của kẻ thất phu. Ha ha! Thiệt là đáng tức cười.
Tiêu Phong biết lão dùng lời nói khích, lạnh lùng nói:
- Tiêu Phong là anh hùng hào kiệt cũng được mà là phàm phu tục tử cũng được, nhưng không thể để kẻ khác dùng làm cái bung xung cho thoả tâm nguyện của họ.
Mộ Dung Bác nói:
- Kẻ ăn lộc vua phải biết trung quân mà đại hiệp lại nghĩ đến tư cừu của cha mẹ, không đem lòng tận trung báo quốc, há chẳng bất nghĩa với Đại Liêu?
Tiêu Phong tiến lên một bước hiên ngang nói:
- Ngươi vừa mới nói ngoài biên cương hai nước Tống Liêu thù hận giết nhau gây nên thảm trạng. Ngươi đã thấy cảnh người Tống và người Liêu chia lìa vợ con nhà tan người chết rồi chớ gì? Hai nước Tống Liêu bãi cuộc binh đao mấy chục năm xâm lấn Nam triều, rồi sẽ có bao nhiêu người Tống phải phơi thây? Bao nhiêu người Liêu phải uổng mạng?
Cuộc chiến chinh thảm khốc trên thế gian này ai là người nắm chắc được phần thắng? Nhà Đại Tống binh nhiều lương đủ, chỉ cần mấy viên đại tướng hết sức chống cự thì nước Đại Liêu và nước Thổ Phồng có hợp lực chiến đấu mà thắng được cũng phải máu chảy thành sông, thây chất thành núi, để cho họ Mộ Dung nhà ngươi thừa cơ phục hưng Yên Quốc. Việc kiến công lập nghiệp cần phải giữ đất yên dân như thế sao?
Tiêu Phong nhìn con người như nhìn một sinh vật tối thượng không thể nhân danh bất cứ điều gì, đưa ra bất cứ chiêu bài nào để hành hạ huỷ diệt. Dù biên giới có là sông rộng nước chảy tràn hai bờ xa lạ hay là những ngọn núi chất ngất đi lại khó khăn, bên này Nhạn môn quan và bên kia Nhạn môn quan, Tiêu Phong chỉ thấy những người dân sống trọn vẹn liên kết với tình cha mẹ vợ chồng anh em láng giềng, hệ luỵ với đất đá cây cỏ ruộng nương. Ngược lại, Mộ Dung Bác chỉ xem con người như một phần tử của cộng đồng thuần nhất bởi nòi giống quyền lợi vì vậy chịu tất cả những áp lực của gánh nặng của áp lực tinh thần, siêu hình, kinh tế, văn hoá. Con người, theo Mộ Dung Bác chỉ xứng đáng tồn tại nếu chịu tuân theo những quy luật có lợi cho cộng đồng, thích hợp với guồng máy chung.
Những lời tâm huyết của Tiêu Phong đã thức tỉnh được phần nào Mộ Dung Bác, kẻ chỉ mới mơ ước vươn tới chiếc vương miện uy quyền. Mộ Dung Bác chưa mắc kẹt trong mê hồn trận của sức mạnh uy quyền, chưa đạt danh vọng nên có thể tha làm phúc. Nhưng Tiêu Phong đã thất bại khi muốn can gián một ông vua tại vị dấn mình vào cuộc chiến tranh để mở rộng bờ cõi: Gia Luật Hồng Cơ.
Tiêu Phong không làm gì được để ngăn cản cuộc nam chinh của hoàng đế Đại Liêu, đành liều thân uy hiếp Hồng Cơ để bắt thề độc là từ nay về sau không bao giờ có ý định xua quân vượt qua Nhạn môn quan. Sau hành động tuyệt vọng ấy, Tiêu Phong chỉ còn một ngõ cụt: cái chết.
Đối với Đại Liêu, Tiêu Phong hết còn đất sống, vì đã dám bức bách hoàng đế. Đối với Đại Tống, trước sau ông cũng chỉ là một kẻ xa lạ không thể hoà đồng vào cuộc sống chung của Hán tộc. Kẻ muốn làm kiếp chim, bay bổng lên trên, xoá hết ranh giới nhỏ hẹp để sống theo tình người, kẻ muốn Nhạn môn quan hạ thấp và nâng cao thương yêu, liên đới nhân loại, không thể nào có đất đứng giữa xã hội này.
Ông chỉ còn có cách tự vẫn, để cho vó ngựa Khất đan không vượt qua ải. Ông đã thành công một cách tuyệt vọng:
"Vó ngựa lộp cộp vang lên một lúc, hàng vạn nhân mã nước Liêu vừa đi vừa ngoảnh cổ lại nhìn thi thể Tiêu Phong nằm thẳng dưới đất ra chiều thương cảm.
Trên vòm trời, tiếng chim líu lo gọi nhau. Một đàn hồng nhạn vượt qua đầu đoàn quân Liêu từ phía bắc xuống phía nam lại vượt qua bức tường thành Nhạn môn quan rồi bay mãi đi. Quân Liêu đi mỗi lúc một xa, tiếng vó ngựa dần dần biến thành những tiếng sấm rền khe khẽ phía sau núi.
Cuối cùng, vượt qua được biên giới quốc gia, chỉ có loài chim. Loài người hai chân dính chặt vào đất bùn lầy, lòng đầy thành kiến và hận thù, hai tay với mãi không tới được dự ước, làm sao ngông cuồng bắt chước Tiêu Phong?
Lục Mạch Thần Kiếm chấm dứt với tiếng thở dài của Kim Dung và lời ríu rít líu lo chế diễu của một loài chim.
Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung - Nguyễn Mộng Giác Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung